TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP về tăng cường một số biện pháp chống dịch COVID-19. Theo đó, nhiều người dân lo lắng, băn khoăn việc nếu sử dụng phương tiện cá nhân từ TP.HCM về quê có quá khó khăn khi qua chốt kiểm soát dịch của các địa phương.
Lo mắc kẹt giữa chốt đi và về
Chị Huỳnh Thị Nhi (quê Tây Ninh) cho biết: Từ ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tới nay, gia đình chị gặp khá nhiều khó khăn vì không có việc làm. Do đó, chị đã chủ động liên hệ với địa phương để về quê bằng xe máy và được địa phương chấp thuận.
“Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường thì có cho người dân ra khỏi địa phận TP hay không? Tôi rất lo chưa về tới nhà đã bị phạt” – chị Nhi lo lắng.
Tương tự, chị Bích Hoa (quê Đắk Nông) băn khoăn: “Tôi rất sợ tình trạng không thống nhất giữa những chốt kiểm soát của các địa phương. Ví dụ, tôi được chốt kiểm soát ở TP.HCM cho ra nhưng chốt chặn ở Bình Phước lại không cho qua, bắt quay lại TP.HCM, rồi về tới TP.HCM, lực lượng kiểm soát lại không cho vào TP thì phải làm sao”.
Anh TMB (quê ở Bến Tre) thông tin ngày 24-7 có nhiều người dân rời TP.HCM để về quê ở Bến Tre, song bị chặn lại tại chốt kiểm tra trên quốc lộ 1 (giáp ranh TP.HCM – Long An) khiến người dân phải quay đầu. Sau đó, người dân muốn xin vào một chốt ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) nhưng không được. Sau khi giải thích, các trường hợp trên đã được quay lại TP.HCM.
Theo ghi nhận của PV, tại quốc lộ 50 có hai chốt kiểm soát dịch, một chốt của TP.HCM và chốt còn lại của Long An. Tại đây, lực lượng kiểm soát dịch của TP.HCM đã siết chặt, kiểm tra thông tin, giấy xét nghiệm và những trường hợp có lý do chính đáng mới được vào TP.HCM.
Tại chốt trên đường quốc lộ 13, giáp ranh với tỉnh Bình Dương, người dân đi qua chốt đều được mời vào khai báo y tế, kiểm tra giấy thông hành, giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Trường hợp đầy đủ điều kiện sẽ được đóng dấu mộc đỏ lên tay và cho qua chốt.
Tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 1K cũng có hai chốt kiểm soát của TP.HCM và Bình Dương. Theo đó, TP.HCM sẽ kiểm soát chặt chẽ giấy thông hành, giấy tờ cá nhân và giấy xét nghiệm để vào TP.HCM. Ngược lại, tỉnh Bình Dương cũng kiểm soát người dân đi vào địa phận tỉnh hoặc quá cảnh.
Cần liên lạc với địa phương trước khi rời TP.HCM
Trước tình trạng nhiều người dân lo lắng có được rời khỏi TP.HCM về quê hay không, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng CSGT (PC08), Công an TP.HCM, cho biết: Hiện nay TP.HCM thống nhất với các tỉnh việc TP sẽ kiểm soát chặt đầu vào, còn các tỉnh, thành khác cũng kiểm tra đầu vào theo quy định của mỗi địa phương.
Do đó, việc người dân về quê bằng xe máy thì cần liên lạc với địa phương xem có cho phép người dân về bằng xe máy hay không. Nếu địa phương chấp thuận thì cần tuân thủ các điều kiện của địa phương đó.
Theo ông Bình, hiện UBND TP.HCM, Sở GTVT TP cũng có hướng dẫn đối với các đoàn đi về các tỉnh, thành. Do đó, các địa phương nên phối hợp với nhau để đưa xe về từng đoàn. Việc có xe đưa đón người dân sẽ kiểm soát dịch hiệu quả hơn.
Tương tự, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết hiện tỉnh đang phối hợp với các địa phương để tiếp nhận người dân về quê. Theo đó, người dân về quê cần có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 có thời hạn ba ngày. Đồng thời sau khi về tới địa phương cần khai báo y tế tại nơi cư trú và cách ly tại nhà 14 ngày. Trong 14 ngày cách ly tại nhà, người dân sẽ thực hiện xét nghiệm COVID-19 ba lần.
Kiến nghị nhiều địa phương phối hợp
Trước tình trạng người dân từ TP.HCM về quê Bến Tre phải quay đầu ở chốt Long An, UBND tỉnh Long An đã có văn bản nhằm phối hợp để thực hiện tốt việc đưa người dân đang học tập và làm việc ở TP.HCM trở về các địa phương.
Theo UBND tỉnh Long An, qua kiểm tra, giám sát trên các tuyến giao thông kết nối Long An với TP.HCM cho thấy kể từ 0 giờ ngày 24-7, hàng trăm người dân thuộc Long An và các tỉnh, TP thuộc khu vực ĐBSCL đang làm việc, học tập tại TP.HCM di chuyển bằng phương tiện cá nhân về địa bàn Long An. Lực lượng chức năng của tỉnh đã vận động người dân quay trở lại TP.HCM, chờ địa phương có kế hoạch đón trở về để đảm bảo trật tự, an toàn phòng dịch.
Đồng thời UBND TP.HCM cũng có công văn chỉ đạo các ngành chức năng liên quan hỗ trợ, phối hợp với hội đồng hương các tỉnh, TP tổ chức đưa người dân về địa phương theo đề nghị của các tỉnh.
Theo đó, ngày 25-7, UBND tỉnh Long An đề nghị ban liên lạc Hội đồng hương Long An tại TP.HCM hỗ trợ làm đầu mối tiếp nhận thông tin đăng ký nhu cầu trở về địa phương của người dân. Trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh lên kế hoạch đón người dân trở về Long An, đảm bảo trật tự, an toàn, chu đáo.
Đặc biệt, UBND tỉnh Long An đề nghị UBND các tỉnh, TP gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ phối hợp, thông tin về kế hoạch đưa người dân đang làm việc, học tập tại TP.HCM trở về địa phương.
Trong đó thể hiện rõ danh sách, số lượng xe (ô tô, xe khách… ) và thời gian dự kiến di chuyển qua địa bàn tỉnh Long An để UBND tỉnh Long An chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình di chuyển qua địa bàn tỉnh.
Bốn nhóm trường hợp được vào tỉnh Bình Phước
Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho biết hiện nay UBND tỉnh đã có hướng dẫn về việc người dân đi vào địa phận tỉnh Bình Phước. Trong đó, bốn nhóm trường hợp được về Bình Phước gồm: Người thực hiện công vụ, người bệnh ốm đau, người ra tù, xe chở hàng hóa thiết yếu. Ngoài các trường hợp trên đều phải quay đầu về địa điểm xuất phát. Theo đó, hiện nay người dân không thể đi xe máy về tự do như trước nữa. Người dân có nhu cầu về cần liên hệ thành một tổ chức như hội đồng hương để lên kế hoạch về địa phương. Từ đó, địa phương mới có kế hoạch cách ly, giám sát, tạo điều kiện cho người dân. Trường hợp người dân đi về Đắk Nông, Đắk Lắk bằng xe máy, quá cảnh qua Bình Phước như vừa qua chỉ là hoạt động tự phát. Tỉnh Bình Phước sẽ phải có đoàn để dẫn đường cho người dân đi qua địa phận tỉnh. Mới đây, tỉnh Bình Phước đã có văn bản gửi TP.HCM, Bình Dương, Đắk Nông về việc cần tổ chức theo đoàn. Theo đó, các địa phương cần phối hợp để đưa người dân về quê để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. |
Theo plo.vn