KẾ HOẠCH 124/KH-UBND VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2021
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 124/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2021
Căn cứ Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng;
Căn cứ Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”
Căn cứ Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 26/9/2018 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 09/4/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt “quy định thời gian cao điểm xảy ra cháy rừng trong năm, các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội”;
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thành phố Hà Nội năm 2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch Quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội với các nội dung chính như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
– Quản lý, bảo vệ tốt diện tích: 27.162,04 ha rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp hiện có của Thành phố, đặc biệt bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên (7.583,98ha), từng bước nâng độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng để phát huy giá trị phòng hộ, bảo vệ môi trường và cảnh quan tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
– Nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
– Tổ chức lực lượng chuyên ngành thường trực trong mùa khô hanh kịp thời phát hiện sớm lửa rừng, huy động lực lượng ngăn chặn, dập tắt kịp thời các điểm cháy rừng để hạn chế, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại tài nguyên rừng khi cháy rừng xảy ra.
– Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, đặc biệt ngăn chặn và xử lý hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; lấn chiếm đất lâm nghiệp trái quy định.
2. Yêu cầu:
– Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã có rừng thực hiện đúng các quy định, trách nhiệm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái quy định gây ra.
– Các sở, ngành Thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích theo đúng quy định của pháp luật.
– Chính quyền địa phương các cấp chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên trực tiếp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và tình trạng khai thác, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định.
– Lực lượng Kiểm lâm căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR theo đúng quy định tại Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và các quy định khác của cấp có thẩm quyền.
– Chủ rừng có trách nhiệm tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng có hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định. Thực hiện nghiêm công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trên diện tích được giao quản lý.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH:
1. Bảo vệ rừng.
a) Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng: Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; Luật Lâm nghiệp năm 2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; các Thông tư mới ban hành về lĩnh vực lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp & PTNT; Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 26/9/2018 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng… đến các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp ủy, chính quyền cấp xã có rừng, các chủ rừng, hộ gia đình, tổ chức, người dân sống trong rừng, ven rừng thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp.
b) Tăng cường công tác phối hợp thực hiện bảo vệ rừng.
– Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng với các tỉnh có rừng giáp ranh với Hà Nội.
– Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội nhằm huy động lực lượng đủ mạnh trong tuần tra, kiểm tra, truy quét ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ rừng.
– Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng Công an điều tra, xử lý dứt điểm theo quy định các vụ vi phạm về bảo vệ rừng.
c) Ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định trên địa bàn.
– UBND cấp huyện (có rừng) xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, giao rõ trách nhiệm các phòng, ban, đơn vị, đảm bảo các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng được xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật.
– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp, sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định (đặc biệt các điểm nóng như: Sóc Sơn, Ba Vì.., các khu vực chồng lấn.).
– Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Kiên quyết đình chỉ, thu hồi các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sai mục đích, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án.
d) Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở và chủ rừng trong nhiệm vụ bảo vệ rừng.
– Bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn mình quản lý. Địa phương nào để xảy ra phá rừng, lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp trái pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp dưới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp.
– Chủ rừng tăng cường công tác quản lý rừng tại gốc, thường xuyên trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật xảy ra trên địa bàn và tại các khu vực giáp ranh với địa bàn mình được giao quản lý.
– Kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
2. Phòng cháy và chữa cháy rừng.
a) Xây dựng Kế hoạch, phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.
– UBND các cấp có rừng và chủ rừng xây dựng Kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR, phương án bảo vệ rừng và PCCCR, Phương án huy động lực lượng phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra đối với diện tích rừng trên địa bàn quản lý.
– UBND các cấp có rừng phân công lãnh đạo trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng do mình quản lý phối hợp, hiệp đồng bố trí lực lượng trực PCCCR trong thời gian cao điểm dễ cháy rừng, sẵn sàng huy động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
– Chi cục Kiểm lâm xây dựng phương án huy động lực lượng kiểm lâm tham gia chữa cháy rừng, ngăn chặn phá rừng.
– UBND cấp xã, chủ rừng là tổ chức thường xuyên kiện toàn tổ đội xung kích bảo vệ rừng và PCCCR sẵn sàng triển khai lực lượng kịp thời chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra an toàn về PCCCR, kịp thời bổ sung sửa chữa, bảo dưỡng thay thế các trang thiết bị chữa cháy rừng đảm bảo hoạt động hiệu quả khi tham gia chữa cháy.
– Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.
– Chi cục Kiểm lâm theo dõi, dự báo cấp cháy rừng thông tin kịp thời để chính quyền các cấp và chủ rừng, các lực lượng chuyên ngành để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy rừng.
– Cơ quan Kiểm lâm tổ chức tuần tra, phối hợp với các lực lượng của chính quyền cấp huyện, xã, chủ rừng tổ chức tuần tra các vùng trọng điểm, các khu vực dễ xảy ra cháy rừng để có biện pháp phòng cháy rừng hiệu quả, kịp thời.
– Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng theo Đề án đã được UBND Thành phố phế duyệt tại Quyết định số 5443/QĐ-UBND ngày 04/12/2020 Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm, cán bộ quản lý các cấp và các chủ rừng, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
b) Trực phòng cháy rừng.
Căn cứ Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 09/4/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng trong năm, các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội:
– Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm bố trí lực lượng tổ chức trực phòng cháy rừng 24/24 tại tất các trụ sở thuộc Chi cục được giao quản lý trong thời gian các tháng cao điểm dễ xảy cháy rừng đồng thời thông tin cấp dự báo cháy rừng theo ngày, tuần, các khu vực nguy có cháy cao và các vụ cháy rừng cho chính quyền các cấp và chủ rừng, các lực lượng chuyên ngành triển khai lực lượng kịp thời chữa cháy.
– UBND cấp huyện có rừng chỉ đạo UBND cấp xã có rừng và các chủ rừng là tổ chức bố trí lực lượng trực tại các vị trí dễ xảy ra cháy rừng, các vị trí có lượng người qua lại nhiều, các khu vực di tích lịch sử trong rừng để hướng dẫn người dân, du khách cảnh giác khi sử dụng lửa, kịp thời xử lý khi xảy ra cháy rừng.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN: Kinh phí thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR năm 2021 của Sở Nông nghiệp & PTNT từ nguồn kinh phí hoạt động nghiệp vụ được UBND Thành phố giao tại Quyết định số 5568/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 của thành phố Hà Nội.
IV. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
a) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội:
– Chủ động công tác tham mưu cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo có hiệu quả về công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR trên địa bàn Thành phố.
– Tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các huyện thị xã có rừng và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định và theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
– Phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND các huyện, thị xã có rừng làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người dân địa phương và du khách trong công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định số: 5443/QĐ-UBND ngày 04/12/2020 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án: “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm, cán bộ quản lý các cấp và các chủ rừng, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
– Xây dựng Kế hoạch tổ chức lực lượng kiểm lâm trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 tại tất cả các trụ sở được giao quản lý trong mùa khô hanh, kịp thời thông tin cấp dự báo cháy rừng, các điểm nguy cơ cháy cao và các vụ cháy rừng để các chủ rừng, chính quyền các cấp chủ động triển khai kịp thời lực lượng chữa cháy rừng. Xây dựng kinh phí hỗ trợ trực phòng cháy rừng đảm bảo quyền lợi cho cán bộ công chức và người lao động trong lực lượng kiểm lâm trực phòng cháy, chữa cháy rừng.
– Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai các phương án PCCCR hiệu quả trên địa bàn Thành phố.
– Phối hợp với các đơn vị Công an, Quân đội, Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh với Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR.
– Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm quản lý địa bàn có rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm, khu vực dễ xảy ra cháy rừng, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xây dựng công trình trái quy định trên đất lâm nghiệp, phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn của UBND huyện, thị xã có rừng kịp thời tham mưu cho UBND cấp huyện xử lý theo quy định.
b) Phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã có rừng, tiếp tục rà soát, đề nghị, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách trong công tác quản lý bảo vệ rừng & PCCCR phù hợp với thực tế đảm bảo khuyến khích được mọi thành phần kinh tế tham gia, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
c) Lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ trực PCCCR năm 2021 của lực lượng kiểm lâm đã được UBND thành phố Hà Nội giao tại Quyết định số 5568/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 của thành phố Hà Nội. Giao Chi cục Kiểm lâm tổ chức thực hiện chi hỗ trợ cho cán bộ công chức và người lao động trong lực lượng kiểm lâm trực phòng cháy chữa cháy rừng đảm bảo đúng quy định pháp luật.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
– Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thống nhất kế hoạch để bố trí vốn đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR.
– Phối hợp với Sở Tài chính đảm bảo cân đối vốn theo kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR hàng năm của Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND các huyện, thị xã có rừng đề xuất.
3. Sở Tài chính: Bố trí đủ kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng rừng và PCCCR theo quy định.
4. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
– Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn có rừng tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ chiến sỹ nắm vững chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.
– Chỉ đạo các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR tại chỗ nhằm bảo vệ an toàn các kho tàng, phương tiện và các trang thiết bị quốc phòng. Thực hiện tốt nội dung quy chế phối hợp số 405/LN: SNN-BTLTĐ ngày 23/10/2012 giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với Bộ Tư lệnh Thủ đô.
– Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi được huy động.
5. Công an Thành phố:
– Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ công an Thành phố và Công an các huyện, thị xã có rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương xử lý triệt để các vụ hủy hoại rừng, phá rừng; nắm bắt, theo dõi các đường dây khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn Thành phố và vùng giáp ranh để kịp thời xử lý; phối hợp, hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm điều tra và xử lý các đối tượng vi phạm về bảo vệ rừng và PCCCR; Tham gia và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho Đoàn Kiểm tra liên ngành thực hiện phá bỏ cây trồng trái phép, công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.
– Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khu vực quản lý địa bàn huyện, thị xã có rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng và UBND xã có rừng xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
– Tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
6. UBND các huyện, thị xã có rừng:
– Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR đối với cán bộ, công chức và nhân dân địa phương theo quy định của pháp luật.
– Triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 26/9/2018 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 09/7/2020 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
– Chỉ đạo các phòng, ban đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng Kiểm lâm Hà Nội thực hiện Đề án được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số: 5443/QĐ-UBND ngày 04/12/2020 Đề án: “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm, cán bộ quản lý các cấp và các chủ rừng, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
– Chỉ đạo các phòng, ban đơn vị trực thuộc nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt chủ động thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR rừng tại cơ sở; Thường xuyên đôn đốc UBND cấp xã và các chủ rừng trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác phòng cháy rừng; Phân công lãnh đạo UBND huyện/thị xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, hiệp đồng bố trí lực lượng trực PCCCR, sẵn sàng huy động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
– Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra phương án bảo vệ rừng và PCCCR đối với các chủ rừng trên địa bàn quản lý và UBND các xã có rừng đảm bảo các chủ rừng và UBND xã có phương án bảo vệ rừng và PCCCR phù hợp, trang thiết bị chữa cháy hoạt động hiệu quả.
– Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi hủy hoại rừng, san ủi, lấn chiếm, xây dựng công trình trái quy định trên đất lâm nghiệp.
– Lập dự toán kinh phí phục vụ các hoạt động trực PCCCR và huy động lực lượng tham gia chữa cháy rừng hàng năm theo đúng quy định trình UBND Thành phố xem xét quyết định.
7. UBND các xã có rừng:
– Chủ động xây dựng phương án, quy chế bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn xã.
– Lập kế hoạch kinh phí thực hiện công tác BVR & PCCCR hàng năm báo cáo UBND huyện trình UBND Thành phố phê duyệt.
– Chỉ đạo các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm theo kế hoạch.
– Hướng dẫn Thôn bản xây dựng quy ước, hương ước BVR&PCCCR theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với từng thôn bản.
– Sử dụng nguồn vốn ngân sách hiệu quả, đúng mục đích cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương.
– Báo cáo tháng, quý và hàng năm cho UBND huyện công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR, những khó khăn, vướng mắc cần được sớm giải quyết.
8. Chủ rừng:
– Thành lập và trực tiếp quản lý, duy trì hoạt động của tổ đội BVR & PCCCR; Ban hành quy chế hoạt động đảm bảo kinh phí, trang bị phương tiện và điều kiện để duy trì hoạt động của tổ đội BVR & PCCCR của đơn vị.
+ Chịu trách nhiệm tổ chức thực tập, diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cho các tổ đội bảo vệ rừng và PCCCR của đơn vị mình.
+ Chỉ đạo các tổ đội BVR&PCCCR của đơn vị thường xuyên tuần tra, kiểm tra kịp thời ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng như chặt phá rừng, đốt than, phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm rừng, săn bắt động vật rừng trái phép thuộc địa bàn được giao quản lý.
– Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, dự án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với khu vực rừng mình quản lý, lập kế hoạch nhu cầu vốn cho công tác BVR & PCCCR hàng năm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
– Tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng tham gia ứng cứu chữa cháy rừng theo lệnh huy động của cấp có thẩm quyền.
– Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng tháng, quý và hàng năm theo phân cấp quản lý, nêu những khó khăn vướng mắc, đề xuất các giải pháp đối với công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được giao.
– Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.
– Thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm phá rừng, gây cháy rừng.
Trên đây là Kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thành phố Hà Nội năm 2021 yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các cấp của Thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: – Thường trực Thành ủy; (B.cáo); – Thường trực HĐND Thành phố; (B.cáo); – Chủ tịch UBND Thành phố; (B.cáo); – Các Phó chủ tịch UBND Thành phố; – Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; (để thực hiện); – Công an Thành phố Hà Nội; (để thực hiện); – Các Sở, ban ngành Thành phố Hà Nội; (để thực hiện); – UBND các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn; (để thực hiện); – UBND thị xã Sơn Tây; (để thực hiện); – CVP, các PVP; (để thực hiện); – Chi cục Kiểm lâm Hà Nội; (để thực hiện); – KT, TKBT, NC; (để thực hiện); – Lưu VT, KT. |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN Nguyễn Mạnh Quyền |
KẾ HOẠCH 124/KH-UBND VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2021 | |||
Số, ký hiệu văn bản | 124/KH-UBND | Ngày hiệu lực | 19/05/2021 |
Loại văn bản | Văn bản khác | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Tài nguyên - môi trường |
Ngày ban hành | 19/05/2021 |
Cơ quan ban hành |
Hà Nội |
Tình trạng | Không xác định |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |