TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11572-1:2016 VỀ GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP – CÂY GIỐNG SỞ – PHẦN 1: SỞ CHÈ
TCVN 11572-1:2016
GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP – CÂY GIỐNG SỞ – PHẦN 1: SỞ CHÈ
Forest cultivar – Camellia sp plant – Part 1: Camellia sasanqua thumb
Lời nói đầu
TCVN 11572-1:2016 do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP – CÂY GIỐNG SỞ – PHẦN 1: SỞ CHÈ
Forest cultivar – Camellia sp plant – Part 1: Camellia sasanqua thumb
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng đối với cây giống loài Sở chè (Camellia sasanqua Thunb.) được tạo bằng phương pháp ghép và giâm hom từ nguồn giống đã được tuyển chọn.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1
Cây trội (Plus tree)
Cây sinh trưởng tốt, tán cân đối, không bị sâu bệnh, có năng suất quả vượt ít nhất 20% so với trung bình quần thể.
2.2
Cây ghép (Grafted tree)
Cây được tạo thành do sự kết hợp giữa gốc ghép với chồi ghép. Các tính chất cơ bản của cây ghép là do chồi ghép mang lại.
2.3
Cây hom (Rooted cutting)
Cây được tạo ra bằng phương pháp giâm hom.
2.4
Chồi ghép (Scion)
Phần đầu cành có đỉnh sinh trưởng lấy từ các cây trội.
2.5
Gốc ghép (Root stock)
Phần thân mang rễ của cây được gieo từ hạt, dùng để tiếp nhận và nuôi dưỡng chồi ghép.
2.6
Hom (Cutting)
Một phần được cắt ra từ cành, từ thân hoặc chồi mà khi tạo ra rễ sẽ thành một cây hoàn chỉnh.
2.7
Trẻ hóa (Rejuvenilization)
Việc tạo ra vật liệu giống trẻ hơn vật liệu ban đầu (cắt cành bánh tẻ hoặc thân cây, nuôi chồi tái sinh đạt tiêu chuẩn để chọn làm chồi ghép hoặc hom tạo cây giống vô tính).
2.8
Lô cây giống (Cultivar lot)
Các cây giống được sản xuất cùng đợt theo cùng một phương pháp gieo tạo và được xuất vườn cùng một đợt.
3 Tiêu chuẩn cây ghép
Bảng 1 – Tiêu chuẩn cây con tạo bằng phương pháp ghép
TT |
Chỉ tiêu |
Yêu cầu kỹ thuật |
1 |
Hạt giống tạo gốc ghép | Thu hái từ các cây mẹ trưởng thành, sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh. |
2 |
Túi bầu | Làm bằng Polyetilen có đường kính từ 9÷10cm và chiều cao từ 12÷15cm, đáy hoặc quanh thân túi bầu có đục lỗ |
3 |
Gốc ghép | Được tạo từ hạt gieo trong túi bầu, sau khi nảy mầm từ 30÷45 ngày tuổi, có đường kính gốc từ 0,2÷0,4cm chiều cao 5÷10 cm tính từ cổ rễ. |
4 |
Chồi ghép | Được lấy trên các cây trội từ 12÷30 năm tuổi, có đường kính từ 0,2÷0,4cm (tương thích với gốc ghép), chiều dài từ 3÷4cm, có từ 2÷3 mắt lá. |
5 |
Cây ghép | Từ 12÷15 tháng tuổi, có đường kính gốc từ 0,3÷0,7cm; chiều cao chồi ghép từ 25÷40cm, vết ghép giữa chồi ghép và gốc ghép đã liền sẹo; cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh, không bị vóng lướt, không bị vỡ bầu, lá có màu xanh nhạt đến hơi đậm. |
4 Tiêu chuẩn cây hom
Bảng 2 – Tiêu chuẩn cây con tạo bằng phương pháp giâm hom
TT |
Chỉ tiêu |
Yêu cầu kỹ thuật |
1 |
Vật liệu giâm hom | Cành hoặc chồi đã trẻ hóa dạng bánh tẻ được 1÷2 năm tuổi từ các cây trội, mỗi đoạn hom dài 5÷10 cm có 3÷4 mắt lá. |
2 |
Túi bầu | Làm bằng Polyetilen có đường kính từ 9÷10cm và chiều cao từ 12÷15cm, đáy hoặc quanh thân túi bàu có đục lỗ. |
3 |
Cây hom | Từ 15÷18 tháng tuổi, có chiều cao từ 25÷40cm; cây sinh trưởng tốt, không bị vóng lướt, không cụt ngọn, không bị sâu, bệnh và không bị vỡ bầu, lá màu xanh nhạt đến hơi đậm. |
5 Phương pháp kiểm tra tiêu chuẩn cây con
5.1 Thời điểm kiểm tra
Khi xuất vườn cây giống ghép hoặc hom.
5.2 Nội dung kiểm tra
Kiểm tra nguồn gốc vật liệu giống, kích thước túi bầu (đường kính, chiều cao) và tiêu chuẩn cây con mang đi trồng (tuổi, đường kính gốc, chiều cao, chất lượng, sâu bệnh).
5.3 Phương pháp kiểm tra cây ghép
Kiểm tra cây giống ghép như trong Bảng 3.
Bảng 3 – Phương pháp kiểm tra cây giống ghép xuất vườn
TT |
Chỉ tiêu kiểm tra |
Phương pháp kiểm tra |
Dung lượng mẫu kiểm tra |
1 |
Nguồn gốc vật liệu giống | Xem hồ sơ lấy vật liệu nhân giống bằng phương pháp ghép | Toàn bộ hồ sơ |
2 |
Kích thước bầu | Đo đếm trực tiếp cây giống. Sử dụng thước có khắc vạch đến mm để đo đường kính và chiều cao túi bầu. | Lấy ngẫu nhiên 30 cây trong toàn bộ lô giống. |
3 |
Tuổi cây giống | Xem hồ sơ để kiểm tra thời gian từ khi tạo cây ghép đến khi xuất vườn | Toàn bộ hồ sơ lô giống ghép |
4 |
Kích thước cây giống | Đo đếm trực tiếp. Sử dụng thước kẹp kính có khắc vạch đến mm để đo đường kính gốc và chiều cao cây. | Kiểm tra ngẫu nhiên 2% số cây trong lô giống, tối thiểu là 30 cây và tối đa không quá 50 cây. |
5 |
Vết ghép, tình hình sâu bệnh | Quan sát trực tiếp. Cây giống không bị sâu, bệnh thì mới đủ tiêu chuẩn trồng | Đánh giá nhanh toàn bộ lô giống, kiểm tra ngẫu nhiên 30 cây trong lô giống. |
5.4 Phương pháp kiểm tra cây hom
Kiểm tra cây giống hom như trong Bảng 4.
Bảng 4 – Phương pháp kiểm tra cây giống hom xuất vườn
TT |
Chỉ tiêu kiểm tra |
Phương pháp kiểm tra |
Dung lượng mẫu kiểm tra |
1 |
Nguồn gốc vật liệu giống | Xem hồ sơ lấy vật liệu nhân giống bằng phương pháp giâm hom | Toàn bộ hồ sơ |
2 |
Kích thước bầu | Đo đếm. Sử dụng thước có khắc vạch đến mm để đo đường kính và chiều cao túi bầu. | 3 lô ngẫu nhiên, mỗi lô 15 bầu. |
3 |
Tuổi cây giống | Xem hồ sơ để kiểm tra thời gian từ khi tạo cây hom đến khi xuất vườn | Kiểm tra thời gian từ khi tạo cây hom đến khi xuất vườn |
4 |
Kích thước cây giống | Đo đếm. Sử dụng thước kẹp kính có khắc vạch đến mm để đo đường kính gốc và chiều cao cây | 3 lô ngẫu nhiên, mỗi lô 30 cây. Đo đường kính cây hom ở vị trí cổ rễ cây (sát mặt bầu) |
5 | Sâu, bệnh | Quan sát. Cây giống không bị sâu, bệnh thì mới đủ tiêu chuẩn trồng | Kiểm tra từng cây giống hom xuất vườn |
5.5 Kết luận kiểm tra
Lô giống đạt yêu cầu khi 100% mẫu kiểm tra phù hợp với yêu cầu kỹ thuật quy định tương ứng tại Bảng 3 hoặc Bảng 4.
6 Hồ sơ kèm theo cây giống
Trên nhãn phải bao gồm các thông tin sau:
• Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất
• Tên loại cây giống (Cây giống Sở chè ghép hoặc hom), tuổi, các chỉ tiêu kích thước (đường kính, chiều cao, chất lượng).
• Mã hiệu lô giống
• Ngày xuất vườn và thời gian sử dụng
Thông tin được in và dán vào bao bì của lô giống khi xuất ra khỏi cơ sở sản xuất giống và kèm theo hồ sơ của lô giống.
7 Vận chuyển
Trong quá trình vận chuyển cây giống từ vườn ươm đến nơi trồng cần đảm bảo để cây giống không bị gẫy và không bị vỡ bầu. Nếu khoảng cách vận chuyển cây giống xa trên 100km thì sau khi chuyển cây giống đến nơi trồng cần xếp cây giống ra vườn ươm và tiến hành chăm sóc trong khoảng thời gian từ 15-20 ngày cho cây ổn định, sau đó khi gặp thời tiết thuận lợi thì mang cây giống đi trồng.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Hướng dẫn tạo cây giống Sở chè bằng phương pháp ghép
A.1 Vỏ bầu làm bằng Polyetilen có đường kính từ 9cm đến 10cm và chiều cao từ 12cm đến 15cm, đáy hoặc quanh thân túi bầu có đục lỗ.
A.2 Ruột bầu làm bằng hỗn hợp 88% đất tầng mặt dưới trảng cây bụi dày hoặc cây bụi có cây gỗ rải rác với 10% phân chuồng hoai và 2% supelân, tỷ lệ % tính theo khối lượng bầu.
A.3 Hạt giống để tạo gốc ghép thu hái từ các cây mạ trưởng thành, sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh.
A.4 Hạt được thu vào thời điểm khi chín, từ tháng 10-11 dương lịch hàng năm. Sau khi thu hái hạt về, nhặt bỏ tạp vật, chỉ lấy các hạt chắc, mẩy để gieo.
A.5 Thời vụ gieo hạt thích hợp từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau (tốt nhất là hạt được gieo ngay sau vụ thu hái tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm).
A.6 Phương pháp gieo: Gieo hạt vào luống cát ẩm sau khi đã xử lý ngâm hạt vào nước lã từ 8 đến 10 giờ, vớt ra để ráo nước rồi đem gieo và lấp cát kín hạt dày từ 0,5cm đến 1cm. Khoảng 25 – 28 ngày sau khi gieo, hạt bắt đầu nảy mầm, trên 30 ngày hạt nảy mầm đồng loạt, lúc này chọn lọc những cây mầm to khỏe để cấy vào mỗi bầu một cây.
A.7 Tiêu chuẩn gốc ghép từ 30 đến 45 ngày tuổi kể từ khi hạt nảy mầm và có chiều cao từ 5cm đến 10 cm tính từ cổ rễ.
A.8 Tiêu chuẩn chồi ghép là chồi đầu cành lấy từ các cây trội (cây sai quả, hàm lượng dầu cao), có chiều dài khoảng 3cm đến 4cm, có từ 2÷3 mắt lá.
A.9 Phương pháp ghép là ghép nêm với vật liệu kết nối giữa gốc ghép và cảnh ghép tốt nhất là giấy nhôm mòng, có thể dùng băng nilông mỏng, hoặc bằng paraphin để ghép trực tiếp lên các gốc cây trong mỗi túi bầu.
A.10 Mùa vụ ghép thích hợp là xuân hè từ tháng 3 đến tháng 6, tốt nhất là vào tháng 3 đến tháng 4.
A.11 Tưới nước (bằng tưới phun) đủ ẩm thường xuyên cho cây sau khi ghép, nhưng không được để úng nước.
A.12 Che khoảng 50% ánh sáng cho cây ghép bằng cách cắm cành cây tế, guột hoặc làm dàn che trong 3 tháng đầu, sau đó dỡ dần để đảm bảo đủ ánh sáng cho cây con.
A.13 Làm cỏ, phá váng cho cây con ít nhất một tháng một lần, kết hợp đảo bầu 3 tháng một lần kể từ tháng thứ 9 trở đi.
A.14 Tưới thúc phân NPK tỷ lệ 5:10:3 nồng độ 2%, lượng tưới 10 lít cho một m2 diện tích mặt bầu trong một lần tưới khi thấy cây bị vàng úa hoặc sinh trưởng kém, tưới rửa lá sau khi tưới phân NPK.
A.15 Sau từ 12 đến 15 tháng tuổi, cây ghép có đường kính từ 0,3cm đến 0,7cm; chiều cao từ 25cm đến 40cm; cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại là cây đủ tiêu chuẩn mang đi trồng rừng.
Phụ lục B
(Tham khảo)
Hướng dẫn tạo cây giống Sở chè bằng phương pháp giâm hom
B.1 Tạo hom giâm
B.1.1 Chọn cành hoặc chồi đã trẻ hóa dạng bánh tẻ được 1 đến 2 năm tuổi, tốt nhất là 1 năm tuổi trên các cây sai quả và hàm lượng dầu cao. Dùng kéo sắc cắt bộ phần ngọn non và gốc già, phần còn lại cắt thành đoạn ngắn, mỗi đoạn dài 5cm đến 10 cm có 3 đến 4 mắt lá, mỗi lá cắt bỏ 2/3 phía ngọn và chỉ để lại 1/3 ở phía gốc.
B.1.2 Ngâm hom vào thuốc chống nấm Benlat C 0,3% trong một giờ rồi vớt ra để ráo nước. Sau đó chấm phần gốc hom vào thuốc bột NAA 0,1%, cắm hom vào giá thể cát sạch đã được khử trùng bằng KMnO4 (thuốc tím) nồng độ 0,3%. Cát và hom được đựng trong khay nhựa, gỗ hoặc tôn có đục lỗ thoát nước ở đáy và được đặt trong luống hoặc buồng giâm hom có mái che và lưới che hạn chế ánh sáng.
B.1.3 Hàng ngày tưới phun nước đủ ẩm cho cát và bão hòa không khí trong luống hoặc buồng đặt các hom giâm cho đến khi hom ra rễ ổn định.
B.1.4 Thời vụ tạo hom thích hợp là mùa thu từ tháng 7 đến tháng 9, tốt nhất là vào tháng 8.
B.2 Tạo cây hom có bầu
B.2.1 Vỏ bầu làm bằng Polyetilen có đường kính từ 9cm đến 10cm và chiều cao từ 12cm đến 15cm, đáy hoặc xung quanh thân túi bầu có đục lỗ.
B.2.2 Ruột bầu làm bằng hỗn hợp 88% đất tầng mặt dưới trảng cây bụi dày hoặc cây bụi có cây gỗ rải rác với 10% phân chuồng hoai và 2% supelân, tỷ lệ % tính theo khối lượng bầu.
B.2.3 Cấy cây hom đã giâm có đủ rễ vào bầu, mỗi bầu chỉ cấy một hom ở giữa bầu. Trước khi cấy phải tưới nước đủ ẩm cho bầu và dùng que chọc lỗ sâu và rộng khoảng 1cm vừa đủ phủ kín phần rễ và gốc hom rồi cắm hom và ấn vừa chặt.
B.2.4 Tưới nước (bằng tưới phun) đủ ẩm thường xuyên cho cây trong bầu, nhưng không được để úng nước.
B.2.5 Che khoảng 50% ánh sáng cho cây con bằng cách cắm cành cây tế, guột hoặc làm dàn che trong 3 tháng đầu, sau đó dỡ dần để đảm bảo đủ ánh sáng cho cây con.
B.2.6 Làm cỏ, phá váng cho cây con ít nhất một tháng một lần, kết hợp đảo bầu 3 tháng một lần kể từ tháng thứ 9 trở đi.
B.2.7 Tưới thúc phân NPK tỷ lệ 5:10:3 nồng độ 2%, lượng tưới 10 lít cho một m2 diện tích mặt bầu trong một lần tưới khi thấy cây bị vàng úa hoặc sinh trưởng kém, tưới rửa lá sau khi tưới phân NPK.
B.2.8 Sau 15 đến 18 tháng tuổi, chọn cây có đường kính từ 0,3cm đến 0,4cm; chiều cao từ 25cm đến 40cm; cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại để mang đi trồng rừng.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Quang Khải, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Bá Văn, Bùi Thanh Hằng, Nguyễn Văn Thịnh, 2011, Nghiên cứu chọn giống và biện pháp kỹ thuật trồng rừng Sở thâm canh cho vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Báo cáo tổng kết đề tài. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
[2] Hoàng Văn Thắng, 2010, Kết quả chọn lọc cây trội và khảo nghiệm dòng vô tính Sở bằng phương pháp ghép đổi tán tại Nghĩa Đàn, Nghệ An. Tạp chí khoa học Lâm nghiệp, số 3, tr. 1315-1319.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11572-1:2016 VỀ GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP – CÂY GIỐNG SỞ – PHẦN 1: SỞ CHÈ | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN11572-1:2016 | Ngày hiệu lực | 30/12/2016 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | 30/12/2016 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |