TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8683-1:2011 VỀ GIỐNG VI SINH VẬT THÚ Y – PHẦN 1: QUY TRÌNH GIỮ GIỐNG VI RÚT DỊCH TẢ LỢN QUA THỎ, CHỦNG C

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TCVN 8683-1:2011

GIỐNG VI SINH VẬT THÚ Y –

PHẦN 1: QUY TRÌNH GIỮ GIỐNG VI RÚT DỊCH TẢ LỢN QUA THỎ, CHỦNG C

Master seed of microorganisms for veterinary use

Part 1: The procedure for preservation of Hog cholera virus, lapinized C strain

CẢNH BÁO – Việc áp dụng tiêu chuẩn này có thể liên quan đến các vật liệu, thiết bị và các thao tác gây nguy hiểm. Tiêu chuẩn này không thể đưa ra được hết tất cả các vấn đề an toàn liên quan đến việc sử dụng chúng. Người sử dụng tiêu chuẩn này phải tự thiết lập các thao tác an toàn sức khỏe thích hợp và xác định khả năng áp dụng các giới hạn quy định trước khi sử dụng tiêu chuẩn.

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định quy trình nuôi giữ giống virus dịch tả lợn qua thỏ chủng C dùng để sản xuất và kiểm nghiệm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn cổ điển.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 8684:2011, Vắc xin và chế phẩm sinh học dùng trong thú y – Phép thử độ thuần khiết.

3. Yêu cầu đối với giống vi sinh vật

3.1 Nhận dạng bằng phương pháp trung hòa trên thỏ

3.1.1 Chuẩn bị động vật

Chuẩn bị 6 con thỏ mẫn cảm, khỏe mạnh, mỗi con có khối lượng từ 1,8 kg đến 2,0 kg và chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 3 con.

3.1.2 Chuẩn bị giống vi rút

Giống vi rút dịch tả lợn nhược độc dạng đông khô được lấy ra từ tủ âm – 50 oC, sau đó để trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2oC đến 8oC trong 10 min rồi được pha loãng bằng nước sinh lý để thu được nồng độ 10-1.

Bệnh phẩm nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn được nghiền với nước sinh lý pha ở nồng độ 10-1.

3.1.3 Cách tiến hành

Nhóm 1: Tiêm vào đường tĩnh mạch tai cho 3 con thỏ với liều 1 ml/con dung dịch 10-1 từ bệnh phẩm trong 3.1.2.

Nhóm 2: Dùng 3 con thỏ làm đối chứng.

Sau khi tiêm từ 5 ngày đến 10 ngày, tiêm theo đường tĩnh mạch tai vào các thỏ của nhóm 1 và nhóm 2 với liều 1 ml/con vi rút dịch tả lợn nhược độc pha loãng ở nồng độ 10-1 trong 3.1.2.

Kết quả: Tất cả thỏ nhóm 1 không có phản ứng sốt và ít nhất 2/3 thỏ nhóm 2 có phản ứng sốt.

3.2 Kiểm tra tính thuần khiết

Kiểm tra tính thuần khiết theo TCVN 8684:2011.

3.3 Kiểm tra tính an toàn

3.3.1 Chuẩn bị động vật

Chuẩn bị 2 con lợn mẫn cảm, khỏe mạnh có khối lượng từ 20 kg đến 25 kg.

3.3.2 Chuẩn bị giống vi rút

Giống vi rút dạng đông khô được lấy ra từ tủ âm -50oC, sau đó để trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 oC đến 8oC trong 10 min rồi được pha loãng bằng nước sinh lý để thu được nồng độ 10-1.

3.3.3 Cách tiến hành

Tiêm theo đường dưới da hoặc tiêm bắp cho lợn với liều 1 ml/con. Theo dõi trong 10 ngày, kết quả là tất cả 2 con lợn phải sống khỏe mạnh.

3.4 Kiểm tra tính độc

3.4.1 Chuẩn bị động vật

Chuẩn bị 3 con thỏ mẫn cảm, khỏe mạnh, mỗi con có khối lượng từ 1,5 kg đến 2 kg.

3.4.2 Chuẩn bị giống vi rút

Chuẩn bị giống vi rút theo 3.3.2.

3.4.3 Cách tiến hành

Tiêm theo đường tĩnh mạch cho thỏ với liều 1 ml/con. Đo thân nhiệt trong khoảng từ 4 ngày đến 5 ngày. Kết quả cho thấy ít nhất 1 con thỏ có phản ứng sốt điển hình: Thời gian nung bệnh 24 h đến 48 h, thân nhiệt cao hơn bình thường từ 1,5oC đến 2oC, kéo dài trong khoảng từ 12 h đến 48 h.

3.5 Kiểm tra tính gây miễn dịch

3.5.1 Chuẩn bị động vật

Chuẩn bị 6 con lợn mẫn cảm, khỏe mạnh có khối lượng từ 20 kg đến 25 kg và chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 3 con.

3.5.2 Chuẩn bị giống vi rút

Chuẩn bị giống vi rút theo 3.3.2.

3.5.3 Cách tiến hành

Nhóm 1: Tiêm theo đường dưới da cho 3 con lợn mẫn cảm, khỏe mạnh với liều 1 ml/con. Nhóm 2: dùng 3 con lợn là đối chứng.

Sau khi tiêm cho lợn nhóm 1 từ 10 ngày đến 14 ngày, tiêm theo đường dưới da hoặc tiêm bắp cho cả 6 con lợn thuộc 2 nhóm vi rút dịch tả lợn cường độc (3.5.2) với liều 1 ml/con.

Theo dõi trong 14 ngày, số lợn đối chứng (nhóm 2) phải phát bệnh dịch tả và chết ít nhất 2 con, lợn miễn dịch phải khỏe mạnh hay có thể có phản ứng sốt nhẹ: thời gian nung bệnh từ 24 h đến 72 h, thân nhiệt cao hơn bình thường từ 0,5oC đến 1oC, kéo dài đến 12 h.

3.6 Đánh giá tính ổn định độc lực của giống

3.6.1 Chuẩn bị động vật

Chuẩn bị 4 con lợn mẫn cảm, khỏe mạnh có khối lượng từ 20 kg đến 25 kg và chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 2 con.

3.6.2 Chuẩn bị giống vi rút

Chuẩn bị giống vi rút theo 3.3.2.

3.6.3 Cách tiến hành

Tiêm theo đường bắp cho 2 con lợn thuộc nhóm 1 với liều 1 ml/con. Sau khi tiêm 7 ngày, lấy từ mỗi con lợn 5 ml máu, tiêm theo đường bắp cho 2 con lợn nhóm 2.

Lặp lại như trên từ 6 lần đến 8 lần liên tục. Tất cả lợn được tiêm truyền máu không được phép thể hiện triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển và phát triển bình thường.

4. Phương pháp truyền giống

4.1 Chuẩn bị động vật

Chuẩn bị 5 con thỏ mẫn cảm khỏe mạnh, có khối lượng từ 1,5 kg đến 2 kg.

4.2 Chuẩn bị giống vi rút

Giống vi rút dịch tả lợn nhược độc dạng đông khô được lấy ra từ tủ âm -50oC, sau đó để trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2oC đến 8oC trong 10 min rồi được pha loãng bằng nước sinh lý để thu được nồng độ 1/50.

4.3 Cách tiến hành

Tiêm theo đường tĩnh mạch cho 5 con thỏ giống vi rút đã chuẩn bị trong 4.2. Sau khi tiêm 24 h, cứ 4 h đến 6 h kiểm tra thân nhiệt một lần. Theo dõi đến 120 h, chọn mổ, thu hoạch lách, hạch lâm ba ruột của những con thỏ có phản ứng sốt điển hình tại thời điểm thân nhiệt hạ xuống gần mức bình thường, giữ ở – 50oC.

Kiểm tra tạp nhiễm vi khuẩn mẫu máu đã thu được theo TCVN 8684:2011.

Kiểm tra bệnh tích ở đường tiêu hóa, lách, thận và hạnh lâm ba ruột để loại trừ bệnh tích của các bệnh truyền nhiễm khác. Chỉ giữ giống từ hạch, lách thỏ có phản ứng sốt điển hình, không tạp khuẩn và không có bệnh tích nghi ngờ.

Hạch, lách được nghiền nát với chất bổ trợ là sữa tách bơ hoặc máu thỏ không nhiễm tạp khuẩn rồi làm đông khô.

5. Kiểm tra giống sau đông khô

5.1 Tiêu chuẩn vật lý

– Chế phẩm đóng thành bánh, xốp, màu đồng nhất, có chân không.

– Độ ẩm: không lớn hơn 4 %

– Độ hòa tan: khi lắc nhẹ trong nước sinh lý, chế phẩm tan trở lại dung dịch ban đầu trong vòng 2 min đến 3 min.

5.2 Yêu cầu kỹ thuật

Giống đông khô phải đạt các yêu cầu trong Điều 3.

6. Bao gói, ghi nhãn và bảo quản

6.1 Bao gói

Giống sau khi đông khô được bao gói bằng giấy, để trong túi nhựa.

6.2 Ghi nhãn

– Nơi sản xuất

– Tên giống

– Số lô và ngày sản xuất

– Người thực hiện

– Điều kiện bảo quản

6.3 Bảo quản

– Đông khô ở nhiệt độ nhỏ hơn – 50 oC có thể bảo quản được 2 năm.

– Giữ tươi ở nhiệt độ nhỏ hơn – 50 oC có thể bảo quản được 6 tháng.

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8683-1:2011 VỀ GIỐNG VI SINH VẬT THÚ Y – PHẦN 1: QUY TRÌNH GIỮ GIỐNG VI RÚT DỊCH TẢ LỢN QUA THỎ, CHỦNG C
Số, ký hiệu văn bản TCVN8683-1:2011 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản