NGHỊ QUYẾT 58/2020/NQ-HĐND VỀ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VƯỜN HỘ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY CAM SÀNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/2020/NQ-HĐND |
Hà Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2020 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VƯỜN HỘ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY CAM SÀNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ 16
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Xét Tờ trình số 79/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và Báo cáo thẩm tra số 41/BC-KTNS ngày 06 tháng 12 năm 2020 của Ban Kinh tế – Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các Đại biểu HĐND tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc hỗ trợ
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ; hỗ trợ phát triển bền vững cây cam sành và hỗ trợ đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ.
b) Doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là tổ chức); cá nhân, hộ gia đình (gọi chung là cá nhân) có nhu cầu vay vốn để nâng cao chất lượng cây cam sành trên địa bàn 03 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; có nhu cầu bảo tồn gen, nhân giống tốt và chuyển giao kỹ thuật; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam sành; đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
3. Nguyên tắc hỗ trợ: Chỉ áp dụng một lần cho một đối tượng với một nội dung thụ hưởng; trừ các đối tượng bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Trong cùng thời gian, có nhiều chính sách hoặc có chính sách mới của nhà nước ban hành có cùng nội dung hỗ trợ thì đối tượng thụ hưởng chỉ được lựa chọn áp dụng một chính sách có lợi nhất.
Điều 2. Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ:
1. Đối tượng, định mức, thời gian vay vốn: Hộ nghèo, hộ cận nghèo có lao động, có nhu cầu vay vốn cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đáp ứng các điều kiện về vay vốn theo quy định tại Khoản 2 Điều này được vay vốn với lãi suất bằng 0%; mức vay vốn tối thiểu 10 triệu đồng/hộ và tối đa là 30 triệu đồng/hộ; thời gian vay vốn đa 30 tháng kể từ ngày được giải ngân.
2. Điều kiện cho vay:
a) Về tiêu chí vườn hộ: Khi thực hiện cải tạo vườn hộ phải cam kết đảm bảo đạt 04 tiêu chí như sau:
– Có sơ đồ cải tạo vườn tạp của hộ gia đình được thôn, xã xác nhận.
– Có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ít nhất một trong các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến hoặc hệ thống tưới.
– Sản phẩm hàng hóa từ vườn hộ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Nội dung cải tạo vườn bao gồm: Cải tạo đất vườn tạp (riêng đối với 4 huyện vùng cao phía bắc đổ đất tạo mặt bằng có độ dày tối thiểu đạt 60cm trở lên) để trồng các loại cây con ngắn ngày như sau, củ, quả, nấm, cây dược liệu; phát triển chăn nuôi lợn, dê, gia cầm; thủy sản; hỗ trợ giống cây, con giống, khoa học kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, có liên kết với các Hợp tác xã, doanh nghiệp trong bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.
b) Về quy mô diện tích vườn hộ
– Đối với các huyện vùng thấp: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố Hà Giang diện tích vườn hộ tối thiểu từ 300m2 trở lên.
– Đối với các huyện phía Tây: Hoàng Su Phì, Xín Mần diện tích vườn hộ tối thiểu từ 200m2 trở lên.
– Đối với các huyện vùng núi phía Bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc diện tích vườn hộ tối thiểu từ 100m2 trở lên.
3. Hồ sơ, trình tự thực hiện vay vốn:
a) Hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn gửi đơn đăng ký về Ủy ban nhân dân cấp xã.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã tập hợp và xác nhận đơn vay của các hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn. Lập danh sách hộ vay, nhu cầu, thời gian vay gửi Ngân hàng chính sách xã hội huyện.
c) Ngân hàng chính sách xã hội huyện phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc ủy quyền cho các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác phối hợp thẩm định điều kiện vay vốn. Ngân hàng chính sách xã hội có trách nhiệm thông báo lại cho các hộ nghèo, cận nghèo có đơn vay vốn (đủ hay không đủ điều kiện được vay vốn) và hướng dẫn cho các hộ nghèo, cận nghèo lập hồ sơ vay vốn.
d) Việc giải ngân vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện tại trụ sở UBND cấp xã.
Điều 3. Chính sách phát triển bền vững cây cam sành
1. Chính sách cho vay vốn để nâng cao chất lượng cây cam sành:
a) Đối tượng, định mức, thời gian vay vốn: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn để nâng cao chất lượng cây cam sành đáp ứng các điều kiện vay vốn quy định tại điểm b, khoản 1, điều này thì được vay vốn với lãi suất bằng 0%; mức vay đối với các tổ chức, cá nhân tối đa là 60 triệu đồng/ha; thời gian vay là 36 tháng kể từ ngày được giải ngân.
b) Điều kiện vay vốn:
– Về tiêu chí: Vườn cam sành phải cam kết đảm bảo đạt 04 tiêu chí:
+ Diện tích vườn cam sành đang trong giai đoạn kinh doanh từ 6 tuổi trở lên đến dưới 15 tuổi, vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, đối với tổ chức tối thiểu từ 05 ha; đối với cá nhân tối thiểu 01 ha, cây phải được trồng tập trung, liền vùng, liền thửa thuộc 38 xã, thị trấn trên địa bàn 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý cam sành Hà Giang.
+ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc diện tích đang sử dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ (hoặc giấy tờ, hợp đồng mua bán đất, thuê đất… chứng minh diện tích đất đó thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân và đất đó không có tranh chấp).
+ Cam kết đầu tư sản xuất phải đảm bảo đúng theo quy trình kỹ thuật do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành; thâm canh theo hướng tiêu chuẩn GAP (VietGAP, hữu cơ…).
+ Sản phẩm cam sành sau cải tạo vườn phải đảm bảo chất lượng đặc thù, hình thái sản phẩm cam sành theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 4092/QĐ-SHTT ngày 10/10/2016 của Cục Sở Hữu trí tuệ.
– Về nội dung nâng cao chất lượng cây cam sành: Chỉnh trang vườn, cắt tỉa tạo tán, cải tạo đất trồng, đầu tư thâm canh, chăm sóc, làm đường giao thông nội vườn, xây dựng hệ thống tưới, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam sành.
c) Hồ sơ, trình tự thực hiện vay vốn:
– Tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn giử đơn đăng ký về Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Ủy ban nhân dân cấp xã tập hợp đơn vay của các tổ chức, cá nhân xin vay vốn, diện tích, số tiền, thời gian vay để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cam sành gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.
– Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân gửi Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Ngân hàng chính sách xã hội huyện trực tiếp hoặc Ủy quyền cho các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thẩm định điều kiện vay vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thông báo lại cho các tổ chức, cá nhân có đơn vay vốn (đủ hay không đủ điều kiện được vay vốn) và hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân lập hồ sơ vay vốn.
– Việc giải ngân vốn vay cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Chính sách bảo tồn gen, nhân giống tốt và chuyển giao kỹ thuật:
a) Đối tượng, nội dung và mức hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân bảo tồn cây cam sành đầu dòng sẵn có và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất giống nhằm tạo ra nguồn giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh để cung cấp cho diện tích trồng mới thay thế diện tích già cỗi (nếu có) thì được hỗ trợ trực tiếp 500.000 đồng/cây đầu dòng/năm.
b) Về điều kiện hỗ trợ: Có cơ sở lưu giữ nguồn giống cam sành So, Sl được bảo tồn trên địa bàn tỉnh. Nguồn giống được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đánh giá hàng năm.
c) Hồ sơ, trình tự thực hiện: Đối với tổ chức xây dựng kế hoạch hàng năm để bảo vệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính. Đối với cá nhân gửi đơn đăng ký đề nghị hỗ trợ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Chính sách hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam sành:
a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ phải đảm bảo đạt các tiêu chí sản phẩm cam sành VietGAP, hữu cơ và có giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp; phải có hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật.
b) Về nội dung và mức hỗ trợ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ cước phí vận chuyển sản phẩm cam sành VietGAP, hữu cơ khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường ngoài tỉnh với mức hỗ trợ trực tiếp bằng 100.000 đồng/tấn quả tươi, đồng thời tham gia chương trình xúc tiến thương mại theo kế hoạch hàng năm của tỉnh.
c) Trình tự thực hiện hỗ trợ:
– Có đơn đăng ký gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Ủy ban nhân dân cấp xã tập hợp đơn của các tổ chức, cá nhân đề nghị hưởng chính sách gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để xem xét thẩm định.
– Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện; Ủy ban nhân dân xã tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ.
– Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thông báo lại cho các tổ chức, cá nhân đủ hoặc không đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ.
– Việc giải ngân vốn hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sau khi hoàn thành hợp đồng (có biên bản nghiệm thu và thanh lý).
Điều 4. Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả có múi
1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
2. Nội dung hỗ trợ:
– Hỗ trợ 100% chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo thực tế dự án.
– Hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào: Hệ thống hạ tầng còn thiếu, gồm: cấp điện, cấp nước, đường giao thông, xử lý nước thải. Mức hỗ trợ theo thực tế của từng dự án, nhưng tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án.
3. Hình thức hỗ trợ: Sau đầu tư
4. Hồ sơ, trình tự thực hiện:
a) Hồ sơ dự án: Đơn đề nghị hỗ trợ của tổ chức, cá nhân; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh; dự án đầu tư kèm theo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo lại cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được hỗ trợ.
b) Hồ sơ giải ngân: Văn bản đề nghị nghiệm thu và đề nghị được hưởng hỗ trợ (gửi cơ quan chủ trì nghiệm thu); văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; quyết định hỗ trợ đầu tư; biên bản bàn giao, hợp đồng, thanh lý hợp đồng chứng minh việc tạo mặt bằng, xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào cho nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả có múi; biên bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục hỗ trợ của cơ quan chủ trì nghiệm thu.
c) Nghiệm thu, nội dung nghiệm thu hỗ trợ:
– Nghiệm thu: Đối tượng hưởng hỗ trợ nộp 03 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho cơ quan chủ trì nghiệm thu (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong thời gian 05 ngày làm việc, cơ quan chủ trì nghiệm thu có trách nhiệm mời đại diện cơ quan chuyên ngành liên quan và đối tượng hưởng hỗ trợ tiến hành nghiệm thu hoàn thành các hạng mục hỗ trợ.
– Nội dung nghiệm thu: Kiểm tra hồ sơ nghiệm thu; xác nhận khối lượng hoàn thành. Cơ quan chủ trì nghiệm thu lập biên bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục hỗ trợ, có chữ ký của các đại diện tham gia nghiệm thu; mỗi thành viên tham gia nghiệm thu được giữ 01 bản, đối tượng hưởng hỗ trợ được giữ 02 bản làm căn cứ pháp lý để giải ngân khoản hỗ trợ.
Điều 5. Về nguồn vốn thực hiện chính sách
1. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho vay theo Điều 2 và khoản 1, Điều 3 của Nghị quyết này được bố trí từ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Giang để thực hiện cho vay vốn.
2. Nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp theo khoản 2, khoản 3, Điều 3 và Điều 4 của Nghị quyết này được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh.
Điều 6. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang khóa XVII, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH Thào Hồng Sơn |
NGHỊ QUYẾT 58/2020/NQ-HĐND VỀ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VƯỜN HỘ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY CAM SÀNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025 | |||
Số, ký hiệu văn bản | 58/2020/NQ-HĐND | Ngày hiệu lực | 01/01/2021 |
Loại văn bản | Nghị quyết | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Thương mại |
Ngày ban hành | 09/12/2020 |
Cơ quan ban hành |
Hà Giang |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |