TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6003-2:2012 (ISO 4157-2:1998) VỀ BẢN VẼ XÂY DỰNG – HỆ THỐNG KÝ HIỆU – PHẦN 2: TÊN PHÒNG VÀ SỐ PHÒNG
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 6003-2:2012
ISO 4157-2:1998
BẢN VẼ XÂY DỰNG – HỆ THỐNG KÝ HIỆU – PHẦN 2: TÊN PHÒNG VÀ SỐ PHÒNG
Construction drawings – Designation systems – Part 2: Room names and numbers
Lời nói đầu
TCVN 6003-2 : 2012 thay thế TCVN 5897 : 1995.
TCVN 6003 -2 : 2012 hoàn toàn tương đương với ISO 4157-2 : 1998.
Bộ TCVN 6003 dưới tiêu đề chung “Bản vẽ xây dựng- Hệ thống ký hiệu” gồm các phần sau:
– TCVN 6003 -1 : 2012 , Phần 1: Nhà và các bộ phận của nhà
– TCVN 6003 -2 : 2012, Phần 2: Tên phòng và số phòng
Bộ ISO 4157 “Construction drawings – Designation systems” còn có phần sau:
– ISO 4157-3:1998, Construction drawings – Designation systems- Part 3: Room identifiers
TCVN 6003 -2 : 2012 do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
BẢN VẼ XÂY DỰNG – HỆ THỐNG KÝ HIỆU – PHẦN 2: TÊN PHÒNG VÀ SỐ PHÒNG
Construction drawings – Designation systems – Part 2: Room names and numbers s
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định những yêu cầu về hệ thống ký hiệu cho các phòng, sân, không gian và khoảng trống trong tòa nhà bằng tên phòng và số phòng. Các quy định này nhằm nhận diện các phòng trong tòa nhà suốt quá trình sử dụng.
Các quy định nhằm nhận diện các phòng của một dự án trong niên hạn sử dụng (tuổi thọ) qua các giai đoạn từ ý tưởng, lập kế hoạch, quy hoạch, thi công, bảo trì, sửa mới và phá hủy (Xem ISO 4157-3).
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 6003- 1: 20121), Bản vẽ xây dựng – Hệ thống ký hiệu – Phần 1: Nhà và các bộ phận của nhà.
ISO 4157-3 : 1998, Bản vẽ xây dựng – Hệ thống ký hiệu – Phần 3: Nhận dạng phòng.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong TCVN 6003-1 : 2012.
4. Nguyên tắc đánh số phòng
4.1. Theo trình tự lôgic
Số phòng được đánh cho tất cả các phòng có ở mỗi tầng theo một trình tự hợp lý, ưu tiên theo thứ tự liên tục, bắt đầu từ số n01 (n là số tầng) trong phạm vi tất cả các bộ phận của tòa nhà. Phạm vi này không chỉ cho các không gian được bao quanh bằng những bức tường mà gồm cả các không gian bên ngoài hay không gian được bao che, phù hợp với hệ thống đánh số phòng, ví dụ như khu vườn có rào bao quanh, khu vực hồ nước, nơi đỗ xe, lôgia có mái che và các diện tích trung gian khác.
4.2. Các tòa nhà riêng lẻ
Nếu có nhiều tòa nhà trong cùng một dự án xây dựng thì các phòng sẽ được đánh số riêng cho từng tòa nhà phù hợp quy định tại 4.1. Các tòa nhà riêng lẻ có thể nằm liền kề nhau hoặc có thể liên kết với nhau qua các cửa hoặc qua các lối thông sang nhau.
4.3. Biểu thị trên bản vẽ
4.3.1. Quy định chung
Số phòng và tên gọi theo công năng của phòng phải được ghi cho từng phòng trên bản vẽ tương ứng (Xem Hình 1).
324 ĐÓN TIẾP
|
325 CẦU THANG
|
326 PHÒNG HỘI NGHỊ
|
Hình 1 – Ví dụ về tên và số phòng ở tầng ba
Số phòng và tên phòng phải gạch chân rõ ràng trên bản vẽ.
Trong một tòa nhà cụ thể, việc biểu thị ký hiệu (Xem Hình 1) phải được gắn rõ ràng ở trên cửa đi hay lối thông sang phòng tương ứng, nhưng không gạch chân. Điều này không áp dụng cho chiều ngược lại, ví dụ từ văn phòng quay lại hành lang.
4.3.2. Các phòng nhỏ
Trường hợp các phòng nhỏ, chỉ biểu thị số phòng trên bàn vẽ (Xem Hình 2).
328
|
Hình 2 – Ví dụ về phòng nhỏ không ghi tên phòng
Tuy nhiên, tên của các phòng nhỏ vẫn phải trình bày ngay tại bảng trên bản vẽ tương ứng để chỉ rõ công năng sử dụng của phòng, trừ các ký hiệu như phòng vệ sinh, chậu rửa, giá treo quần áo,…
4.4. Quy tắc đánh số phòng
4.4.1. Số phòng
Số phòng phải là số có 2 chữ số đứng sau chữ số chỉ số tầng trong tòa nhà. Số có 2 chữ số là số liên tục của từng phòng trên tầng đó:
Ví DỤ:
Tầng 1: số phòng 101 -199;
Tầng 2: số phòng 201 – 299;
Tầng 3: số phòng 301 – 399;
…
Tầng 17: số phòng 1701 -1799;
…
Các số phòng có 2, 4 hoặc 5 chữ số chỉ sử dụng tại các công trình cực nhỏ hoặc cực lớn, khi đó số không (0) chắc chắn là không sử dụng. Khi đã chọn các số phòng có 2 hoặc 4 chữ số thì toàn bộ các phòng trong tòa nhà phải có cùng số chữ số như vậy, trừ các tầng có số tầng lớn hơn 9.
VÍ DỤ:
Tầng 1: số phòng 11 – 19 hoặc 1001 – 1999;
Tầng 2: số phòng 21 – 29 hoặc 2001 – 2999;
Tầng 3: số phòng 31 – 39 hay 3001 – 3999;
…
Tầng 17: số phòng 171 – 179 hay 17001 – 17999;
…
4.4.2. Quy tắc “phòng 0”
Không được đánh số 0 cho các phòng ở bất kỳ tầng nào, nghĩa là các số như 20, 300, 4000 không dùng để đánh số phòng. Các số phòng này dành cho các không gian bên ngoài tòa nhà. “PHÒNG 0” sẽ là toàn bộ không gian bên ngoài.
VÍ DỤ 1:
“Phòng 300″ có nghĩa là không gian bên ngoài của tầng 3.
VÍ DỤ 2:
Bức tường ở giữa 300 và 317 là tường ngoài của phòng 317 với bên ngoài, tương tự như vậy bức tường giữa 317 và 319 là tường trong của phòng 317 và 319.
4.4.3. Quy tắc theo bảng chữ cái
Đối với phòng gồm 4 chữ số không được có khoảng cách hoặc có dấu chấm ở giữa các chữ số.
Các phòng ở tầng trệt, tầng lửng, tầng hầm, tầng dưới mặt đất … có thể đánh ký hiệu tương ứng với ký hiệu tầng như: G01, M02, B03, U04.
VÍ DỤ:
Tầng trệt (G): số phòng G01 – G99;
Tầng hầm (b): số phòng B01 – B99.
4.5. Trình tự đánh số
4.5.1. Hướng đánh số
Việc đánh số phòng ở mỗi tầng được thực hiện theo hướng đi thuận tiện trong tòa nhà. Có thể theo chiều kim đồng hồ, theo thứ tự các phòng từ cửa chính, hoặc theo một hướng được lựa chọn hợp lý khác.
Trong các công trình như khách sạn, hoặc tại những quốc gia mà việc đánh số theo tập quán, thì các phòng được đánh số theo thứ tự tăng dần theo kiểu ziczac ở hai bên của hành lang.
4.5.2. Bỏ qua các số phòng
Số phòng có thể bị bỏ qua nếu được phép không theo lôgic từ một dãy số liên tiếp, ví dụ các phòng trong ba cánh đi ra từ một thang máy có thể được đánh số 401 – 426, 431 – 452 và 461 – 474, bỏ qua một vài số phòng do đã có chủ ý rõ ràng hoặc để đánh số sau.
4.5.3. Giếng thang
Tùy trường hợp cụ thể, có thể đánh số cầu thang, giếng thang máy…. theo số của các phòng trên tầng đó.
VÍ DỤ:
Tầng 1: cầu thang 112 hoặc thang máy 113
Tầng 2: cầu thang 212 hoặc thang máy 213
Tầng 3: cầu thang 312 hoặc thang máy 313
…
Tầng 17: cầu thang 1712 hoặc thang máy 1713
…
4.6. Các phòng và không gian nhỏ
Các phòng nhỏ như phòng vệ sinh cũng phải đánh số phòng. Không gian nhỏ như tủ tường có thể sử dụng số của phòng mà nó được đặt trong đó kèm thêm một ký tự thường ở phía sau (Xem Hình 3).
337 PHÒNG NGỦ
|
337a
|
Hình 3- Ví dụ về phòng có kèm thêm tủ đựng quần áo
4.7. Các phòng bổ sung thêm
Trường hợp một phòng mới được bổ sung trong quá trình thiết kế, khi các phòng khác đã có số thì phòng mới này sẽ được đánh số tiếp theo thứ tự của tầng này mà không cần xét đến thứ tự hình học hay trình tự đánh số. Để tránh nhầm lẫn, có thể xem xét việc đánh số phòng lại cho toàn bộ tòa nhà.
4.8. Hợp nhất các phòng
Có thể có khoảng trống trong việc đánh số phòng theo thứ tự. Trường hợp các phòng được hợp nhất thành một phòng thì phòng mới phải mang số phòng nhỏ nhất.
VÍ DỤ: Phòng 127,128 và 134 hợp nhất thành phòng 127. Như vậy sẽ không còn phòng số 128 và 134 và sẽ tạo ra khoảng trống trong việc đánh số phòng.
4.9. Kết hợp các phòng
Nếu có từ 3 phòng trở lên được cải tạo thành 2 phòng hoặc nhiều hơn 2 phòng thì số phòng thấp nhất được dùng đặt cho phòng mới. Trường hợp vẫn còn cửa đi và ký hiệu cửa đó thì phải giữ lại số phòng hiện có.
4.10. Tầng hầm và tầng áp mái
Không gian trong tầng hầm và tầng áp mái cũng phải đánh số phòng, tuân theo quy định của TCVN 6003-1: 2012.
MỤC LỤC
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Nguyên tắc đánh số phòng
4.1. Theo trình tự lôgic
4.2. Các tòa nhà riêng lẻ
4.3. Biểu thị trên bản vẽ
4.4. Quy tắc đánh số phòng
4.5. Trình tự đánh số
4.6. Các phòng và không gian nhỏ
4.7. Các phòng bổ sung thêm
4.8. Hợp nhất các phòng
4.9. Kết hợp các phòng
4.10. Tầng hầm và tầng áp mái
1) TCVN sắp ban hành
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 6003-2:2012 (ISO 4157-2:1998) VỀ BẢN VẼ XÂY DỰNG – HỆ THỐNG KÝ HIỆU – PHẦN 2: TÊN PHÒNG VÀ SỐ PHÒNG | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN6003-2:2012 | Ngày hiệu lực | 28/12/2012 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng |
Ngày ban hành | 28/12/2012 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |