TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7835-E08:2013 (ISO 105-E08:1994) VỀ VẬT LIỆU DỆT- PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN E08: ĐỘ BỀN MÀU VỚI NƯỚC NÓNG
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 7835-E08:2013
ISO 105-E08:1994
VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN E08: ĐỘ BỀN MÀU VỚI NƯỚC NÓNG
Textiles – Tests for colour fastness – Part E08: Colour fastness to hot water
Lời nói đầu
TCVN 7835-E08:2013 hoàn toàn tương đương với ISO 105-E08:1994.
TCVN 7835-E08:2013 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 38 Vật liệu dệt biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN E08: ĐỘ BỀN MÀU VỚI NƯỚC NÓNG
Textiles – Tests for colour fastness – Part E08: Colour fastness to hot water
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền màu của tất cả các loại và các dạng vật liệu dệt khi tác dụng với nước nóng. Phương pháp này áp dụng chủ yếu với len và các vật liệu pha len.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 5466:2002 (ISO 105-A02:1993), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu
TCVN 5467:2002 (ISO 105-A03:1993), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A03: Thang màu xám để đánh giá sự dây màu
ISO 105-A01:1994[1], Textiles. Tests for colour fastness. Part A01: General principles of testing (Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A01: Nguyên tắc chung của phép thử)
ISO 105-F:1985[2], Textiles – – Tests for colour fastness – – Part F: Standard adjacent fabrics (Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần F: Các vải thử kèm chuẩn)
3. Nguyên tắc
Mẫu thử vật liệu dệt tiếp xúc với các vải thử kèm được cuốn quanh một đũa thủy tinh, được xử lý với nước nóng đã axít hóa nhẹ và sấy khô. Sự thay đổi màu của mẫu thử và sự dây màu của các vải thử kèm được đánh giá bằng thang xám.
4. Thiết bị, dụng cụ và thuốc thử
4.1. Bình, để chứa một mẫu thử hình trụ dài 40 mm trong nước nóng, được lắp với sinh hàn hồi lưu để giảm sự bốc hơi nước.
4.2. Bể điều khiển nhiệt tĩnh, để duy trì lượng nước của bình (4.1) ở nhiệt độ (70 ± 2) °C.
4.3. Đũa thủy tinh, có đường kính từ 5 mm đến 8 mm.
4.4. Vải thử kèm bằng len, phù hợp với phần F01 của ISO 105-F:1985, có kích thước 40 mm x 100 mm.
4.5. Vải thử kèm bằng bông, phù hợp với phần F02 của ISO 105-F:1985 hoặc trong trường hợp mẫu thử pha trộn nhiều thành phần, vải thử kèm được làm từ loại xơ pha len, phù hợp với phần F03 đến F08 của ISO 105-F:1985, trong từng trường hợp kích thước của mẫu thử là 40 mm x 100 mm.
4.6. Nước loại 3, (xem ISO 105-A01:1994, điều 8.1), nếu cần thiết axít hóa với axit axetic đến pH 6 ± 0,5.
4.7. Thang xám để đánh giá sự thay đổi màu phù hợp với TCVN 5466 (ISO 105-A02) và thang xám để đánh giá sự dây màu phù hợp với TCVN 5467 (ISO 105-A03).
5. Mẫu thử
5.1. Nếu vật liệu dệt được thử là vải, đặt một mẫu thử có kích thước 40 mm x 100 mm vào giữa hai miếng vải thử kèm (4.4 và 4.5) và khâu dọc theo một trong các cạnh ngắn để tạo thành một mẫu thử ghép.
5.2. Nếu vật liệu dệt được thử là sợi, đan các sợi thành vải và xử lý như 5.1, hoặc tạo thành một lớp có chiều dài các sợi song song với nhau rồi đặt ở giữa hai vải thử kèm (4.4 và 4.5), lượng sợi lấy gần bằng nửa khối lượng tổng của các vải thử kèm. Khâu quanh bốn cạnh để giữ sợi ở tại chỗ và tạo thành một mẫu thử ghép.
5.3. Nếu vật liệu dệt được thử là xơ rời, lấy một lượng xơ rời gần bằng nửa khối lượng tổng của các vải thử kèm, (4.4 và 4.5) chải thẳng rồi ép thành một mền có kích thước 40 mm x 100 mm. Đặt mền xơ này giữa hai miếng vải thử kèm rồi khâu quanh bốn cạnh để giữ xơ ở tại chỗ và tạo thành một mẫu thử ghép.
6. Cách tiến hành
6.1. Cuốn khít mẫu thử ghép quanh đũa thủy tinh (4.3) để tạo thành một hình trụ dài 40 mm và buộc đều với chỉ, nhưng không được buộc chặt.
6.2. Đặt đũa có mẫu thử ghép vào bình (4.1) có chứa nước axít nhẹ (4.6). Để mẫu thử trong bình 30 min có dòng hồi lưu của dung dịch ở nhiệt độ (70 ± 2) °C với dung tỷ 30:1. Trong thời gian thử đảm bảo rằng mẫu thử ghép phải luôn luôn chìm trong nước.
6.3. Tháo mẫu thử ra khỏi đũa và vắt mẫu thử. Mở mẫu thử ghép bằng cách tháo đường khâu các cạnh, trừ lại một cạnh ngắn và làm khô mẫu thử bằng cách treo nó với ba phần chỉ để tiếp xúc ở đường khâu còn lại trong không khí ở nhiệt độ không quá 60 °C.
6.4. Đánh giá sự thay đổi màu của mẫu thử và sự dây máu của các vải thử kèm bằng thang xám (4.7).
7. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm bao gồm các thông tin sau:
a) viện dẫn tiêu chuẩn này;
b) tất cả các chi tiết cần thiết để nhận biết mẫu thử;
c) sự thay đổi màu của mẫu thử được đánh giá bằng số của cấp màu thang xám;
d) sự dây màu của mỗi loại vải thử kèm đã dùng, được đánh giá bằng số của cấp màu thang xám.
[1] ISO 105-A01:1994 hiện nay đã hủy và thay thế bằng ISO 105-A01:2010 (được chấp nhận thành TCVN 7835-A01:2011)
[2] ISO 105-F:1985 thay thế bằng ISO 105-F01 đến ISO 105-F10 (được chấp nhận thành TCVN 7835-F01 đến TCVN 7835-F10).
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7835-E08:2013 (ISO 105-E08:1994) VỀ VẬT LIỆU DỆT- PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN E08: ĐỘ BỀN MÀU VỚI NƯỚC NÓNG | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN7835-E08:2013 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghiệp nhẹ |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |