TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7054:2014 VỀ VÀNG THƯƠNG PHẨM – YÊU CẦU KỸ THUẬT
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 7054:2014
VÀNG THƯƠNG PHẨM – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Commercial gold – Technical requirements
Lời nói đầu
TCVN 7054:2014 thay thế TCVN 7054:2002.
TCVN 7054:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 174, Đồ trang sức biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
VÀNG THƯƠNG PHẨM – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Commercial gold – Technical requirements
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và cách ghi nhãn đối với tất cả các loại vàng thương phẩm lưu thông trên thị trường.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho vàng nguyên liệu thô.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này, sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau.
2.1
Vàng thương phẩm (Commercial gold)
Các sản phẩm vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng và vàng nguyên liệu lưu thông trên thị trường (trừ vàng nguyên liệu thô).
2.2
Vàng trang sức (Jewelry gold)
Các sản phẩm vàng và hợp kim vàng, có hoặc không gắn đá quý, kim loại quý hoặc vật liệu khác, để phục vụ nhu cầu trang sức của con người như các loại nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài, tượng nhỏ và các loại khác.
2.3
Vàng mỹ nghệ (Handicraft gold)
Các sản phẩm vàng và hợp kim vàng, các sản phẩm mạ vàng/sản phẩm khảm vàng, có hoặc không gắn đá quý, kim loại quý hoặc vật liệu khác, để phục vụ cho nhu cầu trang trí mỹ nghệ như khung ảnh, tượng và các loại khác.
2.4
Vàng miếng (Bullion gold)
Vàng đã được đúc, dập, cán, thành các hình dạng khác nhau, có đóng chữ và số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của nhà sản xuất theo quy định tại Điều 6 của tiêu chuẩn này.
2.5
Vàng nguyên liệu (Materia gold)
Vàng dưới dạng khối, thỏi, lá, hạt, dây bán thành phẩm trang sức và các loại khác (không bao gồm vàng nguyên liệu thô).
2.6
Vàng nguyên liệu thô (Raw materia gold)
Vàng dưới dạng khối, thỏi, lá, hạt, dây…, mới khai thác, chưa tinh luyện; vàng trang sức, vàng mỹ nghệ cũ không còn giá trị trang sức mỹ nghệ; vàng dưới dạng phế liệu như các linh kiện điện tử cũ, sản phẩm nha khoa hỏng…
2.7
Vàng tinh khiết (Fine gold)
Các sản phẩm hoàn toàn tạo nên từ kim loại vàng.
2.8
Hợp kim vàng (Gold alloy/solder)
Một dung dịch rắn giữa vàng và các kim loại khác. Các nguyên tố có thể hợp kim hóa với vàng là bạc, đồng, nickel, sắt, hoặc kẽm, thiếc, mangan, cadmi, platin, paladi.
2.9
Sản phẩm mạ vàng/Sản phẩm khảm vàng (Gold coatings/platings)
Sản phẩm ghép gồm một lớp vàng mỏng (lớp mạ vàng) phủ lên một chất liệu khác, thường là một kim loại kém giá trị hơn vàng. Lớp mạ vàng được tạo thành bằng những cách khác nhau, dưới tác dụng của nhiệt độ và áp suất (lớp mạ vàng) hoặc thông qua quá trình điện phân (mạ vàng điện phân).
2.10
Kara (Karat)
Số phần của vàng (tính theo khối lượng) trong hai mươi bốn (24) phần của hợp kim vàng, được ký hiệu là K.
2.11
Độ tinh khiết (Fineness)
Số phần của kim loại vàng (tính theo khối lượng) trong một nghìn (1000) phần của hợp kim vàng.
CHÚ THÍCH: Theo tập quán của người Việt, nghề kim hoàn có quy ước hàm lượng vàng theo tuổi như sau:
Vàng 24K là vàng 10 tuổi.
Vàng 22K là vàng 9,2 tuổi.
Vàng 20K là vàng 8,33 tuổi.
Vàng 18K là vàng 7,5 tuổi.
Vàng 14K là vàng 5,83 tuổi
3 Phân loại
Vàng thương phẩm được phân loại theo các tiêu chí sau đây:
3.1 Theo mục đích sử dụng
Theo mục đích sử dụng vàng thương phẩm được chia thành:
– Vàng trang sức.
– Vàng mỹ nghệ.
– Vàng miếng.
– Vàng nguyên liệu.
3.2 Theo thành phần
Theo thành phần, vàng thương phẩm được chia thành:
– Vàng tinh khiết.
– Vàng hợp kim.
3.3 Theo màu sắc
Vàng tinh khiết có màu vàng. Khi hàm lượng của vàng giảm xuống và tùy thuộc vào thành phần và hàm lượng của các kim loại hợp kim với vàng, vàng thương phẩm sẽ có màu vàng nhạt hơn hoặc có các màu khác (Bảng 1).
Bảng 1 – Màu của vàng thương phẩm
Màu (hoặc sắc màu) |
Nguyên tố hợp kim |
Ghi chú |
Vàng | Bạc và đồng | Hàm lượng đồng càng nhiều thì màu vàng càng đậm |
Trắng | Màu trắng của vàng thương phẩm có thể do:
– hợp kim với nickel, cộng với kẽm, đồng, thiếc, nhưng không có bạc. – hợp kim với paladi, cộng với bạc, đồng. – hợp kim với đồng thời cả nickel và paladi, cộng với bạc, kẽm. |
Có tên gọi là ʺvàng trắngʺ, tương ứng sẽ có vàng trắng nickel, vàng trắng paladi và vàng trắng hỗn hợp nickel-paladi. |
Đỏ (hoặc hồng) | Đồng | Có tên gọi là ʺvàng đỏʺ, thường nhanh bị mất màu |
Xanh lục (lá cây) | Bạc, có thể có vết của cadmi và kẽm | Chỉ có loại 18K |
Xanh lam (da trời) | Sắt |
4 Yêu cầu kỹ thuật
4.1 Chất lượng
Chất lượng của vàng thương phẩm, còn gọi là tuổi vàng, được đánh giá chủ yếu theo hàm lượng của kim loại vàng trong sản phẩm đó. Hàm lượng của vàng được đo bằng các đơn vị sau:
– Kara (xem 3.10) ký hiệu là K. Ví dụ, vàng tinh khiết là vàng 24K; vàng 18K là loại vàng thương phẩm chứa 18 phần kim loại vàng và 6 phần kim loại khác; vàng 12K là sản phẩm chứa 12 phần kim loại vàng và 12 phần kim loại khác…
– Độ tinh khiết (xem 3.11). Ví dụ, vàng 750 là sản phẩm chứa 750 (75%) kim loại vàng và 250 (25%) phần kim loại khác.
Các đơn vị trên được quy đổi như trên Bảng 2. Để thuận tiện cho sử dụng, trong bảng có đưa ra cả đơn vị phần trăm hàm lượng vàng.
Bảng 2 – Bảng quy đổi các đơn vị đo chất lượng của vàng thương phẩm
Kara (phần/24) |
Độ tinh khiết, ‰ Không nhỏ hơn |
Hàm lượng vàng, % Không nhỏ hơn |
24K 23K 22K 21K 20K 19K 18K 17K 16K 15K 14K 13K 12K 11K 10K 9K 8K |
999 958 916 875 833 791 750 708 667 625 585 541 500 458 416 375 333 |
99,9 95,8 91,6 87,5 83,3 79,1 75,0 70,8 66,6 62,5 58,3 54,1 50,0 45,8 41,6 37,5 33,3 |
4.2 Thành phần hóa học của vàng thương phẩm
Vàng trang sức thường có thành phần hóa học như Bảng 3. Thành phần của các loại vàng thương phẩm khác chưa được quy định.
5 Ghi nhãn
Mọi sản phẩm làm từ vàng hoặc hợp kim vàng từ 8K trở lên (hoặc hàm lượng vàng từ 33,3% trở lên) lưu thông trên thị trường, đều phải được đóng ký hiệu độ tinh khiết (đóng nhãn) trực tiếp trên sản phẩm.
5.1 Ký hiệu độ tinh khiết (nhãn)
Ký hiệu độ tinh khiết được quy định đóng trên sản phẩm như sau:
– Bằng số Ả rập chỉ số kara kèm chữ cái K, hoặc
– Bằng số Ả rập chỉ số phần vàng trên một nghìn (1000) phần khối lượng của sản phẩm.
Kích cỡ các chữ cái và chữ số trong ký hiệu độ tinh khiết vàng phải bằng hoặc lớn hơn 0,5 mm2.
5.2 Sản phẩm có độ tinh khiết khác nhau
a) Khi một sản phẩm gồm nhiều phần làm từ vàng hoặc hợp kim vàng có độ tinh khiết khác nhau thì mỗi phần phải được đóng ký hiệu độ tinh khiết như một sản phẩm riêng biệt hoặc cả sản phẩm được đóng chung một nhãn có độ tinh khiết là độ tinh khiết trung bình của các phần đó.
b) Khi một sản phẩm gồm nhiều phần khác nhau, trong đó một hoặc vài phần làm từ vàng hoặc hợp kim vàng, còn các phần khác làm từ kim loại khác thì những phần làm từ vàng hoặc hợp kim vàng sẽ được đóng như ở 5.1, những phần khác thì phải mô tả trong hóa đơn hoặc chứng từ kèm theo.
c) Các sản phẩm mạ vàng/sản phẩm khảm vàng phải được ghi rõ trong hóa đơn chứng từ kèm theo.
5.3 Những trường hợp không cần đóng ký hiệu độ tinh khiết
Những sản phẩm sau đây không cần đóng ký hiệu độ tinh khiết:
a) Đồng tiền vàng;
b) Những sản phẩm hoặc một phần sản phẩm nhỏ hoặc mảnh đến mức việc đóng ký hiệu độ tinh khiết không thể thực hiện được và có khối lượng dưới 1 g.
Bảng 3 – Thành phần hóa học của vàng trang sức
STT |
Mác |
Thành phần hóa học, % |
||
Au |
Ag |
Các nguyên tố khác |
||
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 |
Au 100 AuAg 99-1 AuAg 98-2 AuAg 97-3 AuAg 96-4 AuAg 95-5 AuAg 94-6 AuAg 92-8 AuAg 90-10 AuAg 88-12 |
100 99,0±0,2 98,0±0,2 97,0±0,2 96,0±0,2 95,0±0,2 94,0±0,2 92,0±0,2 90,0±0,2 88,0±0,2 |
– 1,0±0,2 2,0±0,2 3,0±0,2 4,0±0,2 5,0±0,2 6,0±0,2 8,0±0,2 10,0±0,2 12,0±0,2 |
– Có thể có song không gây ảnh hưởng đến chất lượng vàng |
11 12 13 14 15 16 17 18 |
AuAg 58,3-40 AuAg 58,3-30 AuAg 58,3-20 AuAg 58,3-8 AuAg 75-15 AuAg 75-12 AuAg 75-8,5 AuAg 75-4,5 |
58,3±0,2 58,3±0,2 58,3±0,2 58,3±0,2 75,0±0,2 75,0±0,2 75,0±0,2 75,0±0,2 |
40,0-41,5 30,0-34,0 20,0-28,5 8,0-9,0 15,0-16,0 12,0-13,0 8,5-9,5 4,5-5,5 |
Còn lại Còn lại Còn lại Còn lại Còn lại Còn lại Còn lại Còn lại |
CHÚ THÍCH: Có thể sản xuất vàng có thành phần khác nhưng những loại trên đây là thông dụng nhất. |
PHỤ LỤC A
(Tham khảo)
Các đơn vị đo khối lượng của vàng
Đơn vị đo quốc tế dùng để đo khối lượng vàng thương phẩm là gam hoặc kilogam. Trên thực tế, khối lượng của vàng còn thường được đo bằng:
a) Các đơn vị truyền thống Châu Âu:
– Aoxơ troy (ounce troy), ký hiệu là oz t:
1 oz t = 31,1030 g
– Aoxơ avoirdupois (ounce avoir), ký hiệu là oz av:
1 oz av = 28,3945 g
– Pennyweight, ký hiệu là dwt:
1 dwt = 1,5550 g
b) Các đơn vị truyền thống Châu Á:
– Chỉ (momme):
1 chỉ = 3,75 g
– Các đơn vị thứ cấp:
+ Lạng (tael), còn gọi là lượng hoặc cây
+ Phân
+ Li (lai)
1 lạng = 37,5 g = 10 chỉ = 100 phân = 1000 li (lai)
c) Sự liên hệ giữa các đơn vị trên như sau:
1 g = 0,0032 oz t = 0,0350 oz av = 0,6430 dwt = 0,0026 lạng
1 oz t = 31,1030 g = 1,0970 oz av = 20 dwt = 0,8294 lạng
1 oz av = 28,3945 g = 0,9110 oz t = 18,2290 dwt = 0,7560 lạng
1 lạng = 37,5000 g = 10 chỉ = 1,2056 oz t = 13,2270 oz av = 24,1157 dwt
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7054:2014 VỀ VÀNG THƯƠNG PHẨM – YÊU CẦU KỸ THUẬT | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN7054:2014 | Ngày hiệu lực | 31/12/2014 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Tài nguyên - môi trường |
Ngày ban hành | 31/12/2014 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |