QUYẾT ĐỊNH 38/2022/QĐ-UBND NGÀY 21/09/2022 SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH 22/2018/QĐ-UBND
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2022/QĐ-UBND |
Quảng Bình, ngày 21 tháng 9 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 22/2018/QĐ-UBND NGÀY 13/9/2018 CỦA UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất;
Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện;
Căn cứ Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện;
Căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Thông báo số 369-TB/BCSĐ ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tại phiên họp ngày 21/9/2022;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 460/TTr-STNMT ngày 29/7/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ban hành kèm theo Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Bình.
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau:
“1. Quy định này cụ thể hóa một số nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Luật Đất đai 2013; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi là Nghị định 47/2014/NĐ-CP); Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất (sau đây gọi là Nghị định 44/2014/NĐ-CP); Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định 01/2017/NĐ-CP); Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định 148/2020/NĐ-CP); Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện (sau đây gọi là Nghị định số 14/2014/NĐ-CP); Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện (sau đây gọi là Nghị định số 51/2020/NĐ-CP); Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi là Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT); Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sau đây gọi là Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT); Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sau đây gọi là Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT) để áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều 3. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
Việc bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại trong trường hợp không có hồ sơ, chứng từ chứng minh nhưng thực tế đã có đầu tư vào đất quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT được thực hiện theo quy định sau đây:
– Đối với chi phí san lấp mặt bằng, chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng chủ trì, phối hợp với các phòng chức năng có liên quan thuộc UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra thực địa, tính toán khối lượng theo thực tế và căn cứ vào giá vật tư, vật liệu, biểu phí vận chuyển… do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm quyết định thu hồi đất để xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quyết định;
– Đối với chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp: Được bồi thường bằng tiền, mức bồi thường bằng 20% giá đất cùng loại trong bảng giá đất tính theo diện tích đất thực tế thu hồi. Nhưng mức bồi thường không vượt quá 150.000.000 đồng/chủ sử dụng đất bị thu hồi;
– Đối với chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp chủ đầu tư xem xét thực tế báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quyết định bồi thường cho phù hợp.”
3. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 4 như sau:
“c) Trường hợp thu hồi một phần diện tích đất ở hoặc có cả đất ở và đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở, phần diện tích đất còn lại đủ điều kiện để ở (kể cả phần diện tích đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở đủ điều kiện chuyển mục đích sang đất ở) thì được bồi thường bằng tiền, không bồi thường bằng đất ở. Nếu diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn hoặc bằng hạn mức đất ở tối thiểu được phép tách thửa mà người bị thu hồi đất có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc có cả đất ở và đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất thì mới được xem xét để bồi thường bằng đất. Diện tích thửa đất bồi thường không vượt quá diện tích thu hồi; diện tích đất ở bồi thường không thấp hơn diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa, không lớn hơn hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định và người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định (nếu có); diện tích đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở bồi thường không vượt quá 100 m2.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 4 như sau:
“6. Trường hợp thu hồi toàn bộ thửa đất, trong đó có cả đất ở, đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở mà người bị thu hồi đất đề nghị được bồi thường bằng đất hoặc bố trí tái định cư (nếu đủ điều kiện) có cả đất ở và đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở thì cũng được xem xét bồi thường, giao đất tái định cư thửa đất có cả đất ở và đất vườn tùy theo quỹ đất của địa phương. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng báo cáo UBND cấp huyện nơi có dự án để bố trí quỹ đất bồi thường, bố trí tái định cư.
Diện tích đất ở bồi thường, bố trí tái định cư trong trường hợp này không vượt quá hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định, diện tích đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở bồi thường không vượt quá diện tích đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở bị thu hồi và không vượt quá 300m2, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này. Trường hợp thửa đất thu hồi có diện tích đất ở lớn hơn so với hạn mức giao đất thì được xem xét bồi thường, giao thêm đất ở tùy theo quỹ đất của địa phương nhưng diện tích đất ở được giao không lớn hơn diện tích thu hồi và không vượt quá 02 lần hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định.”
5. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 6 như sau:
“b) Đất ở, các loại đất khác trong cùng thửa với đất ở của một chủ sử dụng, đất rừng trồng sản xuất, đất trồng cây lâu năm đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không mà thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất thì chủ sử dụng đất được bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường được thực hiện một lần như sau:
– Diện tích đất ở được bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng là diện tích đất ở thực tế trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không. Mức bồi thường bằng 80% mức bồi thường thu hồi đất ở, tính trên diện tích đất nằm trong hành lang;
– Trên cùng một thửa đất, bao gồm đất ở (được công nhận đất ở) và các loại đất khác của cùng một chủ sử dụng đất, khi bị hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không chiếm dụng khoảng không lớn hơn hạn mức đất ở thì phần diện tích các loại đất khác trên cùng thửa đất trong hành lang cũng được bồi thường. Mức bồi thường bằng 80% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác đó tính trên diện tích các loại đất khác nằm trong hành lang;
– Trường hợp thửa đất có nhà ở, công trình sinh hoạt gắn với nhà ở, nhưng không được công nhận là đất ở thì diện tích đất xây dựng nhà ở, công trình đó nằm trong hành lang được bồi thường bằng 50% mức bồi thường thu hồi đất ở. Các loại đất khác cùng thửa đất có nhà ở nằm trong hành lang được bồi thường bằng 30% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác đó;
– Diện tích đất rừng trồng sản xuất, đất trồng cây lâu năm nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì chủ sử dụng đất được bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng. Mức bồi thường bằng 30% mức bồi thường giá đất cùng loại trong bảng giá đất, tính trên diện tích đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 như sau:
“2. Đối với các loại tài sản chưa có danh mục trong bộ đơn giá quy định của UBND tỉnh thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng xác định loại tài sản cụ thể và căn cứ vào Công bố giá gốc vật liệu xây dựng của Sở Xây dựng tại thời điểm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để xác định giá trị tài sản. Trường hợp các loại vật liệu chưa có trong Công bố giá gốc vật liệu xây dựng thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng khảo sát giá thị trường tại thời điểm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để xác định giá trị tài sản và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cần thiết có thể thuê đơn vị tư vấn có chức năng định giá để xác định giá và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quyết định.”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 như sau:
“2. Đối với nhà, công trình xây dựng khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này được bồi thường theo giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại như sau:
Mức bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng hợp pháp khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi theo Khoản 1, Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP được quy định như sau:
Mức bồi thường nhà, công trình |
= |
Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại |
+ |
Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình |
– Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình do tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư đánh giá thực tế để xác định, lập phương án báo cáo Hội đồng thẩm định xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư quyết định, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.
– Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng công thức:
|
Tgt |
= |
G1 |
– |
G1 |
x |
T1 |
|
T |
Trong đó:
Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại;
G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành;
T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;
T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.
Trong đó: Thời gian sử dụng (T1) dựa trên thời gian cấp giấy phép xây dựng hoặc người dân tự kê khai có xác nhận của UBND cấp xã.
– Thời gian khấu hao (T) áp dụng làm căn cứ xác định giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành tại thời điểm lập phương án bồi thường.
– Nhà tạm, công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, kể cả trên đất nông nghiệp tạm giao, cho thuê, đấu thầu thì được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới tại thời điểm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.”
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 15 như sau:
“4. Đối với các địa phương không có quỹ đất nghĩa địa để bố trí khi di chuyển mồ mả thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng báo cáo UBND cấp huyện nơi có dự án để chỉ đạo địa phương có quỹ đất có phương án bố trí quỹ đất nghĩa địa; trường hợp địa phương không thể bố trí được mà người dân phải tự lo đất nghĩa địa hoặc người dân đề nghị di chuyển mồ mã vào khu nghĩa địa của gia đình, dòng họ phù hợp với quy hoạch của địa phương thì ngoài được bồi thường di chuyển còn được hỗ trợ thêm 5.000.000 đồng/mộ.
Đối với các mồ mả không có thân nhân thì tiền bồi thường được giao cho UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi để chi phí di chuyển đến nơi cải táng mới trong vùng quy hoạch nghĩa địa. Việc di dời mồ mả phải có biên bản xác nhận giữa chủ đầu tư, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và UBND cấp xã”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 20 như sau:
“2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư bằng 10% giá trị bồi thường đất ở nhưng tối thiểu không thấp hơn 70.000.000 đồng đối với đất thu hồi tại khu vực nông thôn, 80.000.000 đồng đối với đất thu hồi tại khu vực ven đô thị, đầu mối giao thông, 100.000.000 đồng đối với đất thu hồi tại khu vực đô thị.”
10. Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 1 Điều 23 như sau:
“a) Hỗ trợ làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoặc chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất bị thu hồi (kể cả trường hợp thửa đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không mà thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất nhưng được bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất): Mức hỗ trợ 400.000 đồng/giấy.
b) Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở mà không còn chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi thì trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới, chờ bố trí tái định cư được hỗ trợ các khoản sau:
– Hỗ trợ thuê nhà 2.000.000 đồng/hộ/tháng và được hỗ trợ thêm mỗi nhân khẩu 200.000 đồng/tháng đối với trường hợp thu hồi đất tại địa bàn các xã; hỗ trợ thuê nhà 2.500.000 đồng/hộ/tháng và được hỗ trợ thêm mỗi nhân khẩu 300.000 đồng/tháng đối với trường hợp thu hồi đất tại địa bàn các phường, thị trấn. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng đối với trường hợp nhà bị giải tỏa là nhà 01 tầng, không quá 9 tháng đối với trường hợp nhà bị giải tỏa là nhà 02 tầng trở lên;
– Hỗ trợ tiền lắp đặt điện sinh hoạt cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển đến nơi ở mới: 2.000.000 đồng/hộ;
– Hỗ trợ tiền lắp đặt điện thoại, mạng internet, mạng cáp tivi cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển đến nơi ở mới: 1.000.000 đồng/hộ (chỉ hỗ trợ cho các hộ đã có đường dây cố định tại nơi ở cũ);
– Hỗ trợ tiền lắp đặt nước sinh hoạt 2.000.000 đồng/hộ; trường hợp đào hoặc khoan giếng (nơi chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt chung) thì hỗ trợ 6.000.000 đồng/hộ, cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển đến nơi ở mới.”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 7 và khoản 8 Điều 23 như sau:
“3. Các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp (trước thời điểm thông báo chủ trương thu hồi đất mà đang trồng cây hàng năm dạng tập trung) thì được hỗ trợ bằng giá trị một vụ trên cùng một diện tích. Giá để tính hỗ trợ là giá trung bình của địa phương tại thời điểm lập phương án bồi thường.”
7. Khi hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hết đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản hoặc phần diện tích còn lại không thể tiếp tục sản xuất dẫn đến các tài sản phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có giá trị từ 500.000 đồng trở lên không thể tiếp tục sử dụng thì được xem xét hỗ trợ bằng tiền. Mức hỗ trợ bằng 50% giá trị tài sản đó đối với các tài sản có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; bằng 40% giá trị tài sản đó đối với các tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; bằng 20% giá trị tài sản đó đối với các tài sản có giá trị trên 50.000.000 đồng theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất.
8. Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở dọc kênh mương và dọc tuyến đường giao thông; đất vườn, ao có nguồn gốc từ được tách từ thửa đất có nhà ở, nếu đất vườn, ao đó đủ điều kiện để bồi thường thì ngoài việc bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm theo giá đất cụ thể còn được hỗ trợ bằng tiền với mức hỗ trợ bằng 50% giá đất ở thửa đất đó theo giá đất cụ thể; diện tích hỗ trợ theo diện tích thực tế bị thu hồi; trường hợp diện tích thực tế bị thu hồi lớn hơn 05 lần hạn mức đất ở thì tính tối đa bằng 05 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương.
Trường hợp đất ở cùng thửa đất vườn, ao thuộc các trường hợp nêu trên không đủ điều kiện bồi thường nhưng người sử dụng đất không có đất ở nào khác thì được hỗ trợ đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất, mức hỗ trợ bằng 30% giá đất ở thửa đất đó theo quy định tại bảng giá đất; diện tích hỗ trợ theo diện tích thực tế bị thu hồi; trường hợp diện tích thực tế bị thu hồi lớn hơn 02 lần hạn mức đất ở thì tính tối đa bằng 02 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương.
Diện tích đất vườn, ao đã được hỗ trợ trong trường hợp này thì không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại Khoản 1, Điều 18 của Quy định này. Trường hợp giá trị hỗ trợ đất vườn, ao thấp hơn thì áp dụng hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm và không hỗ trợ đất vườn, ao.”
12. Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c và điểm e khoản 9 Điều 23 như sau:
“b) Nhà và công trình khác được xây dựng trước ngày 01/7/2014 trên đất không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013 mà tại thời điểm xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố và cắm mốc hoặc vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được cắm mốc, khi xây dựng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có thông báo không được phép xây dựng hoặc không lập biên bản đình chỉ thì không được bồi thường nhưng được hỗ trợ. Mức hỗ trợ bằng 60% mức bồi thường theo quy định tại Điều 11 Quy định này. Trường hợp nhà, công trình khác xây dựng từ ngày 01/7/2014 trở về sau thì không được bồi thường, hỗ trợ.
c) Nhà và công trình xây dựng khác không được phép xây dựng nhưng xây dựng trên đất có đủ điều kiện được bồi thường về đất và xây dựng từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014, khi xây dựng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có thông báo không được phép xây dựng hoặc không lập biên bản đình chỉ thì không được bồi thường nhưng được hỗ trợ. Mức hỗ trợ bằng 70% mức bồi thường theo quy định tại Điều 11 Quy định này.”
e) Khi giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình cầu, đường bộ, đường sắt có hành lang bảo vệ an toàn mà nhà ở của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng quá sát công trình (cách chân công trình từ 2m trở xuống); nền nhà thấp hơn hoặc cao hơn mặt đường từ 1m trở lên và nhà ở cách chân đường từ 3m trở xuống thì được xem xét hỗ trợ để khắc phục ảnh hưởng sau khi có ý kiến thống nhất của Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng. Mức hỗ trợ cụ thể do tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư đề xuất UBND cấp huyện quyết định.”
13. Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b và bổ sung điểm c vào khoản 10 Điều 23 như sau:
“10. Hỗ trợ khi giá trị tiền sử dụng đất thửa đất bồi thường, giao đất tái định cư cao hơn giá trị tiền sử dụng đất thửa đất thu hồi.
a) Khi bồi thường bằng đất mà thửa đất bồi thường có diện tích bằng diện tích thu hồi nhưng có giá trị tiền sử dụng đất cao hơn thửa đất thu hồi không quá 10% thì người được bồi thường không phải nộp thêm khoản tiền chênh lệch cho Nhà nước. Trường hợp giá trị tiền sử dụng đất thửa đất bồi thường cao hơn 10% thì người được bồi thường phải nộp thêm khoản tiền chênh lệch phần giá trị tiền sử dụng đất lớn hơn 10% còn lại hoặc quy đổi giảm diện tích bồi thường. Nhưng diện tích bồi thường sau khi quy đổi phải lớn hơn diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa do UBND tỉnh quy định. Trường hợp sau khi quy đổi diện tích bồi thường bằng diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa do UBND tỉnh quy định mà vẫn còn khoản tiền chênh lệch và người được bồi thường không có khả năng nộp khoản tiền chênh lệch này thì được xem xét ghi nợ tiền sử dụng đất đối với khoản chênh lệch đó.
b) Khi bố trí tái định cư mà thửa đất bố trí tái định cư có diện tích bằng diện tích thu hồi nhưng giá trị tiền sử dụng đất tại khu tái định cư cao hơn thửa đất thu hồi không quá 20% thì người được bố trí tái định cư không phải nộp thêm khoản tiền chênh lệch cho Nhà nước. Trường hợp giá trị tiền sử dụng đất thửa đất bố trí tái định cư cao hơn 20% thì người được bố trí tái định cư phải nộp thêm khoản tiền chênh lệch phần giá trị tiền sử dụng đất lớn hơn 20% còn lại hoặc quy đổi giảm diện tích giao đất tái định cư. Nhưng diện tích giao đất tái định cư sau khi quy đổi không thấp hơn diện tích suất tái định cư tối thiểu quy định tại Điều 25 Quy định này. Trường hợp người được giao đất tái định cư không có khả năng nộp khoản tiền chênh lệch thì được xem xét ghi nợ tiền sử dụng đất khoản chênh lệch đó.
c) Trường hợp thửa đất bồi thường, giao đất tái định cư và thửa đất thu hồi không cùng diện tích thì thực hiện quy đổi về cùng diện tích để thực hiện việc tính toán hỗ trợ. Việc hỗ trợ này tính trên diện tích thửa đất bồi thường, giao đất tái định cư nhưng không vượt quá diện tích thu hồi.”
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 12 Điều 23 như sau:
“12. Đối với diện tích đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không mà thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất thì ngoài việc được bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất theo Điểm b Khoản 2 Điều 6 Quy định này còn được hỗ trợ thêm bằng 70% giá đất của loại đất đó quy định tại bảng giá đất. Việc hỗ trợ chỉ được thực hiện một lần.”
15. Bổ sung khoản 12a vào sau khoản 12 Điều 23 như sau:
“12a. Khi giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình cầu, đường bộ, đường sắt có hành lang bảo vệ an toàn mà lăng, mộ của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng quá sát công trình (cách chân công trình từ 1 m trở xuống) và nền lăng, mộ thấp hơn hoặc cao hơn mặt đường từ 2m trở lên mà hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng di chuyển thì được xem xét cho di chuyển, người có mồ mã phải di chuyển được bố trí đất và được bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá hiện hành của UBND tỉnh.”
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25 như sau:
“1. Suất tái định cư tối thiểu theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP được thực hiện như sau:
– Đối với các phường thuộc thành phố Đồng Hới: 100 m2;
– Đối với các xã thuộc thành phố Đồng Hới, phường Ba Đồn thuộc thị xã Ba Đồn: 120 m2;
– Đối với thị trấn các huyện, các phường khác thuộc thị xã Ba Đồn: 150 m2;
– Đối với các xã đồng bằng còn lại: 200 m2;
– Đối với các xã trung du, miền núi: 300 m2.”
17. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 26 như sau:
“2. Mức thưởng
a) Thưởng 8% (tám phần trăm) trên giá trị bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất (không bao gồm giá trị bồi thường đất và các chính sách hỗ trợ về đất) đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này có tổng giá trị bồi thường về tài sản nhỏ hơn hoặc bằng 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).
b) Thưởng 10% (mười phần trăm) trên giá trị bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất (không bao gồm giá trị bồi thường đất và các chính sách hỗ trợ về đất) đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này có tổng giá trị bồi thường về tài sản trên 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng). Nhưng tối đa không quá 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng)/đối tượng.”
18. Sửa đổi điểm a, bổ sung điểm b1 và b2 vào sau điểm b khoản 3 Điều 31 như sau:
“a) Chấp hành việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được công bố; thông báo chủ trương thu hồi đất; kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;
b1) Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành;
b2) Khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, người có đất bị thu hồi có trách nhiệm nộp (bản gốc) các giấy tờ về quyền sử dụng đất, giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (nếu có) cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để chuyển cho cơ quan tài nguyên và môi trường làm thủ tục thu hồi, chỉnh lý hoặc cấp giấy chứng nhận đối với phần diện tích đất không bị thu hồi;”
19. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau:
“Điều 32. Xử lý một số vấn đề chuyển tiếp và phát sinh sau khi ban hành Quyết định
1. Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định của Quyết định này. Trường hợp những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Quyết định này.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thì áp dụng theo quy định mới.”
Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp
Trường hợp dự án đã có quyết định thu hồi đất và có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo Quyết định này.
Điều 3. Điều khoản thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2022.
Điều 4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội, Cục trưởng Cục Thuế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Như Điều 4; – Văn phòng Chính phủ; – Bộ Tài nguyên và Môi trường; – Bộ Tài chính; – Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp; – Vụ pháp chế – Bộ Tài nguyên và Môi trường; – Thường vụ Tỉnh ủy; – Thường trực HĐND tỉnh; – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; – Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; – UBMTTQ Việt Nam tỉnh; – Sở Tư pháp; – Báo Quảng Bình; – Đài PT-TH Quảng Bình; – Trung tâm tin học Công báo tỉnh; – Lưu: VT, CVKT. |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN Đoàn Ngọc Lâm |
QUYẾT ĐỊNH 38/2022/QĐ-UBND NGÀY 21/09/2022 SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH 22/2018/QĐ-UBND | |||
Số, ký hiệu văn bản | 38/2022/QĐ-UBND | Ngày hiệu lực | 01/10/2022 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Bất động sản Tài chính công |
Ngày ban hành | 21/09/2022 |
Cơ quan ban hành |
Cơ quan tỉnh |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |