Đăng ký khai tử là Thủ tục pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhằm xác nhận sự kiện chết của một con người và xác định sự chấm dứt các quan hệ pháp luật của con người đó, đồng thời, là phương tiện để nhà nước theo dõi biến động dân số của mình. Tuy nhiên, khi công dân nước ngoài mất tại Việt Nam thì thân nhân của họ có thể thực hiện đăng ký khai tử tại Việt Nam. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa vấn đề trên qua Luật Hộ tịch năm 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP ;Thông tư 15/2015/TT-BTP;
1. Một số vấn đề liên quan.
– Trong trường hợp công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (lao động, du lịch…) mà mất tại Việt Nam thì lãnh sứ quán của nước đó tại Việt Nam có thể giúp tiến hành các thủ tục để di chuyển, thiêu hoặc chôn thi thể người quá cố và thực hiện thủ tục đăng ký khai từ.
– Theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 35/2008/NĐ-CP thì “Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nguyện vọng được táng tại Việt Nam sau khi chết được xem xét, cho phép táng tại các nghĩa trang ở Việt Nam.”. Tuy nhiên, Nghị định 35 này đã hết hiệu lực và bị thay thế bởi Nghị định 23/2016/NĐ-CP và văn bản mới này không nhắc đến vấn đề người nước ngoài được án tang tại Việt Nam. Vì thế theo khoản 2 Điều 3 Bộ Luật dân sự 2015 thì công dân được thỏa thuận, cam kết không vi phạm điều cấm của luật, tức là công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm nên người nước ngoài có thể khai tử và chôn cất tại Việt Nam.
Lưu ý:
– Theo Điều 3 Nghị định 123/2015/NĐ-CP giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.
– Ngoài ra, Theo Khoản 4, Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước có chung đường biên giới với Việt Nam (sau đây gọi là nước láng giềng) lập, cấp, xác nhận sử dụng để đăng ký hộ tịch theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 của Luật Hộ tịch được miễn hợp pháp hóa lãnh sự; dịch ra tiếng Việt và có cam kết của người dịch về việc dịch đúng nội dung.
– Theo Điều 10 Luật hộ tịch 2014 Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Đăng ký khai tử cho người nước ngoài tại Viêt Nam
Theo Điều 51 Luật hộ tịch 2014 thì việc đăng ký khai tử do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
– Theo Điều 52 Luật hộ tịch 2014 thì công chức làm công tác hộ tịch ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nếu thấy việc khai tử đúng thì ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi khai tử ký vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục hộ tịch cho người đi khai tử. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.
=> Sau khi đăng ký khai tử, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục hộ tịch cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết là công dân.
Lưu ý:
– Xác định nội dung đăng ký khai tử:
Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì Khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.
Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
+ Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;
+ Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;
+ Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;
+ Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;
+ Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.
– Đăng ký khai tử tại khu vực biên giới: Theo Điều 20 nghị định 123/2015/NĐ-CP thì trường hợp đăng ký khai tử tại khu vực biên giới như sau:
– Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký khai tử cho người chết là người nước ngoài cư trú tại xã đó.
– Người yêu cầu đăng ký khai tử nộp Tờ khai đăng ký khai tử theo mẫu tại phụ lục 5 Thông tư 15/2015/TT-BTP, bản chính Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử được cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
– Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy việc khai tử là đúng, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký khai tử ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.
– Sau khi đăng ký khai tử, Ủy ban nhân dân xã có văn bản thông báo kèm theo bản sao trích lục hộ tịch gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết mang quốc tịch.
Kết luận: Việc đăng ký khai tử đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chính sách của nhà nước sao cho phù hợp nhằm ổn định và phát triển xã hội. Đồng thời cũng xác định tư cách pháp luật, quyền và nghĩa vụ của cá nhân ở nước ngoài. Do đó khi thực hiện việc đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật theo Luật Hộ tịch năm 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP;Thông tư 15/2015/TT-BTP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài