TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8129:2019 (ISO 18593:2018) VỀ VI SINH VẬT TRONG CHUỖI THỰC PHẨM – PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU BỀ MẶT

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 8129:2019

ISO 18593:2018

VI SINH VẬT TRONG CHUỖI THỰC PHẨM – PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU BỀ MẶT

Microbiology of the food chain – Horizontal method for surface sampling

Lời nói đầu

TCVN 8129:2019 thay thế TCVN 8129:2009;

TCVN 8129:2019 hoàn toàn tương đương ISO 18593:2018;

TCVN 8129:2019 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F13 Phương pháp phân tích và lấy mẫu biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Lời giới thiệu

Việc xác định sự có mặt hoặc số lượng vi khuẩn trên bề mặt của dụng cụ, bề mặt làm việc và các thiết bị khác trong môi trường chuỗi thực phẩm có thể đóng vai trò quan trọng nhằm ước tính mức độ ô nhiễm trong môi trường chuỗi thực phẩm.

Tiêu chuẩn này mô tả các phương pháp lấy mẫu bề mặt.

 

VI SINH VẬT TRONG CHUỖI THỰC PHẨM – PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU BỀ MẶT

Microbiology of the food chain – Horizontal method for surface sampling

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các phương pháp lấy mẫu sử dụng đĩa tiếp xúc, gạc, tấm bọt biển hoặc vải trên bề mặt trong môi trường của chuỗi thực phẩm để phát hiện hoặc định lượng các vi sinh vật có thể nuôi cấy như vi khuẩn gây bệnh hoặc không gây bệnh hoặc nấm men và nấm mốc.

CHÚ THÍCH: Thuật ngữ “môi trường” nghĩa là bất kỳ một vật nào tiếp xúc với sản phẩm thực phẩm hoặc có khả năng nhiễm bẩn hoặc tái nhiễm, ví dụ: vật liệu, nhà xưởng hoặc người vận hành.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho việc đánh giá xác nhận các quy trình làm sạch và khử trùng.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các kỹ thuật lấy mẫu đối với các mẫu sản xuất ban đầu nêu trong TCVN 10782 (ISO 13307). Các kỹ thuật lấy mẫu thân thịt được nêu trong TCVN 7925 (ISO 17604). Các kỹ thuật lấy mẫu để phân tích norovirus và virus viêm gan A được nêu trong TCVN 10783-1 (ISO/TS 15216-1).

Tiêu chuẩn này không khuyến cáo về tần suất lấy mẫu, số điểm lấy mẫu hoặc nhu cầu luân phiên các điểm lấy mẫu, vì việc này được lựa chọn theo từng trường hợp cụ thể.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 6404 (ISO 7218) Vi sinh vật trong thực phẩm và trong thức ăn chăn nuôi – Yêu cầu chung và hướng dẫn kiểm tra vi sinh vật

TCVN 6507-1 (ISO 6887-1) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi – Chuẩn bị mẫu thử, dung dịch huyền phù ban đầu và các dung dịch pha loãng thập phân để kiểm tra vi sinh vật – Phần 1: Các nguyên tắc chung về chuẩn bị huyền phù ban đầu và các dung dịch pha loãng thập phân

TCVN 6507-5 (ISO 6887-5) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi – Chuẩn bị mẫu thử, huyền phù ban đầu và dung dịch pha loãng thập phân để kiểm tra vi sinh vật – Phần 5: Các nguyên tắc cụ thể để chuẩn bị mẫu sữa và sản phẩm sữa

TCVN 8128 (ISO 11133) Vi sinh vật trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nước – Chuẩn bị, sản xuất, bảo quản và thử hiệu năng của môi trường nuôi cấy

TCVN 12365-2 (ISO 16140-2) Vi sinh vật trong chuỗi thực phẩm – Xác nhận giá trị sử dụng phương pháp – Phần 2: Quy trình xác nhận giá trị sử dụng phương pháp thay thế so với phương pháp chuẩn

3  Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này không đưa ra các thuật ngữ và định nghĩa.

4  Nguyên tắc

Phương án lấy mẫu nhằm mục đích đánh giá mức nhiễm vi sinh vật bề mặt từ môi trường chuỗi thực phẩm để đưa ra các hành động khắc phục nhằm tránh nhiễm vi sinh vật vào thực phẩm. Các chương trình hoặc kỹ thuật lấy mẫu không hiệu quả có thể dẫn đến việc không phát hiện vi sinh vật ngay cả khi chúng có mặt.

Tiêu chuẩn này mô tả các phương pháp lấy mẫu bề mặt để phát hiện hoặc định lượng vi sinh vật từ các bề mặt trong môi trường chuỗi thực phẩm. Các kỹ thuật lấy mẫu khác nhau được mô tả, bao gồm đĩa tiếp xúc, tăm bông, vải và bọt biển.

Tiêu chuẩn này cũng đưa ra các khuyến nghị về các vị trí và khu vực được lấy mẫu và thời gian lấy mẫu thích hợp nhất.

Tùy theo dụng cụ được sử dụng và vi sinh vật cần phát hiện hoặc định lượng mà việc xác định sự nhiễm vi khuẩn bề mặt có thể được thực hiện bằng cách:

– lấy mẫu bề mặt, và

– phân tích theo các tiêu chuẩn cụ thể.

5  Môi trường nuôi cấy và thuốc thử

Thực hiện theo thực hành phòng thử nghiệm được quy định trong TCVN 6404 (ISO 7218). Thực hiện thử nghiệm hiệu năng của môi trường nuôi cấy theo TCVN 8128 (ISO 11133).

5.1  Dịch pha loãng

Nhìn chung, dịch pha loãng là dung dịch đệm pepton, muối pepton vô trùng theo quy định trong TCVN 6507-1 (ISO 6887-1), dung dịch pepton 1 g/L hoặc dung dịch Ringer nồng độ một phần tư theo quy định trong TCVN 6507-5 (ISO 6887-5), có bổ sung các chất trung hòa (5.3), nếu cần.

CHÚ THÍCH: Để kéo dài thời gian vận chuyển, có thể sử dụng dịch pha loãng vận chuyển thích hợp, nếu được đánh giá xác nhận hợp lệ.

5.2  Môi trường dùng cho đĩa tiếp xúc

Các đĩa (6.1) có thể khác nhau về đường kính hoặc diện tích, tùy theo kiểu bề mặt được lấy mẫu. Môi trường được chọn theo phương pháp dành cho vi sinh vật có liên quan, có bổ sung các chất trung hòa (5.3), nếu cần. Môi trường phải tạo thành mặt khum lồi với đĩa tiếp xúc.

Các công thức môi trường thay thế phải được cung cấp theo nguyên tắc đánh giá xác nhận quy định trong TCVN 12365-2 (ISO 16140-2).

5.3  Chất trung hòa

Trong trường hợp dự kiến có dư lượng chất khử trùng, cần thêm chất trung hòa thích hợp vào dịch pha loãng (5,1) hoặc môi trường (5.2) trước khi lấy mẫu, để ngăn chặn mọi ảnh hưởng ức chế của chất khử trùng đối với sự phát triển của vi sinh vật.

Không thêm chất trung hòa vào dịch pha loãng khi dự kiến không có dư lượng chất khử trùng[9]. Chất trung hòa được sử dụng để giảm tác động của dư lượng chất khử trùng có thể có ảnh hưởng nhẹ đến các tế bào vi sinh vật và ảnh hưởng lớn hơn khi các tế bào bị ức chế.

Chất trung hòa thích hợp cho mọi tình huống (“chất trung hòa phổ quát”) không được quy định[9]. Một số chất trung hòa được khuyến nghị trong EN 1276, EN 1650, EN 13697 và EN 13704.

Xem Phụ lục A để biết ví dụ về các chất trung hòa.

6  Thiết bị, dụng cụ

Có thể sử dụng dụng cụ dùng một lần thay cho dụng cụ thủy tinh dùng nhiều lần, nếu có các quy định kỹ thuật tương tự.

Sử dụng các thiết bị, dụng cụ phòng thử nghiệm vi sinh thông thường theo TCVN 6404 (ISO 7218) và cụ thể như sau.

6.1  Đĩa tiếp xúc, đĩa bằng chất dẻo có đường kính có thể thay đổi.

CHÚ THÍCH: Cũng có thể sử dụng bất kỳ các vật chứa dẻo hoặc cứng khác cho phép tiếp xúc với bề mặt được lấy mẫu.

6.2  Que tăm bông vô trùng, que có phủ bông hoặc vật liệu tổng hợp (như alginat hoặc rayon) đựng trong ống hoặc được bọc kín. Các vật liệu được sử dụng phải được ghi nhận là không có chất ức chế.

CHÚ THÍCH: Đối với một số kiểu bề mặt, phần bông còn lại có thể làm nhiễm các phần bên trong của các bề mặt sau khi lấy mẫu.

6.3  Vải vô trùng (hoặc khăn lau), không chứa các chất ức chế.

6.4  Bọt biển vô trùng, có hoặc không có que cầm/tay cầm, không chứa các chất ức chế.

6.5  Vật chứa, như chai, ống hoặc bình, thích hợp cho việc khử trùng và bảo quản môi trường nuôi cấy.

6.6  Hộp giữ lạnh, làm lạnh, hộp cách nhiệt chứa túi nước đá, có khả năng duy trì mẫu ở nhiệt độ thấp trong quá trình vận chuyển đến phòng thử nghiệm.

6.7  Máy trộn, để trộn chất lỏng trong ống nuôi cấy, ví dụ: máy trộn vortex.

6.8  Bộ trộn kiểu nhu động, có túi bằng chất dẻo vô trùng để chuẩn bị huyền phù ban đầu bằng chuyển động nhu động.

6.9  Đĩa Petri, bằng chất dẻo hoặc thủy tinh.

6.10  Khuôn sử dụng một lần vô trùng hoặc sử dụng nhiều lần, bao quanh một vùng chỉ định.

7  Quy trình lấy mẫu

7.1  Yêu cầu chung

Vị trí và khu vực lấy mẫu, thời gian lấy mẫu và kỹ thuật lấy mẫu cần được chọn theo nguyên tắc dựa trên đánh giá nguy cơ và phát hiện các bề mặt bị nhiễm liên quan đến xác suất cao hơn trong quá trình chế biến thực phẩm, khi xem xét vệ sinh các bước sản xuất cụ thể hoặc toàn bộ quy trình khi thích hợp. Luôn giữ cùng một quy trình lấy mẫu đối với cách thông thường để phân tích dữ liệu.

7.2  Vị trí lấy mẫu

Vi sinh vật có thể được tìm thấy trên bề mặt sạch tuy nhiên thường được tìm thấy nhiều nhất ở những nơi ẩm ướt và bẩn, nơi vi khuẩn có thể phát triển và tồn tại. Những vị trí cần được lấy mẫu là những nơi khó tiếp cận như lỗ hổng hoặc kẽ hở trong phần xơ, xốp, thiết bị khó làm sạch, rỉ sét và các vật liệu rỗng. Có thể khó lấy mẫu tại các khu vực không thể tiếp cận nơi tập hợp các mảnh vụn thực phẩm. Việc tháo dỡ có thể cần thiết để lấy mẫu các vị trí không thể tiếp cận.

Việc chọn vị trí lấy mẫu phải được xác định theo dữ liệu lịch sử đối với từng địa điểm và sau khi kiểm tra từng bước của quá trình.

Danh mục không đầy đủ các vị trí cần được lấy mẫu tiềm năng như sau:

– Bề mặt không tiếp xúc với thực phẩm: cống nước thải, sàn, bể nước, dụng cụ làm vệ sinh, khu vực rửa, thiết bị cân, các ống, con lăn rỗng để vận chuyển, băng tải, khung thiết bị, bảng điều khiển bên trong thiết bị, đĩa nhỏ giọt ngưng tụ, xe nâng, xe kéo tay, xe đẩy, bánh xe đẩy, thùng rác, tủ đông, máy làm đá, quạt làm mát bộ ngưng, tạp dề, tường, trần nhà, nơi làm lạnh có nước ngưng tụ, cách nhiệt ướt trong tường hoặc xung quanh đường ống, bộ phận làm mát, gioăng cao su quanh cửa (đặc biệt là trong máy làm mát), máy hút bụi, tay nắm cửa và vòi nước.

– Bề mặt tiếp xúc với thực phẩm: băng tải, máy thái, thớt, dụng cụ thái, phễu, máy cắt, máy trộn, máy bóc vỏ, máy lắp ráp, thiết bị rót và đóng gói, vật chứa, dụng cụ khác, găng tay và tay.

7.3  Diện tích lấy mẫu

Cần xác định diện tích bề mặt kiểm tra. Điều quan trọng là phòng thử nghiệm nhận được mẫu đại diện bề mặt được lấy mẫu. Diện tích này không phải lúc nào cũng được xác định bằng số đo kích thước.

Nếu diện tích này không được xác định bằng số đo kích thước thì việc lấy mẫu phải được mô tả rõ ràng.

Nếu diện tích được xác định bằng số đo kích thước thì thực hiện theo các hướng dẫn sau:

Để phát hiện vi sinh vật, khi diện tích này có thể tiếp cận được, thì tổng diện tích lấy mẫu phải càng lớn càng tốt để tăng xác suất phát hiện vi sinh vật. Về việc này, nên lấy mẫu trong khoảng từ 1 000 cm2 đến 3 000 cm2 (tức là 0,1 m2 đến 0,3 m2), khi có thể.

Để đếm vi sinh vật, diện tích không cần quá lớn, ví dụ: ≤ 100 cm2.

7.4  Thời gian và tần suất lấy mẫu

Việc lấy mẫu có thể được thực hiện trong quá trình hoặc sau khi sản xuất hoặc lấy ngay sau khi làm sạch và khử trùng. Thời gian lấy mẫu phải được quy định trong quy trình lấy mẫu của từng nhà sản xuất, tùy thuộc vào mục tiêu lấy mẫu.

Có thể khó phát hiện một số vi sinh vật cụ thể nếu các mẫu được lấy ngay hoặc lấy ngay sau khi làm sạch và khử trùng. Các tế bào sinh vật có thể còn sống nhưng không thể nuôi cấy, do bị tổn thương bởi các chất hóa học được sử dụng để làm sạch và khử trùng và có thể không dễ dàng phát hiện được. Để tăng xác suất phát hiện các vi sinh vật này, nên lấy mẫu trong quá trình sản xuất: sau ít nhất 2 h sản xuất hoặc khi kết thúc quá trình sản xuất (nghĩa là trước khi làm sạch và khử trùng).

Khi việc lấy mẫu không được thực hiện hàng ngày, thì không nên thực hiện lấy mẫu vào cùng một ngày trong tuần. Có thể thích hợp để lấy các mẫu bề mặt sau khi sửa chữa thiết bị hoặc thi công và tăng công suất sản xuất vì chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn.

Việc lấy mẫu phải được thực hiện thường xuyên ở những nơi mà sản phẩm thực phẩm bị nhiễm bẩn, nhưng cũng có thể không thường xuyên, ở những nơi không bị nhiễm (khu vực bảo quản).

7.5  Kỹ thuật lấy mẫu

7.5.1  Yêu cầu chung

Phương pháp đĩa tiếp xúc chỉ áp dụng cho các bề mặt phẳng, trong khi các phương pháp khác có thể được sử dụng cho tất cả các loại bề mặt.

Để lấy mẫu ở những nơi khó tiếp cận, các khu vực nhỏ (≤ 100 cm2), nên sử dụng gạc dính vô trùng để lấy mẫu.

Để lấy mẫu các bề mặt lớn (> 100 cm2), nên sử dụng vải hoặc miếng bọt biển vô trùng.

Sau khi lấy mẫu, bề mặt được làm sạch và/hoặc khử trùng, nếu cần, để tránh các vết chất dinh dưỡng, độ ẩm, yếu tố hóa học hoặc vật lý phát sinh từ quy trình lấy mẫu còn sót lại trên bề mặt được lấy mẫu. Điều này có thể được thực hiện với khăn lau vô trùng, làm ẩm bằng cồn.

7.5.2  Phương pháp dùng đĩa tiếp xúc

Ấn mạnh bề mặt thạch của đĩa tiếp xúc và không di chuyển trên bề mặt thử nghiệm. Thống nhất về thời gian (ví dụ: 10 s) và áp lực (ví dụ: với khối lượng 500 g) sẽ cho độ tái lập kết quả tốt hơn. Đậy nắp đĩa tiếp xúc ngay sau khi lấy mẫu và đặt lại vào thùng chứa vận chuyển.

Không sử dụng phương pháp đĩa tiếp xúc đối với các phương pháp định tính.

7.5.3  Phương pháp dùng tăm bông

7.5.3.1  Yêu cầu chung

Nên sử dụng tăm bông dính để lấy mẫu các vị trí nhỏ khó tiếp cận (ví dụ: bên trong các con lăn rỗng hoặc vỏ động cơ). Nên sử dụng các mẫu vô trùng dùng một lần để ngăn chặn sự truyền nhiễm và/hoặc các hợp chất khử trùng. Kích thước của vùng được lấy mẫu phải được biết và/hoặc vị trí được mô tả tốt.

Trong trường hợp vùng cần lấy mẫu bị ướt, có thể sử dụng tăm bông khô trừ khi cần sử dụng chất trung hòa. Trong trường hợp vùng cần lấy mẫu bị khô, thì phải sử dụng tăm bông ẩm, trừ khi không thể loại bỏ độ ẩm khỏi khu vực chế biến. Để tăng sự phục hồi của vi sinh vật, tốt nhất là sử dụng gạc ẩm.

7.5.3.2  Tăm bông ẩm

Để sử dụng tăm bông ẩm, lấy tăm bông ra khỏi gói vô trùng và làm ẩm đầu tăm bông bằng cách nhúng vào ống chứa dịch pha loãng/chất trung hòa. Nhấn đầu tăm bông vào thành ống để loại bỏ dịch pha loãng/chất trung hòa dư. Đặt đầu tăm bông ẩm trên bề mặt cần kiểm tra và ria quanh một vùng ước tính, ví dụ: ≤ 100 cm2, trong khi xoay que tăm bông giữa ngón cái và ngón trỏ. Đối với các bề mặt phẳng, việc lấy mẫu phải được thực hiện theo chiều ngang và chiều dọc, ví dụ: 10 lần cho mỗi hướng.

Đối với các bề mặt nhỏ khó tiếp cận, cần đảm bảo lấy mẫu toàn bộ vị trí được mô tả bao gồm các kẽ hở, khe hở, mặt tiếp giáp v.v… Cho lại tăm bông vào ống có dịch pha loãng/trung hòa. Đảm bảo ống đã được đậy kín sao cho tăm bông vẫn ẩm cho đến khi phân tích.

7.5.3.3  Tăm bông khô

Để sử dụng tăm bông khô, lấy tăm bông khô ra khỏi gói vô trùng và đặt đầu tăm bông lên bề mặt cần kiểm tra và ria quanh vùng ước tính, ví dụ: ≤ 100 cm2, trong khi vẫn xoay que tăm giữa ngón cái và ngón trỏ. Đối với các bề mặt phẳng, việc lấy mẫu phải được thực hiện theo chiều ngang và chiều dọc, ví dụ: 10 lần cho mỗi hướng. Đối với các bề mặt nhỏ khó tiếp cận, đảm bảo lấy mẫu toàn bộ vị trí mô tả bao gồm các kẽ hở, khe hở, mặt tiếp giáp v.v… Cho lại tăm bông vào ống. Đảm bảo ống đã được đậy kín cho đến khi phân tích.

7.5.4  Phương pháp dùng bọt biển/vải

7.5.4.1  Yêu cầu chung

Miếng bọt biển hoặc vải được sử dụng để lấy mẫu các khu vực lớn. Ngược lại với tăm bông dính, chúng có thể được chà xát mạnh hơn trên các bề mặt và có khả năng hấp thụ cao. Miếng bọt biển/vải phải được làm ẩm bằng một lượng dịch pha loãng/chất trung hòa vừa đủ (không thừa). Trong trường hợp vùng cần lấy mẫu là ướt, thì có thể sử dụng miếng bọt biển/vải khô, trừ khi cần sử dụng chất trung hòa. Trong trường hợp vùng cần lấy mẫu khô, thì phải sử dụng miếng bọt biển/vải ẩm, trừ khi không thể loại bỏ được ẩm khỏi khu vực chế biến. Để tăng khả năng thu hồi các vi sinh vật, tốt nhất là sử dụng miếng bọt biển/vải ẩm.

7.5.4.2  Bọt biển/vải ẩm

Mở túi chất dẻo hoặc hộp chứa miếng bọt biển/vải. Lấy miếng bọt biển/vải ra một cách vô trùng, ví dụ: dùng kẹp vô trùng và/hoặc mang găng tay vô trùng hoặc kẹp chặt miếng bọt biển/vải ở cuối túi, kéo túi ngược theo tay. Lấy mẫu bề mặt đã chọn theo chiều ngang và chiều dọc bằng cách ấn mạnh và đều lực, thay đổi mặt của miếng bọt biển/vải và đảm bảo toàn bộ khu vực được lấy mẫu. Cho lại miếng bọt biển/vải vào túi chất dẻo hoặc hộp đựng và đảm bảo giữ ẩm cho đến khi phân tích. Nếu sử dụng các chất trung hòa, ngay sau khi lấy mẫu bóp miếng bọt biển, ngâm vào dung dịch pha loãng để trung hòa phản ứng hoàn toàn với chất khử trùng. Đóng túi chất dẻo hoặc hộp chứa sao cho không rò rỉ cũng không bị nhiễm chéo.

7.5.4.3  Bọt biển/vải khô

Mở túi hoặc hộp đựng các miếng bọt biển/vải. Lấy các miếng bọt biển/vải ra một cách vô trùng, ví dụ: dùng kẹp vô trùng và/hoặc mang găng tay vô trùng, hoặc kẹp chặt miếng bọt biển/vải ở cuối túi, kéo túi ngược theo tay. Lấy mẫu bề mặt đã chọn theo chiều ngang và chiều dọc bằng cách ấn chắc chắn và đều lực, thay đổi mặt của miếng bọt biển/vải và đảm bảo toàn bộ khu vực được lấy mẫu. Cho lại miếng bọt biển/vải vào túi hoặc hộp đựng. Đóng túi chất dẻo hoặc hộp chứa sao cho không bị nhiễm chéo.

Kẹp chặt miếng bọt biển ở cuối túi, kéo túi ngược theo tay.

8  Bảo quản và vận chuyển

8.1  Đĩa tiếp xúc

Thời gian tính từ khi lấy mẫu đến khi thử nghiệm phải càng ngắn càng tốt. Ngay sau khi lấy mẫu xong, mẫu được cho vào hộp chứa vận chuyển cách nhiệt ở 1 °C đến 8 °C, để tránh xảy ra sự nhiễm chéo, sau đó được vận chuyển ở nhiệt độ 1 °C đến 8 °C. Các mẫu phải được ủ trong vòng 48 h kể từ khi lấy mẫu.

Ngoài ra, mẫu có thể được vận chuyển trong các hộp vận chuyển cách nhiệt để duy trì nhiệt độ phù hợp, để tránh xảy ra sự nhiễm chéo. Mẫu phải được ủ trong vòng 48 h kể từ khi lấy mẫu, có tính đến thời gian từ khi lấy mẫu đến khi ủ là một phần của thời gian ủ, nếu thích hợp.

8.2  Tăm bông, bọt biển/vải

Thời gian tính từ khi lấy mẫu đến khi thử nghiệm phải càng ngắn càng tốt. Các mẫu tốt nhất nên được làm mát trước khi đưa vào hộp vận chuyển cách nhiệt và được vận chuyển ở nhiệt độ từ 1 °C đến 8 °C. Nên kiểm tra các mẫu trong vòng 24 h kể từ khi lấy mẫu.

Nếu sau khi phòng thử nghiệm nhận được mẫu mà chưa phân tích ngay thì cần được bảo quản mẫu ở 3 °C ± 2 °C trong tối đa 48 h kể từ khi lấy mẫu.

9  Phân tích vi sinh của mẫu

9.1  Phương pháp dùng đĩa tiếp xúc

Ủ các đĩa tiếp xúc theo tùy loại vi sinh vật cần định lượng sử dụng các tiêu chuẩn thích hợp. Sau khi ủ, ước tính sự nhiễm bề mặt bằng cách đếm số lượng khuẩn lạc phát triển.

9.2  Phương pháp dùng tăm bông/bọt biển/vải

Thêm đủ dịch pha loãng/canh thang tăng sinh để phủ lên thiết bị. Lượng thêm vào phải chính xác. Ví dụ về thể tích được sử dụng để pha loãng là 9 ml đến 10 ml đối với tăm bông, 90 ml đến 100 ml đối với bọt biển và 225 ml đối với miếng vải. Đồng hóa kỹ bằng cách lắc thủ công hoặc bóp miếng bọt biển/vải hoặc quay Vortex tăm bông.

Để định lượng, dung dịch này là huyền phù ban đầu.

Để đếm (các nhóm) vi sinh vật cần phân tích trong phòng thử nghiệm, có thể sử dụng huyền phù ban đầu và dung dịch pha loãng thập phân tiếp theo, nếu cần, theo quy trình trong bộ TCVN 6507 (ISO 6887), tùy thuộc vào môi trường trong chuỗi thực phẩm, để xác định số lượng vi sinh vật. Theo TCVN 6404 (ISO 7218), số lượng khuẩn lạc tối đa có thể được tính một cách tin cậy tỷ lệ thuận với đường kính của dĩa.

Để phát hiện vi sinh vật, thực hiện theo tiêu chuẩn thích hợp. Sau khi tăng sinh sơ bộ, thực hiện theo hướng dẫn đối với vi sinh vật cần tìm.

10  Tính và biểu thị kết quả

10.1  Yêu cầu chung

Để tính và biểu thị kết quả, xem TCVN 6404 (ISO 7218).

10.2  Phương pháp dùng đĩa tiếp xúc

Chia số lượng khuẩn lạc đặc trưng cho diện tích bề mặt của đĩa. Báo cáo số đếm là số đơn vị hình thành khuẩn lạc (cfu) trên bề mặt được lấy mẫu.

10.3  Phương pháp sử dụng tăm bông, vải hoặc bọt biển

10.3.1  Tính số đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU) trên centimet vuông bề mặt cần kiểm tra, Ns, theo Công thức (1) sau đây:

Trong đó:

N là số lượng CFU trong 1 ml dung dịch pha loãng (hoặc chất lỏng trung hòa);

F là lượng dung dịch pha loãng (hoặc chất lỏng trung hòa) trong ống hoặc trong túi đồng hóa, tính bằng mililit (ml);

A là bề mặt được lấy mẫu, tính bằng xentimet vuông (cm2) (A = 1 khi bề mặt không đo được);

D là số nghịch đảo của độ pha loãng đã sử dụng.

10.3.2 Trong trường hợp phương pháp định tính, báo cáo vi sinh vật đích phát hiện được hoặc không phát hiện được trên bề mặt được lấy mẫu hoặc trên mỗi thiết bị nếu không biết diện tích.

11  Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải ghi rõ các thông tin sau:

– phương pháp thử nghiệm được sử dụng, viện dẫn tiêu chuẩn này

– thiết bị lấy mẫu được sử dụng, ngày, giờ và nhận diện vị trí lấy mẫu, ngày bắt đầu phân tích;

– mọi chi tiết thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này, hoặc được coi là tùy chọn, cùng với các chi tiết bất thường khác có thể ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm;

– mọi sai lệch về môi trường hoặc các điều kiện ủ được sử dụng;

– tất cả thông tin cần thiết để nhận biết đầy đủ về mẫu;

– kết quả thu được thể hiện theo bề mặt được lấy mẫu (kích thước hoặc tên).

 

Phụ lục A

(Tham khảo)

Các chất trung hòa

CẢNH BÁO: Các chất trung hòa hoạt tính kháng khuẩn còn dư của các chất khử trùng hóa học và thuốc sát trùng phải được đánh giá xác nhận theo các quy định của tiêu chuẩn thích hợp (ví dụ EN 13697).

Danh mục trong Bảng A.1 nhằm cung cấp các ví dụ và không đầy đủ (EN 1276:2009, Phụ lục B).

Các hỗn hợp chất trung hòa khác có thể được yêu cầu đối với các sản phẩm có chứa nhiều hơn một chất kháng khuẩn.

Nồng độ của các hợp chất trung hòa khác nhau hoặc của chất trung hòa như vậy có thể không đủ để trung hòa các nồng độ cao của sản phẩm.

Bảng A.1 – Ví dụ về các chất trung hòa

Chất kháng khuẩn Các hợp chất hóa học khả năng trung hòa hoạt tính kháng khuẩn còn sót lại Ví dụ về các chất trung hòa phù hợpa
Các hợp chất amoni bậc bốn và các amin béo Lecithin, Saponin, Polysorbat 80, Natri dodecyl sulfat, Dịch ngưng tụ etylen oxid của ancol béo (chất hoạt động bề mặt không ion)b – Polysorbat 80, 30 g/L + saponin, 30 g/L + lecithin, 3 g/L.

– Polysorbat 80, 30 g/L + 4 g/L natri dodecyl sulfat + lecithin, 3 g/L.

– Dịch ngưng tụ etylen oxid của ancol béo, 3 g/L + lecithin, 20 g/L + polysorbat 80, 5 g/L

Biguanid và các hợp chất tương tự Lecithinc, Saponin, Polysorbat 80 – Polysorbat 80, 30 g/L + saponin, 30 g/L + lecithin, 3 g/L.
Các hợp chất oxy hóa (clo, iốt, hydro peroxid, axit peracetic, hypochlorit v.v…) Natri thiosulfatd

Catalase hoặc peroxidase [đối với hydro peroxid hoặc các sản phẩm giải phóng hydro peroxid]e

– Natri thiosulfat 3 g/L đến 20 g/L + polysorbat 80, 30 g/L + lecithin, 3 g/L.

– Polysorbat 80, 50 g/L + catalase, 0,25 g/L + lecithin, 10 g/L.

Aldehyd L-histidin hoặc glycin – Polysorbat 80, 30 g/L + lecithin, 3 g/L + L-histidin, 1 g/L (hoặc + glycin, 1 g/L)
– Polysorbat 80, 30 g/L + saponin, 30 g/L + L-histidin, 1 g/L (hoặc + glycin, 1 g/L)
Phenolic và các hợp chất liên quan: orthophenylphenol, phenoxyethanol, triclosan, phenylethanol, v.v…

Anilid

Lecithin, Polysorbate 80, Dịch ngưng tụ etylen oxid của ancol béob – Polysorbat 80, 30 g/L + lecithin, 3 g/L.

– Dịch ngưng tụ etylen oxid của ancol béo, 7 g/L + lecithin, 20 g/L+ polysorbate 80, 4g/L

Ancol Lecithin, Saponin, Polysorbat 80f – Polysorbat 80, 30 g/L + saponin, 30 g/L + lecithin, 3 g/L.
Thủy ngân Natri thioglycolat – Natri thioglycolat, 0,5 g/L đến 5 g/L
a Tùy theo pH của sản phẩm cần thử nghiệm, mà pH của chất trung hòa hoặc chất lỏng tráng rửa có thể được điều chỉnh đến giá trị phù hợp hoặc được chuẩn bị trong dung dịch đệm phosphat [ví dụ: đệm phosphat 0,25 mol/L: 34 g kali hydro phosphat (KH2PO4); nước cất (500 ml); điều chỉnh đến pH 7,2 ± 0,2 bằng natri hydroxit (NaOH) 1 mol/l; nước cất đến 1 000 ml].

b Chiều dài mạch cacbon thay đổi từ các nguyên tử cacbon C12 đến C18.

c Trứng và đậu nành; thì trứng là thích hợp hơn.

d Ảnh hưởng độc của natri thiosulfat là khác nhau giữa các sinh vật thử nghiệm.

e Một đơn vị của các enzym này xúc tác cho quá trình phân hủy 1 µmol hydro peroxid trên mỗi phút ở 25 °C và ở pH 7.

f Để trung hòa các ancol mạch ngắn (ít hơn C5), thì dung dịch pha loãng đơn có thể thích hợp. Cần thận trọng nếu các sản phẩm ancol có chứa các chất kháng khuẩn bổ sung.

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1] TCVN 6507 (ISO 6887) (các phần) Vi sinh vật trong chuỗi thực phẩm – Chuẩn bị mẫu thử, huyền phù ban đầu và các dung dịch pha loãng thập phân để kiểm tra vi sinh vật

[2] TCVN 10782 (ISO 13307) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi – Giai đoạn sản xuất ban đầu – Kỹ thuật lấy mẫu

[3] TCVN 10783-1 (ISO/TS 15216-1) Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi – Phương pháp xác định virus viêm gan A và norovirus trong thực phẩm sử dụng phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược thời gian thực – Phần 1: Phương pháp định lượng

[4] TCVN 7925 (ISO 17604) Vi sinh vật trong chuỗi thực phẩm – Lấy mẫu thân thịt để phân tích vi sinh vật

[5] EN 1276:2009, Chemical disinfectants and antiseptics – Quantitative suspension test for the evaluation of bactericidal activity of chemical disinfectants and antiseptics used in food, industrial, domestic, and institutional areas – Test method and requirements (phase 2, step 1)

[6] EN 1650, Chemical disinfectants and antiseptics – Quantitative suspension test for the evaluation of fungicidal and yeasticidal activity of chemical disinfectants and antiseptics in food, industrial, domestic, and institutional areas – Test method and requirements (phase 2, step 1)

[7] EN 13697, Chemical disinfectants and antiseptics Quantitative non-porous surface test for the evaluation of bactericidal and/or fungicidal activity of chemical disinfectants used in food, industrial, domestic and institutional areas – Test method and requirements (phase 2, step 2)

[8] EN 13704, Chemical disinfectants and antiseptics – Quantitative suspension test for the evaluation of sporicidal activity of chemical disinfectants used in food, industrial, domestic and institutional areas – Test method and requirements (phase 2, step 1)

[9] Sutton S.V., PROUD D.W., RACHUI S., BRANNAN D.K. Validation of Microbial Recovery From Disinfectants. J of Pharmaceutical Science and Technology, 2002, 56 (5), pp. 255-266

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8129:2019 (ISO 18593:2018) VỀ VI SINH VẬT TRONG CHUỖI THỰC PHẨM – PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU BỀ MẶT
Số, ký hiệu văn bản TCVN8129:2019 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực An toàn thực phẩm
Ngày ban hành 01/01/2019
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản