QUYẾT ĐỊNH 140/QĐ-TTG NĂM 2018 VỀ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ NGUỒN THẢI” DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 140/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ NGUỒN THẢI”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Chỉ thị số 25/CT–TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải” (sau đây viết tắt là Dự án) với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu Dự án
a) Mục tiêu tổng quát
Điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc (sau đây viết tắt là nguồn thải); trên cơ sở đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải đảm bảo đồng bộ, thống nhất và được tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường, đáp ứng yêu cầu cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
b) Mục tiêu cụ thể
– Đảm bảo toàn bộ các hoạt động sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc được điều tra, thống kê, đánh giá, phân loại, tạo cơ sở nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải đảm bảo cập nhật, lưu trữ đầy đủ, chính xác, khoa học, kịp thời, thống nhất các thông tin, dữ liệu về nguồn thải trên phạm vi toàn quốc; có tích hợp, kết nối với cơ sở dữ liệu về môi trường, phục vụ cung cấp dữ liệu cho hoạt động nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước về môi trường và các nhu cầu khác;
– Rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nhiệm vụ chủ yếu của Dự án
a) Điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải trên phạm vi toàn quốc
– Điều tra, tập hợp, thống kê toàn bộ nguồn thải trên phạm vi toàn quốc;
– Rà soát, đánh giá, phân loại nguồn thải, chất thải, mức độ ảnh hưởng đến môi trường từ các chất thải;
– Đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý nguồn thải.
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải
– Xây dựng cấu trúc tổng thể của cơ sở dữ liệu về nguồn thải;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường), kết nối với các bộ, ngành, địa phương;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
c) Rà soát, xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, quy định để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải.
3. Giải pháp thực hiện
a) Xác định cụ thể tiêu chí và xây dựng phương án để điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải bảo đảm việc thực hiện đầy đủ, chính xác, khoa học và hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra; thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải trên cơ sở kế thừa kết quả hoạt động tổng điều tra kinh tế năm 2017 và các cuộc điều tra khác có liên quan;
b) Việc điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải phải được thực hiện theo đúng kế hoạch, có hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện; đặc biệt coi trọng việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện;
c) Cơ sở dữ liệu về nguồn thải phải có khả năng mở rộng, tùy chỉnh và linh hoạt, đảm bảo kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với khung cấu trúc Chính phủ điện tử.
4. Kinh phí
Kinh phí thực hiện Dự án do Ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và được bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường của Trung ương, địa phương; đồng thời có thể huy động thêm từ các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Các Bộ, các địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án, căn cứ nội dung, nhiệm vụ được phân công xây dựng dự toán kinh phí, thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Thời gian thực hiện Dự án: từ năm 2018 – 2021.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án; hướng dẫn, theo dõi, tập huấn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án;
– Tổng hợp kinh phí đề nghị hỗ trợ một phần từ Trung ương đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, gửi Bộ Tài chính phân bổ;
– Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Dự án theo phân kỳ; hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện;
– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án; trường hợp vượt quá thẩm quyền, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ.
2. Bộ Tài chính
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cân đối, đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện Dự án trong dự toán chi sự nghiệp môi trường của ngân sách Trung ương hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Cung cấp kết quả của hoạt động Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và các nhiệm vụ có liên quan cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 28 tháng 02 năm 2018 để làm căn cứ xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án.
4. Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế
Phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan phục vụ công tác điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải.
5. Các Bộ: Công an, Quốc phòng
– Chủ trì thực hiện công tác điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải thuộc phạm vi quản lý theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng tiến độ và đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra;
– Cân đối, bố trí đủ kinh phí thực hiện Dự án; phê duyệt và triển khai thực hiện nội dung Dự án do Bộ chủ trì thực hiện;
– Hàng năm, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện các hoạt động của Dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, trực thuộc Trung ương
– Chủ trì, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường của địa phương để thực hiện công tác điều tra nguồn thải trên địa bàn theo Phương án điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm đúng tiến độ và đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra;
– Đầu tư trang thiết bị, nhân lực để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên địa bàn quản lý;
– Hàng năm, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện các hoạt động của Dự án, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án, nếu có khó khăn, vướng mắc, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được kịp thời tháo gỡ.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG Trịnh Đình Dũng |
PHỤ LỤC
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN DỰ ÁN “ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ NGUỒN THẢI”
(Kèm theo Quyết định số: 140/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)
STT |
Nội dung nhiệm vụ |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Sản phẩm |
Thời gian hoàn thành |
I |
Điều tra, thống kê các nguồn thải trên phạm vi toàn quốc | ||||
1 |
Xây dựng Phương án điều tra, thống kê nguồn thải và hướng dẫn thực hiện | Bộ Tài nguyên và Môi trường | – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê). |
– Phương án điều tra nguồn thải do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt;
– Tài liệu hướng dẫn thực hiện. |
Quý III/2018 |
2 |
Điều tra, thống kê toàn bộ nguồn thải trên phạm vi toàn quốc | – Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc Phòng;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
– Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế;
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê). |
Báo cáo kết quả điều tra, tập hợp, thống kê nguồn thải trên phạm vi toàn quốc. |
Quý IV/2019 |
3 |
Rà soát, đánh giá, phân loại nguồn thải | – Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc Phòng. | – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. | Báo cáo rà soát, đánh giá, phân loại về nguồn thải trên phạm vi toàn quốc và Danh sách phân loại nguồn thải kèm theo. |
Quý III/2020 |
II |
Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải | ||||
1 |
Xây dựng cấu trúc tổng thể cơ sở dữ liệu nguồn thải | Bộ Tài nguyên và Môi trường | – Các Bộ: Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Y tế;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |
– Cấu trúc cơ sở dữ liệu về nguồn thải;
– Hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. |
Quý IV/2018 |
2 |
Đầu tư, xây dựng, cài đặt cơ sở dữ liệu về nguồn thải tại các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng | – Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Bộ Công an; – Bộ Quốc phòng. |
– Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Y tế;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Các chủ nguồn thải. |
– Cơ sở dữ liệu nguồn thải ở Trung ương đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường);
– Cơ sở dữ liệu về nguồn thải tại các Bộ: Công an, Quốc phòng. |
Quý IV/2020 |
3 |
Đầu tư trang thiết bị, nhân lực để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên địa bàn quản lý | UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Trang thiết bị, nhân lực tại địa phương |
Quý IV/2021 |
4 |
Hướng dẫn cập nhật thông tin, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về nguồn thải tại địa phương | Bộ Tài nguyên và Môi trường | – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Các chủ nguồn thải. |
Các lớp đào tạo, hướng dẫn cập nhật thông tin, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về nguồn thải tại Trung ương và địa phương. |
Quý II/2021 |
III |
Rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật để quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về nguồn thải | ||||
1 |
Rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật để quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về nguồn thải | Bộ Tài nguyên và Môi trường | – Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Các chủ nguồn thải. |
Báo cáo đề xuất hoàn thiện văn bản pháp luật để quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về nguồn thải |
Quý IV/2020 |
2 |
Xây dựng, quy định quản lý, cập nhật, vận hành, khai thác, giám sát cơ sở dữ liệu về nguồn thải | Bộ Tài nguyên và Môi trường | – Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Các chủ nguồn thải. |
Văn bản quy định quản lý, cập nhật, vận hành, khai thác, giám sát cơ sở dữ liệu về nguồn thải được cấp có thẩm quyền phê duyệt |
Quý I/2021 |
3 |
Tổ chức triển khai thực hiện quy định về quản lý, giám sát, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về nguồn thải | Bộ Tài nguyên và Môi trường | – Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Các chủ nguồn thải. |
Kế hoạch tổ chức thực hiện. |
Quý I/2021 |
QUYẾT ĐỊNH 140/QĐ-TTG NĂM 2018 VỀ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ NGUỒN THẢI” DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 140/QĐ-TTG | Ngày hiệu lực | 26/01/2018 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghệ thông tin Tài nguyên - môi trường |
Ngày ban hành | 26/01/2018 |
Cơ quan ban hành |
Thủ tướng chính phủ |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |