QUYẾT ĐỊNH 44/2022/QĐ-UBND NGÀY 27/09/2022 VỀ QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÀ TẬP THỂ LÃNH ĐẠO CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 10/10/2022

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 44/2022/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 27 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÀ TẬP THỂ LÃNH ĐẠO CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2022.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Bộ GT
VT;
– Cục Kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp;
– Thường trực Tỉnh ủy;
– Thường trực HĐND tỉnh;
– Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
– Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
– Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
– Báo Ninh Bình;
– Công báo t
nh Ninh Bình;
– Cổng thông tin điện tử tỉnh;
– Lưu: VT, VP4,2,TTHCB.

TT_VP4_QĐ_15/09.2022

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Nguyễn Cao Sơn

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÀ TẬP THỂ LÃNH ĐẠO CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 44/2022/QĐ-UBND ngày 27 tháng năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

2. Các nội dung không quy định tại Quy định này thì thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người đứng đầu và tập thể lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm: Công an tỉnh; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Y tế; Sở Tài chính; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã).

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÀ TẬP THỂ LÃNH ĐẠO CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG

Điều 3. Trách nhiệm của Giám đốc Công an tỉnh và tập thể lãnh đạo Công an tỉnh

Giám đốc Công an tỉnh và tập thể lãnh đạo Công an tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo và điều hành hoạt động của Công an tỉnh trong việc thực hiện các nội dung sau:

1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh; kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tuần tra kiểm soát xử lý theo chuyên đề.

2. Điều tiết giao thông; giải quyết ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

3. Phòng, chống đua xe trái phép.

4. Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, tổng hợp dữ liệu, hồ sơ về tai nạn giao thông, phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông.

5. Kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

6. Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân để:

a) Xử lý, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông; xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè; xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; xử lý phương tiện chở quá tải trọng, quá khổ; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

b) Xử lý, khắc phục hậu quả tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Giao thông vận tải và tập thể lãnh đạo Sở Giao thông vận tải

Giám đốc Sở Giao thông vận tải và tập thể lãnh đạo Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm lãnh đạo và điều hành hoạt động của Sở Giao thông vận tải trong việc thực hiện các nội dung sau:

1. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, xử lý tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; ngăn chặn và xử lý các hành vi gây mất an toàn giao thông trên địa bàn theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

3. Thẩm định an toàn giao thông thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì hoặc phối hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh việc tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

5. Chủ trì hoặc phối hợp xử lý đột xuất điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông trên hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật.

6. Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật.

7. Giải quyết theo thẩm quyền của Sở đối với các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

8. Tổ chức kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

9. Tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông; khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; ngăn chặn, xử lý vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Điều 5. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng và tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng

Giám đốc Sở Xây dựng và tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng có trách nhiệm lãnh đạo và điều hành hoạt động của Sở Xây dựng trong việc thực hiện các nội dung sau:

1. Lập, quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ quản lý ngành và phân cấp quản lý bảo đảm các quy định về an toàn giao thông.

2. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện và các chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch xây dựng bảo đảm các quy định về an toàn giao thông.

3. Kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về xây dựng ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Điều 6. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và tập thể lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và tập thể lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lãnh đạo và điều hành hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các nội dung sau:

1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện lập, quản lý quy hoạch sử dụng đất bảo đảm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn giao thông.

2. Kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm quy hoạch sử dụng đất, hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Điều 7. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tập thể lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tập thể lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lãnh đạo và điều hành hoạt động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện các nội dung sau:

1. Bảo đảm an toàn công trình giao thông và an toàn giao thông trong quá trình xây dựng, khai thác, sử dụng, cải tạo, sửa chữa các công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý.

2. Phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý phương tiện quá tải trọng đi trên đê; xử lý hành vi khai thác khoáng sản, nạo vét lòng sông gây ảnh hưởng đến an toàn công trình giao thông.

Điều 8. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và tập thể lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo việc thực hiện công tác phối hợp của Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 9. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế và tập thể lãnh đạo Sở Y tế

Giám đốc Sở Y tế và tập thể lãnh đạo Sở Y tế có trách nhiệm lãnh đạo và điều hành hoạt động của Sở Y tế trong việc thực hiện các nội dung sau:

1. Tổ chức công tác khám sức khỏe, kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, chất kích thích của người lái xe tại các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe; kiểm tra hoạt động của các cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.

2. Báo cáo thống kê các ca cấp cứu về tai nạn giao thông theo quy định.

Điều 10. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài chính và tập thể lãnh đạo Sở Tài chính

Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính và tập thể lãnh đạo Sở Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện công tác phối hợp của Sở Tài chính với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Điều 11. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quy định của pháp luật để chỉ đạo tổ chức thực hiện trên địa bàn cấp huyện các nội dung sau:

1. Tuyên truyền, giáo dục quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, bảo vệ lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; đấu nối vào đường bộ; quản lý lối đi tự mở qua đường sắt đến thời điểm được xóa bỏ theo lộ trình; bảo trì các tuyến đường được giao quản lý, xử lý điểm đen và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; kiểm soát phương tiện chở quá tải, quá khổ giới hạn, quản lý bến thủy nội địa, bến khách ngang sông.

3. Quản lý, khai thác, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ; quản lý công trình xây dựng dân cư, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ bảo đảm quy định về hành lang an toàn giao thông, hệ thống đường gom, thoát nước, đấu nối.

4. Xây dựng quy hoạch và quản lý hoạt động các bãi đỗ xe; bố trí các vị trí trông giữ xe, dừng, đỗ xe tạm thời.

5. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

6. Kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Giải quyết, xử lý khi có hồ sơ, biên bản vi phạm trật tự an toàn giao thông của đơn vị quản lý tuyến đường, thanh tra giao thông, công an hoặc cơ quan có thẩm quyền khác cung cấp.

7. Tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tổ chức giao thông khi xảy ra thiên tai, không để xảy ra ùn tắc giao thông do thiên tai.

8. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan trong công tác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch và xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, thương mại dịch vụ bảo đảm quy định về hành lang an toàn giao thông, hệ thống đường gom, thoát nước, đấu nối; giải phóng mặt bằng để xử lý điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông, khắc phục hậu quả thiên tai.

Điều 12. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ quy định của pháp luật để chỉ đạo tổ chức thực hiện trên địa bàn cấp xã các nội dung sau:

1. Tuyên truyền, giáo dục quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, bảo vệ lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; đấu nối vào đường bộ; quản lý lối đi tự mở qua đường sắt đến thời điểm được xóa bỏ theo lộ trình; bảo trì các tuyến đường được giao quản lý, xử lý điểm đen và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; kiểm soát phương tiện chở quá tải, quá khổ gii hạn, quản lý bến thủy nội địa, bến khách ngang sông.

3. Quản lý, khai thác, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ; quản lý công trình xây dựng dân cư, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ bảo đảm quy định về hành lang an toàn giao thông, hệ thống đường gom, thoát nước, đấu nối.

4. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

5. Kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Giải quyết, xử lý khi có hồ sơ, biên bản vi phạm trật tự an toàn giao thông của đơn vị quản lý tuyến đường, thanh tra giao thông, công an hoặc cơ quan có thẩm quyền khác cung cấp.

6. Lãnh đạo, chỉ đạo các Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và các tổ chức liên quan có các hình thức hoạt động tự quản, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định pháp luật về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trên địa bàn.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Xử lý trách nhiệm

1. Hằng năm, Ban An toàn Giao thông tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quy định này trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

2. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quy định này theo quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và các quy định hiện hành của Đảng.

Điều 14. Tổ chức thực hiện Quy định

1. Người đứng đầu, tập thể lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Quy định này có trách nhiệm thực hiện Quy định này.

2. Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy định này và tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện khi có yêu cầu.

Điều 15. Sửa đổi, bổ sung Quy định

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh bằng văn bản về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

QUYẾT ĐỊNH 44/2022/QĐ-UBND NGÀY 27/09/2022 VỀ QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÀ TẬP THỂ LÃNH ĐẠO CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
Số, ký hiệu văn bản 44/2022/QĐ-UBND Ngày hiệu lực 10/10/2022
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính
Giao thông - vận tải
Ngày ban hành 27/09/2022
Cơ quan ban hành Ninh Bình
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản