26. Công trình báo hiệu đường bộ

Để nâng cao an toàn trong hệ thống giao thông đường bộ, việc lắp đặt các công trình báo hiệu đường bộ là một việc hết sức cần thiết. Vậy Công trình báo hiệu đường bộ bao gồm những gì và phải đạt tiêu chuẩn kĩ thuật như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về nội dung này qua Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi, bổ sung 2018, Thông tư 54/2019/TT-BGTVT

1. Khái niệm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì đường bộ bao gồm:

– Đường

– Cầu đường bộ

– Hầm đường bộ

– Bến phà đường bộ.

2. Công trình báo hiệu đường bộ

Theo quy định tại Điều 45 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì:

Công trình báo hiệu đường bộ bao gồm:

+ Đèn tín hiệu giao thông;

+ Biển báo hiệu;

+ Cọc tiêu, rào chắn hoặc tường bảo vệ;

+ Vạch kẻ đường;

+ Cột cây số;

+ Công trình báo hiệu khác.

Lưu ý:

– Đường bộ trước khi đưa vào khai thác phải được lắp đặt đầy đủ công trình báo hiệu đường bộ theo thiết kế được phê duyệt.

Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ.

3. Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia của một số Công trình báo hiệu đường bộ

3.1 Đèn tín hiệu

Theo quy định tại Điều 13 “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” được ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì vị trí và độ cao đặt đèn tín hiệu được quy định như sau:

– Mặt đèn quay về hướng đi của người tham gia giao thông.

–  Khi đèn bố trí theo chiều thẳng đứng trên cột đặt trên lề đường, dải phân cách, đảo giao thông: chiều cao vị trí thấp nhất của đèn từ 1,7m đến 5,8m, khoảng cách từ bộ đèn đến mép phần đường xe chạy từ 0,5 đến 2m.

– Khi đèn được đặt theo chiều ngang trên cần vươn thì chiều cao tối thiểu là 5,2 m, tối đa là 7,8m tính từ điểm thấp nhất của đèn đến mặt đường hoặc mặt vỉa hè;

– Đèn được bố trí sao cho người tham gia giao thông nhìn thấy được từ xa đủ để giảm tốc độ và dừng xe được an toàn. Trong một số trường hợp có thể cho phép kết hợp đặt đèn trên cột điện hoặc những vật kiến trúc nhưng phải đảm bảo những tiêu chuẩn kỹ thuật đặt đèn về vị trí, độ cao, khoảng cách nhìn thấy đèn theo Quy chuẩn này và đảm bảo thẩm mỹ.

–  Đèn tín hiệu đặt trên từng nhánh đường ngay trước nút giao theo chiều đi; Tùy từng trường hợp, có thể bổ sung đèn tín hiệu trên cột cần vươn hoặc giá long môn phía bên kia nút giao theo chiều đi để nhắc lại và thuận tiện cho việc quan sát.

– Ở trong khu đông dân cư, khu đô thị có đường chật hẹp, đèn có thể bố trí trên thân cột thẳng đứng đặt bên đường về phía tay phải của chiều đường theo quy định tại điểm 13.3.1 khoản 13.3 Điều này ngay trước vạch dừng.

– Độ lớn (kích thước) và độ sáng của đèn tín hiệu phải được thiết kế phù hợp với điều kiện khai thác đặc biệt phải nhìn thấy được trong điều kiện người tham gia giao thông bị ngược ánh sáng mặt trời.

3.2 Biển báo hiệu

Điều 20 “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” được ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT quy định vị trí đặt biển báo theo chiều dọc và ngang đường như sau:

– Biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông.

– Biển được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; Biển được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.

– Trường hợp biển báo đặt trên cột (có thể đặt trên trụ chiếu sáng, trụ điện) thì khoảng cách mép ngoài của biển theo phương ngang đường cách mép phần đường xe chạy tối thiểu là 0,5 m và tối đa là 1,7 m. Trường hợp không có lề đường, hè đường, khuất tầm nhìn hoặc các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh theo phương ngang nhưng mép biển phía phần xe chạy không được chờm lên mép phần đường xe chạy và cách mép phần đường xe chạy không quá 3,5 m.

3.3 Vạch kẻ đường

Theo Điều 52 “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” được ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì:

– Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe.

– Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông.

– Vạch kẻ đường bao gồm các loại vạch, chữ viết, hình vẽ ở trên mặt đường xe chạy, trên thành vỉa hè, trên các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường để quy định trật tự giao thông, khổ giới hạn của các công trình giao thông, chỉ hướng đi quy định của làn đường xe chạy.

–  Vạch kẻ đường phải bảo đảm cho xe chạy trên đường êm thuận, đảm bảo độ bám giữa lốp xe và mặt đường, không bị trơn trượt, không cao quá mặt đường 6 mm.

– Khi sử dụng, lựa chọn vạch kẻ đường phải đảm bảo hợp lý về tổ chức giao thông đối với từng tuyến đường và căn cứ vào chiều rộng mặt đường phần xe chạy, tốc độ xe chạy, lưu lượng, phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông để quyết định.

–  Đối với đường cao tốc, đường có tốc độ thiết kế ≥ 60 km/h và các đường có tốc độ V85 từ 80 km/h trở lên, vạch kẻ đường phải có vật liệu phản quang. Các loại đường khác, căn cứ theo khả năng tài chính và yêu cầu khác mà có thể sử dụng vật liệu phản quang.

Lưu ý: Ngoài những công trình báo hiệu đường bộ đã nêu ở trên, “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” được ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT cũng có quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của những công trình báo hiệu đường bộ khác.

Kết luận: Trên đây, là những quy định về Công trình báo hiệu đường bộ mà Dữ Liệu Pháp Lý đã tổng hợp và phân tích. Các công trình này phải được lắp đặt đầy đủ và đáp ứng những quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2018, Thông tư 54/2019/TT-BGTVT

Trình tự thủ tục, hồ sơ và biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Công trình báo hiệu đường bộ

Thủ tục Nội dung