48. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách
Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách là một trong các hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ thường xuyên, liên tục trong đời sống nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của con người. Vậy người kinh doanh vận tải hành khách có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội này thông qua Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
1. Khái niệm
– Hành khách là người được chở trên phương tiện vận tải hành khách đường bộ, có trả tiền. (khoản 26 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)
Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bao gồm:
– Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định. (khoản 4 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh và tuyến xe buýt liên tỉnh. Trong đó:
+ Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(khoản 5 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử. (khoản 6 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
– Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (sau đây gọi là hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe). (khoản 7 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
– Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe) để vận chuyển khách du lịch theo chương trình du lịch. (khoản 8 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
– Vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động vận tải không thu tiền do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sử dụng xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả người lái xe) để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến. (khoản 9 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
2. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
Theo Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì:
– Điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bao gồm:
+ Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;
+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;
+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất);
+ Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 09 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;
+ Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất). Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống.
Lưu ý: Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).
– Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
+ Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
+ Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
3. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách
– Theo khoản 1 Điều 68 Luật Giao thông đường bộ 2008 Người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành các quy định như sau:
+ Đón, trả hành khách đúng nơi quy định;
+ Không chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe;
+ Không chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách;
+ Không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định;
+ Không để hàng hóa trong khoang chở hành khách; có biện pháp giữ gìn vệ sinh trong xe.
– Người kinh doanh vận tải hành khách có các quyền được quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:
+ Thu cước, phí vận tải;
+ Từ chối vận chuyển trước khi phương tiện rời bến xe, rời vị trí đón, trả hành khách theo hợp đồng vận chuyển những người đã có vé hoặc người trong danh sách hợp đồng có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.
– Theo hoản 1 Điều 68 Luật Giao thông đường bộ 2008 Người kinh doanh vận tải hành khách có các nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện đầy đủ các cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải;
+ Mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính vào giá vé hành khách;
+ Giao vé, chứng từ thu cước, phí vận tải cho hành khách;
+ Bồi thường thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra trong khi thực hiện công việc được người kinh doanh vận tải giao;
+ Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật này.
Kết luận: Theo đó, người kinh doanh vận tải hành khách phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh cần thiết và thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách
Thủ tục | Nội dung |
---|