QUYẾT ĐỊNH 775/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỈNH TÂY NINH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 775/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỈNH TÂY NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 ngày 22 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tại Tờ trình số 1070/TTr-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2020 về việc đề nghị phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 2894/BC-HĐTĐ ngày 05 tháng 5 năm 2020 của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo số 157/BC-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung sau:
I. TÊN QUY HOẠCH
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
II. PHẠM VI, THỜI KỲ QUY HOẠCH
1. Phạm vi quy hoạch:
Phạm vi ranh giới quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên là 4.041,3 km2 tại tọa độ địa lý từ 10057’08” đến 11046’36” vĩ độ Bắc và từ 105048’43” đến 106022’48” kinh độ Đông; ranh giới:
– Phía Đông: giáp với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước;
– Phía Nam: giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An;
– Phía Tây và Bắc: giáp với Vương quốc Campuchia.
2. Thời kỳ lập quy hoạch:
– Thời kỳ lập quy hoạch: 2021 – 2030;
– Tầm nhìn dài hạn: đến năm 2050.
III. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC, MỤC TIÊU LẬP QUY HOẠCH
1. Quan điểm lập quy hoạch:
– Việc lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các nội dung định hướng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến địa bàn tỉnh Tây Ninh; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Kế thừa, tiếp thu các quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt còn phù hợp trong bối cảnh mới và danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 110/NQ-CP của Chính phủ ngày 02 tháng 12 năm 2019;
– Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù của tỉnh, vận dụng thành tựu khoa học và công nghệ để tạo nguồn lực, động lực mới nhằm đột phá về năng suất, chất lượng cho sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh, lựa chọn tiêu chí phù hợp để phát triển bền vững. Khai thác lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát huy vai trò là động lực phát triển của cả nước ở phía Nam (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) và là cửa ngõ giao thương quốc tế của Việt Nam với Campuchia và các nước ASEAN; không gian phát triển theo mô hình kinh tế tổng hợp (công nghiệp công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ – du lịch, giáo dục đào tạo và nông – lâm – ngư nghiệp xoay quanh các đô thị hạt nhân cấp tỉnh, cấp khu vực, các đô thị cửa khẩu), với các hành lang phát triển kinh tế tỉnh trên các trục Bắc Nam (hành lang QL 22B, ĐT 789, ĐT 793, ĐT 785, đường sắt cao tốc dự kiến) và các trục Đông Tây (QL22, QL14C, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Hồ Chí Minh – Mộc Bài, ĐT 781, ĐT 782, đường sắt Hồ Chí Minh – Mộc Bài) nối các đô thị trung tâm tỉnh tới các huyện, xã, các trung tâm kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Hồ Chí Minh và gắn kết các nước trong khu vực;
– Phát triển tỉnh Tây Ninh dựa vào tiềm năng, lợi thế đặc thù, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực (bên trong và bên ngoài tỉnh), đột phá trên cơ sở quản lý và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với chuyển đổi số nền kinh tế, tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ toàn cầu, phát huy các lợi thế cạnh tranh để mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo đảm môi trường bền vững;
– Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân, bảo đảm phát triển và công bằng xã hội giữa các tầng lớp nhân dân, giữa khu vực nông thôn với khu vực đô thị, giữa khu vực phía Bắc và phía Nam của tỉnh; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;
– Gắn phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới; bảo đảm đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Campuchia. Chủ động, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội;
– Việc lập quy hoạch phải bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân theo quy định.
2. Nguyên tắc lập quy hoạch:
– Đảm bảo tuân thủ theo Luật Quy hoạch, Nghị định, các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường;
– Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia;
– Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới;
– Đảm bảo tính khả thi, bền vững và dài hạn, tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo; phù hợp với khả năng cân đối, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Tây Ninh;
– Đảm bảo tính mở, công khai, minh bạch, tính thị trường trong xây dựng hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; đảm bảo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong phân bổ nguồn lực.
3. Mục tiêu lập quy hoạch:
Việc lập quy hoạch tỉnh nhằm xây dựng phương án phát triển tổng thể, đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hướng đến những động lực mới; tạo sự đột phá trong phát triển và bố trí không gian hợp lý trên các lĩnh vực phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp và thân thiện với môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các Khu công nghiệp tại các vị trí có lợi thế về đất đai, giao thông; cơ cấu lại các Khu kinh tế cửa khẩu cho phù hợp với nhu cầu phát triển; đẩy mạnh thu hút đầu tư khai thác du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các khu đô thị mới; phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; phát triển thương mại, dịch vụ có chất lượng và đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước. Vì vậy, nghiên cứu lập quy hoạch tỉnh phải đạt được các mục tiêu:
– Quy hoạch nhằm đánh giá thực trạng kinh tế – xã hội của tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2011 – 2020, dự báo và đề xuất các phương án phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, xác định được các đột phá phát triển và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đảm bảo phát triển bền vững dài hạn trên 04 trụ cột là kinh tế – xã hội – môi trường và quốc phòng, an ninh biên giới;
– Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 đưa ra được phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn được phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn tỉnh cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài;
– Quy hoạch tỉnh đưa ra được phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong tỉnh và vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam;
– Quy hoạch tỉnh đưa ra được danh mục và thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, cũng như giải pháp huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch theo các kịch bản phát triển;
– Quy hoạch tỉnh đưa ra được các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp (về cơ chế, chính sách, huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội) tính khả thi; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển kinh tế – xã hội – môi trường;
– Quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh Tây Ninh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất quản lý và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững;
– Việc lập quy hoạch tỉnh xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quy hoạch thống nhất trong tỉnh đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của tỉnh, vùng và quốc gia.
IV. NỘI DUNG CỦA QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch:
a) Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột: kinh tế – xã hội – môi trường và quốc phòng, an ninh biên giới; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên;
b) Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện;
c) Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử – văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai;
d) Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
2. Xác định nội dung quy hoạch:
a) Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh (gồm các điều kiện tự nhiên, xã hội; bối cảnh bên ngoài; tổng hợp các cơ hội, thách thức):
– Phân tích bối cảnh, đánh giá, nhận định về các lợi thế, cơ hội, khó khăn, thách thức và những ưu tiên của tỉnh thời kỳ quy hoạch;
– Phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế; điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và xác định các vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch;
– Đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước;
– Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn (gồm thực trạng phát triển kinh tế, xã hội; công tác đảm bảo quốc phòng – an ninh; tổ chức không gian và phát triển hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường);
b) Xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển trong thời kỳ quy hoạch:
– Các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch;
– Phương án phát triển các ngành quan trọng (gồm các ngành công nghiệp; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản; các lĩnh vực văn hóa, xã hội và quốc phòng – an ninh);
– Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội;
– Phương án tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn và kết cấu hạ tầng xã hội;
– Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
– Phương án xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; mạng lưới giao thông;
– Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;
– Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên; thủy lợi, cấp nước;
– Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; khu xử lý chất thải;
– Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;
– Phương án phát triển mạng lưới viễn thông; lưới cấp điện;
– Xây dựng danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện;
– Xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch;
c) Yêu cầu về các nội dung đề xuất: các nội dung đề xuất nghiên cứu để đưa vào quy hoạch tỉnh phải có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương, xuất phát từ nhu cầu phát triển, yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương;
d) Yêu cầu về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược: Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
V. PHƯƠNG PHÁP LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về phương pháp lập quy hoạch:
Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, khoa học, phù hợp thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
2. Các phương pháp lập quy hoạch:
Sử dụng các phương pháp lập quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và có độ tin cậy cao, cụ thể:
– Phương pháp tích hợp quy hoạch;
– Phương pháp dự báo phát triển và quy hoạch chiến lược;
– Phương pháp phân tích hệ thống; phương pháp phân tích, đánh giá tổng hợp; phương pháp so sánh; phương pháp kịch bản;
– Phương pháp chuyên gia và tham vấn các bên liên quan;
– Các phương pháp phân tích chuyên ngành khác, như phương pháp chồng lớp bản đồ với việc áp dụng công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin địa lý (GIS);
– Phương pháp phân tích hệ thống, so sánh, tổng hợp, mô hình tối ưu, mô hình toán, phân tích ma trận SWOT.
VI. THÀNH PHẦN HỒ SƠ, CHI PHÍ, TIẾN ĐỘ LẬP QUY HOẠCH
1. Thành phần hồ sơ:
a) Văn bản:
– Tờ trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch, dự thảo văn bản phê duyệt quy hoạch;
– Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
– Báo cáo thuyết minh quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo tóm tắt kèm theo các sơ đồ, bản đồ thu nhỏ;
– Các phụ lục và văn bản pháp lý liên quan;
– Báo cáo nội dung tích hợp vào quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
– Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
b) Bản đồ và sơ đồ phân tích:
– Bản đồ in tỷ lệ 1:250.000 – 1:1.000.000: bản đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh Tây Ninh;
– Bản đồ số và bản đồ in, tỷ lệ 1:25.000 – 1:100.000:
+ Các bản đồ về hiện trạng phát triển;
+ Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng;
+ Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn;
+ Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng;
+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội;
+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật;
+ Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất;
+ Bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên;
+ Bản đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu;
+ Bản đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;
+ Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện;
+ Một số bản đồ chuyên đề khác;
– Các sơ đồ nghiên cứu phân tích quy hoạch;
c) Cơ sở dữ liệu quy hoạch (đĩa CD).
2. Chi phí lập quy hoạch:
Thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Thời hạn lập quy hoạch:
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức lập và hoàn thành lập quy hoạch tỉnh không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017 và quy định pháp luật liên quan.
2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện lập quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG Trịnh Đình Dũng |
QUYẾT ĐỊNH 775/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỈNH TÂY NINH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 775/QĐ-TTg | Ngày hiệu lực | 08/06/2020 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
xây dựng đô thị |
Ngày ban hành | 08/06/2020 |
Cơ quan ban hành |
Thủ tướng chính phủ |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |
|