70% doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai, và 68% doanh nghiệp cho biết phải huỷ bỏ hoặc trì hoãn kế hoạch sản xuất kinh doanh khi gặp các khó khăn trong quá trình làm thủ tục này
Hôm nay (20.4), Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo về góc nhìn của doanh nghiệp đối với chương trình cải cách kinh doanh (theo Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ), trong đó,thủ tục đất đai vẫn là rào cản khiến doanh nghiệp e ngại nhiều.
Tốc độ cải cách chậm lại
Theo đó, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được các doanh nghiệp tư nhân đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt); xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt).
Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược. Cụ thể là các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) thì tăng điểm; còn các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.
Trong khi đó, thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020, nhưng trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm, hoàn thuế, quyết toán thuế…
Hoạt động thanh kiểm tra thuế trong năm 2020 giảm so với năm 2019, song tỷ lệ các doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8%, từ mức 47,1% của năm 2019, phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.
Vấn đề cấp phép xây dựng được doanh nghiệp đánh giá giảm điểm trong năm 2020 so với năm 2019, dù điểm vẫn cao hơn so với năm 2017 và 2018.
Tương tự, tiếp cận tín dụng cũng là một trong các lĩnh vực giảm điểm trong năm 2020 khi tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện chỉ là 54,4%, thấp hơn mức 59,5% của năm 2019.
Hồ sơ thủ tục đất đai thường bị “ngâm” lâu hơn quy định
Đáng nói là, đăng ký bất động sản và quản lý đất đai hầu như không có sự thay đổi điểm số qua nhiều năm. Việc thực hiện thủ tục về đất đai vẫn còn nhiều khó khăn và chưa được chú trọng cải thiện thực tế trong năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn về thủ tục đất đai trong 2 năm qua giảm từ 39% năm 2019 xuống 29% năm 2020.
Các khó khăn có thể kể đến là cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết (với 18% doanh nghiệp gặp phải), việc xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian (16%) và quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ không đúng quy định (12%).
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho hay trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 18% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong 2 năm gần nhất. Trong số đó, 70% cho biết có gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục.
“Đây là một tỷ lệ rất cao nếu như so sánh với các lĩnh vực thủ tục khác như khởi sự kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội. Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là thời hạn giải quyết hồ sơ lâu hơn so với quy định với 38% doanh nghiệp gặp vấn đề này”, ông Tuấn dẫn chứng.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị các doanh nghiệp cho biết những trải nghiệm trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các lựa chọn được đưa ra, bao gồm việc phải huỷ bỏ kế hoạch sản xuất kinh doanh, trì hoãn, không có ảnh hưởng gì, đến góp phần đẩy nhanh kế hoạch kinh doanh nếu doanh nghiệp không gặp khó khăn gì.
“Kết quả điều tra cho thấy, có tới 68% doanh nghiệp cho biết phải huỷ bỏ hoặc trì hoãn kế hoạch sản xuất kinh doanh khi gặp các khó khăn trong quá trình làm thủ tục đất đai”, ông Tuấn nói.
Theo Báo Thanh niên.