CHẤP THUẬN MIỄN NHIỆM, CÁCH CHỨC TỔNG GIÁM ĐỐC (GIÁM ĐỐC), TỔNG BIÊN TẬP NHÀ XUẤT BẢN

Posted on

Để có thể được Chấp thuận miễn nhiệm, cách chức tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân phải thực hiện gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bản chấp thuận. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật xuất bản 2012Nghị định 195/2013/NĐ-CP, Nghị định 159/2013/NĐ-CP, Nghị định 150/2018/NĐ-CP và Thông tư 01/2020/TT-BTTTT.

1. Điều kiện thành lập nhà xuất bản

1.1 Việc thành lập nhà xuất bản phải có đủ các điều kiện sau đây: (theo Điều 13 Luật xuất bản 2012)

– Có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản;

– Có người đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập và có ít nhất năm biên tập viên cơ hữu;

– Có trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản do Chính phủ quy định;

– Phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động xuất bản.

1.2 Ngoài điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 13 của Luật xuất bản, nhà xuất bản được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 8 Nghị định 195/2013/NĐ-CP):

– Trụ sở của nhà xuất bản có diện tích phù hợp, đáp ứng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc;

– Có ít nhất 05 (năm) tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản;

– Có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản

Như vậy, để thành lập nhà xuất bản cần có sự chấp thuận bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập là một trong những yếu tố tiên quyết.

Trong một số trường hợp, cơ quan chủ quan quyết định miễn nhiệm, cách chứ tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản xem xét miễn nhiệm, cách chức đối với tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản khi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về hoạt động xuất bản (khoản 2 Điều 9 Nghị định 195/2013/NĐ-CP).

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản

2.1 Tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây (khoản 1 Điều 18 Luật xuất bản 2012):

– Điều hành hoạt động của nhà xuất bản đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ ghi trong giấy phép và quyết định thành lập nhà xuất bản;

– Xây dựng bộ máy tổ chức và nhân lực của nhà xuất bản;

– Tổ chức thực hiện việc đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Điều 22 của Luật này;

– Tổ chức thẩm định tác phẩm, tài liệu quy định tại Điều 24 của Luật này và tác phẩm, tài liệu khác khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản;

– Ký hợp đồng liên kết xuất bản quy định tại điểm b khoản 3 Điều 23 của Luật này trước khi ký quyết định xuất bản;

– Ký duyệt bản thảo hoàn chỉnh trước khi đưa in;

– Ký quyết định xuất bản đối với từng xuất bản phẩm đúng ới giấy xác nhận đăng ký xuất bản, kể cả việc in tăng số lượng;

– Ký quyết định phát hành xuất bản phẩm;

– Định giá, điều chỉnh giá bán lẻ xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật;

– Tổ chức việc lưu trữ hồ sơ biên tập bản thảo và tài liệu có liên quan của từng xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật;

– Thực hiện việc sửa chữa, đình chỉ phát hành, thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Thực hiện việc báo cáo khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản;

– Bảo đảm không để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;

– Quản lý tài sản và cơ sở vật chất của nhà xuất bản;

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan chủ quản về xuất bản phẩm và mọi hoạt động của nhà xuất bản.

2.2 Tổng biên tập nhà xuất bản có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây (khoản 2 Điều 18 Luật xuất bản 2012):

– Giúp tổng giám đốc (giám đốc) chỉ đạo việc tổ chức bản thảo;

– Tổ chức biên tập bản thảo;

– Đọc và ký duyệt đối với từng bản thảo để trình tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản ký quyết định xuất bản;

– Không được để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;

– Chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản và trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm của nhà xuất bản.

3. Chấp thuận bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản

3.1. Điều kiện để được bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản (Điều 17 Luật xuất bản 2012)

3.1.1. Tiêu chuẩn đối với tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản:

– Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

– Có trình độ đại học trở lên;

– Có ít nhất 03 năm là một trong các công việc biên tập, quản lý xuất bản hoặc báo chí, quản lý tại cơ quan chủ quản nhà xuất bản;

– Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

3.1.2 Tiêu chuẩn đối với tổng biên tập nhà xuất bản:

– Có chứng chỉ hành nghề biên tập;

– Có ít nhất 03 năm làm công việc biên tập tại nhà xuất bản hoặc cơ quan báo chí;

– Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

3.1.3. Đối với nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu mà có chức danh chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty thì chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty phải đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản.

3.2. Thẩm quyền: Trước khi bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản, cơ quan chủ quản phải có hồ sơ gửi Bộ Thông tin và Truyền thông. (theo điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 195/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung)

4. Miễn nhiệm, cách chức tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản

Trước khi miễn nhiệm, cách chức tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản, cơ quan chủ quản phải có văn bản đề nghị chấp thuận miễn nhiệm, cách chức gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (theo điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 195/2013/NĐ-CP)

5. Xử phạt vi phạm hành chính

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối hành vi không có chứng chỉ hành nghề biên tập nhưng đứng tên tổng biên tập, biên tập viên trên xuất bản phẩm (điềm e khoản 3 Điều 19 Nghị định 159/2013/NĐ-CP)

Kết luận: Người thực hiện đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bản chấp thuận miễn nhiệm, cách chức tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản cần tuân thủ quy định của Luật xuất bản 2012Nghị định 195/2013/NĐ-CPNghị định 159/2018/NĐ-CP và Thông tư 01/2020/TT-BTTTT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Chấp thuận miễn nhiệm, cách chức tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản