TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10449:2014 (ISO 11642:2012) VỀ DA – PHÉP THỬ ĐỘ BỀN MÀU – ĐỘ BỀN MÀU VỚI NƯỚC

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 31/12/2014

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 10449:2014

ISO 11642:2012

DA – PHÉP THỬ ĐỘ BỀN MÀU – ĐỘ BỀN MÀU VỚI NƯỚC

Leather – Tests for colour fastness – Colour fastness to water

Lời nói đầu

TCVN 10449:2014 hoàn toàn tương đương với ISO 11642:2012.

TCVN 10449:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 120 Sản phẩm da biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

DA – PHÉP THỬ ĐỘ BỀN MÀU – ĐỘ BỀN MÀU VỚI NƯỚC

Leather – Tests for colour fastness – Colour fastness to water

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này qui định phương pháp xác định độ bền màu với nước của tất cả các loại da ở tất cả các công đoạn gia công.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 4851:1989 (ISO 3696:1987), Nước dùng để phân tích trong phòng thí nghiệm – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử

TCVN 5466 (ISO 105-A02), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu

TCVN 5467 (ISO 105-A03), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A03: Thang màu xám để đánh giá sự dây màu

TCVN 7835-A01 (ISO 105-A01), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A01: Quy định chung

TCVN 7835-A04 (ISO 105-A04), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A04: Phương pháp đánh giá cấp dây màu của vải thử kèm bằng thiết bị.

TCVN 7117 (ISO 2418), Da – Phép thử hóa, cơ lý và độ bền màu – Vị trí lấy mẫu

TCVN 7835-F01 (ISO 105-F01), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần F01: Yêu cầu kỹ thuật cho vải thử kèm bằng len

TCVN 7835-F02, (ISO 105-F02), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần F02: Yêu cầu kỹ thuật cho vải thử kèm bằng bông và visco

TCVN 7835-F03 (ISO 105-F03), Vật liệu dệt – Phương pháp thử độ bền màu – Phần F03: Yêu cầu kỹ thuật cho vải thử kèm bằng polyamit;

TCVN 7835-F04 (ISO 105-F04), Vật liệu dệt – Phép thử độ bền màu – Phần F04: Yêu cầu kỹ thuật cho vải thử kèm bằng polyeste

TCVN 7835-F05 (ISO 105-F05), Vật liệu dệt – Phép thử độ bền màu – Phần F05: Yêu cầu kỹ thuật cho vải thử kèm bằng acrylic

TCVN 7835-F06 (ISO 105-F06), Vật liệu dệt – Phép thử độ bền màu – Phần F06: Yêu cầu kỹ thuật cho vải thử kèm bằng tơ tằm

TCVN 7835-F07 (ISO 105-F07), Vật liệu dệt – Phép thử độ bền màu – Phần F07: Yêu cầu kỹ thuật cho vải thử kèm bằng axetat hai lần

TCVN 7835-F10 (ISO 105-F10), Vật liệu dệt – Phép thử độ bền màu – Phần F10: Yêu cầu kỹ thuật cho vải thử kèm đa xơ

ISO 105-A05, Textiles – Tests for colour fastness – Part A05: Instrumental assessment of change in colour for determination of grey scale rating (Vật liệu dệt – Phép thử độ bền màu – Phần A05: Đánh giá bằng thiết bị về sự thay đổi màu để xác định cấp số thang xám).

3. Nguyên tắc

Mẫu da được ngâm trong nước khử khoáng cùng một mảnh vải thử kèm được đặt nằm đối diện với nhau để thử. Mẫu thử ghép được để dưới lực nén trong thời gian qui định trong thiết bị phù hợp. Mẫu da và vải thử kèm sau đó được làm khô, và sự thay đổi màu của mẫu da và sự dây màu của vải thử kèm được đánh giá bằng thang xám.

Da có lớp trau chuốt có thể được thử khi còn nguyên vẹn hoặc khi đã bị rạn nứt lớp trau chuốt.

Nguyên tắc chung để thử độ bền màu phải phù hợp với các yêu cầu của TCVN 4536 (ISO 105-A01), với nền là da.

4 Thiết bị, dụng cụ

Thiết bị, dụng cụ phòng thí nghiệm thông thường và

4.1 Thiết bị thử, bao gồm một khung bằng thép không gỉ, trong đó một quả nặng hình chữ nhật có khối lượng khoảng 5 kg và kích thước khoảng 115 mm x 60 mm được lắp khít theo mặt cắt ngang, sao cho có thể tác dụng một lực nén 12,5 ± 1,0 kPa đều lên mẫu thử ghép, được đặt giữa các đĩa hình chữ nhật bằng vật liệu trơ, ví dụ thủy tinh hoặc nhựa acrylic, có cùng chiều dài và chiều rộng với quả nặng và có độ dày khoảng 1,5 mm.

Thiết bị thử phải được kết cấu sao cho nếu quả nặng được lấy ra trong suốt quá trình thử, lực nén 12,5 kPa vẫn không thay đổi.

Có thể sử dụng thiết bị khác miễn là cho kết quả tương đương.

CHÚ THÍCH Ví dụ về thiết bị phù hợp bán sẵn trên thị trường được nêu trong Phụ lục A.

4.2 Tủ sấy, có thể duy trì nhiệt độ 37 0C ± 2 0C.

4.3 Vải thử kèm [xem TCVN 4536 (ISO 105-A01)], hoặc

a) Vải thử kèm đa xơ, phù hợp với TCVN 7835 (ISO 105-F10), kích thước đo khoảng 100 mm x 40 mm, hoặc

b) Vải thử kèm xơ đơn, phù hợp với các yêu cầu liên quan trong ISO 105-F01 đến F07.

CHÚ THÍCH Ví dụ về nguồn cung cấp phù hợp được nêu trong Phụ lục A.

4.4 Nước khử khoáng, Loại 3 theo TCVN 4851 (ISO 3696:1987).

4.5 Giấy ráp hạt mịn, Loại P180.

4.6 Thang xám để đánh giá sự dây màu, theo TCVN 5467 (ISO 105-A03).

4.7 Thang xám để đánh giá sự thay đổi màu, theo TCVN 5466 (ISO 105-A02).

4.8 Máy đo quang phổ hoặc máy so màu để đánh giá sự thay đổi màu và dây màu, phù hợp với TCVN 7835-A04 (ISO 105-A04) và ISO 105-A05.

4.9 Bình thích hợp để hút chân không, ví dụ, bình hút ẩm – chân không.

4.10 Bơm chân không, có thể hút chân không bình hút ẩm (4.9) đến khoảng 5 kPa (50 mbar) trong khoảng 4 min.

5 Mẫu thử

5.1 Nếu mảnh da là da nguyên con to hoặc nhỏ, thì lấy mẫu theo TCVN 7117 (ISO 2418).

5.2 Nếu da có lớp trau chuốt và được thử với lớp trau chuốt bị rạn nứt, thì chuẩn bị mẫu thử như sau:

Cắt một mảnh da kích thước khoảng 120 mm x 50 mm và trải ra, đặt mặt có trau chuốt úp xuống, trên một tờ giấy ráp (4.5) có kích thước khoảng 150 mm x 200 mm, được giữ phẳng trên bề mặt làm việc. Ép đều mặt trên của mảnh da bằng một quả nặng 1 kg. Kéo mảnh da ra khoảng 100 mm và di chuyển qua lại trên tờ giấy ráp. Thực hiện 10 chu kỳ qua lại.

CHÚ THÍCH Trong thao tác này, mài bằng tay cũng có thể thu được hiệu quả mài tương tự.

Chải kỹ phần được mài để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn. Từ phần da được mài, cắt một mẫu thử có kích thước khoảng 100 mm x 40 mm.

Để thử da dùng để bọc đệm có lớp phủ bề mặt, có thể sử dụng mảnh da rộng hơn, ví dụ kích thước khoảng 110 mm x 50 mm để tránh dây màu do các xơ da ở mép tiếp xúc với nước.

Lớp trau chuốt bị rạn nứt phải được nêu trong báo cáo thử nghiệm.

5.3 Nếu da không có lớp trau chuốt hoặc có lớp trau chuốt nhưng để thử giữ nguyên lớp trau chuốt, cắt một mẫu thử có kích thước khoảng 100 mm x 40 mm.

5.4 Đối với mỗi mẫu da cắt một (hoặc nhiều) mảnh vải thử kèm (4.3), đủ để trùm lên mẫu da có kích thước 100 mm x 40 mm. Nếu thử cả hai mặt thì yêu cầu thêm (các) mảnh vải thử kèm khác.

6 Cách tiến hành

6.1 Ngâm mẫu thử và (các) vải thử kèm trong nước khử khoáng (4.4) trong các bình chứa riêng biệt, ví dụ sử dụng các đũa thủy tinh được uốn cong để giữ mẫu ngập trong nước. Nếu thử đồng thời các mẫu thử, thì có thể ngâm nhiều mảnh vải thử kèm trong cùng một bình chứa, nhưng mỗi mẫu da phải được ngâm riêng biệt trong các bình chứa khác nhau. Đặt bình chứa vào bình chân không (4.9), tạo chân không khoảng 5 kPa trong khoảng 4 min, và giữ chân không trong 2 min. Đưa về áp suất thường. Lặp lại qui trình này thêm hai lần nữa.

Trong trường hợp da được thử là da bọc đệm có lớp phủ bề mặt, thì chỉ làm ướt bề mặt này bằng nước mà không ngâm mẫu thử trong nước.

Trải mảnh (hoặc nhiều mảnh) vải thử kèm lên đĩa thủy tinh hoặc nhựa acrylic (4.1) và đặt mẫu da phủ lên trên, với mặt cần thử úp xuống. Nếu cần thử cả hai mặt, phủ lên mẫu da một mảnh (hoặc nhiều mảnh) vải thử kèm thứ hai. Đậy mẫu thử ghép bằng đĩa thủy tinh hoặc nhựa acrylic khác.

6.2 Gia nhiệt trước quả nặng trong tủ sấy (4.2) ở 37 oC ± 2 oC ít nhất 1 h, đặt mẫu thử ghép nằm giữa hai đĩa vào thiết bị thử (4.1) và đặt quả nặng lên. Để gạn bỏ nước dư, nghiêng thiết bị về mỗi mặt khoảng 30 0 trong vài giây. (Khi thử đồng thời nhiều mẫu thử ghép, thực hiện cẩn thận để bảo đảm mỗi mẫu được đặt chính giữa hai đĩa để lực được nén đều lên mẫu). Đặt thiết bị có quả nặng vào trong tủ sấy và để ở nhiệt độ 37 oC ± 2 oC trong 180 min ± 10 min.

6.3 Khi hết thời gian 180 min, lấy quả nặng ra, lấy mẫu thử ghép ra khỏi thiết bị, gắn cố định chúng vào một góc (bằng cách khâu hoặc ghim), và treo lên để làm khô trong không khí ở nhiệt độ phòng, với mẫu thử và vải thử kèm chỉ tiếp xúc ở vị trí chúng được gắn với nhau.

7 Đánh giá

7.1 Khi mẫu thử ghép khô, sử dụng ánh sáng D65 theo TCVN 7835-A01:2011 (ISO 105-A01:2010) (Điều 15), đánh giá bằng mắt thường sự dây màu của mỗi loại xơ trong vải thử kèm, sử dụng thang xám phù hợp (4.6) theo TCVN 5467 (ISO 105-A03). Cũng đánh giá sự thay đổi màu (4.7) của mẫu da theo TCVN 5466 (ISO 105-A02).

7.2 Ngoài ra, nếu sự dây màu và sự thay đổi màu là đồng đều, thì sự dây màu trên thang xám và sự khác biệt về màu sắc có thể được đánh giá bằng thiết bị (4.8) theo ISO 105-A05 và TCVN 7835-A04 (ISO 105-A04).

8 Độ chụm

Đối với việc đánh giá thang xám bằng mắt thường, độ chụm giữa những người thực hiện là ± 0,5 đơn vị thang xám là bình thường.

9 Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các nội dung sau:

a) viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) mô tả loại da và bề mặt da được thử;

c) nếu da có lớp trau chuốt, thì lớp trau chuốt có bị rạn nứt không;

d) cấp số thang xám nhận được đối với sự dây màu của vải thử kèm, nêu cấp số thang xám riêng biệt cho mỗi loại vải;

e) cấp số thang xám nhận được đối với sự thay đổi màu của mẫu da;

f) chi tiết của bất kỳ sai khác nào so với qui trình qui định.

 

Phụ lục A

(tham khảo)

Nguồn cung cấp thiết bị và vật liệu

Ví dụ về sản phẩm phù hợp có bán trên thị trường được nêu dưới đây. Thông tin này được đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng tiêu chuẩn này và không phải là chỉ định của tiêu chuẩn.

A.1 Ví dụ về thiết bị, dụng cụ thử phù hợp (4.1), bao gồm:

– the Perspirometer (Hydrotest apparatus) from Karl Schröder KG, Karrillonstrasse 32, D-69469 Weinheim, Germany. Website: www.schroeder-prueftechnik.de

– the AATCC Perspiration Tester from SDL Atlas UK, Shawcross St., Stockport, SK13JW, UK. Website: www.sdlatlas.com

– the Perspirometer from James H. Heal & Co. Ltd, Richmond Works, Halifax, West Yorkshire HX36EP, UK. Website: www.james-heal.co.uk

– the Perspirometer from PFI Germany, Test and Research Institute, Marie-Curie-Strasse 19, D-66953 Pirmasens, Germany. Website: www.pfi-germany.de

Có thể sử dụng bất kỳ thiết bị, dụng cụ phù hợp nào miễn là cho cùng kết quả.

A.2 Ví dụ về nhà cung cấp vải thử kèm (4.3) phù hợp với các tiêu chuẩn ISO 105:

– EMPA Testmaterialien AG, Mövenstrasse 12, CH-9015 St. Gallen-Winkeln, Switzerland. Website: www.empa-testmaterials.ch

– SDC Enterprises Limited, Pitcliffe Way, Upper Castle Street, Bradford, BD5 7SG, UK. Website: www.sdcenterprises.co.uk

– Testfabrics Inc., P.O. Box 26, West Pittston, PA 18643 USA, Website: www.testfabrics.com.

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10449:2014 (ISO 11642:2012) VỀ DA – PHÉP THỬ ĐỘ BỀN MÀU – ĐỘ BỀN MÀU VỚI NƯỚC
Số, ký hiệu văn bản TCVN10449:2014 Ngày hiệu lực 31/12/2014
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Công nghiệp nhẹ
Ngày ban hành 31/12/2014
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản