Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện số người lựa chọn học nghề chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nguyên nhân do do quy định về mức hỗ trợ học nghề còn thấp
COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện số người lựa chọn học nghề chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mâu thuẫn này phát sinh do quy định về mức hỗ trợ học nghề còn thấp. Với mức tiền hỗ trợ và thời gian học ngắn như vậy thì người lao động chỉ được đào tạo nghề sơ cấp, sau khi tốt nghiệp cũng không dễ tìm việc làm. Mà nếu có tìm được việc làm thì mức lương chênh lệch giữa trình độ THPT và trình độ sơ cấp cũng không cao, do vậy người lao động chọn phương án tìm việc làm ngay sau khi thất nghiệp hơn là học nghề.
Từ thực tế này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, từ ngày 15/5, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tăng mức hỗ trợ học nghề.
Cụ thể, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng….
Người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề theo các quy định tại Quyết định này.
Theo baophapluat.vn.