TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10684-4:2018 VỀ CÂY CÔNG NGHIỆP LÂU NĂM – TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG, HẠT GIỐNG – PHẦN 4: HỒ TIÊU
TCVN 10684-4:2018
CÂY CÔNG NGHIỆP LÂU NĂM – TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG, HẠT GIỐNG – PHẦN 4: HỒ TIÊU
Perennial industrial crops – Standard for seeds and seedlings – Part 4: Pepper
Lời nói đầu
TCVN 10684-4:2018 do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố
CÂY CÔNG NGHIỆP LÂU NĂM – TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG, HẠT GIỐNG – PHẦN 4: HỒ TIÊU
Perennial Industrial Crops – Standards for Seeds and Seedlings – Part 4: Pepper
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng đối với cây giống hồ tiêu (Piper nigrum L.) được nhân vô tính bằng phương pháp giâm hom.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1
Cành lươn, dây lươn (hanging shoots, runner shoots)
Loại cành phát sinh từ chồi nách của cây hồ tiêu, thường có lóng dài; đốt không có hoặc có rất ít rễ bám. Cành lươn có hai loại: loại bò dưới đất và loại treo ngược từ tán cây xuống.
2.2
Cành tược, dây thân (orthotropic shoots, climbing shoots)
Loại cành cấp 1 phát sinh từ chồi nách ở phần thấp trên thân chính của cây hồ tiêu. Cành tược sinh trưởng khỏe, lóng ngắn, đốt có nhiều rễ bám và mang các cành quả. Cành tược nếu được buộc vào trụ thì sau sẽ trở thành thân chính.
2.3
Hom giống (cuttings):
Một đoạn cành cắt ra từ cành lươn hoặc cành tược, chứa 1 hoặc nhiều đốt, sử dụng làm vật liệu nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Hom cắt ra từ cành lươn gọi là hom lươn, và hom cắt từ cành tược gọi là hom thân.
2.4
Chồi (Shoots)
Bộ phận trên cùng của cây giống hồ tiêu, mọc ra từ mầm ngủ trên các đốt của hom giống, sau này phát triển thành cây hồ tiêu.
2.5
Vườn cây lấy hom, vườn nhân chồi (Shooting gardens):
Vườn trồng từ vật liệu của các giống hồ tiêu năng suất cao, chất lượng tốt, có quy trình chăm sóc riêng đảm bảo vườn cây khỏe mạnh, sạch sâu bệnh. Sản phẩm chính của vườn cây lấy hom là cành lươn và cành tược dùng cho việc nhân giống.
3 Yêu cầu kỹ thuật
3.1 Yêu cầu về vườn ươm
3.1.1 Địa điểm
Vườn ươm cây tiêu giống được xây dựng ở nơi tương đối bằng phẳng, có nguồn nước tưới và thoát nước tốt, thuận tiện giao thông, ít gió hoặc có trồng cây chắn gió và có lưới che nắng phù hợp để không ảnh hưởng đến cây giống.
3.1.2 Hồ sơ vườn ươm
Cơ sở sản xuất cây giống phải lập hồ sơ quản lý vườn ươm: ghi rõ nguồn gốc/xuất xứ giống, số lượng hom giống sản xuất; ngày ươm; tỷ lệ hom sống tại mỗi đợt kiểm tra; ngày xuất vườn và số lượng cây giống xuất vườn mỗi đợt; nhật ký sử dụng phân bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
3.2 Yêu cầu đối với bầu cây
3.2.1 Giá thể làm bầu
Thành phần giá thể đóng bầu có thể áp dụng công thức: 2 phần đất tầng mặt tơi xốp + 1 phần phân chuồng đã ủ hoại mục + 1 phần trấu hun – tính theo thể tích. Ngoài ra tùy theo điều kiện có thể sử dụng mụn xơ dừa đã xử lý, hoặc phụ phẩm nông nghiệp đã ủ hoại mục, thay cho trấu hun.
Đất làm giá thể cần được xử lý nhiệt hoặc phơi nắng từ 30 ngày đến 40 ngày và đảo trộn đều mỗi tuần trước khi phối trộn với các thành phần khác. Trước khi cho vào bầu, giá thể cần được trộn thêm với một trong các chế phẩm vi sinh như Trichoderma sp., Gliocladium, Pseudomonas sp., Bacillus sp., Steptomyces để tiêu diệt mầm bệnh.
3.2.2 Quy cách bầu
Túi bầu làm bằng vật liệu thích hợp (ví dụ như nhựa dẻo Polyetylene, dày 0,15 mm và có mầu xẫm/đen). Mỗi túi bầu được đục từ 12 đến 16 lỗ ở nửa phía dưới để thoát nước; đường kính lỗ từ 0,5 cm đến 0,6 cm. Kích cỡ bầu đứng sau khi nạp đầy giá thể có đường kính từ 8 cm đến 10 cm, cao từ 18 cm đến 20 cm.
Giá thể cho vào bầu được nén chặt vừa phải, ngang với mặt bầu; bầu thẳng, không nhăn nhúm hoặc bị gãy gập; được thực hiện trước khi giâm hom từ 15 ngày đến 20 ngày.
Mỗi bầu ươm từ 2 đến 3 hom lươn hoặc từ 1 đến 2 hom thân.
3.3 Yêu cầu đối với vườn lấy hom giống và cây lấy hom giống
Giống trồng trên vườn lấy hom giống thuộc các giống năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp điều kiện sinh thái từng vùng (tham khảo Phụ lục A).
Vườn lấy hom giống có quy trình chăm sóc phù hợp, cây sinh trưởng phát triển tốt; không có triệu chứng của các bệnh hại như: bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm, bệnh hại do virus và các triệu chứng do thiếu dinh dưỡng. Không bón phân khoáng cho cây trước khi lấy hom ít nhất 15 ngày.
Cây lấy hom giống nằm trong vườn lấy hom hoặc vườn nhân hom. Tuổi cây lấy hom thân từ 1 đến 2 năm. Tuổi cây lấy hom lươn từ 3 đến 6 năm.
3.4 Yêu cầu đối với hom giống
Hom giống lấy từ cây lấy hom, vườn cây lấy hom theo quy định tại điều 3.3.
Hom lươn: mỗi hom có từ 2 đến 5 đốt, dài từ 15 cm đến 20 cm. Không sử dụng đoạn hom non khoảng 20 cm từ ngọn xuống.
Hom thân: Hom đã được ngắt ngọn, có từ 2 đốt đến 5 đốt và các đốt có rễ bám tốt. Với hom có cành quả: các cành quả cần được cắt bỏ phần ngọn chừa lại từ 2 đốt đến 3 đốt. Các lá trên cùng được cắt bỏ 50 % diện tích. Đường kính hom tối thiểu 5 mm.
Cành lươn và cành tược sau khi cắt từ cây lấy hom cần được giữ ẩm ở nơi thoáng mát. Trường hợp phải vận chuyển đi xa cần cho cành lươn và cành tược vào bao vải hoặc bao bố để tránh bị mất nước và bị tổn thương cơ giới; thời gian vận chuyển không quá 24 h.
Việc chuẩn bị hom giống được thực hiện tại vườn ươm. Dụng cụ cắt hom phải được xử lý vô trùng để tránh lây nhiễm bệnh. Tốt nhất hom giống được xử lý trong cùng ngày cắt cành lươn hoặc cành tược. Hom được giâm vào bầu sau khi vết cắt đã ráo nhựa. Có thể ngâm hom trong dung dịch nước đường nồng độ từ 1% đến 2% cùng với thuốc trừ nấm, ví dụ như Agri-phos hoặc Benomil hoặc Ridomil trong khoảng từ 30 phút đến 60 phút trước khi giâm vào bầu.
3.5 Tiêu chuẩn cây giống hồ tiêu xuất vườn
Tiêu chuẩn cây giống hồ tiêu xuất vườn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại 3.1, 3.2, 3.3, 3.4 và các các yêu cầu được nêu trong Bảng 1.
Bảng 1 – Yêu cầu đối với cây giống hồ tiêu xuất vườn
STT |
Tên chỉ tiêu |
Yêu cầu |
|
Cây ươm từ hom lươn |
Cây ươm từ hom thân |
||
1 | Hình thái chung | Chồi nách sinh trưởng khỏe, lá cứng cáp không dị dạng, cây không bị sâu bệnh hại | Chồi nách sinh trưởng khỏe, lá cứng cáp không dị dạng, cây không bị sâu bệnh hại |
2 | Kích thước cây: Chiều cao chồi Đường kính | Từ 20 cm trở lên
Từ 0,3 cm trở lên |
Từ 20 cm trở lên
Từ 0,5 cm trở lên |
3 | Bộ lá | Chồi có từ 4 lá đến 6 lá thuần thục. Lá xanh tốt, có kích thước và hình dạng đặc trưng của giống | Chồi có từ 4 lá đến 6 lá thuần thục. Lá xanh tốt, có kích thước và hình dạng đặc trưng của giống |
4 | Bộ rễ | Bộ rễ sinh trưởng khỏe, không có dấu hiệu của bệnh | Bộ rễ sinh trưởng khỏe, không có dấu hiệu của bệnh |
5 | Tuổi cây | Từ 4 đến 6 tháng từ ngày ươm | Từ 2 đến 3 tháng từ ngày ươm |
6 | Độ chuẩn giống | 100 % cây đúng giống | 100 % cây đúng giống |
4 Phương pháp kiểm tra
4.1 Kiểm tra sự phù hợp với các quy định từ mục 3.1 đến 3.4
Sự phù hợp yêu cầu quy định tại các mục 3.1, 3.2, 3.3 và 3.4: kiểm tra theo hồ sơ lưu kết hợp với kiểm tra và quan sát thực tế.
4.2 Kiểm tra cây giống hồ tiêu
4.2.1 Phương pháp lấy mẫu
4.2.1.1 Thời điểm lấy mẫu
Thực hiện lấy mẫu cây giống trong vòng 10 ngày trước khi xuất vườn.
4.2.1.2 Chia lô kiểm tra
Mỗi lô kiểm tra có diện tích không lớn hơn 1000 m2. Mỗi lô chỉ gồm một giống kiểm tra.
4.2.1.3 Xác định điểm kiểm tra
Dựa trên hình dạng, diện tích, địa hình của vườn ươm để xác định số lượng và vị trí các điểm kiểm tra cho mỗi lô cây giống, đảm bảo các điểm được chọn phân bố đồng đều và đại diện cho cả lô.
Quy định về số điểm kiểm tra trong một lô cây giống được nêu trong Bảng 2:
Bảng 2 – Số điểm kiểm tra tối thiểu trong lô cây giống
Diện tích lô cây giống, m2 |
Số điểm kiểm tra |
Nhỏ hơn hoặc bằng 200 |
5 |
Từ 201 đến 300 |
6 |
Từ 301 đến 400 |
7 |
Từ 401 đến 500 |
8 |
Từ 501 đến 600 |
9 |
Từ 601 đến 700 |
10 |
Từ 701 đến 800 |
11 |
Từ 801 đến 1000 |
12 |
Vị trí các điểm kiểm tra trên lô cây giống: tham khảo các hình từ Hình 1 tới Hình 4 trong sơ đồ tại Phụ lục B.
4.2.1.4 Số cây kiểm tra
Số cây kiểm tra tại một điểm kiểm tra tối thiểu là 200.
4.2.2 Kiểm tra các chỉ tiêu
Phương pháp kiểm tra các chỉ tiêu của cây giống hồ tiêu xuất vườn được nêu trong Bảng 3.
Bảng 3 – Phương pháp kiểm tra cây giống hồ tiêu xuất vườn
TT |
Tên chỉ tiêu |
Phương pháp kiểm tra |
1 |
Hình thái chung | Quan sát bằng mắt thường, đánh giá và nhận xét. |
2 |
Kích thước: Chiều cao chồi Đường kính | Sử dụng thước có độ chính xác 1 mm, đo từ vị trí chồi mọc.
Sử dụng thước kẹp độ chính xác 0,1 mm, đo tại vị trí cách gốc chồi 2 cm. |
3 |
Bộ lá | Quan sát bằng mắt thường, đánh giá và nhận xét. |
4 |
Bộ rễ | Trong một lô cây giống, lấy mẫu theo phương pháp đường chéo 5 điểm. Rút cây tiêu giống ra khỏi bầu, rửa sạch rễ. Quan sát bằng mắt thường, đánh giá và nhận xét. |
5 |
Tuổi cây | Kiểm tra nhật ký/hồ sơ của cơ sở sản xuất cây giống liên quan đến thời gian giâm hom của từng lô cây giống. |
6 |
Độ chuẩn giống | Đánh giá dựa vào hồ sơ nguồn gốc vật liệu nhân giống; kiểm tra các chỉ tiêu đặc trưng hình thái của cây giống và so sánh với tên giống ghi trên nhãn hoặc bản mô tả giống ghi trong hồ sơ. |
Phụ lục A
(Tham khảo)
Danh mục các nhóm giống hồ tiêu ở Việt Nam
Stt |
Tên nhóm giống |
Đặc điểm |
1 |
Nhóm lá nhỏ, gồm các giống:
– Sẻ Đất Đỏ – Sẻ Mỡ |
Lá nhỏ, chùm quả ngắn, mầu lá không đậm, chiều dài chùm quả khoảng 8 cm, hạt nhỏ. |
2 |
Nhóm lá trung bình, gồm các giống:
– Vĩnh Linh – Sẻ Phú Quốc – Sẻ Lộc Ninh |
Chiều dài chùm quả khoảng 11 cm, cỡ hạt lớn trung bình. |
3 |
Nhóm giống nhập nội từ Ấn Độ, gồm các giống:
– Panniyur – Karimunda |
Chùm quả dài, tỷ lệ đậu quả/gié cao, cho thu hoạch sớm. |
Phụ lục B
(Tham khảo)
Sơ đồ chọn điểm lấy mẫu kiểm tra trong một lô cây giống hồ tiêu
|
|
Hình 1 – Lấy mẫu đơn theo đường chéo |
Hình 2 – Lấy mẫu đơn theo hình zigzag |
|
|
Hình 3 – Lấy mẫu đơn theo tuyến dọc |
Hình 4 – Lấy mẫu đơn theo tuyến ngang |
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Hướng dẫn sản xuất hồ tiêu cho khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (Pepper Production Guide for Asia and The Pacific); FAO Regional Office for Asia and the Pacific, Bangkok – Thailand, 2005.
[2] Phương pháp Canh tác Hồ tiêu Cải tiến (Improved Method of Pepper Cultivation – IMPC), FAO (Food and Agriculture Organization) and Indonesian Centre for Estate Crop Research and Development (ICECRD), 2009.
[3] Kỹ thuật trồng, thâm canh, chế biến và bảo quản hồ tiêu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, 2008
[4] Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hồ tiêu, ban hành theo Quyết định số 730/QĐ-BNN-TT ngày 05 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10684-4:2018 VỀ CÂY CÔNG NGHIỆP LÂU NĂM – TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG, HẠT GIỐNG – PHẦN 4: HỒ TIÊU | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN10684-4:2018 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |