1. Cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bằng bắt buộc phải có khi tổ chức, cá nhân muốn thực hiện các hoạt động liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ tìm hiểu các nội dung liên quan đến vấn đề này thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009

1. Khái niệm

Khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận.

(khoản 1 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.

(khoản 2 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này (sau đây gọi chung là chứng chỉ hành nghề).

(khoản 4 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

2. Các nội dung liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề

2.1. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề

Theo Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì người xin cấp chứng chỉ hành nghề bao gồm: Bác sỹ, y sỹ; Điều dưỡng viên; Hộ sinh viên; Kỹ thuật viên; Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

2.2. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam

Theo quy định tại Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 người Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện dưới đây để được cấp chứng chỉ hành nghề:

– Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

+ Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;

+ Giấy chứng nhận là lương y;

+ Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

– Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

– Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2.3. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để được cấp chứng chỉ hành nghề cần đáp ứng các điều kiện sau :

– Có đủ điều kiện quy định tại Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.

– Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh.

– Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận.

– Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.

(Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

2.4. Điều kiện cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề

Trong trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, để được cấp lại thì cần đáp ứng các điều kiện sau :

– Có đủ điều kiện quy định tại Điều 18 của Luật Khám bệnh, chữ bệnh 2009 đối với người Việt Nam hoặc Điều 19 của Luật Khám bệnh, chữu bệnh 2009 đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trừ điều kiện về văn bản xác nhận quá trình thực hành.

– Có giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

(Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

2.5. Thừa nhận chứng chỉ hành nghề

Theo quy định tại Điều 22 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh giữa các nước được thực hiện theo quy định của thỏa thuận quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Chứng chỉ hành nghề

Theo quy định tại Điều 25 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì chứng chỉ hành nghề được cấp cho người có đủ điều kiện quy định tại Điều 18 hoặc Điều 19 của Luật này.

Chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước.

Nội dung của chứng chỉ hành nghề bao gồm:

– Họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, bằng cấp chuyên môn;

– Hình thức hành nghề;

– Phạm vi hoạt động chuyên môn.

Trường hợp chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc bị hư hỏng, người hành nghề được cấp lại chứng chỉ hành nghề.

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mẫu chứng chỉ hành nghề.

Lưu ý: Chính phủ quy định lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề để bảo đảm đến ngày 01 tháng 01 năm 2016, tất cả đối tượng đang tham gia khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước vào thời điểm Luật này có hiệu lực phải có chứng chỉ hành nghề.

Kết luận: Vậy chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được cấp cho những đối tượng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, có thể được cấp lại trong một số trường hợp và tuân thủ quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây :

Cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Thủ tục Nội dung