QUYẾT ĐỊNH 1602/QĐ-BTC NĂM 2020 VỀ QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH TRONG PHÒNG NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1602/QĐ-BTC |
Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH TRONG PHÒNG NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG Đinh Tiến Dũng |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH TRONG PHÒNG NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(Kèm theo Quyết định số 1602/QĐ-BTC ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ Tài chính)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc xác định đơn vị chủ trì, nguyên tắc, trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế mà Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì hoặc cơ quan liên quan theo quy định tại Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 8 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (sau đây gọi tắt là Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg).
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp và trách nhiệm của các đơn vị
1. Đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị.
2. Tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật thông tin tài liệu liên quan đến việc giải quyết tranh chấp quốc tế.
3. Đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng đơn vị, của cán bộ, công chức tham gia phối hợp.
4. Đảm bảo sự phối hợp chủ động, thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả.
Chương II
PHỐI HỢP TRONG PHÒNG NGỪA TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Điều 3. Giải quyết vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài
1. Việc giải quyết vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện theo đúng các quy chế, quy trình của Bộ Tài chính, quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, pháp luật liên quan, nội dung cam kết với nhà đầu tư nước ngoài và điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của đơn vị được giao chủ trì giải quyết vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài.
3. Đơn vị chủ trì giải quyết vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài phải chủ động tổ chức đối thoại để nhà đầu tư nước ngoài hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài có căn cứ, đơn vị chủ trì phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền hướng sửa chữa, khắc phục, tránh phát sinh tranh chấp quốc tế, tiến hành thương lượng, hòa giải với nhà đầu tư nước ngoài theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thủ trưởng đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giải quyết hoặc tham mưu giải quyết của đơn vị mình.
Điều 4. Trách nhiệm báo cáo của đơn vị giải quyết vướng mắc, khiếu nại, tố cáo
1. Trường hợp không thể giải quyết dứt điểm vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của nhà đầu tư nước ngoài, đơn vị chủ trì phải báo cáo lãnh đạo Bộ để lấy ý kiến Bộ Tư pháp là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ về giải pháp xử lý, phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế.
2. Đơn vị chủ trì phải kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp phát hiện:
a) Biện pháp bị khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc cam kết với nhà đầu tư nước ngoài.
b) Có khả năng phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế.
Chương III
PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ TRONG TRƯỜNG HỢP BỘ TÀI CHÍNH LÀ CƠ QUAN CHỦ TRÌ
Điều 5. Xác định đơn vị chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế
1. Đơn vị chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế là đơn vị thuộc Bộ mà nội dung tranh chấp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân công của đơn vị đó, cụ thể:
a) Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính giải quyết tranh chấp quốc tế phát sinh liên quan đến khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
b) Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh liên quan đến công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường vốn trong nước.
c) Tổng cục Thuế là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh liên quan đến áp dụng pháp luật thuế, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.
d) Tổng cục Hải quan là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh liên quan đến áp dụng pháp luật hải quan và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
2. Đối với tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh từ thỏa thuận, cam kết, hợp đồng giữa Bộ Tài chính hoặc Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, đơn vị chủ trì giải quyết tranh chấp là đơn vị trình Bộ đàm phán, ký hoặc đề xuất đàm phán, ký thỏa thuận, cam kết, hợp đồng giữa Bộ Tài chính hoặc Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.
3. Trường hợp tranh chấp đầu tư quốc tế có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai hoặc nhiều đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan nhiều nhất tới biện pháp bị kiện.
4. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định phân công hoặc thay đổi đơn vị chủ trì.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chủ trì
1. Tiếp nhận, xử lý các thông tin, tài liệu liên quan đến việc khởi kiện của nhà đầu tư nước ngoài;
2. Thông báo về việc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện cho Bộ Tư pháp theo đúng quy định tại Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg .
3. Làm đầu mối liên lạc, trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, với trọng tài quốc tế hay cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, làm việc với công ty luật, luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (nếu có);
4. Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng trình Bộ chiến lược, kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp quốc tế;
5. Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trình Bộ về việc lựa chọn và chỉ định trọng tài viên trong trường hợp thành lập Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; lựa chọn, thuê luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; thuê chuyên gia kỹ thuật và mời nhân chứng phục vụ quá trình giải quyết tranh chấp;
6. Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế xây dựng, hoàn thiện các bản tự bảo vệ, bản kháng biện, tài liệu nộp cho trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài để trình Bộ theo quy trình tố tụng giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.
7. Tham dự các phiên xét xử của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài;
8. Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế để trình Bộ phương án hòa giải với nhà đầu tư nước ngoài; phương án thi hành và thi hành phán quyết, quyết định của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài;
9. Trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thông báo Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế cụ thể.
10. Căn cứ tiến độ giải quyết vụ việc và tiến độ quy định tại Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 8/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, xác định thời hạn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các đơn vị thuộc Bộ tham gia ý kiến, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
11. Các nhiệm vụ khác theo quy định tại Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg .
Điều 7. Nhiệm vụ của Vụ Pháp chế
1. Đầu mối giúp Bộ rà soát, thẩm định các vấn đề pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
2. Tham gia, phối hợp với đơn vị chủ trì trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế, tập trung vào các nhiệm vụ sau:
a) Phối hợp tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tham vấn của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về khiếu nại, điều ước quốc tế có liên quan và cam kết của Chính phủ, Bộ Tài chính với nhà đầu tư nước ngoài; tiến hành thương lượng, hòa giải với nhà đầu tư nước ngoài theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Phối hợp trao đổi với bên nước ngoài khởi kiện và với trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;
c) Tham gia xây dựng chiến lược, kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế;
d) Trao đổi thông tin, tài liệu có liên quan đến việc lựa chọn và chỉ định trọng tài viên, thuê luật sư, chuyên gia kỹ thuật và mời nhân chứng phục vụ quá trình giải quyết tranh chấp (nếu có);
đ) Cùng với các đơn vị liên quan trong Bộ tham dự các buổi làm việc với công ty luật, luật sư tư vấn (trong trường hợp cần thiết);
e) Tham gia xây dựng, hoàn thiện các bản tự bảo vệ, tài liệu nộp trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài để trình Bộ theo quy trình tố tụng giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế;
g) Cùng tham dự các phiên xét xử của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài (trong trường hợp cần thiết);
h) Tham gia xây dựng, hoàn thiện phương án hòa giải với nhà đầu tư nước ngoài; phương án thi hành và thi hành phán quyết, quyết định của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài;
i) Tham gia ý kiến đối với đơn vị chủ trì trước khi trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thông báo Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến vụ việc tranh chấp quốc tế cụ thể;
k) Đảm bảo việc tham gia đúng tiến độ theo yêu cầu của đơn vị chủ trì.
3. Trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến tranh chấp đầu tư quốc tế chung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.
4. Tổng kết các vấn đề rút ra từ kết quả giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trình Bộ đề xuất nội dung liên quan đến điều ước quốc tế mà Nhà nước, Chính phủ Việt Nam là thành viên, cam kết quốc tế của Chính phủ, Bộ Tài chính với nhà đầu tư nước ngoài và hoàn thiện pháp luật trong nước.
Điều 8. Nhiệm vụ của các đơn vị khác trong Bộ
1. Các đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến vụ việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, có trách nhiệm phối hợp, tham gia tích cực vào quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo đề nghị của đơn vị chủ trì hoặc theo phân công của Lãnh đạo Bộ trong đó bao gồm cả việc cung cấp và/hoặc giải trình thông tin, hồ sơ, chứng cứ, tài liệu và cử người tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
2. Tham gia, phối hợp với đơn vị chủ trì và Vụ Pháp chế xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế, các bản tự bảo vệ, tài liệu nộp trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài, phương án hòa giải với nhà đầu tư nước ngoài; phương án thi hành và thi hành phán quyết, quyết định của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài
3. Đảm bảo việc tham gia đúng tiến độ theo yêu cầu của đơn vị chủ trì.
4. Vụ Hợp tác quốc tế hỗ trợ trong việc biên, phiên dịch tài liệu có liên quan phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong trường hợp đơn vị chủ trì không có bộ phận hợp tác quốc tế.
Chương IV
PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ TRONG TRƯỜNG HỢP BỘ TÀI CHÍNH LÀ CƠ QUAN PHỐI HỢP
Điều 9. Xác định đơn vị đầu mối
1. Đối với việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế mà Bộ Tài chính được giao là cơ quan phối hợp giải quyết tranh chấp, đơn vị đầu mối giúp Bộ tham gia phối hợp giải quyết tranh chấp là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến nội dung tranh chấp.
2. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng quyết định phân công hoặc thay đổi đơn vị đầu mối.
Điều 10. Nhiệm vụ của đơn vị đầu mối
1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo yêu cầu trong phạm vi lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính.
2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, hồ sơ, chứng cứ, tài liệu và giải trình các nội dung liên quan theo yêu cầu trong phạm vi lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính.
3. Tham gia Tổ công tác liên ngành (nếu được yêu cầu).
4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trình Bộ có văn bản yêu cầu cơ quan chủ trì vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế hoặc yêu cầu theo thẩm quyền trong trường hợp cần thiết bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác đối với cơ quan chủ trì vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế cung cấp hoặc bổ sung thông tin về vụ việc tranh chấp đầu tư để thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao trong vụ việc.
5. Xác định thời hạn để xin ý kiến, đề nghị cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chúng cứ để các đơn vị thuộc Bộ phù hợp với tiến độ yêu cầu của cơ quan chủ trì vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế và tiến độ quy định tại Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg .
6. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định về nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành kèm theo Quyết định 14/2020/QĐ-TTg .
7. Báo cáo Bộ kịp thời nội dung diễn biến vụ kiện và kết quả rút ra từ việc giải quyết vụ việc đối với công tác xác định nội dung điều ước quốc tế và hoàn thiện pháp luật trong nước.
Điều 11. Nhiệm vụ của các đơn vị khác trong Bộ
1. Các đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến vụ việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, có trách nhiệm phối hợp, tham gia tích cực với đơn vị chủ trì trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo đề nghị của đơn vị chủ trì hoặc theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.
2. Đảm bảo việc tham gia đúng tiến độ theo yêu cầu của đơn vị chủ trì.
Chương V
PHỐI HỢP TRONG BỐ TRÍ KINH PHÍ
Điều 12. Nguyên tắc bố trí kinh phí
Kinh phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo Quy chế này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 13. Phối hợp trong bố trí kinh phí phục vụ công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
1. Khi phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế mà Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giải quyết, đơn vị chủ trì phối hợp Cục Kế hoạch và Tài chính, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan lập dự toán kinh phí phục vụ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế báo cáo Bộ trình cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán.
2. Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có trách nhiệm kịp thời thẩm định, rà soát kinh phí phục vụ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trình Bộ báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.
3. Trường hợp cần thiết trong khi Nhà nước chưa kịp bổ sung dự toán, Cục Kế hoạch tài chính báo cáo Bộ tạm thời sử dụng dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính được giao hàng năm để kịp thời phục vụ giải quyết tranh chấp theo quy định.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Vụ Pháp chế có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế này; thường xuyên nắm bắt tình hình tổ chức triển khai tại các đơn vị thuộc Bộ để kịp thời đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ có biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai, kiểm tra, đánh giá thực hiện Quy chế này tại đơn vị.
3. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo Vụ Pháp chế để có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý kịp thời./.
QUYẾT ĐỊNH 1602/QĐ-BTC NĂM 2020 VỀ QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH TRONG PHÒNG NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 1602/QĐ-BTC | Ngày hiệu lực | 13/10/2020 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Đầu tư Tố tụng |
Ngày ban hành | 13/10/2020 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tài chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |