4. Hệ thống báo hiệu đường bộ/Chấp hành báo hiệu đường bộ
Hệ thống báo hiệu đường bộ/Chấp hành báo hiệu đường bộ góp phần duy trì trật tự an toàn giao thông, giúp người tham gia giao thông và các phương tiện tham gia giao thông lưu hành một cách bình thường, tránh ùn tắc giao thông và hạn chế tai nạn xảy ra. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật giao thông đường bộ 2008
1. Công trình báo hiệu đường bộ
Theo Điều 45 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về công trình báo hiệu đường bộ như sau
– Công trình báo hiệu đường bộ bao gồm:
+ Đèn tín hiệu giao thông
+ Biển báo hiệu
+ Cọc tiêu, rào chắn hoặc tường bảo vệ
+ Vạch kẻ đường
+ Cột cây số
+ Công trình báo hiệu khác
– Đường bộ trước khi đưa vào khai thác phải được lắp đặt đầy đủ công trình báo hiệu đường bộ theo thiết kế được phê duyệt
– Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ
2. Hệ thống báo hiệu đường bộ
Theo Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ như sau
– Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn
– Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:
+ Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại
+ Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi
+ Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điểu khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông
– Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau:
+ Tín hiệu xanh là được đi
+ Tín hiệu đỏ là cấm đi
+ Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường
– Biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm, quy định như sau:
+ Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm
+ Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra
+ Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành
+ Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết
+ Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn
– Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại
– Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ được đặt ở mép các đoạn đường nguy hiểm để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường
– Rào chắn được đặt ở nơi đường bị thắt hẹp, đầu cầu, đầu cống, đầu đoạn đường cấm, đường cụt không cho xe, người qua lại hoặc đặt ở những nơi cần điều khiển, kiểm soát sự đi lại
– Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về báo hiệu đường bộ
3. Chấp hành báo hiệu đường bộ
Theo Điều 11 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau
– Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ
– Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
– Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời
– Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường
Lưu ý: Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Kết luận: Việc chấp hành báo hiệu giao thông đường bộ thật sự cần thiết giúp cho các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn được quy định cụ thể tại Luật giao thông đường bộ 2008
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Hệ thống báo hiệu đường bộ/Chấp hành báo hiệu đường bộ
Thủ tục | Nội dung |
---|