TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 5438:2016 VỀ XI MĂNG – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
TCVN 5438:2016
XI MĂNG – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
Cement – Terminology and definition
Lời nói đầu
TCVN 5438:2016 thay thế TCVN 5438:2004.
TCVN 5438:2016 do Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
XI MĂNG – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
Cement – Terminology and definition
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các thuật ngữ và định nghĩa liên quan đến loại, thành phần và tính chất kỹ thuật của xi măng.
2 Thuật ngữ, định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa sau:
2.1 Các thuật ngữ liên quan đến tên gọi các loại xi măng
2.1.1
Xi măng (Hydraulic cement)
Chất kết dính thủy ở dạng bột mịn, khi trộn với nước thành dạng hồ dẻo có khả năng đóng rắn trong không khí và nước nhờ phản ứng hóa lý, thành vật liệu dạng đá.
2.1.2
Xi măng alumin (Calcium aluminate cement)
Xi măng (2.1.1) được nghiền từ clanhke xi măng alumin (2.2.2) có hoặc không có phụ gia.
2.1.3
Xi măng belit (Belite cement)
Xi măng (2.1.1) được nghiền từ clanhke xi măng (2.2.1) có hàm lượng khoáng belit trên 40 %.
2.1.4
Xi măng đa cấu tử (Composite cement)
Chất kết dính thủy, được sản xuất bằng cách nghiền mịn hỗn hợp clanhke xi măng poóc lăng (2.2.3) và phụ gia khoáng (2.2.12) với lượng thạch cao cần thiết hoặc bằng cách trộn đều hỗn hợp các phụ gia khoáng đã nghiền mịn với xi măng poóc lăng, trong đó tổng hàm lượng phụ gia khoáng từ trên 40 % đến 80 % theo khối lượng xi măng. Có thể sử dụng phụ gia công nghệ (2.2.10) (nếu cần) trong quá trình nghiền.
2.1.5
Xi măng đóng rắn nhanh (Rapid hardenning hydraulic cement)
Xi măng (2.1.1) hoặc xi măng hỗn hợp, có hoặc không có thành phần khác, phụ gia công nghệ, phụ gia chức năng, phát triển cường độ nhanh trong 24 h đầu hydrat hóa.
2.1.6
Xi măng giếng khoan dầu khí (Oil well cement)
Xi măng poóc lăng (2.1.9) để bơm trám các giếng khoan dầu khí.
2.1.7
Xi măng kỵ ẩm (Hydrophobic cement)
Xi măng (2.1.1) chậm hút ẩm do có chứa phụ gia kỵ ẩm.
2.1.8
Xi măng nở (Expansive cement)
Xi măng (2.1.1) có khả năng tăng thể tích theo quy định trong quá trình thủy hóa và đóng rắn.
2.1.9
Xi măng poóc lăng (Portland cement)
Xi măng (2.1.1) được nghiền mịn từ clanhke xi măng poóc lăng (2.2.3) với lượng thạch cao cần thiết. Có thể sử dụng phụ gia công nghệ (2.2.10) nhưng không quá 1 % so với khối lượng clanhke.
2.1.10
Xi măng poóc lăng bền sulfat (Sulfate – resistant portland cement)
Xi măng poóc lăng (2.1.9) khi đóng rắn có khả năng hạn chế tác động xâm thực của môi trường sulfat.
2.1.11
Xi măng poóc lăng đóng rắn nhanh (Rapid hardenning portland cement)
Xi măng poóc lăng (2.1.9) phát triển cường độ cao ở tuổi sớm.
2.1.12
Xi măng poóc lăng hỗn hợp (Blended portland cement)
Xi măng poóc lăng (2.1.9) có phụ gia khoáng. Loại và lượng phụ gia khoáng sử dụng theo quy định của tiêu chuẩn tương ứng.
2.1.13
Xi măng poóc lăng hỗn hợp bền sulfat (Sulfate-resistant blended portland cement)
Xi măng poóc lăng hỗn hợp (2.1.12), xi măng poóc lăng xỉ lò cao (2.1.19), xi măng đa cấu tử (2.1.4) khi đóng rắn có khả năng hạn chế tác động xâm thực của môi trường sulfat.
2.1.14
Xi măng poóc lăng hỗn hợp ít tỏa nhiệt (Low heat blended portland cement)
Xi măng poóc lăng hỗn hợp (2.1.12), xi măng poóc lăng xỉ lò cao (2.1.19) hoặc xi măng đa cấu tử (2.1.4) khi đóng rắn có lượng nhiệt tỏa ra ít hơn xi măng thông dụng được quy định theo tiêu chuẩn tương ứng.
2.1.15
Xi măng poóc lăng ít kiềm (Low alkali portland cement)
Xi măng (2.1.1) chứa hàm lượng kiềm quy đổi (2.3.15) không lớn hơn 0,6 %.
2.1.16
Xi măng poóc lăng ít tỏa nhiệt (Low heat portland cement)
Xi măng poóc lăng (2.1.9) có lượng nhiệt tỏa ra trong quá trình đóng rắn ít hơn xi măng poóc lăng thông dụng và được quy định theo tiêu chuẩn tương ứng.
2.1.17
Xi măng poóc lăng puzolan (Pozzolan portland cement)
Xi măng poóc lăng (2.1.9) chỉ có phụ gia puzolan. Lượng phụ gia sử dụng theo quy định của tiêu chuẩn tương ứng.
2.1.18
Xi măng poóc lăng trắng (White portland cement)
Xi măng poóc lăng hỗn hợp (2.1.12) được nghiền từ clanhke xi măng poóc lăng trắng (2.2.4) với thạch cao, có thể có phụ gia trắng.
2.1.19
Xi măng poóc lăng xỉ lò cao (Blast-furnace slag portland cement)
Xi măng poóc lăng hỗn hợp (2.1.12) chỉ có phụ gia xỉ hạt lò cao. Lượng xỉ hạt lò cao sử dụng theo quy định của tiêu chuẩn tương ứng.
2.1.20
Xi măng thông dụng (Common cement)
Xi măng (2.1.1) sử dụng trong xây dựng dân dụng và các công trình không có yêu cầu gì đặc biệt.
2.1.21
Xi măng xây trát (Masonry cement)
Chất kết dính thủy dạng bột mịn, thành phần gồm clanhke xi măng poóc lăng (2.2.3) và phụ gia khoáng (2.2.12), có thể có phụ gia hữu cơ. Khi nhào trộn với cát và nước thu được vữa tươi có tính công tác phù hợp để xây và trát.
2.2 Các thuật ngữ liên quan đến thành phần xi măng
2.2.1
Clanhke xi măng (Cement, clinker)
Sản phẩm chứa các pha (2.2.8) hoặc các khoáng (2.2.6) có hoạt tính thủy lực, thu được bằng cách nung đến kết khối hay nóng chảy hỗn hợp các nguyên liệu xác định (phối liệu).
2.2.2
Clanhke xi măng alumin (Calcium aluminate cement clinker)
Clanhke xi măng (2.2.1) có chứa chủ yếu các khoáng calci aluminat độ kiềm thấp.
2.2.3
Clanhke xi măng poóc lăng (Portland cement clinker)
Clanhke xi măng (2.2.1) có chứa chủ yếu các khoáng calci silicat, calci aluminat và calci fero aluminat với tỷ lệ xác định.
2.2.4
Clanhke xi măng poóc lăng trắng (White portland cement clinker)
Clanhke xi măng poóc lăng (2.2.3) có màu trắng được sản xuất từ nguyên liệu chứa ít sắt oxide.
2.2.5
Clanhke xi măng sulfat hóa (Sulfated cement clinker)
Clanhke xi măng (2.2.1) có chứa chủ yếu các khoáng calci sulfo aluminat và calci sulfo silicat.
2.2.6
Khoáng clanhke (Clinker mineral)
Khoáng tổng hợp chiếm thành phần chính trong clanhke, được hình thành trong quá trình nung clanhke.
2.2.7
Nhôm oxide hoạt tính (Reactive alumina)
Nhôm oxide trong phụ gia khoáng (2.2.12) có khả năng phản ứng với calci hydroxide và nước tạo thành các sản phẩm hydrat có cường độ.
2.2.8
Pha clanhke (Phase of clinker)
Các hợp phần tạo thành clanhke ở dạng dung dịch rắn trên cơ sở các khoáng clanhke (2.2.6), pha thủy tinh và các oxide riêng biệt.
2.2.9
Phụ gia chức năng (Functional admixture)
Phụ gia được đưa vào xi măng để thay đổi một số tính chất của xi măng khi sử dụng (ví dụ: chất tạo bọt, chất cuốn khí, v.v…).
2.2.10
Phụ gia công nghệ (Processing admixture)
Phụ gia được đưa vào trong quá trình nghiền để cải thiện quá trình công nghệ, tính chất của sản phẩm (ví dụ: chất trợ nghiền, kỵ ẩm, v.v…).
2.2.11
Phụ gia đầy (Filler)
Phụ gia khoáng (2.2.12) được đưa vào xi măng ở dạng nghiền mịn, chủ yếu để cải thiện thành phần cỡ hạt và cấu trúc đá xi măng.
2.2.12
Phụ gia khoáng (Mineral additive)
Vật liệu vô cơ thiên nhiên hoặc nhân tạo đưa vào xi măng ở dạng nghiền mịn để đạt được chỉ tiêu chất lượng yêu cầu và không gây ảnh hưởng xấu đến tính chất của xi măng, bê tông và cốt thép.
Phụ gia khoáng được chia làm 2 loại: Phụ gia đầy (2.2.11) và phụ gia khoáng hoạt tính (2.2.14).
2.2.13
Phụ gia khoáng hóa (Mineralization additive)
Hợp chất có trong tự nhiên hoặc nhân tạo được đưa vào phối liệu để thúc đẩy sự hình thành các khoáng của clanhke trong quá trình nung.
2.2.14
Phụ gia khoáng hoạt tính (Active mineral additive)
Phụ gia khoáng (2.2.12) có hoạt tính thủy lực (2.3.23) hoặc hoạt tính puzolan (2.3.22) được đưa vào xi măng ở dạng nghiền mịn.
2.2.15
Phụ gia kỵ ẩm (Hydrophobic admixture)
Phụ gia công nghệ (2.2.10) được đưa vào trong quá trình nghiền xi măng tạo thành màng bao quanh hạt xi măng, làm giảm tính hút ẩm của xi măng, nhờ đó kéo dài thời gian bảo quản xi măng.
2.2.16
Phụ gia puzolan (Pozzolanic additive)
Phụ gia khoáng (2.2.12) có hoạt tính puzolan (2.3.22) được đưa vào xi măng ở dạng nghiền mịn.
2.2.17
Phụ gia trắng (White additive)
Phụ gia khoáng (2.2.12) có màu trắng được đưa vào xi măng ở dạng nghiền mịn nhằm cải thiện độ trắng của xi măng trắng.
2.2.18
Phụ gia trợ nghiền (Grinding admixture)
Phụ gia công nghệ (2.2.10) được đưa vào trong quá trình nghiền nhằm cải thiện quá trình nghiền.
2.2.19
Phụ gia xi măng (Cement additive)
Vật liệu đưa vào xi măng nhằm đạt được các chỉ tiêu chất lượng nhất định.
2.2.20
Silic oxide hoạt tính (Reactive silica)
Silic oxide trong phụ gia khoáng (2.2.12) có khả năng phản ứng với calci hydroxide và nước tạo thành các sản phẩm hydrat có cường độ.
2.2.21
Thành phần hóa clanhke (Chemical composition of clinker)
Hàm lượng các oxide kim loại và thành phần khác cấu thành clanhke được xác định bằng phương pháp phân tích hóa học, hóa lý hoặc vật lý.
2.2.22
Thành phần khoáng clanhke (Mineral composition of clinker)
Hàm lượng các khoáng chủ yếu cấu thành clanhke xi măng được xác định bằng tính toán dựa trên thành phần hóa clanhke hoặc bằng phương pháp phân tích hóa lý hoặc vật lý.
2.2.23
Thành phần pha clanhke (Phase composition of clinker)
Hàm lượng các pha chính của clanhke được xác định bằng các phương pháp phân tích hóa lý.
2.2.24
Xỉ lò cao hạt hóa (Granulated blast furnace slag)
Sản phẩm phụ của quá trình luyện gang, có dạng hạt nhỏ, thu được sau khi làm lạnh nhanh xỉ nóng chảy bằng nước hoặc không khí.
2.3 Các thuật ngữ liên quan đến tính chất kỹ thuật của xi măng
2.3.1
Ăn mòn đá xi măng (Deterioration of hardened cement paste)
Quá trình suy giảm chất lượng của đá xi măng (2.3.3) do tác động xâm thực của môi trường.
2.3.2
Chỉ số hoạt tính cường độ của phụ gia khoáng (Strength activity index of mineral additive)
Tỷ số giữa cường độ của xi măng có chứa phụ gia khoáng và của xi măng không chứa phụ gia khoáng ở tuổi xác định theo các tiêu chuẩn tương ứng.
2.3.3
Đá xi măng (Hardened cement paste)
Vật liệu cứng hình thành sau khi hồ xi măng đóng rắn.
2.3.4
Độ bền xâm thực (Resistance to chemical deterioration)
Khả năng của đá xi măng (2.3.3) bền trong môi trường xâm thực.
2.3.5
Độ chảy tỏa của hồ xi măng (Spread of cement paste)
Đại lượng biểu thị sự lan tỏa của hồ xi măng trên bề mặt phẳng, xác định bằng côn tiêu chuẩn trong điều kiện tiêu chuẩn.
2.3.6
Độ chảy tỏa của vữa xi măng (Spread of cement mortar)
Đại lượng biểu thị sự lan tỏa của vữa xi măng trên bề mặt phẳng, xác định bằng dụng cụ tiêu chuẩn trong điều kiện tiêu chuẩn.
2.3.7
Độ co của hồ xi măng (Shrinkage of cement paste)
Đại lượng biểu thị mức độ giảm thể tích của hồ xi măng trong quá trình đóng rắn.
2.3.8
Độ co khô của vữa (Drying shrinkage of mortar)
Đại lượng biểu thị mức độ giảm chiều dài của mẫu vữa xi măng đóng rắn trong điều kiện môi trường khô.
2.3.9
Độ dẻo tiêu chuẩn (Normal consistency)
Đại lượng đặc trưng cho độ dẻo của hồ xi măng biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm giữa khối lượng nước so với khối lượng xi măng, được xác định theo tiêu chuẩn.
2.3.10
Độ mịn xi măng (Fineness)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ nghiền mịn của xi măng được xác định theo phương pháp tiêu chuẩn.
2.3.11
Độ nở của hồ xi măng (Expansion of cement paste)
Đại lượng biểu thị mức độ tăng thể tích của hồ xi măng trong quá trình đóng rắn.
2.3.12
Độ ổn định thể tích (Soundness)
Giới hạn độ nở của hồ xi măng đóng rắn được xác định theo phương pháp tiêu chuẩn.
2.3.13
Độ tách nước (Bleeding)
Lượng nước tách ra trên bề mặt hồ xi măng sau khoảng thời gian lưu mẫu xác định.
2.3.14
Độ trắng của xi măng trắng (Whiteness)
Đại lượng đặc trưng cho mức độ trắng của xi măng so với độ trắng tuyệt đối.
2.3.15
Hàm lượng kiềm quy đổi (Equivalent alkalies content)
Tổng hàm lượng kiềm tính quy đổi thành Na2O theo công thức: Na2Oqđ = %N Na2O + 0,658 x %K2O
2.3.16
Hàm lượng sulfur trioxide (SO3) tối ưu (Optimum SO3 content)
Hàm lượng SO3 trong xi măng để vữa xi măng đạt cường độ nén cao nhất ở một tuổi nhất định.
2.3.17
Hiện tượng đông cứng sớm (Early stiffening)
Hiện tượng hồ hoặc vữa xi măng mất độ dẻo nhanh. Bao gồm hiện tượng đông kết giả và đông kết tức thời.
2.3.18
Hiện tượng đông kết giả (False set)
Hiện tượng mất tính dẻo tức thời của hồ xi măng ngay sau khi dừng quá trình trộn với nước, có thể khắc phục bằng tác động cơ học.
2.3.19
Hiện tượng đông kết tức thời (Flash set)
Hiện tượng mất tính dẻo tức thời của hồ xi măng ngay sau khi dừng quá trình trộn với nước, không thể khắc phục bằng tác động cơ học.
2.3.20
Hoạt tính cường độ của clanhke (Strength activity of clinker)
Cường độ nén ở tuổi 28 ngày của mẫu thử là hỗn hợp có độ mịn nhất định gồm clanhke và một lượng thạch cao cần thiết, xác định theo phương pháp tiêu chuẩn.
2.3.21
Hoạt tính cường độ của xi măng (Strength activity of cement)
Cường độ nén thực tế của mẫu xi măng được xác định theo phương pháp chuẩn.
2.3.22
Hoạt tính puzolan của phụ gia khoáng (Pozzolanic activity of mineral additive)
Khả năng phản ứng với calci hydroxit và nước ở nhiệt độ thường của phụ gia khoáng hoạt tính (2.2.14) tạo thành các sản phẩm hydrat có cường độ.
2.3.23
Hoạt tính thủy lực (Hydraulic activity)
Khả năng của vật liệu sau khi trộn với nước, đóng rắn và bền trong nước.
2.3.24
Hồ xi măng (Cement paste)
Hỗn hợp dẻo của xi măng với nước.
2.3.25
Mác xi măng (Grade)
Ký hiệu quy ước biểu thị cường độ nén tối thiểu của xi măng, đánh giá theo phương pháp tiêu chuẩn. Xi măng đạt mác quy định phải có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn tương ứng.
2.3.26
Nhiệt thủy hóa (Heat of hydration)
Lượng nhiệt tỏa ra trong quá trình xi măng đóng rắn, được xác định theo phương pháp tiêu chuẩn.
2.3.27
Phản ứng kiềm – silic (Alkali – silica reaction)
Phản ứng giữa kiềm trong xi măng với silic oxit vô định hình tạo ra sản phẩm khi kết hợp với nước gây trương nở, dẫn đến nứt bê tông.
2.3.28
Sự thủy hóa (Hydration)
Phản ứng hóa học giữa các khoáng trong chất kết dính thủy và nước tạo thành sản phẩm hydrat có cường độ.
2.3.29
Thời gian bắt đầu đông kết (Initial setting time)
Khoảng thời gian từ khi trộn xi măng với nước đến khi hồ xi măng có độ dẻo tiêu chuẩn bắt đầu mất tính dẻo.
2.3.30
Thời gian đặc quánh (Thickening time)
Khoảng thời gian từ khi trộn xi măng với nước cho đến khi độ quánh của hồ xi măng đạt độ nhớt quy định theo tiêu chuẩn.
2.3.31
Thời gian kết thúc đông kết (Final setting time)
Khoảng thời gian từ khi trộn xi măng với nước cho đến khi hồ xi măng có độ dẻo tiêu chuẩn mất hoàn toàn tính dẻo để chuyển sang quá trình đóng rắn.
2.3.32
Vữa xi măng tiêu chuẩn (Standard cement mortar)
Hỗn hợp của xi măng, cát tiêu chuẩn và nước theo tỷ lệ quy định của tiêu chuẩn.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 5438:2016 VỀ XI MĂNG – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN5438:2016 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng |
Ngày ban hành | 01/01/2016 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |