TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10066:2013 (EN 1272:1998) VỀ ĐỒ DÙNG TRẺ EM – GHẾ DÙNG ĐỂ GẮN VỚI BÀN – YÊU CẦU AN TOÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ
TCVN 10066:2013
EN 1272:1998
ĐỒ DÙNG TRẺ EM – GHẾ DÙNG ĐỂ GẮN VỚI BÀN – YÊU CẦU AN TOÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ
Child care articles – Table mounted chairs – Safety requirements and test methods
Lời nói đầu
TCVN 10066:2013 hoàn toàn tương đương với EN 1272:1998
TCVN 10066:2013 do Tiểu Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 181/SC1 Đồ dùng trẻ em biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
ĐỒ DÙNG TRẺ EM – GHẾ DÙNG ĐỂ GẮN VỚI BÀN – YÊU CẦU AN TOÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ
Child care articles – Table mounted chairs – Safety requirements and test methods
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu an toàn và phương pháp thử tương ứng đối với ghế dùng để gắn với bàn dành cho trẻ đã biết ngồi (khoảng 6 tháng tuổi) và nặng không quá 15 kg.
Tiêu chuẩn này chỉ đề cập đến vấn đề an toàn và không nhằm mục đích đưa ra các thiết kế riêng biệt hoặc phương pháp kết cấu đặc biệt cho ghế dùng để gắn với bàn.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 6238-1:2001 (EN 71-1:1988)1, An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 1: Yêu cầu cơ lý;
TCVN 6238-2:1997 (EN 71-2:1993)2, An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 2: Yêu cầu chống cháy;
TCVN 6238-3:1997 (EN 71-3:1994)3, An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 3: Yêu cầu mức giới hạn xâm nhập của các độc tố;
EN 45001, General criteria for the operation of testing laboratories (Tiêu chí chung đối với hoạt động của phòng thử nghiệm).
ISO 2439:1980, Flexible cellular polymeric materials – Determination of hardness (Vật liệu polyme, xốp đàn hồi – Xác định độ cứng (kỹ thuật ấn lõm)).
3. Thuật ngữ, định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1. Ghế dùng để gắn với bàn (table mounted chairs)
Ghế được gắn với bàn hoặc mặt phẳng nằm ngang khác, thường dành cho trẻ sử dụng.
3.2. Bộ phận chặn, giữ (restraint device)
Bộ phận ngăn trẻ bị trượt hoặc ngã ra khỏi ghế dùng để gắn với bàn.
3.3. Đai chặn (crotch strap)
Đai chặn giữa hai chân để ngăn trẻ không bị trượt về phía trước
3.4. Dây an toàn gắn cố định (integral harness)
Hệ thống dây đai vòng quanh thân và vòng qua vai để giữ trẻ ngồi cố định trong ghế dùng để gắn với bàn.
3.5. Bộ phận đỡ có móc neo (anchoring support)
Bộ phận được thiết kế để gắn cố định ghế dùng để gắn với bàn vào bề mặt đỡ.
4. Tính chất của vật liệu
4.1. Tính chất hóa học
Bề mặt của vật liệu phải đáp ứng với các yêu cầu của EN 71-3:1994.
4.2. Khả năng chống cháy
Ghế dùng để gắn với bàn phải không được có bất kỳ chi tiết nào có thể gây ra hiệu ứng bắt cháy bề mặt (ví dụ, bề mặt vài thô) khi được thử theo 5.5 của EN 71-2:1993.
4.3. Tính co rút
Đối với ghế dùng để gắn với bàn có các chi tiết bằng vải có thể tháo rời để giặt hoặc làm sạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thì tiến hành thử theo Điều 6 sau khi chi tiết bằng vải được giặt và sấy khô hai lần, và sau đó lắp khít lại được vào khung theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
5. Kết cấu
5.1. Quy định chung
Ghế dùng để gắn với bàn, sau khi được lắp ráp để sử dụng, phải có kết cấu sao cho có thể ngăn được tất cả các rủi ro làm kẹp, cắt hoặc gây thương tích cho trẻ và người trông trẻ.
CHÚ THÍCH: Nếu có đồ chơi được gắn cố định vào ghế dùng để gắn với bàn, cần chú ý đến các quy định của EN 71.
5.2. Khoảng trống và khe hở
Các yêu cầu dưới đây phải được đáp ứng trước và sau khi thử theo Điều 6. Ghế dùng để gắn với bàn phải được thử trong các điều kiện chịu tải trọng nhỏ nhất và lớn nhất.
a) Để tránh bị kẹp ngón tay, ghế dùng để gắn với bàn không được có các cấu trúc dạng ống hở, hoặc bao gồm khoảng trống hoặc khe hở từ 5mm đến 12 mm, thực hiện đo theo 6.2.3.2 trừ khi độ sâu của chúng nhỏ hơn hoặc bằng 10mm.
Khi thử theo 6.2.3.2, yêu cầu này được đáp ứng nếu dụng cụ hình côn có đường kính 5 mm không thể lọt qua hoặc nếu dụng cụ hình côn có đường kính 12 mm lọt qua được.
b) Để tránh bị kẹp chân, ghế dùng để gắn với bàn không được có khoảng trống hoặc khe hở từ 25mm đến 45mm (thực hiện đo theo 6.2.3.2).
Khi thử theo 6.2.3.2, yêu cầu này được đáp ứng nếu dụng cụ hình côn có đường kính 25 mm không thể lọt qua hoặc nếu dụng cụ hình côn có đường kính 45 mm lọt qua được.
c) Để tránh đầu và thân bị kẹt, ghế dùng để gắn với bàn không được có khe hở, lỗ hoặc khoảng trống với khoảng cách giữa các mặt lớn hơn 110 mm, trừ phía trước chỗ ngồi, khi thử theo 6.2.3.2.
5.3. Cạnh và góc
Tất cả các cạnh, góc và các phần nhô ra tiếp xúc được phải được thiết kế để làm giảm nguy cơ gây thương tích. Các cạnh, góc tiếp xúc được phải phù hợp với các ví dụ được nêu trong Hình 1a), b) hoặc c) hoặc nếu thành có độ dày nhỏ hơn 4mm thì phải phù hợp với một trong các yêu cầu sau:
– được vát hoặc làm tròn;
– được gập, cuốn hoặc xoắn như minh họa trong Hình 2a);
– được bảo vệ bởi lớp phủ bằng chất dẻo hoặc cách tương đương khác như minh họa trong Hình 2b).
Bề mặt của cạnh và góc phải nhẵn và không có bavia.
Bán kính tối thiểu được nêu trong Hình 1 và Hình 2 không áp dụng đối với các chi tiết nhỏ như chốt nối, giá đỡ và móc cài.
5.4. Các bộ phận nhỏ
Để tránh cho trẻ nuốt hoặc hít phải các vật nhỏ, các chi tiết mà trẻ có thể tháo rời phải không lọt được hoàn toàn vào ống trụ thử các chi tiết nhỏ dù ở bất kỳ vị trí nào theo quy định trong 4.15 của TCVN 6238-1:2001 (EN 71-1:1988).
Các chi tiết, bộ phận không thể tách rời mà được thiết kế không tháo ra được phải phù hợp với một trong các yêu cầu sau:
a) Các chi tiết phải được gắn sao cho trẻ không thể kẹp chúng bằng răng hoặc ngón tay;
b) Các chi tiết phải được gắn cố định vào sản phẩm sao cho chúng không bị tách rời khi chịu lực tác dụng 90 N theo bất kỳ hướng nào;
c) Bất kỳ các chi tiết nào bị tách rời sau khi thử theo a) và b) ở trên phải không lọt hoàn toàn vào ống trụ thử các chi tiết nhỏ dù ở bất kỳ vị trí nào theo quy định trong 4.15 của TCVN 6238-1:2001 (EN 71-1:1988).
d) Keo dán, đề can và nhãn trên ghế dùng để gắn với bàn bị tách rời ra khi thử theo 6.10 (thử ngâm) không được tạo ra bất kỳ phần nào có thể lọt hoàn toàn vào ống trụ thử các chi tiết nhỏ dù ở bất kỳ vị trí nào theo quy định trong 4.15 của TCVN 6238-1:2001 (EN 71-1:1988).
Hình 1 – Ví dụ về bán kính tối thiểu của cạnh và góc
Hình 2 – Cạnh được cuộn, gấp, xoắn và được bảo vệ
5.5. Đinh vít
Các đinh vít để gắn trực tiếp các chi tiết của ghế dùng để gắn với bàn phải không được sử dụng nếu phải tháo ra khi tháo ghế dùng để gắn với bàn.
5.6. Cơ cấu gấp
Nếu cơ cấu có thể gấp được, hệ thống gấp phải được khóa chặt vào đúng vị trí khi ghế dùng để gắn với bàn được lắp vào để sử dụng.
Ghế dùng để gắn với bàn phải không được bị gấp bất ngờ khi được thử theo Điều 6.
5.7. Kích thước
Khi được gắn để sử dụng, chiều cao tối thiểu của tựa lưng của ghế dùng để gắn với bàn là 250mm (xem Hình 3) và phải lắp vừa với tay vịn ở hai bên có chiều cao tối thiểu là 170mm, khi được đo theo 6.9.
5.8. Chỗ để chân
Ghế dùng đế gắn với bàn không có chỗ để chân.
5.9. Ghế ngồi
5.9.1. Ghế ngồi có thể tháo rời
Nếu ghế ngồi có thể tháo rời được khỏi khung, thiết bị khóa để giữ chặt ghế vào khung phải được thiết kế để ngăn ghế ngồi không bị rời bất ngờ ra khỏi khung.
Ghế ngồi vẫn phải được gắn với khung khi trải qua tất cả các phép thử trong Điều 6.
5.9.2. Độ bền
Ghế dùng để gắn với bàn không được bị hỏng vĩnh viễn mà có thể làm suy yếu sự an toàn và chức năng thông thường khi được thử theo 6.3 và 6.4.
5.10. Bộ phận chặn, giữ
Ghế dùng để gắn với bàn phải có bộ phận chặn giữ ít nhất bao gồm một đai chặn và một dây đai an toàn vòng quanh người có thể điều chỉnh được.
Đai chặn phải được gắn cố định vào chỗ ngồi và vào dây đai an toàn vòng quanh người [xem Hình 4a)] hoặc vào chính giữa của thanh chắn hoặc đai phía trước [xem Hình 4b)].
Chiều rộng ít nhất của tất cả các đai là 20mm.
5.11. Bộ phận neo, đỡ
Khi được thử theo 6.5, ghế dùng để gắn với bàn phải không được di chuyển tổng cộng quá 10mm.
5.12. Độ bền của bộ phận chặn, giữ
Tất cả các chi tiết của bộ phận chặn, giữ không được có các dấu hiệu hư hại nhìn thấy được và bộ phận điều chỉnh đai không được di chuyển quá 10mm, khi thử theo 6.6.
5.13. Độ ổn định
Khi được thử theo 6.7, ghế dùng để gắn với bàn phải không bị gập hoặc bị lật.
5.14. Khả năng chống nảy của neo giữ ghế dùng để gắn với bàn
Khi được thử theo 6.8, ghế dùng để gắn với bàn không được di chuyển quá 10mm.
5.15. Độ bền của nhãn
Khi được thử theo 6.11, nội dung nhãn vẫn phải rõ ràng, dễ đọc.
Hình 3 – Kích thước
Hình 4 – Bộ phận chặn, giữ
6. Phương pháp thử
6.1. Điều kiện thử chung
Nếu không có quy định khác, độ chính xác khi đo của tất cả các lực là ±5%, tất cả các quả nặng là ±0,5% và tất cả các kích thước là ±0,5mm.
Trước khi thử, trừ trường hợp đo khoảng trống và khe hở (xem 5.2), vải dệt bất kỳ được sử dụng phải được làm sạch, giặt và làm khô hai lần theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ghế dùng để gắn với bàn phải được kiểm tra khi giao hàng. Nếu là loại tháo rời, ghế dùng để gắn với bàn phải được lắp lại theo hướng dẫn kèm theo sản phẩm. Nếu ghế dùng để gắn với bàn được lắp hoặc được kết hợp theo các cách khác nhau, thì phải thử sự kết hợp phức tạp nhất.
Các chi tiết tháo lắp phải được lắp chặt trước khi thử và không được siết chặt lại trong suốt quá trình thử.
Tất cả các phép thử áp dụng phải được thực hiện trên cùng một sản phẩm và theo thứ tự như trong tiêu chuẩn này. Khi áp dụng được, mỗi phép thử phải được thực hiện bằng cách sử dụng mặt thử có độ dày 19mm, sau đó là mặt thử có độ dày 38mm. Nếu nhà sản xuất quy định độ dày của một hoặc cả hai bề mặt không nằm trong khoảng 19mm đến 38mm, thì thực hiện phép thử với chính độ dày đó.
6.2. Thiết bị thử
CHÚ THÍCH: Nếu không có quy định khác, có thể sử dụng bất kỳ thiết bị thích hợp nào để tác dụng lực thử, do kết quả chỉ phụ thuộc chính xác vào lực và tải trọng tác dụng, không phụ thuộc vào thiết bị.
6.2.1. Bề mặt thử
Cơ cấu đỡ là một tấm ván ép cứng, sáng màu (không có hoa văn) nằm ngang, vuông góc và có chiều dài, chiều rộng đủ để lắp đặt ghế dùng để gắn với bàn. Mỗi thử nghiệm sử dụng hai cơ cấu đỡ một có độ dày 19mm và một có độ dày 38mm. Nếu nhà sản xuất quy định thêm một độ dày nẳm ngoài khoảng 19mm và 38mm, thì độ dày quy định này cũng được sử dụng để thử.
6.2.2. Khối thử
6.2.2.1. Một khối trụ cứng đường kính (160±5) mm, chiều cao (300±5) mm, có khối lượng 9kg+ và có trọng tâm ở tâm khối trụ. Tất cả các mép có bán kính (5 ± 1) mm. Có hai chốt neo. Các chốt này được đặt vào vị trí cách đáy (15,0±2,5) mm và cách nhau 180° quanh chu vi (xem Hình 5).
1 bán kính (5±1) mm 2 Chốt neo
Hình 5 – Khối thử được quy định trong 6.2.2.1
6.2.2.2. Một khối trụ cứng có đường kính (200±5) mm, chiều cao (300±5) mm, có khối lượng 15kg+ và trọng tâm ở tâm khối trụ. Tất cả các mép phải có bán kính (5±1) mm. Có hai chốt neo. Các chốt này phải được đặt vào vị trí cách đáy (150±2,5) mm và cách nhau 180° quanh chu vi (xem Hình 6).
1 bán kính (5±1)mm 2 Chốt neo
Hình 6 – Khối thử được quy định trong 6.2.2.2
6.2.3. Dụng cụ hình côn trượt
6.2.3.1. Quy định chung
Một dụng cụ hình côn được làm bằng chất dẻo hoặc vật liệu nhẵn, cứng khác được gắn lên một dụng cụ đo lực (xem Hình 7). Có 5 dụng cụ hình côn có đường kính lần lượt là 5 mm, 12 mm, 25 mm, 45 mm và 110 mm.
6.2.3.2. Đo các khoảng trống và lỗ
Kiểm tra tất cả các khoảng trống và lỗ bằng dụng cụ hình côn (xem 6.2.3.1) và các lực được quy định trong Bảng 1.
Bảng 1
Đường kính dụng cụ hình côn mm |
Lực N N |
5 |
30 |
12 |
0 |
25 |
30 |
45 |
0 |
110 |
30 |
Xác nhận xem dụng cụ hình côn có lọt qua hay không.
6.3. Thử độ bền tĩnh
Lắp ghế dùng để gắn với bàn theo cách sử dụng thông thường và gắn vào mặt đỡ. Đặt một khối thử 40 kg lên ghế và để yên trong 24 h.
6.4. Thử độ bền động
Lắp ghế dùng để gắn với bàn theo cách sử dụng thông thường và gắn vào mặt đỡ. Đặt lên ghế một tấm xốp polyeste mềm có độ dày 50 mm, mật độ khối (30±2) kg/m3 và chỉ số độ cứng ấn lõm (170±20), A40 theo ISO 2439:1980.
Đặt khối thử (xem 6.2.2.2) vào giữa ghế.
Nâng khối thử lên cao 80 mm so với ghế và để cho khối rơi tự do vào giữa ghế. Thực hiện thử rơi 100 lần.
Hình 7 – Ví dụ về dụng cụ hình côn đo
6.5. Kiểm tra bộ phận neo, đỡ
Lắp ghế dùng để gắn với bàn theo cách sử dụng thông thường và gắn vào mặt đỡ.
Đặt khối thử (xem 6.2.2.1) vào giữa ghế. Đánh dấu vị trí của tất cả các chi tiết của bộ phận neo, đỡ tiếp xúc với mặt đỡ. Tác dụng một lực 150N theo phương ngang trong 10 s, như minh họa trong Hình 8. Thực hiện thử 5 lần.
Hình 8 – Thử dụng cụ neo, đỡ
CHÚ THÍCH: Khối thử 9kg, tương đương với cân nặng của em bé 6 tháng tuổi, được sử dụng để thể hiện điều kiện sử dụng kém thuận lợi nhất.
6.6. Thử độ bền của bộ phận chặn giữ
Móc một khối nặng 15kg, được gắn với một dây có đường kính không quá 5 mm vào từng chi tiết của bộ phận chặn, giữ và cho chúng treo tự do ở mỗi bên của ghế dùng để gắn với bàn trong 5 min như minh họa trong Hình 9.
Tại vị trí đai an toàn gắn cố định của ghế dùng để gắn với bàn, móc một khối nặng 15kg vào từng dây đơn và để chúng treo tự do ở mỗi bên của ghế dùng để gắn với bàn trong 5 min ở từng vị trí, như minh họa trong Hình 9.
Hình 9 – Thử độ bền của bộ phận chặn, giữ
6.7. Thử độ ổn định
Gắn một thanh cứng có khối lượng không đáng kể lên các thành của ghế dùng để gắn với bàn song song với bề mặt đỡ trên, ở vị trí kém thuận lợi nhất.
Đặt khối thử (xem 6.2.2.1) vào giữa ghế.
Tại điểm cách mặt trong của tay vịn của ghế dùng để gắn với bàn 100 mm, tác dụng một lực 100 N thẳng đứng xuống thanh.
6.8. Thử độ nẩy
6.8.1. Thiết bị thử
6.8.1.1. Máy thử độ nẩy
Một thiết bị có thể tác dụng một lực (15±3) kg lặp đi lặp lại hướng lên trên qua một miếng đệm tải để truyền xung lực lên mặt dưới của ghế dùng để gắn với bàn. Có thể sử dụng thiết bị này để tác dụng một lực hướng lên trên tại điểm bất kỳ giữa các vị trí còn lại của mặt dưới của ghế dùng để gắn với bàn và cách dưới điểm đó (20±1) mm và để có thể tác dụng một lực cách trên vị trí còn lại của ghế (5±2) mm. Miếng đệm tải phải không được tiếp xúc với ghế trong quá trình chuyển động hướng xuống dưới.
CHÚ THÍCH: Máy kiểm tra độ nẩy có thể được kết cấu theo nhiều cách khác nhau, chạy bằng khí nén hoặc điện. Thiết bị được gợi ý chạy bằng khí nén được nêu trong Phụ lục A.
6.8.1.2. Miếng đệm tải
Một vật hình tròn, cứng, có đường kính 100 mm với mặt phẳng và bán kính cạnh là 12 mm, có thể dễ dàng quay quanh trục (ví dụ, gắn vào một khớp nối tròn).
6.8.2. Cách tiến hành
Đặt ghế dùng để gắn với bàn lên mặt thử có độ dày 19 mm (xem 6.2.1) theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu thích hợp, vặn chặt bộ phận khóa được thiết kế để gắn ghế dùng để gắn với bàn vào bàn bằng cách sử dụng lực (40 ± 2) N tiếp tuyến với mặt ngoài của thiết bị. Gắn khối thử (xem 6.2.2.2) vào ghế dùng để gắn với bàn tại tâm của ghế bằng sử dụng dây đai của bộ phận chặn, giữ hoặc dây sao cho khối thử không tiếp xúc với mặt thử và không thể di chuyển quá 10 mm so với ghế. Bảo vệ khối thử bằng cách thích hợp để không gây hư hại cho ghế.
Tác dụng lực hướng lên như mô tả trong 6.8.1.1 vào tâm của mặt dưới ghế sao cho tổ hợp ghế/khối thử bị nhấc lên. Thả tổ hợp rơi xuống vị trí cũ trước khi tác dụng lực thử tiếp theo. Lặp lại thao tác này 60 lần.
Lặp lại thử nghiệm, sử dụng mặt thử có độ dày 38 mm (xem 6.2.1).
Nếu một trong hai độ dày hoặc cả hai độ dày theo quy định trong 7.2.4 và 7.4.7 không nằm trong khoảng 19 mm và 38 mm, phải lặp phép thử bằng cách sử dụng (các) bề mặt có độ dày đó.
6.9. Các phép đo
Đặt một bảng hình chữ nhật cứng AA1B1B có kích thước (120 x 150) mm lên ghế (xem Hình 10).
Các điểm A và B tiếp xúc với tựa lưng của ghế hoặc tiếp tuyến với tựa lưng của ghế.
Đặt khối thử (xem 6.2.2.1) lên bảng cách cạnh AB 30 mm.
Đặt một bảng cứng DD1C1C ngang với tựa tay của ghế như minh họa trong Hình 11.
Đặt một thanh cứng EF ngang với đỉnh của tựa lưng ghế hoặc tiếp tuyến với tựa lưng ghế ít nhất tại vị trí E và F (EF = 120 mm)
Kiểm tra xem khoảng cách giữa A1B1AB và EF có lớn hơn hoặc bằng 250 mm không.
Kiểm tra xem khoảng cách giữa A1B1AB và DD1C1C có bằng hay lớn hơn 170 mm không.
6.10. Thử ngâm đối với keo dính, đề can và nhãn
Ngâm toàn bộ sản phẩm hoặc chi tiết cần thử vào bình chứa nước đã khử khoáng ở nhiệt độ (20±5) °C trong 4 min. Lấy sản phẩm hoặc chi tiết ra, vắt hết nước dư và để ở nhiệt độ phòng trong 10 min.
Thực hiện phép thử này bốn lần.
Ngay sau khi kết thúc lần thử cuối cùng, kiểm tra xem liệu vật bị rời ra có phù hợp với yêu cầu trong 5.4 hay không.
6.11. Độ bền của nhãn mác
Sử dụng một miếng vải ngâm nước để chà xát nhãn trong 15 s và sau đó tiếp tục chà xát trong 15 s bằng miếng vải ngâm dung dịch chứa các thành phần sau:
– Natri dodexyl benzen sulfonat 25%
– Natri lauryl ete sulfat 5%
– Natri xylen sulfonat 3%
6.12. Báo cáo thử nghiệm
Ngoài các thông tin bắt buộc theo EN 45001, báo cáo thử nghiệm phải có ít nhất các thông tin sau:
a) mô tả điều kiện vận chuyển ghế dùng để gắn với bàn;
b) kết quả thử theo Điều 6;
c) việc tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn này;
d) thông tin chi tiết về bất kỳ sai lệch nào so với tiêu chuẩn này.
Hình 10 – Bảng hình chữ nhật
Hình 11 – Các phép đo
7. Thông tin sản phẩm
7.1. Quy định chung
Thông tin sản phẩm phải được đưa ra để làm giảm hậu quả của các rủi ro dự kiến khi sử dụng ghế dùng để gắn với bàn.
Thông tin phải được thể hiện bằng các ngôn ngữ chính thức của quốc gia mà sản phẩm được cung cấp. Nội dung thông tin phải dễ đọc và dễ hiểu.
7.2. Thông tin sản phẩm
7.2.1. Thông tin sản phẩm phải được trình bày rõ ràng và dễ đọc khi mua bán và bao gồm các nội dung sau.
7.2.2. Thông tin tối thiểu về cân nặng/độ tuổi của trẻ phù hợp để sử dụng sản phẩm: từ khoảng 6 tháng, đến 15kg.
7.2.3. “CẢNH BÁO! Luôn chú ý đến trẻ”.
7.2.4. Độ dày nhỏ nhất và lớn nhất của mặt đỡ mà ghế dùng để gắn với bàn có thể được gắn vào.
7.2.5. “Sản phẩm này không phù hợp để sử dụng cho tất cả các loại bàn. Không sử dụng với các bàn có mặt kính, các bàn có mặt có thể tháo rời, bàn có thể tháo rời, bàn có một chân, bàn gấp hoặc bàn dã ngoại”.
7.3. Dán nhãn
7.3.1. Ghế dùng để gắn với bàn phải được dán nhãn bền và có thể nhìn thấy được theo 6.11, với các nội dung sau.
7.3.2. Tên và thương hiệu của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc của tổ chức bán hàng.
7.3.3. Số hiệu tiêu chuẩn này.
7.3.4. Mẫu tham khảo.
7.3.5. Cảnh báo sau: “CẢNH BÁO! Luôn chú ý đến trẻ” phải nhìn thấy được khi ghế dùng để gắn với bàn ở vị trí sử dụng.
7.3.6. “Khối lượng tối đa: 15kg”.
7.4. Hướng dẫn sử dụng
7.4.1. Phải cung cấp các hướng dẫn liên quan đến việc lắp ráp đúng và an toàn và cách sử dụng ghế dùng để gắn với bàn.
7.4.2. “Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và giữ lại để tham khảo thêm. Trẻ có thể sẽ bị thương nếu bạn không làm theo các hướng dẫn”.
7.4.3. “Ghế dùng để gắn với bàn không thích hợp cho trẻ chưa biết ngồi”.
7.4.4. “CẢNH BÁO! Để bao gói xa tầm tay trẻ em để tránh cho trẻ bị nghẹt thở”, nếu sử dụng vật liệu nhựa hoặc vật liệu không thấm nước để bọc hoặc đóng gói.
7.4.5. “CẢNH BÁO! Luôn chú ý đến trẻ khi trẻ sử dụng ghế dùng để gắn với bàn”.
7.4.6. “Kiểm tra chắc chắn bàn sẽ không bị nghiêng khi ghế dùng để gắn với bàn được gắn vào để sử dụng”.
7.4.7. Độ dày nhỏ nhất và lớn nhất của mặt đỡ do nhà sản xuất ghế dùng để gắn với bàn quy định.
7.4.8. “Không sử dụng khăn phủ bàn hoặc vật khác trên mặt đỡ vì có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của bộ phận neo, giữ. Giữ kết cấu và mặt bàn sạch và khô”.
7.4.9. “Ghế dùng để gắn với bàn không dành cho trẻ nặng hơn 15kg”.
7.4.10. “Kiểm tra đều đặn đinh vít nẹp bất kỳ và siết lại nếu cần thiết. Đồng thời kiểm tra tấm lót đệm”.
7.4.11. “CẢNH BÁO: Không sử dụng ghế dùng để gắn với bàn nếu bất kỳ chi tiết nào bị gãy hoặc thiếu”.
7.4.12. “Không sử dụng bộ phận thay thế không được chứng nhận bởi nhà sản xuất hoặc nhà phân phối”.
7.4.13. “Không gắn ghế dùng để gắn với bàn tại nơi mà trẻ có thể dùng chân để đẩy vào bàn, vào ghế khác hoặc bất kỳ cấu trúc nào khác vì điều này có thể làm cho ghế dùng để gắn với bàn bị rời ra khỏi bàn”.
7.4.14. “Không gắn lên bàn có mặt kính, bàn có mặt có thể tháo rời, bàn có thể tháo rời, bàn có một chân, bàn gấp hoặc bàn dã ngoại”.
8. Bao gói
Các túi được làm bằng chất dẻo đàn hồi dùng để bao gói và có chu vi miệng túi lớn hơn 380 mm, độ dày trung bình không nhỏ hơn 0,038 mm, và không buộc kín bằng dây rút hoặc dây buộc. Độ dày trung bình được xác định bằng cách đo tại 10 điểm dọc theo đường chéo của tấm mẫu.
không áp dụng yêu cầu về độ dày đối với:
a) bao gói bằng màng co thường bị hỏng khi người sử dụng mở bao gói;
b) túi được làm bằng màng được đục lỗ để trẻ có thể thở được và không thể hút chân không và dính vào mặt của trẻ. Để phù hợp với yêu cầu này, trên bất kỳ phần diện tích có kích thước tối đa 30mm x 30mm phải được đục một lỗ với diện tích lỗ ít nhất là 1%.
Túi phải được dán nhãn rõ ràng với nội dung: “CẢNH BÁO! Để bao gói xa tầm tay trẻ em để tránh nghẹt thở”.
Phụ lục A
(tham khảo)
Thiết bị kiểm tra độ nảy (thiết kế sử dụng khí nén)
Hình A.1 minh họa sơ đồ giản lược của thiết bị kiểm tra độ nảy và Hình A.2 minh họa sơ đồ khí nén của thiết bị
Dao động của xy lanh khí nén được kiểm soát bằng hai công tắc nhỏ. Công tắc hút được gắn vào khe trượt ma sát có thể điều chỉnh sao cho nó sẽ bị đẩy xuống bằng cách tăng biên độ rung. Công tắc đẩy được gắn sao cho nó hoạt động khi miếng đệm tải được đẩy lên (5±2) mm trên vị trí cân bằng. Lò xo nảy về vị trí cũ ngăn cho miếng đệm tải không thể kích hoạt công tắc hút khi chuyển động xuống dưới.
Chiều cao của thiết bị được thiết kế sao cho thiết bị ở vị trí cân bằng khi miếng đệm tải chỉ tiếp xúc với mặt đáy của ghế khi ở trạng thái nghỉ. Công tắc hút không khí được đẩy lên đúng vị trí cân bằng khi nó được bật.
1. Miếng đệm xung lực
2. Khớp nối tròn 3. Công tắc đẩy 4. Vị trí cân bằng khi máy tiếp xúc với mặt đáy ghế 5. Xi lanh khí nén 6. Công tắc hút 7. Điều khiển công tắc hút/ma sát 8. Nút điều chỉnh độ cao 9. Chuyển động tối đa (5±2)mm 10. Chuyển động từ 0 đến (20±1) mm. |
|
Hình A.1 – Sơ đồ giản lược của máy thử độ nảy |
Hình A.2 – Sơ đồ khí nén đối với máy thử độ nảy
Phụ lục B
(tham khảo)
Độ lệch – A
Độ lệch – A: Độ lệch so với bộ tiêu chuẩn này theo quy định của từng quốc gia.
PHÁP:
Nghị định số 91-1292 ngày 20 tháng 12 năm 1991 của Pháp liên quan đến các biện pháp ngăn ngừa rủi ro phát sinh từ việc sử dụng các vật phẩm chăm sóc trẻ em, được ấn hành trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 24 tháng 12 năm 1991 tại điều 2 của Mục II của phụ lục quy định rằng “đồ dùng chăm sóc trẻ em phải được làm từ các vật liệu không bị cháy khi tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa, tia lửa hay các khả năng hỏa hoạn khác, hoặc khó bắt cháy (lửa tắt ngay khi nguồn gây cháy biến mất) hoặc có khả năng bắt cháy nhưng cháy chậm với tỷ lệ phát tán lửa thấp”.
Kết quả là, các yêu cầu trong điều 4.2 của bộ tiêu chuẩn này phải được bổ sung, tại Pháp, bởi quy định sau: “Tỷ lệ phát tán lửa của vải, hệ thống hỗ trợ được bọc vải và các bộ phận được phủ chất dẻo không được vượt quá 30 mm/s khi được kiểm tra theo Điều 5.7 của TCVN 6238-2:1997 (EN 71-2:1993).
1 Tiêu chuẩn này hiện đã bị hủy và thay thế bằng tiêu chuẩn TCVN 6238-1:2011 (ISO 8124-1:2009).
2 Tiêu chuẩn này hiện đã bị hủy và thay thế bằng tiêu chuẩn TCVN 6238-2:2008 (ISO 8124-2:2007).
3 Tiêu chuẩn này hiện đã bị hủy và thay thế bằng tiêu chuẩn TCVN 6238-3:2011 (ISO 8124-3:2010).
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 10066:2013 (EN 1272:1998) VỀ ĐỒ DÙNG TRẺ EM – GHẾ DÙNG ĐỂ GẮN VỚI BÀN – YÊU CẦU AN TOÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN10066:2013 | Ngày hiệu lực | 31/12/2013 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghiệp nhẹ |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |