CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỢ CHỒNG SINH CON MỘT BỀ, HIỂU THẾ NÀO MỚI ĐÚNG?

Posted on

Sau khi Thông tư 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành có hiệu lực vào ngày 10/3/2021 thì nhiều phương tiện truyền thông đăng tin với nội dung: “Từ 10/3, sinh 2 con một bề được hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí”. Tuy nhiên, theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình – Bộ Y tế, đây là cách hiểu không đầy đủ. 

Từ nội dung “hướng dẫn” hiểu thành nội dung “mặc định”

Mới đây, trao đổi với truyền thông, TS Đinh Huy Dương – Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình cho biết, Thông tư 01/2021/TT-BYT được ban hành nhằm mục đích hướng dẫn một số nội dung để địa phương làm căn cứ xây dựng chính sách khuyến khích, khen thưởng, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.

Cụ thể, Điều 4 Thông tư 01/2021/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Với tập thể, các xã đạt 100% thôn đã có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng một lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Với cá nhân, căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, địa phương lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con như: Tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt; miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh; hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.

“Như vậy, việc các cặp vợ chồng sinh con một bề và có ký cam kết không sinh thêm con có thuộc diện được khuyến khích, hỗ trợ hay không còn tùy thuộc vào tình hình thực tế tại từng địa phương, do địa phương quyết định. Điều này không đồng nghĩa với việc, tất cả người dân trên cả nước, cứ sinh 2 con một bề là được hưởng các khuyến khích, hỗ trợ như một số bài báo đã đăng tải” – TS Đinh Huy Dương nhấn mạnh.

Như vậy có thể hiểu, với Thông tư 01/2021/TT-BYT, Bộ Y tế chỉ xây dựng Thông tư làm căn cứ để các địa phương thực hiện. Còn khen thưởng, khuyến khích ra sao là do địa phương quyết định, phụ thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội của từng địa phương.

Nguồn kinh phí khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác dân số nói chung lấy từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

Thông tin này cho thấy việc một số phương tiện thông tin đăng tải thông tin “Từ 10/3, sinh con một bề được hỗ trợ bảo hiểm y tế, giảm học phí” là cách hiểu chưa đúng, dễ gây hiểu lầm cho không ít người là cứ sinh con một bề là được hỗ trợ bảo hiểm y tế, giảm học phí.

Cũng theo TS Đinh Huy Dương, Bộ Y tế chỉ đưa ra hướng dẫn. Trong quá trình các địa phương triển khai thực hiện, nếu có bất kỳ vướng mắc nào, địa phương cần phản ánh kịp thời về Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế để xem xét, giải quyết.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.800 bé gái không được sinh ra vì định kiến giới

Cũng cần phải nói thêm rằng, từ trước đến nay, nhiều địa phương đã có các hình thức khen thưởng, hỗ trợ gia đình sinh con một bề. Đơn cử như tỉnh Hậu Giang vào các năm 2019-2020 đã khen thưởng gia đình sinh con một bề là gái. Trong năm 2019-2020 toàn tỉnh đã có 56 gia đình được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và số tiền trị giá 01 tháng lương cơ bản hiện hành, tương đương với số tiền 1.490.000 đồng.

Một số tỉnh, thành phố khác như: Cần Thơ, An Giang, Hà Tĩnh… cũng đang áp dụng chính sách khen thưởng gia đình sinh con một bề là gái. Các hình thức biểu dương, khen thưởng bằng tiền hay hiện vật, tùy thuộc vào từng địa phương, thậm chí từng huyện, từng xã… Các hình thức khen thưởng này nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (nam nhiều hơn nữ) của địa phương.

Hiện nay tỷ số giới tính khi sinh (SRB) ở Việt Nam có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo Tổng cục Thống kê, SRB của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay. Kết quả từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999 SRB là 107 bé trai/100 bé gái; năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,2 triệu trẻ em gái không được sinh ra và con số này ở Việt Nam là 40.800 trẻ em gái vì nguyên nhân lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới, thông tin từ Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) cho thấy.

Nếu SRB vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người kéo theo nhiều hệ lụy như: Đàn ông khó có vợ, tình trạng mua bán người, cướp vợ, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, gây hệ lụy đến cấu trúc gia đình trong tương lai

Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đưa SRB về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái, nhất là đối với những vùng có tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cao.

UNFPA cũng đã và đang triển khai tại Việt Nam một loạt các hoạt động truyền thông với chủ đề “Sinh con gái, hái niềm vui”; “Là con gái để tỏa sáng” để thông qua đó để truyền đi thông điệp rằng nếu được trao quyền, phụ nữ hoàn toàn có thể làm được những công việc mà nam giới vẫn thường làm

Theo baophapluat.vn.