59. Áp giải người vi phạm
Người có thẩm quyền áp giải sẽ có nhiệm vụ áp giải người vi phạm khi không tự nguyện chấp hành yêu cầu. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 112/2013/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Theo Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thì áp giải người vi phạm là một trong những biệp pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.
2.Đối tượng bị áp giải
Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 112/2013/NĐ-CP người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải trong các trường hợp sau đây:
– Người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải trong các trường hợp sau đây:
– Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính;
– Đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 132 Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Người bị trục xuất không tự giác chấp hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc có hành vi chống đối, bỏ trốn.
3.Thẩm quyền áp giải
Căn cứ theo Điều 25 Nghị định 112/2013/NĐ-CP, những người có thẩm quyền sau đây đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính:
– Chiến sĩ Công an nhân dân.
– Chiến sĩ Bộ đội biên phòng.
– Cảnh sát viên Cảnh sát biển.
– Công chức Hải quan.
– Kiểm lâm viên.
– Công chức Thuế.
– Kiểm soát viên thị trường.
– Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
– Chấp hành viên thi hành án dân sự.
4.Thủ tục thực hiện việc áp giải
Căn cứ Điều 26 Nghị định 112/2013/NĐ-CP thủ tục thực hiện việc áp giải như sau:
– Trước khi áp giải, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải giải thích cho người bị áp giải về quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình bị áp giải theo quy định của pháp luật, giải đáp thắc mắc của người bị áp giải.
– Trong khi áp giải phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người có thẩm quyền đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải và cho người bị áp giải. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ khi áp dụng biện pháp áp giải phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp người bị áp giải có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi chống người thi hành công vụ, cán bộ đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải báo cáo ngay người có thẩm quyền để ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người đó.
– Cán bộ áp giải phải giám sát, quản lý chặt chẽ người bị áp giải, cảnh giác, chủ động, kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra; không được tùy tiện giải quyết các yêu cầu của người bị áp giải trong khi đang tiến hành áp giải.
5. Giao, nhận người bị áp giải
Căn cứ Điều 27 Nghị định 112/2013/NĐ-CP việc giao và nhận người bị áp giải được quy định như sau:
– Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải tiến hành lập biên bản giao, nhận người bị áp giải với cơ quan tiếp nhận người bị áp giải.
– Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ khi đến địa điểm thực hiện áp giải phải mời đại diện chính quyền địa phương nơi người bị áp giải cư trú hoặc đang bị quản lý, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị áp giải làm việc, học tập và người chứng kiến.
– Tiến hành kiểm tra, đối chiếu ảnh, giấy tờ tùy thân, xác định đúng người vi phạm bị áp giải theo thủ tục hành chính và lập biên bản về việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính.
6. Lập biên bản áp giải
Căn cứ Điều 28 Nghị định 112/2013/NĐ-CP, Biên bản áp giải người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định này phải bao gồm các nội dung sau:
– Ghi rõ giờ, phút, ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản.
– Họ, tên, chức vụ, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bên giao, bên nhận; họ, tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác của người có hành vi vi phạm bị áp giải; hành vi vi phạm; thời gian, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm; tình trạng sức khỏe, thái độ của người có hành vi vi phạm, tang vật, tài sản của họ (nếu có) và những tình tiết khác có liên quan đến việc áp giải người vi phạm; trường hợp có người làm chứng phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người làm chứng.
– Biên bản phải có chữ ký của bên giao, bên nhận áp giải và của người có hành vi vi phạm bị áp giải, người làm chứng (nếu có); người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính ký tên vào biên bản giao, nhận người vi phạm bị áp giải. Trường hợp người vi phạm bị áp giải, người làm chứng từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
– Biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính bị áp giải phải lập thành hai bản và đọc cho mọi người tham gia ký biên bản nghe; bên nhận, bên giao người vi phạm bị áp giải mỗi bên giữ một bản.
7. Xử lí một số tình huống trong khi áp giải
Căn cứ Điều 29 Nghị định 112/2013/NĐ-CP một số tình huống phát sinh trong khi áp giải được giải quyết như sau:
– Trường hợp người bị áp giải có hành vi chống đối thì cán bộ áp giải giải thích quy định của pháp luật, yêu cầu họ chấp hành quyết định; trường hợp cần thiết cán bộ áp giải có quyền sử dụng vũ lực, trói, khóa tay, chân, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để khống chế vô hiệu hóa hành vi chống đối của người bị áp giải.
– Trường hợp người vi phạm bỏ trốn thì người thi hành quyết định áp giải phải lập biên bản có chữ ký của người chứng kiến; nếu không có người chứng kiến phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Kết luận: Người vi phạm sẽ bị áp giải khi thuộc trong những trường hợp quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 112/2013/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Áp giải người vi phạm
Thủ tục | Nội dung |
---|