TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11935-1:2018 (EN 927-1:2013) VỀ SƠN VÀ VECNI – VẬT LIỆU PHỦ VÀ HỆ PHỦ CHO GỖ NGOẠI THẤT – PHẦN 1: PHÂN LOẠI VÀ LỰA CHỌN
TCVN 11935-1:2018
EN 927-1:2013
SƠN VÀ VECNI – VẬT LIỆU PHỦ VÀ HỆ PHỦ CHO GỖ NGOẠI THẤT – PHẦN 1: PHÂN LOẠI VÀ LỰA CHỌN
Paints and varnishes – Coating materials and coating systems for exterior wood – Part 1: Classification and selection
Lời nói đầu
TCVN 11935-1:2018 tương đương có bổ sung sửa đổi EN 927-1:2013 tại Điều 4.4 phần ví dụ và Hình A.1 Phụ lục A.
TCVN 11935-1:2018 do Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 11935 (EN 927) Sơn và vecni – Vật liệu phủ và hệ phủ cho gỗ ngoại thất, bao gồm các tiêu chuẩn sau:
– TCVN 11935-1:2018 (EN 927-1:2013), Phần 1: Phân loại và lựa chọn;
– TCVN 11935-2:2018 (EN 927-2:2014), Phần 2: Yêu cầu chất lượng;
– TCVN 11935-3:2018 (EN 927-3:2012), Phần 3: Phép thử thời tiết tự nhiên;
– TCVN 11935-5:2018 (EN 927-5:2006), Phần 5: Đánh giá độ thấm nước dạng lỏng;
– TCVN 11935-6:2018 (EN 927-6:2006), Phần 6: Phép thử thời tiết nhân tạo bằng cách phơi mẫu sử dụng đèn huỳnh quang UV và nước.
Lời giới thiệu
Hiện nay các thuật ngữ được sử dụng để mô tả các vật liệu phủ và hệ phủ ít liên quan đến tính năng kỹ thuật, chức năng và mục đích sử dụng. Do đó, rất khó để đưa ra một thuật ngữ đơn giản, rõ ràng có thể áp dụng đối với tất cả các loại sản phẩm. TCVN 11935-1 (EN 927-1) giải quyết vấn đề này bằng cách định nghĩa phân loại theo ngoại quan và mục đích sử dụng, nhưng không chỉ mô phỏng theo một sản phẩm chỉ về ngoại quan mà còn cả mục đích sử dụng cụ thể. Nhằm tránh sự lạm dụng hệ phủ do hiểu biết không đầy đủ hoặc cường điệu quá về yêu cầu chất lượng. Những vấn đề về đặc tính ứng xử của lớp phủ được giải thích trong Phụ lục A để người sử dụng có thể biết trước các tình huống đòi hỏi phải có sự đảm bảo cụ thể.
Xử lý bề mặt gỗ ngoại thất mang lại tính thẩm mỹ và bảo vệ. Quá trình này mang lại những hiệu quả như sau:
– Bảo vệ chống lại sự suy giảm tính thẩm mỹ;
– Bảo vệ chống lại sự suy giảm do ảnh hưởng của thời tiết;
– Hạn chế sự thay đổi kích thước;
– Bảo vệ chống lại sự mục xanh;
– Duy trì chức năng của các kết cấu gỗ (bao gồm cả khả năng phục hồi).
Tiêu chuẩn này xác định tiêu chí cần phải được xem xét khi đánh giá sự phù hợp của hệ phủ với mục đích sử dụng cụ thể và cung cấp một hệ thông tin trao đổi giữa nhà sản xuất và người sử dụng. Điều này hỗ trợ trong việc loại bỏ các rào cản kỹ thuật thương mại. Nhà sản xuất hệ phủ có trách nhiệm chỉ rõ loại phù hợp cho mục đích sử dụng và ngoại quan.
Tiêu chuẩn này đã sửa đổi so với tiêu chuẩn gốc là thay đổi hướng tác động tới các điều kiện phơi mẫu để phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Cụ thể là thay đổi ở Điều 4.4 phần ví dụ và Hình A.1 Phụ lục A.
SƠN VÀ VECNI – VẬT LIỆU PHỦ VÀ HỆ PHỦ CHO GỖ NGOẠI THẤT – PHẦN 1: PHÂN LOẠI VÀ LỰA CHỌN
Paints and varnishes – Coating materials and coating systems for exterior wood – Part 1: Classification and selection
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định hệ thống phân loại vật liệu phủ và hệ phủ bề mặt gỗ ngoại thất theo mục đích sử dụng, ngoại quan và điều kiện phơi mẫu, đồng thời định nghĩa một số thành phần của hệ phủ đa lớp (lớp lót, lớp giữa, lớp hoàn thiện …).
Tiêu chuẩn này có thể áp dụng đối với các vật liệu phủ và hệ phủ được sử dụng nhằm mục đích trang trí và bảo vệ bề mặt gỗ ngoại thất, bao gồm cả những loại chứa chất diệt khuẩn để bảo vệ lớp phủ và bề mặt gỗ (màng bảo quản). Chất diệt khuẩn để bảo vệ có thể có trong vật liệu phủ dạng lỏng, ví dụ trong suốt quá trình bảo quản (bảo quản trong thùng chứa) hoặc chỉ có ở bề mặt gỗ tiếp xúc với lớp phủ (ví dụ bảo vệ chống mục xanh).
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho chất bảo quản gỗ. Tuy nhiên chất bảo quản gỗ có thể là một phần trong hệ phủ theo tiêu chuẩn này.
Thông tin hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn và cách lựa chọn cho người sử dụng được đưa ra trong Phụ lục A.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 2101 (ISO 2813), Sơn và vecni – Xác định độ bóng phản quang của lớp phủ sơn không chứa kim loại ở góc 20 °, 60 ° và 85 °;
TCVN 9760:2013 (ISO 2808:2007), Sơn và vecni – Xác định độ dày màng.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Già hóa (Ageing)
Sự thay đổi không thể phục hồi về tính chất của lớp phủ theo thời gian.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.9]
3.2
Sự kết khối (Blocking)
Sự bám dính không mong muốn giữa hai bề mặt, khi hai bề mặt tiếp xúc với nhau dưới tải trọng, trong đó ít nhất có một bề mặt đã được sơn phủ, sau khoảng thời gian khô xác định.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.29]
3.3
Mục xanh trong quá trình sử dụng (Blue stain in service)
Bề mặt gỗ bị nhuộm màu xanh đến đen do nấm, thường dẫn đến sự phá vỡ lớp hoàn thiện bề mặt.
3.4
Cấu trúc lớp phủ (Build)
CHÚ THÍCH: Trong tiêu chuẩn này, thuật ngữ “cấu trúc lớp phủ” được sử dụng khi phân loại dựa trên độ dày màng khô đo được của toàn bộ hệ lớp phủ hoặc của từng lớp phủ riêng biệt. Độ dày màng khô được biểu thị bằng micromet và phụ thuộc vào lớp phủ trên bề mặt gỗ. Vật liệu phủ có thể thẩm thấu một phần vào gỗ, phần này không tính vào độ dày đo được.
3.4.1
Cấu trúc thực tế (Measured build)
Độ dày màng khô của hệ phủ đo được khi phủ trên bề mặt gỗ đã bào phẳng theo phương pháp 6A của TCVN 9760:2013 (ISO 2808:2007).
3.4.2
Cấu trúc tính toán (Theoretical build)
Độ dày màng khô được tính theo lượng dùng và thể tích chất không bay hơi.
CHÚ THÍCH 1: Cấu trúc tính toán tính bằng micromét (µm), được tính theo công thức sau:
trong đó:
td là độ dày màng khô tính bằng micromét, (µm);
V là lượng dùng tính bằng mililít trên mét vuông, (mL/m2);
NVV là hàm lượng chất không bay hơi, tính theo phần trăm (%) thể tích.
CHÚ THÍCH 2: Cấu trúc tính toán đưa ra chỉ số độ dày màng khô trên nền không thấm nước và có thể tính từ dữ liệu tùy chọn do nhà sản xuất cung cấp.
3.4.3
Cấu trúc cảm quan (Subjective build)
Độ dày màng khô của hệ phủ được ước lượng bằng mắt thường
CHÚ THÍCH 1: Cấu trúc cảm quan bị chi phối bởi một số yếu tố như độ dày màng, độ bóng và độ bằng phẳng của hệ phủ.
3.5
Vật liệu phủ (Coating material)
Sản phẩm ở dạng lỏng, hồ hoặc bột khi được phủ lên nền sẽ tạo thành lớp màng có tính năng bảo vệ, trang trí và/hoặc các tính năng khác.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.50, đã sửa đổi – Phần chú thích đã được xóa bỏ].
3.5.1
Sơn (Paint)
Vật liệu phủ có chứa bột màu khi được phủ lên nền sẽ tạo thành lớp màng mờ có tính năng bảo vệ, trang trí hoặc các tính năng kỹ thuật khác.
CHÚ THÍCH 1: Ở một số nước, thuật ngữ “vật liệu nhuộm gỗ” cũng được dùng là lớp phủ đục ở mức vẫn nhìn thấy bề mặt kết cấu gỗ.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.167].
3.5.2
Vật liệu phủ trong suốt (Clear coating material)
Vật liệu khi phủ lên nền sẽ tạo thành lớp màng rắn, trong suốt có tính năng bảo vệ, trang trí hoặc các tính năng kỹ thuật riêng biệt.
CHÚ THÍCH 1: Ở một số nước, thuật ngữ “vecni” được sử dụng để biểu thị cho lớp phủ trong suốt bất kỳ. Vecni là vật liệu phủ trong suốt và tự khô do quá trình oxy hóa.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.46, đã sửa đổi – Phần chú thích đã được thay thế].
3.5.3
Vật liệu phủ lasure (Lasure)
Vật liệu phủ có chứa một hàm lượng nhỏ bột màu phù hợp, được sử dụng để tạo thành lớp màng trong suốt hoặc bán trong suốt cho mục đích trang trí và/ hoặc bảo vệ nền.
CHÚ THÍCH 1: Trong tiêu chuẩn này, thuật ngữ “vật liệu phủ lasure” giống như “vật liệu nhuộm gỗ ngoại thất”.
CHÚ THÍCH 2: Ở một số nước, thuật ngữ “vật liệu nhuộm gỗ” hoặc “vật liệu nhuộm gỗ ngoại thất” thường được sử dụng để biểu thị cho vật liệu phủ trong suốt hoặc bán trong suốt. Một số vật liệu nhuộm gỗ (nội thất) không nằm trong phạm vi áp dụng của TCVN 11935-1 (EN 927-1) (xem ISO 4618:2006, 2.251).
3.6
Hệ phủ (Coating system)
Sự kết hợp tất cả các lớp vật liệu phủ sẽ hoặc đã được phủ trên cùng một nền.
CHÚ THÍCH 1: Hệ phủ thực tế có thể được mô tả bằng số lớp phủ liên quan.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.53].
3.6.1
Sơn lót (Primer)
Sơn được chế tạo để sử dụng làm lớp lót trên bề mặt đã chuẩn bị.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.188, đã sửa đổi – Bổ sung chú thích 1].
CHÚ THÍCH 1: Trong tiêu chuẩn này, sơn lót cũng có thể bao gồm vật liệu phủ không có bột màu.
3.6.2
Lớp lót (Priming coat)
Lớp phủ đầu tiên của một hệ phủ.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.189].
3.6.3
Lớp giữa (Intermediate coat)
Lớp phủ nằm giữa lớp lót và lớp hoàn thiện.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.141].
3.6.4
Lớp hoàn thiện (Finishing coat, top coat)
Lớp phủ cuối cùng của một hệ phủ.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.108].
3.7
Độ mềm dẻo (Flexibility)
Khả năng của lớp màng khô không bị hư hại do sự biến dạng của bề mặt nền.
CHÚ THÍCH 1: Sử dụng thuật ngữ “độ đàn hồi” để mô tả độ mềm dẻo của lớp màng là không chính xác.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.116].
3.8
Độ bóng (Gloss)
Tính chất quang học của bề mặt, được đặc trưng bởi khả năng phản chiếu ánh sáng.
CHÚ THÍCH 1: Ví dụ về các mức của độ bóng là bóng cao, bóng, bóng tơ lụa, bán bóng, bóng sa tanh, bóng mờ và không bóng.
[Nguồn : ISO 4618:2006, 2.128].
3.9
Độ che phủ (Hiding power, coverage, opacity)
Khả năng của vật liệu phủ hoặc một lớp phủ che lấp màu sắc hoặc sự khác biệt về màu sắc của nền.
[Nguồn : ISO 4618:2006, 2.135].
3.10
Vật liệu tẩm (Impregnating material)
Vật liệu phủ có độ nhớt thấp để xử lý làm giảm sự hấp thụ của nền và/hoặc làm cứng nền.
CHÚ THÍCH 1: Vật liệu tẩm có thể có chứa chất diệt khuẩn bảo vệ gỗ.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.139, sửa đổi – Phần chú thích đã được thay thế].
3.11
Mục (Rot)
Sự phân hủy của gỗ do nấm làm mềm gỗ, giảm dần cường độ và khối lượng, thay đổi cấu trúc và màu sắc
3.12
Độ hút nước (Water absorption)
Khả năng hấp thụ nước ở dạng lỏng hoặc dạng hơi của tấm gỗ đã phủ hoặc chưa phủ.
[Nguồn: TCVN 11935-5:2017 (EN 927-5:2006), 3.1]
3.13
Độ thấm nước (Water permeability)
Khả năng của hệ phủ cho phép nước ở dạng lỏng hoặc hơi truyền qua.
3.14
Chất bảo quản gỗ (Wood preservative)
Sản phẩm có chứa chất diệt khuẩn, khi sử dụng sẽ làm ức chế sự phát triển của các sinh vật phá hủy gỗ và tẩy gỗ.
[Nguồn: ISO 4618:2006, 2.250, đã sửa đổi – Phần chú thích đã được thay thế].
4 Phân loại
4.1 Quy định chung
Hệ phủ cho gỗ ngoại thất được phân loại theo quy định trong 4.2, 4.3 và 4.4.
4.2 Phân loại theo mục đích sử dụng
Sự phân loại theo mục đích sử dụng phải dựa trên yêu cầu ổn định kích thước của kết cấu gỗ, được đưa ra trong Bảng 1.
Loại “không ổn định” không yêu cầu có khả năng ổn định kích thước. Hai loại còn lại phải có khả năng kiểm soát sự thay đổi kích thước của kết cấu gỗ do sự hút nước và thoát nước gây ra. Sự phù hợp của hệ phủ liên quan tới các tính năng ngăn cản và kị nước của lớp phủ tạo thành trên bề mặt nền thực tế ở điều kiện khi phủ trong môi trường cụ thể. Ví dụ, một hệ phủ có thể phù hợp cho các kết cấu ổn định như cửa sổ làm bằng gỗ cứng không thấm nước, nhưng có thể không đủ khả năng kiểm soát độ ẩm của cửa sổ làm bằng gỗ thông (mặc dù cũng là loại “ổn định”) khi ở cùng một vị trí giống nhau.
Bảng 1- Phân loại theo mục đích sử dụng
Loại sử dụng |
Thay đổi kích thước cho phép của gỗ |
Ví dụ mục đích sử dụng thông thường |
Không ổn định | Cho phép mọi sự thay đổi | Vách lợp, hàng rào, lán, vách thông gió |
Bán ổn định | Cho phép một vài sự thay đổi | Vách ghép mộng, vách tiêu âm, khung gỗ. |
Ổn định | Cho phép thay đổi tối thiểu | Đồ gỗ: cửa sổ, cửa ra vào, cửa chớp, đồ gỗ ngoài vườn |
CHÚ THÍCH: Những ví dụ này chỉ mang tích chất minh họa. Một số công trình xây dựng bằng gỗ sẽ đan xen những loại này. |
4.3 Phân loại theo ngoại quan
4.3.1 Quy định chung
Phân loại theo ngoại quan dựa vào các tính chất sau:
a) Cấu trúc lớp phủ;
b) Độ che phủ;
c) Độ bóng.
4.3.2 Cấu trúc lớp phủ
Theo cấu trúc lớp phủ, dựa trên độ dày màng khô của hệ phủ đo được theo phương pháp 6A của TCVN 9760:2013 (ISO 2808:2007), hệ phủ được phân thành các loại sau:
a) Rất mỏng: Độ dày trung bình nhỏ hơn 5 µm(1);
b) Mỏng: Độ dày trung bình từ 5 µm đến 20 µm;
c) Trung bình: Độ dày trung bình từ 20 µm đến 60 µm;
d) Dày: Độ dày trung bình từ 60 µm đến 100 µm;
e) Rất dày: Độ dày trung bình lớn hơn 100 µm.
Độ dày màng phải được đo trên tấm gỗ thông đã bào để đạt độ nhẵn và đồng nhất.
CHÚ THÍCH: Độ dày màng được biểu thị bằng micromet và phụ thuộc vào lớp phủ phía trên bề mặt gỗ. Hệ phủ có thể thẩm thấu một phần vào vật liệu gỗ, nhưng phần này không bao gồm trong phép xác định (xem TCVN 11935-3:2018 (EN 927-3:2012), 6.3.5).
4.3.3 Độ che phủ
Theo độ che phủ, hệ phủ được phân thành các loại sau:
a) Đục: hệ phủ che phủ tất cả màu sắc và vân của bề mặt gỗ nhưng có thể không che phủ hoàn toàn cấu trúc bề mặt;
b) Bán trong suốt: Hệ phủ không làm mờ hoàn toàn bề mặt gỗ;
c) Trong suốt: Hệ phủ cho phép nhìn thấy rõ ràng bề mặt gỗ.
4.3.4 Độ bóng
Theo giá trị độ phản quang đo được khi thử nghiệm ở góc tới 60 ° theo phương pháp mô tả trong TCVN 2101 (ISO 2813), hệ phủ được phân thành các loại sau:
a) Bóng mờ: độ phản quang đến 10;
b) Bỏng satanh: độ phản quang từ 10 đến 35;
c) Bán bóng: độ phản quang từ 35 tới 60;
d) Bóng: độ phản quang từ 60 đến 80;
e) Bóng cao: độ phản quang lớn hơn 80.
CHÚ THÍCH: Trong thực tế, mức độ bóng đạt được sẽ phụ thuộc vào trạng thái và bản chất của nền, loại hệ phủ và phương pháp phủ. Thông tin bổ sung được nêu ở Phụ lục A.
4.4 Phân loại theo điều kiện phơi mẫu
Khí hậu thay đổi từ vùng này sang vùng khác phụ thuộc vào độ cao, bức xạ mặt trời, lượng mưa, độ ẩm và nhiều yếu tố khác. Hầu hết các yếu tố này đều rất khó định lượng. Vì vậy, các điều kiện phơi mẫu trong tiêu chuẩn này chỉ được mô tả bởi ba yếu tố. Đầu tiên là ảnh hưởng của khí hậu toàn cầu (đại khí hậu), hai yếu tố khác liên quan đến vi khí hậu, nghĩa là các điều kiện trực tiếp và xung quanh vị trí thử.
– Đại khí hậu: Phạm vi định hướng.
– Vi khí hậu: Mức độ che chắn, độ nghiêng.
Theo quy định trên, điều kiện phơi mẫu được phân loại như sau:
a) Ôn hòa;
b) Trung bình;
c) Khắc nghiệt;
Sự tương tác giữa các yếu tố đại khí hậu và vi khí hậu là rất phức tạp, và việc tiến hành kết hợp ba yếu tố thành ba điều kiện phơi mẫu mang tính thực tiễn, không phải là cách tiếp cận khoa học. Mỗi yếu tố được xem xét ở ba mức độ khác nhau, mỗi mức độ được quy thành 1, 2 hoặc 3 điểm. Số điểm càng cao thì ảnh hưởng của phơi mẫu càng lớn. Đối với cả ba yếu tố, trước tiên lựa chọn số điểm riêng lẻ, sau đó tổng hợp lại thành tổng điểm. Chi tiết xem tại Bảng 2.
Bảng 2- Xác định tương đối các điều kiện phơi mẫu từ một số yếu tố khí hậu
Yếu tốa |
Điểm |
Tổng điểm |
Điều kiện phơi mẫu tương đối |
||
1 |
2 |
3 |
|||
Hướng tác động | Hướng Nam (ảnh hưởng ít) | Hướng Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc (ảnh hưởng nhiều) | Hướng Tây, Hướng Đông (ảnh hưởng nhiều nhất) |
3 |
Ôn hòa |
Mức độ che chắn | Được che chắn | Che chắn một phần | Không được che chắn |
4 đến 6 |
Trung bình |
Độ nghiêng | Thẳng đứng (dọc) |
~ 45 ° |
Nằm ngang |
7 đến 9 |
Khắc nghiệt |
a Xem giải thích ở Phụ lục A. |
VÍ DỤ: Nhà kho nhiều tầng có mặt tiền ở hướng Bắc.
– Hướng Bắc: 2 điểm
– Che chắn: không → 3 điểm
– Độ nghiêng, thẳng đứng → 1 điểm
Tổng số điểm là 2 + 3 + 1 = 6, tương ứng với điều kiện phơi mẫu “trung bình”.
CHÚ THÍCH: Các công trình xây dựng thường liên quan đến nhiều hơn một yếu tố, ví dụ một cửa sổ gỗ có nẹp dưới nghiêng 45 ° trong khi khung và khuôn cửa thẳng đứng. Các nẹp dưới sẽ bị bào mòn đầu tiên và vì vậy cần xác định thời gian để bảo trì.
5 Thông tin sản phẩm của nhà sản xuất
Nhà sản xuất phải cung cấp thông tin sản phẩm sử dụng hệ thống phân loại được quy định trong tiêu chuẩn này.
CHÚ THÍCH: Ví dụ về cách trình bày thông tin này có thể được xem trong Phụ lục B và Phụ lục C. Bảng này chỉ tóm tắt thông tin cơ bản nhất về ngoại quan và mục đích sử dụng của sản phẩm được đưa ra. Thông thường, thông tin bổ sung có sẵn trong bảng dữ liệu về sản phẩm của nhà sản xuất.
Phụ lục A
(tham khảo)
Hướng dẫn tiêu chí lựa chọn
A.1 Yêu cầu chung
Phụ lục này đưa ra một số quan sát định tính về các đặc tính điển hình của lớp phủ và các yếu tố ảnh hưởng. Khi hướng dẫn để lựa chọn ban đầu, xem xét các thông tin được đưa ra ở mục đích sử dụng (xem A.2), ngoại quan (xem A.3) và điều kiện phơi mẫu (xem A.4). Cần lưu ý rằng chất lượng của hệ phủ không thể được dự đoán từ hệ thống phân loại, vì vậy điều quan trọng là kết hợp phân loại với các phương pháp thử phù hợp mà sẽ được trình bày chi tiết trong các phần khác của TCVN 11935 (EN 927). Chỉ có các thử nghiệm chất lượng mới cung cấp cơ sở cuối cùng để lựa chọn.
A.2 Mục đích sử dụng
Một chức năng quan trọng của lớp phủ bất kỳ cho gỗ là kiểm soát sự thâm nhập nước và dẫn đến thay đổi kích thước của gỗ. Mục đích sử dụng khác nhau có các yêu cầu khác nhau. Đối với hàng rào và một số loại vách lợp, kiểm soát kích thước không quan trọng đối với đồ gỗ, và độ thấm nước cao hơn có thể là một lợi thế. Bảo vệ chống lại sự hấp thụ nước mưa trực tiếp cần được quan tâm.
Những vấn đề này đưa ra trong Bảng 1 theo ba loại mục đích sử dụng chủ yếu, không ổn định, bán ổn định và ổn định, cần để xác định lựa chọn một hệ phủ. Sự phù hợp của một hệ phủ với mục đích sử dụng phải được xác nhận bằng các phép thử chất lượng phù hợp, ví dụ như các phép thử được quy định trong TCVN 11935-3 (EN 927-3), và TCVN 11935-5 (EN 927-5).
A.3 Ngoại quan
A.3.1 Yêu cầu chung
Ngoại quan được mô tả trong thuật ngữ cấu trúc lớp phủ, độ phủ và các mức độ bóng (xem 4.3). Sự phân loại này mô tả các lớp phủ sẵn có và chuẩn bị để mô tả các loại lớp phủ mới. Danh sách sau đây minh họa cách có thể phân loại một số hệ phủ thông thường. Các thuật ngữ chỉ mang tính mô tả không phải là định nghĩa chính xác.
Hệ sơn alkyd bóng: | cấu trúc lớp phủ dày | đục | bóng cao |
Hệ latex bóng: | cấu trúc lớp phủ trung bình | đục | bóng |
Hệ vecni alkyd (3 lớp): | cấu trúc lớp phủ dày | trong suốt | bóng cao |
Vật liệu nhuộm gỗ ngoại thất: | cấu trúc lớp phủ trung bình | bán trong suốt | bán bóng |
Vật liệu xử lý bề mặt hàng rào: | cấu trúc lớp phủ rất mỏng | bán trong suốt | không bóng |
A.3.2 Độ che phủ
Ở 4.3.3, các mức độ che phủ được phân loại từ đục, bán trong suốt đến trong suốt. Điều đó dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hấp thụ hoặc phản chiếu bức xạ mặt trời có thể gây hại. Nhìn chung, thời gian bảo trì hệ phủ trong suốt ngắn hơn so với hệ phủ đục, điều này phải được tính đến trừ khi các thử nghiệm chất lượng chứng minh ngược lại.
Ảnh hưởng của độ phủ tới độ bền lâu sẽ tiếp tục bị thay đổi bởi màu sắc của hệ phủ. Các màu tối sẽ có khả năng hấp thụ bức xạ mặt trời cao hơn các màu sáng. Ví dụ, nhiệt độ bề mặt của hệ phủ màu đen hoặc màu xanh khi bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp có thể đạt 80 °C, trong khi đó một hệ phủ màu trắng ở điều kiện tương tự như vậy có thể chỉ đạt 40 °C. Các yếu tố ảnh hưởng, bao gồm sự nứt nẻ của gỗ, rò rỉ nhựa, tốc độ hư hỏng của hệ phủ, hàm lượng ẩm và sự phát triển nấm mốc, mặc dù chất lượng thực tế sẽ được quy định cho hệ phủ.
CHÚ THÍCH: Độ đục và màu sắc có liên quan với nhau và thực tế có thể khác nhau về độ đục trong một giải sản phẩm, ví dụ một giải nhuộm màu gỗ bán trong suốt có thể bao gồm các màu tối, mờ đục khác nhau.
A.3.3 Cấu trúc lớp phủ
Cấu trúc lớp phủ tương ứng với độ dày của hệ phủ khô được sử dụng, vì vậy liên quan trực tiếp đến tính chất ngăn cản. Đối với một thành phần cụ thể, độ thấm nước sẽ được kiểm soát bởi cấu trúc lớp phủ, hệ có cấu trúc càng mỏng tốc độ thấm nước càng cao.
Hệ phủ có cấu trúc rất mỏng sẽ thẩm thấu nước hoàn toàn lên bề mặt gỗ, đặc biệt khi bề mặt thô ráp.
A.3.4 Độ bóng
Độ bóng ít ảnh hưởng trực tiếp tới độ bền lâu của lớp phủ. Bề mặt bóng có thể ít bị bám bụi hơn bề mặt không bóng và dễ làm sạch hơn. Độ bóng của lớp phủ thường giảm theo quá trình lão hóa. Trong thực tế, thuật ngữ “độ bóng cao” không thể áp dụng đối với hệ phủ có cấu trúc rất mỏng hoặc mỏng vì vật liệu phủ bị thay đổi ngoại quan do sự hấp thụ của bề mặt gỗ.
A.4 Điều kiện phơi mẫu
A.4.1 Lưu ý chung
Điều quan trọng là khi lựa chọn hệ phủ cần xem xét các yếu tố khí hậu và kết cấu xây dựng.
Để thuận tiện, điều kiện phơi mẫu được chia thành ba mức ôn hòa, trung bình và khắc nghiệt, các điều kiện này cùng với các yếu tố khí hậu và yếu tố xây dựng có liên quan mật thiết với nhau. Hệ phủ sẽ bền trong điều kiện phơi mẫu ôn hòa và yêu cầu về bảo trì ít hơn. Đối với những trường hợp phơi mẫu lâu hơn, phải chấp nhận thời gian bảo trì giữa các lần ngắn hơn và sử dụng hệ phủ độ bền lâu cao sẽ thích hợp hơn. Lý tưởng nhất là chất lượng sản phẩm được kiểm chứng ở điều kiện khí hậu tương tự khí hậu ở nơi nó được sử dụng.
A.4.2 Yếu tố khí hậu
Hướng phơi mẫu: Mức độ bức xạ mặt trời, độ ẩm, nhiệt độ và lượng mưa thay đổi đáng kể sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hệ phủ gỗ. Tác động của các yếu tố này chủ yếu được phản ánh bởi hướng phơi mẫu. Tuy nhiên, giữa các vùng địa lý khác nhau, phơi mẫu ít ảnh hưởng của đến chất lượng hệ phủ.
Ảnh hưởng ít của khí hậu: Khi bề mặt hướng về hướng Nam.
Ảnh hưởng nhiều của khí hậu: Khi bề mặt hướng về hướng Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc (Tây Bắc – Tây Nam, Tây Tây Bắc – Tây Bắc)
Ảnh hưởng nhiều nhất của khí hậu: Khi bề mặt hướng về hướng Tây và hướng Đông.
CHÚ DẪN:
1 ảnh hưởng ít
2 ảnh hưởng nhiều
3 ảnh hưởng nhiều nhất
Hình A.1 – Hướng phơi mẫu
A.4.3 Các yếu tố xây dựng
Trong thực tế, các điều kiện phơi mẫu không chỉ phụ thuộc vào khí hậu mà còn phụ thuộc vào độ che chắn của công trình xây dựng.
a) Công trình bằng gỗ, được che chắn hoàn toàn
Công trình bằng gỗ được bảo vệ tốt bằng các mái che chống lại mưa, gió và ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Điều này áp dụng cho cửa sổ và cửa ra vào đặt lùi sâu dưới mái che hoặc lõm sâu vào trong tường hoặc được che bởi ban công.
b) Công trình bằng gỗ, được che chắn một phần
Công trình bằng gỗ chịu tác động của khí hậu, chỉ được bảo vệ một phần bằng mái che nhỏ chống lại mưa, gió và ánh nắng mặt trời. Điều này áp dụng cho cửa sổ và cửa ra vào đặt dưới mái che thông thường hoặc lõm vào trong tường. Một ví dụ khác là công trình bằng gỗ trên các tòa nhà nhỏ hơn (tối đa ba tầng) với mái che nhỏ.
c) Công trình bằng gỗ, không được che chắn
Khí hậu gồm mưa, gió và ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp tác động lên công trình bằng gỗ. Điều này áp dụng cho công trình bằng gỗ trên các tòa nhà nhỏ hơn (tối đa ba tầng) với mái che nhỏ ở các vị trí phơi mẫu hoặc các tòa nhà cao hơn 3 tầng, đặc biệt là các cửa sổ và cửa ra vào thẳng hàng với mặt tiền, đồng thời áp dụng cho công trình bằng gỗ không có bất kỳ mái che nào.
a) Được che chắn hoàn toàn |
b) Được che chắn một phần |
c) Không được che chắn |
Hình A.2 – Các mức độ che chắn
CHÚ THÍCH: Độ nghiêng của bề mặt bị phong hóa cũng quan trọng. Giảm góc phơi mẫu từ hướng thẳng đứng sang hướng ngang làm tăng đáng kể ảnh hưởng của phong hóa đối với công trình được che chắn cũng như không được che chắn.
A.5 Điều kiện nền
Các loài gỗ khác nhau tiếp nhận vật liệu phủ khác nhau đáng kể và ảnh hưởng đến chất lượng lớp phủ trong suốt quá trình sử dụng. Hầu hết các loài gỗ mềm đều dễ dàng tiếp nhận các vật liệu phủ, trừ một số trường hợp đặc biệt như đối với gỗ có nhựa. Nói chung, khả năng chống thấm nước và ổn định kích thước là các đặc tính của gỗ có lợi đối với chất lượng của hệ phủ. Gỗ quá xốp là môi trường lưu trữ ẩm ướt sẽ ảnh hưởng bất lợi đến ngoại quan và chất lượng của hệ phủ. Một số loài gỗ cứng có đặc tính giữ lớp phủ trên bề mặt tốt, mặc dù đặc tính này có thể thay đổi đáng kể. Một số loài gỗ cứng, như gỗ sồi, gỗ tếch và gỗ iroko cần được chú ý khi chọn vật liệu phủ.
Chất lượng của hệ phủ bị ảnh hưởng bởi quá trình chuẩn bị bề mặt gỗ; Nói chung độ bền lớp phủ trên bề mặt gỗ xẻ cao hơn trên bề mặt gỗ bào.
Trong thực tế một số ảnh hưởng của nền có thể gặp:
– Loài gỗ;
– Gỗ mới chưa phủ;
– Gỗ bị phân hủy do phơi mẫu kéo dài;
Gỗ đã xử lý bằng chất bảo quản;
– Gỗ đã được phủ lớp lót từ nhà máy;
– Lớp phủ bị phong hóa cần được xử lý lại.
Đối với yêu cầu kỹ thuật, cần cung cấp thông tin liên quan đến điều kiện của nền. Điều quan trọng là loại bỏ các lớp phủ bong tróc, bám dính kém hoặc gỗ đã hỏng trước khi bảo trì và các lớp phủ bảo trì phải tương thích với vật liệu phủ đã dùng trước đó.
Phụ lục B
(tham khảo)
Ví dụ về thông tin sản phẩm của nhà sản xuất
Tên thương mại a: | ||||
Mô tả sản phẩm a: | ||||
Mục đích sử dụng a: | ||||
Ngoại quan lớp phủ b |
Độ che phủ
Màu sắc (khoảng màu) Độ bóng |
|||
Cấu trúc lớp phủ | Thông tin tùy chọn | |||
Lượng dùng | m2/L | |||
Độ hút nước, g/m2 c | ||||
Cấu trúc lớp phủ c d | ||||
Yêu cầu hệ phủ c | ||||
Tên sản phẩm |
Lượng dùng |
|||
Lớp thứ 1 | ||||
Lớp thứ 2 | ||||
Lớp thứ 3 | ||||
Lớp thứ 4 | ||||
Mục đích sử dụng và các điều kiện phơi mẫu c | ||||
Phơi mẫu |
Không ổn định |
Bán ổn định |
Ổn định |
|
Ôn hòa | ||||
Trung bình | ||||
Khắc nghiệt | ||||
Yêu cầu nền | Nhà sản xuất phải đưa ra yêu cầu riêng biệt có liên quan đến nền, ví dụ ứng dụng của hệ phủ trên gỗ đã phủ sơn hoặc gỗ đã biến chất hoặc trên sản phẩm gỗ nhân tạo | |||
Thông tin bổ sung tùy chọn của nhà sản xuất | Ví dụ mô tả về khoảng thời gian bảo trì dự kiến | |||
a Mô tả thông tin tùy chọn của nhà sản xuất.
b Phân loại theo ngoại quan liên quan đến vật liệu phủ trong trường hợp này c Mô tả hệ phủ đối chứng phù hợp được sử dụng tiến hành thử nghiệm theo TCVN 11935-3 (EN 927-3) và TCVN 11935-5 (EN 927-5). Sử dụng ký hiệu:“+“ Sản phẩm hoặc hệ sản phẩm được yêu cầu/ “0” sản phẩm hoặc hệ sản phẩm không được yêu cầu. d Cấu trúc hệ phủ (xem 4.3.1). |
Phụ lục C
(tham khảo)
Ví dụ về thông tin sản phẩm đầy đủ của nhà sản xuất
SUPPER DURABLE Lb | ||||
Mô tả sản phẩm: SUPPER DURABLE Lb là vật liệu phủ bán bóng sử dụng cho gỗ ngoại thất
SUPPER DURABLE Lb là vật liệu phủ có dung môi trên cơ sở nhựa alkyd |
||||
Mục đích sử dụng: Lớp lót cho loại sử dụng ổn định (ví dụ khung cửa sổ gỗ). Lớp lót, lớp giữa và lớp phủ hoàn thiện cho mục đích sử dụng bán ổn định và không ổn định.
SUPPER DURABLE Lb là vật liệu phủ có cấu trúc lớp phủ thấp sử dụng cho gỗ ngoại thất. Cùng với SUPPER DURABLE Hb đây là lớp lót phù hợp với mục đích sử dụng ổn định. Sản phẩm này sẽ bảo vệ bề mặt gỗ bao gồm tất cả gỗ mềm và gỗ cứng ngoại thất, nhưng không phù hợp để sử dụng trên ván sàn gỗ. Sản phẩm này không phù hợp khi sử dụng với chất kết dính hoặc lớp phủ gốc bitum |
||||
Ngoại quan lớp phủ |
Độ che phủ
Màu sắc (khoảng màu) |
Bán trong suốt
Màu gỗ thông, màu gỗ sồi sáng, màu gỗ sồi tối |
||
Độ bóng | Bán bóng ( 35 GU đến 60 GU) | |||
Cấu trúc lớp phủ
Lượng dùng |
Cấu trúc thấp; < 20 µm ở 60 mL/m2
16 m2/L đến 17 m2/L, điều này sẽ thay đổi phụ thuộc vào phương pháp phủ, loài gỗ, độ ẩm, phương pháp gia công gỗ và sự có mặt của các lớp phủ khác. |
|||
Cấu trúc lớp phủ | Trung bình | |||
Độ hút nước, g/m2 | 120 đến 130 | |||
Yêu cầu hệ phủ | ||||
Tên sản phẩm |
Lượng dùng |
|||
Lớp thứ 1: XY lớp bảo vệ chống mục xanh |
60 mL/m2 |
|||
Lớp thứ 2: SUPPER DURABLE Lb |
60 mL/m2 |
|||
Lớp thứ 3: SUPPER DURABLE Lb |
60 mL/m2 |
|||
Lớp thứ 4: SUPPER DURABLE Lb |
50 mL/m2 |
|||
Mục đích sử dụng và điều kiện phơi mẫu | ||||
Phơi mẫu |
Không ổn định |
Bán ổn định |
Ổn định |
|
Ôn hòa |
+ |
+ |
|
|
Trung bình |
+ |
+ |
|
|
Khắc nghiệt |
+ |
|
|
|
Yêu cầu nền | Bề mặt gỗ phải được đánh nhám bằng cát, làm sạch và làm khô, để không còn bụi bẩn, sáp và dầu mỡ. Ngăn chặn sự phát triển nấm mốc và tảo bằng chất diệt nấm/diệt tảo phù hợp. Độ ẩm của gỗ không được vượt quá 18 %. Loại bỏ nhựa đóng rắn cứng trên bề mặt gỗ bằng dao. Phần nhựa dư thừa có thể được loại bỏ bằng cách sử dụng cồn metyl hóa. Không nên sử dụng vật liệu có “mắt gỗ” do không đạt được hiệu quả hoàn toàn. Hơn nữa sự có mặt của “mắt gỗ” thường tạo dấu vết và làm giảm độ bám dính của các lớp phủ tiếp theo. | |||
Thông tin bổ sung tùy chọn của nhà sản xuất | Khi cần thiết sử dụng chất bảo quản bề mặt gỗ mềm hoặc gỗ cứng, ví dụ, gỗ nhóm 4 và hoặc 5 (theo EN 351-1:2007), phủ hai lớp chất bảo quản gỗ XYZA đến bão hòa, đặc biệt chú ý đến đầu mút, thời gian làm khô giữa các lớp là 24 h, thời gian làm khô trước khi phủ lớp trên cùng 24 h đến 72 h. Phủ lớp sản phẩm XY đầu tiên sau khi sử dụng chất bảo quản. Chất bảo quản phải khô hoàn toàn trước khi phủ sản phẩm XY. Gỗ được xử lý bằng sản phẩm XY phải làm khô từ 12 h đến 24 h trước khi phủ SUPERDURABLE. Độ bền hệ lớp phủ có thể được nâng cao bằng cách sử dụng vật liệu bịt kín đầu mút. Do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên, cần bảo trì thường xuyên các vị trí bên ngoài. Khoảng thời gian dự kiến bảo trì từ hai đến bốn năm. |
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] EN 351-1:2007, Durability of wood and wood-based products – Preservative-treated solid wood – Part 1: Classification of preservative penetration and retention.
[2] TCVN 11935-3:2018 (EN 927-3:2012), Sơn và vecni – Vật liệu phủ và hệ phủ cho gỗ ngoại thất – Phần 3: Phép thử thời tiết tự nhiên.
[3] TCVN 11935-5:2018 (EN 927-5-2006), Sơn và vecni – Vật liệu phủ và hệ phủ cho gỗ ngoại thất – Phần 5: Đánh giá độ thấm nước dạng lỏng.
[4] ISO 4618:2006, Paints and varnishes – Terms and definitions.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Phân loại
5 Thông tin sản phẩm của nhà sản xuất
Phụ lục A (tham khảo) Hướng dẫn tiêu chí lựa chọn
Phụ lục B (tham khảo) Ví dụ về thông tin sản phẩm của nhà sản xuất
Phụ lục C (tham khảo) Ví dụ về thông tin sản phẩm đầy đủ của nhà sản xuất
Thư mục tài liệu tham khảo
(1) Đo độ dày màng nhỏ hơn 5 µm là không chính xác.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11935-1:2018 (EN 927-1:2013) VỀ SƠN VÀ VECNI – VẬT LIỆU PHỦ VÀ HỆ PHỦ CHO GỖ NGOẠI THẤT – PHẦN 1: PHÂN LOẠI VÀ LỰA CHỌN | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN11935-1:2018 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |