ĐIỀU KIỆN ĐỂ TOÀ TUYÊN BỐ VỢ ĐẠI GIA MINH “NHỰA” MẤT TÍCH

Posted on

Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, dù đã áp dụng đầy đủ biện pháp theo quy định nhưng vẫn không có tin tức xác thực thì theo yêu cầu của người liên quan, tòa có thể tuyên bố người đó mất tích.

TAND quận 5, TP.HCM đang thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Phương Thúy (sinh năm 1982) trong thời hạn 4 tháng.
Bà Thúy là bị đơn trong vụ án ly hôn mà ông Phạm Trần Nhật Minh (sinh năm 1983, thường được cộng đồng mạng gọi là đại gia Minh “nhựa”) là nguyên đơn.
Theo ông Minh, bà Thúy đã rời khỏi nơi cư trú ở đường Kim Biên, phường 13, quận 5 hơn 8 năm. Hiện qua tìm kiếm, ông Minh cho là không xác định được nơi ở của bà Thúy.
Từ đó, ông Minh đã nộp đơn bổ sung vụ việc yêu cầu toà tuyên bố bà Thuý mất tích theo luật để sau đó tiến hành ly hôn.
Vấn đề bạn đọc quan tâm là khi nào thì một người sẽ bị tuyên bố là mất tích? Hậu quả pháp lý của việc bị tuyên bố mất tích là gì? Giải quyết ly hôn với người bị tuyên bố mất tích ra sao?…
Luật sư Bùi Viết Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Nếu một người vắng mặt tại nơi cư trú và không có tin tức gì về họ đã lâu thì các mối quan hệ xã hội mà họ đang tham gia sẽ bị gián đoạn.
Những người liên quan trong các mối quan hệ với họ như dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động… có quyền yêu cầu tòa tuyên bố họ mất tích để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo Điều 68 BLDS 2015, khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ biện pháp theo quy định nhưng vẫn không có tin tức xác thực của họ thì theo yêu cầu của người liên quan, tòa có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không thì tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu vẫn không xác định được thì tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Theo khoản 3 Điều 27, khoản 2 Điều 35 và điểm b khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015 thì thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND cấp huyện nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích cư trú cuối cùng.

Thủ tục tuyên bố một người mất tích được quy định tại Chương XXV, Chương XXVI BLTTDS 2015.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn, tòa ra thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Thông báo này phải được đăng công khai theo quy định.
Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 4 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo tìm kiếm thì tòa phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định trường hợp vợ/chồng của người bị tòa tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì tòa giải quyết cho ly hôn.
Vợ/chồng của người mất tích có quyền nộp đơn ly hôn đơn phương tại TAND cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của bị đơn trước khi người đó mất tích.
Ly hôn với người mất tích thuộc trường hợp không hòa giải được, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Theo Điều 390 BLTTDS 2015, nếu toà đã quyết định cho người chồng đơn phương ly hôn vì vợ mất tích theo luật mà sau đó vợ anh ta trở về thì tòa sẽ hủy quyết định tuyên bố mất tích này. Quyết định hủy phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích theo quy định của BLDS.
Sau khi người bị tuyên bố mất tích trở về, quan hệ hôn nhân của họ sẽ tùy vào tình cảm và ý chí của họ. Về tài sản chung và nợ chung thì đương sự có quyền khởi kiện.
Vụ án này chỉ có nguyên đơn tham gia tố tụng và cung cấp chứng cứ. Nguyên đơn khai không có tài sản chung nên không đặt vấn đề tài sản ra để giải quyết.
Theo báo plo.vn.