TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12251:2020 VỀ BẢO VỆ CHỐNG ĂN MÒN CHO KẾT CẤU XÂY DỰNG

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 12251:2020

BẢO VỆ CHỐNG ĂN MÒN CHO KẾT CẤU XÂY DỰNG

Protection against corrosion for building structures

Lời nói đầu

TCVN 12251: 2020 được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn của Liên bang Nga SP 28. 13330. 2012 và cập nhật, bổ sung theo SP 28.13330.2017.

TCVN 12251:2020 do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

BẢO VỆ CHỐNG ĂN MÒN CHO KẾT CẤU XÂY DỰNG

Protection against corrosion for building structures

1.  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng để thiết kế bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu xây dựng (bê tông, bê tông cốt thép, thép, nhôm, gỗ, gạch đá và xi măng amiăng) của nhà và công trình (xây mới hoặc cải tạo sửa chữa), chịu tác động của môi trường ăn mòn với nhiệt độ từ 0 °C đến 50 °C.

Tiêu chuẩn này không áp dụng để thiết kế bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu xây dựng chịu tác động của các chất phóng xạ, kết cấu được chế tạo từ bê tông đặc biệt (bê tông polime, bê tông chịu nhiệt, chịu axit, chịu băng giá).

Đối với các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép xây dựng trong môi trường biển áp dụng theo TCVN 9346:2012.

2.  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với tài liệu ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với tài liệu không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

– TCVN 1651-1:2018, Thép cốt bê tông – Phần 1: Thép thanh tròn trơn.

– TCVN 1651-2:2018, Thép cốt bê tông – Phần 2: Thép thanh vằn.

– TCVN 1651-3:2018, Thép cốt bê tông – Phần 3: Lưới thép hàn.

– TCVN 2097:2015, sơn và vecni – Phép thử cắt ô.

– TCVN 2682:2009, Xi măng pooc lăng. Yêu cầu kỹ thuật.

– TCVN 4316:2007, Xi măng pooc lăng xỉ lò cao. Yêu cầu kỹ thuật.

– TCVN 4506:2012, Nước cho bê tông và vữa. Yêu cầu kỹ thuật.

– TCVN 5439: 2004, Xi măng – Phân loại.

– TCVN 5573:2011, Kết cấu gạch đá và gạch đá cốt thép – Tiêu chuẩn thiết kế.

– TCVN 5574:2018, Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép. Tiêu chuẩn thiết kế.

– TCVN 5575:2012, Kết cấu thép – Tiêu chuẩn thiết kế.

– TCVN 6067:2018, Xi măng pooc lăng bền sulfat. Yêu cầu kỹ thuật.

– TCVN 6260:2009, Xi măng pooc lăng hỗn hợp. Yêu cầu kỹ thuật.

– TCVN 6284 -1:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực – Phần 1: Yêu cầu chung.

– TCVN 6284 -2:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực – Phần 2: Dây kéo nguội.

– TCVN 6284 -3:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực – Phần 3: Dây tôi và ram.

– TCVN 6284 -4:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực – Phần 4: Dảnh.

– TCVN 6284 -5:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực – Phần 4: Thép thanh cán nóng có hoặc không xử lý tiếp.

– TCVN 7570:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa. Yêu cầu kỹ thuật.

– TCVN 7572-14:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa – Phương pháp thử – Phần 14: Xác định khả năng phản ứng kiềm – silic.

– TCVN 7572-15:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa – Phương pháp thử – Phần 15: Xác định hàm lượng clorua.

– TCVN 7711:2013, Xi măng pooc lăng hỗn hợp bền sunphát.

– TCVN 8789:2011, Sơn bảo vệ kết cấu thép – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.

– TCVN 8790:2011, Sơn bảo vệ kết cấu thép – Quy trình thi công và nghiệm thu.

– TCVN 8826:2011, Phụ gia hóa học cho bê tông.

– TCVN 9188:2012, Amiăng crizotin để sản xuất tấm sóng amiăng xi măng.

– TCVN 9205:2012, Cát nghiền cho bê tông và vữa.

– TCVN 9346:2012, Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép. Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển.

– TCVN 9349:2012, Lớp phủ mặt kết cấu xây dựng- Phương pháp kéo đứt thử độ bám dính nền.

– TCVN 10865-1:2015, Cơ tính của các chi tiết lắp xiết bằng thép không gỉ chịu ăn mòn- Phần 1: Bulông, vít và vít cấy.

– TCVN 11197:2015, Cọc thép – Phương pháp chống ăn mòn- Yêu cầu và nguyên tắc lựa chọn.

– SP 64. 13330-2011 Kết cấu gỗ 

3.  Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:

3.1  Khử trùng bề mặt gỗ (Disinfecting wood surfaces)

Biện pháp bảo vệ hóa học bằng cách phun chất bảo vệ lên bề mặt gỗ với lượng để nó không thấm sâu vào bên trong.

3.2  Phá hủy sinh học (Biological destruction)

Sự phá hủy vật liệu do những sinh vật gây ra.

3.3  Quá trình phá hủy sinh học (Biological destructive process)

Toàn bộ quá trình hóa lý phá hủy vật liệu do sinh vật sống gây ra.

3.4  Tác nhân sinh học phá hủy gỗ (Biological agents of wood destruction)

Vi khuẩn, nấm, côn trùng, loài nhuyễn thể và loài giáp xác làm hư hại và phá hủy gỗ.

3.5  Hư hỏng sinh học (Biological Damage)

Sự thay đổi các tính chất lý hóa của vật liệu do tác động của các sinh vật trong quá trình hoạt động của chúng.

3.6  Dung dịch bioxit (Biocide solution)

Dung dịch chất hóa học (bioxit) có khả năng diệt trừ các sinh vật.

3.7  Nước khoáng (Mineral water)

Nước chứa muối hòa tan với hàm lượng trên 5 g/l.

3.8  Bảo vệ ban đầu (Primary protection)

Biện pháp bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu xây dựng được thực hiện trong giai đoạn thiết kế và thi công xây dựng kết cấu, bao gồm việc lựa chọn giải pháp kết cấu, vật liệu và cấu trúc vật liệu nhằm đảm bảo độ bền lâu của kết cấu trong suốt thời hạn khai thác sử dụng trong môi trường ăn mòn.

3.9  Bảo vệ bổ sung (Secondary protection)

Biện pháp bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu xây dựng được thực hiện sau khi thi công kết cấu, thông qua việc áp dụng các giải pháp hạn chế hoặc loại trừ tác động của môi trường ăn mòn lên kết cấu, khi mà bảo vệ ban đầu là chưa đủ.

3.10  Bảo quản gỗ (Wood Preservation)

Biện pháp bảo quản gỗ bằng chất hóa học, có thể thấm sâu vào trong gỗ.

3.11  Bảo vệ kết cấu gỗ (Protection wood structures)

Biện pháp bảo vệ kết cấu gỗ nhằm ngăn chặn hoặc loại trừ sự phá hủy của các tác nhân sinh học hoặc lửa.

3.12  Điều kiện khô (Dry condition)

Điều kiện của môi trường (trong nhà hoặc ngoài trời) có độ ẩm tương đối của không khí không vượt quá 60%.

3.13  Điều kiện thường (Normal condition)

Điều kiện của môi trường (trong nhà hoặc ngoài trời) có độ ẩm tương đối của không khí từ trên 60 % đến 75 %.

3.14  Điều kiện ẩm – ướt (Moisture – wet condition)

Điều kiện của môi trường (trong nhà hoặc ngoài trời) có độ ẩm tương đối của không khí từ 75 % trở lên hoặc bị ướt do nước ngưng tụ.

3.15  Kết cấu khối lớn ít cốt thép (Monolithic structures less reinforced)

Các kết cấu bê tông cốt thép có chiều dày lớn hơn 0.5 m và hàm lượng cốt thép không lớn hơn 0.5 %.

3.16  Bảo vệ chống cháy kết cấu (structure fire protection)

Biện pháp chống cháy cho kết cấu dựa trên việc hình thành trên bề mặt kết cấu một lớp vật liệu cách nhiệt. Vật liệu bảo vệ chống cháy kết cấu có thể gồm: vữa phun (trát), sơn, lớp phủ phồng nở khi cháy, lớp ốp bằng gạch chịu lửa, vật liệu tấm ghép thành khung bao che kết cấu (có hoặc không có lớp không khí bên trong) và giải pháp sử dụng hỗn hợp các vật liệu trên.

4.  Quy định chung

4.1  Các yêu cầu về bảo vệ ban đầu và bổ sung được áp dụng đối với các kết cấu có niên hạn sử dụng 50 năm. Đối với các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép có niên hạn sử dụng 100 năm và các kết cấu cho nhà và công trình có tầm quan trọng đặc biệt, việc đánh giá mức độ ăn mòn của môi trường được tăng lên một cấp. Nếu việc đánh giá mức độ ăn mòn của môi trường không thể tăng hơn nữa (ví dụ, đối với môi trường ăn mòn mạnh), thì việc bảo vệ chống ăn mòn được thực hiện theo thiết kế riêng.

4.2  Khi thiết kế, xây dựng và cải tạo nhà, công trình xây dựng, cần tham khảo kinh nghiệm sử dụng của các công trình xây dựng tương tự để đánh giá tình trạng ăn mòn của kết cấu và lớp phủ bảo vệ, có xét đến loại và mức độ ăn mòn của môi trường. Đồng thời cần xét đến yêu cầu của các tiêu chuẩn hiện hành khi soạn thảo thuyết minh, chỉ dẫn thiết kế và thi công các kết cấu xây dựng.

4.3  Khi thiết kế bảo vệ chống ăn mòn cho nhà và công trình xây dựng mới, các số liệu ban đầu cần được biết là:

a) Thông tin về điều kiện khí hậu của khu vực xây dựng (theo số liệu tiêu chuẩn);

b) Kết quả khảo sát đã được thực hiện trong khu vực xây dựng (thành phần, mực nước và hướng chảy của nước ngầm, khả năng dâng cao mực nước ngầm, sự có mặt trong đất và nước ngầm các chất có tính ăn mòn vật liệu kết cấu xây dựng, các dòng điện rò rỉ và các yếu tố khác);

c) Đặc tính của môi trường ăn mòn khí (gồm các khí, xon khí): loại và nồng độ chất ăn mòn; nhiệt độ, độ ẩm của môi trường bên trong và ngoài nhà, có kể đến hướng gió chính, cũng như sự thay đổi có thể xảy ra của đặc tính môi trường trong giai đoạn sử dụng kết cấu xây dựng;

d) Các tác động cơ học, nhiệt, sinh học đến các kết cấu xây dựng;

e) Kết quả khảo sát địa kỹ thuật trên mặt bằng xây dựng cần nêu được đặc điểm của đất và nước ngầm ở độ sâu không nhỏ hơn độ sâu đặt các kết cấu xây dựng. Kết quả khảo sát cần có các thông tin dự báo về thay đổi của mực nước ngầm.

4.4  Khi thiết kế bảo vệ chống ăn mòn cho nhà và công trình cải tạo, ngoài các số liệu cơ sở được nêu trong 4.3 thì cần bổ sung các số liệu sau:

– Số liệu về tình trạng các kết cấu xây dựng;

– Kết quả đánh giá nguyên nhân làm hư hỏng các kết cấu.

4.5  Việc bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu xây dựng cần được đảm bảo bằng các biện pháp bảo vệ ban đầu, bảo vệ bổ sung và các biện pháp đặc biệt.

4.6  Biện pháp bảo vệ ban đầu các kết cấu xây dựng cần được thực hiện trong quá trình thiết kế và thi công các kết cấu xây dựng, bao gồm việc lựa chọn các giải pháp kết cấu làm giảm các tác động ăn mòn, lựa chọn các vật liệu bền trong môi trường sử dụng.

4.7  Biện pháp bảo vệ bổ sung các kết cấu xây dựng bao gồm các biện pháp đảm bảo khả năng bảo vệ chống ăn mòn trong trường hợp các biện pháp bảo vệ ban đầu là chưa đủ. Các biện pháp bảo vệ bổ sung bao gồm việc sử dụng các lớp phủ bảo vệ, thẩm thấu và các biện pháp khác để cách ly các kết cấu khỏi các tác động ăn mòn của môi trường.

4.8  Các biện pháp bảo vệ đặc biệt (không thuộc các biện pháp bảo vệ ban đầu và bổ sung), bao gồm các phương pháp bảo vệ vật lý và hóa lý, biện pháp làm giảm tác động ăn mòn của môi trường (thông thoáng khí, thoát nước thải), bảo vệ điện hóa, loại trừ tích tụ nước ngưng tụ, bố trí các khâu sản xuất phát thải chất ăn mòn vào khu vực cách ly và các biện pháp khác.

4.9  Việc cách nước kết cấu theo thiết kế cần đồng thời đảm bảo việc bảo vệ kết cấu trong môi trường ăn mòn; vật liệu cách nước phải bền lâu trong môi trường ăn mòn và không bị phá hủy khi các kết cấu nhà và công trình bị biến dạng.

4.10  Kích thước các kết cấu xây dựng đúc sẵn của đường hầm, đường ống dẫn, bể chứa và các công trình khác cần có các dung sai, cho phép áp dụng các vật liệu chèn và cách nước có hiệu quả.

4.11  Các kết cấu nhà và công trình phải có thể tiếp cận được để kiểm tra định kỳ, sửa chữa hoặc thay thế các bộ phận kết cấu bị hư hỏng.

4.12  Bảo vệ chống ăn mòn cần được chỉ định ứng với giá trị bất lợi nhất của các yếu tố ăn mòn. Việc thiết kế và thi công bảo vệ các kết cấu chịu tác động của môi trường ăn mòn mạnh cần được thực hiện với sự tham gia của các đơn vị chuyên ngành.

4.13  Khi thiết kế lắp đặt các thiết bị công nghệ trong nhà và công trình cần xét đến việc bịt kín thiết bị, tập trung chúng vào các gian phòng theo dạng môi trường xâm thực mà nó tạo ra, thu gom và trung hòa các bể chứa, bụi và áp dụng các giải pháp khác để giảm thiểu mức tác động ăn mòn tới kết cấu.

4.14  Hình dạng kết cấu, giải pháp kết cấu nhà và công trình cần loại trừ sự hình thành các vùng và khu vực thông gió kém, dẫn tới tích tụ khí, bụi, hơi ẩm gây ăn mòn các kết cấu xây dựng.

4.15  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường đối với kết cấu xi măng amiăng được đánh giá như đối với kết cấu  tông. Các biện pháp bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu xi măng amiăng được quy định như đối với các kết cấu bê tông.

4.16  Vật liệu sử dụng làm lớp phủ bảo vệ chống ăn mòn kết cấu, nơi có người, động vật, kho chứa thuốc, thực phẩm, bể chứa nước sinh hoạt, nhà máy, không được phép chứa chất độc hại, không phát tán các chất có hại vượt quá nồng độ cho phép, các bào tử nấm, vi sinh vào môi trường xung quanh. Phế thải vật liệu chống ăn mòn không được đổ vào sông, hồ và cống thoát thải chung.

4.17  Khi bảo vệ chống cháy bằng giải pháp kết cấu (dùng bản thân kết cấu), cần xem xét bảo vệ chống ăn mòn bổ sung cho kết cấu theo mức ăn mòn của môi trường. Vữa hoặc sơn bảo vệ chống cháy phun phủ lên kết cấu cần bền trong điệu kiện môi trường và không gây ăn mòn kết cấu. Khi phủ lên bề mặt kết cấu vật liệu vừa chống cháy vừa chống ăn mòn thì vật liệu này phải đồng thời đáp ứng yêu cầu về bảo vệ chống ăn mòn (theo tiêu chuẩn này) và yêu cầu về chống cháy (theo thiết kế về an toàn cháy). Khi bảo vệ chống cháy và chống ăn mòn bằng hai lớp vật liệu riêng thì vật liệu chống cháy được đặt ở lớp trong, vật liệu chống ăn mòn được phủ ở lớp ngoài, hai vật liệu này phải dính kết và tương hợp với nhau. Đặc tính bảo vệ chống cháy trong trường hợp này được xác định qua thí nghiệm chịu lửa với sự tham gia của cả 2 lớp phủ.

5.  Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép

5.1  Yêu cầu chung

5.1.1  Các biện pháp bảo vệ ban đầu cho kết cấu bê tông và bê tông cốt thép bao gồm:

a) Sử dụng loại bê tông bền lâu dưới tác động ăn mòn của môi trường. Biện pháp này được đảm bo bằng cách lựa chọn thành phần bê tông, làm giảm độ thấm của bê tông, lựa chọn xi măng, cốt liệu, phụ gia giảm nước, phụ gia khoáng hoạt tính, phụ gia bảo vệ chống ăn mòn để nâng cao độ bền của bê tông trong môi trường ăn mòn và tăng hiệu quả bảo vệ của bê tông đối với cốt thép, các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép; cách nước cho các mối nối bê tông nhờ các dây bện (ống cao su) giãn nở và băng cách nước đặt tại mối nối trong quá trình đổ bê tông.

b) Lựa chọn và áp dụng loại cốt thép phù hợp với đặc tính ăn mòn và điều kiện sử dụng;

c) Bảo vệ chống ăn mòn cho các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết trong giai đoạn chế tạo và lắp dựng kết cấu bê tông lắp ghép, bảo vệ các cốt thép ứng suất trước căng sau trong các ống cáp của kết cấu;

d) Tuân thủ các yêu cầu tính toán bổ sung và cấu tạo khi thiết kế các kết cấu bê tông và  tông cốt thép. Trong đó có việc đảm bảo mác (cấp) bê tông, chiều dày lớp bê tông bảo vệ, độ chống thấm nước, độ thấm clorua, giới hạn bề rộng vết nứt và các yêu cầu khác.

5.1.2  Các biện pháp bảo vệ bổ sung cho các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép bao gồm:

a) Sơn phủ bề mặt, gồm cả lớp phủ ma tít;

b) Phủ mặt bằng lớp trát, tô, gạch lót với kết dính  cơ, hữu cơ, thủy tinh lỏng và bitum;

c) Dán bề mặt bằng tấm trải và vật liệu màng;

d) Ốp bề mặt bằng vật liệu dạng viên hoặc blốc;

e) Xử lý làm chặt bề mặt bằng cách thẩm thấu các vật liệu bền hóa học;

f) Xử lý bề mặt bê tông bằng các chất thẩm thấu, tạo ra các sản phẩm kết tinh mới làm chặt cấu trúc xốp của bê tông:

g) Xử lý bề mặt bê tông bằng các chất kỵ nước;

h) Xử lý bề mặt bê tông bằng chế phẩm: chất sát trùng, bioxit.

5.2  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường

5.2.1  Môi trường ăn mòn do tác động từ bên ngoài được chia thành:

Theo trạng thái vật lý : Môi trường ăn mòn khí, lỏng và rắn;

Theo mức tác động ăn mòn lên các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép : Môi trường không ăn mòn, ăn mòn yếu, ăn mòn trung bình và ăn mòn mạnh;

Theo đặc tính tác động của môi trường ăn mòn lên bê tông : Môi trường ăn mòn hóa học (như sulfat, magie, axit, kiềm) và môi trường ăn mòn sinh học (như các tác động hóa học của các sản phẩm chuyển hóa từ nấm, vi khuẩn, các tác động vật lý cơ học của rễ thực vật, sợi nấm, tảo, rêu);

Các tác động tương hỗ bên trong của các thành phần đá xi măng và cốt liệu được chia thành: ăn mòn kiềm cốt liệu chứa silic và dolomit hoạt tính và hư hỏng cấu trúc do sự hình thành entrigit và taumasit ở thời gian muộn.

CHÚ THÍCH : Mức độ tác động ăn mòn yếu, trung bình và mạnh của môi trường lên kết cấu bê tông và bê tông cốt thép gây hư hại bê tông hoặc làm cho bê tông mất tác dụng bảo vệ cốt thép tương ứng với độ sâu đến 10 mm, 20 mm và trên 20 mm, trong thời gian sử dụng 50 năm.

5.2.2  Phụ thuộc vào mức tác động ăn mòn đối với một loại bê tông và bê tông cốt thép cụ thể khi chưa được bảo vệ chống ăn mòn, môi trường ăn mòn được phân chia tăng dần theo mức độ ăn mòn như nêu ở Bảng A.1, Phụ lục A.

5.2.3  Khi bị tác động đồng thời của các môi trường ăn mòn khác nhau, mức tác động của môi trường đối với bê tông (bê tông cốt thép) được xác định theo mức ăn mòn mạnh hơn có xét đến cả điều kiện sử dụng của kết cấu.

5.2.4  Việc phân loại môi trường sử dụng và mức độ tác động ăn mòn của môi trường đối với các kết cấu  tông và bê tông cốt thép được nêu trong các Phụ lục B, C và D:

1) Môi trường khí – Bảng B.1, B.2;

2) Môi trường rắn – Bảng B.3, B.4, C.1, C.2;

3) Tầng đất cao hơn mực nước ngầm – Bảng C.1, C.2;

4) Môi trường lỏng vô cơ – Bảng C.3, C.4, C.5, D.1;

5) Môi trường clorua – Bảng B.3, B.4, C.2, C.3, D.1;

6) Môi trường lỏng hữu cơ – Bảng C.6;

7) Môi trường sinh học – Bảng C.7.

5.2.5  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường sinh học (nấm và vi khuẩn) lên kết cấu bê tông và bê tông cốt thép nêu trong Bảng C.7 được dùng cho bê tông có mác chống thấm nước W4. Đối với các môi trường sinh học và bê tông khác, việc đánh giá mức độ ăn mòn lên các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép được xác định dựa trên kết quả nghiên cứu riêng.

5.2.6  Giá trị các chỉ số ăn mòn của môi trường được áp dụng cho điều kiện nhiệt độ môi trường từ 5 °C đến 20 °C. Khi nhiệt độ trên 20 °C, ứng với mỗi mức tăng nhiệt của môi trường thêm 10 °C, thì mức độ ăn mòn của môi trường được lấy tăng lên một cấp. Đối với môi trường lỏng, chỉ số ăn mòn được áp dụng khi lưu tốc dòng chảy tới 1,0 m/s. Trong trường hợp lưu tốc dòng chảy vượt quá 1,0 m/s, thì việc đánh giá mức độ ăn mòn của môi trường được thực hiện dựa trên kết quả nghiên cứu riêng.

5.2.7  Mức độ tác động của môi trường ăn mòn lên các kết cấu nằm bên trong và bên ngoài nhà được đánh giá theo điều kiện môi trường tự nhiên (số liệu tiêu chuẩn) của khu vực xây dựng. Đối với các kết cấu nằm trong môi trường khí mà bị ẩm do nước ngưng tụ, nước ngấm hoặc nước mưa thì môi trường sử dụng được đánh giá như môi trường ẩm ướt.

5.2.8  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường lỏng ở trong các Bảng C.3, C.4, C.5, được giảm xuống một cấp đối với bê tông kết cấu khối lớn ít cốt thép.

5.2.9  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường lỏng được áp dụng cho các công trình có áp lực chất lỏng tới 0,1 MPa. Khi áp lực lớn hơn thì yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn được xác định dựa trên các kết quả nghiên cứu riêng.

5.2.10  Khi có các tác động đồng thời của môi trường ăn mòn và tải trọng cơ học (ứng suất cơ học cao, tải trọng động, tác động mài mòn lên đường bộ và đường ô tô, sự mài mòn các ống máng thoát nước mưa, sự mài mòn của đá cuội trong khu vực tác động của sóng biển, sự mài mòn sàn nhà trong các khu chăn nuôi) thì mức độ ăn mòn được lấy tăng lên một cấp.

5.3  Lựa chọn phương pháp bảo vệ

5.3.1  Tùy thuộc vào mức độ ăn mòn của môi trường, cần áp dụng các biện pháp bảo vệ sau đây:

1) Trong môi trường ăn mòn yếu – biện pháp bảo vệ ban đầu, và nếu chưa đủ thì áp dụng thêm biện pháp bảo vệ bổ sung;

2) Trong môi trường ăn mòn trung bình và mạnh – biện pháp bảo vệ ban đầu kết hợp với biện pháp bảo vệ bổ sung và biện pháp đặc biệt.

5.3.2  Các biện pháp bảo vệ chống ăn mòn bê tông và bê tông cốt thép, trong đó có cả các hư hỏng sinh học được thực hiện trong giai đoạn khảo sát và chuẩn bị thiết kế, trong quá trình thiết kế, thi công, cải tạo, khai thác sử dụng nhà và công trình.

Trong giai đoạn khảo sát và chuẩn bị thiết kế, cần thực hiện các biện pháp sau:

Xác định mức độ ăn mòn, kể cả ô nhiễm sinh học của môi trường đất nền, nước, môi trường khí;

– Dự báo những thay đổi có thể xảy ra của môi trường sử dụng các kết cấu xây dựng;

– Đánh giá các điều kiện ảnh hưởng tới sự phát triển các quá trình ăn mòn (độ ẩm, nhiệt độ của môi trường và của các kết cấu xây dựng, các nguồn gây ẩm, sự có mặt của các chất gây ăn mòn trong môi trường sử dụng kết cấu, sự có mặt của các chất dinh dưỡng và năng lượng dành cho vi sinh vật).

Trong giai đoạn thiết kế, các biện pháp sau cần được xác định:

– Lựa chọn vật liệu (xi măng, cốt liệu) với độ bền chống ăn mòn cao, vật liệu nâng cao độ bền chống ăn mòn của bê tông, tác dụng bảo vệ của bê tông đối với cốt thép (như xi măng, phụ gia thích hợp), hạn chế hàm lượng các tạp chất có hại trong cốt liệu;

– Giảm thiểu tính thấm của bê tông đối với môi trường ăn mòn – sulhat, clorua, vi sinh vật gây ăn mòn (như dùng phụ gia làm giảm độ thấm của bê tông);

– Lựa chọn các vật liệu bảo vệ để loại trừ hoặc ngăn cản sự tiếp xúc của bê tông với môi trường ăn mòn (như thẩm thấu và phủ mặt, dùng phụ gia chống vi sinh và các biện pháp xử lý bề mặt);

– Lựa chọn vật liệu có độ bền chống vi sinh cao (như vật liệu bả, trát, trang trí bề mặt chứa bioxit);

– Ngăn chặn các tác động làm ẩm các kết cấu;

– Ngăn chặn sự ô nhiễm kết cấu bởi các chất gây ăn mòn, bao gồm cả chất hữu cơ và các chất góp phần thúc đẩy quá trình ăn mòn và phá hủy sinh học khác;

– Giảm mức độ ăn mòn của môi trường ăn mòn (ví dụ: xử lý nước thải, giảm nồng độ khí đihydro sulfua H2S bằng cách tăng hàm lượng ô xi trong nước thải, xử lý nước thải bằng chất ô xi hóa, thông gió các công trình, thay đổi chế độ nhiệt độ);

– Biện pháp bảo vệ đặc biệt.

Trong giai đoạn xây dựng và cải tạo công trình cần thực hiện các biện pháp sau:

– Sử dụng vật liệu (xi măng, cốt tiệu) với độ bền chống ăn mòn cao, bao gồm cả cốt liệu từ đá phún xuất cứng khi bê tông bị tác động của sinh vật biển;

– Sử dụng vật liệu ngăn cách hoặc làm đặc chắc bê tông (như vật liệu thẩm thấu bề mặt hoặc bơm ép làm đặc cấu trúc bê tông);

– Sử dụng các phương pháp trộn, đầm hỗn hợp bê tông hiệu quả, chế độ bảo dưỡng hợp lý bê tông đúc sn và bê tông đổ tại chỗ;

– Giảm thiểu độ ẩm vật liệu kết cấu (giảm độ ẩm môi trường, loại trừ tích tụ ẩm, nước và thấm mao dẫn);

– Sử dụng vật liệu hoàn thiện bền vi sinh (vật liệu bả, trát, sơn, thẩm thấu), xử lý kỵ nước bề mặt;

– Xử lý bề mặt kết cấu bằng dung dịch chống vi sinh;

– Bảo vệ kết cấu không bị ẩm ướt trong quá trình thi công;

– Giảm độ thấm của bê tông và lớp trát để hạn chế xâm nhập của vi sinh và thực vật;

– Loại trừ các vết nứt, tăng độ bền chống tác động cơ học của rễ cây và nấm;

– Ngăn chặn hoặc loại bỏ cây cối, thực vật khỏi vùng bố trí công trình ngầm, nâng cao cường độ của bê tông và loại trừ vết nứt mối nối.

Trong giai đoạn khai thác sử dụng công trình áp dụng các biện pháp sau:

– Giảm ẩm cho vật liệu kết cấu (giảm độ ẩm môi trường, loại trừ tích tụ ẩm, nước ngấm và nước mao dẫn);

– Phục hồi các lớp bảo vệ chống ăn mòn;

– Bảo vệ kết cấu khỏi bị ẩm ướt;

– Quan trắc định ký tình trạng kết cấu.

5.3.3  Sự tồn tại và đặc tính của môi trường sinh học, sự có mặt của vi khuẩn và các bào tử nấm trong vật liệu, sử dụng để sản xuất bê tông và trong các lớp bảo vệ bổ sung (lớp trát phủ, vật liệu sơn) cần được các đơn vị chuyên ngành kiểm tra.

5.3.4  Việc lựa chọn các biện pháp bảo vệ chống ăn mòn cần phải được tiến hành trên cơ sở so sánh chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các phương án có tính đến tuổi thọ dự kiến và chi phí để tái bảo vệ bổ sung, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và các chi phí khác.

5.3.5  Thời hạn bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép có tính đến việc phục hồi định kỳ phải phù hợp với niên hạn sử dụng nhà hoặc công trình.

5.4  Yêu cầu về vật liệu và kết cấu

5.4.1  Yêu cầu đối với bê tông và các kết cấu xây dựng được quy định dựa trên sự cần thiết phải đảm bảo tuổi thọ thiết kế sử dụng của nhà hoặc công trình.

5.4.2  Các yêu cầu về đảm bảo độ bền chống ăn mòn của bê tông đối với mỗi điều kiện sử dụng cần bao gồm:

1) Loại và mác (cấp) vật liệu chế tạo bê tông;

2) Cấp cường độ nén tối thiểu của bê tông;

3) Mác chống thấm nước tối thiểu của bê tông vàc hệ số khuếch tán clorua hoặc khí cacbonic tối đa cho phép;

4) Chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép (đối với kết cấu bê tông cốt thép)

4) Lượng dùng xi măng tối thiểu trong bê tông và các yêu cầu khác (khi cần thiết và cho từng trường hợp cụ thể).

5.4.3  Xi măng

Xi măng dùng để chế tạo bê tông (Bảng E.1) được sử dụng các loại sau:

1) Xi măng pooc lăng theo TCVN 2682:2009, xi măng pooc lăng hỗn hợp theo TCVN 6260:2009 (biết rõ nguồn gốc và tỷ lệ pha phụ gia khoáng), xi măng pooc lăng xỉ lò cao theo TCVN 4316:2007;

2) Xi măng pooc lăng bền sulfat TCVN 6067:2018, xi măng pooc lăng hỗn hợp bền sulfat theo TCVN 7711:2013;

3) Xi măng alumin theo TCVN 5439:2004

Cho phép sử dụng xi măng không co và các chất kết dính khác được tạo ra trên cơ sở các loại xi măng đã được chỉ ra ở trên. Khi đó cần đánh giá độ chịu ăn mòn của bê tông với các chất kết dính này và độ bền của cốt thép trong bê tông ứng với các điều kiện sử dụng của kết cấu nhà và công trình.

Trong môi trường khí và rắn (Bảng B1, B3) cần sử dụng xi măng pooc lăng, xi măng pooc lăng hỗn hợp, xi măng pooc lăng xỉ.

Trong môi trường lỏng (Bảng C.3, C.4, C.5) và trong đất (Bảng C.1) có chứa sulfat cần sử dụng xi măng bền sulfat, xi măng pooc lăng xỉ và xi măng pooc lăng, trong đó gồm cả xi măng có thành phần khoáng phù hợp, xi măng với các phụ gia làm tăng độ bền sulfat của bê tông.

Trong môi trường ăn mòn có chứa clorua (Bảng C.2, C.3, D.1) cần sử dụng xi măng pooc lăng, xi măng pooc lăng hỗn hợp, xi măng pooc lăng xỉ hoặc xi măng pooc lăng puzơlan.

Trong môi trường ăn mòn lỏng, mà mức độ ăn mòn được đánh giá theo tổng hàm lượng các muối, và khi có bề mặt bay hơi (Bảng C.3), được phép sử dụng xi măng alumin với điều kiện thỏa mãn các yêu cầu về nhiệt độ đóng rắn của bê tông.

Đối với các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép ứng suất trước, không cho phép sử dụng xi măng alumin.

Trong các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép mà mác chống thấm nước của bê tông được yêu cầu cao hơn W6, thì được phép sử dụng xi măng bù co ngót và xi măng nở.

Các loại xi măng phù hợp cho bê tông trong các môi trường ăn mòn được nêu trong Bảng E.1

5.4.4  Cốt liệu

Cốt liệu để chế tạo bê tông cần sử dụng như sau:

– Đối với cốt liệu nhỏ, cần sử dụng cát có mođun độ lớn từ 2,0 trở lên, không gây phản ứng kiềm – silic (thử theo TCVN 7572-14:2006), hàm lượng Cl hoà tan (thử theo TCVN 7572-15:2006) nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 % khối lượng cát cho bê tông cốt thép thường, nhỏ hơn hoặc bằng 0,01 % cho bê tông cốt thép ứng suất trước; các chỉ tiêu khác đáp ứng theo TCVN 7570:2006 đối với cát tự nhiên, TCVN 9205:2012 đối với cát nghiền.

– Đối với cốt liệu lớn, cần sử dụng đá dăm, sỏi có đường kính hạt lớn nhất (Dmax ) không quá 40 mm cho bê tông có chiều dày lớp bảo vệ lớn hơn 40 mm, Dmax không quá 20 mm cho bê tông có chiều dày lớp bảo vệ nhỏ hơn hoặc bằng 40 mm, không gây phản ứng kiềm-silic (th theo TCVN 7572-14:2006), hàm lượng Cl hoà tan (thử theo TCVN 7572-15:2006) nhỏ hơn hoặc bằng 0,01 % khối lượng cốt liệu lớn; các chỉ tiêu khác đáp ứng theo TCVN 7570:2006.

– Không sử dụng cốt liệu (lớn và nhỏ) gốc cacbonat trong môi trường lỏng có pH dưới 4.

– Đối với bê tông nhẹ được phép sử dụng cốt liệu rỗng tự nhiên và nhân tạo.

5.4.5  Phụ gia

Để nâng cao độ bền lâu của bê tông kết cấu bê tông cốt thép sử dụng trong môi trường ăn mòn, nên sử dụng các phụ gia sau:

– Để giảm độ thấm của bê tông trong môi trường ăn mòn – phụ gia hóa dẻo và siêu dẻo, phụ gia kết hợp giữa chúng với khoáng hoạt tính và phụ gia giãn nở;

– Để nâng cao độ bền lâu của bê tông trong điều kiện mao dẫn của môi trường ăn mòn lỏng – phụ gia kỵ nước, phụ gia kỵ nước kết hợp với dẻo hóa và siêu dẻo;

– Để nâng cao độ bền lâu của bê tông trong môi trường ăn mòn sulfat và clorua- phụ gia khoáng hoạt tính kết hợp với phụ gia hóa dẻo, siêu dẻo, giãn nở;

– Khi bị tác động của CO2 (cacbonat hóa), cũng như clorua – chất ức chế ăn mòn cốt thép, phụ gia chất ức chế kết hợp với dẻo hóa và siêu dẻo.

Phụ gia hóa học cho bê tông để nâng cao độ bền lâu của kết cấu bê tông và bê tông cốt thép trong các môi trường ăn mòn, cần đáp ứng theo TCVN 8826:2011.

Khối lượng phụ gia hóa học sử dụng cho bê tông nói chung không nên lớn hơn 5% khối lượng xi măng. Khi sử dụng phụ gia hóa học với khối lượng lớn hơn, cần có các thí nghiệm chứng minh độ bền ăn mòn của bê tông.

Phụ gia sử dụng cho sản xuất các sản phẩm và kết cấu bê tông cốt thép không được chứa chất gây ăn mòn đối với bê tông và cốt thép.

Hàm lượng clorua tối đa cho phép trong bê tông không được vượt quá giá trị nêu trong Bảng D.2.

Không cho phép đưa các chất chứa clorua (clorua natri, canxi …) vào trong thành phần bê tông khi sản xuất các kết cấu bê tông cốt thép sau:

1) Có cốt thép ứng suất trước;

2) Có cốt thép với các neo ứng suất trước đường kính 5 mm và nhỏ hơn;

3) Kết cấu bê tông cốt thép được sử dụng trong điều kiện ẩm và ướt;

4) Kết cấu bê tông cốt thép được dưỡng hộ chưng áp;

5) Kết cấu bê tông cốt thép có nguy cơ bị ăn mòn điện hóa.

Không cho phép đưa các chất chứa clorua vào trong thành phần vữa hoặc bê tông để bơm vào các ống cáp của các kết cấu ứng suất trước, để làm liền khối các mối nối của các kết cấu bê tông cốt thép lắp ghép và các kết cấu bê tông cốt thép lắp ghép – toàn khối.

Phụ gia có chứa nitrat, nitrit và thioxianat (sunfoxianua) và fomiat được phép sử dụng cho bê tông kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước trong các môi trường ăn mòn, nếu cốt thép sử dụng có khả năng chống ăn mòn.

Không cho phép sử dụng phụ gia có chất điện phân trong bê tông của kết cấu bị ăn mòn điện hóa.

Phụ gia khoáng hoạt tính sử dụng cho bê tông trong môi trường ăn mòn phải đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng (như dùng cho sản xuất xi măng). Khối lượng phụ gia khoáng đưa vào trong bê tông cần dựa trên yêu cầu đảm bảo việc bảo vệ chống ăn mòn cần thiết cho bê tông.

5.4.6  Nước

Nước dùng để trộn hỗn hợp bê tông và bảo dưỡng bê tông cần đáp ứng yêu cầu độ pH từ 6,5 đến 12,5, hàm lượng clorua (Cl-) nhỏ hơn hoặc bằng 500 mg/l cho bê tông cốt thép thường và nhỏ hơn hoặc bằng 350 mg/l cho bê tông cốt thép ứng suất trước, hàm lượng SO3 không vượt quá 1 000 mg/l (đối với kết cấu trong môi trường nước và trong đất). Các chỉ tiêu khác đáp ứng theo TCVN 4506:2012.

CHÚ THÍCH: Chỉ cho phép sử dụng nước tái chế để chế tạo và bảo dưỡng bê tông kết cấu sử dụng trong môi trường ăn mòn khi có đầy đủ các thử nghiệm khẳng định độ bền chống ăn mòn của bê tông trong môi trường này.

5.4.7  Cốt thép

Cốt thép dùng cho kết cấu bê tông cốt thép các môi trường ăn mòn cần đáp ứng các yêu cầu sau:

– Cốt thép thường theo TCVN 1651:2018 Phần (1÷3) và TCVN 5574:2018; dây vuốt nguội theo TCVN 6288:1997 (ISO 10544:1992);

– Cốt thép ứng suất trước theo TCVN 6284:1997 Phần (1÷5) và TCVN 5574:2018;

– Khuyến khích sử dụng cốt compozit (phi kim loại) có độ chịu ăn mòn cao.

Theo nguy cơ bị hư hỏng do ăn mòn, cốt thép được phân thành các nhóm:

– Nhóm I: Cốt thép thường dùng cho kết cấu không ứng suất trước cán nóng, cán nóng và gia cường cơ nhiệt dạng thanh và cuộn, dây vuốt nguội dạng cuộn;

– Nhóm II. Cốt thép ứng suất trước dạng thanh cán nóng và gia cường cơ nhiệt có mức chịu nứt do ăn mòn phù hợp tiêu chuẩn, dạng dây thép cường độ cao và cáp sợi cường độ cao;

– Nhóm III. Cốt compozit (phi kim loại) có độ chịu ăn mòn cao.

Các yêu cầu về nhóm và loại cốt thép dùng cho kết cấu bê tông cốt thép được đưa ra trong các Bảng G.1 và G.2.

Cốt thép nhóm II và III được sử dụng cho các kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước trong môi trường ăn mòn. Đối với các kết cấu bê tông cốt thép không ứng suất trước trong môi trường ăn mòn trung bình và mạnh, cho phép sử dụng cốt thép cán nóng và cán gia cường cơ nhiệt CB400 (A400), CB 500 (A500), CB 600 (A600), thép vuốt nguội (B500) chịu được thử nghiệm bền nứt chống ăn mòn sau không ít hơn 40 h.

Đối với kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước trong các môi trường ăn mòn trung bình và mạnh, cho phép sử dụng thép cán gia cường cơ nhiệt, chịu được thử nghiệm bền nứt chống ăn mòn sau không ít hơn 100 h, làm cốt ứng suất trước.

Trong môi trường ăn mòn, cho phép sử dụng cốt thép phủ sơn bảo vệ chống ăn mòn khi có thực nghiệm chứng minh độ bền chống ăn mòn của chúng hoặc cốt compozit đáp ứng các yêu cầu của tài liệu chuẩn.

Đối với kết cấu bền nứt cấp 3 trong môi trường ăn mòn, không được phép sử dụng dây thép vuốt nguội (B500, Bp500) đường kính nhỏ hơn 4 mm.

Đối với kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước trong môi trường ăn mòn, cho phép sử dụng các bó cáp với các sợi thép đường kính không nhỏ hơn 2,5 mm ở lớp ngoài và không nhỏ hơn 2,0 mm ở lớp trong. Khi dùng các bó cáp 7 sợi, đầu của kết cấu cần được bịt kín hoặc các cấu kiện cáp cần có lớp bảo vệ đặc biệt. Các chi tiết neo cốt thép ứng suất trước và cốt thép ứng suất trước đặt trong ống cần được bảo vệ bằng công nghệ bơm ép vật liệu chèn đầy ống.

Trên bề mặt cốt thép thanh của kết cấu không ứng suất trước cho phép tồn tại đốm gỉ phân bố đều, dày không quá 150 µm. Khi chiều dày gỉ từ 150 đến 300 µm, cần xem xét loại bỏ bằng biện pháp cơ học hoặc hóa học (ví dụ dùng chất chuyển hóa gỉ). Khi chiều dày gỉ lớn hơn 300 µm, cốt thép cần được làm đánh sạch hoàn toàn gỉ, thử nghiệm đối chiếu cường độ kéo với yêu cầu của tiêu chuẩn cho loại thép cụ thể.

5.4.8  Bê tông

Các yêu cầu đối với bê tông tùy thuộc mức tác động ăn mòn của môi trường sử dụng được nêu trong các Bảng từ C.1 đến C.7, Bảng D.1 và D.2, từ Bảng G.1 đến G.3. Tương quan các chỉ tiêu về thấm (mác chống thấm, độ thấm, hệ số khuếch tán ion clo, tỷ lệ N/X và độ hút nước) của bê tông được nêu trong Bảng F.1.

5.4.9  Việc lựa chọn thành phần bê tông có tính đến tác động của môi trường sử dụng nên được thực hiện trong các phòng thí nghiệm chuyên ngành của các viện, trường đại học, và các tổ chức nghiên cứu khoa học khác trong các trường hợp sau:

1) Thời hạn sử dụng nhà và công trình được quy định trong thiết kế vượt quá 50 năm; cũng như nhà và công trình có tầm quan trọng đặc biệt;

2) Môi trường sử dụng là môi trường ăn mòn nhưng đặc tính ăn mòn không rõ ràng;

3) Mức độ ăn mòn của môi trường có khả năng tăng thêm trong giai đoạn sử dụng nhà và công trình;

4) Các kết cấu cùng loại (kết cấu điển hình) được dự kiến xây dựng đại trà;

5) Áp dụng các vật liệu mới (xi măng, cốt liệu, chất độn, phụ gia …) để sản xuất bê tông.

5.4.10  Các kết cấu bê tông cốt thép chịu tác động của môi trường ăn mòn cần được tính toán có xét tới các yêu cầu về cấp chống nứt và bề rộng vết nứt tối đa cho phép trong bê tông theo Bảng G.1 cho môi trường ăn mòn khí và rắn, Bảng G.2 cho môi trường ăn mòn lỏng.

5.4.11  Khi cải tạo nhà và công trình, cần tính toán kiểm tra lại các kết cấu có xét đến mức độ hao mòn của bê tông và cốt thép do tác động của ăn mòn.

5.4.12  Yêu cầu đối với chiều dày lớp bảo vệ và độ thấm của bê tông khi chịu tác động của môi trường ăn mòn khí và rắn được quy định trong Bảng G.1 và G.3, khi chịu tác động của môi trường lỏng – Bảng G.2, và khi chịu tác động của môi trường lỏng chứa clorua – Bảng D.1

5.4.13  Chiều dày lớp bảo vệ của bê tông nặng, bê tông nhẹ của các kết cấu bản phẳng, các cánh của bản sàn có sườn và panen tường cho phép lấy bằng 15 mm đối với môi trường không ăn mòn, bằng 20 mm đối với mức độ ăn mòn yếu của môi trường khí, không phụ thuộc vào loại thép cốt. Đối với cốt compozit, chiều dày lớp bảo vệ được xác định từ điều kiện đảm bảo sự làm việc đồng thời giữa cốt compozit với bê tông.

Chiều dày lớp bảo vệ của kết cấu toàn khối phải lớn hơn 5 mm so với giá trị được nêu trong các Bảng D.1, G.1, G.2, và G.3.

Đối với kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước có yêu cầu chống nứt cấp 2, bề rộng vết nứt ngắn hạn được phép tăng lên 0,05 mm khi tăng chiều dày của lớp bảo vệ lên 10 mm.

5.4.16  Bê tông nhẹ được phép sử dụng cho kết cấu bê tông và bê tông cốt thép trong môi trường ăn mòn như bê tông nặng khi các chỉ tiêu về thấm (Bảng F.1) của chúng tương đương như của bê tông nặng.

5.4.17  Không cho phép sử dụng trong môi trường ăn mòn các kết cấu chịu lực làm từ bê tông nhẹ cốt liệu rỗng có độ hút nước cao hơn 14 % theo thể tích.

5.4.18  Kết cấu bao che làm từ bê tông nhẹ và bê tông tổ ong dùng cho môi trường ăn mòn khí và rắn cần được áp dụng theo Bảng K.1.

5.4.19  Độ bền chống ăn mòn của kết cấu chịu tác động của nước biển cần được đảm bảo bằng biện pháp bảo vệ ban đầu (sử dụng các loại xi măng bền trong môi trường sulfat và các loại phụ gia năng cao tính bền sulfat của bê tông, giảm độ thấm của bê tông, tăng chiều dày lớp bê tông bảo vệ, sơn phủ chống ăn mòn trên cốt thép) hoặc bằng biện pháp bảo vệ bổ sung, hoặc bảo vệ điện hóa.

5.4.20  Kết cấu bê tông cốt thép thành mỏng làm từ bê tông hạt nhỏ được phép sử dụng trong môi trường khí, lỏng và rắn có mức ăn mòn yếu mà không cần biện pháp bảo vệ bổ sung với điều kiện dùng cốt thép mạ kẽm hoặc cốt compozit. Trong các môi trường ăn mòn trung bình và mạnh, bề mặt của các kết cấu này cần được áp dụng biện pháp bảo vệ bổ sung.

5.5  Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn cho các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép

5.5.1  Việc bảo vệ chống ăn mòn cho các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép, cũng như việc lựa chọn các phương pháp bảo vệ chống ăn mòn cho chúng cần được xác định từ điều kiện tác động của môi trường, trong đó các chi tiết và bộ phận này phải làm việc cùng kết cấu trong quá trình sử dụng.

5.2.2  Các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết sử dụng trong điều kiện có tác động ăn mòn của môi trường cần được sản xuất từ các loại thép chịu ăn mòn hoặc được bảo vệ bằng các lớp phủ dạng điện cực ăn mòn.

5.5.3  Trong các mối nối và nút liên kết kết cấu (dạng được đổ kín bê tông sau khi lắp), các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết làm từ thép thường không có lớp phủ bảo vệ phải được chèn kín bằng bê tông có mác chống thấm nước không thấp hơn so với bê tông của các kết cấu được kết nối. Bề rộng vết nứt trong các mối nối và nút liên kết kết cấu đã chèn kín bê tông không được vượt quá giá trị được nêu trong Bảng G.1 và G.2. Các chi tiết đặt sẵn chưa được phủ bảo vệ trước khi đặt vào khuôn đổ bê tông cần được làm sạch bụi, gỉ và các vết bẩn khác.

5.5.4  Mức độ ăn mòn của môi trường đối với bề mặt không được phủ bê tông của các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết được xác định như đối với chi tiết của kết cấu thép.

5.5.5  Việc bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép (dạng không được phủ bê tông) của các kết cấu bê tông cốt thép đúc sẵn và toàn khối, phụ thuộc vào công năng và điều kiện sử dụng của các chi tiết đó, cần được thực hiện bằng:

1) Lớp phủ sơn – áp dụng cho các gian phòng khô ráo và có độ ẩm bình thường khi chịu tác động của môi trường không ăn mòn và ăn mòn yếu;

2) Lớp phủ kim loại dạng điện cực (protector) như mạ kẽm nóng, mạ kẽm nguội, phun phủ nhiệt khí hoặc khuếch tán nhiệt – áp dụng cho các gian phòng có điều kiện ẩm ướt và ngoài trời;

3) Lớp phủ hỗn hợp (phủ sơn trên lớp phủ kim loại) – áp dụng cho môi trường ăn mòn trung bình.

Việc lựa chọn nhóm và các hệ phủ (sơn, kim loại và hỗn hợp) có thể được tiến hành như đối với các kết cấu kim loại.

CHÚ THÍCH :

1. “Mạ kẽm nguội” – bảo vệ chống ăn mòn bằng các hợp chất giàu kẽm được phủ lên bề mặt kim loại bằng các phương pháp như đối với vật liệu sơn: phun, nhúng, quét, lu lăn.

2. Có thể sử dụng các vật liệu sơn hiện có ở trong và ngoài nước nếu có các chứng minh đầy đủ về độ bền thời tiết trong môi trường sử dụng và sự tương hợp với lớp phủ mạ kẽm nguội đã khuyến nghị.

3. Hao mòn kim loại trong giới hạn nhất định do ăn mòn hữu cơ có thể được chấp nhận trên cơ sở các luận chứng kinh tế-kỹ thuật phù hợp.

5.5.6  Cho phép không phải bảo vệ chống ăn mòn cho các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết, nếu như việc bảo vệ này chỉ cần thiết trong giai đoạn lắp ráp kết cấu và sự xuất hiện gỉ sét trên bề mặt của chúng không ảnh hưởng tới yêu cầu thẩm mỹ khi sử dụng các tòa nhà.

5.5.7  Cho phép không phải phủ bảo vệ lên các phần của chi tiết chờ và bộ phận liên kết dạng tấm có các mặt hướng về nhau và được hàn kín toàn bộ đường viền.

5.5.8  Chiều dày tối thiểu của lớp phủ sơn tĩnh điện, mạ kẽm nóng, mạ kẽm nguội, phun khí nhiệt và phun khuếch tán nhiệt tương ứng không được nhỏ hơn 30 µm, 50 µm, 60 µm, 100 µm và 25 µm.

5.5.9  Chiều dày các cấu kiện thép (tấm, thanh dẹt, thép hình) có các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết, không được nhỏ hơn 6 mm, còn đối với thép thanh tròn không được nhỏ hơn 12 mm.

5.5.10  Các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết trong các mối nối của kết cấu bao che ngoài, như các panen tường bê tông cốt thép lắp ghép (kể cả panen tường ba lớp) cần được bảo vệ chống ăn mòn.

5.5.11  Theo điều kiện tác động của môi trường xung quanh, các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép tại tường ngoài của nhà được chia thành 5 nhóm:

– Nhóm I – các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép tại mặt đứng của nhà, nằm ngoài trời, ngoài phạm vi các panen tường ngoài, không được phủ bê tông bảo vệ;

– Nhóm II – các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép tại mặt đứng của nhà, nằm ngoài phạm vi các panen tường ngoài hoặc ở lớp bê tông ngoài của panel tường ba lớp, được phủ hoặc chèn đầy bê tông;

– Nhóm III – các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép tại các mối nối ngang và đứng của panen tường ba lớp, nằm ở lớp bê tông bên trong và được chèn đầy bê tông;

– Nhóm IV- như nhóm III, nhưng nằm trên toàn bộ chiều dày của panen tường;

– Nhóm V – các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép tại kết cấu nằm trong nhà, được chèn đầy bê tông, có hoặc không nối với panen tường bên ngoài.

Đánh giá tác động ăn mòn của môi trường tại các vị trí của chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết trong nhà có tường làm bằng panen ba lớp được nêu trong Bảng H.1.

CHÚ THÍCH : Phủ bê tông nghĩa là dùng bê tông hoặc vữa phủ kín các bộ phận chi tiết nằm trên bề mặt kết cấu; Chèn đầy bê tông nghĩa là dùng bê tông hoặc vữa chèn đầy các nút liên kết.

5.5.12  Các phương án bảo vệ chống ăn mòn cho các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết ứng với mỗi trong năm nhóm nói trên, khi ở cùng điều kiện nhiệt độ – độ ẩm, được khuyến cáo tại Bảng I.1.

5.5.13  Để phủ hoặc chèn đầy các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết từ nhóm II đến IV cần dùng bê tông nặng hoặc bê tông hạt nhỏ có độ chống thấm nước bằng độ chống thấm nước của các kết cấu được liên kết, nhưng không thấp hơn W4, còn đối với nhóm V – lấy theo thiết kế.

Chiều dày của lớp bê tông bảo vệ (khoảng cách từ mặt ngoài đến bề mặt của các chi đặt sẵn và bộ phận liên kết gần nhất) không được nhỏ hơn 20 mm.

5.5.14  Trong phần đế của nhà và tầng hầm kỹ thuật, các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết (các panen tường ngoài với nhau và với các panen tường trong) cần được bảo vệ theo nhóm II. Trong tầng hầm kỹ thuật, chiều dày của tất cả các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết (tấm, thép góc), đường kính của các thanh neo và thanh liên kết cần được tăng thêm 2 mm so với giá trị tính toán hoặc cấu tạo.

Trong phần đế của nhà và tầng hầm kỹ thuật, bê tông dùng để chèn đầy mối nối cần có mác chống thấm nước cao hơn W6.

5.5.15  Các phần kim loại để hở của chi tiết đặt sẵn dùng trong liên kết các nhịp cầu thang bộ trong nhà cần được phủ sơn nhóm II theo Bảng U.7 (hai lớp với tổng chiều dày tối thiểu là 55 µm)

5.5.16  Các mối hàn cũng như phần tiếp giáp mối hàn có lớp phủ bảo vệ bị phá hỏng khi lắp ráp và hàn, cần được làm lại bằng lớp phủ cùng loại hoặc loại có tính chất tương tự.

5.6  Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt kết cấu bê tông và bê tông cốt thép

5.6.1  Việc bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt kết cấu cần được chỉ định phù hợp với dạng và mức độ ăn mòn của môi trường.

5.6.2  Trong điều kiện kỹ thuật thiết kế dành cho kết cấu được áp dụng biện pháp bảo vệ chống ăn mòn bổ sung, cần chỉ rõ các yêu cầu đối với:

1) Bề mặt cần được bảo vệ;

2) Hình dạng cấu kiện được bảo vệ, độ cứng lớp mặt của nó, bề rộng vết nứt cho phép;

3) Vật liệu lớp phủ bảo vệ, có xét đến khả năng tác động tương hỗ với vật liệu của kết cấu;

4) Sự làm việc đồng thời của vật liệu kết cấu và vật liệu phủ bảo vệ trong điều kiện nhiệt độ thay đổi;

5) Việc định kỳ theo dõi tình trạng của kết cấu và tái lập việc bảo vệ chúng.

5.6.3  Khi thiết kế bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt kết cấu cần xem xét áp dụng:

1) Lớp phủ sơn – khi chịu tác động ăn mòn của môi trường khí và rắn (dạng xon khí);

2) Lớp phủ ma tit – khi chịu tác động ăn mòn của môi trường lỏng và khi lớp phủ tiếp xúc trực tiếp với môi trường ăn mòn rắn;

3) Lớp phủ dán – khi chịu tác động ăn mòn của môi trường lỏng, trong đất (làm lớp lót không thấm nước cho lớp phủ ốp);

4) Lớp phủ ốp mặt (kể cả lớp phủ bê tông polime) – khi chịu tác động ăn mòn của môi trường lỏng và trong đất, để bảo vệ phá hủy cơ học cho lớp phủ dán;

5) Thẩm thấu (làm chặt lớp mặt) bằng các vật liệu bền hóa chất – khi chịu tác động ăn mòn của môi trường lỏng, trong đất;

6) Xử lý bằng các hỗn hợp thẩm thấu cách nước – khi cần năng cao độ chống thấm nước và độ bền lâu của bê tông chịu tác động ăn mòn của môi trường công nghệ hoặc môi trường khác;

7) Kỵ nước – khi bị ẩm ướt định kỳ do nước và nước mưa không áp, khi có nước ngưng tụ, để chuẩn bị bề mặt trước khi sơn lót cho lớp phủ sơn;

8) Vật liệu bioxit – khi có tác động của vi khuẩn tiết ra axit và nấm;

9) Lớp phủ bảo vệ mỏng bằng xi măng polime – khi chịu tác động của môi trường khí và tác động định ký của môi trường lỏng; khi bị ẩm ướt định kỳ do nước và mưa; khi có nước ngưng tụ;

10) Lớp phủ dày bằng xi măng polime: khi chịu tác động của môi trường lỏng.

5.6.4  Việc bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt kết cấu bê tông cốt thép trên mặt đất và dưới đất cần được chỉ định từ khả năng tái lập lớp bảo vệ. Đối với kết cấu dưới đất, mà việc đào và sửa chữa kết cấu trong quá trình sử dụng bị loại trừ, thì cần áp dụng vật liệu đảm bảo việc bảo vệ kết cấu cho toàn bộ thời hạn sử dụng.

5.6.5  Trước khi phủ bảo vệ chống ăn mòn, trạng thái bề mặt kết cấu  tông và  tông cốt thép cần được đánh giá và những chỉ tiêu sau đây cần được xác định: cấp độ nhám theo tiêu chuẩn; cường độ nén của lớp mặt; độ kiềm cho phép; độ ẩm của lớp mặt; hư hỏng, khuyết tật, vết bẩn trên bề mặt, các góc nhọn và cạnh tại bề mặt.

5.6.6  Bề mặt bê tông, tùy thuộc vào loại lớp phủ bảo vệ, cần đáp ứng các yêu cầu sau:

– Cường độ nén của lớp bề mặt phải không thấp hơn 15 MPa đối với bê tông và không thấp hơn 8 MPa đối với vữa xi măng cát.

– Khi sử dụng sơn dung môi hữu cơ, độ ẩm của bê tông ở 20 mm bề dày lớp mặt phải không lớn hơn 4 % theo khối lượng (bề mặt không có màng ẩm, sờ thấy khô tay).

– Khi sử dụng vật liệu gốc nước, độ ẩm của lớp mặt phải không lớn hơn 10 % theo khối lượng (bề mặt không có màng nước nhìn thấy bằng mắt thường).

– Khi sử dụng hỗn hợp khô chất thẩm thấu mao quản cách nước kết dính bằng xi măng, bề mặt bê tông cần được làm ẩm cho tới bão hòa nước hoàn toàn.

5.6.7  Vật liệu bảo vệ cần được sản xuất phù hợp với yêu cầu của tài liệu, tiêu chuẩn cho từng vật liệu cụ thể, theo công thức chế tạo và quy trình kỹ thuật được duyệt. Vật liệu sơn sử dụng trong xây dựng (sơn, men, vecni, sơn lót, bả) cần tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn hiện hành.

5.6.8  Hệ lớp phủ theo đặc tính bảo vệ được chia ra làm 4 nhóm. Việc lựa chọn lớp phủ phụ thuộc vào điều kiện sử dụng kết cấu được nêu trong Bảng L.1, theo đó, năng lực bảo vệ của lớp phủ được tăng dần từ nhóm I đến nhóm IV.

Các hệ sơn phủ mỏng (dày không quá 250 µm) dùng để bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, được nêu trong Bảng N.1.

Các hệ sơn ph dày, hỗn hợp, thẩm thấu kết tinh – trong Bảng N.2.

Các lớp phủ bền nứt (sơn, matit, xi măng polime) áp dụng cho các kết cấu mà biến dạng cùng bề rộng vết nứt của nó còn nằm trong giới hạn – trong các Bảng G.1 và G.2.

5.6.9  Lớp phủ bảo vệ và hệ phủ được dùng để bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt kết cấu bê tông cốt thép, phụ thuộc vào điều kiện sử dụng, cần đạt các chỉ tiêu chất lượng sau: lực dính bám với bê tông, độ chống thấm nước, độ thấm khuếch tán, độ bền hóa học, độ bền sinh học, độ bền nứt, tính thấm hơi, tính trang trí và các đặc tính khác.

5.6.10  Giá trị các chỉ tiêu chất lượng của hệ phủ bảo vệ bề mặt bê tông cần được quy định trong tài liệu kỹ thuật và tiêu chuẩn cho từng hệ phủ bảo vệ cụ thể, cũng như trong các tài liệu thiết kế cho công trình cụ thể.

Cường độ bám dính của lớp phủ bảo vệ với bề mặt bê tông không được nhỏ hơn 1,0 MPa.

5.6.11  Việc bảo vệ bề mặt kết cấu bê tông cốt thép dưới đất được lựa chọn căn cứ điều kiện sử dụng, dạng kết cấu, tính khối lớn, công nghệ sản xuất và thi công kết cấu.

Mặt sườn ngoài kết cấu dưới đất của nhà và công trình, cũng như kết cấu bao che tầng hầm (tường, nền) chịu tác động ăn mòn của nước ngầm trong đất được bảo vệ bằng các lớp phủ ma tít, lớp phủ dán hoặc lớp phủ ốp.

Yêu cầu sử dụng các lớp phủ khác nhau để cách ly kết cấu với môi trường được nêu trong Bảng M.1.

5.6.12  Để bảo vệ các đế móng bê tông, bê tông cốt thép và công trình cần lắp đặt lớp ngăn cách, bền vững trước tác động của môi trường ăn mòn.

Vật liệu lót dưới các kết cấu móng cần có độ bền chống ăn mòn trước tác động của môi trường đất trong khu vực móng.

5.6.13  Mặt sườn kết cấu bê tông và bê tông cốt thép tiếp xúc với nước ngầm hoặc đất cần được bảo vệ có xét tới khả năng dâng cao của mực nước ngầm và mức độ ăn mòn của chúng đối với các kết cấu trong quá trình sử dụng công trình.

Khi hàm lượng muối hòa tan trong đất cao hơn 10 g/kg đất, đối với khu vực có nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất cao hơn 25 °C và độ ẩm tương đối trung bình tháng nhỏ hơn 40 %, cần lắp đặt lớp cách nước từ tất cả các bề mặt của móng.

5.6.14  Trong môi trường ăn mòn lỏng, các móng bê tông, bê tông cốt thép dưới các trụ thép và thiết bị kim loại, cũng như bề mặt của các đoạn kết cấu áp sát với nền cần được bảo vệ bằng vật liệu bền hóa học tới chiều cao không thấp hơn 300 mm tính từ mặt nền hoàn thiện. Khi có chất lỏng công nghệ với mức độ ăn mòn trung bình và mạnh có thể rơi rớt xuống móng, thì cần bố trí các khay hứng. Phần bề mặt kết cấu bê tông cốt thép, nơi không tránh được sự rơi rớt, vẩy bắn của các chất lỏng ăn mòn cần được tạo dốc, tạo bậc, bảo vệ bổ sung cục bộ.

5.6.15  Việc bảo vệ các kết cấu sàn nền bê tông và bê tông cốt thép cần được thực hiện theo thiết kế riêng, có tính đến mức độ ăn mòn của môi trường lên vật liệu, tải trọng cơ học (tác động mài mòn của máy móc, người đi bộ, tải trọng va đập) và tác động nhiệt.

Khi thiết kế nền trên mặt đất, cần lắp đặt lớp cách nước dưới lớp sàn nền, không phụ thuộc vào có hay không nước ngầm và mực nước.

5.6.16  Các ống dẫn ngầm, vận chuyển các chất lỏng ăn mòn bê tông và bê tông cốt thép, cần được đặt trong các kênh hoặc mương có thể tiếp cận để quan sát.

Máng, mương, hố thu nước thải chứa các chất lỏng ăn mòn cần được đặt cách xa móng nhà, trụ, tường, móng thiết bị tối thiểu 1 m. Mặt trong của các kết cấu này phải tiếp cận được để bảo dưỡng và sửa chữa.

5.6.17  Kết cấu bê tông cốt thép đường ống thoát nước thải có khí ăn mòn bên trong cần được thi công từ loại bê tông có cấp cường độ nén tối thiểu B30 và mác chống thấm nước tối thiểu W8. Khi thiết kế các đường ống thoát, giếng, hầm chứa nước thải, các đoạn có khí ăn mòn bên trong cần được bảo vệ bằng vật liệu silicat (không xi măng), polime hoặc vật liệu bền hóa học khác, bằng polime ốp bên trong. Hiệu quả của lớp phủ bảo vệ các công trình thoát thải cần được chứng minh bằng thử nghiệm ngoài thực địa. Các cấu kiện kim loại chịu tác động của ăn mòn khí cần được làm từ thép không gỉ, bảo vệ bằng lớp phủ bền hóa chất hoặc được thay bằng vật liệu compozit bền ăn mòn.

5.6.18  Mác chống thấm nước của bê tông dùng để chế tạo các cọc đóng không được nhỏ hơn W6. Các cọc đóng và cọc ép rung không được phép bảo vệ mặt bằng lớp phủ. Các cọc này có thể được bảo vệ bằng tẩm ép hoặc thẩm thấu các thành phần vật liệu cách nước, nhưng không gây ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của cọc.

5.6.19  Đối với kết cấu bê tông cốt thép mà việc bảo vệ bề mặt khó khăn (cọc khoan nhồi, tường bê tông trong đất), cần áp dụng biện pháp bảo vệ ban đầu bằng cách lựa chọn loại xi măng thích hợp, cốt liệu, thành phần bê tông, phụ gia có khả năng nâng cao độ chống thấm nước và độ bền ăn mòn của bê tông.

5.6.20  Tại các khe biến dạng của kết cấu  tông cốt thép bao che, cần đặt các cơ cấu bù biến dạng (compensator) được làm bằng thép mạ kẽm, thép không gỉ, thép bọc cao su, nhựa polyizobutilen hoặc các vật liệu bảo vệ chống ăn mòn khác, được định vị, chèn chặt và kín bằng mattit bền hóa chất. Khe biến dạng cần được cấu tạo để loại trừ khả năng bị môi trường ăn mòn xuyên qua. Để làm kín các khe biến dạng, cơ cấu bù biến dạng cần được làm từ đệm, matit, băng cách nước bền ăn mòn và có tính đàn hồi.

5.6.21  Trong trường hợp không thể đảm bảo việc bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu bê tông và bê tông cốt thép theo các yêu cầu nêu ra ở tiêu chuẩn này, cần sử dụng kết cấu bê tông bền hóa học.

5.7  Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn điện cho các kết cấu bê tông cốt thép

5.7.1  Việc bảo vệ chống ăn mòn điện cần được áp dụng cho các kết cấu bê tông cốt thép sau:

– Khi có dòng điện tản từ các thiết bị điện một chiều: kết cấu bê tông cốt thép nhà và công trình xưởng điện phân; kết cấu của công trình vận chuyển bằng đường ray điện một chiều; các đường ống, ống thu, móng và các kết cấu khác dưới lòng đất trong vùng chịu tác động của dòng điện từ nguồn điện bên ngoài;

– Khi có tác động của dòng điện xoay chiều từ các kết cấu bê tông cốt thép khi chúng được dùng như thiết bị tiếp đất.

5.7.2  Nguy cơ dòng điện tản gây ăn mòn được xác định theo giá trị điện thế “bê tông-cốt thép” hoặc mật độ dòng điện rò rỉ từ cốt thép. Chỉ số nguy cơ ăn mòn được nêu trong Bảng C.8.

5.7.3  Nguy cơ ăn mòn do dòng điện xoay chiều tần số công nghiệp đối với kết cấu sử dụng như thiết bị tiếp đất, được xác định theo mật độ dòng điện chạy từ bề mặt cốt thép của kết cấu dưới lòng đất vào đất khi vượt quá 10 mA/dm2.

5.7.4  Các phương pháp bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu bê tông cốt thép do dòng điện tản gây ra được chia ra thành các nhóm sau:

I – hạn chế dòng điện rò rỉ, được thực hiện tại các nguồn điện tản;

II – bảo vệ thụ động, được thực hiện tại kết cấu bê tông cốt thép;

III – bảo vệ chủ động (bảo vệ điện hóa), được thực hiện tại kết cấu bê tông cốt thép, nếu việc bảo vệ thụ động không thực hiện được hoặc không đủ.

Khi thiết kế kết cấu bê tông cốt thép nhà và công trình xưởng điện phân và công trình vận chuyển bằng đường ray điện một chiều, cần áp dụng phương pháp bảo vệ chống ăn mòn điện nhóm I và II.

5.7.5  Bảo vệ thụ động các kết cấu bê tông cốt thép nhà và công trình xưởng điện phân và công trình vận chuyển bằng đường ray điện một chiều, cần đảm bảo:

– Sử dụng bê tông có độ chống thấm nước tối thiểu W6;

– Sử dụng bê tông với điện trở kháng cao, đạt được nhờ việc sử dụng các phụ gia tổng hợp từ chất dẻo hóa và phụ gia khoáng hoạt tính;

– Không sử dụng bê tông có phụ gia làm giảm điện trở kháng của bê tông, bao gồm cả chất ức chế ăn mòn thép;

– Chỉ định chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép tối thiểu là 20 mm, còn đối với các cột trụ của mạng điện tiếp xúc tối thiểu là 16 mm;

– Hạn chế độ mở rộng của vết nứt không quá 0.1 mm đối với kết cấu ứng suất trước và không quá 0,2 mm đối với kết cấu thường.

5.7.6  Các phụ gia muối điện phân làm giảm điện trở kháng của bê tông không được đưa vào bê tông kết cấu nằm trong khu vực có dòng điện từ nguồn bên ngoài.

5.7.7  Để bảo vệ chống ăn mòn điện cho nhà và công trình xưởng điện phân cần:

– Bố trí mối nối cách điện tại các sàn bê tông cốt thép, diện tích làm việc của công nhân điện phân và kết cấu bê tông cốt thép dưới lòng đất.

– Sử dụng bê tông polime hoặc polime bê tông cho kết cấu tiếp xúc với thiết bị tải điện (như trụ, dầm và móng dưới các bể điện phân, cột chịu lực dưới các cáp dẫn, dầm chịu lực và móng dưới các thiết bị nối với bể điện phân) trong các xưởng điện phân dung dịch nước;

– Áp dụng biện pháp ngăn ngừa sự rơi rớt của dung dịch vào các kết cấu (đặt các tấm bảo vệ);

– Bảo vệ mặt móng bằng các lớp phủ, được khuyến cáo áp dụng để bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu dưới đất;

– Không được bố trí cốt thép cho các móng dưới bể điện phân khi móng được đặt ở mức ngang hoặc thấp hơn mặt đất, máng dẫn, rãnh thu và các kết cấu khác trong xưởng điện phân dung dịch nước.

5.7.8  Để bảo vệ chống ăn mòn điện cho kết cấu bê tông cốt thép công trình vận chuyển bằng đường ray điện cần lắp đặt các chi tiết và cơ cấu cách điện, đảm bảo điện trở mạch tiếp đất của các trụ và chi tiết neo của mạng điện tiếp xúc với các cấu kiện kết cấu cầu, cầu cạn, đường hầm, không nhỏ hơn 10000 Ωm.

5.7.9  Khi sử dụng kết cấu bê tông cốt thép như thiết bị tiếp đất, cần dựa theo phần kim loại, nối tất cả các cấu kiện kết cấu, các chi tiết chờ (được đặt trong cột bê tông cốt thép để liên kết các thiết bị công nghệ dùng điện) vào thành một mạch điện liên tục bằng cách hàn nối cốt thép hoặc chi tiết chờ của các cấu kiện kết cấu giáp nhau. Khi thực hiện việc này, không được làm thay đổi sơ đồ tính toán sự làm việc của các kết cấu.

5.7.10  Không được phép sử dụng như thiết bị tiếp đất các móng bê tông cốt thép chịu tác động của môi trường ăn mòn trung bình và mạnh, cũng như các kết cấu bê tông cốt thép để tiếp đất các thiết bị điện hoạt động bằng điện một chiều.

5.7.11  Trong kết cấu bị ăn mòn điện, được phép thay đổi cốt thép bằng cốt phi kim loại có điện trở cao (như cốt sợi bazan, sợi thủy tinh), nhưng không được phép sử dụng cốt sợi các bon có độ dẫn điện cao.

6.  Kết cấu gỗ

6.1  Các tác nhân sinh học gây tác động ăn mòn kết cấu gỗ dẫn đến hư hỏng sinh học, còn tác động của môi trường ăn mòn hóa học (khí, rắn, lỏng) dẫn đến ăn mòn hóa học gỗ.

6.2  Mức độ tác động ăn mòn gỗ của môi trường sinh học được áp dụng theo Bảng O.1

Mức độ tác động của môi trường ăn mòn hóa học đối với kết cấu gỗ được nêu tại các Bảng: môi trường khí – Bảng O.2, môi trường rắn – Bảng O.3, môi trường lỏng vô cơ- Bảng O.4, môi trường lỏng hữu cơ – Bảng O.5

6.3  Khi thiết kế các kết cấu gỗ sử dụng trong môi trường có mức độ ăn mòn hóa học trung bình và mạnh thì không cần xét đến tác động của các tác nhân sinh học.

6.4  Kết cấu gỗ dùng cho môi trường có mức độ ăn mòn hóa học trung bình và mạnh nên được làm từ gỗ lá kim có độ bền cao như thông, thông đuôi ngựa, linh sam, lạc diệp tùng, tuyết tùng và những loại khác.

Để làm các kết cấu gỗ, cần sử dụng gỗ đã bóc vỏ chưa bị hư hỏng do nấm và côn trùng, gỗ đã sấy khô có độ ẩm không quá 20 %.

6.5  Việc bảo vệ chống ăn mòn sinh học cho kết cấu gỗ được thực hiện bằng giải pháp kết cấu và các bioxit theo Bảng V.2.

6.6  Các giải pháp kết cấu là bắt buộc áp dụng, không phụ thuộc vào tuổi thọ của nhà hoặc công trình và vào việc có bảo vệ hóa học gỗ hay không.

Trong trường hợp gỗ có độ ẩm ban đầu cao và khó khô nhanh trong kết cấu, cũng như khi bằng giải pháp kết cấu không thể loại trừ được sự ẩm ướt gỗ thường xuyên hoặc định kỳ, thì cần sử dụng các biện pháp bảo vệ hóa học.

6.7  Các giải pháp kết cấu cần được áp dụng là:

a) Bảo vệ gỗ kết cấu khỏi bị ẩm ướt trực tiếp do nước mưa, nước ngầm và các dung dịch công nghệ (ngoại trừ các cột trụ đường tải điện trên không);

b) Bảo vệ gỗ kết cấu khỏi bị ẩm ướt do nước ngưng tụ và mao dẫn;

c) Làm khô thường xuyên gỗ kết cấu bằng cách tạo chế độ không khí khô (thông thoáng tự nhiên, cưỡng bức cho các phòng, bố trí máy thổi khô tại nơi có kết cấu và ở các phần nhà).

6.8  Kết cấu gỗ chịu lực (giàn, dầm) cần được để hở, dễ thông thoáng, có thể tiếp cận được tới mọi bộ phận để theo dõi và tiến hành công tác bảo vệ các cấu kiện của chúng.

6.9  Trong nhà và công trình tiếp xúc với môi trường có mức độ ăn mòn hóa học trung bình và mạnh thì các kết cấu gỗ chịu lực và các cấu kiện của nó phải có tiết diện đặc với số chi tiết kim loại được bố trí ở mức tối thiểu.

Việc sử dụng các kết cấu hỗn hợp gỗ – kim loại trong nhà và công trình như vậy cần được hạn chế tối đa.

Trong nhà và công trình có môi trường ăn mòn hóa học trung bình và mạnh, cần tránh sử dụng các kết cấu chịu lực có nhiều lỗ xuyên (ví dụ như các giàn), mà ở đó bụi ăn mòn hóa học có thể tích tụ trên các nút trung gian, mặt ngang, mặt nghiêng của lưới các cấu kiện gỗ.

6.10  Các chi tiết liên kết kim loại của kết cấu gỗ cần được bảo vệ chống ăn mòn như kết cấu kim loại. Mức độ ăn mòn các chi tiết kim loại được lấy theo các Bảng từ T.1 đến T5, còn các phương pháp bảo vệ chống ăn mòn được lấy theo Bảng U.6

Các chi tiết neo giữ bằng kim loại- đinh, vít, bu lông, vít cấy và các chi tiết khác cần được phủ kẽm.

Trong kết cấu gỗ chịu lực ghép bằng keo, khi sử dụng trong điều kiện ăn mòn hóa học mạnh và trung bình thì các thanh gỗ tạo liên kết nút và liên kết giữa các cấu kiện với nhau cũng cần được dán bằng keo.

6.11  Các kết cấu gỗ chịu lực sử dụng ngoài trời phải có tiết diện đặc và lớn, được làm từ gỗ hộp, gỗ tròn nguyên cây hoặc gỗ ghép keo. Để gia công kết cấu cần sử dụng gỗ chưa bị nấm, côn trùng phá hủy và có độ ẩm phù hợp với độ ẩm khi sử dụng.

Tại các công trình ngoài trời, các cấu kiện kết cấu gỗ cần được bảo vệ ở mức tối đa khỏi bị mưa trực tiếp.

Các mặt ngang, mặt nghiêng lộ thiên của kết cấu gỗ chịu lực cần được bảo vệ khỏi mưa bằng các mái đua, mái vẩy làm từ vật liệu bền ăn mòn và khí quyển, trong đó có thể bằng cả các ván ghép được xử lý trước bằng các chất bảo vệ sinh học.

6.12  Cần loại trừ sự tích tụ ẩm trong quá trình sử dụng đối với các kết cấu bao che của nhà và công trình.

Trong các tấm tường lắp ghép và sàn mái có thể xem xét bố trí các lỗ thông hơi ra ngoài trời và sử dụng lớp cách hơi theo tính toán nhiệt. Biện pháp bảo vệ chống ăn mòn cần phù hợp yêu cầu trong Bảng P.1.

6.13  Giải pháp hóa học bảo vệ chống ăn mòn sinh học cho các kết cấu gỗ gồm khử trùng, bảo quản, quét sơn hoặc chất có tác dụng tổng hợp. Khi có tác động của môi trường ăn mòn hóa học thì cần phủ kết cấu gỗ bằng vật liệu sơn hoặc ngâm tẩm bề mặt bằng các chất có tác dụng tổng hợp.

6.14  Phần liệt kê các phương pháp và cách thức bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu gỗ được nêu trong các Bảng O.6, P.1 và Q.1.

7.  Kết cấu gạch đá

7.1  Khi thiết kế kết cấu gạch đá, ngoài việc thực hiện tiêu chuẩn TCVN 5573:2011 và các tiêu chuẩn có liên quan, còn đồng thời cần tuân thủ các yêu cầu từ 7.2 đến 7.8.

7.2  Mức độ tác động ăn mòn đối với các kết cấu gạch đá được đánh giá riêng biệt theo vữa và vật liệu xây, còn đối với kết cấu khối xây được đánh giá như với vật liệu (vữa hoặc vật liệu xây) mà môi trường ăn mòn mạnh hơn.

7.3  Không được phép sử dụng gạch silicat, blốc bê tông tổ ong, gạch gốm rỗng, gạch và blốc bê tông có lỗ rỗng, gạch gốm ép bán khô để xây tường cho các phòng ẩm ướt, tường ngoài của tầng hầm, khối đế và móng. Không được phép sử dụng khối xây 3 lớp (giữa có lớp cách nhiệt) làm tường ngoài của tầng hầm.

7.4  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường lỏng và đất có bề mặt bay hơi đối với kết cấu xây từ gạch gốm đặc khi chịu tác động của dung dịch chứa clorua, sulfat, nitrat, các muối khác và kiềm ăn da, với hàm lượng từ 10 g/l đến 15 g/l (g/kg) được đánh giá như môi trường ăn mòn yếu, từ 15 g/l đến 20 g/l – như môi trường ăn mòn trung bình, lớn hơn 20 g/l – như môi trường ăn mòn mạnh.

Mức độ tác động của môi trường ăn mòn khí và rắn lên các kết cấu xây từ gạch silicat và gạch gốm cần được lấy theo các Bảng R.1 và R.2.

7.5  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường lỏng đối với vữa xây xi măng cần được lấy như với bê tông xi măng pooc lăng có mác chống thấm nước W4 theo các Bảng C.3, C.4, C.6; còn đối với vữa xây xi măng – vôi (vôi là phụ gia dẻo hóa) – cao hơn một cấp so với mức đưa ra trong các Bảng này.

Trong môi trường ăn mòn không được phép áp dụng vữa xây sử dụng đất sét.

Mức độ tác động của môi trường khí và rắn đối với vữa xây xi măng pooc lăng cần được lấy theo các Bảng B.1 và B.3.

7.6  Cát và nước dùng cho vữa cần đáp ứng các yêu cầu nêu ở điều 5.4 tiêu chuẩn này.

7.7  Mạch vữa của khối gạch đá trong các gian phòng có môi trường ăn mòn phải được trít kín. Bề mặt các kết cấu gạch đá và gạch đá cốt thép, sử dụng trong điều kiện có tác động của môi trường ăn mòn, phải được bảo vệ chống ăn mòn bằng vật liệu sơn (phủ trên vữa trát hoặc trực tiếp trên khối xây) phù hợp với các yêu cầu trong Bảng S.1.

Đối với các kết cấu nằm trên mặt đất, cần sử dụng các vật liệu bảo vệ đảm bảo độ thấm hơi nước ở mức cần thiết.

7.8  Các chi tiết bằng thép trong các khối gạch đá cần được bảo vệ chống ăn mòn tương ứng với các yêu cầu nêu ở điều 5.5 tiêu chuẩn này.

8.  Kết cấu xi măng amiăng

8.1  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường lên các kết cấu, làm từ xi măng và amiăng crizotin (amiăng trắng) theo TCVN 9188:2012, cần được lấy như đối với bê tông xi măng pooc lăng có mác chống thấm nước W4: môi trường khí – theo Bảng B.1, môi trường rắn – Bảng B.3, môi trường lỏng – các Bảng C3, C.4, C.6.

8.2  Mức độ ăn mòn của môi trường đối với đường ống làm từ xi măng amiăng dùng để thông gió cho nhà và công trình cần được lấy cao hơn một cấp so với môi trường ăn mòn bên trong nhà.

8.3  Panen tường xi măng amiăng không được tiếp xúc với đất. Các kết cấu này cần được đặt trên đế móng có trải lớp cách nước bảo vệ panen khỏi bị mao dẫn từ nước ngầm.

8.4  Bề mặt các kết cấu xi măng amiăng cần được bảo vệ khỏi các tác động ăn mòn của môi trường xung quanh bằng các vật liệu sơn phù hợp với các yêu cầu trong Bảng L.1, N.1, N.2.

8.5  Việc bảo vệ các hợp phần, sử dụng trong kết cấu hỗn hợp với xi măng amiăng, như gỗ, kim loại, vật liệu polime cần kể đến mức độ tác động ăn mòn của môi trường đối với từng vật liệu.

9.  Kết cấu kim loại

9.1  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường

9.1.1  Môi trường ăn mòn được phân ra:

Theo trạng thái vật lý – ăn mòn khí, rắn và lỏng;

Theo cường độ tác động lên kết cấu kim loại – không ăn mòn, ăn mòn yếu, ăn mòn trung bình và ăn mòn mạnh, trong đó riêng môi trường ăn mòn khí yếu còn được chia ra 2 mức: ăn mòn yếu -1 và ăn mòn yếu – 2.

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường đối với kết cấu kim loại được nêu trong các Bảng sau:

– Môi trường khí – Bảng T.1

– Môi trường rắn – Bảng T.2

– Môi trường lỏng vô cơ- Bảng T.3

– Môi trường lỏng hữu cơ – Bảng T.4

– Nước ngầm và đất – Bảng T.5;

– Dầu và sản phẩm dầu – Bảng T.7.

9.1.2  Khi xác định theo Bảng T.1 và T.2, mức độ ăn mòn của môi trường đối với kết cấu trong nhà cần được lấy theo độ ẩm không khí trong phòng, còn đối với kết cấu ngoài nhà (dưới mái che và ngoài trời) – theo khoảng thời gian ướt mặt. Ô nhiễm không khí, kể cả ở trong nhà, do muối, bụi hoặc xon khí cần được xét thêm nếu sa lắng trung bình hàng năm của chúng không thấp hơn 0,3 mg/(m2.ngày).

9.2  Yêu cầu về vật liệu và kết cấu

9.2.1  Khi thiết kế kết cấu kim loại ngoài việc thực hiện tiêu chuẩn TCVN 5575:2012 và các tiêu chuẩn có liên quan, cần đồng thời tuân thủ các yêu cầu về vật liệu và kết cấu từ 9.2.2 đến 9.2.15.

9.2.2  Kết cấu thép của nhà xưởng sản xuất có môi trường ăn mòn mạnh phải được thiết kế với các thành vách đặc.

9.2.3  Các kết cấu thép nhà và công trình sản xuất trong môi trường ăn mòn, làm từ các cấu kiện ống hoặc hình hộp kín, cần được thiết kế với các mối nối và đầu mút được hàn kín. Trong trường hợp này, không phải bảo vệ chống ăn mòn cho các bề mặt bên trong. Các cấu kiện tiết diện kín được phép sử dụng cho kết cấu ngoài trời trong môi trường ăn mòn yếu mà không cần kiểm tra độ kín nếu loại trừ được việc nước mưa lọt vào bên trong và nước từ các bộ phận có thể đọng nước thoát được bằng các lỗ thoát.

9.2.4  Kết cấu nhà và công trình nói chung, các cấu kiện và nút liên kết kết cấu nói riêng cần phải tiếp cận được để kiểm tra và khôi phục lại lớp sơn phủ bảo vệ. Khi không đáp ứng được yêu cầu này thì các kết cấu phải được bảo vệ chống ăn mòn cho toàn bộ niên hạn sử dụng.

Cho phép bố trí thép dư (chiều dày lớn hơn tính toán) dự phòng cho ăn mònMức thép dư dự phòng cho ăn mòn được lấy theo Bảng U.11. Khi không thể quan sát thường xuyên trạng thái kết cấu trong quá trình sử dụng, mức bảo vệ chống ăn mòn cho chúng cần được nâng thêm một cấp so với mức bảo vệ được khuyến cáo cho kết cấu cho cùng môi trường ăn mòn.

9.2.5  Không được phép sử dụng các kết cấu kim loại tiết diện chữ T làm từ 2 thép góc, tiết diện chữ thập làm từ 4 thép góc, tiết diện chữ nhật không kín, tiết diện chữ I làm từ các thép U hoặc thép tấm uốn, kết cấu có khe hở hoặc đường hàn ngắt quãng trong nhà, công trình có môi trường ăn mòn trung bình và mạnh.

9.2.6  Các kết cấu chịu lực nhà một tầng với các kết cấu bao che bằng panen tôn sóng chỉ được thiết kế cho môi trường không ăn mòn và ăn mòn yếu. Không được phép thiết kế nhà sản xuất với kết cấu bao che kiểu này cho môi trường ăn mòn trung bình và mạnh.

9.2.7  Không được phép thiết kế các kết cấu thép:

– Làm từ thép mác 09Mn2, 14Mn2 cho nhà và công trình nằm trong môi trường ăn mòn trung bình và mạnh, cũng như nhà và công trình nằm trong môi trường ăn mòn yếu có khí anhydric sunfurơ hoặc đihiđrô sunfua theo nhóm khí B (Bảng B.2);

– Làm từ thép mác 18Mn2NV cho nhà và công trình nằm trong môi trường ăn mòn trung bình và mạnh có khí anhydric sunfurơ hoặc đihiđrô sunfua theo nhóm khí B, C, D (Bảng B.2)

9.2.8  Được phép thiết kế kết cấu thép cho nhà và công trình trong các môi trường ăn mòn yếu (có khí anhydric sunfurơ, đihiđrô sunfua, hoặc hiđrô clorua theo nhóm khí B, C), môi trường ăn mòn trung bình và mạnh, cũng như cho công trình trong môi trường ăn mòn lỏng trung bình và mạnh hoặc dưới đất từ thép mác 12MnNi2MoVNAI, 12Mn2SiMoV, 14MnSiMoVB với giới hạn chảy không thấp hơn 588 MPa và từ thép cường độ cao hơn chỉ sau khi tiến hành nghiên cứu sự làm việc của thép và mối hàn khi chịu ăn mòn dưới ứng suất trong môi trường cụ thể, phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn.

9.2.9  Không được phép sử dụng nhôm, thép mạ kẽm hoặc các lớp phủ kim loại khi thiết kế kết cấu nhà và công trình chịu tác động của các môi trường: ăn mòn lỏng và đất có độ pH thấp hơn 4 và cao hơn 11; dung dịch muối đồng, thủy ngân, thiếc, niken, chì và các kim loại nặng khác; kiềm ở dạng cứng, sô đa hoặc các muối háo nước hòa tan khác (có khả năng phản ứng với kiềm tạo ra bụi muối đọng trên kết cấu, mà nếu không xét đến tác động của bụi muối này thì mức độ ăn mòn của môi trường tương đương với môi trường ăn mòn trung bình hoặc mạnh).

CHÚ THÍCH: Khi có khả năng rơi rớt các chất ăn mòn kể trên, cũng như vữa xây và bê tông tươi lên bề mặt các kết cấu nhôm thì thiết kế cần chỉ rõ yêu cầu phải loại bỏ chúng khỏi bề mặt kết cấu.

9.2.10  Không được phép thiết kế các kết cấu bằng nhôm cho nhà và công trình nằm trong môi trường ăn mòn trung bình và mạnh khi nồng độ khí clo, hiđrô clorua và hiđrô florua thuộc nhóm khí C và D (Bảng B.2). Không được phép sử dụng các hợp kim nhôm mác 1915 (AIZn4, 5Mg1, 5Mn7005 – ISO 209), 1925 (AIZnMgl, 5Mn – ISO 209), 1915T, 1925T cho các kết cấu nằm trong môi trường lỏng vô cơ.

9.2.11  Khi thiết kế các công trình kỹ thuật thủy khai thác dầu khí biển (ngoại trừ chân đế sâu dưới nước của giàn khoan cố định), không được phép:

a) Bố trí các cấu kiện liên kết (như thanh giằng, thanh chống, mối hàn) trong vùng khô – ướt thay đổi và sóng táp;

b) Nối các cấu kiện liên kết với các trụ bằng đai;

c) Bố trí kết cấu nhịp trong vùng khô – ướt thay đổi và sóng táp.

9.2.12  Không cho phép thiết kế các kết cấu thép với các mối nối bằng đinh tán làm từ thép mác 09Mn2 (13Mn6, 9MnSi5 – L.B.Đức) cho nhà và công trình nằm trong môi trường ăn mòn yếu có khí anhydric sunfurơ hoặc đihiđrô sunfua thuộc nhóm khí B, cũng như nhà và công trình nằm trong môi trường ăn mòn trung bình và mạnh.

9.2.13  Khi thiết kế các cấu kiện kết cấu làm bằng dây cáp thép cho các công trình ngoài trời cần xét đến các yêu cầu nêu trong Bảng U.4, còn đối với dây cáp thép bên trong nhà có môi trường ăn mòn hoặc trong hộp cáp (mà mức ăn mòn môi trường được đánh giá theo Bảng T.1 như đối với nhà không có điều hòa không khí) thì chiếu theo Bảng U.4 (như đối với các môi trường ăn mòn trung bình và mạnh ở ngoài trời)

9.2.14  Khi thiết kế các kết cấu từ các kim loại khác nhau về chủng loại, cần có biện pháp ngăn ngừa ăn mòn tiếp xúc tại vùng tiếp giáp giữa các kim loại khác loại, còn khi thiết kế các kết cấu hàn, cần xét đến các yêu cầu nêu trong Bảng U.5. Khi thiết kế kết cấu mặt đứng có thông gió làm từ nhôm và thép tấm mỏng mạ kẽm, cần đảm bảo yêu cầu về các tiếp xúc cho phép giữa các cấu kiện làm từ các kim loại khác nhau với nhau và với thanh neo, nêu trên các Bảng U.6, U.8, U.10, U.13.

9.2.15  Chiều dày tối thiểu các tấm kết cấu bao che, khi sử dụng mà không có bảo vệ chống ăn mòn, được chọn theo Bảng U.8

9.3  Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt kết cấu thép và nhôm

9.3.1  Phương pháp bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu chịu lực bằng thép tấm dày và thép hình cán nóng được nêu trong các Bảng U.1 và U.6, cho các kết cấu chịu lực và bao che bằng thép hình từ tấm dày mạ kẽm uốn nguội – Bảng U.8 và U.10, cho kết cấu bao che làm từ nhôm – Bảng U.6. Bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu thép tấm mỏng làm từ tôn sóng và thép hình uốn nguội mạ kẽm được lấy theo các Bảng U.10, U.12 có xét đến Bảng U.11.

Được phép không phải bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu chịu lực làm từ thép mác 10CrNiCuP khi sử dụng ngoài trời trong môi trường ăn mòn yếu -1 và yếu – 2; làm từ thép mác 10CrSiNiCu và 15CrSiNiCu khi sử dụng ngoài trời mà bề mặt thép bị ướt dưới 1000 giờ/năm trong môi trường ăn mòn yếu -1 và yếu – 2 chứa khí nhóm A1, A2. Được phép sử dụng không phải bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu bao che làm từ thép mác 10CrNiCuP khi sử dụng ngoài trời trong môi trường ăn mòn yếu có khí nhóm A1, A2 và B; thép mác 10CrCuP khi sử dụng ngoài trời trong môi trường ăn mòn yếu chỉ có các khí nhóm A1, A2. Các phần kết cấu làm từ thép các mác trên khi sử dụng trong nhà trong môi trường không ăn mòn hoặc ăn mòn yếu thì cần được bảo vệ chống ăn mòn bằng các lớp phủ sơn nhóm II và nhóm III trên dây chuyền sơn kim loại cuộn hoặc bằng các phương pháp bảo vệ khác cho môi trường ăn mòn yếu theo Bảng U.1.

Các kết cấu bao che làm từ thép cán nguội mỏng không mạ kẽm, nhưng được phủ sơn nhóm II và nhóm III trên dây chuyền sơn kim loại cuộn được phép sử dụng cho môi trường không ăn mòn.

Các kết cấu kim loại khung chịu lực nhà làm bằng thép hình uốn từ tấm mỏng và kết cấu bao che làm từ thép cán mỏng mạ kẽm nóng dày từ 19 µm đến 40 µm chỉ được phép sử dụng trong môi trường không có tác động ăn mòn. Các kết cấu chịu lực và bao che làm từ các thép trên được phép sử dụng trong môi trường ăn mòn yếu nếu có thêm lớp phủ sơn. Mác vật liệu và chiều dày sơn chống ăn mòn bổ sung cho thép mạ kẽm cần được lựa chọn có xét đến tuổi thọ của các lớp sơn phủ trong điều kiện sử dụng cụ thể. Tuổi thọ dự tính của lớp phủ có thể được xác định thông qua thử nghiệm gia tốc theo tiêu chuẩn tại phòng thí nghiệm.

Các phương pháp bảo vệ chống ăn mòn kết cấu chịu lực và bao che làm từ thép mỏng cán nguội nêu tại Bảng U.8 và U.10. Các yêu cầu đối với kết cấu làm từ thép cuộn mỏng mạ kẽm có bổ sung lớp phủ sơn được nêu tại Bảng U.14.

Biện pháp bảo vệ chống ăn mòn cho các cọc thép được thực hiện theo TCVN 11197:2015.

9.3.2  Khi thiết kế các kết cấu chịu lực bằng nhôm chịu tác động của môi trường ăn mòn (ngoại trừ môi trường ăn mòn yếu có clo, hiđro clorua và hiđro florua thuộc nhóm khí B), các yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn cần được tuân thủ như đối với các kết cấu bao che bằng nhôm. Đối với môi trường ăn mòn yếu có clo, hiđro clorua và hiđro florua thuộc nhóm khí B, các kết cấu chịu lực bằng nhôm tất cả các mác cần được bảo vệ chống ăn mòn bằng anôt điện hóa với chiều dày lớp phủ tối thiểu là 15 µm.

Các kết cấu sử dụng trong môi trường nước có tổng nồng độ sulfat và clorua cao hơn 5 g/l, cần được bảo vệ bảo vệ chống ăn mòn bằng anôt điện hóa (với chiều dày lớp phủ tối thiểu là 15 µm) và phủ thêm bên ngoài lớp sơn chịu nước thuộc nhóm IV.

Chiều dày lớp phủ sơn đối với các kết cấu bao che và chịu lực bằng nhôm phải trên 70 µm.

Kết cấu nhôm chỉ được kết nối với kết cấu gạch hoặc bê tông sau khi vữa hoặc bê tông đã rắn chắc hoàn toàn, không phụ thuộc vào mức độ tác động ăn mòn của môi trường. Đoạn kết nối đó cần được bảo vệ bằng các lớp sơn phủ. Bê tông không được đổ phủ lên kết cấu nhôm. Kết cấu nhôm sau khi phủ sơn được phép kết nối với kết cấu gỗ đã tẩm creozot.

9.3.3  Bề mặt kết cấu thép chịu lực cần được làm sạch vẩy sắt, gỉ sét, tạp chất trước khi sơn phủ bảo vệ theo các yêu cầu nêu trong Bảng T.6 hoặc TCVN 8790:2011, hoặc theo chỉ dẫn thiết kế. Bề mặt kết cấu thép bao che trước khi sơn phủ cần được làm sạch tới mức 1 (không nhìn thấy vết gỉ, vẩy sắt dưới kính phóng đại 6 lần). Bề mặt thép cần được tẩy sạch dầu mỡ đạt mức 1 (giấy thấm đặt trên mặt thép khi nhỏ dung dịch hòa tan dầu m không dính vệt dầu).

Bề mặt kết cấu thép trước khi sơn phủ không được có bavia, cạch sắc bán kính nhỏ hơn 2 mm, vẩy và xỉ hàn, thuốc trợ hàn, cạnh sắc và không đều của đường hàn, vết lồi lõm, lỗ rỗng, lỗ khuyết của mối hàn, khuyết tật cán đúc thép dưới dạng dị vật, vết lồi, lõm, nứt, máng, rãnh, hốc bán kính tới 4 mm.

Bề mặt kết cấu nhôm trước khi sơn phủ cần được làm sạch theo quy định của tiêu chuẩn hoặc chỉ dẫn thiết kế. Để đảm bảo độ dính bám của lớp phủ sơn, có thể xem xét việc ô xi hóa hóa học hoặc anốt điện hóa bề mặt kết cấu trước khi sơn.

9.3.4 Trong thiết kế kết cấu thép chịu lực cần chỉ rõ chất lượng lớp phủ sơn được áp dụng (tham khảo Bảng U1 đến Bảng U9 hoặcTCVN 8789:2011).

Các nhóm sơn phủ được sử dụng để bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu thép và nhôm:

– Nhóm I – alkyd (pentaphthalic, glyphthalic, alkyd – sterol), alkyd – uretan (ureankyd), sơn dầu, bitum – dầu, epoxieste, nitroxenlulo;

– Nhóm II – fenolfocmanđehyd, peclovinyl và copolyme vinylclorua, cao su clo, polyvinyl – butilic, acrylic, polyester silicon, silicate hữu cơ;

– Nhóm III – peclovinyl và copolyme vinylclorua, cao su clo, polystyrol, silicon, silic hữu cơ, polysiloxane, polyuretan, epoxy;

– Nhóm IV – peclovinyl và copolyme vinyl clorua, polyuretan, epoxy.

Độ bám dính của sơn với bề mặt bảo vệ: đối với lớp phủ dày tới 250 µm, theo phương pháp cắt lưới (thử theo TCVN 2097:2015), không được lớn hơn thang điểm 2; đối với lớp phủ dày trên 250 µm, theo phương pháp kéo nhổ (thử theo TCVN 9349:2012) – không nhỏ hơn 4 MPa.

Sơn được thực hiện theo dải. Trước khi sơn đại trà, tất cả các mép, cạnh, mối hàn và vị trí khó tiếp cận cần được sơn một lớp bổ sung bằng chổi sơn.

9.3.5  Chiều dày của lớp sơn phủ nêu trong Bảng U.1 được phép tăng thêm nhưng không quá 20 %. Các kết cấu cần được bảo vệ chống ăn mòn toàn bộ tại nhà máy gia công chế tạo kết cấu. Ở công trường xây dựng chỉ tiến hành sơn phủ lại những chỗ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, bảo quản và lắp dựng.

Đối với kết cấu kích thước lớn mà khi lắp dựng được hợp khối bằng nhiều liên kết ma sát hoặc hàn, thì tại nhà máy có thể xem xét chỉ sơn lót, còn sơn chống ăn mòn hoàn chỉnh được thực hiện tại công trường sau khi lắp dựng (nếu điều này được chỉ dẫn trong thiết kế).

9.3.6  Mạ kẽm nhúng nóng và mạ kẽm khuếch tán nhiệt cần được xem xét áp dụng để bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu thép có các mối nối bu lông, các mối hàn đối đầu và đường hàn góc, cũng như bảo vệ chống ăn mòn cho bulông, vòng đệm, đai ốc. Các phương pháp này có thể được dùng cho các kết cấu thép có các mối hàn chồng trong điều kiện phải hàn liền xung quanh theo đường viền hoặc phải đảm bảo khe hở bắt buộc giữa các cấu kiện hàn không nhỏ hơn 1,5 mm.

Các mối hàn liên kết kết cấu khi lắp ráp cần được bảo vệ bằng phun kẽm nhiệt khí, mạ kẽm hoặc phủ sơn nhóm III và IV với lớp lót giàu kẽm làm điện cực (protector) sau khí lắp kết cấu. Các mặt phẳng tiếp xúc kết cấu, liên kết bằng bu lông cường độ cao, trước khi lắp phải được rắc bột kim loại để đảm bảo hệ số ma sát không thấp hơn 0,37.

Thay vì mạ kẽm nhúng nóng như kết cấu thép (có lớp mạ dày 60 µm đến 100 µm), các cấu kiện nhỏ (độ dài tới 1 m, ngoại trừ bulông, vòng đệm, đai ốc) được phép mạ kẽm tĩnh điện hoặc mạ cadimi (có lớp mạ dày 42 µm) sau đó cromat hóa. Phương pháp bảo vệ chống ăn mòn này được phép áp dụng cho bu lông cường độ thường, đai ốc và vòng đệm khi chiều dày lớp mạ tới 21 µm (chiều dày lớp phủ trong ren cần đảm bảo độ dễ vặn của bu lông), riêng các đầu bu lông cần được bảo vệ thêm bằng sơn nhóm III và nhóm IV.

Khi xác định niên hạn sử dụng của lớp phủ bảo vệ, neo, cấu kiện kết cấu nhỏ, cần tham khảo tốc độ thâm nhập ăn mòn nêu tại Bảng U.11.

9.3.7  Các lớp phủ nhôm, phủ kẽm nhiệt khí, phủ hỗn hợp (phun kim loại nhiệt khí và sơn) để bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu thép, cũng như lớp phủ để chống ăn mòn lâu dài cho kết cấu khi không có khả năng tái tạo trong quá trình sử dụng, cần phải phù hợp với các Bảng U.1 và U.6.

Lớp phủ nhôm và kẽm phun nhiệt khí cần được áp dụng để bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu thép có các liên kết hàn, bulông, đinh tán. Không được phun nhiệt khí lên vị trí nối hàn lắp ráp trước khi thực hiện mối hàn. Việc bảo vệ chống ăn mòn cho các liên kết lắp ráp sau khi lắp kết cấu đã phủ kẽm nhiệt khí cần được thực hiện bằng các lớp phủ kẽm nhiệt khí, mạ kẽm hoặc phủ sơn nhóm III và IV trên lớp lót mạ kẽm hoặc sơn lót giàu kẽm. Liên kết lắp ráp sau khi lắp kết cấu đã phủ nhôm nhiệt khí được thực hiện bằng phun phủ nhôm nhiệt khí hoặc phủ sơn nhóm III và IV trên lớp lót mạ kẽm hoặc sơn lót giầu kẽm. Được phép sử dụng lớp phủ phun nhiệt khí để bảo vệ các kết cấu nêu trong mục 9.3.6, nếu như việc mạ kẽm nhúng nóng chưa được tính đến trong công nghệ.

9.3.8  Việc bảo vệ điện hóa cần được xem xét áp dụng cho các kết cấu thép sau: kết cấu công trình trong đất bị ngập một phần hoặc toàn bộ trong môi trường lỏng nêu ở Bảng S.3 (ngoại trừ dung dịch kiềm); các mặt trong của đáy bể chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ nếu trong bể còn nước. Việc bảo vệ điện hóa cần xem xét kết hợp với các lớp phủ cách ly cho kết cấu trong đất, với sơn phủ nhóm III và nhóm IV cho kết cấu trong môi trường lỏng. Việc thiết kế bảo vệ điện hóa cho các kết cấu thép phải do các đơn vị chuyên ngành thực hiện.

9.3.9  Việc nhuộm đen hóa học (phủ oxy) sau đó phủ sơn hoặc anot điện hóa bề mặt cần được xem xét để bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu nhôm. Các phần kết cấu mà tính nguyên vẹn của màng anot và sơn bảo vệ bị phá vỡ trong quá trình hàn, tán đinh và lắp ráp khác, cần được làm sạch và phủ sơn bảo vệ lại.

9.3.10  Đối với các kết cấu trong đất, cần sử dụng các lớp phủ cách ly. Các cấu kiện tiết diện tròn và vuông, bao gồm cả dây, cáp, ống cần được bảo vệ bằng lớp phủ thường, lớp phủ tăng cường hoặc tăng cường đặc biệt làm từ các băng dán polime, sơn bitum-cao su hoặc bitum- polime có cốt. Các kết cấu thép tấm và thép cán định hình – bằng sơn bitum, bitum-polime, bitum-cao su với chiều dày không nhỏ hơn 3 mm, hoặc bằng epoxy kết hợp matit cao su clopren với chiều dày không nhỏ hơn 2 mm, hoặc polyurea với chiều dày không nhỏ hơn 1,2 mm. Các mối hàn cần được bảo vệ sau khi hàn. Trước khi lắp ráp, có thể sơn lót 1 lớp bitum cho vị trí lắp.

9.3.11  Phương pháp bảo vệ chống ăn mòn cho các chi tiết neo: bu lông, vít, thanh ren, vòng đệm, đai ốc, vít tự cắt, vít tự khoan, vít n, bu lông neo, đinh tán kéo rút; các cấu kiện nhỏ cần được thực hiện theo bảng U.12. Để ngăn ngừa rạn nứt thép trong môi trường ăn mòn yếu 1 và 2, các bu lông cường độ cao mác 40Cr, 40CrVN, 30Cr3MoV (tương đương 37Cr4, 41CrMO, 30CrMoV9 – châu Âu) cần được bảo vệ bằng lớp phủ sơn trên đầu bu lông sau khi lắp. Sơn được áp dụng cần giống sơn ở kết cấu chính với yêu cầu đảm bảo độ dính kết của sơn với bề mặt nhô ra của bu lông. Ngoài ra, trong các môi trường ăn mòn, các đường viền liên kết bu lông cường độ cao cũng cần được sảm kín. Riêng trong môi trường ăn mòn trung bình và mạnh, bu lông cường độ cao cần được bảo vệ chống ăn mòn bằng lớp phủ kim loại trước khi lắp, còn sau khi lắp phần nhô ra của bu lông cùng kết cấu được bảo vệ bằng phủ sơn và sảm kín.

9.3.12  Niên hạn sử dụng của các lớp phủ bảo vệ các chi tiết neo và cấu kiện kích thước nhỏ có kể đến tốc độ xâm nhập ăn mòn – tham khảo Bảng U.11.

9.3.13  Khi mạ kẽm nóng bu lông, ốc vít, thanh ren, đai ốc làm từ thép cường độ cao, các ren đai ốc được phép tiện với cấp chính xác thấp hơn để dễ vặn, nhưng không được làm giảm các tính chất cơ học và công nghệ của các cấu kiện neo.

9.3.14  Các bu lông, ốc vít, vít tự khoan, tự cắt, bu lông neo, vít nở, đinh tán rút làm từ thép chịu ăn mòn Cr18Ni9Ti, 03Cr17Ni13Mo2Ti hoặc tương đương và thép mác A4 (TCVN 10865- 1:2015) được áp dụng không cần bảo vệ bổ sung trong các môi trường khí không ăn mòn, ăn mòn yếu và ăn mòn trung bình; thép mác A2 (TCVN 10865-1:2015) – trong môi trường khí không ăn mòn và ăn mòn yếu.

Các bu lông trước lúc đặt vào vị trí lắp giáp cần được bảo quản ở điều kiện không bị ăn mòn làm hư hại.

9.4  Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn cho ống khói, ống thông gió và bể chứa

9.4.1  Thép cho các ống thoát khí và vật liệu bảo vệ chống ăn mòn cho mặt trong của chúng cần được chọn theo Bảng U.2. Khi thiết kế ống thép không có lớp lót, cần bố trí thiết bị quan sát định kỳ mặt trong của ống, còn đối với ống loại “ống trong ống” – thiết bị quan sát cả không gian giữa các ống. Khi thiết kế các ống thoát làm từ các cấu kiện riêng biệt treo trên khung thép chịu lực, phương pháp bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu khung cần được áp dụng theo Bảng U.1 và Bảng U.6; còn mức độ ăn mòn của môi trường theo Bảng S.1 dành cho khí nhóm C. Phần đỉnh đường ống thoát khí của ống khói cần được làm bằng thép chịu ăn mòn theo Bảng U.2. Bảo vệ chống ăn mòn cho các ống và hộp thông gió làm từ nhôm và thép mỏng mạ kẽm được thực hiện theo Bảng U.6 và U.12.

9.4.2  Khung thép chịu lực ống hút khói ngoài trời trong môi trường ăn mòn yếu không phải bảo vệ chống ăn mòn khi được làm từ thép mác 10CrNiCu và thời gian ướt mặt không quá 2500 giờ/năm, từ thép 14CrMnNiCuZr và thời gian ướt mặt không quá 1000 giờ/năm.

9.4.3  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường lên mặt trong kết cấu thép của bể chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được áp dụng theo Bảng T.7.

9.4.4  Phương pháp bảo vệ chống ăn mòn mặt ngoài của kết cấu bể chứa dưới đất và trên mặt đất, mặt trong của bể chứa nước lạnh và môi trường lỏng vô cơ được lấy theo Bảng T.3, dầu và sản phẩm dầu – Bảng T.7. Bể chứa làm từ thép cácbon, thép hợp kim thấp hoặc từ nhôm cần phù hợp với các Bảng U.1 và U.6. Ngoài ra, việc bảo vệ chống ăn mòn mặt trong bể chứa du và sản phẩm dầu còn cần được thiết kế có kể đến an toàn phát lửa tĩnh điện.

Bảo vệ chống ăn mòn mặt ngoài bể chứa cách nhiệt, kết cấu trong nhà trong môi trường ăn mòn yếu, cũng như các bức tường (từ nền tới 2 m) trong môi trường ăn mòn trung bình, cần được thực hiện theo Bảng U1. Các tấm bọc vỏ bể chứa cách nhiệt cần được bảo vệ như kết cu bao nhôm hoặc thép cán mỏng mạ kẽm theo Bảng U.6 và U.10.

9.4.5  Mặt trong của bể chứa nước nóng (tại phần bị ngập nước) cần được bảo vệ bằng điện hóa, khử ô xi trong nước, ngăn chặn oxi bão hòa trở lại (nhờ khí trơ hoặc màng phủ kín mặt nước). Phần bể ngập nước được phép bảo vệ bằng sơn phủ bền nước nóng.

9.4.6  Khi thiết kế bảo vệ mặt trong bể làm từ thép cacbon để chứa phân khoáng lỏng, axit và kiềm, cần áp dụng lớp lót (ốp) bằng vật liệu phi kim bền hóa hoặc giải pháp bảo vệ điện hóa (cho bề chứa phân khoáng lỏng và axit). Đồng thời, kết cấu cần được tính toán có kể tới biến dạng do tác động của nhiệt độ lên lớp lót. Các đường hàn vỏ bể chứa cần được thiết kế hàn đấu cạnh. Kết cấu bể chứa chống ăn mòn bằng lớp lót không được tiếp nhận tải trọng động từ các thiết bị công nghệ truyền sang. Ống nước nóng hoặc khí trong bể cần được bố trí cách bề mặt lớp lót tối thiểu 50 mm, còn cánh thiết bị trộn tốc độ cao (tần số vòng hơn 300 vòng/phút) – cách lớp lót tối thiểu 300 mm. Vật liệu phủ mặt trong dùng để bảo vệ chống ăn mòn cho bể thép chứa các chất lỏng nêu trên được áp dụng theo Bảng U.3 và U.9.

9.4.7  Các cấu kiện hàn với kết cấu chính bên trong bể chứa cần được hàn kín toàn bộ đường viền, không hàn đứt quãng.

 

Phụ lục A

(Qui định)

Phân loại môi trường sử dụng

Bảng A.1 – Môi trường sử dụng

 hiệu

Môi trường sử dụng

Ví dụ điển hình

1. Không ăn mòn

X0

Đối với bê tông không có cốt thép và các chi tiết đặt sẵn: Môi trường không có tác động mài mòn và ăn mòn hóa học.

Đối với bê tông cốt thép: Môi trường khô

Các kết cấu trong phòng với điều kiện sử dụng khô ráo.

2. Ăn mòn cốt thép do cacbonát hóa

XC1

Môi trường khô hoặc ẩm thường xuyên Các kết cấu của các phòng ở trong nhà, ngoại trừ nhà bếp, nhà tắm, phòng giặt

Bê tông thường xuyên ngập trong nước

XC2

Môi trường ẩm và khô tạm thời Bề mặt bê tông được làm ướt bằng nước trong thời gian dài, móng nhà.

XC3

Môi trường ẩm vừa phải (các căn phòng ẩm, khí hậu ẩm) Kết cấu thường xuyên hoặc liên tục chịu tác động của không khí ngoài trời mà không bị ẩm do mưa. Kết cấu dưới mái che. Kết cấu trong phòng có độ ẩm cao (nhà bếp tập thể, nhà tắm, phòng giặt, bể bơi có mái che, chuồng gia súc)

XC4

Điều kiện sử dụng khô ẩm thay đổi Kết cấu ngoài trời chịu tác động của mưa

3. Ăn mòn do tác động của clorua (trừ nước biển)

Trong trường hợp bê tông có cốt thép hoặc các chi tiết đặt sẵn chịu tác động của clorua, môi trường ăn mòn được phân loại như sau

XD1

Môi trường ẩm vừa phải Kết cấu chịu tác động của xon khí chứa muối clorua

XD2

Điều kiện sử dụng ẩm ướt và ít khi khô Bể bơi, kết cấu chịu tác động của nước thải công nghiệp có chứa clorua

XD3

Điều kiện sử dụng khô ẩm thay đổi Kết cấu bị khô – ướt dưới tác động của dung dịch chứa muối clorua.

4. Ăn mòn dưới tác động của nước biển

Trong trường hợp  tông có cốt thép hoặc các chi tiết đặt sẵn chịu tác động của clorua từ nước biển hoặc xon khí của nước biển, môi trường ăn mòn được phân loại như sau:

XS1

Tác động của xon khí, nhưng không tiếp xúc trực tiếp với nước biển Kết cấu công trình trên bờ biển (cách mép nước biển tới 30 km)

XS2

Vùng ngập nước biển Phần kết cấu công trình ngập trong nước biển, nước lợ

XS3

Vùng thủy triều lên xuống và sóng đánh Phần kết cấu công trình biển (nước lợ) nằm trong khu vực thủy triều lên xuống và sóng táp
CHÚ THÍCH: Đối với nước biển (nước lợ) chứa hàm lượng clorua khác nhau, yêu cầu đối với bê tông được nêu trong Bảng D.1

5. Ăn mòn hóa học và sinh học

Khi có tác động của tác nhân hóa học từ đất, nước ngầm, môi trường ăn mòn được phân loại như sau:

XA1

Khi lượng các tác nhân ăn mòn thấp – môi trường có mức ăn mòn yếu, áp dụng các Bảng B.3, B.4, C.1 ÷ C.7, D.2 Các kết cấu trong đất có nước ngầm hoặc chứa muối ở thể rắn

XA2

Khi lượng các tác nhân ăn mòn vừa phải – môi trường có mức ăn mòn trung bình, áp dụng các Bảng B.3, B.4, C.1 đến C.7, D.2 Các kết cấu tiếp xúc với nước biển. Các kết cấu trong môi trường đất ăn mòn

XA3

Khi lượng lượng các tác nhân ăn mòn cao – môi trường có mức ăn mòn mạnh, áp dụng các Bảng B.3, B.4, C.1 đến C.7, D.2 Các công trình làm sạch nước thải công nghiệp hóa chất ăn mòn. Máng ăn cho gia súc, gia cầm. Thiết bị chưng cất muối có hệ thống làm sạch khí. Kho phân khoáng.

6. Ăn mòn bê tông do phản ứng kiềm với SiO2 hoạt tính của cốt liệu

Tùy thuộc vào độ ẩm, môi trường được phân loại như sau:

WO

Bê tông trong môi trường khô Các kết cấu trong các phòng khô ráo. Các kết cấu ngoài trời không bị tác động của mưa, nước mặt và độ ẩm của đất

WF

Bê tông bị ẩm liên tục hoặc dài lâu Các kết cấu mặt ngoài không được bảo vệ khỏi tác động của mưa, nước mặt và độ ẩm của đất.

Các kết cấu trong các phòng ẩm, ví dụ: bể bơi, phòng giặt và các gian phòng khác có độ ẩm tương đối phần lớn thời gian trên 80 %

Các kết cấu thường xuyên chịu tác động của nước ngưng tụ, ví dụ, đường ống, trạm trao đổi nhiệt, buồng lọc, chuồng gia súc, gia cầm

Các kết cấu khối lớn, kích thước tối thiểu của nó hơn 0,8 m, không phụ thuộc vào sự xâm nhập ẩm.

WA

Bê tông, bên cạnh tác động của môi trường WF, còn bị tác động thường xuyên hoặc dài lâu của kiềm xâm nhập từ bên ngoài Các kết cấu chịu tác động của nước biển;

Các kết cấu nhà sản xuất công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chịu tác động của muối kiềm.

WS

Bê tông chịu tải trọng động cao và tác động trực tiếp của kiềm Các kết cấu chịu tác động của muối kiềm và bổ sung thêm tải trọng động cao (ví dụ: bê tông mặt đường)
CHÚ THÍCH : Tác động ăn mòn cần được nghiên cứu thêm trong các trường hợp:

– Khi bị tác động của các tác nhân hóa học chưa được nêu trong các Bảng B.2, B.4, C.3;

– Khi bị tác động của nước chảy tốc độ cao (trên 1 m/s) mang các tác nhân hóa học nêu trong các Bảng C.3, C.4, C.5.

 

Phụ lục B

(Qui định)

Phân loại môi trường ăn mòn

Bảng B.1- Phân loại môi trường ăn mòn khí

Điều kiện môi trường a)

Nhóm khí

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường khí c) lên các kết cấu

Bê tông

Bê tông cốt thép

Điều kiện khô

A

Không ăn mòn

Không ăn mòn

B

Không ăn mòn

Không ăn mòn

C

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

D

Không ăn mòn

Ăn mòn trung bình

Điều kiện bình thường

A

Không ăn mòn

Không ăn mòn

B

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

C

Không ăn mòn

Ăn mòn trung bình

D

Ăn mòn yếu

Ăn mòn mạnh

Điều kiện ẩm ướtb)

A

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Bd)

Không ăn mòn

Ăn mòn trung bình

Cd)

Ăn mòn yếu

Ăn mòn mạnh

Dd)

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn mạnh

CHÚ THÍCH: – Mức độ ăn mòn của môi trường trong Bảng B.1 được dùng cho bê tông có mác chống thấm nước W4.
a) Được xác định theo độ ẩm trung bình tương đối của không khí tại địa điểm xây dựng theo : khi độ ẩm tương đối của không khí φ < 60 % – điều kiện khô; khi 60 % < φ  75 % – điều kiện bình thường và khi φ > 75 % – điều kiện ẩm ướt;

b) Mức độ ăn mòn đối với kết cấu, mà trên bề mặt cho phép có nước ngưng tụ, được lấy như kết cấu trong điều kiên ẩm ướt.

c) Khi trong môi trường khí có một số khí ăn mòn, mức độ ăn mòn của môi trường được xác định theo loại khí có tính ăn mòn cao nhất.

d) Khi trong môi trường khí có đihiđrosuntua (H2S), mức tác động của môi trường lên bê tông được coi là ăn mòn mạnh.

 

Bảng B.2 – Phân loại nhóm khí ăn mòn theo loại và nồng độ

Tên gọi

Nồng độ các khí, mg/m3

Nhóm A

Nhóm B

Nhóm C

Nhóm D

Khí cacbonic, CO2

 2000

> 2000

Amoniac, NH3

≤ 0,2

> 0,2 ÷ 20

> 20

Anhiđrit sunfuarơ, SO2

 0,5

> 0,5 ÷ 10

> 10 ÷ 200

> 200 ÷ 1000

Florida hiđro, HF

≤ 0,05

> 0,05 ÷ 5

> 5 ÷ 10

> 10 ÷ 100

Hiđro sunfua, H2S

 0,01

> 0,01 ÷ 5

> 5 ÷ 100

> 100

Ôxit nitơ a) NO2

 0,1

> 0,1 ÷ 5

> 5 ÷ 25

> 25 ÷ 100

Clo, Cl

≤ 0,1

> 0,1 ÷ 1

> 1 ÷ 5

> 5 ÷ 10

Hiđro clorua, HCI

≤ 0,05

> 0,05 ÷ 5

> 5 ÷ 10

> 10 ÷ 100

CHÚ THÍCH 1: Trong không khí sạch, lượng khí cacbonic thường khoảng 600 mg/m3;

CHÚ THÍCH 2: Khi nồng độ khí vượt quá giới hạn nêu trong cột nhóm D của Bảng này, thì khả năng sử dụng vật liệu cho các kết cấu xây dựng phải được xác định trên cơ sở nghiên cứu thực nghiệm. Khi có một vài khí trong môi trường thì lấy nhóm ăn mòn mạnh hơn (từ nhóm A đến nhóm D).

a) Hòa tan trong nước tạo thành dung dịch axit.

 

Bảng B.3 – Phân loại môi trường ăn mòn rắn

Điều kiện môi trườnga)

Độ hòa tan của môi trường rắn trong nước b) và tính hút ẩm của nó

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường ăn mòn rắn lên các kết cấu

Bê tông

Bê tông cốt thép

Điều kiện khô

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Hòa tan tốt, hút ẩm

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

Điều kiện bình thường

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Hòa tan tốt, hút ẩm

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình c)

Điều kiện ẩm hoặc ướt

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình d)

Hòa tan tốt, hút ẩm

Ăn mòn trung bình c)

Ăn mòn trung bình d)

CHÚ THÍCH: Mức độ ăn mòn của môi trường rắn trong Bảng B.3 được dùng cho bê tông có mác chống thấm nước W4.
a) Xem Bảng B.1

b) Các chất hòa tan thường gặp và đặc tính của chúng được liệt  trong Bảng B.4. Sự có mặt của các chất hòa tan ít không ảnh hưởng tới mức độ ăn mòn;

c) Mức tác động ăn mòn cần được chính xác thêm theo các Bảng C.3 – C.5, D.1, D.2

d) Muối chứa clorua được coi là môi trường ăn mòn mạnh.

 

Bảng B.4 – Đặc tính của môi trường rắn

(muối, ôxit, hiđrôxit, hợp chất hữu cơ, xon khí và bụi)

Độ hòa tan trong nước của môi trường rắn và tính hút ẩm của nó

Các muối, ôxit, hiđrôxit, hợp chất hữu cơ, xon khí và bụi phổ biến nhất

Hòa tan ít

Silicat, photphat (2 và 3) và cacbonat magie, canxi, bari, chì; sulfat bari, chì; ôxit, hiđrôxit sắt, crôm, nhôm, silic; supe photphat

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Clorua và sulfat natri, kali, amôni; nitrat canxi, bari, chì, magie; cacbonat của kim loại kiềm; u rê

Hòa tan tốt, hút ẩm

Clorua canxi, magie, nhôm, kẽm, sắt; sulfat magie, mangan, kẽm, sắt; nitrat và nitrit natri, kali, amoni; tất cả muối photphat – 1; natri photphat – 2; ôxit và hiđrôxit natri, kali
CHÚ THÍCH: Muối được xem là hòa tan ít khi độ hòa tan thấp hơn 2 g/dm3, muối hòa tan tốt – khi độ hòa tan cao hơn 2 g/dm3. Muối được xem là ít hút ẩm khi ở nhiệt độ 20 °C độ ẩm cân bằng tương đối không thấp hơn 60 %, muối hút ẩm – khi độ ẩm cân bằng tương đối thấp hơn 60 %.

 

Phụ lục C

(Qui định)

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường

Bảng C.1 – Mức độ ăn mòn của sulfat trong đất đối với bê tông có mác chống thấm nước từ W4 đến W20

Xi măng

Hàm lượng sulfat trong đất, mg/kg, gây ăn mòn bê tông khi bê tông có mác chống thấm nước

Mức độ ăn mòn của đất đối với bê tông

W4

W6

W8

W10 ÷ W14

W16 ÷ W20

Xi măng pooc lăng theo TCVN 2682:2009

500 ÷ 1000

> 1000 ÷ 1500

> 1500 ÷ 2000

> 2000 ÷ 3000

> 3000 ÷ 4000

Ăn mòn yếu

> 1000 ÷ 1500

> 1500 ÷ 2000

> 2000 ÷ 3000

> 3000 ÷ 4000

> 4000 ÷ 5000

Ăn mòn trung bình

> 1500

> 2000

> 3000

>4000

> 5000

Ăn mòn mạnh

Xi măng pooc lăng theo TCVN 2682:2009, có C3S ≤ 65%, C3A ≤ 7%, C3A + C4AF ≤ 22%

Xi măng pooc lăng xỉ theo TCVN 4316:2007

3000 ÷ 4000

> 4000 ÷ 5000

> 5000 ÷ 8000

> 8000 ÷ 10000

> 10000 ÷ 12000

Ăn mòn yếu

>4000 ÷ 5000

> 5000 ÷ 8000

> 8000 ÷ 10000

> 10000 ÷ 12000

> 12000 ÷ 15000

Ăn mòn trung bình

> 5000

> 8000

> 10000

> 12000

> 15000

Ăn mòn mạnh

Xi măng pooc lăng bền sulfat TCVN 6067:2018, xi măng pooc lăng hỗn hợp bền sulfat theo TCVN 7711:2007

6000 ÷ 8000

> 8000 ÷ 10000

> 10000 ÷ 12000

> 12000 ÷ 15000

> 15000 ÷ 20000

Ăn mòn yếu

> 8000 ÷ 10000

> 10000 ÷ 12000

> 12000 ÷ 15000

> 15000 ÷ 20000

> 20000 ÷ 24000

Ăn mòn trung bình

> 10000

>12000

>150000

> 20000

> 24000

Ăn mòn mạnh

 

Bảng C.2 – Mức độ ăn mòn của clorua trong đất đối với cốt thép trong bê tông cốt thép

Hàm lượng clorua trong đấta), mg/kg, gây ăn mòn cốt thép khi bê tông có mác chống thấm nước

Mức độ ăn mòn của đất đối với cốt thép trong  tông

W4 ÷ W6

W8

W10 ÷ W14

> 250 ÷ 500

> 500 ÷ 1000

> 1000 ÷ 7500

Ăn mòn yếu

> 500 ÷ 1000

> 1000 ÷ 7500

> 7500 ÷ 10000

Ăn mòn trung bình

> 1000

> 7500

> 10000

Ăn mòn mạnh

CHÚ THÍCH : Hàm lượng clorua nêu trong Bảng được áp dụng cho các kết cấu có chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép 20 mm. Khi chiều dày của lớp bảo vệ là 25, 30 và 50 mm thì giá trị trong Bảng được nhân tương ứng với 1,5, 1,7 và 3,0.
a) Khi trong đất có nước ngầm, chiều dày bê tông bảo vệ cốt thép và độ chống thấm nước được lấy theo Bảng D1;

 

Bảng C.3 – Mức dộ ăn mòn của môi trường lỏng vô  đối với bê tông

Chỉ số (hoặc hàm lượng chất) ăn mòn

Giá trị chỉ số đối với công trình trong đấta) (có hệ số thấm Kf cao hơn 0,1 m/ngày đêm), hồ chứa và công trình chịu áp lực nước khi được làm từ  tông có mác chống thấm nước

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng vô cơ đối với bê tông

W4

W6

W8

W10 ÷ W12

Độ kiềm bicacbonatb), mg-đl/dm3

> 0 ÷ 1,05

Ăn mòn yếu

Độ pH c)

> 5,0 ÷ 6,5

> 4,0 ÷ 5,0

> 3,5 ÷ 4,0

> 3,0 ÷ 3,5

Ăn mòn yếu

> 4,0-5,0

> 3,5 ÷ 4,0

> 3,0 ÷ 3,5

> 2,5 ÷ 3,0

Ăn mòn trung bình

> 0 ÷ 4,0

> 0 ÷ 3,5

> 0 ÷ 3,0

> 0 ÷ 2,0

Ăn mòn mạnh

Hàm lượng cacbon đioxit ăn mòn CO2, mg/dm3

> 15 ÷ 40

> 40 ÷ 100

> 100

Ăn mòn yếu

> 40 ÷ 100

> 100

Ăn mòn trung bình

Hàm lượng muối magie tính theo ion Mg2+, mg/dm3

> 1000 ÷ 2000

> 2000 ÷ 3000

> 3000 ÷ 4000

> 4000 ÷ 5000

Ăn mòn yếu

> 2000 ÷ 3000

> 3000 ÷ 4000

> 4000 ÷ 5000

> 5000 ÷ 6000

Ăn mòn trung bình

> 3000

> 4000

> 5000

> 6000

Ăn mòn mạnh

Hàm lượng muối amoni tính theo ion NH4+, mg/dm3

> 100 ÷ 500

> 500 ÷ 800

> 800 ÷ 1000

– e)

Ăn mòn yếu

> 500 ÷ 800

> 800 ÷ 1000

> 1000 ÷ 1500

– e)

Ăn mòn trung bình

> 800

> 1000

> 1500

– e)

Ăn mòn mạnh

Hàm lượng kiềm tính theo ion Na+ và Ka+, mg/dm3

> 50000 ÷ 60000

> 60000 ÷ 80000

> 80000 ÷ 100000

– e)

Ăn mòn yếu

> 60000 ÷ 80000

> 80000 ÷ 100000

> 100000 ÷ 150000

 – e)

Ăn mòn trung bình

> 80000

> 100000

>150000

– e)

Ăn mòn mạnh

Tổng hàm lượng cloruad), sulfat, nitrat, và muối khác, mg/dm3, khi có bề mặt bay hơi

> 10000 ÷ 20000

> 20000 ÷ 50000

> 50000 ÷ 60000

– e)

Ăn mòn yếu

> 20000 ÷ 50000

> 50000 ÷ 60000

> 60000 ÷ 70000

– e)

Ăn mòn trung bình

> 50000

> 60000

> 70000

– e)

Ăn mòn mạnh

a) Đối với các công trình nằm trong đất có hệ số thấm Kf thấp hơn 0,1 m/ngày đêm, giá trị ghi trong Bảng C.3, ngoại trừ pH, được nhân với 1,3; giá trị độ pH được giảm bớt 0,5 đối với bê tông có độ chống thấm nước W4÷W8 và lấy như với W8 khi bê tông có độ chống thấm nước trên W8.

b) Với giá trị bất lỳ của kiềm bicacbonat, môi trường không ăn mòn đối với bê tông có độ chống thấm nước W6 và trên W6, và cũng như vậy đối với bê tông W4 nếu hệ số thấm của đất Kf thấp hơn 0,1 m/ngày đêm.

c) Việc đánh giá tác động ăn mòn của môi trường theo độ pH ở Bảng C3 không áp dụng đối với các dung dịch axit hữu cơ nồng độ cao và axit cacbonic.

d) Khi nhiệt độ sử dụng thấp hơn 10 °C, độ ăn mòn của dung dịch muối hiđrat tinh thể (sulfat, clorua, nitrat…) cần được lấy tăng lên một mức. Hàm lượng sulfat (tùy thuộc vào loại và thành phần khoáng của xi măng) không được vượt quá giới hạn nêu trong Bảng C.4 và C.5.

e) Mức độ ăn mòn được xác định bằng các nghiên cứu riêng.

 

Bảng C.4 – Mức độ ăn mòn của môi trường nước sulfat có chứa bicacbonat đối với bê tông có mác chống thấm nước W4 ÷ W8

Xi măng

Hàm lượng sulfat trong môi trường nước a), tính theo ion SO42 mg/dm3, gây ăn mòn bê tông các công trình trong đất (với hệ số thấm Kf cao hơn 0,1 m/ngày đêm), hồ chứa và công trình chịu áp lực nước khi hàm lượng ion HC03, mg- đl/dm3

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng đối với bê tông có mác chống thấm nước W4 b)

> 0 ÷ 3

> 3 ÷ 6,0

> 6,0

Xi măng pooc lăng theo TCVN 2682:2009

> 250 ÷ 500

> 500 ÷ 1000

> 1000 ÷ 1200

Ăn mòn yếu

> 500 ÷ 1000

> 1000 ÷ 1200

> 1200 ÷ 1500

Ăn mòn trung bình

> 1000

> 1200

> 1500

Ăn mòn mnh

Xi măng pooc lăng theo TCVN 2682:2009 có C3S ≤ 65%, C3A ≤ 7%, C3A+ C4AF ≤ 22%

Xi măng pooc lăng xỉ theo TCVN 4316:2007

> 1500 ÷ 3000

> 3000 ÷ 4000

> 4000 ÷ 5000

Ăn mòn yếu

> 3000 ÷ 4000

> 4000 ÷ 5000

> 5000 ÷ 6000

Ăn mòn trung bình

> 4000

> 5000

> 6000

Ăn mòn mạnh

Xi măng pooc lăng bền sulfat TCVN 6067:2018, xi măng pooc lăng hỗn hợp bền sulfat theo TCVN 7711:2007

> 3000 ÷ 6000

> 6000 ÷ 8000

> 8000 ÷ 12000

Ăn mòn yếu

> 6000 ÷ 8000

> 8000 ÷ 12000

> 12000 ÷ 15000

Ăn mòn trung bình

> 8000

> 12000

> 15000

Ăn mòn mạnh

CHÚ THÍCH :

Xi măng có thành phần khoáng (C3S ≤ 65%, C3A ≤ 7%, C3A + C4AF ≤ 22%), kết hợp với phụ gia khoáng silica siêu mịn được áp dụng tương đương như xi măng pooc lăng bền sulfat.

a) Đối với các công trình trong đất có hệ số thấm Kf nhỏ hơn 0,1 m/ngày đêm, các giá trị của Bảng C.4 được nhân với 1,3.

b) Giá trị trong Bảng C.4 được dùng cho bê tông có mác chống thấm nước W4. Khi đánh giá mức độ ăn mòn của môi trường đối với bê tông có độ chống thấm nước W6, các giá trị trong Bảng C.4 được nhân với 1,3 ; đối với bê tông có độ chống thấm nước W8 – nhân với 1,7.

 

Bảng C.5 – Mức độ ăn mòn của môi trường nước sulfat đối với bê tông có độ chống thấm nước W10 ÷ W20

Xi măng

Hàm lượng sulfat trong môi trường nước a), tính theo ion SO42 mg/dm3, gây ăn mòn bê tông các công trình trong đất (với hệ số thấm Kf cao hơn 0,1 m/ngày đêm), hồ chứa và công trình chịu áp lực nước khi bê tông có mác chống thấm nước

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng đối với bê tông

W10 ÷ W14

W16 ÷ W20

Xi măng pooc lăng theo TCVN 2682:2009

850 ÷ 1250

> 1250 ÷ 2500

Ăn mòn yếu

1250 ÷ 2500

> 2500 ÷ 5000

Ăn mòn trung bình

> 2500

> 5000

Ăn mòn mạnh

Xi măng pooc lăng theo TCVN 2682:2009, có C3S ≤ 65%, C3A ≤ 7%, C3A+ C4AF < 22%

Xi măng pooc lăng xỉ theo TCVN 4316:2007

5100 ÷ 8000

< 8000 ÷ 9000

Ăn mòn yếu

8000 ÷ 9000

> 9000 ÷ 10000

Ăn mòn trung bình

> 9000

>10000

Ăn mòn mạnh

Xi măng pooc lăng bền sulfat TCVN 6067:2018, xi măng pooc lăng hỗn hợp bền sulfat theo TCVN 7711:2007

10200 ÷ 12000

> 12000 ÷ 15000

Ăn mòn yếu

12000 ÷ 15000

> 15000 ÷ 20000

Ăn mòn trung bình

> 15000

> 20000

Ăn mòn mạnh

CHÚ THÍCH:

Xi măng có thành phần khoáng (C3S ≤ 65%, C3A ≤ 7%, C3A+ C4AF ≤ 22%) hoặc xi măng pooc lăng xỉ trong Bảng C.5, kết hợp với phụ gia khoáng silica siêu mịn, được sử dụng như xi măng pooc lăng bền sulfat.

a) Đối với các công trình trong đất có hệ số thấm Kf nhỏ hơn 0,1 m/ngày đêm, các giá trị của Bảng C.5 được nhân với 1,3.

 

Bảng C.6 – Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng hữu cơ

Môi trường

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng hữu cơ đối với bê tông có độ chống thấm nước

W4

W6

W8

Dầu mỡ:

 

 

 

– Khoáng

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

– Thực vật

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

– Động vật

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ:

 

 

 

– Dầu mỏ thô a)

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

 Ăn mòn yếu

– Dầu mỏ lưu huỳnh

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

– Mazut lưu huỳnh a)

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

– Nhiên liệu diezen a)

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

– Dầu hỏa a)

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

– Xăng

Không ăn mòn

Không ăn mòn

Không ăn mòn

Dung môi:

 

 

 

– Hidrô cacbon no (heptan, octan, decan,

Không ăn mòn

Không ăn mòn

Không ăn mòn

– Hiđrô cacbon thơm (benzene, toluene, C4H4(CH3)2, clobenzen, vv)

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

– Xetol (axetol, methyl ethyl xetol, diethyl xetol,

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

Axit:

 

 

 

– Dung dịch nước của axit (dấm, nước chanh, sữa, có nồng độ cao hơn 0,05 g/dm3

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn mạnh

– Axit lỏng không hòa tan (caproic, caprylic,

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Rượu (Acol):

 

 

 

– Đơn chức

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

Không ăn mòn

– Đa chức

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Đơn phân tử (monome):

 

 

 

– Clo butadien

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn trung bình

– Stirol

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

Amit:

Urê (cacbamit), dung dịch nước có nồng độ:

 

 

 

 

– từ 50 và 150 g/dm3)

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

– trên 150 g/dm3

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Dicyandiamide (dung dịch nước có nồng độ nhỏ hơn 10 g/dm3)

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Dimetin – focmamit, dung dịch nước có nồng độ:

 

 

 

 

– từ 20 và 50 g/dm3)

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

– trên 50 g/dm3

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Các chất hữu cơ khác:

Phenol (dung dịch nước có nồng độ 10 g/dm3)

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Fomaldehit, dung dịch nước có nồng độ:

 

 

 

– từ 20 và 50 g/dm3),

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

– trên 50 g/dm3

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Diclobutan

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Tetrahydrofuran

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Đường (dung dịch nước có nồng độ cao hơn 0,1 g/dm3)

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Không ăn mòn

a) Đối với mặt trong của đáy và tường bể chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, tác động của dầu thô và mazut được đánh giá như môi trường ăn mòn trung bình, còn tác động của nhiên liệu diezen và dầu m hỏa thì được đánh giá như môi trường ăn mòn yếu. Đối với lớp phủ mặt trong của bể chứa, tác động của chất lỏng đã liệt kê trên được đánh giá như môi trường ăn mòn yếu.

 

Bảng C.7 – Mức độ ăn mòn của môi trường sinh học đối với bê tông và  tông cốt thép

Môi trường ăn mòn

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường sinh học

Điều kiện khô

Điều kiện thường

Điều kiện ẩm

Nấm

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Vi khuẩn thiobacillius

 

 

 

(nồng độ đihiđrô sunfua, H2S), g/dm3:

 

 

 

≤ 0.01

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

0,01 ÷ 5

Không ăn mòn

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn mạnh

> 5

Không ăn mòn

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn mạnh

CHÚ THÍCH:

1. Mức độ ăn mòn của môi trường sinh học nêu trong Bảng C.7 được dùng cho bê tông có độ chống thấm nước W4. Đối với bê tông có độ chống thấm cao hơn, mức độ ăn mòn của môi trường được đánh giá theo kết quả nghiên cứu riêng. Đối với vữa, mức độ ăn mòn của nấm được lấy tăng thêm 2 mức so với  tông có độ chống thấm nước W4.

2. Đối với ống thu gom nước thải, nồng độ đihiđrô sunfua được xác định dựa trên kinh nghiệm sử dụng các công trình hoặc tính toán thiết kế căn cứ thành phần nước thải và đặc tính kết cấống thu.

3. Mức độ ăn mòn của môi trường Bảng C.7 được dùng cho nhiệt độ từ 15 đến 25 °C. Khi nhiệt độ cao hơn 25 °C, mức độ ăn mòn ở điều kiện thường và điều kiện ẩm cần tăng lên một mức. Khi nhiệt độ thấp hơn 15 °C, mức độ ăn mòn ở điều kiện thường và điều kiện ẩm cần giảm đi một mức.

 

Bảng C.8 – Chỉ số điện thế và mật độ dòng điện tản gây ăn mòn kết cấu bê tông cốt thép

Vị trí của kết cấu

Nhà và công trình

Chỉ số điện thế và mật độ dòng điện tản tại vùng a-nốt và vùng điện đổi dấu a)

Điện thế “cốt thép – bê tông” so với điện cực đồng sulfat, vôn

Mật độ dòng điện rò rỉ từ cốt thép, mA/dm2

Dưới đất

Như đã nêu ở 5.7.1 khi lượng ion Cl trong nước ngầm không lớn hơn 0,2 g/dm3

> 0,5

> 0,6

Trên mặt đất

Nhà xưởng điện phân hợp kim và công trình giao thông đường sắt công nghiệp

> 0,5

> 0,6

Nhà xưởng điện phân dung dịch nước

> 0

> 0,6

a) Các chỉ số nêu trong Bảng C.8 phù hợp với điều kiện cốt thép được bê tông bảo vệ trong các kết cấu có bề rộng vết nứt không lớn hơn các giá trị quy định tại 5.7.5. Nếu ở lớp bảo vệ bê tông có vết nứt lớn hơn giá trị ở 5.7.5 thì các chỉ số ăn mòn điện tản cần được xác định theo các tài liệu chuẩn.

 

 

Phụ lục D

(Quy định)

Tác động ăn mòn của clorua

Bảng D.1 – Nồng độ clorua tối đa cho phép trong môi trường nước khi tác động lên cốt thép của kết cấu bê tông cốt thép trong đất và hồ chứa nước mặt (vùng có mực nước thay đổi và mao dẫn)

Môi trường

Chiều dày lớp bê tông bảo vệ, mm

Nồng độ clorua tối đa cho phép trong môi trường nước, mg/dm3, ứng với bê tông có hệ số khuếch tán clorua, cm2/s hoặc (mác chống thấm nước)

> 1.108 ÷ 5.108 (W8)

> 5.109 ÷ 1.108 (W10 ÷ W14)

< 5.109 (W10 ÷ W14)

Hồ chứa nước mặt hoặc đất có hệ số thấm ≥ 0,1m/ngày đêm

20

500

1300

4100

30

700

1850

8300

50

1000

2700

18000

Đất có hệ số thấm < 0,1m/ngày đêm

20

1150

3000

5000

30

1400

3700

9500

50

1750

4700

20000

CHÚ THÍCH 1. Môi trường có nồng độ clorua ứng với các chiều dày bảo vệ và mác chống thấm nước của bê tông như trong Bảng D, được coi là môi trường ăn mòn. Khi nồng độ clorua cao hơn giá trị trong Bảng D.1, cần có bảo vệ bổ sung;

CHÚ THÍCH 2. Khi kết cấu bị ngập nước hoàn toàn và liên tục, không quy định hàm lượng clorua.

 

Bảng D.2 – Hàm lượng clorua tối đa cho phép trong các kết cấu bê tông cốt thép

Loại kết cấu

Mác theo hàm lượng clorua (ion Cl)

Hàm lượng clorua tối đa cho phépa)

Theo khối lượng xi măng, %

Trong 1 m3 bê tông, kg/m3

Không có cốt thép

Cl 1,0

1,0

Bê tông cốt thép thông thường:

Trong môi trường không có clorua xâm nhập từ bên ngoài

Cl 0,3

0,3

Trong môi trường biển b) hoặc môi trường có clorua xâm nhập từ bên ngoài

Cl 0,15

0,15

0,6

Bê tông cốt thép ứng suất trước

Cl 0,06

0,06

0,3

a) Hàm lượng clorua là tổng khối lượng ion clo hòa tan trong nước chứa trong tất cả vật liệu chế tạo  tông như xi măng, cốt liệu, phụ gia khoáng, phụ gia hóa học, nước trộn và các vật liệu khác (nếu có);

b) Môi trường biển bao gồm nước biển, nước lợ, vùng sóng táp của nước biển và nước lợ, khí quyển trong phạm vi 30 km cách mặt nước biển (tương đương XS1, XS2 và XS3 theo tiêu chuẩn này). Ngoài hàm lượng ion clo, vật liệu chế tạo bê tông, bê tông và kết cấu bê tông cốt thép trong môi trường biển còn cần phải đáp ứng các yêu cầu khác quy định tại TCVN 9346:2012.

 

Phụ lục E

(Quy định)

Yêu cầu đối với xi măng

Bảng E.1 – Các loại xi măng dùng cho  tông trong môi trường ăn mòn

Xi-măng pooc lăng theo tiêu chuẩn

Loại môi trường sử dụng

Không ăn mòn

Ăn mòn cácbonat

Ăn mòn clorua

Ăn mòn hóa học

Nước biển

Clorua khác

Ký hiệu môi trường sử dụng (theo Bảng A.1)

XO

XC1

XC2

XC3

XC4

XS1

XS2

XS3

XD1

XD2

XD3

XA1

XA2

XA3

TCVN 2682

++

++

++

++

++

++

++

++

++

+ +

++

++

++

++

TCVN 6260 (6÷20) % xỉ lò cao

++

++

++

++

++

++

++

++

++

++

+

+a)

+a)

+a)

TCVN 6260 (21÷35)% xỉ lò cao

++

+

+

+

+

++

+ +

+

+

++ a)

++ a)

++ a)

TCVN 6260 (6÷20) % puzzolan

++

+ +

++ a)

++ a)

++ a)

TCVN 6260 (6÷20) % tro bay

++

++

++ a)

++ a)

++ a)

TCVN 6260 (6÷10) % silic siêu mịn

++

++

++

++

+ +

++

++

++

++

++

++

++

++

++

TCVN 6260 (6÷20)% b)

++

+

nc

nc

nc

nc

nc

nc

nc

nc

nc

nc

nc

nc

TCVN 4316 (36÷65)% xỉ lò cao

++

++

+

+

+

++

++

++

++

++

++

+

+

+

TCVN 6067

++

++

++

++

++

++

++

++

+ +

++

++

++ a)

++ a)

++ a)

CHÚ THÍCH:

Các ký hiệu quy ước: (++) Khuyến cáo , ( +) Được phép, (-) Không được phép , ( nc) cần nghiên cứu thử nghiệm.

a) Khuyến cáo sử dụng trong môi trường có sulfat;

b) Phụ gia không rõ nguồn gốc

 

Phụ lục F

(Tham khảo)

Độ thấm của bê tông

Bảng F.1 – Tương quan mác chống thấm nước, hệ số thấm, hệ số khuếch tán clorua, tỷ lệ nước/xi măng (N/X) và độ hút nước của bê tông

Mác chống thấm nước

Hệ số thấm nước, cm/s

Hê số khuếch tán clorua, cm2/s

Tỷ lệ N/X, không lớn hơn

Độ hút nước theo khối lượng, %

W4

> 2.109 ÷ 7.109

0,60

> 4,7 ÷ 5,7

W6

> 6.1010 ÷ 2.109

1.108 ÷ < 5.108

0,55

> 4,2 ÷ 4,7

W8

> 1,10-10 ÷ 6.1010

0,45

> 3,7 ÷ 4,2

W10 ÷ W14

> 5.1011 ÷ 1.10-10

5.109 ÷ < 1.108

0,35

> 3,0 ÷ 3,7

W16 ÷ W20

< 5.1011

< 5.109

0,30

< 3,0

 

Phụ lục G

(Qui định)

Yêu cầu đối với kết cấu bê tông cốt thép

Bảng G.1 – Các yêu cầu đối với kết cấu bê tông cốt thép chịu tác động của môi trường ăn mòn khí và rắn

Nhóm cốt thép

Loại cốt thép a)

Yêu cầu về cấp chống nứt (trên đường kẻ) và giới hạn cho phép của bề rộng vết nứt (dưới đường kẻ) ngắn hạn và dài hạn (trong ngoặc), mm, trong môi trường ăn mòn

Chiều dày tối thiểu của lớp bê tông bảo vệ c),mm (trên đường kẻ) và mác chống thấm nước (dưới đường kẻ) d) trong môi trường ăn mòn

 

Yếu

Trung bình

Mạnh

Yếu

Trung bình

Mạnh

Các kết cấu không ứng suất trước

I

CB 240-T

CB 300-V

CB 400-V

CB 500-V

Vuốt nguội 500

Cấp 3

Cấp 3 e)

Cấp 3 e)

20

20

25

0,25 (0,20)

0,20 (0,15)

0,15(0,10)

W4

W6

W8

 

Các kết cấu ứng suất trước

II

CB 500 – V

Cấp 2

Cấp 1

Cấp 1

25

25

25

0,25 (0,20)

W6

W8

W8

Thanh 1030 (835) f)

Thanh 1160 (930) f)

Vuốt nguộib) 1670 (1300) Vuốt nguội b) 1770 (1400) Vuốt nguộib) 1860 (1470)

Cấp 2

Cấp 1

Cấp 1

25

25

25

0,15(0,10)

 

 

W6

W8

W8

Cáp 7 sợi (1410)

Cấp 2

Cấp 1

Cấp 1

25

25

25

Cáp 7 sợi (1510)

0,10

W8

W8

W8

III

Cốt compozit hữu cơ Bề rộng vết nứt, chiều dày tối thiểu của lớp bê tông bảo vệ và mác chống thấm nước của bê tông không quy định
a) Ký hiệu các loại cốt thép theo TCVN 5574:2018. Giá trị trong ngoặc là giới hạn chảy theo tiêu chuẩn của cốt thép, MPa.

b) Thép vuốt nguội có thể dùng loại có gân và không có gân.

c) Chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép trong Bảng G.1 được dùng cho các kết cấu bê tông cốt thép đúc sẵn. Đối với các kết cu bê tông cốt thép toàn khối, chiều dày lớp bê tông bảo vệ cần được tăng thêm 5 mm.

d) Mác chống thấm nước được lấy trong điều kiện có lớp phủ ngăn cách kết cấu với môi trường. Nếu không có lớp phủ này thì mác chống thấm nước cần phải tăng thêm và giá trị trong môi trường hợp cụ thể sẽ phụ thuộc vào dạng kết cấu và các điều kiện tác động của môi trường.

e) Đối với kết cấu không ứng suất trước, cốt thép gia công cơ nhiệt CB400 – V, CB 500 – V được phép sử dụng khi có độ bền thử nghiệm chống rạn nứt do ăn mòn không ít hơn 40 giờ.

f) Đối với kết cấu ứng suất trước, cốt thép gia công cơ nhiệt CB 500 – V, thanh 1030, thanh 1160 được phép sử dụng khi có độ bền thử nghiệm chống rạn nứt do ăn mòn không ít hơn 100 giờ.

 

Bảng G.2 – Các yêu cầu đối với kết cấu bê tông cốt thép chịu tác động của môi trường ăn mòn lỏng

Nhóm cốt thép

Loại cốt thép a)

Yêu cầu về cấp chống nứt (trên đường kẻ) và giá trị giới hạn của bề mặt vết nứt (dưới đường kẻ) ngắn hạn và dài hạn (trong ngoặc) , mm, trong môi trường ăn mòn

Chiều dày tối thiểu của lớp bê tông bảo vệ c),mm (trên đường kẻ) và mác chống thấm nước (dưới đường kẻ) d) trong môi trường ăn mòn

Yếu

Trung bình

Mạnh

Yếu

Trung bình

Mạnh

 

Các kết cấu không ứng suất trước

 

I

CB 240-T

CB 300 – V

CB 400-V

CB 500-V Vuốt nguội (500)

Cấp 3

Cấp 3 e)

Cấp 3 e)

20

20

25

 

0,20

(0,15)

0,15 (0,10)

0,10 (0,05)

W4

W6

W8

Các kết cấu có ứng suất trước

 

II

CB 500 – V

Cấp 2

Cấp 1

Cấp 1

25

25

25

 

0,15

(0,10)

W6

W8

W8

Thanh 1030 (835) f)

Thanh 1160 (930) f)

Cấp 2

Cấp 1

Cấp 1

25

25

25

 
Vuốt nguộib)

1670 (1300)

0,15

(0,10)

W6

W8

W8

 
Vuốt nguộib)

1770 (1400)

 

 

 

 

 

 

 
Vuốt nguộib) 1860 (1470)

 

 

 

 

 

 

 
Cáp 7 sợi (1410)

Cấp 2

cấp 1

cấp 1

25

25

25

 
Cáp 7 sợi (1510)

(0,10)

W6

W8

W8

 

III

Cốt compozit Bề rộng vết nứt, chiều dày tối thiểu của lớp bê tông bảo vệ và độ chống thấm nước từ các điều kiện ăn mòn cốt thép không quy định  
CHÚ THÍCH:

1. Khi thấm có thể xuyên qua vết nứt tới cốt thép, môi trường được đánh giá là ăn mòn trung bình – mạnh đối với cốt thép. Khi đó, cần ngăn chặn thấm để bảo vệ kết cấu bằng cách áp dụng đồng thời phương pháp bảo vệ ban đầu và bảo vệ bổ sung.

2. Trong môi trường kết cấu bị khô – ướt thay đổi và thấm dung dịch clorua qua mao quản, không được phép có các vết nứt ngắn hạn bề rộng lớn hơn 0,10, dài hạn – 0,05 mm tại lớp bê tông bảo vệ cốt thép.

 
a) Ký hiệu các loại cốt thép theo TCVN 5574:2018. Giá trị trong ngoặc là giới hạn chảy theo tiêu chuẩn của cốt thép, MPa.

b) Thép vuốt nguội có thể dùng loại có gân và không có gân.

c) Chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép trong Bảng G.1 được dùng cho các kết cấu bê tông cốt thép đúc sẵn. Đối với các kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, chiều dày lớp bê tông bảo vệ cần được tăng thêm 5 mm.

d) Mác chống thấm nước được lấy trong điều kiện có lớp phủ ngăn cách kết cấu với môi trường. Nếu không có lớp phủ này thì mác chống thấm nước cần phải tăng thêm và giá trị trong môi trường hợp cụ thể sẽ phụ thuộc vào dạng kết cấu và các điều kiện tác động của môi trường.

e) Đối với kết cấu không ứng suất trước, cốt thép gia công cơ nhiệt CB400 – V, CB 500 – V được phép sử dụng khi có độ bền thử nghiệm chống rạn nứt do ăn mòn không ít hơn 40 giờ.

f) Đối với kết cấu ứng suất trước, cốt thép gia công cơ nhiệt CB 500 – V, thanh 1030, thanh 1160 được phép sử dụng khi có độ bền thử nghiệm chống rạn nứt do ăn mòn không ít hơn 100 giờ.

 

 

Bảng G.3 – Yêu cầu đối với lớp bê tông bảo vệ kết cấu khi chịu tác động của khí CO2

Nồng độ CO2 trong không khí, mg/m3

Chiều dày lớp bê tông bảo vệ, mm

Giá trị hệ số khuếch tán tối đa cho phép D.104, cm2/s của khí CO2 trong bê tông của các kết cấu bê tông cốt thép có thời hạn sử dụng

20 năm

50 năm

100 năm

 600

10

1,14

0,45

0,23

15

2,57

1,03

0,51

20

4,57

1,83

0,91

600 ÷ 6000

10

0,26

0,10

0,05

15

0,46

0,18

0,09

20

0,71

0,28

0,14

 

Phụ lục H

(Tham khảo)

Tác động của môi trường lên các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết trong các tòa nhà có tường ngoài làm bằng panen ba lớp

Bảng H.1 Mức độ tác động ăn mòn của môi trường đối với chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết.

Nhóm

Đặc trưng môi trường và mức độ tác động ăn mòn của nó

Dạng chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết

I

Độ ẩm không khí và nhiệt độ tương ứng như điều kiện tiếp xúc với ngoài trời;

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường: Ăn mòn trung bình.

Tại các nút liên kết:

– vách ngăn logia với nhau và với tường logia bên ngoài sàn;

– tấm trần logia với panen tường và với tường logia ở góc trần.

II

Độ ẩm không khí và nhiệt độ tương ứng như điều kiện tiếp xúc với ngoài trời, nhưng quá trình ăn mòn chậm lại do được phủ bê tông;

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường: Ăn mòn yếu.

Tại các nút liên kết được phủ hoặc chèn đầy bê tông:

– vách ngăn logia với nhau, với tường logia, với các panen trần logia bên trong sàn;

– tấm trần logia với tường iogia và và panen tường.

III

Khả năng bị ẩm phụ thuộc vào chất lượng cơ cấu mối nối, nhiệt độ dương;

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường: Không ăn mòn.

Tại các nút liên kết được chèn đầy bê tông, trong đó các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết nằm ở lớp bê tông bên trong của panen tường ngoài.

IV

Khả năng bị ẩm phụ thuộc vào chất lượng cơ cấu mối nối, nhiệt độ thay đổi từ trong ra ngoài theo khí hậu, có màng nước hình thành tại nhiệt độ điểm sương.

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường: Ăn mòn trung bình.

Tại các mối nối được chèn đầy bê tông, trong đó các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết được bố trí theo toàn bộ chiều dày của panen tường ngoài ba lớp.

V

Độ ẩm không khí và nhiệt độ tương ứng với điều kiện nhà có điều hòa;

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường: Không ăn mòn.

Tại các nút liên kết của các kết cấu bên trong với nhau, không phụ thuộc vào tiếp giáp của chúng với tường ngoài.

 

Phụ lục I

(Tham khảo)

Bảo vệ chống ăn mòn cho các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết

Bảng 1.1 Các phương pháp bảo vệ chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết

Nhóm theo Bảng H.1

Các phương pháp bảo vệ

I

1. Mạ kẽm nóng dày 60 µm;.

2. Tráng kẽm nguội bằng các hỗn hợp giàu kẽm dày (120 ÷ 150) pm;

3. Lớp phủ hỗn hợp – tráng kẽm nguội bằng các hỗn hợp giàu kẽm dày (60 ÷ 70) µm và lớp phủ sơn bền khí quyển nhóm llbkq hoặc lllbkq dày (80 ÷ 100) µm.

II

Khi đã được phủ hoặc chèn đầy bê tông thì bảo vệ theo các phương án:

1. Mạ kẽm nóng dày 50 µm;

2. Tráng kẽm nguội bằng các hỗn hợp giàu kẽm dày (60 ÷ 70) µm

III

Khi đã được chèn đầy bê tông thì không yêu cầu bảo vệ bề mặt

IV

Khi đã được chèn đầy  tông thì bảo vệ theo các phương án:

1. Mạ kẽm nóng dày 60 µm;

2 . Tráng kẽm nguội bằng các hỗn hợp giàu kẽm dày (80 ÷ 100) µm.

V

Không cần bảo vệ

 

Phụ lục K

(Qui định)

Yêu cầu bảo vệ kết cấu bao che

Bảng K.1 Các yêu cầu bảo vệ kết cấu bao che trong các gian phòng phụ thuộc mức ăn mòn của môi trường

Mức độ tác động ăn mòn của môi trường trong gian phòng

Yêu cầu bảo vệ kết cấu bao che

Làm từ bê tông nhẹ (cấu trúc đặc và rỗng)

Làm từ bê tông tổ ong

Ăn mòn yếu

Được phép sử dụng kết cấu nếu có lớp cách ly bằng bê tông nặng hoặc bê tông nhẹ từ phía mặt tác động ăn mòn của môi trường Được phép sử dụng kết cấu khi cốt thép được bảo vệ bằng lớp phủ đặc biệt và bề mặt bê tông được phủ một lớp sơn cách hơi ẩm từ phía mặt tác động ăn mòn của môi trường

Ăn mòn trung bình

Được phép sử dụng kết cấu nếu có lớp cách ly bằng bê tông nặng hoặc bê tông nhẹ, kết hợp với lớp sơn phủ từ phía mặt tác động ăn mòn của môi trường và lớp chống thấm nước từ phía mặt tác động của mưa khí quyển. Như trên, cộng thêm lớp phủ sơn dùng cho môi trường ăn mòn trung bình.

Ăn mòn mạnh

Được phép sử dụng kết cấu nếu có lớp cách ly bằng bê tông nặng hoặc bê tông nhẹ, kết hợp với lớp sơn phủ dùng cho môi trường ăn mòn mạnh từ phía mặt tác động ăn mòn của môi trường Không được phép sử dụng
CHÚ THÍCH:

1. Mác chống thấm nước và chiều dày lớp bảo vệ bằng bê tông nặng hoặc bê tông nhẹ chịu lực phải phù hợp với các yêu cầu của Bảng G.3.

2. Trong các nhà và công trình mà môi trường được đặc trưng bởi chế độ ẩm ướt của các gian phòng và có khí CO2, thì được phép sử dụng các kết cấu làm từ bê tông nhẹ không có lớp sơn bảo vệ, còn bê tông tổ ong – với lớp bảo vệ như đối với môi trường ăn mòn yếu. Các nhóm lớp phủ đã được nêu trong Bảng L.1

 

Phụ lục L

(Tham khảo)

Yêu cầu lựa chọn lớp phủ phụ thuộc vào các điều kiện sử dụng kết cấu

Bảng L.1 Phân nhóm điều kiện sử dụng lớp phủ

Loại lớp phủ

Phân nhóm điều kiện sử dụng lớp phủ theo mức độ ăn mòn của môi trường

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn mạnh

Bền khí quyển

bkq

II bkq

III bkq

IV bkq

Bền khí quyển và bền hóa học

II bkqbh

III bkqbh

IV bkqbh

Bền khí quyển, bền hóa học và bền nứt

II bkqbhbn

III bkqbhbn

IV bkqbhbn

CHÚ THÍCH: Ký hiệu của lớp phủ: bkq – bền khí quyển, bkqbh – bền khí quyển và bền hóa học, bkqbhhbn – bền khí quyển, bền hóa học và bền nứt

 

Phụ lục M

(Tham khảo)

Yêu cầu đối với các loại lớp phủ cách ly

Bảng M.1 Yêu cầu đối với lớp phủ cách ly làm từ các loại vật liệu khác nhau

Điều kiện sử dụng

Loại lớp phủ cách ly

Phun- trát

Bitumen

Bitumen trộn polime

Nhựa đường

Polime

Xi măng

Có pg polime

Sơn

Tẩm

Dán

Sơn

Tẩm

Dán

Nguội

Nóng

Đúc nóng

Sơn

Dán

Theo áp lực nước

Thấm nước mao dẫn

++

++

+

=

Chịu cột nước ≤ 10m

+

+

+a)

+

+

+

+

+

+

+

=

+b)

=

Chịu cột nước >10m

+

++

+

+

+

+

+

+

+

+

+

Chịu kéo đứt khi làm việc

+

++

+

bs,n

+

bs,n

++

bs,n

++

++

Theo điều kiện thi công

Công trường xây dựng

+

+

+

+

+

+

+

+

+

+

+

+

+

Theo tính ăn mòn hóa học của môi trường nước

Rửa kiềm

+

+

+

+

+

+

+

+

+

=

Có tính axit

+

+

+

+

+

+

bs, vl

++, vl

++

++

+ +

Cacbonic

+

+

+

+

+

+

+

+

bs, vl

+

+

+

+

Magie

+

+

+

+

+

+

+

bs, vl

+

+

+

+

Sulfat

+

+

+

+

+

+

+

bs, vl

+

+

+

+

 

bs, s

+

++

+ +

Điện hóa

bs, s

+

+

+

+

+

+

+

+

+

+

Theo độ bền cơ học

+

+

+

+

+

+

+

+

+

+

Theo khả năng chịu nứt

Không nứt

+

+

+

+

+

+

+

+

++

++

+

Vết nứt tới 0,3mm

bs, c

+

bs, c

+

bs, c

++

+

+

bs, c

Theo tác động bên ngoài

Trên mặt đất

+

+

bs, vl

+

bs, bv

bs, vl

+

+

+

bs, vl

+

Dưới mặt đất

+

+

+

+

+

+

+

+

++

+

+

+

+

CHÚ THÍCH:

Ký hiệu: (++) có ưu thế tuyệt đối; (+) khuyến cáo; (- ) không khuyến cáo; (=) có khả năng nếu có luận chứng kinh tế; bs – cần có biện pháp bổ sung; vl – cần thành phần lựa chọn đặc biệt; bv – có bao che bảo vệ đặc biệt; s – có thêm lớp son bề mặt; n – có neo; c – có cốt gia cường

a) Lớp phủ chịu cột nước tới 3 m

b) Lớp phủ chịu cột nước tới 5 m

 

Phụ lục N

(Tham khảo)

Các phương thức bảo vệ kết cấu

Bảng N.1 – Lớp sơn phủ mỏng dùng để bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu bê tông cốt thép

Đặc điểm vật liệu sơn theo kiểu tạo màng

Nhóm phủ

Chỉ số a), đặc trưng độ bền

Điều kiện sử dụng lớp phủ cho kết cấu bê tông cốt thép

Alkyd-urethane

II, III

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót loại Alkyd-urethane
Silicat hữu cơ

II, III

nt, mc, tp

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Silic hữu cơ

III

nt, mc, tp, bt

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Cao su

III

nt, mc, tp, bh, bn

Dùng sơn lót loại cao su
Polysiloxane

III, IV

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Polyurethane

III, IV

nt, mc, tp, bh, bn

Dùng sơn lót loại polyurethane
Peclovinyl và Polivinylclorua (PVC)

III, IV

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót loại peclovinyl
Copolyme Vinylclorua

III, IV

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót loại copolyme vinylclorua
Polietilen Clorosunforic hóa

III, IV

nt, mc, tp, bh, bn

Dùng sơn lót loại polietilen clorosunforic
Epoxy

III, IV

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót loại epoxy hoặc từ sơn ph pha loãng
Cao su epoxy

III, IV

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót epoxy hoặc từ sơn phủ pha loãng
Polyacrylic tan trong nước

II, III

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót gốc nước hoặc sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Phốt-phát polyacrylic tan trong nước

II, III

nt, mc, tp, bt

Epoxy-acrylic tan trong nước

III, IV

nt, mc, tp, bh

Cao su epoxy tan trong nước

III, IV

nt, mc, tp, bh

Polyurethane tan trong nước

III, IV

nt, mc, tp, bh

a) Ý nghĩa các chỉ số biểu thị độ bền của lớp phủ:

nt – ngoài trời; mc – ngoài trời có mái che; tp – trong phòng; bh – bền hóa học; bn – bền nứt, bt – bền nhiệt.

Bảng N.2 – Hệ thống sơn phủ dày, sơn tổ hợp, sơn thẩm thấu kết tinh

Hình thức bảo vệ

Đặc trưng vật liệu

Nhóm các điều kiện sử dụng

Chiều dày lớp phủ, mm

Tác dụng chính

Tính năng chủ yếu

Hệ thống phủ dày và sơn tổ hợp Polyurethane

Cao su

Cao su- epoxy

Polietilen Clorosunforic hóa

Polyurea

III, IV

0,3 ÷ 2,0

Bảo vệ, chống thấm nước

Phủ lên bề mặt của bê tông. Ngăn ngừa sự dịch chuyển hơi ẩm vào trong bê tông, bảo vệ bề mặt bê tông tránh tác động của một số môi trường ăn mòn dạng lỏng, cácbonat hóa, tránh các tác động của muối, trong đó có clorua. Tăng khả năng bảo vệ cốt thép trong bê tông. Các lớp phủ bền nứt cho phép vết nứt trong bê tông.
Hệ thống sơn phủ xi-măng polime Vật liệu trên cơ sở xi- măng polime

III, IV

2,0 ÷ 4,0

Bảo vệ. chống thấm nước

Phủ lên bề mặt của bê tông. Ngăn ngừa sự dịch chuyển hơi ẩm vào trong bê tông, bảo vệ bề mặt của bê tông tránh tác động của một số môi trường ăn mòn dạng lỏng, cácbonat hóa, tránh các tác động của muối, trong đó có clorua. Tăng khả năng bảo vệ cốt thép trong bê tông. Các lớp phủ chống nứt cho phép vết nứt trong bê tông
Tác động thẩm thấu kết tinh Vật liệu trên cơ sở polime

II

Bảo vệ, kỵ nước

Thẩm thấu trên bề mặt của bê tông. Ngăn ngừa sự dịch chuyển hơi ẩm vào trong lòng của bê tông

II, III

Bảo vệ, lèn chặt, chống thấm nước

Thẩm thấu trên bề mặt của bê tông. Ngăn ngừa sự dịch chuyển hơi ẩm vào trong lòng bê tông, bảo vệ bề mặt của bê tông tránh tác động của một số môi trường ăn mòn dạng lỏng, cácbonat hóa, tránh các tác động của muối, trong đó có clorua. Tăng khả năng bảo vệ cốt thép trong bê tông.
Vật liệu trên cơ sở xi- măng polime

II, III

1,0-5,0

Chống thấm nước, kết tinh, lèn chặt

Thẩm thấu trên bề mặt của bê tông không phụ thuộc vào hướng áp lực nước (xuôi hoặc ngược) tác dụng vào bề mặt áp dụng. Ngăn ngừa sự dịch chuyển hơi ẩm vào trong lòng bê tông, bảo vệ bề mặt của bê tông khỏi tác động của một số môi trường ăn mòn dạng lỏng. Tăng khả năng bảo vệ cốt thép trong bê tông. Có hiệu quả hàn kín vết nứt trong bê tông với bề rộng tới 0,4 mm.
Hàn kín nước Vật liệu trên cơ sở xi- măng polime

Hàn kín kín, chống thấm nước

Trám/sảm kín bề mặt của bê tông và những vị trí khuyết tật. Nhanh chóng loại trừ dòng chảy có áp lực.

 

Phụ lục O

(Qui định)

Yêu cầu bảo vệ kết cấu gỗ

Bảng O.1 – Mức độ tác động ăn mòn của môi trường sinh học đối với kết cấu gỗ

Điều kiện sử dụng

Điều kiện sử dụng chung của kết cấu

Ví dụ nhà và công trình

Độ ẩm cân bằng của gỗ khi sử dụng, %

Dạng tác nhân sinh học

Mức độ tác động ăn mòn đến gỗ

Nấm phá hoại gỗ

Sâu bọ phá hoại gỗ

1

1.1

1.2

Bên trong các phòng với điều kiện khô và bình thường Các tòa nhà và công trình công cộng, nhà ở

Không lớn hơn 15

 (+)

Không ăn mòn

2

2.1

Bên trong các phòng với điều kiện ẩm Công viên nước, bể bơi, các nhà sản xuất, nuôi gia súc, gia cầm

Không lớn hơn 18, định kỳ trên 20

+

+

Ăn mòn yếu

2.2

Bên trong các phòng không có nguồn nhiệt hoặc tiết ẩm Các nhà kho có công năng sử dụng khác nhau; các phòng áp mái

Không lớn hơn 18, định kỳ trên 20

+

+

3

3.1

Bên ngoài các phòng có mái che mưa Các công trình giáo dục thể chất ngoài trời, mái hiên

+

+

3.2

Bên trong các phòng có điều kiện ẩm ướt, và bên trong các phòng có nguồn nhiệt và hơi ẩm Các nhà sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm

Định kỳ trên 20

+

+

Ăn mòn trung bình

3.3

Ngoài trời (không tiếp xúc với đất) Các nhà và công trình có toàn bộ hoặc một phần kết cấu ở không khí ngoài trời

Trên 20 trở lên

+

+

4

Ngoài trời khi tiếp xúc với đất (khu vực “đất-không khí”) hoặc tiếp xúc với nước Cột điện, cọc đóng, tháp làm nguội nước

Chủ yếu hoặc thường xuyên trên 20

+

+

Ăn mòn mạnh

Bảng O.2 – Mức độ ăn mòn của môi trường khí đối với kết cấu gỗ

Điều kiện môi trường

Nhóm khí (xem Bảng B.2)

Mức độ ăn mòn của môi trường khí đối với kết cấu gỗ

Điều kiện khô

A

Không ăn mòn

B

Không ăn mòn

C

Không ăn mòn

D

Ăn mòn yếu

Điều kiện thường

A

Không ăn mòn

B

Không ăn mòn

C

Ăn mòn yếu

D

Ăn mòn trung bình

Điều kiên ẩm hoặc ướt

A

Không ăn mòn

B

Ăn mòn yếu

C

Ăn mòn yếu

D

Ăn mòn trung bình

CHÚ THÍCH :

1. Đối với những kết cấu của nhà mà trên bề mặt của nó cho phép có nước ngưng tụ, mức độ ăn mòn của môi trường được lấy như đối với kết cấu trong điều kiện ẩm hoặc ướt.

2. Nếu có một số khí ăn mòn trong môi trường khí thì mức độ ăn mòn của môi trường được lấy theo loại khí ăn mòn mạnh nhất.

Bảng O.3 – Mức độ ăn mòn của môi trường rắn đối với kết cấu gỗ

Điều kiện môi trường

Độ hòa tan của môi trường rắn trong nước a) và tính hút ẩm

Mức độ ăn mòn của môi trường rắn đối với kết cấu gỗ

Điều kiện khô ráo

Ít hòa tan

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Hòa tan tốt, hút ẩm

Không ăn mòn

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Điều kiện thường

Ít hòa tan

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Hòa tan tốt, hút ẩm

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Điều kiện ẩm hoặc ướt

Ít hòa tan

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Hòa tan tốt, hút ẩm

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

CHÚ THÍCH: Đối với các kết cấu bằng gỗ không có các cấu kiện kim loại thì môi trường clorua không phải là môi trường ăn mòn.
a) Danh mục các muối hòa tan phổ biến và đặc điểm của chúng được cho trong Bảng B.3 và B.4

Bảng O.4 – Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng vô cơ đối với kết cấu gỗ

Môi trường

Nồng độ, %

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng vô cơ lên các kết cấu gỗ

Môi trường

Nồng độ, %

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng vô cơ đối với kết cấu gỗ a)

Nước:  

 

Axit:  

Ăn mòn trung bình

   

 

sunfuric, > ÷ < 10
sông,

Không ăn mòn

nitric, > ÷ < 10
hồ,

 

clohydric, ≤ 5
biển

 

fotforic > 10
   

 

Ammoniac > 5 ÷ ≤ 10
   

 

Kiềm ≤ 2 và > 30
Axit:  

 

Axit:  

 

fotforic,  10

Ăn mòn yếu

sunfuric, > 10

 

sunfuric, < 5 nitric, > 10

Ăn mòn mạnh

nitric < 5 clohydric > 5

 

Ammoniac < 5 Kiềm > 2 ÷ ≤ 30

 

a) khi nhiệt độ môi trường (45 ÷ 50)° C thì mức độ ăn mòn tăng thêm một mức.

Bảng O.5 – Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng hữu cơ đối với kết cấu gỗ

Môi trường

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng hữu cơ đối với kết cấu gỗ

Môi trường

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng hữu cơ đối với kết cấu gỗ

Dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ Không ăn mòn Dung dịch axit hữu cơ: Ăn mòn yếu
    – Axit axetic,  
Dầu mỡ:   – Axit xitric  
– Khoáng Không ăn mòn – Axit oxalic v.v…  
– Thực vật   Dung môi:  
– Động vật   Benzen, axeton Ăn mòn yếu

Bảng O.6 – Bảo vệ chống ăn mòn sinh học cho kết cấu gỗ trong môi trường có độ ẩm khác nhau

Mức độ ăn mòn theo Bảng O.1

Điều kiện môi trường

Phương pháp bảo vệ (theo Bảng P.1)

Không ăn mòn

Điều kiện khô, thường

Không bảo vệ

Điều kiện ẩm, ướt

4, 5

Ăn mòn yếu

Điều kiện khô, thường

Không bảo vệ

Điều kiện ẩm, ướt

6, 7, 10

Ăn mòn trung bình

Điều kiện khô, thường

Không bảo vệ

Điều kiện ẩm, ướt

4, 5, 10

Ăn mòn mạnh

Môi trường lỏng

10

 

Phụ lục P

(Tham khảo)

Phương pháp bảo vệ chống ăn mòn sinh học cho kết cấu gỗ

Bảng P.1 – Các chất bảo vệ và phương pháp xử lý

STT

Loại chất bảo vệ

Gốc hóa học của chất bảo vệ

Phương pháp xử lý và định mức tiêu hao

Phủ bề mặt, g/m2

Bảo quản, kg/m3

Bảo vệ sinh học

1

Thuốc khử trùng hòa tan trong nước

 

 

A – Dễ rửa trôi

Florua,borat

400 ÷ 500

B – Khó rửa trôi

Crom, đồng, asen

400 ÷ 500

8 ÷ 15

2

Thuốc khử trùng hữu cơ hòa tan

Alkyd

150 ÷ 200

3

Thuốc khử trùng dầu (dầu tẩm)

Than đá, đá phiến, antraxen

75 ÷ 100

Chống ẩm

4

Vật liệu sơn hòa tan trong nước (véc ni, sơn, men )

Acrylic, alkyd – acrylic

100 ÷ 150

5

Vật liệu sơn hòa tan trong dung môi hữu cơ

 

 

 

A – Véc-ni, sơn, men

Alkyd, urethane – alkyd

100 ÷ 150

B – Trám (bả)

Epoxy

800 ÷ 1000

 

Chống ẩm sinh học

6

Chất tẩm pha loãng trong nước

Acrylic, alkyd – acrylic

120 ÷ 150

7

Chất tm pha loãng trong dung môi hữu cơ

Alkyd

120 ÷ 150

8

Chất tạo màng pha loãng trong nước

Acrylic, alkyd – acrylic

150 ÷ 200

9

Chất tạo màng pha loãng trong dung môi hữu cơ

Acrylic, urethane – acrylic

150 ÷ 200

Chống ẩm bền hóa học

10

Vật liệu sơn hòa tan trong dung môi hữu cơ

Peclovinyl, urethane – alkyd, epoxy

120 ÷ 150

 

Phụ lục Q

(Tham khảo)

Bảo vệ chống ăn mòn sinh học cho kết cấu gỗ

Bảng Q.1 – Phương thức xử lý bảo vệ chống ăn mòn sinh học cho kết cấu gỗ

Kết cấu và bộ phận

Phươmg thức xử lý theo phân loại điều kiện sử dụng kết cấu gỗ a)

1.1 và 1.2

2.1

2.2

3.1

3.2

3.3

4.1 và 4.2

Kết cấu chịu lc của nhà

Cột, giàn, khung, dầm, vòm cuốn, dầm dọc, mối ghép, xà ngang và các cấu kiện khác:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

– Mặt sườn

6.7

2 + 5A

1.2 + 4. 5A

2 + 4, 5A

1B. 2 +5Ab)

2 + 4, 5A

1B. 2 +5A

2 + 5A c)

7

2+5A

 

– Mặt sườn của các cấu kiện tiết diện đặc và lớn tại những vị trí giao nhau với tường ngoài của nhà

– Mặt đầu mút

1B, 2

 2+5B

1B, 2

2+5B

1B, 2

2+5B

1B, 2

 2+5B

1B, 2

2+5B

 

Kết cấu chịu lực của các côntrình ngoài trời

Cầu vượt, hành lang vận chuyển, cột tháp (chiếu sáng, trắc địa, áp lực nước), giàn che

– Mặt sườn

1B.2+5A

2 + 5A

– Đầu mút của cấu kiện

Cột trụ đường dây tải điện, cọc, hệ thống tưới, tháp, giàn che

 

 

 

 

 

 

1B, 3

Kết cấu bao che của nhà

Tường ngoài bằng gỗ vuông, gỗ tròn:

 

 

 

 

 

 

 

– Mặt trước

6, 7

6-9

– Mặt trong

8, 9

2 + 4,5A

1B. 6. 7

6, 7

2+5A

2+5A

Khung tường ngoài và panen              
– Các cấu kiện khung

 

12

2

12

2

 – Tấm ốp ngoài

 

 

 

 

 

6-9

 

 

 

 

Sàn tầng và sàn áp mái              
 – Dầm, dầm dọc và các loại khác trong nội thất của phòng

6-9

6-9

6-9

6-9

– Như trên, trong bề dày của sàn

1 2

1B, 2

1 2

1B, 2

1, 2

1B, 2

Lớp phủ kết hợp

(các cấu kiện khung của lớp giữ nhiệt)

1, 2

1B, 2

1, 2

1B,2

CHÚ THÍCH:
1. Các chất bảo vệ và phương pháp xử lý theo Bảng P.1
2. Trên đường kẻ là thứ tự xử lý bảo vệ các kết cấu làm từ gỗ nguyên, dưới đường kẻ – làm từ gỗ ghép keo.
a) Phân loại điều kiện sử dụng kết cấu gỗ theo SP 64.13330.2011.
b) 1B, 2 + 5A – thứ tự phun chất khử trùng khó rửa trôi 1B hoặc chất khử trùng pha loãng trong dung môi hữu cơ 2 và vật liệu sơn pha loãng trong dung môi hữu cơ 5A (cho gỗ nguyên).
c) 2 + 5A – phun chất khử trùng pha loãng trong dung môi hữu cơ 2 và vật liệu sơn pha loãng trong dung môi hữu cơ 5A (cho gỗ ghép keo).

 

Phụ lục R

(Quy định)

Yêu cầu về bảo vệ kết cấu gạch đá

Bảng R.1 – Mức độ ăn mòn của môi trường khí đối với kết cấu gạch đá

Điều kiện môi trường

Nhóm khí

(theo Bảng B.1 và B.2)

Mức độ ăn mòn của môi trường khí đối với kết cấu gạch đá

Gốm dẻo

Silicat

Điều kiện khô

B

Không ăn mòn

Không ăn mòn

C

Không ăn mòn

Không ăn mòn

D

Không ăn mòn

Không ăn mòn

Điều kiện thường

B

Không ăn mòn

Không ăn mòn

C

Không ăn mòn

Không ăn mòn

D

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Điều kiện ẩm, ướt

B

Không ăn mòn

Không ăn mòn

C

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

D

Không ăn mòn

Ăn mòn trung bình

 

Bảng R.2 – Mức độ ăn mòn của môi trường rắn đối với kết cấu gạch đá

Điều kiện môi trường

Độ hòa tan của môi trường rắn trong nước a) và độ hút ẩm

Mức độ ăn mòn của môi trường rắn đối với kết cấu gạch đá

Gốm dẻo

Silicat

Điều kiện khô

Hòa tan tốt

Không ăn mòn

Không ăn mòn

Ít hút ẩm

 

 

Hòa tan tốt

Không ăn mòn

Không ăn mòn

Hút ẩm

 

 

Điều kiện thường

Hòa tan tốt

 

 

Ít hút ẩm

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Hòa tan tốt

 

 

Hút ẩm

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

Điều kiện ẩm, ướt

Hòa tan tốt

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

Ít hút ẩm

Hòa tan tốt

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Hút ẩm

a) Danh mục các muối hòa tan phổ biến và các đặc điểm của chúng được nêu trong Bảng B.4

 

Phụ lục S

(Tham khảo)

Vật liệu sơn phủ bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu gạch đá

Bảng S.1 Nhóm vật liệu sơn phủ bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu gạch đá

Đặc điểm của vật liệu sơn theo kiểu tạo màng

Nhóm lớp phủ

Chỉ sốa), đặc trưng cho độ bền của lớp phủ

Điều kiện sử dụng lớp phủ trên kết cấu gạch

Pentaftal

I

nt, mc, tp

Dùng sơn lót loại phenol
Nitroxenlolo

I

tp

Dùng sơn lót loại nitrocellulose
Silicat hữu cơ

I

mc, tp

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Silic hữu cơ

III

nt, mc, bh, bt

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Polyurethane

III

nt, mc, tp

Dùng sơn lót loại polyurethane
Epoxy

III, IV

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót loại epoxy
Cao su – epoxy

III, IV

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Peclovinyl

III, IV

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót loại peclovinyl
Copolyme vinyl clorua

III, IV

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót loại copolyme vinyl clorua
Cao su clo

III

nt, mc, tp, bh

Dùng sơn lót loại cao su
Polyetilen clorosunforic hóa

III, IV

nt, mc, tp, bh, bn

Dùng sơn lót loại polietilen clorosunforic
Pentaftal tan trong nước

I

tp

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Copolyme vinyl clorua tan trong nước

I

tp

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Cao su tan trong nước

I

tp

Dùng sơn lót từ sơn ph pha loãng
Polyacrylic tan trong nước

II, III

nt, mc, tp

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
Fotfat polyacrylic tan trong nước

II, III

nt, mc, tp, bt

Dùng sơn lót từ sơn phủ pha loãng
a) Ý nghĩa các chỉ số biểu thị độ bền của lớp phủ: nt – ngoài trời; mc – ngoài trời có mái che; tp – trong phòng; bh – bền hóa học; bn – bền nứt, bt – bền nhiệt.

 

Phụ lục T

(Quy định)

Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu kim loại

Bảng T.1 – Mức độ ăn mòn của môi trường khí đối với kết cấu kim loại

Điều kiện môi trường

(thời gian ướt mặt, giờ/năm)a)

Nhóm khí

(theo Bảng T.10)

Mức độ ăn mòn của môi trường khí đối với kết cấu kim loại

Bên trong nhà b)

Ngoài nhà có mái che

Ngoài trời

Khô ráo (≤1000)

A1

Không ăn mòn

 

Không ăn mòn 

 

Ăn mòn yếu -1

 

A2

Không ăn mòn

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu – 2

B

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu -1

Ăn mòn yếu – 2

C

Ăn mòn yếu – 2

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

D

Ăn mòn trung bình

Như trên

Ăn mòn mạnh

Bình thường (1000 ÷ 2500)

A1

Không ăn mòn

 

Ăn mòn yếu -1

 

Ăn mòn yếu –2

 

A2

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu –2

Ăn mòn yếu – 2

B

Ăn mòn yếu –2

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

C

Ăn mòn yếu – 2

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

D

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn mạnh

Ẩm ướt
(2500 ÷ 4000)

A1, A2

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

B

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

C

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn mạnh

D

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn mạnh

Ăn mòn mạnh

CHÚ THÍCH 1: Khi đánh giá mức độ ăn mòn của môi trường thì không xét tới ảnh hưởng của khí cácbonic

CHÚ THÍCH 2: Khi đánh giá mức độ ăn mòn của môi trường lên các kết cấu bằng nhôm thì không xét tới ảnh hưởng của amoniac, oxyt lưu huỳnh, đihydrosuntua, oxit nitơ ở các nồng độ theo nhóm A và B; mức độ ăn mòn trong môi trường ẩm ướt (thời gian ướt mặt (2500 ÷ 4000) giờ/năm) của các khí nhóm A được đánh giá như môi trường ăn mòn yếu -2

a) Thời gian ướt mặt được xác định bằng tổng thời gian kết cấu bị ẩm – ướt do mưa, sương mù, đọng sương (từ khi bị ẩm – ướt đến khi khô mặt).

b) Khi bị ẩm mặt do ngưng tụ, thấm, nước bắn, mức độ ăn mòn được lấy như kết cấu ngoài trời có thời gian ướt mặt tương ứng.

 

Bảng T.2 – Mức độ ăn mòn của môi trường rắn đối với kết cấu kim loại

Điều kiện môi trường

(thời gian ướt mặt, giờ/năm)a)

Độ hòa tan trong nước của môi trường rắn và tính hút ẩm của chúng

Mức độ ăn mòn của môi trường rắn đối với kết cấu kim loạic)

Bên trong nhà b)

Bên ngoài nhà dưới mái che

Ngoài trời

Khô ráo

(≤ 1000)

Ít hòa tan

Không ăn mòn

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Hòa tan tốt, hút ẩm

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

Bình thường (1000 ÷ 2500)

Ít hòa tan

Không ăn mòn

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Hòa tan tốt, hút ẩm

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ẩm ướt (2500 ÷ 4000)

Ít hòa tan

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Hòa tan tốt, ít hút ẩm

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Hòa tan tốt, hút ẩm

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn mạnh

CHÚ THÍCH: Đối với các bộ phận của kết cấu bao che nằm bên trong nhà, thì mức độ ăn mòn của môi trường cần được lấy như đối với phòng có điều kiện ẩm ướt.
a) Thời gian ướt mặt được xác định bằng tổng thời gian kết cấu bị ẩm – ướt do mưa, sương mù, đọng sương (từ khi bị ẩm – ướt đến khi khô mặt).

b) Khi bị ẩm mặt do ngưng tụ, thấm, nước bắn, mức độ ăn mòn được lấy như kết cấu ngoài trời có thời gian ướt mặt tương ứng.

c) Mức ăn mòn đối với Kết cấu nhôm được xác định là ăn mòn mạnh khi tổng clorua sa lắng > 25 mg/(m2.ngày đêm), ăn mòn trung bình – khi > 5 mg/(m2.ngày đêm). Mức ăn mòn của môi trường có chứa sulfat, nitrat, nitrit, fotfat và muối ôxi hóa đối với nhôm cần được tính chỉ khi có tác động đồng thời của clorua sa lắng với hàm lượng tương ứng đã nêu ở trên.

 

Bảng T.3 – .Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng vô cơ đối với kết cấu kim loại

Môi trường vô cơ lỏng

Độ pH

Nồng độ tổng sulfat và clorua, g/l

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng vô cơ đối với kết cấu kim loạia)

Nước tự nhiên

> 3 ÷ ≤ 11

≤ 5

Ăn mòn trung bình

> 3 ÷ ≤ 11

> 5

Ăn mòn mạnh

 3

Bất kỳ

Ăn mòn mạnh

Nước biển

> ÷ ≤ 8,5

> 20 ÷ ≤ 50

Ăn mòn trung bình

Nước tuần hoàn công nghiệp và nước thải chưa được làm sạch

> 3 ÷ ≤ 11

≤ 5

Ăn mòn trung bình

> 5

Ăn mòn mạnh

Nước thải của chuồng trại chăn nuôi gia súc

> 5 ÷ ≤ 9

≤ 5

Ăn mòn trung bình

Dung dịch axit vô cơ

≤ 3

Bất kỳ

Ăn mòn mạnh

Dung dịch kiềm

> 11

Bất kỳ

Ăn mòn trung bình

Dung dịch muối có nồng độ trên 50 g/l

> 3 ÷ ≤ 11

Bất kỳ

Ăn mòn mạnh

CHÚ THÍCH:

1. Khi bão hòa nước bằng clo và đihyđrosunfua thì cần áp dụng mức độ ăn mòn của môi trường tăng lên một cấp.

2. Khi khử oxi ra khỏi nước và dung dịch muối (sự khử oxi) thì cần áp dụng mức độ ăn mòn của môi trường giảm xuống một cấp.

3. Khi tăng tốc độ chuyển động của nước từ 1 đến 10 m/s, cũng như khi bề mặt kết cu bị khô – ướt thay đổi trong vùng sóng và khu vực thủy triều hoặc khi tăng nhiệt độ nước từ 50 °C lên tới 100 °C trong bể kín không được khử ôxi thì cần áp dụng mức độ ăn mòn của môi trường tăng lên một cấp

a) Khi oxi được tự do tiếp cận trong khoảng nhiệt độ từ 0 °C đến 50 °C với vận tốc chuyển động tới 1 m/s.

Bảng T.4 – Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng hữu cơ đối với kết cấu kim loại

Môi trường lỏng hữu cơ

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng hữu cơ đối với kết cấu kim loại

Dầu mỡ (khoáng, thực vật, động vật)

Không ăn mòn

Dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ

Ăn mòn yếu

Dung môi (benzen, axeton)

Ăn mòn yếu

Dung dịch axit hữu cơ

Từ mức ăn mòn yếu đến ăn mòn mạnh

CHÚ THÍCH: Mức độ ăn mòn của dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ đã cho trong Bảng này cần được tính đến trong trường hợp xem xét tác động đến các kết cấu kim loại đỡ và mặt ngoài kết cấu bể chứa. Mức độ ăn mòn của dầu mỏ vả các sản phẩm từ dầu mỏ đến các kết cấu bên trong thùng chứa cần áp dụng theo Bảng T.7

Bảng T.5 – Mức độ ăn mòn của nước ngầm và đất đối với kết cấu kim loại

Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm, °Ca)

Đặc điểm của nước ngầm b)

Mức độ ăn mòn của đất phía dưới mực nước ngầm

Mức độ ăn mòn của đất phía trên mực nước ngầm c)

pH

Nồng độ tổng sulfat và clorua, g/l

Điều kiện môi Trường

Các giá trị suất điện trở của đất, Ωm

≤ 20

> 20

 0 ÷ ≤ 6

<5

Bất kỳ

Ăn mòn mạnh Ẩm Ăn mòn mạnh Ăn mòn trung bình

>5

≤ 1

Ăn mòn yếu Khô Ăn mòn trung bình Ăn mòn yếu

>5

>1

Ăn mòn trung bình Bình thường Ăn mòn mạnh Ăn mòn trung bình
> 6

≤ 5

Bất kỳ

Ăn mòn mạnh Ẩm Ăn mòn mạnh Ăn mòn mạnh

>5

 5

Ăn mòn trung bình Khô Ăn mòn trung bình Ăn mòn trung bình

>5

>5

Ăn mòn mạnh Bình thường Ăn mòn mạnh Ăn mòn trung bình
CHÚ THÍCH: Mức độ ăn mòn của đất cát dưới đáy không chứa bùn, cũng như chứa bùn và đihyđrosunfua nhỏ hơn 20mg/l – ăn mòn yếu; có chứa đihyđrosunfua lớn hơn 20mg/l – ăn mòn trung bình.
a) Nhiệt độ trung bình hàng năm lấy theo Qui chuẩn hiện hành.

b) Chưa kể tới tác động của nước khoáng nóng.

c) Đối với đất thấm mạnh và thấm trung bình có hệ số thấm lớn hơn 0,1 m/ngày đêm.

Bảng T.6 – Các yêu cầu về làm sạch bề mặt kết cấu thép

Mức độ ăn mòn của môi trường

Mức độ làm sạch bề mặt kết cấu thép khỏi vảy thép cán và gỉ sắt dưới lớp phủ

Sơn

Kim loại

Cách ly

Mạ kẽm nóng

Mạ kẽm khuếch tán nhiệt

Phun khí nhiệt

Không ăn mòn

3

1

2

3

Ăn mòn yếu

a)

1

2

1

3

Ăn mòn trung bình

Không nhỏ hơn 2 a)

1

2

1

3

Ăn mòn mạnh

Không nhỏ hơn 2 a)

1

3

CHÚ THÍCH:

1. Để đạt được độ sạch yêu cầu khi tvẩy thép cán, gỉ sắt cho bề mặt sơn, cần thực hiện việc phun cát. Để làm sạch bề mặt tráng kẽm nóng hoặc khuếch tán nhiệt được phép áp dụng phương pháp tẩy gỉ bằng axit.

2. Các cạnh sắc của kết cấu sử dụng trong các điều kiện ăn mòn, cũng như trong điều kiện có tác động của môi trường lỏng cần mài tròn tới bán kính không nhỏ hơn 2mm.

3. Mức làm sạch bề mặt kết cấu thép, được bảo bệ điện hóa và không có lớp phủ sơn hoặc cách ly bổ sung  không quy định.

a) Bề mặt mối hàn của kết cấu sử dụng trong môi trường ăn mòn, cũng như bề mặt của kết cấu sử dụng trong môi trường lỏng cần được làm sạch đến độ sạch 1.

Bảng T.7 – Mức độ ăn mòn của dầu mỏ và các sản phẩm làm từ dầu mỏ đối với các bộ phận kết cấu của bể chứa

Các bộ phận kết cấu của thùng chứa

Mức độ ăn mòn lên các kết cấu thép của bể chứa

Dầu mỏ thô

Các sản phẩm làm từ dầu mỏ

Dầu mazút

Dầu điêzen

Xăng

Dầu hỏa

Mặt trong của đáy và đai dưới

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

Các đai giữa, phần dưới của phao và mái nổi

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Đai trên (vùng khô – ướt)

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Lớp phủ và phần trên của phao và mái nổi

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn trung bình

Ăn mòn yếu

Ăn mòn trung bình

CHÚ THÍCH:

1. Mức độ ăn mòn của dầu mỏ mazút được áp dụng đối với nhiệt độ bảo quản thấp hơn 90 °C.

2. Khi dầu mỏ thô chứa đihyđrosunfua với nồng độ cao hơn 10mg/l hoặc đihyđrosunfua và khí CO2 theo mọi tỷ lệ thì mức độ ăn mòn mặt trong của đáy, đai dưới, lớp phủ và phần trên của phao và mái nổi được lấy tăng thêm một cấp .

Bảng T.8 – Chiều dày tối thiểu của các tấm kết cấu bao che không được chống ăn mòn

Mức độ ăn mòn của môi trường

Chiều dày tối thiểu của các tấm kết cấu bao che không được chống ăn mòn, mm

Làm từ nhôm

Làm từ thép có lớp mạ kẽm nóng dày không ít hơn 19 µm

Làm từ thép mác 10CrNiCuP, 10CrCuP

Không ăn mòn

Không hạn chế

0,5

Được xác định bằng tác động ăn mòn lên mặt ngoài a)

Ăn mòn yếu

Không hạn chế

0,8

Ăn mòn trung bình

1,0b)

a) Trong điều kiện có lớp sơn phủ quét lên bê mặt tấm từ phía phòng.

b) Áp dụng đối với nhôm cán có tính uốn dẻo và tính năng chống ăn mòn cao (nhôm không có tính năng chống ăn mòn – không được phép sử dụng).

Bảng T.9 – Ký hiệu điều kiện sử dụng kết cấu thép trong môi trường khí

 hiệu điều kiện sử dụng

Mức tác động ăn mòn theo Bảng T.1

Điều kiện chung sử dụng kết cấu

Nhóm khí theo Bảng B.2

C1

Không ăn mòn Trong nhà; ngoài nhà dưới mái che với thời gian ướt mặt ≤ 1.000 h/năm a)

A

C2

Ăn mòn yếu – 1 a) Ngoài trời với thời gian ướt mặt ≤ 2500 h/năm;

Ab)

b) Trong nhà; ngoài nhà dưới mái che với thời gian ướt mặt ≤1000 h/năm;

B

c) Trong nhà, ngoài nhà dưới mái che với thời gian ướt mặt (1000 ÷ 2500) h/năm

Ab)

C3

Ăn mòn yếu – 2 a) Ngoài trời với thời gian ướt mặt ≤ 2500 h/năm;

Ac)

b) Trong nhà; ngoài nhà dưới mái che với thời gian ướt mặt ≤ 1000 h/năm;

B

c) Trong nhà; ngoài nhà dưới mái che với thời gian ướt mặt (1000 ÷ 2500) h/năm

Ac)

C4

Ăn mòn trung bình a) Trong nhà; ngoài trời với thời gian ướt mặt ≤ 1000 h/năm;

C

b) Trong nhà; ngoài trời với thời gian ướt mặt (1000 ÷ 2500) h/năm

B, C

c) Trong nhà; ngoài trời với thời gian ướt mặt > 2500 h/năm;

A, B

d) Trong nhà với độ ẩm không khí φ < 75% a); ngoài nhà dưới mái che với thời gian ướt mặt ≤1000 h/năm

D

C5

Ăn mòn mạnh a) Trong nhà, ngoài trời với thời gian ướt mặt (1000 ÷ 2500) h/năm

D

b) Trong nhà với độ ẩm φ  75% a); ngoài trời với thời gian ướt mặt (2500 ÷ 4000) h/năm;

C, D

a) Khi kết cấu trong nhà cũng bị ẩm mặt do nước ngưng tụ, thấm, bắn, ký hiệu điều kiện sử dụng chuyển sang như ngoài trời;

b) Khi nồng độ khí ăn mòn mg/m3: CO2 nhỏ hơn 500, amiac – 0,04, SO2 – 0,05, HF – 0,005; NO2 – 0,04, Cl – 0,03;

c) Khi nồng độ khí ăn mòn mg/m3: CO2 trên 500÷2000, amiac trên 0,04÷0,2, SO2 trên 0,05÷0,5, HF trên 0,005÷0,05; NOtrên 0,04÷0,2, Cl trên 0,03÷0,1, HCI đến 0,05.

 

Bảng T.10 – Phân nhóm khí ăn mòn kết cấu thép theo loại và nồng độ

Tên gọi khí

Nồng độ, mg/m3 đối với nhóm khí

A1

A2

B

C

D

CO2

≤ 500

> 500 ÷ 2000

> 2000

NH3

 0,04

> 0,04 ÷ 0,20

> 0,2 ÷ 20

> 20

SO2

≤ 0,05

> 0,05 ÷ 0,50

> 0,5 ÷ 10

> 10 ÷ 200

> 200 ÷ 1000

HF

≤ 0,005

> 0,005 ÷ 0,05

> 0,5 ÷ 5

> 5 ÷ 10

> 10 ÷ 100

H2S

≤ 0,004

> 0,004 ÷ 0,01

> 0,01 ÷ 5

> 5 ÷ 100

> 100

NO2a)

≤ 0,04

> 0,04 ÷ 0,20

>0,2 ÷ 5

> 5 ÷ 25

> 25 ÷ 100

Cl

≤ 0,03

> 0,03 ÷ 0,10

> 0,1 ÷ 1

> 1 ÷ 5

> 5 ÷ 10

HCI

 0,005

> 0,005 ÷ 0,50

> 0,5 ÷ 5

> 5 ÷ 10

> 10 ÷ 100

CHÚ THÍCH:

Khi trong môi trường có một số loại khí, mức ăn mòn lấy theo loại mạnh hơn (tính từ A1 đến D); khi nồng độ khí mạnh hơn mức nêu tại nhóm D, khả năng sử dụng vật liệu theo kết quả nghiên cứu riêng.

a) Khi tan trong nước tạo ra axit;

 

Phụ lục u

(Tham khảo)

Nhóm sơn phủ bảo vệ kết cấu kim loại

Bảng U.1 – Các nhóm sơn ph bảo vệ kết cấu kim loại làm từ thép hình và thép tấm dày

Điều kiện sử dụng kết cấu

Mức độ ăn mòn của môi trường

Nhóm sơn phủ bảo vệ kết cấu thép (ký hiệu theo Bảng U.8) – tổng chiều dày của lớp phủ kể cả sơn lót, µm

Vật liệu kết cấu

Vật liệu kim loại đã phủ bảo vệ

Thép cácbon, thép hợp kim thấp chưa phủ kim loại bảo vệ

Phủ kẽm (mạ kẽm nóng, khuếch tán nhiệt)

Phủ kẽm, nhôm (phun khí nhiệt)

Bên trong nhà Khu vực có các khí nhóm A Ăn mòn yếu – 1 I – 80 Không cần phủ sơn  
Ăn mòn yếu – 2 I -120 Không cần phủ sơn  
Ăn mòn TB II-160 II-120 II-120
Muối ít hòa tan và bụi Ăn mòn yếu 1) I -120 Không cần phủ sơn  
Phòng có các khí nhóm B,C,D xon khí và bụi Ăn mòn yếu 1) II-120 Không cần phủ sơn  
Ăn mòn TB III-160 III-160 III-160
Ăn mòn mạnh IV-240 Không áp dụng IV-2402)
Ngoài trời và dưới mái che Các khí nhóm A Ăn mòn yếu – 1 I-80 Không cần phủ sơn  
Ăn mòn yếu – 2 I-120 Không cần phủ sơn  
Ăn mòn TB II-160 II-120 II-120
Muối ít hòa tan và bụi Ăn mòn yếu a) I-120 Không cần phủ sơn  
Phòng có khí nhóm B,C,D xon khí và bụi Ăn mòn yếu a) III-120 Không cần phủ sơn  
Ăn mòn TB III-160 III-160 III-160
Ăn mòn mạnh IV-240 Không áp dụng IV-240 b)
Trong các môi trường lỏng Ăn mòn yếu a) III-160 III-160 III-160
Ăn mòn TB IV-220 IV-180 IV-200
Ăn mòn mạnh IV-300-500 Không áp dụng IV-240b)
CHÚ THÍCH:

1. Tại các mối hàn, chiều dày của lớp phủ cần được tăng thêm 30 µm;

2. Khi lựa chọn sơn phủ cần xét đến cả đặc điểm sử dụng đặc thù của kết cấu kim loại. Tùy thuộc vào điều kiện sử dụng kết cấu, lớp sơn phủ áp dụng phải bền khi ở ngoài trời, dưới mái che, còn khi ở trong các phòng – bền hóa học, bền nhiệt, bn dầu mỡ, bền nước, bền axit, bền kiềm, bền xăng.

a) Bao gồm cả ăn mòn yếu – 1 và ăn mòn yếu – 2; b) Đối với lớp phủ kẽm không cho phép áp dụng

 

Bảng U.2 – Các phương pháp bảo vệ ống khói bằng thép

Nhiệt độ khí thải, °C

Thành phần khí thải

Độ ẩm tương đối của khí, %

Khả năng hình thành nước ngưng tụ

Mác thép

Các phương pháp chống ăn mòn

> 89 ÷ ≤ 140

Theo nhóm A, B

≤ 30

Không hình thành

Lớp phủ epoxy chịu nhiệta)

>140 ÷ ≤ 250

SO2, SO3

> 10 ÷ ≤ 15

Không hình thành

Phun khí nhiệtb) hoặc lớp phủ silic hữu cơ a)

> 69 ÷  160

SO2, SO3

>10 ÷  20

Có hình thành

2Cr13, 3CM3, 12Cr18Ni10Ti

Không cần bảo vệ

> 69 ÷ ≤ 160

SO2, SO3, nitơ oxit

> 10

Có hình thành

10Cr20Ni28MoCuTi, 10Cr17Ni13Mo2Ti, 12Cr18Ni10Ti

Không cần bảo vệ

a) Được lấy theo Bảng U.6, khi đó đối với vật liệu epoxy – được dùng chỉ khi nhiệt độ khí thải trên 100 °C xảy ra trong khoảng thời gian ngắn; số lượng các lớp và chiều dày lớp phủ được chỉ định như đối với các môi trường ăn mòn trung bình trong phòng có các khí nhóm B, C, D.

b) Bằng nhôm có chiều dày một lớp (200 ÷ 250) µm.

c) – Thép cacbon thường theo GOST 380:2005 (L.B. Nga), tương tự E235C(Fe360-C) theo ISO 630 hoặc S235J0, S235J2G3 của châu Âu.

Bảng U.3 – Vật liệu phủ dùng để bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt trong của bể chứa bằng thép đối với môi trường lỏng

Mức độ ăn mòn của môi trường lỏng

Vật liệu phủ

Ăn mòn trung bình Lớp phủ nhôm nhiệt khí, sơn, sơn có cốt, cao su lỏng, matit, vật liệu lót a), cao su lót

Lớp phủ nhôm phun nhiệt sau đó quét phủ sơn, sơn có cốt, ốp tấm, vật liệu lót hỗn hợp, cao su lót.

Ăn mòn mạnh
a) Được xem xét áp dụng trên lớp phủ sơn hoặc mattit khi có môi trường mài mòn hoặc tải trọng va đập.

Bảng U.4 – Bảo vệ dây cáp thép sử dụng ngoài trời

Điều kiện môi trường

Mức độ ăn mòn của môi trường

Kết cấu cáp

Cường độ kéo đứt tức thời của các sợi cáp, MPa

Nhóm phủ kẽm cho dây cáp

Khô Ăn mòn yếu Bất kỳ ≤ 1764 1) hoặc OZ 2)
Bình thường Ăn mòn yếu Bất kỳ ≤ 1764 OZ 2)
Khô,

Bình thường, 

ẩm

Ăn mòn trung bình hoặc

Ăn mòn mạnh

Kết cấu kín Vòng cáp ngoài ≤1372, vòng cáp trong ≤ 1764 OZ, được bảo vệ bổ sung bằng các lớp phủ sơn, dầu mỡ hoặc màng polime
CHÚ THÍCH:

Z, OZ: mật độ phủ kẽm cho cáp mạ kẽm sản xuất theo GOST 7372 (L.B. Nga). Z – từ 20 tăng đến 165 g/m2; OZ – từ 30 tăng đến 245 g/m ứng với sợi cáp có đường kính tăng từ 0,18 đến 5,1 mm;

a) Nếu không thể theo dõi thường xuyên tình trạng kết cấu trong quá trình sử dụng, cần xem xét áp dụng bảo vệ bổ sung bằng các lớp phủ sơn, dầu mỡ hoặc màng polime;

b) Đối với các lớp sợi cáp từ lớp đầu tiên cho tới lớp cận lớp cuối cùng, cho phép sử dụng lớp phủ nhóm Z.

Bảng U.5 – Các vật liệu dùng để hàn kết cấu thép trong các môi trường ăn mòn, phù hợp cho các mác thép hợp kim thấp

Mức độ ăn mòn của môi trường

Mác thép

Mác của vật liệu để hàn

Dây hàn

Que hàn điện

Dưới bột hàn

Trong Khí CO2

Ăn mòn yếu a) 10CrNiCuP, Sv-08Cr1CuAI, PPW-5K b) , OZS-18
10CrCuP Sv-10NiMoN,

Sv-08CrMo

Sv-08CrMn2SiCuAI  
10CrSiNiCu,

15CrSiNiCu

Sv-10NiMoN,

Sv-08CrMo

Sv-08CrMn2SiCuAI OZS-24, AN-X7, BSN-3, E138-45N, E138-50N c)
Ăn mòn trung bình và ăn mòn mạnh 10CrSiNiCu, Sv-10NiMoN, Sv-08CrMn2SiCuAI AN-X7, BSN-3, E138-
15CrSiNiCu Sv-08CrMo,   45NOZS-24, E138-50N c)
10CrNiCuP,

10CrCuP

Sv-08Cr1CuAI,

Sv-10NiMoN,

Sv-08CrMo

Sv-08CrMn2SiCuAI OZS-18
  09Mn2Si,

10Mn2Si1

Sv-10Mn2,

Sv-10MnN,

Sv-08MnN

Sv-08Mn2Si,

Sv-08Mn2SiZn

UONI 13/55
  18Mn2NVn,

16Mn2NV,

15Mn2NVCun

14Mn2NV

Sv-08Mn2Si,

Sv-08Mn2SiZn

UONI 13/65
  12MnNi2MoVN

12Mn2SiMoV

Sv-08CrMnNi2MoAI Sv-10CrMn2SiMoN Bất kỳ loại E70
CHÚ THÍCH :

Các vật liệu trong Bảng U.5 được lấy theo các tiêu chuẩn của L.B. Nga. Khi sử dụng có thể dùng vật liệu tương đương về thành phần hóa như vật liệu ghi trong Bảng U.5;

a) Khi kết cấu thiết kế không có biện pháp chống ăn mòn.

b) Không cần bảo vệ bổ sung.

c) Chỉ đối với thép mác 10CrSiNiCu

Bảng U.6 – Các phương pháp bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu kim loại làm từ thép tấm dày, thép cán định hình và nhôm

Mức độ ăn mòn của môi trường đối với kết cấu

Kết cấu

Chịu lực

Bao che a)

Làm từ thép cácbon và thép hợp kim thấp

Làm từ nhôm

Không ăn mòn

Lớp phủ sơn nhóm I (Bảng U7)

Không bảo vệ

Ăn mòn yếu -1 Ăn mòn yếu – 2

a) lớp phủ kẽm khuếch tán nhiệt (dày 45 µm ÷ 60 µm);

b) lớp phủ kẽm nóng (dày 60 µm ÷ 100 µm);

c) lớp phủ kẽm khí nhiệt (dày 120 µm ÷ 180 µm) hoặc lớp phủ nhôm (dày 200 µm ÷ 250 µm);

d) lớp phủ sơn các nhóm I, II và III (Bảng U7);

e) lớp phủ cách điện (đối với các kết cấu trong đất)

Không cần bảo vệ

Ăn mòn trung bình

a) lớp phủ kẽm khuếch tán nhiệt (dày 45 µm ÷ 60 µm) sau đó phủ sơn nhóm II và III;

b) lớp phủ kẽm nóng (dày (60 ÷ 100) b) µm sau đó phủ sơn nhóm II và III;

c) lớp phủ nhôm hoặc lớp phủ kẽm khí nhiệt (dày 120 µm ÷ 180 µm) sau đó phủ sơn nhóm I, III và IV;

d) lớp phủ sơn nhóm II, III và IV;

e) lớp phủ khí nhiệt kẽm (dày 200 µm ÷ 250 µm) hoặc nhôm (dày 250 µm ÷ 300 µm);

f) lớp phủ cách ly kết hợp bảo vệ điện hóa (đối với các kết cấu trong đất)c);

g) bảo vệ điện hóa trong môi trường lỏng và đất tầng đáy c):

h) lớp ốp mặt bằng các vật liệu phi kim bền hóa chất

a) lớp phủ anot điện hóa (dày 15µm);

b) không bảo vệ a);

c) oxi hóa hóa học sau đó phủ sơn nhóm II, III;

d) lớp phủ sơn nhóm IV;

e) lớp phủ sơn nhóm IV, có sử dụng sơn lót bảo vệ điện cực giầu kẽm

Ăn mòn mạnh

a) lớp phủ nhôm khí nhiệt (dày 200 µm ÷ 250 µm) sau đó phủ sơn nhóm IV;

b) lớp phủ cách ly kết hợp bảo vệ điện hóa (đối với các kết cấu trong đất) c);

c) bảo vệ điện hóa (trong các môi trường dạng lỏng)c);

d) ốp mặt bằng các vật liệu phi kim bền hóa chất;

e) lớp phủ sơn nhóm IV

a) lớp phủ anot điện hóa (dày 15µm) sau đó phủ sơn nhóm IV;

b) Oxyt hóa bề mặt sau đó phủ sơn nhóm IV

CHÚ THÍCH

1. Nhóm và chiều dày của lớp sơn phủ được nêu trong Bảng U.1. Đối với các môi trường không ăn mòn thì chiều dày của lớp sơn phủ được lấy theo tiêu chuẩn hiện hành.

2. Trong các môi trường ăn mòn yếu, trung bình, mạnh có chứa anhiđrit sunfuarơ, đihyđrô sunfua và nitơ oxit theo các nhóm khi B, C và D, để làm lớp phủ khí nhiệt cần sử dụng nhôm mác AД(AW – 1235, AW-AI 99,35 – theo EN 573- 3.2013); nhôm AMц (AW 3003, AW-AI Mn1Cu, AW-3103, AW-AIMn1 – theo EN 573-3.2013 và ISO 209:2007), trong các môi trường còn lại để làm các lớp phủ mạ kẽm khí nhiệt hoặc nhúng nóng – kẽm có độ tinh khiết Zn ≥ 97,5%, các tạp chất Pb ≤ 2,0, Cd ≤ 0,2, Fe ≤ 0,1, Cu ≤ 0,05 %…).

Để bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu thép chịu tác động của môi trường lỏng (có mức độ ăn mòn trung bình hoặc mạnh), được phép sử dụng lớp phủ kẽm khí nhiệt (dày 80-120 µm) sau đó phủ thêm lớp phủ nhôm (dày 120-170 µm).

3. Các lớp cách ly kết cấu trong đất (bitum, bitum-cao su, bitum-polime, bitum- sợi khoáng, etilen và các loại khác) phải đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn cho các vật liệu này.

a) Theo yêu cầu của Bảng T.8.

b) Không áp dụng với các loại thép 09Mn2, 09Mn2Si, 15CrSiNiCu;

c) Đối với các cấu kiện kết cấu làm bằng cáp và dây treo bảo vệ điện hóa không được xem xét áp dụng.

Bảng U.7 – Các nhóm sơn phủ dùng để bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu thép và nhôm

Đặc điểm của loại sơn theo chất tạo màng

Nhóm lớp phủ

Chỉ số a), đặc trưng cho độ bền

Điều kiện sử dụng lớp sơn phủ trên các kết cấu thép và nhôm

Gliptan

I

Sử dụng để phủ lót alkyd gliptan trên thép cho men và sơn nhóm I
Styrene alkyd

I

Sử dụng để phủ lót trên thép cho men nhóm I, II
Epoxy este

I

Sử dụng để phủ lót trên thép cho men nhóm I, II
Pentaftalat

I

nt, mc, tp

Áp dụng trên lớp sơn lót nhóm I
Nitroxenlulo

I

nt, mc, tp

Áp dụng trên lớp sơn lót nhóm I
Alkyd urethane

I

nt, mc, tp

Áp dụng trên lớp sơn lót nhóm I
Dầu

I

nt, mc, tp

Áp dụng trên lớp sơn lót nhóm I
Dầu – bitum

I

nt, mc, tp, bt

Áp dụng trên lớp sơn lót nhóm I, như lớp phủ chịu nhiệt không có sơn lót
Fenolfomaldehit

II

Sử dụng để phủ lót trên thép cho peclovinyl, copolyme vinyl clorua, và men cao su – clorua nhóm II, III

Khi phân tán bằng bột màu thụ động được sử dụng để sơn lót trên thép tráng kẽm và hợp kim nhôm

Polivinylbutiral

II

Sử dụng như lớp sơn lót có fotfat trên thép và thép tráng kẽm cho các lớp sơn lót nhóm I, II
Acrylic

II

nt, mc, tp

Được sử dụng như lớp sơn lót thụ động trên các hợp kim nhôm, thép và thép tráng kẽm cho lớp men nhóm II, III.

Men acrylic áp dụng trên các lớp lót acrylic

Silicat hữu cơ

II, III

nt, mc, tp

Áp dụng không có sơn lót hoặc trên các sơn lót fotfat, alkyd, fenolformaldehit hoặc silicat hữu cơ
Silic hữu cơ

III

nt, mc, tp, bt

Áp dụng trên các lớp sơn lót alkyd, fenolformaldehit hoặc silicat hữu cơ, áp dụng như các lớp sơn chịu dầu và chịu nhiệt không có sơn lót
Cao su clorua

II, III

nt, mc, tp, bh

Men cao su clorua sử dụng trên sơn lót cao su clorua và alkyd
Polyxiloxan

III

nt, mc, tp, bh

Áp dụng trên sơn lót polyxloxan, khi kết hợp thêm và trên sơn lót epoxy
Polyurethane

III

nt, mc, tp, bh

Áp dụng trên sơn lót alkyd, fenolformaldehit, acrylic, epoxy và polyuretan
Polyurea

III, IV

bh

Áp dụng trên sơn lót polyuretan một thành phần hoặc trực tiếp trên thép
Peclovinyl và copolyme vinyl clorua

II, III, IV

nt, mc, tp, bh, ba, bk

Áp dụng trên sơn lót alkyd, fenolformaldehit, acrylic thụ động, sơn lót peclovinyl, copolyme vinyl clorua
Epoxy

III, IV

nt, mc, tp, bh, bk

Áp dụng trên sơn lót epoxy
Lớp bảo vệ độn kẽm bảo vệ điện hóa trên các lớp phủ tạo màng khác nhau (epoxy, polistirole, polyurethane)

III

Sử dụng để phủ lót trên thép cho men peclovinyl, copolyme vinyl clorua , cao su clorua, polyurethane, epoxy các nhóm III, IV khi cần đảm bảo bảo vệ chống ăn mòn tin cậy và lâu dài cho kết cấu
a) Ý nghĩa của các chỉ số biểu thị độ bền của lớp phủ: nt – ngoài trời; mc – ngoài trời có mái che; tp – trong phòng; bh – bền hóa chất; ba – bền dung dịch axit; bk – bền dung dịch kiềm; bt – bền nhiệt

 

Bảng U.8 – Các lớp phủ sơn trang trí – bảo vệ chống ăn mòn cho thép cán mỏng mạ kẽm, thực hiện trên dây chuyền sơn thép cuộn chạy liên tục

Lớp phủ mặt ngoài theo chất tạo màng

Chiều dày lớp phủ mặt ngoài µm

Loại sơn lót

Chiều dày lớp sơn lót, µm

Tổng chiều dày các lớp sơn, µm

Độ bền  ánh sáng RUV

Nhóm phủ sơn

Mức tác động của môi trường

Niên hạn sử dụng đã thử theo tiêu chuẩn, năm

Khối lượng kẽm trên thép ban đầu. g/m2

Polieste (PE)

18÷22

polieste

6÷12

24÷34

2÷3

I -II

Không ăn mòn

15

100

Ăn mòn yếu 1,2

10

140

Polieste (PE) bền hóa cao

20÷30

Polieste

10÷20

30÷50

4

II – III

Không ăn mòn

25

100

Ăn mòn yếu 1,2

15

140

Polieste (PE) dạng sần

20÷35

Polieste

6÷12

26÷47

3÷4

I -II

Không ăn mòn

15

100

Ăn mòn yếu 1,2

10

140

Polieste (PE) vân vật liệu

20÷35

Polieste

6÷12

26÷37

3÷4

II

Không ăn mòn

15

100

 

 

 

 

 

 

Ăn mòn yếu 1,2

10

140

Polyuretan (PU)

20÷35

Polieste

10÷15

30÷40

3

II-III

Không ăn mòn

30

100

 

 

 

 

 

 

Ăn mòn yếu 1,2

20

140

30÷35

Polieste

15÷25

45÷60

3

III

Không ăn mòn

40

100

 

 

 

 

 

 

Ăn mòn yếu 1,2

30

140

Polyuretan (PU) bền hóa cao

30÷35

PU

15÷25

45÷60

4

lll-IV

Ăn mòn yếu 1,2

40

140

 

 

 

 

 

 

Ăn mòn trung bình

20

275

Polyvinyliden fluoride (PF) lớp dày

25÷40

Polieste

10÷20

35÷60

4

lll-IV

Ăn mòn yếu 1, 2

50

140

 

 

 

 

 

 

Ăn mòn trung bình

30

275

Polyvinylclorit (PVC) dạng keo

70÷100

AK

3÷15

73÷115

3÷4

III

Ăn mòn yếu 1, 2

20

140

 

 

 

 

 

 

Ăn mòn trung bình

10

275

Polyvinylclorit (PVC) dạng keo lớp dày

150÷300

Ak

3÷15

153÷515

3÷4

lll-IV

Ăn mòn yếu 1, 2

30

140

 

 

 

 

 

 

Ăn mòn trung bình

15

275

Vecni polieste (PE)

1525

Men mặt PE

18÷22

39÷59

3÷4

lll-IV

Ăn mòn yếu 1, 2

30

140

 

Lót PE

6÷12

 

 

 

Ăn mòn trung bình

15

275

Vecni polyuretan

Polyuretan- polyamit

15÷35

Men mặt PU

30÷35

60÷95

3÷4

lll-IV

Ăn mòn yếu 1, 2

40

180

 

Lót PU

15÷25

 

 

 

Ăn mòn trung bình

20

275

Vecni Polyvinyliden fluoride (PF)

15÷25

Men mặt PF

18÷22

39÷59

4÷5

lll-IV

Ăn mòn yếu 1, 2

50

180

 

Lót PE

6÷12

 

 

 

Ăn mòn trung bình

30

275

Men epoxy mặt dưới

8÷14

Polieste

6÷12

14÷26

1

I

Không ăn mòn

30

100

Men polieste mặt dưới

8÷14

Polieste

6÷12

14÷26

2÷3

I

Không ăn mòn

30

100

CHÚ THÍCH:

1. Mác vật liệu và chiều dày lớp sơn trang trí – bảo vệ bổ sung cho thép đã mạ kẽm được lựa chọn theo niên hạn và điều kiện sử dụng của kết cấu. Tuổi thọ dự kiến của lớp phủ có thể được xác định theo tiêu chuẩn thí nghiệm nhanh.

2. Thép cán với lớp phủ sơn chỉ được sử dụng trong môi trường ăn mòn trung bình (C4) khi các chất ô nhiễm SO2, NO2, HCI trong khí quyển không vượt quá quy chuẩn môi trường, độ sa lắng clorua lên kết cấu không vượt quá 0,3 mg/m2.ngày đêm và các mép cất của kết cấu đã có giải pháp bảo vệ;

3. Khi bảo quản và vận chuyển, các cuộn thép mạ kẽm, các tập tấm phẳng và kiện sản phẩm cắt chế từ thép cuộn mạ kẽm không được để nước ngưng tụ hoặc lọt vào bên trong;

4. Tuổi thọ sử dụng của lớp phủ sơn cho thép cuộn được đánh giá đến thời điểm lớp sơn bị mất tác dụng trang trí – bảo vệ (ví dụ mất tính liên tục, thay đổi đáng kể màu và độ bóng, tơi, xốp mặt).

Bảng U.9 – Phương án phủ bảo vệ bể thép chứa axit, kiềm và phân khoáng lỏng

Lớp phủ bảo vệ

Cơ cấu lớp phủ

Chiều dày dự kiến của lớp phủ, mm

Dạng sơn

Lớp sơn phủ nhóm IV có ký hiệu «bh», «ba», «bk» theo Bảng U.7 phụ thuộc vào điều kiện sử dụng theo Bảng U.1

0,16÷0,50

Sơn có cốt

Lớp phủ epoxy có cốt vải thủy tinh

1,0

 

Lớp phủ có cốt vải sợi polipropilen trên cơ sở nhựa polieste

1,0

Hỗn hợp cao su lỏng

Nhựa sảm cao su thiocol trên lớp lót epoxy

Nhựa sảm trên cơ sở chất đàn hồi đivinylstirol

1,5 ÷ 2,0

1,5 ÷ 2,0

Dạng mattit

Mattit trên cơ sở nhựa furanepoxy

1,0 ÷ 2,0

Mattit polime trên cơ sở hợp chất epoxy

1,0 ÷ 2,0

Hỗn hợp phiến thạch – epoxy trên cơ sở nhựa epoxy

1,0 ÷ 1,5

Dạng tấm

Polietilen định hình

2,0 ÷ 3,0

Nhựa dẻo polivinyl clorua

3,0 ÷ 5,0

Nhựa dẻo polivinyl clorua trên lớp lót làm từ polyisobutylene

10

Dạng xây ốpa)

Tấm gốm (chịu axit hoặc để lát sàn) với chất kết dính b)

20 ÷ 60

Gạch chịu axit với chất kết dính b)

Vật liệu gốm chịu axit dạng viên, gạch chỉ, gạch trang trí, gạch chịu axitc) xây bằng chất kết dính bền hóa chất trên lớp lót (cao su không lưu hóa bền hóa chất làm từ polyisobutylene, bitum-cuộn cách ly hoặc loại khác).

30 ÷ 270

Gạch xỉ xitan xây bằng kết dính epoxy trên lớp lót làm từ hỗn hợp sơn cốt vải thủy tinh.

12 ÷ 20

Gạch chịu axit bằng đá nung chảy và keo silicat xây trên lớp lót (cao su không lưu hóa bền hóa chất làm từ polyisobutylene và loại khác).

30

 

Vật liệu than chì cácbon (tấm ATM, gạch bloc than chì các bon) với mattit làm từ vật liệu polime cùng lớp lót (polyisobutylene và các loại khác).

20 ÷ 400

Dán cao su

Cao su hoặc ebonite được dán keo sau đó lưu hóa

3 ÷ 12

a) Thứ tự phủ các lớp bảo vệ, chiều dày và số lượng lớp cần được lựa chọn có kể đến kích thước công trình, nhiệt độ, đặc tính của môi trường ăn mòn cùng với việc tính toán kiểm tra sự ổn định tĩnh, nhiệt kỹ thuật (trong trường hợp cần thiết).
b) Các kết dính cần được lựa chọn có kể đến thành phần các chất trong môi trường ăn mòn.
b) Vật liệu chịu axit dạng viên cần được lựa chọn phụ thuộc vào đặc tính của môi trường, tải trọng cơ học và tính toán nhiệt kỹ thuật.

Bảng U.10 – Phương pháp bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu chịu lực, bao che làm từ thép mỏng cán nguội

Ký hiệu các điều kiện sử dụng theo Bảng T.9

Mức tác động ăn mòn lấy theo Bảng T1

Phương pháp bảo vệ kết cấu

Chịu lực

Bao che a)

C1 (khi không có nước ngưng tụ)

Không ăn mòn

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 24 µm;

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 19 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm II, III (Bảng U.8);

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 19 pm công thêm lớp phủ sơn nhóm II, III dày không ít hơn 40 µm 3).

Lớp mạ kẽm nóng dày không dưới 19 µm;

Lớp mạ nhôm kẽm nhúng nóng trong hỗn hợp chảy lỏng chứa 55% nhôm, 43,4% kẽm, 1,6% silic dày không dưới 25 µm;

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 7 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm II, III (Bảng U.8);

Lớp mạ kẽm điện hóa dày không dưới 7 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm II, III (Bảng U.8)

C2

Ăn mòn yếu -1

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 19 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm II, III (Bảng U.8)b);

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 19 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm II, Ill dày không ít hơn 80 µm c).

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 10 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm II, III (Bảng U.8);

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 10 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm II, III dày không dưới 60 80 µm c).

C3

Ăn mòn yếu – 2

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 24 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm III, IV (Bảng U.8); Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 10 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm III, IV (Bảng U.8):
Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 24 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm III, IV dày không ít hơn 120 µm c). Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 10 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm III, IV dày không ít hơn 100 µm c).

C4

Ăn mòn trung bình d)

Không được phép sử dụng Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 19 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm II, III (Bảng U.8);

Lớp mạ kẽm nhúng nóng dày không dưới 19 µm công thêm lớp phủ sơn nhóm III, IV dày không dưới 120 µm c).

C5

Ăn mòn mạnh

Không được phép sử dụng Không được phép sử dụng
CHÚ THÍCH:

1. Nhóm và chiều dày lớp phủ sơn được nêu trong Bảng T.8;

2. Đối với môi trường không ăn mòn, không cần bảo vệ tấm lợp sóng đã mạ kẽm từ phía gian phòng, nhưng cần phủ sơn nhóm II, II (Bảng T.7) từ phía lớp cách nhiệt.

Đối với môi trường ăn mòn yếu cần áp dụng:

– Lớp phủ sơn nhóm II, III theo Bảng T.8, T.10, thực hiện trên dây chuyền sơn màu liên tục kim loại cuộn;

– Lớp phủ sơn nhóm II, III theo Bảng T.7 (riêng đối với cho kết cấu trong phòng, cho phép phủ sơn sau 8-10 năm lắp dựng)

a) Theo yêu cầu của Bảng T.8;

b) Chiều dày sơn – như sử dụng cho ký hiệu C3;

c) Lớp phủ sấy nóng được làm từ sơn bột hoặc sơn nước phủ lên kết cấu sau khi gia công;

d) Khi các chất ô nhiễm không khí sunfua dioxit, nito oxit, hidro clorua không vượt nồng độ giới hạn cho phép, clorua sa lắng không lớn hơn 0,3 mg/)m2.ngày- đêm), các cạnh thép tấm được bảo vệ.

Bảng U.11 – Số liệu về tốc độ xâm nhập ăn mòn thép cacbon và các lớp phủ kẽm sử dụng trong các điều kiện khác nhau

Chỉ số điều kiện sử dụng lấy thao Bảng T.9

Mức tác động ăn mòn lấy theo Bảng T.1

Tốc độ xâm nhập ăn mòn tối đa, µm/năm

Thép cacbon

Mạ kẽm nóng trên

Mạ km điện phân trên

Mạ kẽm khuếch tán nhiệt trên

thép tấm cán mỏng a)

thép cán định hình và neo

thép tấm cán mỏng b) và neo

thép cán định hình và neo

C1

Không ăn mòn

10

0,4

0,4

1,0

0,3

C2

Ăn mòn yếu -1

25

1,0

0,8

1,5

0,6

C3

Ăn mòn yếu – 2

50

3,3

2,5

5,0

1,7

C4

Ăn mòn trung bình

500

35

25

50

18

C5

Ăn mòn mạnh

> 500

> 35

> 25

> 50

> 18

a) Thép tấm cán mỏng được mạ kẽm trên dây chuyền phủ kẽm nóng thép cuộn chạy liên tục;

b) Thép tấm cán mỏng được mạ kẽm trên dây chuyền mạ điện phân thép cuộn chạy liên tục.

Bảng U.12 – Các phương pháp bảo vệ chống ăn mòn ban đầu cho các chi tiết neo và cấu kiện kích thước nhỏ theo mức ăn mòn của môi trường

Tên chi tiết neo

Vật liệu neo (mác thép)a)

Mức ăn mòn của môi trường

Loại lớp phủ bảo vệ

Phủ kẽm nhúng nóng dày ≥ 45 µm

Phủ kẽm điện phân dày ≥ 45 µm

Phủ kẽm khuếch tán nhiệt dày 16-30 µm

Phủ kẽm lamen e) không điện phân

nhiệt độ thấp

nhiệt độ cao

Bu lông, vít, thanh ren, đai ốc C10, C22, C40, C45, 34Cr4 và các mác thép cacbon khác Không ăn mòn

++

++

++

++

++

Ăn mòn yếu -1

++

++

k

++

++

Ăn mòn yếu -2

 

 

 

 

 

Trung bình

k

k

k

k

k

Mạnh

k

k

k

k

k

Neo 66Mn4, C70, 41Cr4, 51CrMnV4 và các mác thép chịu lực khác Không ăn mòn

++

++

++d)

++

++

Ăn mòn yếu -1

++

++

k

++

++e)

Ăn mòn yếu -2

++

++

k

++

k

Trung bình

k

k

k

k

k

Mạnh

k

k

k

k

k

Đinh tán kéo rút, thanh tán kéo rútb) C70 và các mác khác Không ăn mòn

++

++

++

Ăn mòn yếu -1

k

++

++

Ăn mòn yếu -2

k

k

k

k

k

Trung bình

k

k

k

k

k

Mạnh

k

k

k

k

k

Bu lông cường độ cao. Vít tự khoan, vít tự cắt 41Cr4, 30CrMoV9, và thép khác Không ăn mòn

++

++

++d)

++

++

Ăn mòn yếu -1

++

++

k

++

++

Ăn mòn yếu -2

++

++

k

++

k

Trung bình

k

k

k

k

k

Mạnh

k

k

k

k

k

Cấu kiện kích thước nhỏ của kết cấu thép C22, C45, 9MnSi5 và thép khác Không ăn mòn

++

++

++ d)

++

++

Ăn mòn yếu -1

++

++

k

++

++

Ăn mòn yếu -2 c)

++

++

k

++

k

Trung bình

k

k

k

k

k

Mạnh

k

k

k

k

k

CHÚ THÍCH: Ký hiệu “++” – khuyến cáo áp dụng; “+” – được phép áp dụng; “-” – không áp dụng; “k” – không được phép áp dụng.
a) Ký hiệu mác thép theo EN ;

b) Neo với các hợp phần thép (bao gồm cả neo thép, neo bền hóa chất, neo nhựa), vít nở, đinh tán kéo rút làm từ thép X6CrNiMoTi17-12-2 được khuyến cáo áp dụng không cần bảo vệ chống ăn mòn bổ sung trong các môi trường không ăn mòn, ăn mòn yếu – 1 và 2 khi không có tiếp xúc trực tiếp các kim loại khác loại; Đinh tán kéo rút làm bằng hợp kim nhôm với thanh kéo rút bằng thép chịu ăn mòn được khuyến cáo sử dụng cho các môi trường không ăn mòn và ăn mòn yếu – 1,2;

c) Cũng như vậy và đối với môi trường ăn mòn yếu;

d) Cho phép áp dụng đối với các phòng có điều hòa không khí;

e) Phủ kẽm la men : phủ hỗn hợp bột mịn nhôm, kẽm với chất kết định hữu cơ (nhựa các loại) hoặc vô cơ (etilsilicat).

Bảng U.13 – Các tiếp xúc được và không được phép của kim loại và hợp kim khác chủng loại tại mặt đứng có thông gió trong môi trường ăn mòn yếu 1 và 2

Các kim loại và hợp kim tiếp xúc nhau

Tiếp xúc trực tiếp

Giải pháp chống ăn mòn vùng tiếp xúc

Hợp kim nhôm (theo EN) AW-6060, AW-6063), AW-6082 AW-6351), AW-5005), AW-5051A, AW-5086 Hợp kim nhôm (theo EN) AW-6060, AW-6063), AW-6082, AW-6351), AW-5005), AW-5051A, AW-5086

Được phép

Không cần

Hợp kim nhôm (theo EN) AW-6060, AW-6063), AW-6082, AW-6351), AW-5005), AW-5051A, AW-5086 Thép bền ăn mòn

Không được phép d)

1. Lắp đệm cách ly các mặt tiếp xúc, loại trừ nước ngưng tụ chảy từ thép sang phần nhôm;

2. Phủ sơn trên mặt tiếp xúc a) của một trong hai cấu kiện;

3. Thụ động hóa phần mặt tiếp xúc của thép;

4. Bịt kín toàn bộ đường viền tiếp xúc của hai kim loại (hợp kim) tránh môi trường ăn mòn lọt vào vùng tiếp xúc.

Hợp kim nhôm (theo EN) AW-6060, AW-6063), AW-6082, AW-6351), AW-5005), AW-5051A, AW-5086 Thép cacbon hoặc hợp kim thấpc)

Không được phép

Phủ mạ kẽm nóng và một lớp sơn lên bề mặt thép b)
Thép bền ăn mòn Thép cacbon hoặc hợp kim thấp

Không được phép

Phủ mạ kẽm nóng và một lớp sơn lên bề mặt thép b)
CHÚ THÍCH:

Ăn mòn tiếp xúc giữa cấu kiện nhôm mặt đứng và thép neo dạng vít nở có thể tránh được nhờ các vật liệu ngăn cách như tắc kê nhựa, đai ốc cách ly hoặc vật liệu sảm kín vùng tiếp xúc.

a) Ăn mòn được ngăn chặn trong thời hạn sử dụng của lớp sơn phủ;

b) Ăn mòn được ngăn chặn trong thời hạn sử dụng của lớp sơn phủ và lớp mạ kẽm theo Bảng U10, U11, U12;

c) Đinh tán rút bằng thép chỉ được sử dụng trong môi trường không ăn mòn;

d) Ngoại trừ thép crom – niken mác X6CrNiTi18-10, X10CrNiTi18-10, X12CrNi17-7 dùng cho kết cấu dưới lớp ốp;

Bảng U.14 – Yêu cầu đối với kết cấu làm từ thép cuộn mỏng phủ kẽm có thêm lớp phủ sơn (tấm lợp, tường bao che, tấm ốp mặt dạng phẳng hoặc sóng…)

Tên công trình

Niên hạn sử dụng, năm

Công năng kết cấu Chiều dày danh định của lớp thép cán cơ sở, mm Minh chứng độ bền thời tiết và chiều dày sơn phủ theo U.8 Ký hiệu thép cuộn cho kết cấu có công năng xây dựng
Nhà, công trình xây dựng phổ biến trong điều kiện sử dụng bình thường

50

Xây dựng cơ bản 0,5 và lớn hơn Có yêu cầu, thử theo quy định của tiêu chuẩn Có yêu cầu. Theo quy định của tiêu chuẩn
Nhà, công trình tạm (lán trại công trường, kho chứa tạm.

10

Xây dựng tạm Không hạn chế Không có yêu cầu Không cần

 

Phụ lục V

(Quy định)

Yêu cầu bảo vệ chống hư hỏng sinh học

Bảng V.1 – Mức độ hư hỏng sinh học kết cấu xây dựng của nhà và công trình

Mức độ hư hỏng sinh học

Đặc điểm của kết cấu

Đặc điểm hư hỏng

I

Kết cấu gạch và bê tông, bề mặt được phủ các vật liệu hoàn thiện Có lớp mốc trên bề mặt vật liệu hoàn thiện: lớp vữa, lớp sơn màu, giấy bồi hoặc loại lớp phủ khác
Kết cấu gạch, bê tông, bê tông cốt thép chưa được bảo vệ Có lớp mốc trên bề mặt, nhưng sự phá hủy chưa nhìn thấy bằng mắt.
Kết cấu đá tự nhiên Có lớp mốc trên bề mặt, nhưng sự phá hủy chưa nhìn thấy bằng mắt.
Kết cấu gỗ Có lớp mốc trên bề mặt, nhưng sự phá hủy chưa nhìn thấy bằng mắt.
Kết cấu kim loại Có lớp màng ăn mòn đều, dày ≤ 500 pm, nhưng chưa bong tróc và phồng rộp.

II

Kết cấu gạch và bê tông, bề mặt được phủ các vật liệu hoàn thiện Hư hỏng cục bộ các lớp hoàn thiện, bong tróc và phồng rộp lớp sơn, lớp vữa trát và bả.
Kết cấu gạch, bê tông, bê tông cốt thép chưa được bảo vệ Phá hủy bề mặt sâu ≤ 2 cm (đối với bê tông cốt thép – chưa lộ cốt thép)
Kết cấu đá tự nhiên Bề mặt bị phủ lớp màng dày có nguồn gốc sinh học, bề mặt đá bị hư hỏng chưa đáng kể ≤ 0,5 cm,
Kết cấu gỗ Có các đoạn mục cục bộ. Độ sâu hư hỏng không quá 20% tiết diện ngang.
Kết cấu kim loại Bong tróc cục bộ, phồng rộp màng ăn mòn.

III

Kết cấu gạch và bê tông, bề mặt được phủ các vật liệu hoàn thiện Bong, lở lớp vữa trát, bả, mất lớp sơn hoặc các lớp hoàn thiện khác, bong lớp gạch men.
Kết cấu gạch, bê tông, bê tông cốt thép chưa được bảo vệ Sùi, mủn gạch và vữa xây;

Sùi, mủn bê tông và bê tông cốt thép, bong tróc lớp gỉ khỏi cốt thép của bê tông cốt thép.

 

Kết cấu đá tự nhiên Bề mặt đá bị hư hỏng sâu > 0,5 cm
Kết cấu gỗ Độ sâu hư hỏng của kết cấu gỗ > 20 % tiết diện.
Kết cấu kim loại Ăn mòn đã tạo thành nhiều lớp.

IV

Trên (50 ÷ 60) % các kết cấu xây dựng của nhà hoặc công trình xây dựng bị hư hỏng sinh học ở mức độ II và III.
CHÚ THÍCH: – Sự có mặt và đặc điểm của môi trường sinh học, các vi khuẩn và bào tử nấm trong vật liệu do các đơn vị chuyên ngành xác định.

Bảng V.2 – Các biện pháp cơ bản để sửa chữa và bảo vệ chống hư hỏng sinh học cho các kết cấu xây dựng

Mức độ hư hỏng sinh học theo Bảng V.1

Xử lý bằng bioxit

Làm sạch

Lắp cục bộ miếng dán có bioxit

Đốt nóng cục bộ

Xử lý bằng bioxit

Tính toán kiểm tra

Sửa chữa và gia cố kết cấu

Thay thế kết cấu

Tháo dỡ

Kết cấu bê tông, bê tông cốt thép và khối xây gạch

I

+

+

+

+

II

+

+

+

+

+

+

III

+

+

+

+

+

IV

+

+

Kết cấu làm từ đá tự nhiên

I

+

+

+

II

+

+

+

+

III

+

+

+

+

IV

+

+

Kết cấu gỗ

I

+

+

II

+

+

+

+

+

III

+

+

+

+

IV

+

Kết cấu kim loại

I

+

+

II

+

+

III

+

IV

+

+

CHÚ THÍCH: – Các biện pháp sửa chữa và bảo vệ cần được chỉ định sau khi khảo sát, xác định nguyên nhân hư hỏng sinh học.

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1.  Phạm vi áp dụng

2.  Tài liệu viện dẫn

3.  Thuật ngữ và định nghĩa

4.  Quy định chung

5.  Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép

5.1  Yêu cầu chung

5.2  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường

5.3  Lựa chọn các phương pháp bảo vệ

5.4  Yêu cầu về vật liệu và kết cấu

5.5  Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn cho các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết bằng thép

5.6  Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt kết cấu bê tông và bê tông cốt thép

5.7  Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn điện cho kết cấu bê tông cốt thép

6.  Kết cấu gỗ

7.  Kết cấu gạch đá

8.  Kết cấu xi măng amiăng

9.  Kết cấu kim loại

9.1  Mức độ tác động ăn mòn của môi trường

9.2  Yêu cầu về vật liệu và kết cấu

9.3  Yêu cầu về việc bảo vệ chống ăn mòn cho bề mặt kết cấu thép và nhôm

9.4  Yêu cầu về việc bảo vệ chống ăn mòn cho ống khói, ống thông gió và bể chứa

Phụ lục A (quy định) Phân loại môi trường sử dụng

Phụ lục B (quy định) Phân loại môi trường ăn mòn

Phụ lục C (quy định) Mức độ tác động ăn mòn của môi trường

Phụ lục D (quy định) Tác động ăn mòn của clorua

Phụ lục E (quy định) Yêu cầu đối với xi măng

Phụ lục F (tham khảo) Độ thấm của bê tông

Phụ lục G ( quy định) Yêu cầu đối với kết cấu bê tông cốt thép

Phụ lục H (tham khảo) Tác động của môi trường lên các chi tiết đặt sẵn và bộ phận liên kết trong các tòa nhà có tường ngoài bằng panen ba lớp

Phụ lục I (tham khảo) Bảo vệ chống ăn mòn cho các chi tiết đặt sn và bộ phận liên kết

Phụ lục K (quy định) Yêu cầu bảo vệ kết cấu bao che

Phụ lục L (tham khảo) Yêu cầu lựa chọn lớp phủ phụ thuộc vào điều kiện sử dụng kết cấu

Phụ lục M (tham khảo) Yêu cầu đối với các loại lớp phủ cách ly

Phụ lục N (thao khảo) Các phương thức bảo vệ kết cấu

Phụ lục O (quy định) Yêu cầu bảo vệ kết cấu gỗ

Phụ lục P (tham khảo) Phương pháp bảo vệ chống ăn mòn sinh học cho kết cấu gỗ

Phụ lục Q (tham khảo) Bảo vệ chống ăn mòn sinh học cho kết cấu gỗ

Phụ lục R (quy định) Yêu cầu bảo vệ kết cấu gạch đá

Phụ lục S (tham khảo) Vật liệu sơn phủ bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu gạch đá

Phụ lục T (quy định) Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu kim loại

Phụ lục U (tham khảo) Nhóm sơn phủ bảo vệ kết cấu kim loại

Phụ lục V (quy định) Yêu cầu bảo vệ chống hư hỏng sinh học

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12251:2020 VỀ BẢO VỆ CHỐNG ĂN MÒN CHO KẾT CẤU XÂY DỰNG
Số, ký hiệu văn bản TCVN12251:2020 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Xây dựng
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản