24. Phạm vi đất dành cho đường bộ

Đường bộ là một công trình giao thông nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển đi lại. Pháp luật có những quy định riêng đối với phạm vi đất dành cho đường bộ. Việc sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường bộ được quy định như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi, bổ sung 2018, Nghị định 11/2010 NĐ-CP

1. Khái niệm

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008

Đường bộ bao gồm: Đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008

Đất của đường bộ là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.

2. Đất của đường bộ

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 11/2010 NĐ-CP thì đất của đường bộ bao gồm:

Phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng

Phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ (dưới đây gọi tắt phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ là phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ)

Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ dùng để giữ vật tư sử dụng cho bảo trì, để di chuyển hoặc đặt các thiết bị thực hiện việc bảo trì, để chất bẩn từ mặt đường ra hai bên đường, chống xâm hại công trình đường bộ.

Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ có bề rộng theo cấp đường, được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ (chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào) ra mỗi bên như sau:

+ 03 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, đường cấp II;

+ 02 mét đối với đường cấp III;

+ 01 mét đối với đường từ cấp IV trở xuống.

3. Phạm vi đất dành cho đường bộ

Điều 43 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:

– Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộđất hành lang an toàn đường bộ.

– Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.

– Trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này, được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

– Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.

Lưu ý: Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 100/2013 NĐ-CP sửa đổi cho khoản 3, khoản 4 Điều 14 Nghị định 11/2010 NĐ-CP thì các công việc cần phải thực hiện đối với đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo và đường bộ đang khai thác như sau:

– Đối với đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, chủ đầu tư phải xác định giới hạn đất dành cho đường bộ và thực hiện như sau:

+ Đối với đất của đường bộ, lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ Đối với đất hành lang an toàn đường bộ: Chủ đầu tư tiến hành cắm mốc giới hạn để bàn giao cho địa phương và cơ quan quản lý đường bộ quản lý theo quy định như đối với hành lang đường bộ đang khai thác. Trường hợp công trình và các tài sản khác nằm trong hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ thì chủ đầu tư tiến hành xác định mức độ ảnh hưởng, phối hợp cùng cơ quan quản lý đất đai của địa phương lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

– Đối với đường bộ đang khai thác, cơ quan quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp cùng cơ quan quản lý đất đai của địa phương xác định giới hạn đất dành cho đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ và lập kế hoạch thực hiện các công việc dưới đây:

+ Rà soát, xác định giới hạn phần đất của đường bộ; lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đất đai;

+ Rà soát, xác định giới hạn phần đất hành lang an toàn đường bộ; tiến hành cắm mốc giới hạn để bàn giao cho địa phương và cơ quan quản lý đường bộ quản lý theo quy hoạch; lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Kết luận: Pháp luật đã có quy định rõ về việc sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Trong quá trình thực hiện các công việc cần thiết khi tiến hành xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đường bộ cần xem các quy định cụ thể của Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi, bổ sung 2018, Nghị định 11/2010 NĐ-CP

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Phạm vi đất dành cho đường bộ

Thủ tục Nội dung