TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12187-3:2018 (EN 13451-3:2011 + A3:2016) VỀ THIẾT BỊ BỂ BƠI – PHẦN 3: YÊU CẦU AN TOÀN CỤ THỂ BỔ SUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ ĐỐI VỚI CỬA HÚT, XẢ NƯỚC/KHI PHỤC VỤ CÁC TÍNH NĂNG VUI CHƠI GIẢI TRÍ DƯỚI NƯỚC
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 12187-3:2018
EN 13451-3:2011
WITH AMENDMENT 3:2016
THIẾT BỊ BỂ BƠI – PHẦN 3: YÊU CẦU AN TOÀN CỤ THỂ BỔ SUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ ĐỐI VỚI CỬA HÚT, XẢ NƯỚC/KHÍ PHỤC VỤ CÁC TÍNH NĂNG VUI CHƠI GIẢI TRÍ DƯỚI NƯỚC
Swimming pool equipment – Part 3: Additional specific safety requirements and test methods for inlets and outlets and water/air based water leisure features
Lời nói đầu
TCVN 12187-3:2018 hoàn toàn tương đương với EN 13451-3:2011 và sửa đổi 3:2016.
TCVN 12187-3:2018 do Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh biên soạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 12187 (EN 13451) Thiết bị bể bơi gồm các tiêu chuẩn sau:
– TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011+ A1:2016), Phần 1: Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử;
– TCVN 12187-2:2018 (EN 13451-2:2015), Phần 2: Yêu cầu an toàn và phương pháp thử đối với thang, bậc thang và tay vịn của thang;
– TCVN 12187-3:2018 (EN 13451-3:2011+A3:2016), Phần 3: Yêu cầu an toàn cụ thể bổ sung và phương pháp thử đối với cửa hút, xả nước/khí phục vụ các tính năng vui chơi giải trí dưới nước.
Bộ tiêu chuẩn EN 13451, Swimming pool equipment, còn các tiêu chuẩn sau:
– EN 13451-4, Part 4: Additional specific safety requirements and test methods for starting platforms.
– EN 13451-5, Part 5: Swimming pool equipment. Additional specific safety requirements and test methods for lane lines and dividing line
– EN 13451-6, Part 6: Additional specific safety requirements and test methods for turning boards;
– EN 13451-7, Part 7: Additional specific safety requirements and test methods for water polo goals;
– EN 13451-10, Part 10: Additional specific safety requirements and test methods for diving platforms, diving springboards and associated equipment;
– EN 13451-11, Part 11: Additional specific safety requirements and test methods for moveable pool floors and moveable bulkheads.
THIẾT BỊ BỂ BƠI – PHẦN 3: YÊU CẦU AN TOÀN CỤ THỂ BỔ SUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ ĐỐI VỚI CỬA HÚT, XẢ NƯỚC/KHÍ PHỤC VỤ CÁC TÍNH NĂNG VUI CHƠI GIẢI TRÍ DƯỚI NƯỚC
Swimming pool equipment – Part 3: Additional specific safety requirements and test methods for inlets and outlets and water/air based water leisure features
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu an toàn cụ thể và phương pháp thử đối với cửa hút, xả nước/khí và các tính năng vui chơi giải trí dưới nước bao gồm chuyển động của nước, để bổ sung cho các yêu cầu an toàn chung của TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016).
Các yêu cầu của tiêu chuẩn cụ thể này có tính ưu tiên cao hơn TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016).
Tiêu chuẩn này áp dụng đối với thiết bị bể bơi được thiết kế để:
– đưa nước vào hoặc rút nước ra để xử lý hoặc cho các mục đích giải trí;
– đưa khí vào cho các mục đích giải trí;
– các tính năng giải trí dưới nước bao gồm chuyển động của nước;
CHÚ THÍCH: Các mục trên được xác định với các thiết bị nói chung.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016), Phần 1: Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử.
EN 1069-1, Water slides – Part 1: Safety requirements and test methods (Đường trượt nước – Phần 1: Yêu cầu an toàn và phương pháp thử).
EN 15288-1, Swimming pools – Part 1: Safety requirements for design (Bể bơi – Phần 1: Yêu cầu an toàn cho thiết kế).
EN 15288-2, Swimming pools – Part 2: Safety requirements for operation (Bể bơi – Phần 2: Yêu cầu an toàn cho vận hành).
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016) và các thuật ngữ, định nghĩa dưới đây.
3.1
Cửa hút dưới sàn/trên thành bể (floor/wall inlet)
Thiết bị được thiết kế để lắp đặt dưới sàn/trên thành bể bơi để đưa nước/khí vào trong bể.
3.2
Cửa xả nước dưới sàn (floor water outlet)
Thiết bị được thiết kế để lắp đặt dưới sàn bể bơi, để rút nước ra, bằng trọng lực hoặc lực hút.
3.3
Cửa xả nước trên thành bể (wall water outlet)
Thiết bị được thiết kế để lắp đặt trên thành bể bơi, để rút nước ra, bằng trọng lực hoặc lực hút.
3.4
Hố thu nước (sump)
Hố đựng nước nằm giữa lưới chắn cửa xả và đường ống xả, được chế tạo hoặc xây tại chỗ.
3.5
Hộp thu nước mặt (skimmer)
Thiết bị được thiết kế để chỉ hút lớp nước trên cùng và đưa vào hệ thống lọc.
3.6
Máng tràn (overflow channel)
Máng dùng để thu về lượng nước chảy tràn của bể nước có liên quan, được coi như một phần của hệ thống lọc tuần hoàn.
CHÚ THÍCH 1: Một máng tràn có thể được đặt, ví dụ bằng với mặt bể; lắp trong thành bể.
3.7
Lưới chắn (grille)
Thành phần để bao phủ bất kỳ lỗ mở nào, được thiết kế để cho phép thoát nước hoặc không khí.
VÍ DỤ: Lưới chắn có thể là lưới cửa hút, lưới đầu ra, lưới của máng tràn, lưới của máng tràn xung quanh thành bể.
3.8
Tấm che (cover)
Thiết bị hoặc cụm bảo vệ để ngăn người sử dụng khỏi các mối nguy gây ra bởi lỗ hở.
3.9
Tốc độ nước (water speed)
Vận tốc nước chảy qua mặt cắt mở của một lỗ hở.
3.10
Tốc độ khí (air speed)
Vận tốc dòng khí đi qua mặt cắt mở của một lỗ hở.
3.11
Mặt cắt mở của lưới chắn (open cross section of a grille)
Tổng tất cả các mặt cắt đơn của lưới chắn được thiết kế để dòng chảy qua ở tốc độ tương ứng.
3.12
Tính năng giải trí được vận hành bằng nước (water operated leisure feature)
Tính năng giải trí được tạo thành từ nước, được đẩy vào trong bể bơi hoặc bắt nguồn từ bể bơi.
VÍ DỤ: Sóng, pháo nước, phun mưa, thác nước, nấm nước và sông chảy nhanh.
3.13
Tính năng giải trí được vận hành bằng khí (air operated leisure feature)
Tính năng giải trí được tạo thành từ khí, được đẩy vào trong bể bơi.
VÍ DỤ: Mạch nước phun, ghế bong bóng.
3.14
Tính năng giải trí được vận hành bằng khí và nước (air and water operated leisure feature)
Tính năng giải trí được tạo thành từ khí và nước, được đẩy đồng thời vào trong bể bơi hoặc bắt nguồn từ bể bơi.
VÍ DỤ: Xoa bóp bằng nước.
3.15
Hệ thống phun nước phản lực tích hợp (integrated swim jet system)
Thiết bị kết hợp cửa xả nước ra và cửa hút nước vào trong cùng một đường ống được thiết kế để một lượng lớn nước chảy qua ở vận tốc cao theo một chiều.
3.16
Bình cấp nước bằng trọng lực (gravity feed tank)
Bình trữ nước bể bơi chạy bằng tác động của trọng lực, được sử dụng như bộ phận tách rời giữa bể bơi và bơm hút nước.
3.17
Hệ thống xả chân không (vacuum release system)
Hệ thống hoặc thiết bị có khả năng tạo chân không tại cửa xả nước ra trong trường hợp sử dụng chân không để hút vật cản khi cửa xả nước ra bị tắc.
3.18
Bể nước xoáy (vortex pool)
Bể có nước chuyển động xoáy.
4 Yêu cầu an toàn
4.1 Yêu cầu chung
Các bộ phận được định nghĩa trong Điều 3 là các phần trong một hệ thống tổng thể, cần đặc biệt chú ý đến tiêu chí thiết kế hệ thống, đặc biệt xem xét đến tương tác giữa các bộ phận khác nhau.
Khi các tính năng giải trí dưới nước được tạo ra bằng cách đưa khí và/hoặc nước dưới áp lực vào trong bể nước, an toàn của người sử dụng cần được đảm bảo bằng các biện pháp đánh giá rủi ro theo EN 15288-1 và EN 15288-2; bao gồm việc xem xét thiết kế, vị trí, phương pháp vận hành, tín hiệu cảnh báo và giám sát.
4.2 Sự toàn vẹn kết cấu
4.2.1 Cửa hút dưới đáy bể
Cửa hút dưới sàn phải được thử:
– tải trọng và biến dạng theo phương thẳng đứng, theo 5.2.2;
– tải trọng và biến dạng theo phương ngang, nếu thích hợp, theo 5.2.3;
– tải trọng tập trung, theo 5.2.4;
– lực cắt, nếu thích hợp, theo 5.2.5.
4.2.2 Cửa hút trên thành bể
Cửa hút trên thành bể được lắp đặt giữa mực nước và độ sâu 800 mm phải được thiết kế để chịu được tải tương đương 100 % tải theo Điều A.2.2 của TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016).
Cửa hút trên thành bể được lắp đặt > 800 mm bên dưới mực nước phải được thiết kế để chịu được tải tương đương 10 % của tải theo Điều A.2.2 của TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016).
Cửa hút trên thành bể phải được thử:
– tải trọng và biến dạng theo phương ngang, nếu thích hợp, theo 5.2.3;
– tải trọng tập trung theo 5.2.4;
– lực cắt, nếu thích hợp, theo 5.2.5.
4.2.3 Cửa xả nước dưới sàn và cửa xả nước trên thành bể
Cửa xả nước dưới sàn và cửa xả nước trên thành bể phải được thiết kế để chịu được tải theo Điều A.2.2 của TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011+A1:2016).
Cửa xả nước dưới sàn và trên thành bể phải được thử:
– tải trọng và biến dạng theo phương thẳng đứng, theo 5.2.2;
– tải trọng và biến dạng theo phương ngang, nếu thích hợp, theo 5.2.3;
– tải trọng tập trung theo 5.2.4;
– lực cắt, nếu thích hợp, theo 5.2.5;
– chân không và va chạm điểm theo 5.2.6;
– kẹt tóc theo 5.3.
4.2.4 Lưới chắn
4.2.4.1 Yêu cầu chung
Lưới chắn và kết cấu con bên dưới phải được thiết kế để chịu được tải theo Điều A.2.2 của TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011+A1:2016), liên quan đến hình dáng của chúng (tải tập trung, đường hoặc vùng).
Lưới chắn phải được thử nghiệm tải trọng và biến dạng theo phương thẳng đứng, theo 5.2.2.
Trong trường hợp các kết cấu con được chế tạo (ví dụ: mương tràn), cụm lưới hoàn chỉnh và kết cấu con cũng phải được thử nghiệm tải trọng và biến dạng thẳng theo 5.2.2.
4.2.4.2 Lưới chắn cho máng tràn
Lưới chắn được làm từ các phần tử riêng biệt phải duy trì được sự liên kết với nhau dưới điều kiện sử dụng.
Lưới chắn phải được thiết kế để giữ nguyên vị trí và ngăn chặn chuyển động của chúng khi sử dụng trong điều kiện thông thường.
4.2.5 Cửa hộp thu nước mặt
Cửa hộp thu nước mặt là một bộ phận cần thiết để thu lớp nước trên cùng. Cửa hộp thu nước mặt chỉ có thể được tháo ra bằng tác động có chủ ý hoặc bằng cách dùng dụng cụ.
4.2.6 Tấm che phía trên của hộp thu nước mặt
Nếu phần trên của hộp thu nước mặt được đặt ở khu vực có thể đi qua thì phải được thiết kế để chịu được tải theo Điều A.2.2 của TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016).
Nắp chỉ có thể được tháo ra bằng tác động có chủ ý hoặc bằng cách sử dụng công cụ.
Tấm che phía trên của hộp thu nước mặt phải được thử tải trọng và biến dạng theo phương thẳng đứng theo 5.2.2.
4.2.7 Máng tràn
Khi máng tràn được thiết kế có lưới chắn, kết cấu hỗ trợ của nó phải chịu được tải trọng giống như lưới chắn.
Máng tràn phải đạt thử tải theo 5.2.2.
4.3 Tốc độ nước tại cửa hút
Tốc độ nước tại cửa hút phải ≤ 15 m/s, ngoại trừ đối với đầu phun thẳng đứng từ sàn bể bơi ở độ sâu của nước ≤ 700 mm, khi đó tốc độ nước phải ≤ 2 m/s.
CHÚ THÍCH: Các giá trị điển hình của tốc độ nước là:
– cửa hút tuần hoàn cho các mục đích xử lý nước: ≤ 4 m/s;
– các tính năng giải trí dưới nước (ví dụ: xoa bóp bằng nước, phun nước phản lực và pháo nước) < 15 m/s.
Đối với thử nghiệm tốc độ nước, xem Phụ lục B.
4.4 Kẹt tóc
Cửa xả nước trên thành bể và dưới sàn phải đạt thử nghiệm kẹt tóc theo 5.3.
4.5 Khả năng chống trượt của lưới chắn
Khả năng chống trượt của mọi lưới chắn phải phù hợp với các yêu cầu theo TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016), Bảng 1.
4.6 Rủi ro bị kẹt khi hút nước
4.6.1 Yêu cầu chung
Thiết bị hút nước phải được thiết kế và lắp đặt sao cho giảm khả năng bị kẹt của người sử dụng. Tốc độ nước tại đầu ra phải ≤ 0,5 m/s.
Ngoài ra phải đáp ứng ít nhất một trong các khoản a), b) hoặc c):
a) hệ thống tổ hợp hút nước đầu ra được thiết kế theo cách sao cho:
1) ít nhất hai đầu hút nước ra chức năng cho mỗi bơm được lắp đặt;
2) khoảng cách giữa các điểm gần nhất của chu vi thiết bị ≥ 2 m;
3) nếu một cửa hút nước ra bất kỳ bị kẹt, dòng chảy qua cửa hút nước ra còn lại phải điều tiết 100 % tốc độ dòng chảy;
b) trong trường hợp hệ thống hút nước đầu ra chỉ có một lưới chắn, lưới chắn phải được thiết kế theo cách sao cho:
1) một người sử dụng không thể che nhiều hơn 50 % lỗ hở; hoặc
2) nâng lưới chắn lên thành hình vòm ngược với chiều dòng chảy, với lực hút ngoại vi thông thường. Chiều cao của hình vòm phải bằng ít nhất 10 % của kích thước chính. Có thể thực hiện phép thử tắc nghẽn (xem ví dụ trong Phụ lục A); hoặc
3) lưới chắn đơn với bề mặt bao xung quanh lỗ hút ≥ 1 m2 (xem Hình 1).
Hình 1 – Nhận diện khu vực bề mặt bao xung quanh lỗ hút
c) bình trữ nước trọng lực
CHÚ THÍCH 1: Tần suất thử nghiệm nên được xác định bởi đánh giá rủi ro.
Khi lắp thêm các thiết bị hiện có mà có một đầu hút nước ra đơn không phù hợp với các yêu cầu của điều này, thì cần một số hành động sau:
– đầu hút nước ra đang có phải được lắp thêm một lưới chắn phù hợp với b), hoặc;
– một hoặc nhiều đầu hút nước ra bổ sung phải được cung cấp như trong a).
Để bổ sung cho các yêu cầu từ a) đến c), một hệ thống xả chân không cần phải được cung cấp.
Hệ thống xả chân không thường kích hoạt khi đầu thoát nước đơn bị tắc bằng cách:
– xả chân không bằng cách tắt bơm;
– rút nước ra khỏi ống thoát khí để cho phép không khí đi vào hệ thống hút;
– van hoạt động cơ học để đào ngược dòng chảy đi qua (các) đầu hút nước ra;
– mở van ra khí quyển để khiến bơm bị mất mồi bơm;
Tất cả các hệ thống xà chân không phải được thử nghiệm trên các đầu ra đáp ứng được sự toàn vẹn kết cấu và các yêu cầu thiết kế đối với lưới chắn được cho trong tiêu chuẩn này.
CHÚ THÍCH 2: Những thiết bị/hệ thống này không được xem là hệ thống “mất an toàn” vì không có một hệ thống xả chân không nào có thể bảo vệ hoàn toàn chống lại tất cả các mối nguy bị kẹt ở đầu thoát nước ra. Hệ thống Xả Chân không Hiện tại là “mất an toàn” có thể tạo ra một cảm giác sai lầm về sự bảo vệ giữa những người sử dụng thiết bị/hệ thống này.
Các yêu cầu an toàn từ a) đến c) không áp dụng cho:
– hộp thu nước mặt, vì chúng được thông khí (xem 4.6.3) và có một phần ở trên mực nước;
– hệ thống phun nước phản lực tích hợp, vì người sử dụng bị đẩy ra xa khỏi đầu ra bởi hoạt động của cửa hút;
CHÚ THÍCH 3: Nên lắp một công tắc dừng khẩn cấp cho máy bơm ở trên khu vực nghỉ của bể bơi.
4.6.2 Hố thu nước cho cửa xả nước ra dưới sàn và trên thành bể
Cửa xả nước ra dưới sàn và trên thành bể được chế tạo hoặc xây tại chỗ phải có một hố thu nước với kích thước như được thể hiện trên Hình 2.
CHÚ DẪN:
A cấu hình hố thu nước đề xuất
D đường kính trong của ống
Dmim kích thước ≥ D
Hình 2 – Ví dụ về hố thu nước
4.6.3 Hộp thu nước mặt
Hộp thu nước mặt phải được thông khí hiệu quả thông qua các lỗ hở trên nắp (xem Hình 3), hoặc thông qua một ống thông khí riêng biệt.
CHÚ DẪN:
1 thông khí qua nắp
Hình 3 – Hộp thu nước mặt, thông khí qua nắp
Hộp thu nước mặt phải đáp ứng tất cả các yêu cầu chung về điểm kẹt theo TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016), nếu không chúng phải chịu một đánh giá rủi ro đặc thù.
4.7 Vị trí để tạo ra các tính năng giải trí
4.7.1 Yêu cầu chung
Việc đặt vị trí để tạo ra các tính năng giải trí phải được xem là một phần của đánh giá rủi ro theo EN 15288-1 và cũng phải được tính đến nhận thức của người sử dụng.
Các tính năng thư giãn phải được lắp đặt theo cách mà tác động của chúng không gây nên những ảnh hưởng không mong muốn lên những tác động của các tính năng khác hoặc gây ra mối nguy cho những người sử dụng khác của bể bơi.
Khi các tính năng gồm việc đưa nước vào bể bơi được lắp đặt bên ngoài bể, người sử dụng phải được thông tin và/hoặc cảnh báo.
Khi một tính năng có liên quan đến sự thay đổi độ sâu (ví dụ: một bậc chìm), nó phải được đánh dấu bằng sự tương phản màu sắc.
4.7.2 Đưa nước và/hoặc khí từ sàn
Các tính năng liên quan đến việc đưa nước hoặc khí dưới áp lực từ sàn bể bơi phải được lắp đặt ở độ sâu ít hơn 700 mm trừ khi:
a) tốc độ nước theo phương thẳng đứng (xem 3.9) là ≤ 2 m/s (xem 4.3);
b) cột áp động tổng của hệ thống phía trước đầu ra là ≤ 30 kPa.
Đối với thử nghiệm tốc độ nước xem Phụ lục B.
4.7.3 Ảnh hưởng của các tính năng lên người sử dụng
Việc đưa nước hoặc khí vào bằng áp lực không làm ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng (ví dụ: do va đập vào chướng ngại vật hoặc thành bể).
Các tính năng không được vận hành dưới áp lực lớn nhất ngay lập tức; chúng phải được tăng dần đến áp lực lớn nhất trong một khoảng thời gian, đủ để người sử dụng có thể nhận thức được.
4.8 Dòng chảy và sóng
4.8.1 Yêu cầu chung
Tốc độ nước và đường dẫn dòng chảy không được ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng hoặc tham gia vào tính năng giải trí.
Tính năng giải trí phải được thiết kế để tránh những va chạm không chủ ý, có thể gây ra nguy hiểm cho người sử dụng.
CHÚ THÍCH: Khối lượng cơ thể và độ nổi khác nhau của người sử dụng nên được xem xét vì chúng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tính năng riêng biệt bất kỳ.
Tốc độ nước trung bình tại tiết diện của dòng chảy phải ≤ 3,5 m/s.
Độ sâu của dòng chảy phải nằm trong khoảng từ 600 mm đến 1 350 mm.
Việc giám sát dòng chảy phải được xem xét bằng một đánh giá rủi ro theo EN 15288-1.
4.8.2 Các bộ phận được lắp đặt trong dòng chảy
Phải lưu ý đặc biệt đến bộ phận bể bơi và vị trí được lắp đặt trong dòng chảy để ngăn ngừa rủi ro va đập và/hoặc bị kẹt có nguyên nhân từ sự chuyển động không chủ ý của người sử dụng.
Nếu có các khe liên quan đến điểm hút, xem Phụ lục C.
4.9 Yêu cầu bổ sung đối với các tính năng giải trí cụ thể
4.9.1 Sóng
4.9.1.1 Lưới chắn buồng tạo sóng
Nếu sóng được tạo bởi các buồng tạo sóng, lưới chắn phải được lắp để tách biệt buồng tạo sóng khỏi bể bơi. Lưới chắn phải có kết cấu, ngoại trừ khung bao ngoài, chỉ bằng các thanh dọc.
Lưới chắn buồng tạo sóng phải tuân thủ tối thiểu theo thử nghiệm kẹt đầu của TCVN 12187-1:2017 (EN 13451-1:2011 + A1:2016).
4.9.1.2 Các bộ phận khác của bể bơi được lắp đặt trong bể sóng
Để ngăn chặn rủi ro va đập và/hoặc bị kẹt gây ra bởi chuyển động không tự nguyện của người sử dụng, cần lưu ý đặc biệt đến vị trí và loại bộ phận bể bơi được lắp đặt trong bể sóng.
4.9.2 Thác nước/màn nước
Thác nước/màn nước không được che khuất bất kỳ mối nguy hiểm nào (ví dụ: bậc chìm, vật cản), khi vận hành.
Các tính năng tạo ra mà nước (ví dụ: thác nước, phun mưa, đài nước hình nấm) phải đảm bảo thông khí đúng đằng sau màn.
4.9.3 Hiệu ứng phun nước
Mối nguy hiểm vi khuẩn Legionella phải được xem xét khi thiết kế và vận hành bất kỳ hiệu ứng phun nước nào (ví dụ: đến từ phun nước, thác nước, màn nước).
4.9.4 Tạo pháo nước
Đường đi của hệ thống phun nước phản lực, từ đầu ra cho đến điểm cao nhất, không được nằm trong tầm với của người sử dụng.
Nếu việc vận hành pháo nước tạo ra một phản lực mạnh, cần phải đưa ra cảnh báo để người sử dụng nhận thức được ảnh hưởng.
4.9.5 Ghềnh
Trong trường hợp một hiệu ứng sông được tạo ra bởi độ dốc, các yêu cầu an toàn chung liên quan của EN 1069-1 phải được tuân thủ.
4.9.6 Bể xoáy
4.9.6.1 Yêu cầu chung
Bể xoáy phải có độ sâu của nước nằm trong khoảng 600 mm đến 1 350 mm. Điểm cuối của ghềnh vào trong bể xoáy phải tuân theo EN 1069-1.
4.9.6.2 Các bộ phận khác của bể bơi được lắp đặt trong bể xoáy
Để ngăn chặn rủi ro va đập và/hoặc bị kẹt gây ra bởi chuyển động không tự nguyện của người sử dụng, cần lưu ý đặc biệt đến vị trí và loại bộ phận bể bơi được lắp đặt trong bể xoáy.
4.9.7 Đài phun nước
Đài phun nước không được trở thành vật cản. Phải đặc biệt lưu ý đến trở ngại giữa đường đi có thể của người sử dụng trong và xung quanh bể bơi và thiết kế và vị trí của đài phun nước. Bất cứ khi nào rủi ro va đập có thể dự đoán trước, hiệu ứng nước không được che khuất cấu trúc đài phun nước, hoặc nó phải được làm để nhìn thấy rõ ràng.
Đài phun nước, được lắp đặt trong bể bơi hoặc xung quanh bể bơi, phải ngăn người sử dụng đi qua bên dưới chúng trừ khi có khoảng hở không nhỏ hơn 2 100 mm bên trên bất kỳ bề mặt di chuyển nào (xem Hình 4). Khả năng giảm khoảng hở 2 100 mm đối với các khu vực đặc biệt, ví dụ: bể bơi trẻ em, phải được đánh giá rủi ro.
Kích thước tính bằng milimét
Hình 4 – Đài phun nước – Khoảng hở dọc
4.9.8 Các hiệu ứng đặc biệt
Đánh giá rủi ro (theo EN 15288-1) phải được thực hiện khi các hiệu ứng bổ sung của tính năng giải trí dưới nước, mà có thể khiến người sử dụng mất phương hướng, là có thể thấy trước.
VÍ DỤ: Các ví dụ về các hiệu ứng đặc biệt dạng này là:
– bóng tối;
– hiệu ứng ánh sáng (đèn chớp, đèn chiếu, đèn la-de, đèn di chuyển, v.v.);
– hiệu ứng âm thanh;
– sương mù.
5 Phương pháp thử
5.1 Yêu cầu chung
Nếu không có quy định khác, các yêu cầu của Điều 4 phải được kiểm tra bằng phương pháp thích hợp nhất:
– phép đo;
– kiểm tra bằng mắt; hoặc
– thử nghiệm thực tế.
Nếu thiết bị phải đạt hai hoặc nhiều thử nghiệm hơn, tất cả các thử nghiệm phải được thực hiện trên cùng nhóm thử theo trình tự sau:
– thử tải;
– thử va đập;
– thử chân không.
Ở cuối mỗi thử nghiệm, phải thực hiện kiểm tra bằng mắt trước khi cho mẫu thử vào thử tiếp.
Thử tải, va đập và chân không phải được thực hiện trong các điều kiện tương đương với lắp đặt của nhà sản xuất được đề nghị nhưng không ngập nước.
5.2 Sự toàn vẹn kết cấu
5.2.1.1 Điều kiện thử nghiệm
Thử nghiệm phải được thực hiện ở nhiệt độ phòng thử nghiệm là (23 ± 2) °C.
5.2.1.2 Phương pháp thử
Đối với tất cả các thử nghiệm được mô tả trong 5.2, thử ít nhất năm thiết bị ở từng điều kiện thử nghiệm, trừ khi có quy định khác. Nếu các phần được làm từ các lòng khuôn khác nhau, các mẫu phải được lấy với mỗi lòng khuôn. Thử nghiệm phải được thực hiện ngay sau khi ổn định mẫu thử, như được mô tả trong 5.2.1.4.
5.2.1.3 Cơ cấu thử nghiệm
(Các) thiết bị phải được lắp đặt trong một cơ cấu cố định có thể hỗ trợ chúng theo cách tương tự khuyến nghị lắp đặt của nhà sản xuất.
5.2.1.4 Ổn định mẫu
Các mẫu thử phải được ngâm dưới nước ở nhiệt độ (27 ± 2) °C trong ít nhất 2 h trước thử nghiệm.
5.2.1.5 Phát hiện vết nứt
5.2.1.5.1 Yêu cầu chung
Sau mỗi thử nghiệm vật lý, mẫu thử phải được rửa trong một dung dịch tẩy lỏng tiêu chuẩn, rửa bằng nước sạch uống được và để khô trước khi quét mực phản quang tan được trong nước lên như được quy định trong 5.2.1.5.2. Sau khi quét mực, mẫu thử phải được kiểm tra bằng mắt. Để tăng tốc độ khô, lau bề mặt bằng da lộn sạch hoặc vật liệu bằng vải không thấm nước.
5.2.1.5.2 Quy trình quét mực
Sau khi mẫu thử được rửa và để khô như mô tả trong 5.2.1.5.1, toàn bộ bề mặt đã hoàn thiện của thiết bị phải được chà xát bằng một miếng bọt biển và một dung dịch 50 % nước uống được và mực màu tương phản tan được trong nước. Mực phải được rửa khỏi bề mặt và sau đó để khô trước khi kiểm tra.
5.2.1.5.3 Kiểm tra bề mặt thiết bị
Bề mặt của thiết bị phải được kiểm tra bằng mắt thường không có khuyết tật từ khoảng cách từ 300 mm đến 600 mm. Nguồn sáng phải tương đương với cường độ chiếu sáng (1 600 ± 500) lx.
5.2.1.6 Kết quả thử nghiệm
Thiết bị không được có vết nứt. Sự xuất hiện của các gờ nối không tạo ra bởi các thử nghiệm vật lý (ví dụ: đến từ khuôn, gắn keo) và sự xuất hiện của dòng chảy bên trong thiết bị là được phép và không được coi là các vết nứt. Không được xảy ra lỗi.
5.2.2 Thử nghiệm tải trọng và biến dạng thẳng
5.2.2.1 Yêu cầu chung
Năm thiết bị được thiết kế để lắp đặt dưới sàn hoặc trên thành bể phải được thử nghiệm.
Một máy thử tải trọng tập trung có thể đọc đến 22 N có bước tăng tối thiểu được trang bị với một dụng cụ theo Hình 5. Tốc độ búa 5,0 mm/min đến 6,5 mm/min phải được sử dụng.
Kích thước tính bằng milimét
Hình 5 – Dụng cụ
5.2.2.2 Phương pháp thử
Sử dụng búa với một “Tấm đệm” có đường kính 50 mm trên mặt búa, và tốc độ búa như được mô tả trong 5.2.2.1, năm thiết bị phải được gắn trên mặt phẳng nằm ngang và được thử nghiệm. “Tấm đệm” phải là miếng cao su dày 6 mm có độ cứng Shore A (60 ± 5). Búa và miếng cao su phải được đặt ở giữa theo thứ tự trên các điểm sau:
– trên mặt thiết bị;
– ở hai điểm nằm giữa điểm trung tâm và rìa;
– ở hai điểm nằm giữa các nẹp tăng cường, nếu có;
– ở hai điểm xa nhất tính từ trụ đỡ bất kỳ.
Một tải được đặt lên mỗi vị trí trên cho đến khi đạt đến (1 300 ± 50) N.
5.2.2.3 Yêu cầu tính năng
Thiết bị không được biến dạng, nứt gãy vĩnh viễn hoặc mất bất kỳ vật liệu nào, ngoại trừ lớp mạ hoặc bề mặt sơn.
5.2.3 Thử nghiệm tải trọng và biến dạng ngang
Các thiết bị được thử nghiệm phải là năm thiết bị đã được thử nghiệm trong 5.2.2. Thử nghiệm này là giống với thử nghiệm tải trọng và biến dạng thẳng trong 5.2.2, ngoại trừ tải là (130 ± 20) N.
Điều này chỉ áp dụng đối với các thiết bị được thiết kế để lắp đặt “Chỉ trên Thành bể” hoặc “Thành bể và Sàn”.
5.2.4 Thử tải trọng tập trung
5.2.4.1 Yêu cầu chung
Các thiết bị được thử nghiệm phải là một bộ năm thiết bị mới.
5.2.4.2 Phương pháp thử
Thiết bị thử nghiệm được sử dụng là cùng một thiết bị và được đặt như mô tả trong 5.2.2, với “Tấm đệm”.
Các thiết bị phải chịu tải trọng bổ sung, với tốc độ 5,0 mm/min đến 6,5 mm/min, cho đến khi búa xuyên qua lớp vỏ/lưới hoặc cho đến khi đạt được giá trị (2 700 ± 50) N.
5.2.4.3 Yêu cầu tính năng
Các thiết bị hút không được mất bất kỳ vật liệu nào, ngoại trừ lớp mạ hoặc bề mặt sơn, khi nhô ra hoặc khi đạt được giá trị (2 700 ± 50) N. Biến dạng vĩnh viễn không được coi là hỏng.
5.2.5 Thử tải cắt
5.2.5.1 Yêu cầu chung
Thử nghiệm này phải áp dụng cho tất cả các thiết bị mà nhô ra 15 mm hoặc nhiều hơn từ bề mặt lắp ráp. Năm thiết bị phải được thử nghiệm.
5.2.5.2 Phương pháp thử
Thiết bị phải được thử nghiệm bằng cách đặt một tải thử nghiệm (650 ± 20) N theo một góc 30° tính từ bề mặt lắp ráp bằng một mặt đặt tải 620 mm2 được phủ một “Tấm Da” 50 mm x 50 mm lên mặt của nó. Năm thiết bị phải được thử nghiệm bằng cách sử dụng máy đặt tải điểm được mô tả trong 5.2.2.1. Nếu có các chi tiết lắp xiết, ba thiết bị phải được thử nghiệm với các chi tiết lắp xiết nằm trên đường thẳng với tải để thử độ bền của chi tiết lắp xiết, và ba thiết bị phải được thử nghiệm với tải đặt ở điểm giữa các chi tiết lắp xiết đối với độ bền chung.
5.2.5.3 Yêu cầu tính năng
Lớp vỏ/lưới phải giữ nguyên vị trí. Thiết bị không được biến dạng, rạn nứt vĩnh viễn hoặc mất bất kỳ vật liệu nào ngoại trừ lớp mạ và bề mặt sơn.
5.2.6 Thử nghiệm va đập điểm và chân không
5.2.6.1 Yêu cầu chung
Thiết bị được thử nghiệm phải được gắn lên một bề mặt nằm ngang và được phủ một lớp màng nhựa dày 0,5 mm hoặc vật liệu thích hợp khác. Đầu ra của thiết bị phải được nối với một hệ thống chân không và nó phải chịu một chân không 1 000 hPa trong (60 ± 5) s. Chân không phải được duy trì trong (300 ± 10) s.
5.2.6.2 Phương pháp kiểm tra
5.6.2.2.1 Thử chân không
Thiết bị được thử nghiệm phải được gắn lên một bề mặt nằm ngang và được phủ một lớp màng nhựa dày 0,5 mm hoặc vật liệu thích hợp khác. Đầu ra của thiết bị phải được nối với một hệ thống chân không và nó phải chịu một chân không 1 000 hPa trong (60 ± 5) s. Chân không phải được duy trì trong (300 ± 10) s.
5.2.6.2.2 Va đập thứ nhất
Sau đó chân không phải được lấy ra, màng nhựa phải được tháo ra, và thiết bị phải bị va đập ở 20,5 ʃ, với một búa thép 2,3 kg, đường kính > 50 mm với một mũi tròn (50 ± 15) mm. Búa phải được thả rơi từ khoảng cách 1 m và thẳng với tâm của thiết bị.
5.2.6.2.3 Va đập thứ hai
Thiết bị được phủ lại với một màng nhựa dày 0,5 mm và phải đặt lên chân không 1 000 hPa trong (60 ± 5) s. Chân không phải được duy trì thêm trong (300 ± 10) s. Đối với quy trình va đập, xem 5.2.6.2.2.
5.2.6.2.4 Quy trình quét mực
Sau khi lấy ra khỏi cơ cấu thử nghiệm, mực tương phản tan được trong nước phải được áp dụng theo 5.2.1.5.2.
5.2.6.2.5 Kiểm tra bề mặt thiết bị
Thiết bị phải được kiểm tra các vết rạn nứt, vỡ, hoặc gãy theo 5.2.1.5.3.
5.3 Thử nghiệm kẹt tóc
5.3.1 Áp dụng
Thử nghiệm kẹt tóc có thể được sử dụng như một thử nghiệm dưới các điều kiện lắp đặt “tại hiện trường” hoặc như một thử nghiệm thiết kế trong phòng thử nghiệm.
5.3.2 Thiết bị thử nghiệm
Một bộ tóc giả làm từ 50 g chất liệu tự nhiên hoặc chất liệu tổng hợp chất lượng tốt, xoăn nhẹ hoặc thẳng, dài 400 mm. Bộ tóc giả phải trong điều kiện tốt, không bị rối và chân sợi tóc không được lởm chởm.
Một phía của bộ tóc giả phải được gắn với một cái que có đường kính từ 25 mm đến 30 mm. Chiều dài que phải phù hợp với tình huống thử nghiệm > 300 mm.
Một lực kế với độ chính xác 0,5 N phải được sử dụng để xác định lực kéo khi tóc bị vướng.
Đối với thử nghiệm thiết kế trên mẫu thử, các yêu cầu bổ sung sau đây phải được đáp ứng:
– một bình chứa đủ sâu để cung cấp tối thiểu 300 mm nước phía trên phần trên cùng của thiết bị, cũng như,
– một máy bơm có khả năng tạo một tốc độ chảy lớn hơn ít nhất 25 % so với tốc độ chảy khuyến nghị của nhà sản xuất thiết bị.
5.3.3 Phương pháp thử
5.3.3.1 Thử nghiệm tại hiện trường
Đối với thử nghiệm tại hiện trường, bể bơi phải ở trong trạng thái vận hành hoàn toàn. Thử nghiệm có thể được thực hiện từ rìa dòng chảy, bề mặt nước hoặc bằng thiết bị lặn hoặc thiết bị máy móc, nếu thiết bị bể bơi được thử nghiệm được đặt:
a) < 500 mm bên dưới bề mặt nước, thử nghiệm phải được thực hiện với thiết bị thích hợp;
b) 500 mm đến 2 000 mm bên dưới bề mặt nước, thử nghiệm phải được thực hiện dựa trên tầm nhìn rõ ràng, dưới một số trường hợp được đảm bảo bởi thiết bị thích hợp;
c) > 2 000 mm bên dưới bề mặt nước, thử nghiệm phải được thực hiện với thiết bị lặn hoặc thiết bị máy móc.
Thấm ướt tóc trong ít nhất 2 min trong bể nước. Sau khi được thấm đẫm, đặt đầu tự do của tóc xấp xỉ 300 mm phía trước của thiết bị và phía trên bề mặt trên cùng của mặt thiết bị (xem Hình 6).
Từ từ di chuyển đuôi tóc vào gần thiết bị và đưa số lượng nhiều nhất có thể đuôi tóc vào trong thiết bị theo hướng dòng chảy hút vào. Tiếp tục từ từ đưa tóc vào bằng cách di chuyển cái que từ phía này sang phía kia trong khi rút ngắn mỗi lần đi qua ít nhất 1 min cho đến khi lý tưởng là ít nhất 50 % chiều dài bị hút vào. Trong mọi trường hợp chiều dài thích hợp để phát hiện sự xuất hiện dòng chảy xoáy đằng sau lưới chắn phải được đưa vào. Sau đó đặt phần tóc còn lại vào thiết bị, theo cách mà tóc vẫn duy trì sự tiếp xúc với nó trong ít nhất 30 s.
Bề mặt của thiết bị phải được chia thành các vùng vào khoảng 50 cm x 50 cm. Tại trung tâm của mỗi vùng và phía trên đường ống, nơi có tốc độ nước lớn nhất, một thử nghiệm phải được thực hiện. Thử nghiệm là đạt nếu tóc không bị hút vào hố thu nước. Với máy bơm vẫn hoạt động, thử nghiệm lực kéo cần thiết để giải phóng tóc ra khỏi thiết bị. Đo lực để giải phóng tóc khỏi bị vướng.
Lặp lại thử nghiệm 3 lần đối với từng khu vực được xác định trước đó. Đối với các thiết bị có tấm đục lỗ, lưới chắn, ví dụ với bề mặt lớn hơn, di chuyển đuôi tóc qua lại trên toàn bộ bề mặt. Phát hiện nếu bộ tóc giả bị hút. Trừ khi các lỗ hút cung cấp các khe không thể tránh được giữa lưới chắn và sàn hoặc thành bể hoặc giữa lưới chắn và khung, mà không thể bị bịt kín, xem Phụ lục C.
Nếu một thiết bị thực hiện nhiều hơn một điểm hút, thử nghiệm phải được thực hiện ở tốc độ dòng chảy lớn nhất có thể.
Chải tóc định kỳ, để giữ tóc không bị rối.
Nếu xuất hiện các khe liên quan đến điểm hút, xem Phụ lục C.
5.3.3.2 Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm
Thử nghiệm một nhóm 10 mẫu thử của thiết bị. Lắp đặt thiết bị được thử nghiệm vào thành bể hoặc vào bình chứa và nối nó với máy bơm theo khuyến nghị của nhà sản xuất. Đổ nước vào bình chứa đến mực nước 300 mm phía trên phần cao nhất của thiết bị, kích hoạt bơm và điều chỉnh dòng chảy theo tốc độ dòng chảy khuyến nghị của nhà sản xuất.
Thấm ướt tóc trong ít nhất 2 min trong nước thử nghiệm. Sau khi được thấm đẫm, đặt đầu tự do của tóc xấp xỉ 300 mm phía trước của thiết bị và phía trên bề mặt trên cùng của mặt thiết bị (xem Hình 6b)).
Từ từ di chuyển đuôi tóc vào gần thiết bị và đưa đuôi tóc vào trong thiết bị theo hướng dòng chảy hút vào. Tiếp tục từ từ đưa tóc vào bằng cách di chuyển cái que từ phía này sang phía kia trong khi rút ngắn mỗi lần đi qua ít nhất 2 min. Sau đó đặt tóc vào thiết bị trong ít nhất 30 s (xem Hình 6c)).
Bề mặt của thiết bị phải được chia thành các vùng vào khoảng 50 cm x 50 cm. Tại trung tâm của mỗi vùng và phía trên đường ống, nơi có tốc độ nước lớn nhất, một thử nghiệm phải được thực hiện. Thử nghiệm là đạt nếu tóc không bị hút vào hố thu nước. Với máy bơm vẫn hoạt động, thử nghiệm lực kéo cần thiết để giải phóng tóc ra khỏi thiết bị. Đo lực để giải phóng tóc khỏi bị vướng.
Lặp lại thử nghiệm 3 lần đối với từng khu vực được xác định trước đó. Đối với các thiết bị có tấm đục lỗ, lưới chắn, ví dụ với bề mặt lớn hơn, di chuyển đuôi tóc qua lại trên toàn bộ bề mặt. Phát hiện nếu bộ tóc giả bị hút.
Chải tóc định kỳ, để giữ tóc không bị rối.
5.3.4 Đánh giá
Các kết quả đo của tất cả các mục mà xác định kết quả thử nghiệm phải được ghi lại.
VÍ DỤ:
– mỗi thử nghiệm đơn;
– điều chỉnh bơm;
– kích cỡ bơm;
– thiết bị đường ống.
Tính đến khối lượng của bộ tóc giả đã thấm đẫm nước, thiết bị đạt thử nghiệm khi trên tất cả các thử nghiệm, lực kéo là < 15 N.
Tính đến khối lượng của bộ tóc giả đã thấm đẫm nước, thiết bị không đạt thử nghiệm khi trên một thử nghiệm bất kỳ, lực kéo là > 15 N.
CHÚ THÍCH: Nếu một thiết bị được phê duyệt thiết kế, thì không cần thiết một thử nghiệm bổ sung tại hiện trường. Vì các điều kiện lắp đặt và vận hành bể có thể khác nhau so với các điều kiện thử nghiệm, một thử nghiệm cuối cùng tại hiện trường được khuyến nghị.
6 Tài liệu
Nhà sản xuất phải chỉ ra ít nhất những điều sau đây, nếu có thể:
a) chức năng;
b) tốc độ dòng nước cho phép tối đa;
c) (các) kích thước của (các) ống được lắp;
d) kích thước hố thu nước;
e) sự toàn vẹn kết cấu;
f) tỷ lệ chống trượt;
g) tuổi thọ.
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ DẪN:
1 | Thiết bị hút | 4 | Que |
2 | Mực nước | 5 | Mẫu tóc |
3 | Gắn động lực kế | 6 | Đuôi tóc |
Hình 6 – Các giai đoạn thử nghiệm kẹt tóc
Phụ lục A
(Tham khảo)
Thử nghiệm tắc nghẽn đối với lưới chắn của đầu hút nước ra trên sàn
A.1 Yêu cầu chung
Tất cả đầu hút nước ra trên sàn phải được thử nghiệm lắp đặt theo phương ngang.
A.2 Thiết bị thử nghiệm
Thiết bị thử nghiệm gồm một tấm xốp nhựa đàn hồi có các ô kín với đặc tính sau:
– độ bền cơ học (60 ± 20) kPa ở 50 % – độ biến dạng tương đối khi bị nén phù hợp với NF R 99-211;
– tỷ trọng (80 ± 20) kg/m3;
– độ dày mm;
– hình bầu dục, được làm bằng cách xếp chồng hai đĩa bán kính 95 mm với tâm bán kính ở một phía và nối chúng lại với nhau bằng tiếp tuyến chung (xem Hình A.1).
Kích thước tính bằng milimét
Hình A.1 – Hình dạng của thiết bị thử nghiệm
– khối lượng của thiết bị thử nghiệm phải là (2,8 ± 0,1) kg; khối lượng của tấm thép bên dưới nên được điều chỉnh đến khối lượng của tấm xốp để phù hợp với giá trị khối lượng tổng;
– một tấm thép có cùng hình dạng với tấm xốp, với chiều dày vào khoảng 10 mm; mục đích của tấm này là để làm cứng thiết bị kiểm tra và tăng tỷ trọng trung bình của nó sao cho khi thiết bị thử nghiệm được chìm trong nước, nó gây ra một lực kéo thẳng đứng xuống dưới nhỏ hơn 5 N. Tấm thép nen được lắp với bốn bu-lông vòng.
CHÚ DẪN:
1 vòng 2 tấm thép 3 tấm xốp
Hình A.2 – Cụm thiết bị thử nghiệm
CHÚ THÍCH: Một đứa trẻ 8 tuổi được sử dụng để tham chiếu cho cụm thử nghiệm trong Phụ lục này, vì nhóm này được chứng minh thống kê là tiếp xúc nhiều hơn với rủi ro bị hút.
Tấm xốp và tấm thép được gắn cố định vào nhau (xem Hình A.2).
Thiết bị thử nghiệm này được nối với một động lực kế bằng bốn dây dài 500 mm không đàn hồi, và động lực kế được nối với thiết bị kéo (xem Hình A.3).
CHÚ DẪN:
1 thiết bị kéo
2 cảm biến lực
3 thiết bị thử nghiệm
Hình A.3 – Vòng thử nghiệm
A.3 Dòng nước
Thử nghiệm nên được thực hiện trong các điều kiện (ví dụ: tốc độ dòng chảy) được quy định bởi nhà sản xuất thông qua thiết bị hút được thử nghiệm và áp suất giảm ít nhất 90 kPa khi thiết bị bị tắc.
A.4 Quy trình
Lắp đặt hệ thống trong bể thử nghiệm trong điều kiện sử dụng bình thường, bao gồm tốc độ dòng chảy được quy định bởi nhà sản xuất. Hệ thống hút nên được đặt chìm trong nước sâu 75 mm được đo theo chiều thẳng đứng tính từ bề mặt lắp đặt của thiết bị hút: đặt thiết bị kiểm tra lên trên thiết bị hút với máy bơm tắt. Bật máy bơm; và sau 5 s từ từ tạo một lực thẳng đứng lên trên cho đến giá trị lớn nhất 300 N và giữ nó trong 5 s.
A.5 Đánh giá
Thử nghiệm là đạt khi dưới tải yêu cầu, thiết bị thử nghiệm có thể tách ra khỏi hệ thống hút.
Phụ lục B
(Tham khảo)
Tốc độ nước
B.1 Quy định chung
Bên cạnh thử nghiệm kẹt tóc (xem 5.3), tốc độ nước qua mặt cắt của một lưới chắn đầu ra có thể là tiêu chí để đánh giá sự an toàn của bộ phận hút.
Thêm vào đó, tốc độ nước có thể là cơ sở để thiết kế kết cấu của lưới chắn đầu ra.
CHÚ THÍCH: Lực kéo để giải phóng tóc bị kẹt không nên được lấy làm tiêu chí để thiết kế lưới chắn đầu ra.
Thiết kế và đánh giá chỉ dựa trên tốc độ nước là không được phép.
B.2 Phương pháp tính
Đối với thiết kế hoặc đánh giá các lưới chắn đầu ra mới hoặc đang có, tốc độ nước trung bình qua tiết diện mở của lưới chắn đầu ra có thể được tính bằng phương trình sau:
(B.1)
trong đó
A là lỗ hở [cm2], được tính bằng cách sử dụng:
(B.2)
Q là tốc độ dòng chảy qua lỗ hở của lưới chắn [m3/h];
1,2 là hệ số có tính đến mảnh vụn và dung sai kết cấu [-];
Vmax là tốc độ nước cho phép lớn nhất trong lỗ hở của lưới chắn.
Các giá trị 10 000 và 3 600 được chuyển đổi từ [m2] sang [cm2] và [1/h] sang [1/s].
B.3 Phương pháp thử
B.3.1 Thiết bị thử nghiệm
Đối với phép đo tốc độ nước trong ống, lưu lượng kế nội tuyến hoặc lưu lượng kế lắp ngoài (tức là phép đo lưu lượng bằng siêu âm) với độ chính xác 0,05 m/s là thích hợp.
Khi phép đo tốc độ nước trực tiếp trong lỗ hở của lưới chắn có thể không chính xác, một báo cáo về mô hình dòng chảy và sự phân bố tốc độ nước qua lưới chắn đầu ra có thể đạt được với một lưu lượng kế thích hợp có độ chính xác 0,05 m/s hoặc bằng một công cụ mô hình hóa máy tính thích hợp.
B.3.2 Quy trình thử nghiệm
Phép đo tốc độ nước trong ống nên được thực hiện ở các vị trí thích hợp – cũng liên quan đến độ dài dòng vào và dòng ra cần thiết đối với lưu lượng kế.
Phép đo tốc độ nước phân bố tại lỗ hở của lưới chắn đầu ra nên được thực hiện trên các vị trí khác nhau, được phân bố đều trên lưới chắn đầu ra.
Lưu lượng kế nên được đặt trực tiếp trên bề mặt qua một lỗ hở.
Nếu hệ thống hút được nối với nhiều hơn một tính năng giả trí bằng nước, sự kết hợp với tốc độ dòng chảy lớn nhất nên luôn được thử nghiệm.
B.3.3 Phân tích
Tất cả các thiết bị có thể ảnh hưởng đến các kết quả thử nghiệm nên được ghi lại, như:
– từng máy bơm;
– điều chỉnh của mỗi máy bơm;
– kích cỡ của mỗi máy bơm;
– yêu cầu kỹ thuật và kích thước của hệ thống đường ống.
Ngoài ra, báo cáo thử nghiệm phải bao gồm:
– mô tả về thiết bị;
– điều chỉnh tại quy trình thử nghiệm;
– các hệ số giả định và hiệu chỉnh được áp dụng cho thử nghiệm.
B.4 Giai đoạn thiết kế
B.4.1 Quy định chung
Bộ phận hút vẫn chưa được lắp đặt hoặc được thiết kế mới hoặc khôi phục lại thiết bị trước đó.
B.4.2 Tính toán
Một giá trị ban đầu đối với tốc độ nước cho phép 0,4 m/s đối với tính toán tiết diện mở cần thiết của lưới chắn đầu ra là đủ trong trường hợp đầu tiên.
B.4.3 Phép đo
Việc đánh giá tốc độ nước của các bộ phận hút được chế tạo công nghiệp và hàng loạt phải được thực hiện bởi nhà sản xuất hoặc thông qua những công ty được chỉ định.
Các bộ phận hút gia công tại hiện trường hoặc các kết cấu đặc biệt nên được thử nghiệm tại hiện trường trước khi nghiệm thu.
B.5 Các điểm hút khi vận hành
B.5.1 Quy định chung
Các điểm hút được hoàn thiện kỹ thuật và vận hành trong quá trình sử dụng công cộng.
B.5.2 Tính toán
Tốc độ nước ở một điểm hút cho trước có thể được tính khi xem xét dữ liệu/tiêu chí sau:
– chi tiết về bộ phận hút của nhà sản xuất (kích thước, diện tích lỗ);
– đặc tính bơm;
– tốc độ dòng chảy vận hành tại một áp suất cho trước; tốc độ dòng chảy lớn nhất phải được xem xét.
Nhiều điểm hút được nối với một đường ống hút đòi hỏi phép đo bổ sung để kiểm tra sự phân bố đều của tổng tốc độ dòng chảy tới mỗi điểm. Phép đo tốc độ nước tại mỗi điểm hút với một lưu lượng kế là thích hợp.
B.5.3 Phép đo
Việc đánh giá tốc độ nước tại bộ phận hút đã được lắp phải được thực hiện theo B.3 trong phép đo cụ thể tốc độ nước trong ống tương ứng với tốc độ dòng chảy trong ống.
Phụ lục C
(Quy định)
Kẹt tóc trong khe hở
C.1 Thiết bị thử
Một bộ tóc giả làm từ 50 g chất liệu tự nhiên hoặc chất liệu tổng hợp có chất lượng tốt, xoăn nhẹ hoặc thẳng, dài 400 mm. Bộ tóc giả phải trong điều kiện tốt, không bị rối và chân sợi tóc không được lởm chởm.
Một đầu của bộ tóc giả phải được gắn với một cái que có đường kính từ 25 mm đến 30 mm. Chiều dài que phải phù hợp với tình huống thử nghiệm ≥ 300 mm.
Một động lực kế có độ chính xác 0,5 N phải được sử dụng để xác định lực kéo khi tóc bị vướng.
C.2 Phương pháp thử
Thấm ướt tóc ít nhất 2 min trong nước thử nghiệm. Sau khi được thấm ướt, di chuyển phần đuôi tóc qua lại và vào trong lớp bảo vệ khe hở. Lặp lại thử nghiệm này 3 lần.
Trong trường hợp các khe hở có liên quan đến điểm hút, che phủ hoặc bao xung quanh cửa chính để tăng hiệu ứng hút tại khe.
Thử lực kéo cần thiết để giải phóng tóc khỏi bị vướng. Đo lực cần thiết để giải phóng bộ tóc giả khỏi bị vướng bằng cách kéo động lực kế và que theo phương thẳng đứng. Chải tóc định kỳ để tóc không bị rối.
C.3 Đánh giá
Tính đến khối lượng của bộ tóc giả đã thấm đẫm nước, lớp bảo vệ đạt thử nghiệm khi cả 3 phép thử đạt lực kéo cần thiết < 15 N.
Tính đến khối lượng của bộ tóc giả đã thấm đẫm nước, thiết bị không đạt thử nghiệm khi có một trong 3 phép thử đạt lực kéo cần thiết ≥ 15 N.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] NF R 99-211, Flexible cellular materials – Classification – Symbolisation – Characteristics.
[2] ANSI/NSPI-1 2003, Public Swimming Pools.
[3] ASME A 112.19.17, American Society of Mechanical Engineers – 2002.
[4] NSF+ANSI+50:2007, Circulation System Components and Related Materials for Swimming Pools, Spas/Hot Tubs.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 12187-3:2018 (EN 13451-3:2011 + A3:2016) VỀ THIẾT BỊ BỂ BƠI – PHẦN 3: YÊU CẦU AN TOÀN CỤ THỂ BỔ SUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ ĐỐI VỚI CỬA HÚT, XẢ NƯỚC/KHI PHỤC VỤ CÁC TÍNH NĂNG VUI CHƠI GIẢI TRÍ DƯỚI NƯỚC | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN12187-3:2018 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Lĩnh vực khác |
Ngày ban hành | 01/01/2018 |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |