TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10573:2014 VỀ YÊU CẦU PHÂN HẠNG GỖ PHI KẾT CẤU
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 10573:2014
YÊU CẦU PHÂN HẠNG GỖ PHI KẾT CẤU
Non-structural timber grading requyrements
Lời nói đầu
TCVN 10573:2014 được xây dựng trên cơ sở tham khảo ISO 16415:2012 Non-structural timber grading requyrements.
TCVN 10573:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC165 Gỗ kết cấu biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Tiêu chuẩn này mô tả các yêu cầu cơ bản của quy tắc phân hạng gỗ phi kết cấu. Các yêu cầu này đưa ra mức cơ bản tối thiểu để đảm bảo phạm vi áp dụng lớn nhất và linh hoạt khi áp dụng trong tiêu chuẩn này. Các chú thích liệt kê trong toàn bộ tiêu chuẩn này nhằm mục đích làm rõ ý nghĩa của một yêu cầu và/hoặc để hỗ trợ trong việc thực hiện yêu cầu.
Nhằm mục đích chấp nhận quy tắc phân hạng các loại gỗ phi kết cấu, miễn là xác định chính xác và bao gồm các yêu cầu tối thiểu được quy định trong tiêu chuẩn này. Dự kiến mỗi vùng, quốc gia hoặc khu vực công nghiệp sẽ có riêng một quy tắc phân hạng gỗ phi kết cấu, phù hợp với các yêu cầu quy định được công bố trong tiêu chuẩn này, nhưng trong đó sẽ có các đặc tính được cụ thể hóa riêng cho sản xuất của chính mỗi vùng, quốc gia hoặc khu vực công nghiệp, theo điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ và thị trường.
Gỗ phi kết cấu được sản xuất từ các loài cây lá kim và loài cây lá rộng ở bắc bán cầu và nam bán cầu. Loài cây lá rộng có lỗ mạch, và do đó tạo các khoang rỗng . Loài cây lá kim không có lỗ mạch, do đó, chúng không có khoang rỗng. Có các đặc tính tự nhiên riêng biệt có ảnh hưởng đến việc gia công, độ bền và khả năng sử dụng, gỗ xẻ phi kết cấu sản xuất từ loài cây lá rộng và loài cây lá kim được sử dụng rộng rãi, từ lâu bởi con người ở khắp mọi nơi.
Trên thế giới, gỗ phi kết cấu được phân làm nhiều loại, nhiều cách sử dụng và nhiều tiêu chuẩn. Việc thừa nhận sự phức tạp của quy tắc phân hạng áp dụng cho các loài cây lá rộng và loài cây lá kim, trong tiêu chuẩn này không quy định dựa trên bất kỳ một quy tắc phân hạng hoặc tiêu chuẩn phân hạng nào. Tiêu chuẩn này mô tả và minh họa phạm vi rộng các nhóm phân hạng, trong đó nêu các đặc tính cần thiết thường thấy trong phạm vi rộng các nhóm dựa trên tính tương đồng của nhiều quy tắc phân hạng được sử dụng cho loài gỗ xẻ phi kết cấu từ loài cây lá rộng và cây lá kim trong thương mại quốc tế.
Gỗ xẻ phi kết cấu sản xuất từ loài cây lá rộng và loài cây lá kim có các đặc tính tự nhiên vốn đã có sự khác biệt trong chất lượng, do đó sản phẩm có nhiều cách sử dụng trong thực tế. Vì vậy, tuy có nhiều hệ thống phân hạng thường được sử dụng để phân loại gỗ xẻ phi kết cấu nhưng nói chung có thể chia thành hai hệ thống cơ bản dùng để đánh giá gỗ bằng mắt thường.
Hệ thống phân hạng bằng mắt thường thứ nhất sử dụng sơ đồ phân loại dựa vào lượng sử dụng có ích của mẫu gỗ xẻ phi kết cấu so với phần được coi là không có ích khi sử dụng. Hệ thống phân hạng kiểu này xác định lượng có ích của mẫu thử bằng cách sử dụng “các mặt cắt” hoặc bằng cách khác tương tự để loại bỏ các khuyết tật không mong muốn, từ đó xác định lượng sử dụng có ích của mẫu thử. Sản phẩm gỗ xẻ phi kết cấu sản xuất theo hệ thống phân hạng kiểu này thường cần gia công thêm để thu được sản phẩm có thể sử dụng được trong nhà hoặc ngoài trời, thường là trên các bề mặt sáng, bóng lộ ra ngoài.
Hệ thống phân hạng bằng mắt thường thứ hai sử dụng sơ đồ phân loại dựa trên khả năng sử dụng chiều dài toàn bộ của mẫu thử. Sản phẩm gỗ xẻ phi kết cấu sản xuất theo hệ thống phân hạng kiểu này được dùng nhiều trong ứng dụng xây dựng và thường không được dùng để gia công tiếp.
Gỗ xẻ phi kết cấu sản xuất từ loài gỗ lá rộng và gỗ lá kim có thể được phân hạng bằng một trong hai hệ thống phân hạng nói trên. Nói chung, gỗ xẻ phi kết cấu sản xuất từ loài gỗ lá rộng được phân hạng bằng sơ đồ phân loại dựa trên lượng sử dụng có ích của mẫu thử, trong khi gỗ xẻ phi kết cấu được sản xuất từ loài gỗ lá kim được phân hạng bằng sơ đồ phân loại dựa trên lượng sử dụng có ích chiều dài toàn bộ của mẫu thử.
YÊU CẦU PHÂN HẠNG GỖ PHI KẾT CẤU
Non-structural timber grading requyrements
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu cơ bản của quy tắc phân hạng gỗ phi kết cấu của loài cây lá kim và loài cây lá rộng trong thương mại quốc tế. Tiêu chuẩn này cung cấp cơ sở để công nhận một tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy tắc phân hạng phù hợp và có thể áp dụng cho tất cả các phương pháp của hệ thống phân hạng bằng mắt đối với gỗ phi kết cấu của tất cả các loài gỗ cây lá kim và cây lá rộng.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho vật liệu phi kết cấu được sản xuất từ tre.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các bản sửa đổi , bổ sung (nếu có).
ISO 24294 Timber – Round and sawn timber – Vocabulary (Gỗ – Gỗ tròn và gỗ xẻ – Từ vựng).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này, áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong ISO 24294 và các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1. Các đặc tính (characteristics)
Những đặc điểm khác biệt nhờ vào phạm vi, vị trí và số lượng mà căn cứ vào đó để xác định chất lượng gỗ phi kết cấu.
CHÚ THÍCH: Việc giới hạn đặc tính của một hạng gỗ nào đó được mô tả trong quy tắc phân hạng.
3.2. Hạng (grade)
Tập hợp gỗ phi kết cấu, có cùng đặc tính, được hình thành do quá trình phân loại.
3.3. Quy tắc phân hạng (grading rules)
Các yêu cầu và đặc điểm kỹ thuật quy định đối với sản xuất, kiểm tra và phân hạng một số loài cây đã xác định khi làm gỗ phi kết cấu.
3.4. Kích thước danh nghĩa (nominal size)
Kích thước ở độ ẩm xác định mà căn cứ vào đó để nhận biết hoặc quy định loại gỗ phi kết cấu.
CHÚ THÍCH: Tại Mỹ và Canada kích thước danh nghĩa không thể hiện kích thước đã gia công bề mặt của gỗ phi kết cấu.
3.5. Gỗ đã được gia công bề mặt (planed timber)
Gỗ phi kết cấu tại độ ẩm sử dụng cuối cùng đã được gia công để ít nhất một mặt có độ nhẵn cao trên toàn bộ chiều dài và chiều rộng.
3.6. Gỗ đã gia công để có kích thước chuẩn (prepared timber)
Gỗ phi kết cấu tại độ ẩm sử dụng cuối cùng đã được cắt theo chiều dài, được gia công một hoặc
nhiều bề mặt với sai số trong giới hạn cho phép.
3.7. Gỗ định hình (profiled timber)
Gỗ phi kết cấu, được gia công để có mặt cắt ngang yêu cầu, nhưng mặt cắt ngang đó không phải là hình chữ nhật.
3.8. Gỗ xẻ chuẩn (rough sawn timber)
Gỗ xẻ phi kết cấu có sai số nằm trong giới hạn quy định mà không cần tới sự gia công nào.
4. Phân loại gỗ phi kết cấu
4.1. Quy định chung
Gỗ xẻ phi kết cấu phải được phân loại căn cứ vào sử dụng, mức độ gia công và kích thước chuẩn tối thiểu.
4.2. Cách sử dụng
4.2.1. Gỗ ở kho
Gỗ xẻ phi kết cấu là gỗ có các hạng, kích cỡ và kiểu mẫu dự định sử dụng cho công trình phi kết cấu.
4.2.2. Gỗ ở nhà máy và gỗ trong cửa hàng
Gỗ xẻ phi kết cấu là gỗ được sản xuất hoặc chọn lựa để gia công lại và dự định sử dụng cho các công trình phi kết cấu.
4.3. Mức độ gia công
Gỗ xẻ phi kết cấu phân loại căn cứ vào việc gia công bề mặt gỗ, ví dụ như gỗ xẻ chuẩn, gỗ đã được gia công bề mặt, gỗ đã gia công để có kích thước chuẩn và gỗ định hình.
4.4. Kích cỡ của gỗ phi kết cấu chuẩn
Kích cỡ chuẩn tối thiểu của gỗ xẻ chuẩn và gỗ đã được gia công bề mặt phải được đưa ra trong quy tắc phân hạng.
5. Yêu cầu quy tắc phân hạng
5.1. Khái niệm chung
5.1.1. Quy định chung
Quá trình phân hạng bao gồm phân loại gỗ xẻ phi kết cấu theo mức độ khuyết tật được quy định trong quy tắc phân hạng. Về mặt lý thuyết có thể sử dụng các quy trình phân loại khác nhau. Bất kỳ quy trình nào cũng có thể được sử dụng miễn là xác định chính xác.
CHÚ THÍCH 1: Quy tắc phân loại hạng thường bao gồm các quy tắc nhằm đảm bảo đầy đủ các đặc tính tiện ích.
CHÚ THÍCH 2: Tiêu chuẩn hoặc quy tắc phân hạng quốc gia bao gồm các quá trình phân loại hạng nói chung phù hợp với mục tiêu của tiêu chuẩn này.
5.1.2. Thông số phân hạng
Các quy định cơ bản phục vụ việc phân hạng gỗ phi kết cấu phải nhất quán và được sự thừa nhận thông qua đặc tính khác nhau của loài, chất lượng khúc gỗ, điều kiện sản xuất và sử dụng tiềm năng của sản phẩm. Quy tắc phân hạng phải xác định một tỷ lệ phần trăm tối đa dưới hạng như là sai lệch cho phép giữa các phân hạng viên khi phân hạng. Việc phân hạng gỗ xẻ phi kết cấu không được coi là một khoa học chính xác bởi vì nó dựa trên kiểm tra bằng mắt từng mẫu hoặc dựa vào sự đánh giá của phân hạng viên.
CHÚ THÍCH: Tỷ lệ phần trăm tối đa quy định dưới hạng do tiêu chuẩn hoặc quy tắc phân hạng quốc gia quy định; thông thường sự sai lệch cho phép từ 5 % đến 10 %.
5.1.3. Yêu cầu hạng tối thiểu
Phương pháp xác định phạm vi và giới hạn các đặc tính ở các mẫu xấu nhất có thể chấp nhận được trong mỗi một hạng gỗ đã được quy định trong quy tắc phân hạng, ngoại trừ ở hạng thấp nhất của mỗi loại. Vì các hạng gỗ xẻ phi kết cấu được sản xuất rất đa dạng, cho nên sự gối lên nhau của các hạng và mẫu được lựa chọn từ một hạng đến một hạng khác bên ngoài của hạng đó. Lô hàng cụ thể sẽ được hình thành không chỉ từ các sản phẩm có cùng đặc tính hoặc kích thước cho phép trong hạng.
5.1.4. Các đặc tính hạng
Các đặc tính được chấp nhận và giới hạn đối với gỗ xẻ chuẩn phi kết cấu phải tương tự như mô tả trong quy tắc phân hạng đối với gỗ đã được gia công bề mặt ở hạng tương tự, ngoài ra, cho phép bỏ bớt một số đặc tính khi tiến hành gia công chuẩn. Nếu có các đặc tính khác so với mô tả trong quy tắc phân hạng đã công bố thì chúng phải được đánh giá trong mối quan hệ với các đặc tính đã được cho phép hoặc giới hạn được mô tả đối với hạng thì nên xem xét và sẽ được chấp nhận nếu coi là tương đương hoặc ít ảnh hưởng đến ngoại quan hoặc giá trị tiện ích khác của mẫu. Trong tất cả các hạng, quy mô của các đặc tính cho phép không được vượt quá quy định trong quy tắc phân hạng tương ứng.
CHÚ THÍCH: Đối với nhiều hạng, quy mô của các đặc tính chấp nhận có thay đổi theo tỷ lệ tương xứng với kích thước bề mặt hoặc diện tích mặt cắt ngang của mẫu. Trong phân hạng gỗ theo “hệ thống mặt cắt”, các hạng tương ứng thường đưa ra kích thước tối đa chấp nhận đối với các trường hợp tách, mắt, rỗng ruột, vỏ… khi cần thiết.
5.1.5. Các quy định đặc biệt
Sự phân loại gỗ lõi, gỗ dác, chiều thớ gỗ khi có quy định thêm và gỗ xẻ phi kết cấu phải phù hợp với các yêu cầu của quy định đặc biệt cũng như với hạng thông thường đã quy định, gỗ xẻ đó được xem là có chất lượng chuẩn.
5.1.6. Các hạng phi tiêu chuẩn
Các hạng phi tiêu chuẩn được đưa ra đối với các hạng, kích thước hoặc kiểu phi tiêu chuẩn theo quy định, hoặc khi có quy định riêng của hạng chuẩn được bỏ qua hoặc thay đổi, việc phân hạng sẽ được thực hiện một cách phù hợp, nhưng tất cả các quy định khác của quy tắc phân hạng phải được áp dụng.
6. Sử dụng quy định phân loại để phân hạng bằng mắt thường đối với gỗ phi kết cấu
6.1. Gỗ phi kết cấu ở kho
6.1.1. Phân loại hạng
Việc phân hạng gỗ phi kết cấu đã gia công bề mặt ở kho dựa vào việc sử dụng mà theo đó hạng cụ thể được thiết kế và được áp dụng cho mỗi loại có xem xét đến kích cỡ và chiều dài khi phân hạng không cần xem xét để gia công tiếp. Trên cơ sở chất lượng, sự phân loại hạng cơ bản của gỗ ở kho tiến hành như sau:
6.1.1.1. Các loài cây lá kim
6.1.1.1.1. Chọn lựa
Gỗ được sử dụng tự nhiên hoặc sau khi sơn phủ
CHÚ THÍCH: Gỗ cây lá kim có bề mặt không khuyết tật.
6.1.1.1.2. Thông dụng
Gỗ được dùng cho mục đích thông dụng.
6.1.1.2. Các loài cây lá rộng
6.1.1.2.1 Các hạng có mặt cắt không khuyết tật
Gỗ được sử dụng tự nhiên hoặc sau khi sơn phủ.
6.1.1.2.2. Các hạng có mặt cắt có khuyết tật lành
Gỗ được sử dụng tự nhiên hoặc sau khi sơn phủ.
6.1.1.2.3. Cấp hạng thông dụng và có thể dùng được
Gỗ được dùng như sản phẩm ngoại thất chưa được gia công hoàn thiện.
6.1.2. Kích cỡ gỗ ở kho
Chiều dày và chiều rộng của gỗ ở kho đã gia công bề mặt phải theo quy định trong quy tắc phân hạng và phải được xem xét như tiêu chuẩn tối thiểu đối với kích thước danh nghĩa phù hợp đã trình bày.
CHÚ THÍCH: Khi đó gỗ có kích thước chuẩn, gỗ xẻ chuẩn, gỗ đã được gia công bề mặt được mô tả bằng kích thước danh nghĩa, kích cỡ của gỗ đã gia công bề mặt thường được thể hiện qua các đơn đặt hàng và các tài liệu khác.
6.2. Gỗ ở nhà máy và gỗ trong cửa hàng
6.2.1. Phân loại hạng
6.2.1.1. Các loài gỗ lá kim
Phân loại hạng của gỗ ở nhà máy và gỗ trong cửa hàng phải được đưa ra trong quy tắc phân hạng.
6.2.1.2. Các loài gỗ lá rộng
Phân loại hạng của các hạng gỗ theo “hệ thống mặt cắt” khác nhau phải được đưa ra trong quy tắc phân hạng.
6.2.2. Đặc tính của hạng
Gỗ ở nhà máy và gỗ trong cửa hàng phải được phân hạng có tính đến việc sử dụng chúng làm cửa đi và khuôn cửa, hoặc dựa trên cơ sở các đặc tính ảnh hưởng đến việc sử dụng thông dụng của chúng hoặc dựa trên cơ sở kích thước mặt cắt. Hạng của gỗ được xác định bằng tỷ lệ phần trăm diện tích mỗi tấm ván hoặc thanh trên mặt cắt hiện tại hoặc kích thước và số lượng mặt cắt tối thiểu được phép, cỡ và chất lượng tối thiểu đã được quy định, và sẽ được xác định ở mặt gỗ có chất lượng xấu hơn trong hai mặt, trừ khi có quy định khác trong quy tắc phân hạng.
6.2.3. Các kích thước của hạng
Kích cỡ gỗ ở nhà máy và gỗ trong cửa hàng được đưa ra trong quy tắc phân hạng.
7. Kiểm soát quá trình phân loại hạng
7.1. Yêu cầu đối với phân hạng viên
Phân hạng viên phải có khả năng phân hạng gỗ chính xác, ở tốc độ thao tác cần thiết và bao quát được tất cả các hạng và kích cỡ mà phân hạng viên sẽ thực hiện trong thực tế thị trường.
CHÚ THÍCH 1: Việc đào tạo có thể cung cấp các kỹ năng cần thiết cho việc phân hạng.
CHÚ THÍCH 2: Việc phân hạng bằng máy có thể chấp nhận được miễn là máy có khả năng tách riêng từng tấm gỗ vào hạng phù hợp với quy tắc phân hạng áp dụng.
7.2. Quy tắc để thỏa mãn các yêu cầu thông dụng
Hoạt động phân hạng phải phù hợp với bất kỳ các tiêu chí thông dụng nào được quy định trong quy tắc phân hạng. Các tiêu chí này thường liên quan đến chất lượng bề mặt, dung sai kích thước, độ vuông góc của mặt cắt hình chữ nhật, độ cong và độ ẩm. Nói chung, các yêu cầu thông dụng thường liên quan đến việc tiếp thị gỗ.
7.3. Kiểm soát chất lượng nội bộ
Việc kiểm tra định kỳ phải được tiến hành để đánh giá độ chính xác của quá trình phân hạng. Nếu việc kiểm tra chỉ ra rằng quá trình phân hạng còn thiếu sót thì phải có biện pháp thích hợp để sửa đổi quá trình.
CHÚ THÍCH: Việc kiểm tra như trên được thực hiện thường xuyên bằng cách phân hạng lại mẫu gỗ đã được phân hạng. Một ví dụ về đạt được tiêu chí là sự kiểm tra đã chỉ ra độ chính xác của hạng đạt được như định nghĩa trong 5.1.2.
8. Kiểm tra
8.1. Chứng nhận và giám sát
Khi gỗ xẻ phi kết cấu được phân hạng, việc phân hạng phải được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan phân hạng và phải có đủ phương tiện để giám sát.
8.2. Ủy quyền của cơ quan phân hạng
Chỉ cho phép ủy quyền phân hạng cho những nhà sản xuất (nhà máy) khi họ đã được chứng minh và xác nhận là có khả năng phù hợp và hiện tại đang phù hợp với quy tắc phân hạng đối với loài và các hạng mà họ sản xuất.
Nhà sản xuất (nhà máy) cũng phải đồng ý duy trì các chuẩn được thiết lập về kích thước và hạng, đồng ý xuất trình gỗ của mình để bên giám sát kiểm tra, ở cả cơ sở sản xuất (nhà máy) và nơi mua hàng, nếu có khiếu nại.
8.3. Dịch vụ
Dịch vụ kiểm tra phải được yêu cầu đối với việc kiểm tra các hạng không được mô tả trong các quy tắc chỉ khi có các yêu cầu kỹ thuật được viết chi tiết đi kèm với đề nghị kiểm tra này. Đối với kiểm tra các hạng chuẩn trong các kích thước phi tiêu chuẩn, dịch vụ kiểm tra phải được yêu cầu theo 5.1.6 trừ khi có quy định khác được mô tả trong hợp đồng mua và bán.
9. Kiểm soát trong trường hợp tranh chấp
9.1. Quy định chung
Về vấn đề tự do thỏa thuận giữa bên mua và bên bán như việc giải quyết về khiếu nại, việc mua, việc bán hoặc vận chuyển các hạng gỗ xẻ phi kết cấu được hiểu là bao gồm cả thỏa thuận để gỗ được kiểm tra lại bởi cơ quan phân hạng theo các quy tắc đã được công bố và đã được dùng để phân hạng gỗ. Từ thực tế là trong nhiều ngành công nghiệp đang tồn tại việc giải quyết tranh chấp về hạng gỗ xẻ phi kết cấu, nên quy tắc phân hạng theo tiêu chuẩn này phải bao gồm các quy định cụ thể để kiểm tra lại trong trường hợp có khiếu nại và dịch vụ kiểm tra lại phải sẵn có cho bất kỳ ai với chi phí hợp lý.
9.2. Khiếu nại
Sự khiếu nại về hạng gỗ xẻ phi kết cấu phải được được thừa nhận chỉ khi gỗ đang ở nguyên dạng như khi được vận chuyển. Bất kỳ sự thay đổi tiếp theo trong sản xuất, vận hành hoặc khi sấy trong lò có thể giảm bớt trách nhiệm của người bán đối với bất kỳ sự khiếu nại nào về hạng.
9.2.1. Trách nhiệm bên mua
Quy tắc phân hạng phải nêu rõ trách nhiệm của bên mua liên quan đến sự phù hợp với hạng, kích thước, và/hoặc độ ẩm yêu cầu. Quy tắc phân hạng phải nêu rõ phần lô gỗ tranh chấp được giữ nguyên vẹn và bảo vệ đúng cách trong một khoảng thời gian xác định sau ngày đề nghị kiểm tra hoặc kiểm tra lại. Quy tắc phân hạng phải yêu cầu bên mua đệ trình khiếu nại về lô gỗ tranh chấp với bên bán trong phạm vi khung thời gian quy định.
9.2.2. Trách nhiệm bên bán
Sau khi nhận được khiếu nại từ bên mua, bên bán phải ngay lập tức yêu cầu tổ chức đã thực hiện phân hạng lô hàng hoặc tổ chức khác tương tự như vậy đã có sự thỏa thuận từ trước, cung cấp dịch vụ kiểm tra, kiểm tra lại hoặc đối chiếu lại theo yêu cầu phù hợp với các quy định của quy tắc phân hạng có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hợp đồng.
9.2.3. Chi phí và sự hỗ trợ
Các chi phí về việc kiểm tra, kiểm tra lại hoặc đối chiếu lại phải được chi trả phù hợp với các quy định kiểm tra của quy tắc phân hạng đã áp dụng. Người mua phải có những hỗ trợ cần thiết để tạo điều kiện thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm tra lại hoặc đối chiếu lại.
9.2.4. Khiếu nại về việc đối chiếu, hạng và kích thước
Trong trường hợp khiếu nại về đối chiếu, toàn bộ các hạng mục phải được giữ nguyên vẹn để đối chiếu lại. Trong trường hợp có khiếu nại về hạng hoặc kích thước bên mua phải tuân theo các quy định kiểm tra của quy tắc phân hạng.
9.2.5. Khiếu nại về độ ẩm
Trong trường hợp khiếu nại về độ ẩm, bên mua phải tuân theo các quy định của quy tắc phân hạng và việc kiểm tra lại sự khiếu nại về độ ẩm phải được thực hiện phù hợp với các quy định của quy tắc phân hạng đã áp dụng. Quy tắc phân hạng phải thiết lập quy trình chuẩn hóa để sử dụng trong cả việc giải quyết các khiếu nại về độ ẩm.
9.3. Kết quả kiểm tra lại
Nếu việc kiểm tra lại lô hàng tranh chấp phù hợp với các quy định của quy tắc phân hạng đã được dùng để phân hạng đối với lô hàng đó, mỗi hạng mục của lô hàng phải được phân hạng theo hạng đã ghi trong đơn đặt hàng.
10. Nhận dạng sản phẩm
Gỗ xẻ phi kết cấu phải được nhận dạng để chỉ ra các chi tiết yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. Gỗ xẻ phi kết cấu có thể được ghi nhãn hoặc không ghi nhãn, tuy nhiên, đối với với mỗi lô hàng không ghi nhãn phải có tài liệu chứa thông tin cần thiết như yêu cầu khi có ghi nhãn kèm theo.
CHÚ THÍCH: Ghi nhãn thường bao gồm loài hoặc nhóm loài, hạng, tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm và ở trạng thái gỗ khô hay còn tươi.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10573:2014 VỀ YÊU CẦU PHÂN HẠNG GỖ PHI KẾT CẤU | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN10573:2014 | Ngày hiệu lực | 31/12/2014 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn Công nghiệp nhẹ |
Ngày ban hành | 31/12/2014 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |