TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9310-8:2012 (ISO 8421-8:1990) VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY – TỪ VỰNG – PHẦN 8: THUẬT NGỮ CHUYÊN DÙNG CHO CHỮA CHÁY, CỨU NẠN VÀ XỬ LÝ VẬT LIỆU NGUY HIỂM

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 28/12/2012

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 9310-8:2012

ISO 8421-8:1990

PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY – TỪ VỰNG – PHẦN 8: THUẬT NGỮ CHUYÊN DÙNG CHO CHỮA CHÁY, CỨU NẠN VÀ XỬ LÝ VẬT LIỆU NGUY HIỂM

Fire protection – Vocabulary – Part 8: Terms specific to fire-fighting, rescue services and handling hazardous materials

Lời nói đầu

TCVN 9310-8:2012 hoàn toàn tương đương với ISO 8421-8:1990.

TCVN 9310-8:2012 được chuyển đổi từ TCXDVN 216:1998 (ISO 8421-4:1990) theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật.

Bộ TCVN 9310 dưới tiêu đề chung là “Phòng cháy chữa cháy – Từ vựng” bao gồm những phần sau:

– TCVN 9310-3:2012 (ISO 8421-3:1989) Phần 3: Phát hiện cháy và báo cháy

– TCVN 9310-4-2012 (ISO 8421-4:1990) Phần 4: Thiết bị chữa cháy

– TCVN 9310-8:2012 (ISO 8421-8:1990) Phần 8: Thuật ngữ chuyên dùng cho chữa cháy, cứu nạn và xử lý vật liệu nguy hiểm.

Bộ ISO 8421 Fire protection – Vocabulary, còn có các phần sau:

– ISO 8421-1:1987, Part 1: General terms and phenomena of fire.

– ISO 8421-2:1987, Part 2: Structural fire protection.

– ISO 8421-5:1988, Part 5: Smoke control.

– ISO 8421-6:1987, Part 6: Evacuation and means of escape.

– ISO 8421-7:1987, Part 7: Explosion detection and suppression means.

TCVN 9310-8:2012 do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY – TỪ VỰNG – PHẦN 8: THUẬT NGỮ CHUYÊN DÙNG CHO CHỮA CHÁY, CỨU NẠN VÀ XỬ LÝ VẬT LIỆU NGUY HIỂM

Fire protection – Vocabulary – Part 8: Terms specific to fire-fighting, rescue services and handling hazardous materials

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này đưa ra các thuật ngữ chuyên dùng cho phòng cháy chữa cháy, cứu nạn và xử lý vật liệu nguy hiểm. Các thuật ngữ được xếp theo thứ tự chữ cái tiếng Anh.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 9310-3:2012 (ISO 8421-3:1989), ­Phòng cháy chữa cháy – Từ vựng – Phần 3: Phát hiện cháy và báo cháy.

TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4:1990)[1], ­Phòng cháy chứa cháy – Từ vựng – Phần 4: Thiết bị chữa cháy.

ISO 8421-1:1987, ­Fire protection – Vocabulary – Part 1: General terms and phenomena (Phòng cháy chữa cháy – Từ vựng – Phần 1: Các thuật ngữ chung và các hiện tượng cháy).

ISO 8421-2:1987, ­Fire protection – Vocabulary – Part 2: Structural fire protection (Phòng cháy chữa cháy – Từ vựng – Phần 2: Cơ cấu phòng cháy chữa cháy).

ISO 8421-5:1988, Fire protection – Vocabulary – Smoke control (Phòng cháy chữa cháy – Từ vựng – Phần 5: Kiểm soát khói).

3. Thuật ngữ và định nghĩa

3.1. Tổ chức, phương án điều hành, thông tin liên lạc

3.1.1. Tổ chức

3.1.1.1. Báo cháy

Xem 3.1.1, TCVN 9310-3:2012 (ISO 8421-3).

3.1.1.2. Thời gian có mặt tại đám cháy

Khoảng thời gian từ khi nhận được tin báo cháy hoặc trường hợp khẩn cấp khác đến khi lực lượng, phương tiện chữa cháy đến được hiện trường.

3.1.1.3. Phiếu điều phối

Xem phiếu dự trù (3.1.1.29).

3.1.1.4. Tháp tập luyện

Nhà cao kiểu tháp chủ yếu được dùng cho đội chữa cháy tập luyện và để phơi khô vòi chữa cháy.

3.1.1.5. Tin báo khẩn cấp

Báo cháy hoặc các trường hợp khẩn cấp khác mà đội chữa cháy nhận được.

3.1.1.6. Số máy khẩn cấp

Số điện thoại đặc biệt được dùng để với trạm dịch vụ cấp cứu.

3.1.1.7. Báo cháy giả

Việc gọi khẩn cấp diễn ra khi không có sự cố khẩn cấp.

CHÚ THÍCH: Xem thêm thuật ngữ 3.1.1.8, 3.1.1.9 và 3.1.1.10.

3.1.1.8. Báo cháy giả ác ý

Báo cháy giả phát ra do một người biết rõ không có sự cố khẩn cấp.

3.1.1.9. Báo cháy giả với dụng ý tốt

Báo cháy giả phát ra do một người với dụng ý tốt tin rằng có cháy hoặc sự cố khẩn cấp.

3.1.1.10. Báo cháy giả, do hỏng hóc hệ thống

Báo cháy giả do thiết bị hỏng hóc phát ra.

3.1.1.11. Báo cháy

Xem báo cháy (3.1.1.1)

3.1.1.12. Đội chữa cháy

Tổ chức gồm những người được huấn luyện, có phương tiện và thiết bị để dập tắt các đám cháy và các trường hợp khẩn cấp khác.

3.1.1.13. Nhiệm vụ đội chữa cháy

Thuật ngữ chung để chỉ các hoạt động của đội chữa cháy có thể bao gồm cả việc cứu nạn (có thể kể cả cấp cứu y tế), chữa cháy, cứu nạn và phòng chống cháy.

3.1.1.14. Đội chữa cháy tư nhân

Đội chữa cháy được thành lập và cấp kinh phí trong khuôn khổ của một tổ chức để đảm bảo việc phòng cháy chữa cháy đối với tài sản và con người của tổ chức đó.

3.1.1.15. Đội chữa cháy công cộng

Đội chữa cháy được điều hành bằng quy chế, thực hiện việc chữa cháy, cứu nạn hoặc các công việc sự cố khẩn cấp khác và trong một số trường hợp, thực hiện việc phòng cháy với cộng đồng.

3.1.1.16. Đội chữa cháy tại chỗ

Xem đội chữa cháy tư nhân (3.1.1.14).

3.1.1.17. Gọi báo cháy

Báo cháy do một người nói trực tiếp hoặc gọi điện thoại tới phòng điều khiển chữa cháy, TCVN 9310-3:2012 (ISO 8421-3).

3.1.1.18. Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy

Xem đội chữa cháy (3.1.1.12).

3.1.1.19. Nhân viên chữa cháy

Thành viên tham gia một cách chủ động vào hoạt động của đội chữa cháy.

3.1.1.20. Nhân viên chữa cháy chuyên nghiệp

Người có nghề nghiệp chính là chữa cháy.

3.1.1.21. Nhân viên chữa cháy không chuyên

Người mà nghề nghiệp chính không phải là chữa cháy nhưng được lấy làm nhân viên chữa cháy vào từng thời gian.

3.1.1.22. Nhân viên chữa cháy lưu dung

Xem nhân viên chữa cháy không chuyên (3.1.1.20).

3.1.1.23. Nhân viên chữa cháy tình nguyện

Xem nhân viên chữa cháy không chuyên (3.1.1.20).

3.1.1.24. Kho phương tiện chữa cháy

Trạm chữa cháy không thường xuyên có nhân viên trực (xem trạm chữa cháy 3.1.1.25).

3.1.1.25. Trạm chữa cháy

Tòa nhà dành cho nhân viên đội chữa cháy, để phương tiện, thiết bị chữa cháy (xem kho phương tiện chữa cháy 3.1.1.24).

3.1.1.26. Báo cháy sơ cấp

Xem sự dự trù trang thiết bị (3.1.1.28).

3.1.1.27. Cán bộ chỉ huy

Cán bộ chỉ huy một trạm chữa cháy, phương tiện hoặc các hoạt động ở hiện trường có cháy hoặc ở một tình trạng khẩn cấp khác

3.1.1.28. Dự trù trang thiết bị

Số lượng và chủng loại trang thiết bị mà đội chữa cháy dự kiến trước để đáp ứng sơ bộ ban đầu ở một tình trạng khẩn cấp.

3.1.1.29. Bảng dự trù trang thiết bị

Bảng ghi chi tiết các trang thiết bị được dự trù trước.

3.1.1.30. Thời gian xuất xe

Khoảng thời gian từ khi nhận được thông báo về đám cháy hoặc một tình trạng khẩn cấp khác tới khi phương tiện chữa cháy rời trạm chữa cháy (xem thời gian có mặt tại đám cháy 3.1.1.2).

3.1.1.31. Thời gian đáp ứng

Xem thời gian có mặt tại đám cháy (3.1.1.2).

3.1.1.32. Bảng điều hành

Xem bảng dự trù trang thiết bị (3.1.1.28).

3.1.1.33. Cột trượt

Cột cố định được đội viên chữa cháy dùng để tụt xuống nhanh từ những tầng trên của trạm chữa cháy.

3.1.2. Các phương án điều hành

3.1.2.1. Đốt cháy chặn

Xem đám cháy chặn (3.1.2.6)

3.1.2.2. Người điều khiển lăng chữa cháy

Nhân viên chữa cháy điều khiển lăng chữa cháy.

3.1.2.3. Trạm chỉ huy

Xem sở chỉ huy (3.1.2.5)

3.1.2.4. Đám cháy lớn

Đám cháy trải rộng, di chuyển bao trùm một số tòa nhà hoặc một vùng rộng vượt qua chướng ngại vật tự nhiên hoặc nhân tạo (ví dụ: một con đường hoặc một dòng nước).

3.1.2.5. Sở chỉ huy

Ví trí đặc biệt được thiết lập để chỉ huy thực hiện phương án chữa cháy tại hiện trường có sự cố lớn.

3.1.2.6. Đám cháy chặn

Việc gây ra một đám cháy được kiểm soát để tạo vành đai ngăn lửa (3.1.2.10) trên đường đi của một đám cháy lớn đang phát triển, thường là trong việc chữa cháy rừng.

3.1.2.7. Làm ướt

Sự làm ướt cần có sau khi đám cháy đã được dập tắt để xử lý các nguồn cháy âm ỉ, mảnh vụn bị đốt nóng,vv…

3.1.2.8. Khử ô nhiễm

Việc loại trừ hoặc khử tới mức an toàn ô nhiễm hóa chất hoặc các ô nhiễm khác gây nguy hiểm cho người chữa cháy.

3.1.2.9. Vùng kiểm soát cháy

Vùng lãnh thổ do một đội chữa cháy hay một trạm chữa cháy chịu trách nhiệm quản lý, xem nhiệm vụ của đội chữa cháy (3.1.1.13).

3.1.2.10. Vành đai ngăn cháy

Việc tạo ra vùng trắng trên đường đi của một đám cháy đang phát triển bằng cách tạo ra đám cháy chặn hoặc di chuyển nhiên liệu, hoặc làm ướt nhiên liệu cháy.

3.1.2.11. Chữa cháy

Tác động thích hợp để dập tắt đám cháy.

3.1.2.12. Vùng có cháy

Khu vực mà trong đó các thao tác chữa cháy đang được tiến hành.

3.1.2.13. Phòng cháy

Các biện pháp được áp dụng để đề phòng đám cháy bùng phát và/hoặc hạn chế hậu quả của nó (ISO 8421-1).

3.1.2.14. Chữa cháy bằng dòng nước phun tia

Xem tia phun (3.1.2.16).

3.1.2.15. Chữa cháy bằng cột nước đặc phun tia

Xem tia phun (3.1.2.16).

3.1.2.16. Tia phun

Chất chữa cháy, thường là nước, đi ra từ vòi phun dưới dạng tia đặc, bụi nước hoặc màng nước (sương mù).

3.1.2.17. Tia nước đặc

Tia phun (3.1.2.16) ra các tia nước có áp nhằm tạo được một khoảng chữa cháy lớn nhất có thể.

3.1.2.18. Người điều khiển vòi phun

Xem người điều khiển lăng chữa cháy (3.1.2.2).

3.1.2.19. Phương án tác chiến

Việc sử dụng thích hợp người, phương tiện và thiết bị ở vùng có cháy hoặc tại hiện trường của bất kì trường hợp khẩn cấp nào.

3.1.2.20. Phương án chữa cháy

Phương án được xác định trước để triển khai công tác chữa cháy và các hoạt động cứu nạn tại các khu vực hoặc vị trí cụ thể.

3.1.2.21. Cứu nạn

Việc tiến hành các biện pháp thích hợp để di chuyển người ra khỏi tình trạng nguy hiểm khi chữa cháy và các thao tác cấp cứu khác.

3.1.2.22. Hồi sức

Sự phục hồi hơi thở và nhịp đập tim người bị nạn.

3.1.2.23. Cứu hộ

Tiến hành các biện pháp thích hợp để giảm nhẹ thiệt hại xảy ra trong khi thao tác chữa cháy.

3.1.2.24. Lỗ thông khói

Tạo ra các lỗ mở trong tòa nhà để dễ dàng giảm khói và khí nóng trong quá trình thao tác chữa cháy (ISO 8421-5).

3.1.2.25. Màng nước

Nước được phun ra từ vòi phun, phân tán thành tia nhỏ (sương mù) ở áp lực cao để hấp thụ nhiệt nhanh, đẩy khói đi và giảm tới mức tối thiểu thiệt hại do nước gây ra.

3.1.2.26. Tiếp nước bằng bơm

Sự vận chuyển nước từ nơi cấp nước ở xa tới vùng có cháy (3.1.2.12) bằng cách đặt các máy bơm trung gian trên vòi chữa cháy.

3.1.2.27. Tiếp nước từ các xe chở nước

Sự vận chuyển nước từ nơi cấp nước ở xa đến vùng cháy (3.1.2.12) bằng các xe chở nước.

3.1.2.28. Bụi nước

Nước được phun ra từ lăng chữa cháy ở dạng phân tán để đạt được sự dàn trải tối đa nước chữa cháy.

3.1.3. Thông tin liên lạc

3.1.3.1. Thông báo trợ giúp

Thông báo từ vùng có cháy đề nghị gửi thêm phương tiện, thiết bị hoặc người tới nơi có cháy hoặc tới nơi khẩn cấp khác.

3.1.3.2. Bộ điều khiển

Xem 3.2.

3.1.3.3. Phòng điều khiển

Phòng thường xuyên có nhân viên trực và được trang bị đầy đủ, nằm trong khu nhà của đơn vị phòng cháy chữa cháy. Tại đó người ta nhận các cuộc gọi khẩn cấp và sau đó điều động người, phương tiện và thiết bị (xem TCVN 9310-3:2012, ISO 8421-3)

3.1.3.4. Đám cháy được kiểm soát

Xem thông báo dừng (3.1.3.7)

3.1.3.5. Báo tin

Báo cáo tình hình kiểm soát cháy cho biết các chi tiết về biến cố và/hoặc sự tiến triển của hoạt động chữa cháy.

3.1.3.6. Báo cháy thứ cấp

Xem thông báo trợ giúp (3.1.3.1).

3.1.3.7. Thông báo dừng

Báo cáo cho biết đám cháy đã được ngăn chặn, không có khả năng phát triển.

3.2. Xe, máy dùng cho chữa cháy và cứu nạn

3.2.1. Thiết bị chữa cháy trên cao

Thiết bị chữa cháy có kết hợp với thang bàn xoay hoặc sàn thủy lực.

3.2.2. Thiết bị cảnh báo bằng âm thanh

Còi báo hiệu hoặc còi báo động gắn vào thiết bị chữa cháy và phát ra âm thanh để báo rằng đây là xe đi cứu nạn.

3.2.3. Xe phòng chống hóa chất

Xe chữa cháy có mang theo nhiều dụng cụ và quần áo bảo hộ để đối phó với các sự cố do hóa chất gây ra, kể cả khử độc.

3.2.4. Xe chỉ huy

Xe được trang bị như một phòng điều khiển di động để cán bộ chỉ huy sử dụng trong các trường hợp có bất ngờ lớn xảy ra. Xe được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc.

3.2.5. Xe khống chế thiệt hại

Xe chữa cháy sử dụng nhiều thiết bị để giảm tới mức tối thiểu hoặc đề phòng các thiệt hại do nước và thiệt hại khác gây ra trong khi thao tác chữa cháy.

3.2.6. Xe dùng bột chữa cháy khô

Xe chữa cháy được sử dụng hoàn toàn hoặc phần lớn để chở và phun bột vào đám cháy.

3.2.7. Ô tô chữa cháy

Xe chữa cháy mang nhiều thiết bị chuyên dùng để sử dụng ở nơi có cháy hoặc ở trường hợp khẩn cấp khác.

3.2.8. Xe chữa cháy

Xe được dùng hoặc được trang bị cho mục đích chữa cháy và/hoặc mục đích cứu nạn.

3.2.9. Thuyền chữa cháy

Thuyền gắn động cơ được trang bị bơm và thiết bị khác để chữa cháy hoặc dùng trong các trường hợp khẩn cấp khác.

3.2.10. Tàu kéo chữa cháy

Tàu kéo thông thường được trang bị thêm thiết bị chữa cháy.

3.2.11. Xe khám nghiệm hiện trường cháy

Xe chữa cháy có mang theo nhiều thiết bị được sử dụng để xác định nguyên nhân cháy.

3.2.12. Xe chở chất tạo bọt chữa cháy

Xe được sử dụng chủ yếu để chở chất tạo bọt đậm đặc và thiết bị, có thể phun bọt tạo ra lên đám cháy.

3.2.13. Xe rải vòi chữa cháy

Xem xe chở vòi (3.2.14).

3.2.14. Xe chở vòi

Xe dùng để chở và rải vòi chữa cháy.

3.2.15. Toa chở vòi

Xem xe chở vòi (3.2.14).

3.2.16. Mâm quay thủy lực

Thiết bị chữa cháy có khớp nối, vận hành bằng thủy lực, trên đó có lồng hoặc sàn và có khả năng quay 3060.

3.2.17. Đèn hiệu

Đèn màu nhấp nháy trên nóc xe chữa cháy để ra hiệu rằng đó là ô tô chữa cháy.

3.2.18. Xe bơm

Xem xe bơm nước chữa cháy (3.2.19).

3.2.19. Xem bơm nước chữa cháy

Xe chữa cháy được trang bị máy bơm và thường có két nước, vòi chữa cháy, đầu nối và các thiết bị phụ trợ khác kèm theo để dập tắt đám cháy.

3.2.20. Xe cứu nạn

Xem ô tô chữa cháy (3.2.7).

3.2.21. Xe cứu hộ

Xem xe khống chế thiệt hại (3.2.5).

3.2.22. Xe thang bàn quay

Xe chữa cháy vận hành bằng thủy lực, có khả năng quay 3060 và dùng cơ học để vận hành các đoạn thang vươn dài.

3.3. Trang thiết bị

3.3.1. Trang bị bảo vệ cá nhân

3.3.1.1. Quần áo chịu hóa chất

Quần áo bảo hộ làm bằng vật liệu chịu được hóa chất.

3.3.1.2. Nút tai

Nút hoặc nắp bịt tai để bảo vệ tai khỏi tiếng ồn.

3.3.1.3. Bảo vệ tai

Xem nút tai (3.3.1.2).

3.3.1.4. Rìu của nhân viên chữa cháy

Rìu nhỏ được nhân viên chữa cháy mang ở thắt lưng.

3.3.1.5. Ủng của nhân viên chữa cháy

Ủng an toàn không thấm nước, không làm phát sinh tia lửa.

3.3.1.6. Găng tay của nhân viên chữa cháy

Găng tay an toàn được thiết kế để chống lại một hoặc nhiều mối nguy hiểm (ví dụ: như điện, hóa chất, nhiệt…).

3.3.1.7. Mũ an toàn của nhân viên chữa cháy

Mũ bảo vệ mà nhân viên chữa cháy đội.

3.3.1.8. Bộ quần áo chống khí (độc)

Bộ áo liền kín khí dùng kết hợp hoặc gắn với thiết bị thở được thiết kế để mặc trong môi trường khí có hại.

3.3.1.9. Trang thiết bị phòng hộ cá nhân

Áo quần hoặc thiết bị dùng để bảo vệ nhân viên chữa cháy khi tiếp xúc với vật liệu gây hại hoặc mối nguy hiểm khác.

3.3.1.10. Thắt lưng an toàn

Thắt lưng chuyên dùng có móc giữ, được nhân viên chữa cháy sử dụng như một phương tiện an toàn để đề phòng rơi ngã.

3.3.1.11. Bộ dây treo an toàn

Bộ dây treo chuyên dùng có móc giữ được nhân viên chữa cháy sử dụng như một phương tiện an toàn để đề phòng rơi ngã.

3.3.2. Thiết bị thở

3.3.2.1. Thiết bị thở

Thiết bị kín dùng không khí nén hoặc oxy dùng cho nhân viên chữa cháy hoạt động trong môi trường không có không khí trong một thời gian nhất định.

3.3.2.2. Thiết bị thở có liên lạc

Thiết bị thở chuyên dụng có gắn phương tiện thông tin để liên lạc giữa nhân viên sử dụng thiết bị thở với người chỉ huy đội vận hành thiết bị thở.

3.3.2.3. Thiết bị thở dùng không khí nén

Thiết bị thở dùng không khí nén trong đó không khí thở ra không được dùng lại và việc cấp không khí được điều chỉnh bởi yêu cầu thở của người mang thiết bị.

3.3.2.4. Bảng kiểm soát thiết bị thở

Bảng trên đó thể hiện các nhãn hiệu chứng nhận thiết bị thở và để ghi thông tin bổ sung trên đó, chẳng hạn thời gian sử dụng và vị trí của người đeo thiết bị. Thường có để một đồng hồ và thời gian biểu làm việc.

3.3.2.5. Bảng kiểm soát thiết bị thở giai đoạn 1

Bảng kiểm soát thiết bị thở được dùng khi chỉ có một điểm vào nhà và khi có không quá bốn người mang thiết bị thở.

3.3.2.6. Bảng kiểm soát thiết bị thở giai đoạn 2

Bảng kiểm soát thiết bị thở được dùng khi có hơn một điểm vào nhà hoặc khi có quá bốn người mang thiết bị nhằm điều phối và kiểm soát hoạt động ở điểm cuối giai đoạn 1.

3.3.2.7. Nhãn chứng nhận thiết bị thở

Thẻ kiểm tra cá nhân trên đó có ghi tên người mang, thời gian vào nhà và áp lực xi lanh tại thời điểm đó; thẻ được gửi đi cùng với nhân viên kiểm tra thiết bị thở.

3.3.2.8. Thiết bị thở áp lực dương

Thiết bị thở trong đó áp suất không đổi, vượt quá áp suất khí quyển, được bảo quản trong mặt nạ.

3.3.2.9. Dây an toàn của thiết bị thử

Dây phát sáng được dùng để giúp người mang thiết bị thở tìm thấy được đường ra khỏi môi trường đầy khói.

3.3.2.10. Dây an toàn thiết bị thở cá nhân

Đoạn dây của những người đeo thiết bị thở mang theo và họ có thể mắc nó với dây an toàn thiết bị thở như là một biện pháp an toàn bổ sung.

3.3.2.11. Thiết bị thở tuần hoàn (cách ly)

Thiết bị thở thường dùng oxy, trong đó không khí thở ra được quay vòng trở lại và việc cung cấp được điều chỉnh theo một tỉ lệ không đổi.

3.3.2.12. Máy báo nguy hiểm cá nhân bằng tín hiệu

Thiết bị mà người sử dụng thiết bị thở mang theo, nó sẽ vang lên tín hiệu báo nguy hiểm khi được tác động bằng tay hoặc tự động.

3.3.3. Trang thiết bị phát hiện nguy hiểm

3.3.3.1. Liều lượng kế bức xạ

Thiết bị cá nhân dùng để định lượng bức xạ ion hóa do người hấp thụ trong một khoảng thời gian.

3.3.3.2. Khí cụ đo độ nguy hiểm nổ

Xem đầu báo khí dễ cháy nổ (Điều 3.3.3.3).

3.3.3.3. Đầu báo khí dễ cháy nổ

Thiết bị phát hiện khí dễ cháy nổ và nồng độ hỗn hợp không khí trong vùng để xác định khả năng nổ.

3.3.3.4. Phao chắn nổi

Phao chắn nổi dùng để ngăn cản hoặc hạn chế sự lan tỏa của chất bẩn trên mặt nước.

3.3.3.5. Dụng cụ bịt khe hở

Nút hoặc túi có thể bơm phồng lên dùng để bịt khe hở.

3.3.3.6. Tấm hấp thụ dầu

Tấm vật liệu hút dầu và kỵ nước được dùng để hấp thụ chất bẩn.

3.3.3.7. Nắp cống

Nắp dùng để ngăn chặn chất bẩn từ bên ngoài vào hệ thống thoát nước.

3.3.3.8. Đầu báo bức xạ

Thiết bị xách tay dùng để phát hiện và đo sự xuất hiện của bức xạ ion hóa anpha, gama, bêta và nơtron.

3.3.4. Máy bơm

3.3.4.1. Nắp đậy

Bộ phận gắn với đầu phân phối, cửa vào, đường ống hút khi không sử dụng.

3.3.4.2. Máy bơm xách tay

Máy bơm và máy phát điện có thể xách tay được.

3.3.4.3. Công suất máy bơm

Công suất danh định của máy bơm, được đo bằng số lít trong một phút ở áp suất quy định.

3.3.4.4. Bộ phận mồi bơm

Thiết bị cơ khí dùng để khởi động đưa nước vào máy bơm bằng cách tạo ra chân không.

3.3.4.5. Máy bơm chìm

Máy bơm vận hành bằng điện được thiết kế để hoạt động dưới nước, chủ yếu dùng bơm nước tầng hầm, kênh, hố nước…

3.3.4.6. Máy bơm tay

Máy bơm điều khiển bằng tay tác dụng kép có vòi ngắn và vòi phun.

3.3.4.7. Bộ lọc hút

Xem lưới lọc (3.3.4.8)

3.3.4.8. Lưới lọc

Lưới lọc được lắp ở đầu vào máy bơm như sự đề phòng bổ sung để ngăn các mảnh vụn lọt vào máy bơm.

3.3.4.9. Máy bơm, xe moóc

Máy bơm và động cơ điện gắn chặt vào xe moóc.

3.3.5. Đường ống chữa cháy

3.3.5.1. Tang cuộn ống

Xem tang cuộn ống của đội chữa cháy (3.3.5.12).

3.3.5.2. Sự tổn thất do ma sát

Sự tổn thất áp lực trong ống chữa cháy do ma sát giữa chất lỏng chảy và thành bên trong của ống.

3.3.5.3. Đai quấn ống

Đoạn vải bạt được tạo hình giống như đai, dùng bọc tạm thời chỗ rò dọc trên thân ống có áp.

3.3.5.4. Đai kẹp ống bằng kim loại

Đai kẹp được dùng để kẹp tạm thời chỗ rò dọc trên thân ống có áp (xem đai quấn ống 3.3.5.3).

3.3.5.5. Dụng cụ giữ ống

Móc kim loại có phụ kiện và có dây đai da trên đỉnh để giữ cho ống được an toàn ở vị trí và không cần có người giữ.

3.3.5.6. Trụ đỡ ống

Xem bệ đỡ ống (3.3.5.9).

3.3.5.7. Dụng cụ vặn đai ốc nối ống

Dụng cụ dùng để xiết chặt hay nới lỏng các đầu nối của ống chữa cháy.

3.3.5.8. Dụng cụ xiết đai ốc đầu nối

Xem dụng cụ vặn đai ốc nối ống (3.3.5.7).

3.3.5.9. Bệ đỡ ống

Bệ có hai dốc nghiêng có rãnh đặt ống chữa cháy để đề phòng hư hỏng khi đặt ngang qua đường ống có nhiều xe cộ chạy qua.

3.3.5.10. Ống phân phối nước

Ống dẫn nước có áp, thường ở phía ống đẩy của máy bơm.

3.3.5.11. Ống hút nước – hose, suction

Ống áp lực bên ngoài và được bố trí giữa nguồn cung cấp nước và máy bơm.

3.3.5.12. Tang cuộn ống của đội chữa cháy

Tang cuộn có đường kính nhỏ, không có giá đỡ lắp trên thiết bị chữa cháy và được nối vào ống nhánh/vòi phun ở cuối ống phân phối nước.

3.3.5.13. Tang cuộn vòi xách tay

Tang cuộn nhỏ gồm các đoạn ống đường kính nhỏ nối vào nhau có khả năng rải nhanh bằng tay.

3.3.5.14. Tang cuộn vòi đặt trên bánh xe

Tang cuộn lớn gồm các đoạn ống nối vào nhau, được lắp trên bánh xe và có thể tháo rời khỏi thiết bị chữa cháy.

3.3.5.15. Phản lực dòng phun

Lực tác động ở hướng ngược lại với dòng nước thoát ra khỏi vòi phun.

3.3.5.16. Phản lực vòi phun

Xem phản lực dòng phun (3.3.5.15).

3.3.6. Ống nhánh và vòi phun

3.3.6.1. Ống nhánh

Ống nối ở đầu ống phân phối của ống chữa cháy để giảm bớt đường kính của ống và bằng cách đó tăng vận tốc dòng nước ở vòi phun.

3.3.6.2. Ống nhánh điều khiển bằng tay

Xem vòi phun điều khiển bằng tay (3.3.6.3).

3.3.6.3. Vòi phun điều khiển bằng tay

Vòi phun hoặc ống nhánh điều khiển bằng tay, ngăn dòng phun, bằng cách thay đổi hình dáng và kích cỡ của dòng phun, hoặc bằng cách thay đổi đặc tính của chúng, (ví dụ: biến thành bụi nước).

3.3.6.4. Tang cuộn ống

Xem tang cuộn ống có vòi phun (3.3.6.5)

3.3.6.5. Tang cuộn ống có vòi phun – hose reel nozzle

Vòi phun hoặc ống nhánh được gắn vào đầu tang cuộn ống.

3.3.6.6. Thiết bị điều khiển dòng chảy

Xem lăng phun (3.3.6.7).

3.3.6.7. Lăng phun

Loại thiết bị đặc biệt của ống nhánh hoặc vòi phun di động hoặc cố định chuyển dịch bên và thẳng đứng, được dùng để phân phối một lượng lớn nước hoặc bọt vào đám cháy.

3.3.6.8. Lăng phun cố định

Thiết bị phun nước được gắn cố định vào thiết bị chữa cháy; thuyền chữa cháy, tàu kéo chữa cháy; xe thang bàn xoay; mâm thủy lực hoặc gắn bên trong tòa nhà.

3.3.6.9. Lăng phun di động

Thiết bị phun nước được thiết kế để đặt trên nền đất hoặc trên xe moóc nhỏ và có thể bố trí ở bất kỳ chỗ nào ở vùng có cháy.

3.3.6.10. Vòi phun

Phụ kiện lắp vào đầu ống phân phối hoặc ống nhánh để giảm kích cỡ và làm tăng vận tốc phun nước.

3.3.6.11. Vòi phun tạo sương mù

Vòi phun điều khiển bằng tay (3.3.6.3), phun nước ra ở dạng phân tán tạo thành bụi nước, thường ở áp lực cao.

3.3.7. Phụ tùng

3.3.7.1. Phụ tùng nối ống

Phụ kiện dùng để nối hai hoặc nối dài hơn ống chữa cháy thành một đường ống chữa cháy.

3.3.7.2. Phụ tùng nối ống có điều khiển

Phụ kiện dùng để chia tách hoặc đầu nối được gắn với van điều khiển để hướng dòng chảy đến hoặc chảy đi hoặc ở cả hai đầu ra.

3.3.7.3. Phụ tùng dùng để chia tách ống

Phụ kiện được dùng để tách một đường ống chữa cháy thành hai hoặc nhiều đường ống chữa cháy.

3.3.7.4. Phụ tùng nối ba nhánh

Xem phụ tùng nối ống có điều khiển (3.3.7.2).

3.3.7.5. Phụ tùng nối ống

Xem phụ tùng nối ống (3.3.7.1)

3.3.7.6. Phụ tùng nối chuyển tiếp – hose adaptor

Phụ kiện dùng để nối các đoạn ống có các đầu nối khác nhau.

3.3.7.7. Phụ tùng nối ống chữa cháy

Phụ kiện dùng để nối hai đoạn ống chữa cháy lại với nhau hoặc để nối thiết bị khác với ống chữa cháy.

3.3.7.8. Bộ lọc ống hút

Bộ lọc nối với đầu ống hút để ngăn cách các mảnh vụn v.v … lọt vào máy bơm. Xem lưới lọc (3.3.4.8).

3.3.8. Bọt và thiết bị tạo bọt

3.3.8.1. Chất tạo bọt đậm đặc chịu cồn

Chất tạo bọt đậm đặc sử dụng để dập các đám cháy của nhiên liệu dễ tan trong nước (chất lỏng có cực) và các đám cháy của các nhiên liệu khác có khả năng phá hủy bọt chữa cháy thông thường, xem TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4).

3.3.8.2. Chất tạo bọt đậm đặc tạo màng nước mỏng

Chất tạo bọt đậm đặc tạo màng nước mỏng nổi trên bề mặt của hydrocacbon trong điều kiện nhất định, xem TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4).

3.3.8.3. Bọt chữa cháy

Chất chữa cháy gồm khối lượng bọt được tạo từ chất lỏng bằng cơ lý hoặc hóa học, xem TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4).

3.3.8.4. Thiết bị tạo bọt

Xem lăng tạo bọt (3.3.8.5).

3.3.8.5. Ống tạo bọt

Ống nhánh được gắn vào đầu ra của ống chữa cháy, trong đó dung dịch bọt được thổi khí để tạo bọt thành phẩm.

3.3.8.6. Dung dịch tạo bọt

Hỗn hợp đồng nhất của nước và chất tạo bọt đậm đặc với tỷ lệ thích hợp để tạo bọt, xem TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4).

3.3.8.7. Độ nở của bọt

Tỷ lệ giữa khối tích bọt thu được và khối tích dung dịch tạo bọt đã dùng, xem TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4).

3.3.8.8. Bọt thành phẩm

Xem bọt chữa cháy (3.3.8.3).

3.3.8.9. Máy tạo bọt

Thiết bị được bố trí ở trên đường ống chữa cháy để sục khí vào dung dịch bọt.

3.3.8.10. Thiết bị trộn bột

Thiết bị được bố trí ở máy bơm có khả năng đưa đủ bọt vào máy bơm để cung cấp cho một hay nhiều ống nhánh.

3.3.8.11. Thiết bị hút chất tạo bọt đậm đặc

Thiết bị được thiết kế để đưa chất tạo bọt đậm đặc vào dòng nước, thường được bố trí giữa máy bơm và ống đẩy, xem TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4).

3.3.8.12. Chất lỏng có cực

Xem chất tạo bọt đậm đặc chịu cồn (3.3.8.1).

3.3.9. Thang

3.3.9.1. Thang vươn dài

Thang nhiều đoạn, thường được kéo dài ra bằng dây thừng.

3.3.9.2. Thang gấp

Xem thang dạng cột (3.3.9.4)

3.3.9.3. Thang móc

Thang ngắn, có bộ đồ gá gắn ở đầu để móc vào bậu cửa sổ, lan can hoặc các gờ khác để leo lên nhà.

3.3.9.4. Thang dạng cột

Thang có bậc gắn vào các thanh đứng liên kết khớp với nhau sao cho các thanh đứng có thể gập lại vào nhau.

3.3.9.5. Thang lên mái

Kiểu thang móc, dùng để leo lên mái.

3.3.9.6. Thang dây

Thang có dây chão và bậc thang bằng gỗ hoặc kim loại nhẹ.

3.3.9.7. Bậc thang

Các kết cấu nằm ngang của thang, thường được hiểu là bậc thang.

3.3.9.8. Thang leo

Thang gồm nhiều đoạn, được gắn với móc kim loại thành một chuỗi. Khi đó một vài đoạn được ghép vào nhau và được buộc bằng dây, sao cho chúng có thể được nâng lên hay hạ xuống ở những chỗ hẹp.

3.3.9.9. Thang ngắn

Thang có hai đoạn có thể kéo dài (bằng cách trượt).

3.3.9.10. Thanh đứng thang

Các kết cấu thẳng đứng của thang dùng để đỡ bậc thang (3.3.9.7).

3.3.10. Thiết bị cứu nạn

3.3.10.1. Túi khí nén

Túi cao su được gia cố để khi được bơm khí nén, sẽ phồng lên để nâng hoặc di chuyển vật nặng.

3.3.10.2. Công cụ cắt dùng khí nén

Dụng cụ được vận hành bằng khí nén có bộ gá lắp thích hợp được dùng để cắt kim loại.

3.3.10.3. Cưa dùng khí nén

Cưa được vận hành bằng khí nén.

3.3.10.4. Tời nâng

Xem tời tay (3.3.10.15).

3.3.10.5. Búa điện

Dụng cụ chịu tải nặng được vận hành bằng điện sử dụng và thao tác tương tự như máy khoan bằng khí nén (3.3.10.11).

3.3.10.6. Búa thủy lực

Dụng cụ hoặc tổ hợp các dụng cụ được vận hành bằng thủy lực, làm việc như một búa bittông và có khả năng gạt vật thể sang một bên hoặc nâng vật thể.

3.3.10.7. Máy cắt thủy lực

Dụng cụ được vận hành bằng thủy lực, dùng nguyên lý cắt dùng để cắt kim loại, nhựa….

3.3.10.8. Máy đẩy thủy lực

Dụng cụ được vận hành bằng thủy lực, có khả năng đẩy, nâng và kéo các tấm kim loại và khối xây để giải thoát nạn nhân bị sập.

3.3.10.9. Búa đập

Xem máy khoan bằng khí nén (3.3.10.11).

3.3.10.10. Kích nâng

Dụng cụ vận hành theo nguyên lí pittông hoặc cắt, chủ yếu được dùng để nâng vật thể nặng theo hướng thẳng đứng.

3.3.10.11. Máy khoan bằng khí nén

Dụng cụ chịu tải nặng vận hành như búa khí nén có bộ gá lắp dùng để cắt, phá bê tông, khối xây…

3.3.10.12. Rìu cứu nạn

Dụng cụ đa năng chuyên dụng, dùng để chọc thủng, cắt và bẩy kim loại hoặc đập vỡ và tháo dỡ kính.

3.3.10.13. Thiết bị hồi sức

Máy cung cấp oxy để làm hô hấp nhân tạo.

3.3.10.14. Máy dò âm thanh

Thiết bị nhạy cảm với âm thanh dùng để xác định vị trí nạn nhân đang bị mắc kẹt.

3.3.10.15. Tời (kích) tay

Tời (kích) thao tác bằng tay có khả năng điều chỉnh chính xác, được dùng trong tình huống cứu nạn như nắn chỉnh lại bánh lái, ghế ngồi xe ô tô hoặc tạo ổn định xe.

3.3.10.16. Tời (kích) cơ khí

Tời (kích) bằng máy, chạy bằng động cơ hay điện. Xem tời (kích) tay (3.3.10.15).

3.3.11. Các trang thiết bị khác

3.3.11.1. Cào dỡ trần (câu liêm)

Dụng cụ gồm một thanh có mấu bằng kim loại vuông góc, chủ yếu dùng để dỡ trần xuống…để tiếp cận vật đang cháy.

3.3.11.2. Thiết bị chiếu sáng, sự cố

Thiết bị chiếu sáng hoặc xách tay hoặc gắn cố định vào thiết bị chữa cháy được dùng để chiếu sáng cho đội chữa cháy thao tác.

3.3.11.3. Sào chữa cháy

Dụng cụ dùng để dập tắt lửa, chủ yếu ở nơi bụi rậm hoặc ruộng đồng.

3.3.11.4. Chăn chữa cháy

Chăn chuyên dụng để dập tắt đám cháy nhỏ.

3.3.11.5. Bão lửa

Một luồng không khí rất mạnh với vận tốc cực lớn có vật cháy bay theo do đám cháy lớn tạo ra.

3.3.11.6. Dây kéo

Xem dây thừng (3.3.11.11).

3.3.11.7. Đệm nhảy

Tấm đệm bơm phồng được dùng để giảm va chạm khi có người nhảy từ trên cao xuống.

3.3.11.8. Tấm đỡ

Tấm đỡ được các nhân viên chữa cháy dùng để hứng hoặc giảm va chạm khi có người nhảy từ trên cao xuống.

3.3.11.9. Lưới cứu nạn

Xem tấm đỡ (3.3.11.8).

3.3.11.10. Súng cứu nạn

Xem dây pháo sáng (3.3.11.13).

3.3.11.11. Dây thừng

Loại dây mà nhân viên chữa cháy dùng.

3.3.11.12. Dây cứu nạn

Loại dây được thiết kế có các đặc tính đặc biệt để hỗ trợ việc cứu nạn trên không.

3.3.11.13. Dây pháo sáng

Dây gắn vào đuôi quả pháo sáng dùng để phóng qua một hẻm sâu hay một con sông.

3.3.11.14. Cào chữa cháy

Xem cào dỡ trần (3.3.11.1).

3.3.11.15. Hỏa kế

Thiết bị cảm biến được dùng để đo nhiệt độ bên trong phòng hoặc vùng cháy.

3.3.11.16. Điểm cháy

Vị trí chính của vùng có cháy.

3.3.11.17. Thiết bị đẩy khói

Xem thiết bị hút khói (3.3.11.18).

3.3.11.18. Thiết bị hút khói

Thiết bị xách tay có phương tiện cơ khí để đưa khói ra khỏi nhà hoặc công trình xây dựng khác.

3.3.11.19. Camera ảnh nhiệt

Thiết bị xách tay để dò bức xạ hồng ngoại và hiển thị nó như một hình ảnh nhiệt trên ống catôt.

3.3.11.20. Thiết bị cắt bằng ngọn lửa

Thiết bị dùng oxy để tạo nhiệt độ cao dùng để cắt kim loại hoặc bê tông.

3.4. Cấp nước

3.4.1. Đường ống hút nước cố định

Đường ống cố định nối với bộ hút lọc và thiết bị của đội chữa cháy tại nguồn cấp nước ổn định.

3.4.2. Trụ nước chữa cháy

Van lắp cố định với đường ống chính cấp nước để nối van với thiết bị của đội chữa cháy đảm bảo cấp nước liên tục.

3.4.3. Trụ nước chữa cháy đặt ngầm

Trụ nước chữa cháy được lắp các thiết bị vận hành nằm dưới tấm đậy hay đĩa đậy ở ngang mặt đất và được nối cố định với đường ống chính cấp nước có áp để sử dụng khi chữa cháy, xem TCVN 9310-4:2012.

3.4.4. Trụ nước chữa cháy đặt nổi

Trụ nước chữa cháy gồm một hoặc một vài đầu nối ra đặt cao hơn mặt đất và được nối cố định với đường ống chính cấp nước có áp để sử dụng khi chữa cháy, xem TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4).

3.4.5. Cột lấy nước chữa cháy

Một bộ phận của thiết bị được dùng để kéo dài đầu ra của trụ nước chữa cháy đặt ngầm để cao hơn mặt đất.

3.4.6. Nguồn cấp nước ngoài trời

Xem nguồn cấp nước ổn định (3.4.7)

3.4.7. Nguồn cấp nước ổn định

Nguồn cấp nước có khả năng đảm bảo khối lượng nước lớn cho các mục đích chữa cháy.

3.5. Các phương tiện chữa cháy trong nhà

3.5.1. Ống đứng cấp nước

Đường ống đứng, tương tự như ống đứng cấp nước lên cao (xem 3.5.9) nhưng được lắp đặt trong tòa nhà có các tầng hầm ở các cao độ khác nhau để cấp nước chữa cháy.

3.5.2. Thang của nhân viên chữa cháy

Xem thang máy chữa cháy (3.5.3)

3.5.3. Thang máy chữa cháy

Thang máy ở bên trong tòa nhà có kết cấu bảo vệ đặc biệt hoặc ở mặt trước nhà với thiết bị, nguồn cung cấp điện và thiết bị điều khiển dành riêng cho đội chữa cháy sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (xem ISO 8421-2).

3.5.4. Lối vào chữa cháy

Lối tiếp cận để người và thiết bị chữa cháy đến gần hoặc vào trong tòa nhà, công trình (xem ISO 8421-2).

3.5.5. Hành lang phục vụ chữa cháy

Hành lang thông thoáng được bảo vệ chống cháy thích hợp trong đó có thang máy của đội chữa cháy và các đường ống dẫn khô – ướt.

3.5.6. Cầu thang chữa cháy

Cầu thang được bảo vệ chống cháy (3.5.8) chuyên dùng cho đội chữa cháy để tiếp cận với tòa nhà và hành lang phục vụ chữa cháy (xem ISO 8421-2).

3.5.7. Công tắc ngắt điện khi có cháy

Công tác ngắt điện được gắn bên ngoài tòa nhà để đảm bảo cho phép nhân viên chữa cháy cắt nguồn khỏi các thiết bị điện.

CHÚ THÍCH: Ví dụ như các đèn ống tín hiệu phát quang gắn ở mặt trước tòa nhà.

3.5.8. Cầu thang được bảo vệ chống cháy

Cầu thang ở bên trong hoặc ngoài tòa nhà có biện pháp bảo vệ chống cháy thích hợp và tạo nên bộ phận thoát theo phương đứng của một tuyến thoát nạn được bảo vệ (xem ISO 8421-2).

3.5.9. Ống đứng cấp nước

Đường ống đứng được lắp ở nhà cao tầng để cấp nước chữa cháy.

3.5.10. Ống đứng, khô

Đường ống cứng được lắp cố định bên trong tòa nhà và dùng để nối với đường ống chữa cháy để cấp nước chữa cháy tại thời điểm sử dụng xem TCVN 9310-4:2012 (ISO 8421-4).

3.5.11. Ống đứng, ướt

Đường ống cứng được lắp cố định bên trong tòa nhà và được nối với nguồn cấp nước để cấp nước cho các vòi phun (xem TCVN 9310-4:201) (ISO 8421-4).

3.5.12. Cửa thoát khói

Các tấm nằm trên tường hoặc sàn nhà có thể dễ dàng đập vỡ để thoát nước và khí nóng từ tòa nhà đang cháy ra ngoài.

3.5.13. Quạt thông khói

Quạt được lắp cố định điều khiển bằng tay hoặc tự động, được sử dụng để đẩy khói và khí nóng ra khỏi tòa nhà đang cháy.

3.5.14. Ống đứng cấp nước

Xem ống đứng cấp nước (3.5.9).

 

MỤC LỤC

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Thuật ngữ và định nghĩa

3.1. Tổ chức, phương án điều hành, thông tin liên lạc

3.1.1. Tổ chức

3.1.2. Các phương án điều hành

3.1.3. Thông tin liên lạc

3.2. Xe, máy dùng cho chữa cháy và cứu nạn

3.3. Trang thiết bị

3.3.1. Trang bị bảo vệ cá nhân

3.3.2. Thiết bị thở

3.3.3. Trang thiết bị nguy hiểm

3.3.4. Máy bơm

3.3.5. Vòi chữa cháy

3.3.6. Ống nhánh và vòi phun

3.3.7. Phụ tùng

3.3.8. Bọt và thiết bị tạo bọt

3.3.9. Thang

3.3.10. Thiết bị cứu nạn

3.3.11. Các trang thiết bị khác

3.4. Cấp nước

3.5. Các phương tiện chữa cháy trong nhà

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 9310-8:2012 (ISO 8421-8:1990) VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY – TỪ VỰNG – PHẦN 8: THUẬT NGỮ CHUYÊN DÙNG CHO CHỮA CHÁY, CỨU NẠN VÀ XỬ LÝ VẬT LIỆU NGUY HIỂM
Số, ký hiệu văn bản TCVN9310-8:2012 Ngày hiệu lực 28/12/2012
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Xây dựng
Ngày ban hành 28/12/2012
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản