Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp được nhiều người lựa chọn để bắt đầu khởi nghiệp, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ khă năng cũng như điều kiện để nắm bắt toàn bộ những quy định của pháp luật về vấn đề đăng ký thanh lập loại hình công ty này. Dựa trên quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu tháng 1 năm nay, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ giúp bạn tìm hiểu một số vấn đề xoay quanh việc đăng ký thành lập công ty cổ phần
1. Loại hình công ty cổ phần và các đặc điểm đặc trưng
1.1. Khái niệm:
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
+ Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
+ Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật doanh nghiệp.
– Theo khoản 3 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.
1.2. Đặc điểm đặc trưng:
– Theo khoản 3 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty. Các loại cổ phần được quy định tại Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
– Cổ phần phổ thông: cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông gọi là cổ đông phổ thông.
– Cổ phần ưu đãi: cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm 4 loại:
+ Cổ phần ưu đãi cổ tức;
+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
+ Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Lưu ý:
– Quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông quyết định.
– Cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.
– Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi.
– Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
– Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.
2. Đăng ký thành lập công ty cổ phần
2.1. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty
Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai hình thức sau đây theo quy định tại Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020:
– Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Lưu ý: Trường hợp có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
– Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Lưu ý: Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
2.2. Tên, trụ sở và ngành nghề kinh doanh
– Tên của công ty cổ phần phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 37, 38, 39Luật Doanh nghiệp 2020, đặc biệt không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác đã đăng ký trong cơ sở đăng ký dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020.
– Công ty cổ phần bắt buộc phải có trụ sở chính đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có) theo quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020.
– Hoạt động kinh doanh của công ty phải không thuộc các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; phải xin phép đúng theo quy định pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
2.3. Vốn điều lệ khi thành lập công ty cổ phần
Theo khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về vấn đề thay đổi vốn điều lệ của công ty như sau:
– Công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
– Công ty mua lại cổ phần đã bán;
– Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn.
Lưu ý: Cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể tham khảo tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020.
Kết luận: Trên đây là những quy định mới nhất về các vấn đề liên quan đến việc đăng ký thành lập công ty cổ phần mà trong quá trình đăng ký thành lập các cá nhân, tổ chức khi thực hiện cần phải xem các quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020
Trình tư, thủ tục thực hiện, hồ sơ, biểu mẫu xem tại đây:
Đăng ký thành lập công ty cổ phần