QUYẾT ĐỊNH 15/2021/QĐ-UBND QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN; KINH DOANH, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2021/QĐ-UBND |
Hòa Bình, ngày 24 tháng 5 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN; KINH DOANH, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 30/2012/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y;
Căn cứ Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y;
Căn cứ Thông tư số 11/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc quy định trang phục, phù hiệu, biển hiệu, thẻ kiểm dịch động vật;
Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;
Căn cứ Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;
Căn cứ Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y;
Căn cứ Thông tư số 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 202 /TTr-SNN ngày 05 tháng 4 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Như Điều 3; – Bộ NN&PTNT; – Thường trực Tỉnh ủy; – Thường trực HĐND tỉnh; – UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh; – Đoàn Đại biểu QH tỉnh; – Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; – Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp; – Chánh, Phó VP/UBND tỉnh; – Trung tâm Tin học-Công báo tỉnh; – Lưu: VT, TH, NNTN (BD60). |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
|
QUY ĐỊNH
VỀ KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN; KINH DOANH, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giết mổ động vật trên cạn, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Gia súc nuôi và các loại động vật trên cạn khác dùng làm thực phẩm thuộc diện phải kiểm soát giết mổ gồm: Trâu, bò, dê, cừu, lợn, ngựa, lừa, la, thỏ.
2. Gia cầm nuôi thuộc diện phải kiểm soát giết mổ gồm: Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, đà điểu.
3. Sản phẩm gia súc, gia cầm bao gồm: Những sản phẩm có nguồn gốc từ các loài gia súc, gia cầm được quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế.
4. Phương tiện vận chuyển bao gồm: Các phương tiện dùng để chuyên chở động vật, sản phẩm động vật dạng tươi sống hoặc sơ chế.
5. Trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong vận chuyển bao gồm: Các trang thiết bị, dụng cụ được sử dụng để nhốt giữ, chăm sóc động vật; các trang thiết bị, dụng cụ được sử dụng để bao gói, bảo quản sản phẩm động vật trong quá trình vận chuyển.
6. Cơ sở giết mổ động vật tập trung: Là cơ sở giết mổ động vật nằm trong quy hoạch được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
7. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ (điểm giết mổ): Là nơi giết mổ được cơ quan có thẩm quyền địa phương quy định, cho phép kinh doanh giết mổ tại những nơi chưa có cơ sở giết mổ tập trung, nhưng phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường theo quy định.
8. Các công trình công cộng: Bao gồm công sở, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, khu tôn giáo, đường giao thông, hồ chứa nước.
Chương II
KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN
Điều 4. Đối với động vật trước và sau khi giết mổ
Việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung hoặc cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ đủ điều kiện vệ sinh thú y; động vật trước và sau khi giết mổ phải được người làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ kiểm tra và đáp ứng các yêu cầu:
1. Động vật được nhập về cơ sở giết mổ phải là động vật khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được nhập từ vùng không có dịch bệnh; đối với động vật được vận chuyển từ ngoài tỉnh đến phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định. Đảm bảo đủ thời gian ngừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
2. Động vật phải được nghỉ ngơi để bảo đảm trở về trạng thái bình thường trước khi giết mổ; nếu do quá trình vận chuyển động vật bị tổn thương, kiệt sức không có khả năng phục hồi và không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm sẽ được đưa vào giết mổ trước.
3. Khi phát hiện động vật chuẩn bị giết mổ hoặc sản phẩm thịt sau giết mổ có dấu hiệu bị bệnh thì phải được đưa tới khu vực cách ly và kiểm tra, xử lý theo quy định, đồng thời thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng, khu vực nuôi nhốt và khu vực giết mổ.
4. Sản phẩm động vật sau khi giết mổ và trước khi tiêu thụ phải được người làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ, dán tem vệ sinh thú y hoặc đánh dấu kiểm soát giết mổ đối với thân thịt, phủ tạng, phụ phẩm ăn được bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.
5. Đối với cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung thì việc giết mổ động vật thực hiện theo quy định về giết mổ động vật tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ được nêu trong nội dung của khoản 2 Điều 64 Luật Thú y.
Điều 5. Quy định kiểm soát giết mổ, mã số dấu kiểm soát
1. Quy trình kiểm soát giết mổ động vật trên cạn thực hiện theo quy định tại Chương II, Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Người làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, trang phục, sắc phục của cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ.
a) Người trực tiếp thực hiện kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (chuyên ngành thú y hoặc chăn nuôi thú y hoặc nuôi trồng thủy sản hoặc bệnh học thủy sản); đã hoàn thành một khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm soát giết mổ; phải mang trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, thẻ kiểm dịch động vật khi thi hành công vụ theo quy định tại Thông tư số 11/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ kiểm dịch động vật;
b) Việc quản lý, sử dụng trang phục, sắc phục kiểm dịch động vật phải đúng chế độ, đúng đối tượng.
3. Quy định thu, nộp phí kiểm soát giết mổ
a) Người làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ thực hiện thu phí kiểm soát giết mổ đối với chủ cơ sở hoặc chủ hộ giết mổ động vật theo quy định của pháp luật;
b) Chủ cơ sở hoặc chủ hộ giết mổ động vật phải nộp phí kiểm soát giết mổ theo quy định;
c) Mức thu phí kiểm soát giết mổ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y;
4. Mã số dấu kiểm soát giết mổ của cơ sở giết mổ các huyện, thành phố, thị xã gồm: 02 (hai) số đầu là mã số của tỉnh; 02 (hai) số tiếp theo là mã số của huyện, thị xã, thành phố; 02 (hai) chữ số cuối cùng là số thứ tự. Được quy định cụ thể như sau:
Thành phố Hòa Bình: Mã số 21.01…, Huyện Đà Bắc: Mã số 21.02…,Huyện Mai Châu: Mã số 21.03…,Huyện Cao Phong: Mã số 21.05…,Huyện Lương Sơn: Mã số 21.06…,Huyện Kim Bôi: Mã số 21.07…,Huyện Tân Lạc: Mã số 21.08…, Huyện Lạc Sơn: Mã 21.09…,Huyện Lạc Thủy: Mã số 21.10…,Huyện Yên Thủy: Mã số 21.11.
Ví dụ: Mã số 21.01.03 (21 là mã số của tỉnh Hòa Bình; 01 là mã số của thành phố Hòa Bình; 03 là số thứ tự).
Chương III
KINH DOANH, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT
Điều 6. Kinh doanh động vật, sản phẩm động vật
1. Yêu cầu vệ sinh thú y đối với chợ kinh doanh, cơ sở thu gom động vật
a) Chợ chuyên kinh doanh động vật:
– Địa điểm phải theo quy hoạch của chính quyền địa phương.
– Có khu vực riêng biệt đối với từng loài động vật.
– Trang thiết bị, dụng cụ, nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.
– Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo quy định.
b) Chợ kinh doanh động vật nhỏ lẻ:
– Địa điểm tách biệt với các ngành hàng khác.
– Thuận lợi cho việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, thu gom, xử lý nước thải, chất thải.
c) Cơ sở thu gom động vật:
– Địa điểm cách biệt với khu dân cư, khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các công trình công cộng.
– Có khu vực riêng biệt đối với từng loài động vật.
– Trang thiết bị, dụng cụ, nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.
– Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật
a) Cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật:
– Phương tiện bày bán, vật dụng chứa đựng sản phẩm động vật phải được làm bằng vật liệu không gỉ, không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.
– Có biện pháp bảo quản thích hợp để sản phẩm động vật không bị mất an toàn thực phẩm, biến chất.
– Địa điểm và vật dụng dùng trong kinh doanh sản phẩm động vật phải được vệ sinh sạch trước, trong và sau khi bán, định kỳ khử trùng, tiêu độc.
– Kho, thiết bị bảo quản sản phẩm động vật phải tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng.
– Nước thải, chất thải trong quá trình kinh doanh sản phẩm động vật phải được xử lý bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
b) Cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật với mục đích làm thực phẩm:
– Phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và theo pháp luật về an toàn thực phẩm.
Điều 7. Vận chuyển động vật và sản phẩm động vật
1. Đối với trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế, yêu cầu chung về vệ sinh thú y theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y (ký hiệu: QCVN 01-100: 2012/BNNPTNT).
2. Đối với động vật và sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
3. Đối với động vật và sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh
Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4, khoản 4 Điều 5 của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
4. Vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong địa bàn tỉnh
Vận chuyển sản phẩm động vật từ địa bàn huyện này sang địa bàn huyện khác phải có chứng minh nguồn gốc; sản phẩm động vật có dấu kiểm soát giết mổ đóng trên thân thịt (hoặc biên lai có mệnh giá thu phí kiểm soát giết mổ trong ngày).
5. Trách nhiệm của chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển
a) Chấp hành nghiêm các quy định về kiểm dịch vận chuyển của Luật Thú y và pháp luật có liên quan, thực hiện nộp đầy đủ phí, lệ phí kiểm dịch theo quy định;
b) Chịu trách nhiệm nuôi giữ, chăm sóc động vật, bảo quản sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển, nội dung khai báo kiểm dịch; bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển theo quy định;
c) Trả kinh phí xử lý, bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, XÃ VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổ chức triển khai thực hiện Quy định này;
b) Phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 3087/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
c) Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
– Kiểm tra, đánh giá các điều kiện chuyên môn đối với cơ quan, cá nhân tham gia thực hiện kiểm soát giết mổ quy định tại Điều 5.
– Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở, các Chi cục Quản lý chuyên ngành và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm về giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.
d) Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ về tài chính để phục vụ công tác quản lư giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm của động vật đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tổ chức hướng dẫn, thẩm định hồ sơ đối với cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường, đất đai, tài nguyên nước;
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường.
4. Công an tỉnh
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên có quan, cùng cơ quan quản lý về thú y, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc chấp hành các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.
5. Cục Quản lý thị trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm của động vật.
6. Các Sở, ngành khác
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện quy định về kiểm soát giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố
1. Quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ động vật tập trung; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn.
2. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức triển khai việc xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung theo Quyết định số 3087/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Hướng dẫn thực hiện các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn định mức kỹ thuật, trong hoạt động vận chuyển động vật, kiểm soát giết mổ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.
4. Chỉ đạo, tổ chức thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về giết mổ động vật trên cạn; vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật theo thẩm quyền.
5. Kêu gọi đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.
6. Cấp giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ sở giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định.
7. Tổ chức xác nhận, hướng dẫn môi trường đối với các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật về môi trường và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật về môi trường.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý việc giết mổ động vật ở cơ sở giết mổ động vật tập trung, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật theo quy định tại khoản 3 Điều 76 của Luật Thú y năm 2015.
2. Quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trên địa bàn.
3. Chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn gây ra.
Điều 11. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân giết mổ động vật trên cạn; kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
1. Tuân thủ quy định về yêu cầu vệ sinh thú y trong giết mổ; kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
2. Lưu giữ hồ sơ và các thông tin cần thiết để truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra việc thực hiện Quy định này; đồng thời tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao nghiêm túc triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần phải bổ sung, sửa đổi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp ý kiến các Sở, ngành và các địa phương để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
QUYẾT ĐỊNH 15/2021/QĐ-UBND QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN; KINH DOANH, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 15/2021/QĐ-UBND | Ngày hiệu lực | 07/06/2021 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Lĩnh vực khác |
Ngày ban hành | 24/05/2021 |
Cơ quan ban hành |
Hòa Bình |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |
|