56. Vận tải đa phương thức
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, việc hội nhập quốc tế ngày càng dễ dàng do đó hàng hóa trao đổi giữa các nước ngày càng quan trọng. Từ đó, vận tải đa phương thức ngày càng phát triển. Vậy vận tải đa phương thức nghĩa là gì? Pháp luật quy định về vận tải đa phương thức như thế nào? Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ làm rõ nội dung đó thông qua Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 87/2009/NĐ-CP, Nghị định 144/2018/NĐ-CP
1. Khái niệm:
Vận tải đa phương thức là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm nhận hàng đến địa điểm trả hàng cho người nhận hàng bằng ít nhất hai phương thức vận tải, trong đó có phương thức vận tải bằng đường bộ trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức. (Theo Khoản 1 Điều 81 Luật giao thông đường bộ 2008)
Vận tải đa phương thức quốc tế là vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa ở Việt Nam đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở nước khác và ngược lại. (Theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định 87/2009/NĐ-CP)
Vận tải đa phương thức nội địa là vận tải đa phương thức được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. (Theo Khoản 3 Điều 2 Nghị định 87/2009/NĐ-CP)
Chứng từ vận tải đa phương thức là văn bản do người kinh doanh vận tải đa phương thức phát hành, là bằng chứng của hợp đồng vận tải đa phương thức, xác nhận người kinh doanh vận tải đa phương thức đã nhận hàng để vận chuyển và cam kết giao hàng đó theo đúng những điều khoản của hợp đồng đã ký kết. (Theo Khoản 6 Điều 2 Nghị định 87/2009/NĐ-CP)
Ký hậu là việc xác nhận của người nhận hàng hoặc của người được quyền xác nhận sau khi đưa ra chỉ dẫn trên chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng chuyển nhượng được để chuyển giao hàng hóa nêu trong chứng từ đó cho người được xác định. . (Theo Khoản 14 Điều 2 Nghị định 87/2009/NĐ-CP)
2. Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
Theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định 144/2018/NĐ-CP quy định:
2.1. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật;
– Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
2.2. Đối với doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của Việt Nam trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thực quốc tế hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp;
– Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
Lưu ý: Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.”.
3. Phát hành chứng từ vận tải đa phương thức quốc tế
Theo Điều 10 Nghị định 87/2009/NĐ-CP quy định
– Khi người kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế đã tiếp nhận hàng hóa thì phải phát hành một chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng chuyển nhượng được hoặc không chuyển nhượng được, do người gửi hàng lựa chọn, trừ trường hợp hợp đồng vận tải đa phương thức có quy định khác.
– Chứng từ vận tải đa phương thức do người kinh doanh vận tải đa phương thức ký hoặc người được người kinh doanh vận tải đa phương thức ủy quyền ký.
– Chữ ký trên chứng từ vận tải đa phương thức có thể là chữ ký tay, chữ ký được in qua fax, đục lỗ, đóng dấu, ký hiệu hoặc bằng bất kỳ phương tiện cơ học hoặc điện tử nào khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Mẫu chứng từ vận tải đa phương thức
Theo Khoản 4 Điều 10 Nghị định 87/2009/NĐ-CP quy định mẫu chứng từ vận tải đa phương thức phải được đăng ký với Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ đăng ký Mẫu chứng từ vận tải đa phương thức gồm:
– Văn bản đề nghị đăng ký Mẫu chứng từ vận tải đa phương thức (theo mẫu tại Phụ lục IV);
– Bộ Mẫu chứng từ vận tải đa phương thức (hai bộ).
Lưu ý: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, Bộ Giao thông vận tải xác nhận “Mẫu chứng từ vận tải đa phương thức đã được đăng ký” tại bộ Mẫu chứng từ vận tải đa phương thức.
5. Phát hành chứng từ vận tải đa phương thức nội địa
Theo Điều 11 Nghị định 87/2009/NĐ-CP quy định
– Khi người kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa đã tiếp nhận hàng hóa thì phải phát hành một chứng từ vận tải đa phương thức.
– Chứng từ vận tải đa phương thức do người kinh doanh vận tải đa phương thức ký hoặc người được người kinh doanh vận tải đa phương thức ủy quyền ký.
– Chữ ký trên chứng từ vận tải đa phương thức có thể là chữ ký tay, chữ ký được in qua fax, đục lỗ, đóng dấu, ký hiệu hoặc bằng bất kỳ phương tiện cơ học hoặc điện tử nào khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Các dạng chứng từ vận tải đa phương thức
Theo Điều 12 Nghị định 87/2009/NĐ-CP quy định
6.1. Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng chuyển nhượng được thì được phát hành theo một trong các hình thức sau:
– Xuất trình;
– Theo lệnh;
– Theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc.
6.2 Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng không chuyển nhượng được thì được phát hành theo hình thức đích danh người nhận hàng.
6.3. Các dạng chứng từ trong vận tải đa phương thức nội địa do các bên thỏa thuận.
7. Chuyển nhượng chứng từ vận tải đa phương thức
Việc chuyển nhượng chứng từ vận tải đa phương thức thực hiện theo quy định sau:
– Đối với hình thức “Xuất trình”: không cần ký hậu.
– Đối với hình thức “Theo lệnh”: phải có ký hậu.
– Đối với hình thức “Theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc”: phải có ký hậu của người có tên trong chứng từ gốc.
8. Nội dung của chứng từ vận tải đa phương thức
Theo Điều 12 Nghị định 87/2009/NĐ-CP quy định chứng từ vận tải đa phương thức bao gồm các nội dung chính sau đây:
– Đặc tính tự nhiên chung của hàng hóa; ký hiệu, mã hiệu cần thiết để nhận biết hàng hóa; tính chất nguy hiểm hoặc mau hỏng của hàng hóa; số lượng kiện hoặc chiếc; trọng lượng cả bì của hàng hóa hoặc số lượng của hàng hóa được diễn tả cách khác;
Tất cả các chi tiết nói trên do người gửi hàng cung cấp;
– Tình trạng bên ngoài của hàng hóa;
– Tên và trụ sở chính của người kinh doanh vận tải đa phương thức;
– Tên của người gửi hàng;
– Tên người nhận hàng nếu người gửi hàng đã nêu tên;
– Địa điểm và ngày người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa;
– Địa điểm giao trả hàng;
– Ngày hoặc thời hạn giao trả hàng tại địa điểm giao trả hàng, nếu các bên liên quan đã thỏa thuận;
– Nêu rõ chứng từ vận tải đa phương thức là loại chứng từ chuyển nhượng được hoặc không chuyển nhượng được.
– Chữ ký của người đại diện cho người kinh doanh vận tải đa phương thức hoặc của người được người kinh doanh vận tải đa phương thức ủy quyền;
– Cước phí vận chuyển cho mỗi phương thức vận tải nếu các bên liên quan đã thỏa thuận, hoặc cước phí vận chuyển, đồng tiền thanh toán cước phí mà người nhận hàng thanh toán, hoặc sự diễn tả khác về cước phí sẽ được người nhận hàng thanh toán;
– Tuyến hành trình dự định, phương thức vận tải trong từng chặng và các địa điểm chuyển tải nếu đã được biết khi phát hành chứng từ vận tải đa phương thức;
– Các chi tiết khác mà các bên liên quan nhất trí đưa vào chứng từ vận tải đa phương thức, nếu không trái với quy định của pháp luật.
Lưu ý: Việc thiếu một hoặc một số chi tiết về nội dung chính của chứng từ vận tải đa phương thức sẽ không ảnh hưởng đến tính pháp lý của chứng từ vận tải đa phương thức.
Kết luận: Vận tải đa phương thức là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm nhận hàng đến địa điểm trả hàng cho người nhận hàng bằng ít nhất hai phương thức vận tải, trong đó có phương thức vận tải bằng đường bộ trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức. Việc kinh doanh vận tải đa phương thức được thực hiện theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 và các luật, nghị định liên quan
Trình tư, thủ tục thực hiện, hồ sơ, biểu mẫu xem tại đây:
Vận tải đa phương thức
Thủ tục | Nội dung |
---|