18. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phụ thuộc vào tính chất hành vi vi phạm pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 97/2017/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. (Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. (Khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
2. Đối tượng áp dụng
Căn cứ tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP và Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Lưu ý:
– Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác, ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh do cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý (điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)
– Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức (khoản 1 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP)
– Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;
+ Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Lưu ý: Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan (khoản 1 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP)
– Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Lưu ý chung: Từng đối tượng sẽ được quy định cụ thể về hình thức áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 tuy nhiên sẽ không áp dụng với người nước ngoài (khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)
3. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; nếu quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn của quyết định.
Lưu ý: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt trừ trường hợp việc thi hành gây hậu quả khó khắc phục.
4. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
– Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
+ Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
+ Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
+ Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
+ Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính.
– Không xác định được hoặc không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật xử lý vi phạm hành chính;
– Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;
Lưu ý:
Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
– Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;
– Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.( Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
Kết luận: Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phụ thuộc vào tính chất hành vi vi sẽ được áp dụng cho mọi cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính (trừ người nước ngoài) của pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 97/2017/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Thủ tục | Nội dung |
---|