QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 07:2011/BGTVT VỀ CHẠY TÀU VÀ CÔNG TÁC DỒN ĐƯỜNG SẮT DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BAN HÀNH
QCVN 07:2011/BGTVT
VỀ CHẠY TÀU VÀ CÔNG TÁC DỒN ĐƯỜNG SẮT
National technical regulation on railway running and shunting
Lời nói đầu
QCVN 07:2011/BGTVT do Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn ngành 22TCN 342-05: Quy trình chạy tàu và công tác dồn đường sắt, giữ nguyên kết cấu và nội dung cơ bản để chuyển đổi thành QCVN, Cục Đường sắt Việt Nam trình duyệt, Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 66/2011/TT- BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2011
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ CHẠY TÀU VÀ CÔNG TÁC DỒN ĐƯỜNG SẮT
National technical regulation on railway running and shunting
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (sau đây được gọi tắt là Quy chuẩn) về chạy tàu và công tác dồn đường sắt này quy định về trình tự tác nghiệp của công tác chạy tàu, dồn tàu trên tuyến đường đơn thuộc mạng đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có kết nối ray với đường sắt quốc gia.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Quy chuẩn này là các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác chạy tàu, dồn tàu trên các mạng đường sắt nói trên. Quy chuẩn này không áp dụng đối với đường sắt đô thị.
Điều 3. Cơ sở của việc tổ chức chạy tàu là Biểu đồ chạy tàu. Đối với mạng đường sắt quốc gia, Biểu đồ chạy tàu do Thủ trưởng tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt xây dựng, ban hành và công bố theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đối với mạng đường sắt chuyên dùng, Biểu đồ chạy tàu do Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác mạng đường sắt chuyên dùng xây dựng, ban hành và công bố.
Tất cả các đơn vị có liên quan đến việc chạy tàu đều phải căn cứ vào Biểu đồ chạy tàu để xây dựng kế hoạch công tác, tổ chức và thực hiện nghiêm chỉnh, chính xác Quy trình tác nghiệp kỹ thuật của đơn vị mình bảo đảm tàu chạy theo đúng Biểu đồ chạy tàu.
Điều 4. Ở mỗi khu đoạn, việc chạy tàu do một Nhân viên điều độ chạy tàu chỉ huy. Ở mỗi điểm phân giới hay trên mỗi tàu, trong một thời gian nhất định chỉ do một người chỉ huy việc chạy tàu:
1. Tại ga: Trực ban chạy tàu ga;
2. Tại trạm đóng đường: Trực ban chạy tàu trạm;
3. Trên tàu: Trưởng tàu;
4. Đầu máy đơn và đoàn tàu không quy định có Trưởng tàu: Lái tàu.
Nếu nhiều tàu ghép nhau thì Trưởng tàu của đoàn tàu cuối cùng là người chỉ huy.
Ở ga lớn có thể bố trí phụ Trực ban chạy tàu ga đảm nhận một phần công việc chạy tàu dưới sự chỉ huy của Trực ban chạy tàu ga.
Nếu ga có nhiều bãi có thể có nhiều Trực ban chạy tàu bãi, mỗi người chỉ huy chạy tàu ở mỗi bãi nhưng phải phục tùng sự chỉ huy thống nhất của Trực ban chạy tàu ga.
Việc phân định ranh giới và trách nhiệm chỉ huy chạy tàu ở mỗi bãi cũng như Trực ban chạy tàu ga được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Tại ga, trạm: Trưởng tàu và Lái tàu phải phục tùng mệnh lệnh của Trực ban chạy tàu.
Khi lên ban, Trực ban chạy tàu ga, trạm phải báo họ, tên mình và phụ Trực ban chạy tàu ga (nếu có) cho Nhân viên điều độ chạy tàu.
Điều 5. Tất cả thủ tục, tác nghiệp về đón gửi tàu và cho tàu thông qua cũng như về dồn dịch phải được tiến hành nhanh chóng, chính xác, an toàn theo đúng trình tự và biện pháp quy định tại Quy chuẩn này; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt và Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Điều 6. Bằng chứng cho phép tàu chạy từ điểm phân giới vào khu gian hoặc phân khu là:
1. Với phương pháp đóng đường tự động và nửa tự động: biểu thị đèn màu vàng sáng hoặc đèn màu lục sáng của tín hiệu ra ga hoặc thông qua;
2. Với phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường: thẻ đường thuộc khu gian đó;
3. Với phương pháp đóng đường bằng điện tín: Phiếu đường, Giấy phép theo mẫu quy định hoặc mệnh lệnh khác;
4. Với phương pháp đóng đường bằng thông tri: Giấy phép màu đỏ.
Điều 7. Khi sử dụng phương pháp đóng đường nói tại khoản 2 và 3 Điều 6 của Quy chuẩn này, bằng chứng cho phép tàu chạy vào khu gian phải do chính Trực ban chạy tàu ga hoặc do phụ Trực ban chạy tàu ga giao trực tiếp cho Lái tàu trên đầu máy chính của tàu và phải được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Điều 8. Việc điều khiển các thiết bị máy móc về tín hiệu, khống chế tập trung và đóng đường, việc đóng mở các tín hiệu do những nhân viên dưới đây phụ trách:
1. Ở ga: do Trực ban chạy tàu ga hoặc do phụ Trực ban chạy tàu, Gác ghi làm theo lệnh của Trực ban chạy tàu ga;
2. Ở bãi: do Trực ban chạy tàu bãi;
3. Ở trạm đóng đường: do Trực ban chạy tàu trạm;
4. Ở trạm tín hiệu phòng vệ (cầu chung, đường ngang,…): do Nhân viên gác cầu chung, gác đường ngang.
Điều 9. Sau khi đón gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga phải báo ngay giờ tàu đi, thông qua hoặc đến cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu, ga gửi tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu. Các giờ này tính như sau:
1. Giờ đi là thời điểm tàu bắt đầu chuyển bánh. Nếu tàu đi rồi dừng lại trong giới hạn ga thì giờ đi là thời điểm chuyển bánh lần sau cùng;
2. Giờ đến là thời điểm tàu đã dừng hẳn tại ga (kể cả trường hợp tàu quá dài mà đuôi tàu không thể lọt mốc tránh va chạm);
3. Giờ thông qua là thời điểm đầu máy chính chạy qua trước chỗ Trực ban chạy tàu ga đứng đón tàu.
Giờ tàu chạy, đến hoặc thông qua phải được ghi vào sổ nhật ký chạy tàu. Nếu tàu chạy không đúng giờ quy định thì ghi nguyên nhân vào sổ nhật ký chạy tàu và báo cho Nhân viên điều độ chạy tàu biết.
Khi tàu có những đặc điểm như: quá dài, quá nặng, đầu máy phụ đẩy, tàu hỗn hợp, toa xe xếp hàng quá khổ, hàng đặc biệt,… thì phải báo thêm những đặc điểm đó cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu ngay sau khi báo giờ tàu chạy hoặc giờ tàu thông qua.
Ở trạm đóng đường khi có tham gia vào công tác chạy tàu, Trực ban chạy tàu trạm cũng phải báo giờ tàu cho Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian và Nhân viên điều độ chạy tàu.
Điều 10. Việc phong toả, giải toả khu gian, việc chuyển từ một phương pháp đóng đường này sang một phương pháp đóng đường khác phải tiến hành theo mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu.
Khi cắt đầu máy phụ đẩy không có thiết bị cắt đỡ đấm tự động (kể cả không nối ống mềm thông vào đoàn tàu) phải bắt tàu dừng lại. Trưởng tàu hoặc người được ủy quyền làm nhiệm vụ cắt mối nối, đỡ đấm.
Điều 11. Trong các trường hợp đón, gửi tàu, khi tín hiệu vào ga, ra ga, vào bãi, ra bãi báo tín hiệu ngừng hoặc đèn tắt, trước khi sử dụng tín hiệu dẫn đường hoặc giao giấy phép cho Lái tàu để cho tàu chạy qua tín hiệu, Trực ban chạy tàu ga phải xác nhận:
1. Đối với tàu đến: đường tàu vào và đường đón tàu đã thanh thoát, các ghi đã đúng chiều và đã khoá;
2. Đối với tàu đi hoặc thông qua: đường tàu ra và khu gian phía trước hoặc số phân khu tiếp giáp cần thiết phía trước đều đã thanh thoát, các ghi đã đúng chiều và đã khoá.
Điều 12. Mỗi lần hư hỏng về đường, ghi, thiết bị thông tin, tín hiệu chạy tàu, Trực ban chạy tàu ga phải ghi vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu và báo cho Nhân viên phụ trách sửa chữa sở tại (cung cầu, đường, thông tin tín hiệu).
Ngoài ra, nếu hư hỏng có ảnh hưởng đến chạy tàu, Trực ban chạy tàu ga còn phải báo cho Nhân viên điều độ chạy tàu.
Khi sửa chữa xong, Trực ban chạy tàu ga và nhân viên sửa chữa phải cùng xác nhận trạng thái và hoạt động tốt của thiết bị vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu mới được sử dụng lại.
Điều 13. Mệnh lệnh chạy tàu, dồn dịch phải ngắn gọn, dứt khoát, rõ ràng và đúng nội dung quy định. Mỗi lần ra lệnh, phải xác nhận người nhận lệnh đã hiểu đúng và phải kiểm tra theo dõi việc chấp hành.
Mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu, điện tín có liên quan đến chạy tàu phải được ghi chép sạch sẽ bằng bút mực, không tẩy xóa. Nếu có chữ viết nhầm có thể sửa nhưng phải đọc được chữ cũ và phải có chữ ký, dấu xác nhận của Trực ban chạy tàu ga. Điện tín gửi đi phải được đánh số thứ tự từ số 1 kể từ 0 giờ mỗi ngày.
Điều 14. Khi trong khu gian có đặt trạm đóng đường, biện pháp chạy tàu và phương pháp đóng đường chạy tàu đối với trạm này do Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt quy định riêng. Đối với mạng đường sắt chuyên dùng do Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác mạng đường sắt chuyên dùng quy định.
Chương 2.
CHẠY TÀU VỚI PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG ĐƯỜNG TỰ ĐỘNG
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 15. Khi tàu chạy theo phương pháp đóng đường tự động, Lái tàu của đầu máy chính phải chú ý theo dõi và chấp hành nghiêm chỉnh những biểu thị của tín hiệu đèn màu ở ga và trong từng phân khu đóng đường.
Điều 16. Các loại phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt (ôtô ray, goòng có động cơ, toa xe đặc biệt,…) khi gửi vào khu gian được chạy theo tín hiệu đóng đường tự động như tàu.
Điều 17. Trường hợp mọi thứ điện thoại bị gián đoạn nhưng tác dụng của đóng đường tự động vẫn tốt, việc chạy tàu vẫn giải quyết theo tín hiệu của đóng đường tự động.
MỤC 2. ĐÓNG ĐƯỜNG CHẠY TÀU
Điều 18. Trước khi gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga phải chuẩn bị đường gửi tàu và các thủ tục cần thiết khác; sau khi xác nhận phân khu tiếp giáp đã thanh thoát mới được mở tín hiệu ra ga và cho tàu chạy.
Khi xác nhận tàu đã ra khỏi ga, Trực ban chạy tàu ga trả thiết bị khống chế tín hiệu về định vị và báo giờ tàu đi như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này.
Ở khu gian đường đơn, nếu đang ở hướng đón tàu, muốn đổi hướng gửi tàu phải được sự đồng ý của Nhân viên điều độ chạy tàu.
Điều 19. Khi cho tàu chạy vào làm việc trong khu gian rồi trở về ga gửi, Trực ban chạy tàu ga làm thủ tục đóng đường tự động thông thường và giao cho Lái tàu thẻ hình chìa khoá lấy từ đài khống chế ra để làm bằng chứng chiếm dụng khu gian lúc trở về ga. Ngoài ra, Trực ban chạy tàu ga còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ địa điểm dừng, thời gian làm việc và thời hạn trở về ga, sau đó làm tín hiệu cho tàu chạy ra ga.
Điều 20. Khi tàu có đầu máy phụ đẩy chạy vào khu gian rồi trở về, việc gửi tàu tiến hành với thủ tục đóng đường tự động thông thường, trước khi gửi tàu Trực ban chạy tàu ga phải lấy thẻ hình chìa khoá ở đài khống chế giao cho Lái tàu của đầu máy phụ đẩy để làm bằng chứng chiếm dụng khu gian lúc trở về ga. Ngoài ra, Trực ban chạy tàu ga còn phải cấp cho Lái tàu của đầu máy phụ đẩy và Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ địa điểm dừng đẩy và quay về.
Điều 21. Nếu đài khống chế của ga không có trang bị thẻ hình chìa khoá, khi cần thiết gửi tàu vào làm việc trong khu gian rồi trở về hoặc gửi tàu có đầu máy phụ đẩy vào khu gian rồi trở về phải đình chỉ sử dụng phương pháp đóng đường tự động và chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín.
Điều 22. Khi đầu tàu đỗ vượt quá tín hiệu ra ga (vì tàu quá dài hoặc vì nguyên nhân nào đó) làm cho Lái tàu không nhìn thấy biểu thị của tín hiệu này, việc gửi tàu vẫn tiến hành bằng phương pháp đóng đường tự động nhưng Trực ban chạy tàu ga phải cấp cho Lái tàu Giấy phép vạch chéo lục (ghi theo mục II) theo Mẫu số 1 tại Phụ bản của Quy chuẩn này để làm bằng chứng chiếm dụng phân khu.
Điều 23. Khi có cột tín hiệu ra ga chung, việc gửi tàu phải theo biểu thị cho phép của tín hiệu ra ga chung và đèn chỉ đường mà tàu được gửi đã bật sáng. Nếu đèn chỉ đường bị hỏng, tàu được gửi theo tín hiệu ra ga chung mở, Trực ban chạy tàu ga phải cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho Lái tàu: “Đèn chỉ đường hỏng, đường đã chuẩn bị cho tàu số …… trên đường số ….. chạy”.
Điều 24. Trước khi tàu đến, Trực ban chạy tàu ga phải chuẩn bị đường đón và mở tín hiệu vào ga (vào bãi).
Sau khi xác nhận toàn bộ tàu đã vào đường đón tàu, Trực ban chạy tàu ga trả thiết bị khống chế tín hiệu về định vị và báo giờ tàu đến như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này.
Điều 25. Việc đón tàu vào làm việc trong khu gian hoặc đầu máy phụ đẩy trở về ga tiến hành theo trình tự quy định tại Điều 24 của Quy chuẩn này. Trực ban chạy tàu ga thu lại thẻ hình chìa khoá trả vào đài khống chế.
MỤC 3. CHẠY TÀU KHI THIẾT BỊ ĐÓNG ĐƯỜNG TỰ ĐỘNG BỊ HỎNG
Điều 26. Khi tín hiệu ra ga bị hỏng, Trực ban chạy tàu ga cấp cho Lái tàu Giấy phép vạch chéo lục (theo mẫu số 1 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) để làm bằng chứng chiếm dụng phân khu, sau khi đã xác nhận đủ điều kiện sau:
1. Khi đang ở hướng gửi tàu:
Trên đài khống chế đèn biểu thị phân khu tiếp giáp thanh thoát. Trường hợp này cấp Giấy phép vạch chéo lục (ghi theo mục I);
2. Khi đổi hướng gửi tàu đầu tiên:
Trên đài khống chế đèn biểu thị hướng gửi tàu thích hợp và khu gian thanh thoát. Để xác định khu gian thanh thoát, Trực ban chạy tàu ga xin đổi hướng gửi tàu phải trao đổi với Trực ban chạy tàu ga bên các điện tín theo mẫu sau:
“Tàu số….. chuẩn bị chạy, nhưng không mở được tín hiệu ra ga, yêu cầu báo cho biết tàu số …. và giờ gửi tàu cuối cùng”.
Trực ban chạy tàu ga xin đổi hướng ký tên.
Trực ban chạy tàu ga bên trả lời:
“Tàu cuối cùng gửi đến ga …. là tàu số ….. chạy lúc ….. giờ ….. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trường hợp này cấp Giấy phép vạch chéo lục (ghi theo mục II).
Điều 27. Trường hợp tín hiệu ra bãi bị hỏng, Trực ban chạy tàu ga được phép gửi tàu và phải cấp cho Lái tàu một Giấy phép vạch chéo lục (ghi theo mục I) theo mẫu số 1 tại Phụ bản của Quy chuẩn này.
Nếu tín hiệu ra bãi và ra ga cùng bị hỏng, Trực ban chạy tàu ga được phép gửi tàu theo Điều 26 của Quy chuẩn này này và phải cấp cho Lái tàu hai Giấy phép vạch chéo lục (ghi theo mục I, một giấy phép ra bãi, một giấy phép ra ga) theo mẫu số 1 tại Phụ bản của Quy chuẩn này.
Điều 28. Khi đèn chỉ hướng tàu chạy bị hỏng, tàu được gửi theo tín hiệu ra ga, ra bãi mở, sau khi đã cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này):
“Đèn chỉ hướng …. hỏng, cho phép tàu số …. trên đường số …. chạy theo tín hiệu ra ga (hoặc ra bãi) mở”.
Điều 29. Trong những trường hợp dưới đây, thiết bị đóng đường coi như bị hỏng (mất tác dụng):
1. Khi có hai tín hiệu thông qua cùng chiều trở lên bị hỏng;
2. Khi phân khu bị chiếm dụng mà tín hiệu thông qua, tín hiệu phòng vệ biểu thị cho phép chạy qua;
3. Khi không thể đổi hướng chạy tàu.
Trong các trường hợp trên hoặc khi di chuyển, cải tạo, sửa chữa, thay thế các thiết bị, kiến trúc đường sắt có ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị đóng đường tự động cũng như khi phương pháp đóng đường tự động không thích hợp, Trực ban chạy tàu ga phải đình chỉ sử dụng phương pháp đóng đường tự động và xin Nhân viên điều độ chạy tàu cho chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín.
Tính chất hư hỏng phải được ghi vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu và Sổ nhật ký chạy tàu, đồng thời báo cho Cung thông tin tín hiệu sở tại đến sửa chữa.
Điều 30. Trước khi phát mệnh lệnh đổi sang phương pháp đóng đường bằng điện tín cũng như phục hồi phương pháp đóng đường tự động, Nhân viên điều độ chạy tàu phải thông qua Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian, xác nhận chắc chắn là khu gian giữa hai ga đã thanh thoát.
Điều 31. Trường hợp điện thoại giữa Trực ban chạy tàu ga với Nhân viên điều độ chạy tàu không thông, việc chuyển sang đóng đường bằng điện tín cũng như phục hồi phương pháp đóng đường tự động do Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian tiến hành như sau:
1. Khi chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín:
Trực ban chạy tàu ga (ga phát hiện hư hỏng cần đình chỉ sử dụng đóng đường tự động) căn cứ theo nhật ký chạy tàu và theo sự liên hệ với Trực ban chạy tàu ga bên mà xác nhận khu gian thanh thoát, sau đó phát cho Trực ban chạy tàu ga bên điện tín theo mẫu:
“Đóng đường tự động giữa ga …. và ga…. không hoạt động (hoặc cần đình chỉ sử dụng). Tàu cuối cùng nhận của ga …. là tàu số …., tàu cuối cùng gửi sang ga …. là tàu số….. Yêu cầu chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín từ …. giờ ….. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu ga bên sau khi xác nhận khu gian thanh thoát, trả lời bằng điện tín theo mẫu:
“Tàu cuối cùng nhận của ga …. là tàu số…., tàu cuối cùng gửi sang ga …. là số …., khu gian thanh thoát. Đồng ý chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín từ …. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
2. Khi phục hồi phương pháp đóng đường tự động:
Trực ban chạy tàu ga (ga xác nhận thiết bị hoạt động tốt), căn cứ theo nhật ký chạy tàu và theo sự liên hệ với Trực ban chạy tàu ga bên để xác nhận khu gian thanh thoát sau đó phát cho Trực ban chạy tàu ga bên điện tín theo mẫu:
“Đóng đường tự động giữa ga …. và ga …. hoạt động tốt. Tàu cuối cùng nhận của ga ….. là tàu số …., tàu cuối cùng gửi sang ga …. là tàu số …. Yêu cầu phục hồi phương pháp đóng đường tự động từ ….. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu ga bên, sau khi kiểm tra xác nhận khu gian thanh thoát, trả lời bằng điện tín theo mẫu:
“Tàu cuối cùng nhận của ga ….. là tàu số …., tàu cuối cùng gửi sang ga …. là tàu số …., khu gian thanh thoát. Đồng ý phục hồi phương pháp đóng đường tự động từ ….. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Điều 32. Khi chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu phải viết phía trên Phiếu đường (theo mẫu số 2A hoặc 2B tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cấp cho Lái tàu câu: “Đóng đường tự động đình chỉ sử dụng”.
Chương 3.
CHẠY TÀU VỚI PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG ĐƯỜNG NỬA TỰ ĐỘNG
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 33. Khi chạy tàu với đóng đường nửa tự động, trạng thái biểu thị cho phép của tín hiệu ra ga hoặc tín hiệu thông qua (đèn màu, cánh) là bằng chứng cho phép tàu chạy từ ga (trạm đóng đường) chiếm dụng khu gian cho đến ga bên.
Điều 34. Trước khi mở tín hiệu ra ga, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu phải xác nhận khu gian tàu sắp chạy vào đã thanh thoát và nhận được biểu thị đồng ý đón tàu của Trực ban chạy tàu ga đón tàu cho phép.
Điều 35. Trước khi tàu chạy vào khu gian, Lái tàu của đầu máy chính phải xác nhận trạng thái biểu thị cho phép chạy của tín hiệu ra ga, ra bãi hoặc thông qua.
Trường hợp không xác nhận được biểu thị cho phép nói trên, Lái tàu chỉ cho tàu chạy vào khu gian sau khi đã nhận được bằng chứng chạy tàu thay thế (Phiếu đường – theo mẫu số 2A hoặc 2B, Giấy phép vạch chéo lục – theo mẫu số 1, Giấy phép vạch chéo đỏ – theo mẫu số 5, Giấy phép màu đỏ – theo mẫu số 3 tại Phụ bản của Quy chuẩn này).
MỤC 2. ĐÓNG ĐƯỜNG CHẠY TÀU
Điều 36. Trước khi gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu phải xin đường Trực ban chạy tàu ga đón tàu theo mẫu: “Xin đường gửi tàu số ….” và ấn nút đóng đường trên đài khống chế. Nếu đồng ý cho gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga đón tàu cùng ấn nút đóng đường. Sau khi nhận được tín hiệu đồng ý đón tàu của Trực ban chạy tàu ga đón tàu (đèn biểu thị gửi tàu trên đài khống chế sáng màu lục) và xác nhận đường gửi tàu đã chuẩn bị xong, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu mở tín hiệu ra ga và làm tín hiệu cho tàu chạy.
Khi xác nhận tàu đã ra khỏi khu vực ga, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu trả thiết bị khống chế tín hiệu về định vị và báo giờ tàu đi như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này.
Điều 37. Sau khi đã làm thủ tục đóng đường gửi tàu, nếu xét thấy tàu không chạy được trong 20 phút hoặc cần cho tàu khác chạy thì giải quyết như sau:
1. Trường hợp chưa mở tín hiệu ra ga: Trực ban chạy tàu ga gửi tàu không phải hủy bỏ thủ tục đóng đường mà chỉ làm thủ tục cho tàu khác chạy nhưng phải được sự đồng ý của Nhân viên điều độ chạy tàu và Trực ban chạy tàu ga đón tàu;
2. Trường hợp đã mở tín hiệu ra ga. Trực ban chạy tàu ga gửi tàu đóng tín hiệu ra ga, ấn nút trở ngại trên đài khống chế để hủy bỏ thủ tục đóng đường, phục hồi máy đóng đường của hai ga về trạng thái bình thường, rồi báo cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu biết;
3. Trực ban chạy tàu hai ga phải ghi việc hủy bỏ thủ tục đóng đường vào sổ nhật ký chạy tàu và sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu.
Điều 38. Trước khi tàu đến, Trực ban chạy tàu ga đón tàu phải chuẩn bị đường đón, mở tín hiệu vào ga. Khi tàu đến mà đuôi tàu đã qua khỏi những ghi liên quan đến đường đón tàu hoặc đã dừng hẳn, Trực ban chạy tàu ga trả thiết bị khống chế tín hiệu về định vị để đóng tín hiệu vào ga. Sau khi xác nhận tàu đến ga nguyên vẹn, Trực ban chạy tàu ga làm thủ tục trả đường, rồi báo giờ tàu đến như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này.
Điều 39. Nếu tàu đến ga không nguyên vẹn (đứt toa dọc đường hoặc đuôi tàu còn nằm ngoài tín hiệu vào ga), Trực ban chạy tàu ga đón tàu vẫn phải đóng tín hiệu vào ga. Trước khi khu gian thanh thoát, Trực ban chạy tàu ga không được làm thủ tục trả đường.
Điều 40. Khi cho tàu vào làm việc trong khu gian rồi trở về ga gửi, Trực ban chạy tàu ga làm thủ tục đóng đường chạy tàu bình thường và giao cho Lái tàu thẻ hình chìa khoá lấy từ đài khống chế để làm bằng chứng chạy tàu lúc trở về ga gửi. Ngoài ra, còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ địa điểm dừng tàu, thời gian làm việc và thời hạn trở về ga.
Khi gửi tàu có đầu máy phụ đẩy vào khu gian rồi trở về, Trực ban chạy tàu ga làm thủ tục đóng đường chạy tàu bình thường và giao cho Lái tàu của đầu máy phụ đẩy thẻ hình chìa khoá lấy từ đài khống chế ra để làm bằng chứng chạy tàu lúc trở về. Ngoài ra, còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ địa điểm dừng đẩy và quay về.
Trường hợp đài khống chế không có trang bị thiết bị thẻ hình chìa khoá, phải chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín.
Điều 41. Khi tàu làm việc trong khu gian hoặc đầu máy đẩy trở về ga gửi nguyên vẹn, Trực ban chạy tàu ga thu lại thẻ hình chìa khoá trả vào đài khống chế và làm thủ tục trả đường rồi báo giờ tàu đến như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này.
Điều 42. Khi đầu tàu đỗ vượt quá tín hiệu ra ga (vì quá dài hoặc vì nguyên nhân nào đó) làm cho Lái tàu không nhìn thấy biểu thị của tín hiệu này, việc gửi tàu vẫn tiến hành theo phương pháp đóng đường nửa tự động; ngoài việc mở tín hiệu ra ga, Trực ban chạy tàu ga phải cấp cho Lái tàu Giấy phép vạch chéo lục (ghi theo mục II) theo mẫu số 1 tại Phụ bản của Quy chuẩn này để làm bằng chứng chiếm dụng khu gian.
MỤC 3. CHẠY TÀU GIỮA GA VỚI ĐƯỜNG NHÁNH KHU GIAN
Điều 43. Khi cần gửi tàu đến đường nhánh trong khu gian không có trạm bổ trợ rồi trở về ga gửi, Trực ban chạy tàu ga gửi xin đường ga bên theo mẫu:
“Xin đường gửi tàu số …. đến đường nhánh
km…. rồi trở về”.
Sau đó làm thủ tục gửi tàu như quy định tại Điều 36 của Quy chuẩn này. Ngoài việc mở tín hiệu ra ga, Trực ban chạy tàu ga gửi phải giao cho Lái tàu thẻ hình chìa khoá có gắn chìa khoá ghi đường nhánh để mở ghi và làm bằng chứng lúc trở về ga gửi, đồng thời phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ tên đường nhánh, thời gian làm việc, thời hạn trở về đến ga gửi và những biện pháp chạy tàu cần thiết khác.
Làm việc xong ở đường nhánh, tàu nhất thiết phải trở về ga gửi.
Điều 44. Khi cần gửi tàu đến đường nhánh không có trạm bổ trợ nhưng ga không có thẻ hình chìa khoá có gắn chìa khoá ghi hoặc có nhưng tàu đến đường nhánh làm việc rồi tiếp tục chạy sang ga bên, phải đình chỉ sử dụng phương pháp đóng đường nửa tự động và chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín. Ngoài việc giao Phiếu đường (theo mẫu số 2A hoặc 2B tại Phụ bản của Quy chuẩn này), Trực ban chạy tàu ga gửi phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ tên đường nhánh, thời gian làm việc, thời hạn về đến ga gửi (hoặc đến ga bên), đồng thời giao cho Trưởng tàu chìa khoá ghi dự trữ để mở ghi đường nhánh. Thủ tục giao nhận chìa khoá ghi quy định tại Điều 93 và 94 của Quy chuẩn này.
MỤC 4. CHẠY TÀU KHI THIẾT BỊ NỬA TỰ ĐỘNG BỊ HỎNG
Điều 45. Trong những trường hợp dưới đây, thiết bị đóng đường nửa tự động coi như bị hỏng và phải đình chỉ sử dụng:
1. Không thể tự động đóng tín hiệu ra ga hoặc thông qua;
2. Không thể mở tín hiệu ra ga hoặc thông qua khi khu gian thanh thoát;
3. Tín hiệu đóng đường phát ra tuỳ tiện;
4. Không phát được hoặc không nhận được tín hiệu đóng đường;
5. Máy đóng đường không đủ niêm phong.
Điều 46. Trong những trường hợp đã quy định tại Điều 45 của Quy chuẩn này cũng như khi sửa chữa, cải tạo, di chuyển thay thế thiết bị, kiến trúc đường sắt và những công việc khác gây gián đoạn tạm thời hoạt động của thiết bị đóng đường nửa tự động hoặc khi sử dụng phương pháp này không thích hợp thì phải đình chỉ sử dụng và chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín.
Khi công nhân thông tin tín hiệu kiểm tra và duy tu máy đóng đường mà không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thiết bị đó thì không phải đình chỉ sử dụng phương pháp đóng đường nửa tự động.
Mỗi lần mở máy, công nhân thông tin tín hiệu phải ghi vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu và được sự đồng ý của Trực ban chạy tàu ga mới được tiến hành. Máy đóng đường phải niêm phong lại như quy định sau mỗi lần mở máy và chỉ được sử dụng lại sau khi đã được Trực ban chạy tàu ga thử thao tác trên máy và ký nhận.
Điều 47. Mỗi lần chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín cũng như phục hồi phương pháp đóng đường nửa tự động phải có mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu. Trước khi phát lệnh này, Nhân viên điều độ chạy tàu phải thông qua Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian để xác nhận chắc chắn khu gian đã thanh thoát.
Điều 48. Trường hợp điện thoại giữa ga với Nhân viên điều độ chạy tàu không thông, việc chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín cũng như phục hồi phương pháp đóng đường nửa tự động do Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian tiến hành như sau:
1. Khi chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín:
Trực ban chạy tàu ga (ga phát hiện hư hỏng hoặc yêu cầu đình chỉ sử dụng phương pháp đóng đường nửa tự động) căn cứ theo nhật ký chạy tàu và theo sự liên hệ với Trực ban chạy tàu ga bên mà xác nhận khu gian thanh thoát, sau đó phát cho Trực ban chạy tàu ga bên điện tín theo mẫu:
“Đóng đường nửa tự động giữa ga …. và ga ….. không hoạt động (hoặc đình chỉ sử dụng). Tàu cuối cùng nhận của ga …. là tàu số …., tàu cuối cùng gửi sang ga …. là tàu số ….. Yêu cầu chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín từ …. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu ga bên sau khi xác nhận khu gian thanh thoát trả lời bằng điện tín theo mẫu:
“Tàu cuối cùng nhận của ga …. là tàu số …., tàu cuối cùng gửi sang ga ….. là tàu số ….., khu gian thanh thoát. Đồng ý chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín từ …. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
2. Khi phục hồi phương pháp đóng đường nửa tự động:
Trực ban chạy tàu ga (ga xác nhận thiết bị hoạt động tốt) căn cứ theo nhật ký chạy tàu và theo sự liên hệ với Trực ban chạy tàu ga bên mà xác nhận khu gian thanh thoát, sau đó phát cho Trực ban chạy tàu ga bên điện tín theo mẫu:
“Đóng đường nửa tự động giữa ga …. và ga…. hoạt động tốt. Tàu cuối cùng nhận của ga …. là tàu số …., tàu cuối cùng gửi sang ga …. là tàu số …. Yêu cầu phục hồi phương pháp đóng đường nửa tự động từ ….. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu ga bên, sau khi kiểm tra xác nhận khu gian thanh thoát, trả lời bằng điện tín theo mẫu:
“Tàu cuối cùng nhận của ga ….. là tàu số …., tàu cuối cùng gửi sang ga …. là tàu số …., khu gian thanh thoát. Đồng ý phục hồi phương pháp đóng đường nửa tự động từ ….. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Điều 49. Khi chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu phải viết phía trên Phiếu đường (theo mẫu số 2A hoặc 2B tại phụ bản của Quy chuẩn này) cấp cho Lái tàu câu: “Đóng đường nửa tự động đình chỉ sử dụng”.
Điều 50. Khi điện thoại của thiết bị đóng đường nửa tự động bị hỏng nhưng thiết bị đóng đường hoạt động tốt, việc chạy tàu vẫn được tiến hành với phương pháp đóng đường nửa tự động. Trường hợp này, việc liên hệ chạy tàu giữa Trực ban chạy tàu hai ga được phép dùng điện thoại điều độ. Nếu điện thoại điều độ cũng bị hỏng, được phép sử dụng điện thoại khác trong ga.
Điều 51. Trường hợp tàu phải lùi về ga gửi, Trực ban chạy tàu ga gửi sau khi đã cùng Trực ban chạy tàu ga bên xác nhận khu gian thanh thoát phải sử dụng nút trở ngại và cùng Trực ban chạy tàu ga bên khôi phục trạng thái bình thường của thiết bị.
Mỗi lần sử dụng nút trở ngại, Trực ban chạy tàu ga phải báo cho Nhân viên điều độ chạy tàu và ghi vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu, Nhật ký chạy tàu, đồng thời báo cho Cung thông tin tín hiệu sở tại để niêm phong lại.
Máy đóng đường sau khi được khôi phục và nút trở ngại đã được niêm phong thì việc chạy tàu được tiếp tục tiến hành theo phương pháp đóng đường nửa tự động.
Chương 4.
CHẠY TÀU VỚI PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG ĐƯỜNG BẰNG MÁY THẺ ĐƯỜNG
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 52. Máy thẻ đường của mỗi khu gian chỉ cho phép mỗi lần lấy ra một thẻ đường. Mỗi thẻ đường đều phải có số ký hiệu của loại hình, số thứ tự và tên khu gian.
Cấm mang thẻ đường của máy khu gian này bỏ vào máy của khu gian khác.
Tuyệt đối cấm dùng máy thẻ đường và thẻ đường có số, ký hiệu loại hình giống nhau trên những khu gian liên tiếp.
Máy thẻ đường cùng số hiệu phải đặt cách nhau ít nhất 3 khu gian.
Khi trong khu gian không có tàu, tổng số thẻ đường trong hai máy của khu gian phải là số chẵn.
Điều 53. Ở ga có quy định cho đầu máy phụ đẩy tàu vào khu gian rồi trở về phải được trang bị thêm máy thẻ đường hình chìa khoá và có quan hệ liên khoá với một máy thẻ đường của khu gian bảo đảm khi chưa lấy thẻ đường ra khỏi máy thẻ đường thì không thể lấy được thẻ đường hình chìa khoá và khi chưa trả thẻ đường hình chìa khoá vào máy thì không thể lấy được thẻ đường khác. Trường hợp chưa có máy thẻ đường hình chìa khoá phải đình chỉ phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường và chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín.
Điều 54. Máy thẻ đường của khu gian có đường nhánh phải có một thẻ đường gắn với chìa khoá ghi để mở, đóng khoá khống chế ghi đường nhánh đó.
Điều 55. Thẻ đường phải do chính Trực ban chạy tàu ga (hoặc phụ Trực ban chạy tàu ga) giao cho Lái tàu trước lúc tàu chạy. Khi tàu đến ga, Lái tàu phải trao lại thẻ đường cho Trực ban chạy tàu ga (hoặc phụ Trực ban chạy tàu ga). Nếu tàu thông qua, dùng cột giao nhận thẻ đường để giao nhận. Việc giao nhận thẻ đường phải dùng vòng thẻ đường.
Điều 56. Khi có thẻ đường trong máy thẻ đường của một ga còn dưới 1/4 tổng số thẻ đường trong 2 máy của khu gian, Trực ban chạy tàu ga đó phải báo ngay cho cung thông tin tín hiệu sở tại biết để điều chỉnh. Khi điều chỉnh thẻ đường Cung trưởng cung thông tin tín hiệu hoặc người được uỷ quyền phải ghi vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu, Trực ban chạy tàu ga sở tại cùng ký tên xác nhận.
Khi vòng thẻ đường tập trung nhiều ở một ga, Trực ban chạy tàu ga này giao số vòng thừa cho Trưởng tàu của tàu đầu tiên (có dừng) đem đến ga thiếu để bổ sung và báo cho Trực ban chạy tàu ga đó biết để đón nhận.
Trưởng tàu nhận chuyển vòng thẻ đường phải ghi sự việc này vào Nhật ký đoàn tàu.
MỤC 2. ĐÓNG ĐƯỜNG CHẠY TÀU GIỮA HAI GA
Điều 57. Trước khi gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu dùng điện thoại xin đường Trực ban chạy tàu ga đón tàu, tuỳ theo trường hợp cụ thể theo một trong những mẫu dưới đây:
Mẫu 1. “Xin đường gửi tàu số ….”.
Mẫu 2. “Xin đường gửi tàu số …. có dừng ở km…. trong ….. giờ …. phút để…..”.về”.
Mẫu 3. “Xin đường gửi tàu số …. đến km….. để …. trong …. giờ…. phút rồi trở
Mẫu 4. “Xin đường gửi tàu số …. có đầu máy phụ đẩy đến km…. và trở về”.
Khi được Trực ban chạy tàu ga đón tàu trả lời đồng ý và phát điện, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu lấy một thẻ đường ra khỏi máy thẻ đường, ghi số hiệu thẻ đường vào Sổ nhật ký chạy tàu và chỉ giao thẻ đường cho Lái tàu sau khi đã kiểm tra và xác nhận công việc chuẩn bị đường gửi tàu đã được thực hiện đầy đủ.
Đối với các tàu chạy theo những điều kiện nói trong mẫu xin đường số 2 và 3 của Điều này thì ngoài việc giao thẻ đường, Trực ban chạy tàu ga, trạm phải cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho Lái tàu, Trưởng tàu ghi rõ địa điểm, thời gian làm việc, thời hạn đến ga bên (hoặc thời hạn trở về đến ga). Riêng mẫu xin đường số 4 còn phải cấp thêm Cảnh báo cho Lái tàu của đầu máy phụ đẩy.
Điều 58. Trực ban chạy tàu ga được phép sử dụng thẻ đường nhận được của một tàu vừa đến mà không cần trả vào máy thẻ đường để cho một tàu ngược chiều chạy vào chính khu gian ấy nếu thời gian giãn cách giữa tàu đến và tàu đi không quá 10 phút (thẻ đường phản hồi) nhưng phải điện báo cho Nhân viên điều độ chạy tàu và được Trực ban chạy tàu ga đón tàu đồng ý trước. Việc xin đường, cho đường phải thực hiện bằng các điện tín theo mẫu sau và phải đăng ký vào Sổ biên bản điện tín chạy tàu (theo mẫu số 14 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) trước khi chuyển:
“Có thể dùng thẻ đường của tàu số ….mang tới để cho tàu số …. chạy được không?” tới”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Nếu không có gì trở ngại, Trực ban chạy tàu ga đón tàu trả lời:
“Đồng ý đón tàu số …. cho phép dùng thẻ đường số …. của tàu số ….. mang tới”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Chỉ được dùng thẻ đường phản hồi một lần.
Cấm giao thẻ đường phản hồi khi:
1. Khu gian có trang bị máy thẻ đường hình chìa khoá;
2. Thẻ đường của tàu vừa đến là loại có gắn chìa khoá ghi đường nhánh;
3. Khi đã đồng ý cho ga bên dồn theo đuôi tàu.
Điều 59. Khi tàu có nhiều đầu máy kéo, giao thẻ đường cho Lái tàu của đầu máy thứ nhất.
Khi tàu có đầu máy phụ đẩy đằng sau chạy suốt khu gian, giao thẻ đường cho Lái tàu của đầu máy chính.
Khi tàu có đầu máy phụ đẩy chạy vào khu gian rồi trở về ga gửi, giao thẻ đường cho Lái tàu của đầu máy chính, giao thẻ đường hình chìa khoá cho Lái tàu của đầu máy phụ đẩy.
Điều 60. Sau khi tàu chạy hay thông qua, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu báo ngay cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Tàu số …. chạy (hay thông qua) lúc …. giờ ….. phút” và báo thêm đặc điểm của tàu (nếu có) như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này.
Điều 61. Sau khi đã giao thẻ đường cho Lái tàu, nếu xét thấy tàu không chạy được trong 20 phút hoặc cần cho tàu khác chạy, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu phải thu thẻ đường trả vào máy thẻ đường, báo cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Tàu số … giữ lại. Thẻ đường số …. đã trả vào máy”.
Sau đó Trực ban chạy tàu hai ga cùng ghi sự việc vào Sổ nhật ký chạy tàu.
Điều 62. Khi nhận được điện thoại xin đường của ga gửi, Trực ban chạy tàu ga đón tàu xác nhận khu gian thanh thoát, dùng điện thoại trả lời cho Trực ban chạy tàu ga gửi tàu như sau:
“Đồng ý đón tàu số … ” và nhắc lại phần cuối của mẫu xin đường thích hợp nói tại Điều 57 của Quy chuẩn này, sau đó phát điện cho phép Trực ban chạy tàu ga gửi tàu lấy thẻ đường ra khỏi máy thẻ đường để gửi tàu.
Điều 63. Nếu không thể đón tàu được, Trực ban chạy tàu ga đón tàu điện như sau:
“Vì … không thể đón tàu số …. được”.
Khi đón tàu được, Trực ban chạy tàu ga đón tàu phải điện ngay cho Trực ban chạy tàu ga gửi tàu theo mẫu: “Đồng ý đón tàu số ….” và phát điện như quy định tại Điều 62 của Quy chuẩn này.
Điều 64. Sau khi xác nhận tàu đã đến nguyên vẹn, thẻ đường đúng với khu gian, Trực ban chạy tàu ga ghi số hiệu thẻ đường vào sổ nhật ký chạy tàu, trả thẻ đường vào máy thẻ đường và báo cho Trực ban chạy tàu ga gửi tàu, Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Tàu số …. đến (hoặc thông qua) lúc …. giờ…. phút”.
Khi tàu ra làm việc ở khu gian trở về, Trực ban chạy tàu ga xác nhận đoàn tàu đã về đến ga nguyên vẹn, thu thẻ đường trả vào máy thẻ đường rồi báo giờ tàu trở về đến ga cho Trực ban chạy tàu ga bên và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Tàu số … đã trở về ga lúc …. giờ …. phút”.
Khi đầu máy phụ đẩy tàu vào khu gian đã trở về, Trực ban chạy tàu ga thu thẻ đường hình chìa khoá trả vào máy thẻ đường và báo giờ đầu máy trở về cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Đầu máy phụ đẩy tàu số…. đã trở về ga lúc …. giờ ….. phút”.
MỤC 3. ĐÓNG ĐƯỜNG CHẠY TÀU GIỮA GA VỚI ĐƯỜNG NHÁNH TRONG KHU GIAN
A. Đường nhánh không có trạm bổ trợ
Điều 65. Khi cần gửi tàu đến đường nhánh trong khu gian không có trạm bổ trợ rồi tiếp tục sang ga bên hoặc trở về ga gửi, Trực ban chạy tàu ga phải xin đường theo mẫu:
“Xin đường gửi tàu số …. đến đường nhánh km …. để …. trong …. giờ ….. phút rồi chạy sang ga ….. (hoặc trở về ga ….)”.
Nếu không có gì trở ngại, Trực ban chạy tàu ga bên tuỳ theo điện xin đường trên mà trả lời theo mẫu:
“Đồng ý đón (hoặc cho) tàu số …. đến đường nhánh km …. để …. trong ….. giờ …. phút rồi tiếp tục đến ga…. (hoặc trở về ga…)”.
Sau đó phát điện cho ga gửi lấy thẻ đường có gắn chìa khoá ghi đường nhánh giao cho Lái tàu để gửi tàu. Ngoài ra, Trực ban chạy tàu ga gửi còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) có ghi rõ địa điểm, thời gian làm việc, thời hạn về đến ga bên (hoặc trở về ga gửi) cùng những biện pháp chạy tàu cần thiết khác.
Điều 66. Khi tàu đến ga bên hoặc trở về ga gửi, sau khi đã kiểm tra thẻ đường và xác nhận khu gian thanh thoát, Trực ban chạy tàu ga đón tàu phải báo cho ga bên và Nhân viên điều độ chạy tàu theo mẫu:
“Tàu số … làm việc ở đường nhánh km….. đã đến ga … (hoặc trở về ga ….) lúc ….. giờ …. phút”.
B. Đường nhánh có trạm bổ trợ
Điều 67. Khi đường nhánh trong khu gian đặt trạm bổ trợ có người quản lý (trạm C) để khai thác đường nhánh, trạm này phải được trang bị máy thẻ đường bổ trợ. Máy thẻ đường cơ bản của khu gian và máy thẻ đường bổ trợ phải cùng một loại, trên thẻ đường của máy bổ trợ có khắc tên hai ga đầu khu gian.
Trạm C chỉ tham gia làm thủ tục chạy tàu khi có tàu chạy đến đường nhánh hoặc từ đường nhánh chạy đến ga.
Hình 1
Sơ đồ đường nhánh trong khu gian có đặt trạm bổ trợ có người quản lý
Khi khu gian không có tàu, tổng số thẻ đường trong hai máy cơ bản của khu gian phải là số chẵn, tổng số thẻ đường trong hai máy bổ trợ của ga A và trạm C phải là số lẻ.
Các thẻ đường của máy bổ trợ và một số thẻ đường của máy cơ bản đặt ở ga B phải gắn chìa khoá mở ghi đường nhánh nối vào đường chính.
Điều 68. Khi cần gửi tàu từ ga A đến đường nhánh có trạm C, Trực ban chạy tàu ga A sau khi hỏi ý kiến Nhân viên điều độ chạy tàu và Trực ban chạy tàu trạm C, phải xin đường Trực ban chạy tàu ga B theo mẫu điện tín sau:
“Xin đường gửi tàu số …. đến trạm đường nhánh …. có dừng ở km …. Trong …. giờ…. phút để …..”.
Nếu không có gì trở ngại, Trực ban chạy tàu ga B trả lời:
“Đồng ý cho tàu số …. đến trạm đường nhánh … có dừng ở km … trong … giờ …. phút để ….” rồi phát điện cho Trực ban chạy tàu ga A lấy thẻ đường ở máy cơ bản, bỏ vào máy thẻ đường bổ trợ. Sau đó Trực ban chạy tàu ga A xin đường Trực ban chạy tàu trạm C theo mẫu điện tín trên. Trực ban chạy tàu trạm C trả lời: “Đồng ý đón tàu số …. đến trạm đường nhánh …. có dừng ở km …. trong …. giờ …. phút để ….” rồi phát điện cho Trực ban chạy tàu ga A lấy thẻ đường từ máy thẻ đường bổ trợ để gửi tàu. Ngoài việc giao thẻ đường, Trực ban chạy tàu ga A còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi theo mẫu:
“Đỗ trước ghi đường nhánh ở km … để chờ lệnh của Trực ban chạy tàu trạm” và những biện pháp chạy tàu cần thiết khác.
Trường hợp tàu chạy từ ga A đến trạm C không dừng ở dọc đường thì mẫu điện tín trên bỏ đoạn: “Có dừng ở km …. trong …. giờ …. phút để ….”.
Sau khi tàu chạy, Trực ban chạy tàu ga A báo giờ tàu chạy cho Trực ban chạy tàu trạm C, Trực ban chạy tàu ga B và Nhân viên điều độ chạy tàu như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này.
Điều 69. Khi muốn gửi tàu từ ga B đến đường nhánh có trạm C, Trực ban chạy tàu ga B xin đường Trực ban chạy tàu ga A theo mẫu quy định tại Điều 68 của Quy chuẩn này. Trực ban chạy tàu ga A sau khi hỏi ý kiến Nhân viên điều độ chạy tàu và được sự đồng ý của Trực ban chạy tàu trạm C, phát điện cho Trực ban chạy tàu ga B lấy thẻ đường có gắn chìa khoá ghi đường nhánh để gửi tàu. Ngoài việc giao thẻ đường, Trực ban chạy tàu ga B còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) như quy định tại Điều 68 của Quy chuẩn này.
Sau khi tàu chạy, Trực ban chạy tàu ga B báo giờ tàu chạy cho Trực ban chạy tàu ga A và Nhân viên điều độ chạy tàu như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này . Trực ban chạy tàu ga A báo lại cho Trực ban chạy tàu trạm C.
Điều 70. Khi tàu đã dừng hẳn trước ghi đường nhánh, Trực ban chạy tàu trạm C thu và kiểm tra thẻ đường, mở khoá khai thông ghi đường nhánh và dẫn tàu vào đường nhánh. Sau khi xác nhận tàu vào lọt mốc tránh va chạm và nguyên vẹn, Trực ban chạy tàu trạm C khai thông ghi đường nhánh nối với đường chính về định vị, khoá ghi, trả thẻ đường vào máy thẻ đường bổ trợ, rồi báo giờ tàu đến cho Trực ban chạy tàu ga A theo mẫu:
“Tàu số…. đã vào đường nhánh …. nguyên vẹn ….. lúc …. giờ …. phút. Ghi đường nhánh nối với với đường chính đã khoá định vị, khu gian thanh thoát”. Sau đó Trực ban chạy tàu trạm C phát điện cho Trực ban chạy tàu ga A lấy thẻ đường trong máy thẻ đường bổ trợ trả vào máy thẻ đường cơ bản. Trực ban chạy tàu ga A báo cho Trực ban chạy tàu ga B và Nhân viên điều độ chạy tàu theo mẫu:
“Tàu số … đã vào đường nhánh …. nguyên vẹn lúc …. giờ ….. phút. Ghi đường nhánh nối với đường chính đã khoá định vị, khu gian thanh thoát”.
Điều 71. Khi cần gửi tàu từ trạm C đến ga A hoặc ga B, Trực ban chạy tàu trạm C phải xin đường với Trực ban chạy tàu ga A theo mẫu điện tín sau:
“Xin đường gửi tàu số …. đến ga …. (A hoặc B) có dừng ở km … trong … giờ … phút để ….”.
Trực ban chạy tàu ga A sau khi được Nhân viên điều độ chạy tàu đồng ý, xin đường với Trực ban chạy tàu ga B theo mẫu sau:
“Xin đường cho tàu số … chạy từ trạm đường nhánh …. đến ga …. (A hoặc B) có dừng ở km … trong …. giờ ….. phút để…”.
Nếu không có gì trở ngại, Trực ban chạy tàu ga B trả lời: “Đồng ý cho tàu số …. chạy từ trạm đường nhánh …. đến ga …. (A hoặc B) có dừng ở km …. trong ….. giờ ….. phút để….” rồi phát điện cho Trực ban chạy tàu ga A lấy thẻ đường ở máy thẻ đường cơ bản cho vào máy thẻ đường bổ trợ. Sau đó, Trực ban chạy tàu ga A trả lời cho Trực ban chạy tàu trạm C như sau:
” Trực ban chạy tàu hai ga …. (A và B) đồng ý cho tàu số …. chạy từ đường nhánh …. đến ga ….. (A hoặc B) có dừng ở km …. trong …. giờ….. phút để ….”, rồi phát điện cho Trực ban chạy tàu trạm C lấy thẻ đường có gắn chìa khoá ghi đường nhánh ra quay ghi đường nhánh sang phản vị để chuẩn bị gửi tàu.
Trường hợp tàu chạy từ trạm C đến ga (A hoặc B) không dừng ở dọc đường thì mẫu điện tín trên bỏ đoạn: “Có dừng ở km …. trong …. giờ …. phút để ….”.
Sau khi dẫn tàu qua khỏi ghi đường nhánh, Trực ban chạy tàu trạm C bắt tàu dừng lại, quay ghi đường nhánh về định vị chính tuyến thông, khoá ghi và lấy thẻ đường ra giao cho Lái tàu cùng Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này – nếu có) rồi làm thủ tục gửi tàu. Sau khi tàu chạy, Trực ban chạy tàu trạm C báo cho Trực ban chạy tàu ga A theo mẫu:
“Tàu số …. chạy lúc …. giờ …. phút” và đặc điểm của tàu (nếu có) như quy định tại Điều 10 của Quy chuẩn này.
Trực ban chạy tàu ga A báo giờ tàu chạy cho Trực ban chạy tàu ga B và Nhân viên điều độ chạy tàu theo mẫu trên.
Điều 72. Sau khi đã giao thẻ đường cho Lái tàu, nếu xét thấy tàu không chạy được trong 20 phút hoặc có lệnh giữ tàu lại trong đường nhánh thì Trực ban chạy tàu trạm C phải thu lại ngay thẻ đường, cho tàu lùi vào trong mốc tránh va chạm của đường nhánh và quay ghi đường nhánh về định vị chính tuyến thông. Sau khi trả thẻ đường vào máy thẻ đường bổ trợ, Trực ban chạy tàu trạm C phải báo ngay bằng điện tín cho Trực ban chạy tàu ga A theo mẫu:
“Tàu số …. đã giữ lại trong đường nhánh, ghi đã khoá theo định vị, thẻ đường số … đã trả vào máy, khu gian thanh thoát”.
Sau đó Trực ban chạy tàu trạm C phát điện cho Trực ban chạy tàu ga A lấy thẻ đường ở máy thẻ đường bổ trợ cho vào máy thẻ đường cơ bản. Trực ban chạy tàu ga A chuyển điện tín trên cho Trực ban chạy tàu ga B và Nhân viên điều độ chạy tàu.
MỤC 4. CHẠY TÀU KHI THIẾT BỊ ĐÓNG ĐƯỜNG BẰNG MÁY THẺ ĐƯỜNG BỊ HỎNG
Điều 73. Trong những trường hợp sau đây, coi như máy thẻ đường bị hỏng:
1. Không thể cho thẻ đường vào máy thẻ đường hoặc lấy thẻ đường từ máy thẻ đường ra được;
2. Thẻ đường bị hư hỏng hoặc mất hay thẻ đường của khu gian này đem nhầm sang khu gian khác;
3. Máy thẻ đường hoặc máy phát điện không có niêm phong;
4. Tay quay máy phát điện có thể quay trái chiều được;
5. Ga bên cạnh chưa cấp dòng điện mà chuông của máy thẻ đường đã kêu hoặc kim đồng hồ dòng điện trên máy nằm lệch một bên.
Điều 74. Trong các trường hợp nói tại Điều 73 của Quy chuẩn này cũng như khi sửa chữa, cải tạo, di chuyển, thay thế thiết bị, kiến trúc đường sắt và những công việc khác gây gián đoạn tạm thời hoạt động của máy thẻ đường hoặc khi máy thẻ đường không thích hợp với biện pháp chạy tàu, phải đình chỉ phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường. Trực ban chạy tàu ga phải báo ngay cho Nhân viên điều độ chạy tàu Nhân viên điều độ chạy tàu, yêu cầu chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín và trong các trường hợp máy thẻ đường bị hỏng, còn phải báo ngay cho cung thông tin tín hiệu sở tại biết.
Khi chuyển phương pháp đóng đường chạy tàu cũng như khi phục hồi, Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian phải ghi sự việc vào Sổ nhật ký chạy tàu.
Trong những trường hợp dưới đây, không phải đình chỉ sử dụng phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường:
1. Khi điều chỉnh thẻ đường (Điều 56 của Quy chuẩn này);
2. Khi kiểm tra máy thẻ đường;
3. Khi điện thoại của máy thẻ đường bị hỏng nhưng máy thẻ đường vẫn dùng được. Trường hợp này dùng điện thoại điều độ, nếu điện thoại điều độ cũng không thông, dùng điện thoại của ga để sử dụng phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường.
Khi kiểm tra, điều chỉnh máy hoặc thẻ đường, Cung trưởng Cung thông tin tín hiệu phải ghi vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu ở ga và được sự đồng ý của Trực ban chạy tàu ga mới được tiến hành.
Điều 75. Khi điện thoại giữa hai ga với Nhân viên điều độ chạy tàu không thông, việc đổi phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường sang phương pháp đóng đường bằng điện tín hoặc phục hồi phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường do Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian tiến hành theo thủ tục dưới đây:
Trực ban chạy tàu ga A (ga không sử dụng được máy thẻ đường) điện Trực ban chạy tàu ga B như sau:
“Vì… (nguyên nhân cụ thể), tàu cuối cùng nhận của ga B là tàu số…, tàu cuối cùng gửi sang ga B là tàu số …, số lượng thẻ đường hiện có ở ga A là … cái. Yêu cầu chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín từ … giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu của ga B phải căn cứ vào điện tín nhận được, nhật ký chạy tàu, kiểm tra số lượng thẻ đường hiện có ở ga mình, tổng số thẻ đường hiện có ở 2 máy của 2 ga để:
1. Xác định khu gian thanh thoát;
2. Đúng với trường hợp phải đình chỉ phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường.
Sau đó dùng điện tín trả lời cho Trực ban chạy tàu ga A theo mẫu:
“Tàu cuối cùng nhận của ga A là tàu số…, tàu cuối cùng gửi sang ga A là tàu số…, số lượng thẻ đường hiện có ở ga B là … cái, khu gian thanh thoát. Đồng ý chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín từ … giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Khi máy thẻ đường hoạt động tốt, Trực ban chạy tàu ga A căn cứ vào biên bản điện tín chạy tàu và nhật ký chạy tàu, xác nhận khu gian thanh thoát và điện cho Trực ban chạy tàu ga B theo mẫu:
“Máy thẻ đường hoạt động tốt lúc … giờ … phút. Tàu cuối cùng nhận của ga B là tàu số …, tàu cuối cùng gửi sang ga B là tàu số … Yêu cầu phục hồi phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu ga B cũng theo biện pháp như trên, xác nhận khu gian thanh thoát và trả lời cho Trực ban chạy tàu ga A:
“Tàu cuối cùng nhận của ga A là tàu số…, tàu cuối cùng gửi sang ga A là tàu số…, khu gian thanh thoát. Đồng ý phục hồi phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường từ … giờ … phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Điều 76. Trường hợp thẻ đường bị mất, bị hỏng hoặc mang nhầm qua khu gian khác, Trực ban chạy tàu ga phải báo ngay cho Trực ban chạy tàu ga bên, Nhân viên điều độ chạy tàu biết và yêu cầu Cung trưởng Cung thông tin tín hiệu đến điều chỉnh.
Cung trưởng Cung thông tin tín hiệu phải đến điều chỉnh ngay.
Khi máy thẻ đường đã điều chỉnh xong, Trực ban chạy tàu ga có trở ngại này phải báo cho Trực ban chạy tàu ga bên và Nhân viên điều độ chạy tàu biết.
Thẻ đường bị hỏng và thẻ đường đã lấy ra phải do Cung trưởng Cung thông tin tín hiệu bảo quản.
Trường hợp thẻ đường bị mất đã tìm lại được, Trực ban chạy tàu ga phải báo cho Nhân viên điều độ chạy tàu và Cung trưởng Cung thông tin tín hiệu biết. Thẻ đường tìm lại được phải do ga niêm phong và Trưởng ga cất giữ cho đến khi giao lại cho Cung trưởng Cung thông tin tín hiệu để xử lý.
Trường hợp thẻ đường bị mang nhầm qua khu gian khác thì phải giao cho Trực ban chạy tàu ga gần nhất. Trực ban chạy tàu ga này báo cho Cung trưởng Cung thông tin tín hiệu sở tại đến niêm phong và xử lý.
Chương 5.
CHẠY TÀU VỚI PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG ĐƯỜNG BẰNG ĐIỆN TÍN
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 77. Phiếu đường (theo mẫu số theo mẫu số 2A hoặc 2B tại Phụ bản của Quy chuẩn này) là chứng vật chạy tàu do Trực ban chạy tàu ga cấp cho Lái tàu sau khi đã căn cứ vào điện tín để xác nhận khu gian thanh thoát và nhận được điện tín đồng ý cho gửi tàu của Trực ban chạy tàu ga bên. Phiếu đường phải do Trực ban chạy tàu ga viết, kiểm tra xác nhận đúng nội dung điện tín cho gửi tàu của Trực ban chạy tàu ga bên, rồi ký tên đóng dấu và chỉ giao cho Lái tàu sau khi đã kiểm tra và xác nhận công việc chuẩn bị đường gửi tàu đã được thực hiện đầy đủ.
Điều 78. Những điện tín có liên quan đến đóng đường, Trực ban chạy tàu hai ga phải trao đổi bằng điện thoại đóng đường hay điện thoại điều độ chạy tàu. Trường hợp điện thoại đóng đường, điện thoại điều độ không thông, được dùng điện thoại khác trong ga nhưng Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian phải trực tiếp trao đổi điện tín và xác định đúng tiếng nói và tên của nhau.
Điều 79. Phiếu đường chia làm hai loại như sau:
1. Loại dùng cho tàu số lẻ chạy: màu trắng (mẫu số 2A);
2. Loại dùng cho tàu số chẵn chạy: màu xanh lục (mẫu số 2B).
Điều 80. Cấm:
1. Xin đường gửi tàu trong khi khu gian còn đang có tàu chiếm dụng;
2. Viết sẵn Phiếu đường trước khi nhận được điện tín đồng ý đón tàu của Trực ban chạy tàu ga bên;
3. Chuyển điện tín trước khi ghi nội dung vào sổ biên bản điện tín chạy tàu hoặc trước khi Trực ban chạy tàu ga ký tên.
Điều 81. Phiếu đường do Trực ban chạy tàu ga (hoặc phụ Trực ban chạy tàu ga) giao trực tiếp cho Lái tàu trước khi gửi tàu. Khi tàu đến ga, Lái tàu phải trao lại Phiếu đường cho Trực ban chạy tàu ga (hoặc phụ Trực ban chạy tàu ga).
Nếu tàu thông qua ga, việc giao nhận Phiếu đường thực hiện bằng cột giao nhận thẻ đường thì dùng vòng thẻ đường để giao nhận Phiếu đường.
Điều 82. Khi có nhiều đầu máy kéo, giao Phiếu đường cho Lái tàu của đầu máy thứ nhất.
Khi có đầu máy phụ đẩy chạy suốt khu gian, giao Phiếu đường cho Lái tàu của đầu máy chính.
Khi có đầu máy phụ đẩy chạy vào khu gian rồi trở về, giao Phiếu đường cho Lái tàu của đầu máy chính, giao bản sao Phiếu đường cho Lái tàu của đầu máy phụ đẩy.
MỤC 2. ĐĂNG KÝ ĐIỆN TÍN CHẠY TÀU
Điều 83. Mỗi ga phải có Sổ biên bản điện tín chạy tàu (theo mẫu số 15 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) dành riêng cho mỗi khu gian.
Những điện tín gửi và nhận, phải đăng ký vào Sổ biên bản điện tín chạy tàu liên tiếp nhau và đánh số thứ tự từ 1 kể từ 0 giờ mỗi ngày.
Không được tẩy xoá những điều đã ghi trong sổ biên bản điện tín chạy tàu, nếu có chữ viết nhầm thì trước khi phát đi có thể sửa nhưng vẫn phải đọc được chữ cũ và phải có dấu và chữ ký xác nhận của Trực ban chạy tàu ga.
Điều 84. Mỗi khi nhận ban, Trực ban chạy tàu ga phải viết họ tên và ký vào sổ biên bản điện tín chạy tàu, sau đó báo cho Trực ban chạy tàu các ga, trạm tiếp giáp biết họ tên, chức danh để cùng ghi vào Sổ biên bản điện tín chạy tàu ở các ga, trạm đó.
Điều 85. Trước khi chuyển bằng điện thoại một điện tín chạy tàu, Trực ban chạy tàu của hai ga phải xưng họ tên và chức danh cho nhau biết, xác nhận đúng tiếng nói và tên của nhau như lúc nhận ban rồi mới được tiến hành chuyển nhận điện tín.
Điện tín chuyển xong, người nhận phải đọc từng chữ cho bên chuyển điện tín nghe. Sau khi nhận thấy hoàn toàn đúng, người chuyển điện tín trả lời: đúng và báosố điện tín gửi, người nhận điện tín báo số nhận rồi hai bên ghi giờ chuyển, giờ nhận và tên vào Sổ biên bản điện tín chạy tàu. Ở ga có phụ Trực ban chạy tàu ga thì phụ Trực ban chạy tàu ga không được phép gửi và nhận điện tín chạy tàu.
MỤC 3. ĐÓNG ĐƯỜNG CHẠY TÀU GIỮA HAI GA
Điều 86. Trước khi gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu chuyển điện tín xin đường cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu theo một trong những mẫu sau:
Mẫu 1. “Xin đường gửi tàu số….”
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Mẫu 2. “Xin đường gửi tàu số …. có dừng ở km…. trong ……giờ …. phút để ……”. Trực ban chạy tàu ga ký tên
Mẫu 3. “Xin đường gửi tàu số ….. đến km …. để ….. trong ….. giờ ….. phút rồi trở về ga”. ga”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Mẫu 4. “Xin đường gửi tàu số ….. có đầu máy phụ đẩy đến km …. rồi trở về ga
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Sau khi được Trực ban chạy tàu ga đón tàu trả lời đồng ý, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu viết Phiếu đường (theo mẫu số 2A hoặc 2B tại Phụ bản của Quy chuẩn này) giao cho Lái tàu.
Đối với các tàu chạy theo những điều kiện nói trong mẫu xin đường số 2 và 3 của Điều này, ngoài việc giao Phiếu đường, Trực ban chạy tàu ga phải cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho Lái tàu, Trưởng tàu ghi rõ biện pháp chạy tàu. Riêng mẫu xin đường số 4 còn phải cấp thêm Cảnh báo cho Lái tàu của đầu máy phụ đẩy.
Điều 87. Sau khi tàu chạy hay thông qua, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu báo ngay cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Tàu số …. chạy (hay thông qua) lúc …. giờ …. phút” và báo thêm đặc điểm của tàu (nếu có) như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này. Trực ban chạy tàu ga ký tên
Điều 88. Khi đã giao Phiếu đường cho Lái tàu, nếu xét thấy tàu không chạy được trong 20 phút hoặc cần cho tàu khác chạy, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu phải thu lại ngay Phiếu đường và điện cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Tàu số … giữ lại. Phiếu đường số …. đã hủy bỏ. Yêu cầu hủy bỏ điện tín xin đường số …. và điện tín cho đường số ….”.
Sau đó Trực ban chạy tàu hai ga cùng ghi sự việc vào Sổ nhật ký chạy tàu.
Điều 89. Khi nhận được điện tín xin đường của ga gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga đón tàu xác nhận khu gian thanh thoát và tùy theo nội dung điện tín xin đường, trả lời cho Trực ban chạy tàu ga gửi tàu theo một trong những mẫu điện tín sau:
Mẫu 1. “Đồng ý đón tàu số ….”
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Mẫu 2. “Đồng ý đón tàu số … có dừng ở km …. trong …. giờ …. phút để ….”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Mẫu 3. “Đồng ý cho tàu số …. đến km ….. để…. trong …giờ …. phút rồi trở về”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Mẫu 4. “Đồng ý đón tàu số …. có đầu máy phụ đẩy đến km …. rồi trở về …..”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Điều 90. Trường hợp tàu tránh nhau, khi xin đường cho tàu ngược chiều phải chạy ngay, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu kết hợp báo giờ tàu đến và xin đường Trực ban chạy tàu ga đón tàu bằng một điện tín chung như sau:
“Tàu số …. đến ga … lúc …. giờ …. phút, có thể cho tàu số …. chạy được không?” (thêm phần cuối các mẫu xin đường nói tại Điều 86 của Quy chuẩn này nếu có).
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Điều 91. Nếu không thể đón tàu được, Trực ban chạy tàu ga đón tàu phải điện như sau.
“Vì … không thể đón tàu số … được”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Điều 92. Sau khi thu Phiếu đường và xác nhận tàu đến ga nguyên vẹn, Trực ban chạy tàu ga đón tàu điện cho Trực ban chạy tàu ga gửi tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Tàu số …. đến (hoặc thông qua) lúc ….giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Khi tàu vào làm việc trong khu gian trở về, Trực ban chạy tàu ga xác nhận đoàn tàu về đến ga nguyên vẹn, thu Phiếu đường rồi điện cho Trực ban chạy tàu ga bên và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Tàu số …. đã trở về lúc … giờ … phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Khi đầu máy phụ đẩy tàu trở về, Trực ban chạy tàu ga thu bản sao Phiếu đường, rồi điện cho Trực ban chạy tàu ga đón tàu và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Đầu máy phụ đẩy tàu số … đã trở về ga lúc …. giờ … phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
MỤC 4. ĐÓNG ĐƯỜNG CHẠY TÀU GIỮA GA VỚI ĐƯỜNG NHÁNH TRONG KHU GIAN
A. Đường nhánh không có trạm bổ trợ
Điều 93. Ghi của đường nhánh không có trạm bổ trợ nối với đường chính trong khu gian, ngoài việc bố trí liên khoá với thiết bị đóng đường cơ bản còn phải có chìa khoá ghi dự trữ đặt tại hai ga do Trực ban chạy tàu ga bảo quản. Chìa khoá dự trữ phải đặt trong hộp và do Cung thông tin tín hiệu sở tại niêm phong. Mỗi lần phá niêm phong để lấy chìa khoá ra sử dụng, Trực ban chạy tàu ga phải ghi sự việc vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu, ký tên xác nhận. Sau khi dùng xong phải báo cho Cung thông tin tín hiệu đến niêm phong lại.
Khi cần gửi tàu đến đường nhánh trong khu gian không có trạm bổ trợ, rồi tiếp tục sang ga bên hoặc trở về ga gửi, Trực ban chạy tàu ga phải xin đường bằng điện tín theo mẫu:
“Xin đường gửi tàu số …. đến đường nhánh km …. để …. trong …. giờ …. phút rồi chạy sang ga …. (hoặc trở về ga ….)”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Nếu không có gì trở ngại, Trực ban chạy tàu ga bên tuỳ theo điện tín xin đường mà trả lời bằng điện tín theo mẫu:
“Đồng ý đón (hoặc cho) tàu số …. đến đường nhánh km …. để …. trong …. giờ …. phút rồi tiếp tục đến ga …. (hoặc trở về ga ….)”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Sau khi nhận được điện tín đồng ý cho đường của Trực ban chạy tàu ga bên, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu viết Phiếu đường (theo mẫu số 2A hoặc 2B tại Phụ bản của Quy chuẩn này) giao cho Lái tàu để gửi tàu, giao cho Trưởng tàu chìa khoá dự trữ của ghi đường nhánh. Việc giao chìa khoá ghi phải ghi vào Sổ nhật ký chạy tàu, có chữ ký xác nhận của Trưởng tàu. Ngoài ra, Trực ban chạy tàu ga còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ địa điểm, thời gian làm việc, thời gian đến ga bên (hoặc trở về ga gửi) cùng những biện pháp chạy tàu cần thiết khác.
Trưởng tàu có trách nhiệm điều khiển công tác dồn tại đường nhánh và bảo quản chìa khoá ghi cho tới khi giao trả lại cho Trực ban chạy tàu ga . Trực ban chạy tàu ga phải ký xác nhận vào Sổ nhật ký chạy tàu trước sự chứng kiến của Trưởng tàu.
Điều 94. Khi tàu đến ga bên hoặc trở về ga gửi, sau khi đã kiểm tra phiếu đường, thu chìa khoá ghi và xác nhận khu gian thanh thoát, Trực ban chạy tàu ga đón tàu phải báo cho ga bên và Nhân viên điều độ chạy tàu bằng điện tín theo mẫu sau:
“Tàu số …. làm việc ở đường nhánh km …. đã đến ga …. (hoặc trở về ga …..) lúc …. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Việc giao trả chìa khoá ghi phải được ghi vào sổ giao nhận của Trưởng tàu, có chữ ký xác nhận của Trực ban chạy tàu ga. Trường hợp tàu làm việc ở đường nhánh rồi tiếp tục chạy sang ga bên, Trực ban chạy tàu ga này, sau khi làm thủ tục nhận chìa khoá ghi như nói ở trên, phải bảo quản và gửi trả ga gửi tàu bằng tàu đầu tiên có dừng ở ga đó, Trưởng tàu của tàu này có trách nhiệm mang đến giao cho Trực ban chạy tàu ga bên. Việc giao, nhận chìa khoá ghi phải ghi vào Sổ nhật ký chạy tàu và có chữ ký xác nhận của Trưởng tàu.
Trực ban chạy tàu ga gửi chìa khóa ghi bằng tàu nào phải báo cho Trực ban chạy tàu ga bên biết để đón nhận.
B. Đường nhánh có trạm bổ trợ
Điều 95. Khi đường nhánh trong khu gian có đặt trạm bổ trợ có người quản lý (trạm C) để khai thác đường nhánh, trạm này phải có điện thoại liên hệ trực tiếp với ga A đầu khu gian và áp dụng phương pháp đóng đường bằng điện tín khi phương pháp đóng đường cơ bản bị hỏng hoặc đình chỉ sử dụng.
Trạm C chỉ tham gia làm thủ tục chạy tàu khi có tàu đến đường nhánh hoặc từ trạm đường nhánh chạy đến ga.
Hình 2
Sơ đồ đường nhánh trong khu gian có đặt trạm bổ trợ có người quản lý
Ghi của đường nhánh nối vào đường chính trong khu gian ngoài việc bố trí quan hệ liên khoá với thiết bị đóng đường cơ bản, trạm C còn có chìa khoá dự trữ để trong hộp do Cung thông tin tín hiệu sở tại niêm phong. Mỗi lần phá niêm phong để lấy chìa khoá sử dụng, Trực ban chạy tàu trạm phải ghi sự việc vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu, ký tên xác nhận. Sau khi dùng xong phải báo cho Cung thông tin tín hiệu đến niêm phong lại.
Điều 96. Khi cần gửi tàu từ ga A (hoặc ga B) đến đường nhánh có trạm C, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu (ga A hoặc ga B) gửi điện tín xin đường với Trực ban chạy tàu ga bên (ga B hoặc ga A) đồng điện cho Trực ban chạy tàu trạm C (do Trực ban chạy tàu ga A chuyển cho Trực ban chạy tàu trạm C) theo mẫu:
“Xin đường gửi tàu số …. đến trạm trường nhánh …. có dừng ở km …. trong …. giờ …. phút để …..”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Nếu không có gì trở ngại, Trực ban chạy tàu ga bên (B hoặc A) trả lời bằng điện tín cho Trực ban chạy tàu ga xin đường, đồng điện cho Trực ban chạy tàu trạm C (do Trực ban chạy tàu ga A chuyển cho Trực ban chạy tàu trạm C) theo mẫu:
“Đồng ý cho tàu số …. đến trạm đường nhánh … có dừng ở km …. trong …. giờ …. phút để ….”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Nếu không có gì trở ngại, Trực ban chạy tàu trạm C trả lời bằng điện tín cho Trực ban chạy tàu ga xin đường (qua Trực ban chạy tàu ga A) như sau:
“Đồng ý đón tàu số …. đến trạm đường nhánh …. có dừng ở km … trong … giờ … phút để ….”.
Trực ban chạy tàu trạm ký tên
Nếu trường hợp tàu từ ga A (hoặc B) đến trạm đường nhánh có trạm bổ trợ C không dừng ở dọc đường thì mẫu điện tín trên bỏ đoạn: “có dừng ở km … trong …. giờ …. phút để ….”.
Trực ban chạy tàu ga gửi tàu viết Phiếu đường (theo mẫu số 2A hoặc 2B tại Phụ bản của Quy chuẩn này) như nội dung điện tín cho đường của Trực ban chạy tàu trạm C. Ngoài việc giao Phiếu đường cho Lái tàu, Trực ban chạy tàu ga gửi còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi theo mẫu:
“Đỗ trước ghi đường nhánh ở km …. để chờ lệnh của trạm” và những biện pháp chạy tàu cần thiết khác.
Sau khi tàu chạy, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu phải báo giờ tàu chạy cho Trực ban chạy tàu ga bên, Trực ban chạy tàu trạm C (qua Trực ban chạy tàu ga A) và Nhân viên điều độ chạy tàu như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này.
Điều 97. Khi tàu đã dừng hẳn trước ghi đường nhánh, Trực ban chạy tàu trạm C thu, kiểm tra Phiếu đường sau đó phá niêm phong lấy chìa khoá ghi đường nhánh trong hộp quy định để mở khoá quay ghi khai thông vào đường nhánh và dẫn tàu vào đường nhánh.
Sau khi xác nhận tàu đã vào đường nhánh nguyên vẹn, Trực ban chạy tàu trạm C quay ghi đường nhánh nối với đường chính về định vị khoá lại chính tuyến thông, lấy chìa khoá ghi trả vào hộp quy định, báo Cung thông tin tín hiệu niêm phong lại và báo giờ tàu đến bằng điện tín cho Trực ban chạy tàu ga A theo mẫu:
“Tàu số …. đã vào đường nhánh ….. nguyên vẹn lúc …. giờ …. phút, ghi đường nhánh nối với đường chính đã khoá theo định vị, khu gian thanh thoát”.
Trực ban chạy tàu trạm ký tên
Cấm Trực ban chạy tàu trạm C tự mình hoặc ra lệnh khai thông ghi đường nhánh nối với đường chính sang phản vị trước khi tàu đến và chưa dừng hẳn trước ghi đường nhánh.
Điều 98. Khi cần gửi tàu từ trạm C đến ga A hoặc ga B, Trực ban chạy tàu trạm C phải gửi điện tín xin đường với Trực ban chạy tàu ga A theo mẫu:
“Xin đường gửi tàu số …. đến ga … (A hoặc B) có dừng ở km …. trong….. giờ ….. phút để ….”.
Trực ban chạy tàu trạm ký tên
Nhận được điện tín này, Trực ban chạy tàu ga A sau khi được Nhân viên điều độ chạy tàu đồng ý thì xin đường với Trực ban chạy tàu ga B bằng điện tín theo mẫu:
“Xin đường cho tàu số …..từ trạm đường nhánh …. đến ga ….. (A hoặc B) có dừng ở km …. trong ….. giờ ….. phút để ….”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Nếu không có gì trở ngại, Trực ban chạy tàu ga B trả lời bằng điện tín theo mẫu:
“Đồng ý cho tàu số ….. chạy từ trạm đường nhánh ….. đến ga …. (A hoặc B) có dừng ở km …. trong ….. giờ….. phút để ….”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu ga A trả lời bằng điện tín cho Trực ban chạy tàu trạm C theo mẫu:
“Hai ga …. (A và B) đồng ý cho tàu số ….. chạy từ trạm đường nhánh …. đến ga …. (A hoặc B) có dừng ở km …. trong ….. giờ ….. phút để ….”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Nếu trường hợp tàu chạy từ trạm C đến ga A hoặc B không dừng ở dọc đường thì mẫu điện tín xin đường, cho đường trên bỏ đoạn: “có dừng ở km …. trong …. giờ phút để …..”.
Trực ban chạy tàu trạm C viết nội dung điện tín cho đường trên đây vào Phiếu đường (theo mẫu số 2A hoặc 2B tại Phụ bản của Quy chuẩn này) và phá niêm phong lấy chìa khoá ghi đường nhánh trong hộp quy định để khai thông ghi đường nhánh sang phản vị và gửi tàu. Ngoài việc giao Phiếu đường cho Lái tàu, Trực ban chạy tàu trạm C còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) với các biện pháp chạy tàu cần thiết khác.
Sau khi tàu chạy, Trực ban chạy tàu trạm C phải khai thông ghi đường nhánh và khoá ghi ở định vị chính tuyến thông, lấy chìa khoá ghi dự trữ trả vào hộp quy định, báo cho cung thông tin tín hiệu niêm phong lại và báo giờ tàu chạy bằng điện tín cho Trực ban chạy tàu ga A theo mẫu:
“Tàu số …. chạy lúc …..giờ ….. phút, ghi đã khoá theo định vị, chính tuyến thông, chìa khoá ghi đã bỏ vào hộp quy định” và đặc điểm của tàu (nếu có) như quy định tại Điều 9 của Quy chuẩn này.
Trực ban chạy tàu trạm ký tên
Khi nhận được điện tín báo giờ tàu chạy của trạm C, Trực ban chạy tàu ga A chuyển điện tín trên cho Trực ban chạy tàu ga B và Nhân viên điều độ chạy tàu.
Sau khi xác nhận tàu đến ga nguyên vẹn, Trực ban chạy tàu ga đón tàu phải báo giờ tàu đến bằng điện tín cho Trực ban chạy tàu ga bên và Nhân viên điều độ chạy tàu theo mẫu:
“Tàu số …. đến lúc …. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Điều 99. Sau khi đã giao Phiếu đường cho Lái tàu nếu xét thấy tàu không chạy được trong 20 phút hoặc có lệnh giữ tàu lại trong đường nhánh, Trực ban chạy tàu trạm C phải thu lại ngay Phiếu đường, quay ghi về định vị, lấy chìa khóa ghi trả vào hộp quy định, báo cho Cung thông tin tín hiệu niêm phong lại sau đó dùng điện tín báo cho Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian và Nhân viên điều độ chạy tàu như sau:
“Tàu số …. giữ lại trong đường nhánh, phiếu đường số …. đã hủy bỏ, yêu cầu bãi bỏ điện tín xin đường số …., ghi đã khoá định vị, chính tuyến thông, chìa khoá ghi đã trả vào hộp quy định, khu gian thanh thoát”.
Trực ban chạy tàu trạm ký
Sau khi nhận được tín trên, Trực ban chạy tàu ga A chuyển điện tín của Trực ban chạy tàu trạm C cho Trực ban chạy tàu ga B và Nhân viên điều độ chạy tàu.
Chương 6.
CHẠY TÀU VỚI PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG ĐƯỜNG BẰNG THÔNG TRI MỤC 1
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 100. Gặp một trong những trường hợp sau đây coi như thông tin gián đoạn, việc chạy tàu phải tiến hành theo phương pháp đóng đường bằng Thông tri:
1. Khi thiết bị đóng đường cơ bản và mọi thứ điện thoại bị gián đoạn;
2. Thiết bị đóng đường nửa tự động hay máy thẻ đường tuy vẫn sử dụng tốt nhưng khi:
a) Mọi thứ điện thoại đều bị gián đoạn;
b) Đã gọi ga bên cạnh liên tiếp trong 10 phút bằng mọi thứ điện thoại mà không thấy trả lời.
Khi thông tin gián đoạn, bằng chứng cho phép tàu chiếm dụng khu gian là Giấy phép màu đỏ (theo mẫu số 3 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) do Trực ban chạy tàu ga gửi tàu cấp cho Lái tàu và Trưởng tàu.
MỤC 2. BIỆN PHÁP CHẠY TÀU
Điều 101. Khi chạy tàu với phương pháp đóng đường bằng Thông tri, chỉ Trực ban chạy tàu ga ưu tiên mới được phép cho tàu đầu tiên chạy vào khu gian.
Khi gửi tàu theo hướng ưu tiên, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên không cần sự đồng ý của Trực ban chạy tàu ga đón tàu.
Điều 102. Cấm gửi tàu từ ga ưu tiên suốt thời gian mà khu gian bị đóng trong các trường hợp dưới đây:
1. Khi Trực ban chạy tàu ga ưu tiên đã đồng ý cho Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên gửi tàu nhưng tàu này chưa đến, hay Trực ban chạy tàu ga ưu tiên chưa nhận được báo cáo hủy bỏ việc gửi tàu của Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên;
2. Khi Trực ban chạy tàu ga ưu tiên đã gửi hoặc đã đồng ý cho Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên gửi một tàu vào làm việc trong khu gian rồi trở về nhưng tàu này chưa về đến ga hoặc chưa nhận được báo cáo hủy bỏ việc gửi tàu của Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên;
3. Khi có đầu máy phụ đẩy tàu chạy từ ga ưu tiên vào khu gian rồi trở về (trước khi thông tin gián đoạn) nhưng đầu máy này chưa về đến ga.
Điều 103. Nếu trước khi thông tin bị gián đoạn, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên đã đồng ý đón một tàu từ ga không ưu tiên mà tàu này có đầu máy phụ đẩy vào khu gian rồi trở về, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên chỉ được gửi tàu vào khu gian sau khi tàu từ ga không ưu tiên đã đến, đồng thời giữ thời gian giãn cách bằng thời gian đầu máy phụ đẩy chạy từ điểm thôi đẩy về ga không ưu tiên cộng thêm 3 phút.
Điều 104. Khi chạy tàu với phương pháp đóng đường bằng thông tri, cấm Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên gửi tàu đầu tiên đến ga ưu tiên, trừ các trường hợp dưới đây:
1. Tàu đã được Trực ban chạy tàu ga ưu tiên đồng ý cho đường trước khi mọi thứ thông tin bị gián đoạn;
2. Tàu cứu viện gửi vào khu gian cần cứu viện (như đã quy định tại Điều 121 của Quy chuẩn này);
Điều 105. Trong lúc thông tin bị gián đoạn, các tàu cùng chiều phải chạy với thời gian giãn cách ít nhất bằng thời gian tàu trước chạy trong khu gian theo Biểu đồ chạy tàu, cộng thêm 3 phút (kể cả tàu xin được đường trước khi thông tin gián đoạn). Nếu thời gian theo Biểu đồ chạy tàu của tàu chạy trước chạy dưới 10 phút thì thời gian giãn cách được tính là 10 phút cộng thêm 3 phút. Nếu tàu trước là tàu đã xin được đường trước khi thông tin bị gián đoạn có cảnh báo dừng trong khu gian thì thời gian chạy của tàu này phải được cộng thêm thời gian dừng quy định trong cảnh báo.
Điều 106. Để thực hiện phương pháp đóng đường bằng Thông tri, Trực ban chạy tàu hai ga phải gửi cho nhau Thông tri chạy tàu theo quy định dưới đây:
1. Khi Trực ban chạy tàu ga ưu tiên gửi tàu đầu tiên vào khu gian, Trực ban chạy tàu ga giao Giấy phép màu đỏ cho Lái tàu và Trưởng tàu để làm bằng chứng chiếm dụng khu gian, trong đó có ghi một trong 2 mẫu Thông tri A hoặc B ( theo mẫu số 3 tại Phụ bản của Quy chuẩn này ) tuỳ theo tình hình chạy tàu:
Mẫu A. “Sau khi tàu số …. đến ga….., tôi đồng ý đón tàu số …. từ ga ….. đến”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Mẫu B. “Sau khi tàu số …. chạy, tôi sẽ gửi tiếp tàu số ….. đến ga…..”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
2. Nếu ga ưu tiên không có tàu gửi sang ga không ưu tiên mà biết ga này có tàu đợi chạy sang ga mình, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên cử người đi bằng phương tiện nhanh nhất hoặc đi bộ đem Thông tri theo mẫu C (theo mẫu số 4 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên.
Mẫu C. “Đồng ý đón tàu từ ga ….. đến”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
3. Khi ga không ưu tiên có tàu cần gửi, Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên cử người bằng phương tiện nhanh nhất hoặc đi bộ đem Thông tri cho Trực ban chạy tàu ga ưu tiên theo mẫu D (theo mẫu số 4 tại Phụ bản của Quy chuẩn này).
Mẫu D. “Xin đường gửi tàu số …. đến ga ….”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trường hợp cả 2 ga cùng cử người đi, nếu gặp nhau, hai người trao đổi Thông tri của 2 ga cho nhau và trở về.
Điều 107. Ga ưu tiên có thể sử dụng phương tiện chạy trên đường sắt chạy sang ga không ưu tiên với Giấy phép màu đỏ cấp cho Lái tàu, trong đó ghi Thông tri mẫu A.
Cấm ga không ưu tiên sử dụng các phương tiện chạy trên đường sắt để mang Thông tri đến ga ưu tiên.
Điều 108. Nếu không thể gửi tàu theo sự cho phép ghi trong thông tri mẫu A, B hoặc C, Trực ban chạy tàu ga cử người đem giấy báo cho Trực ban chạy tàu ga bên biết. Giấy báo ghi theo mẫu:
“Vì …. tàu số … giữ lại. Huỷ bỏ thông tri mẫu … (A, B hoặc C) số …”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Các Thông tri mẫu A, B, C, D và giấy báo hủy bỏ gửi tàu, đều phải được đăng ký vào Sổ biên bản điện tín chạy tàu (theo mẫu số 14 tại Phụ bản của Quy chuẩn này).
MỤC 3. PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG ĐƯỜNG BẰNG THÔNG TRI ĐỐI VỚI KHU GIAN CÓ TRẠM BỔ TRỢ
Điều 109. Trạm bổ trợ và trạm đóng đường không được tham gia vào việc tổ chức chạy tàu khi sử dụng phương pháp đóng đường bằng Thông tri.
Điều 110. Nếu trước khi thông tin bị gián đoạn mà một tàu đã chạy từ ga ưu tiên đến đường nhánh có trạm bổ trợ nhưng ga ưu tiên chưa nhận được của trạm đường nhánh báo cáo giờ tàu đến và đã vào đường nhánh, khu gian phải được coi là bị đóng. Trực ban chạy tàu ga ưu tiên chỉ được gửi tàu vào khu gian sau thời gian giãn cách tính theo Điều 105 của Quy chuẩn này cộng thêm 10 phút thủ tục vào đường nhánh và cộng thêm thời gian dừng dọc đường quy định trong cảnh báo (nếu có) của tàu đi đường nhánh. Ngoài Giấy phép màu đỏ có kèm theo Thông tri, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi theo mẫu: “Tàu số …. đi đường nhánh …. chạy lúc ….. giờ …. phút. Tôi chưa nhận được báo cáo giờ tàu đến. Tốc độ 15 km/h từ biển báo trạm (km ….) và đỗ tại ghi đường nhánh (km ….) để kiểm tra ghi và xác nhận tình hình tàu chạy trước”, cùng những biện pháp chạy tàu cần thiết khác (nếu có).
Trưởng tàu chỉ được phép cho tàu tiếp tục chạy đến ga không ưu tiên sau khi xác nhận tàu chạy trước đã vào đường nhánh nguyên vẹn và ghi đường nhánh đã ở định vị chính tuyến thông. Nếu tàu mang Thông tri mẫu B thì Trưởng tàu phải tổ chức phòng vệ phía đuôi tàu như quy định tại khoản 3 Điều 41 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt trước khi đi kiểm tra.
Điều 111. Nếu trước khi thông tin bị gián đoạn mà Trực ban chạy tàu ga ưu tiên đã cho đường Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên gửi một tàu đến đường nhánh có trạm bổ trợ, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên chỉ được phép gửi vào khu gian sau khi nhận được giấy báo của trạm là tàu đã vào nguyên vẹn ở đường nhánh, ghi đã khoá ở định vị chính tuyến thông hoặc nhận được giấy báo hủy bỏ việc gửi tàu đi đường nhánh của Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên. Giấy báo do Trực ban chạy tàu trạm hoặc Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên cử người mang đến giao cho Trực ban chạy tàu ga ưu tiên.
Điều 112. Nếu trước khi thông tin bị gián đoạn mà Trực ban chạy tàu ga ưu tiên đã đồng ý đón tàu của trạm bổ trợ, khu gian phải được coi là bị đóng cho đến khi tàu đã đến ga ưu tiên hoặc cho đến khi Trực ban chạy tàu ga ưu tiên nhận được giấy báo huỷ bỏ việc gửi tàu của Trực ban chạy tàu trạm bổ trợ.
Điều 113. Nếu trước khi thông tin bị gián đoạn, Trực ban chạy tàu trạm bổ trợ đã xin được đường gửi tàu đến ga không ưu tiên, khu gian phải được coi là bị đóng suốt thời gian bằng thời gian tàu này chạy từ trạm bổ trợ đến ga không ưu tiên cộng thêm 13 phút (kể cả 10 phút thủ tục ra đường nhánh) và cộng thêm thời gian dừng dọc đường quy định trong cảnh báo (nếu có) và Trực ban chạy tàu ga ưu tiên chỉ được gửi tàu đầu tiên theo quy định sau:
1. Nếu đã nhận được báo cáo giờ tàu chạy của Trực ban chạy tàu trạm, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên cho tàu chạy vào khu gian sau khi hết thời gian đóng đường quy định tại Điều này;
2. Nếu chưa nhận được báo cáo giờ tàu chạy của Trực ban chạy tàu trạm, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên cho tàu chạy vào khu gian không cần đợi hết thời gian đóng đường nói trên nhưng phải cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho tàu đỗ trước biển báo trạm để nắm tình hình tàu chạy từ đường nhánh đến ga không ưu tiên.
Khi đến trạm bổ trợ, Trưởng tàu của tàu từ ga ưu tiên đến phải:
a) Nếu tàu đường nhánh đã chạy từ trạm rồi thì giữ tàu mình lại và chỉ cho tiếp tục chạy sau thời gian giãn cách quy định tại Điều 105 của Quy chuẩn này;
b) Nếu tàu đường nhánh chưa chạy thì bắt buộc Trực ban chạy tàu trạm đưa giấy báo huỷ bỏ thủ tục gửi tàu đường nhánh để chuyển cho Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên và cho tàu mình tiếp tục chạy đến ga này. Nếu thuận tiện, Trưởng tàu cho tàu mình kéo đoàn tàu đường nhánh về ga không ưu tiên.
Nếu không kéo được thì tàu đường nhánh phải được giữ lại cho đến khi phục hồi thông tin và xin đường lại mới được chạy.
Điều 114. Nếu trước khi thông tin bị gián đoạn, khu gian đã được phong tỏa để trạm bổ trợ dồn ra đường chính (quy định tại Điều 250 của Quy chuẩn này), Trực ban chạy tàu ga ưu tiên chỉ được gửi tàu vào khu gian sau khi đã nhận được báo cáo của Trực ban chạy tàu trạm đường nhánh là công việc dồn đã xong và đường chính thanh thoát.
MỤC 4. PHỤC HỒI PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG ĐƯỜNG CHẠY TÀU
Điều 115. Khi thông tin đã được phục hồi, Nhân viên điều độ chạy tàu phải thông qua Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian để kiểm tra và xác nhận chắc chắn khu gian đã thanh thoát, sau đó phát mệnh lệnh phục hồi phương pháp đóng đường chạy tàu như cũ.
Điều 116. Trường hợp điện thoại giữa ga với Nhân viên điều độ chạy tàu không thông, việc phục hồi phương pháp đóng đường chạy tàu do Trực ban chạy tàu ga ưu tiên (ga A) quyết định bằng điện tín gửi cho Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên (ga B) như sau:
“Tàu cuối cùng nhận của ga B là tàu số…, tàu cuối cùng gửi sang ga B là tàu số… Phục hồi phương pháp đóng đường chạy tàu bằng … giữa ga … và ga … từ … giờ … phút”.
Trực ban chạy tàu ga A ký tên
Sau khi kiểm tra và xác định khu gian thanh thoát, TBCT ga không ưu tiên (ga B) trả lời như sau: “Tàu cuối cùng nhận của ga A là tàu số…, tàu cuối cùng gửi sang ga A là tàu số…, khu gian thanh thoát. Đồng ý phục hồi phương pháp đóng đường chạy tàu bằng …. từ …. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga B ký tên
Sau khi trao đổi các điện tín trên, Trực ban chạy tàu hai ga phục hồi phương pháp đóng đường chạy tàu.
Chương 7.
BIỆN PHÁP CHẠY TÀU CỨU VIỆN VÀ BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT KHI TÀU BỊ DỪNG TRONG KHU GIAN
MỤC 1. PHONG TỎA KHU GIAN ĐỂ CHẠY TÀU CỨU VIỆN
Điều 117. Yêu cầu gửi tàu cứu viện (bao gồm đoàn tàu cứu viện, đầu máy đơn cứu viện, phương tiện chuyên dùng chạy trên đường sắt mang dụng cụ và chở người đi cứu viện, chữa cháy) để giải quyết tai nạn chạy tàu, phục hồi thiết bị thông tin tín hiệu, đóng đường và chữa cháy, do Trưởng tàu (nếu đầu máy đơn thì do Lái tàu) của tàu bị dừng hoặc nhân viên ngành cầu đường, thông tin tín hiệu công tác trong khu gian chuyển đến Trực ban chạy tàu ga đầu khu gian hoặc Nhân viên điều độ chạy tàu bằng đơn, bằng điện thoại nếu có.
Trường hợp tàu bị dừng mà đầu máy có thể chạy được thì dùng đầu máy chính của tàu chạy đến ga phía trước để đưa đơn xin cứu viện.
Điều 118. Trước khi xin cứu viện, người xin cứu viện phải tổ chức phòng vệ địa điểm cần cứu viện (hoặc tàu bị dừng phải xin cứu viện) như quy định tại các Điều 36, 37, 38, 41, 42 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt. Tàu bị dừng cần xin cứu viện, ngoài việc phòng vệ như quy định, Trưởng tàu phải thu hồi chứng vật chạy tàu (trừ trường hợp tàu chạy bằng phương pháp đóng đường tự động hoặc nửa tự động) bảo quản cho đến khi khu gian thanh thoát hoặc khi về đến ga giao cho Trực ban chạy tàu ga và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để bảo đảm an toàn đoàn tàu trong khi chờ đợi cứu viện. Nếu dùng đầu máy chính của tàu để chạy đến ga phía trước xin cứu viện như nói tại Điều 117 của Quy chuẩn này, Trưởng tàu phải cấp cho Lái tàu Giấy phép màu trắng theo mẫu quy định kèm theo đơn xin cứu viện (theo mẫu số 7 tại phụ bản của Quy chuẩn này).
Sau khi đã gửi đơn xin cứu viện, cấm Trưởng tàu cho tàu lùi hoặc tiếp tục chạy hay cho một tàu khác đẩy tàu mình khi chưa nhận được lệnh của Trực ban chạy tàu ga đầu khu gian.
Điều 119. Trực ban chạy tàu ga nhận được đơn hoặc điện tín yêu cầu cứu viện phải báo ngay cho Nhân viên điều độ chạy tàu.
Khi nhận được yêu cầu cứu viện, Nhân viên điều độ chạy tàu phát mệnh lệnh phong tỏa khu gian cho Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian, chỉ định ga lập tàu, ga gửi tàu cứu viện, quy định biện pháp chạy tàu cứu viện.
Điều 120. Trường hợp điện thoại với Nhân viên điều độ chạy tàu không thông, Trực ban chạy tàu ga nhận đơn xin cứu viện phải báo cho Trực ban chạy tàu ga bên để làm thủ tục phong tỏa khu gian như sau:
1. Khi Trực ban chạy tàu ga ưu tiên nhận được yêu cầu cứu viện.
Trực ban chạy tàu ga ưu tiên gửi điện tín phong tỏa khu gian cho Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên theo mẫu:
“Vì … khu gian giữa ga … và ga … phong tỏa từ …. giờ …. phút. Cấm tàu chạy trừ tàu cứu viện”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên trả lời bằng điện tín theo mẫu:
“Đồng ý phong tỏa khu gian giữa ga … và ga … từ …. giờ …. phút. Cấm tàu chạy trừ tàu cứu viện”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
2. Khi Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên nhận được yêu cầu cứu viện.
Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên gửi điện tín cho Trực ban chạy tàu ga ưu tiên theo mẫu:
“Vì … yêu cầu phong tỏa khu gian giữa ga … và ga … từ … giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu ga ưu tiên trả lời đồng ý bằng điện tín theo mẫu quy định tại khoản 1 của Điều này.
Sau khi làm thủ tục phong tỏa khu gian và đã trao đổi nắm vững tình hình cần cứu viện, căn cứ theo những biện pháp giải quyết tai nạn quy định, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên có nhiệm vụ chỉ huy tổ chức cứu viện, quy định ga gửi tàu cứu viện vào khu gian và đoàn tàu, toa xe ở khu gian được kéo về ga nào.
Khi điện thoại điều độ phục hồi, Trực ban chạy tàu hai ga phải báo cáo chi tiết công việc đã làm cho Nhân viên điều độ chạy tàu biết.
Điều 121. Trong lúc thông tin bị gián đoạn (không thể làm ngay thủ tục phong tỏa khu gian với ga bên), nếu nhận được đơn xin cứu viện thì Trực ban chạy tàu ga căn cứ vào đơn xin cứu viện để cấp Giấy phép vạch chéo đỏ (theo mẫu số 5 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho Lái tàu của tàu cứu viện làm bằng chứng chạy tàu và cảnh báo kèm theo. Giấy phép vạch chéo đỏ chỉ cho phép tàu cứu viện chạy đến địa điểm cứu viện và trở về ga gửi tàu cứu viện (trường hợp ga đầu kia khu gian là ga đón tàu bị nạn, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu cứu viện cho phép tàu cứu viện đẩy tàu bị nạn đến ga đó).
Khi thông tin phục hồi, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu cứu viện báo cho Trực ban chạy tàu ga bên và Nhân viên điều độ chạy tàu biết tình hình tai nạn, tình hình cứu viện và nếu công việc giải quyết chưa xong, Nhân viên điều độ chạy tàu phải tiến hành phong toả khu gian như quy định tại Điều 119, 120 của Quy chuẩn này.
Điều 122. Bất cứ dùng phương pháp đóng đường chạy tàu nào, mỗi lần gửi tàu cứu viện Trực ban chạy tàu ga phải cấp Giấy phép vạch chéo đỏ cho Lái tàu làm bằng chứng chạy tàu. Ngoài ra, Trực ban chạy tàu ga còn phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ địa điểm dừng, địa điểm tai nạn, tốc độ, thời hạn tàu trở về ga (nếu có) và những điều cần thiết khác. Lái tàu, Trưởng tàu phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh đã ghi trong Giấy phép vạch chéo đỏ và Cảnh báo.
Khi cấp Giấy phép vạch chéo đỏ, Trực ban chạy tàu ga phải căn cứ theo mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu hoặc theo biện pháp và trình tự đã xác định thoả thuận với Trực ban chạy tàu ga bên trong trường hợp điện thoại với Nhân viên điều độ chạy tàu không thông.
Điều 123. Mỗi tàu cứu viện gửi vào khu gian cần cứu viện (trừ đầu máy chính của tàu bị dừng trở vào khu gian kéo phần còn lại) phải có Trưởng tàu phụ trách hoặc nhân viên ga có chức danh Trực ban chạy tàu ga trở lên do Trưởng ga chỉ định làm nhiệm vụ Trưởng tàu.
Ngoài ra Trưởng ga, Phó ga hoặc Trực ban chạy tàu ga xuống ban phải đi áp dẫn theo tàu cứu viện đầu tiên đến nơi xảy ra tai nạn để chỉ huy công việc có liên quan đến chạy tàu cứu viện trong khu gian cho đến khi có người được chỉ định đến thay.
Điều 124. Mỗi lần tàu cứu viện chạy vào khu gian hoặc trở về ga, Trực ban chạy tàu ga phải ghi vào Sổ nhật ký chạy tàu và báo cho Trực ban chạy tàu ga đầu kia khu gian, Nhân viên điều độ chạy tàu theo các mẫu điện tín sau:
Mẫu 1. “Tàu số …. chạy lúc …. giờ …. phút”;
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Mẫu 2. “Tàu số …. đến lúc …. giờ…. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Điều 125. Khi có lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu có thể gửi nhiều tàu cứu viện chạy cùng chiều vào khu gian phong toả theo những biện pháp sau:
1. Khi gửi tàu cứu viện chạy trước, Trực ban chạy tàu ga cấp cho Lái tàu Giấy phép vạch chéo đỏ (theo mẫu số 5 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) chạy đến địa điểm tai nạn đồng thời cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) như sau:
a) Địa điểm dừng, địa điểm tai nạn, tốc độ tàu chạy;
b) Cấm lùi và phòng vệ ngay nếu tàu bị dừng dọc đường vì có tàu cứu viện chạy cùng chiều tiếp theo;
c) Giữ tàu lại ở địa điểm tai nạn và tổ chức phòng vệ như quy định tại khoản 3 Điều 41 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt;
d) Biện pháp chạy tàu của tàu cứu viện khi trở về ga gửi như quy định tại khoản 3 của Điều này.
Tàu chạy trước phải được Trưởng ga, Phó ga hoặc Trực ban chạy tàu ga xuống ban áp dẫn như quy định tại Điều 123 của Quy chuẩn này. Đến địa điểm tai nạn, nhân viên này thu lại Giấy phép vạch chéo đỏ và hủy bỏ.
2. Khi gửi tàu cứu viện chạy sau, Trực ban chạy tàu ga cấp Giấy phép vạch chéo đỏ (theo mẫu số 5 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho tàu chạy đến địa điểm tai nạn và Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) như sau:
a) Có tàu cứu viện đã chạy trước lúc …. giờ …. phút;
b) Nội dung các mục a, b của khoản 1 Điều này nếu chưa phải là tàu cứu viện cuối cùng;
c) Sau khi dừng theo sự điều khiển của người chỉ huy cứu viện ở khu gian phải tổ chức phòng vệ như khoản 3 Điều 41 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt.
Tàu cứu viện chạy sau chỉ được chạy vào khu gian ít nhất là 30 phút sau tàu chạy trước.
Người chỉ huy chạy tàu cứu viện ở khu gian (được Nhân viên điều độ chạy tàu chỉ định) thu Giấy phép vạch chéo đỏ và:
– Huỷ bỏ nếu có tàu cứu viện cùng chiều tiếp theo;
– Bảo quản nếu là tàu cứu viện cuối cùng để sử dụng vào việc tổ chức cho tàu cứu viện về ga.
3. Biện pháp chạy tàu của tàu cứu viện khi về ga.
Các tàu cứu viện chạy trước được phép ghép với nhau để về ga theo sự điều khiển của Người chỉ huy chạy tàu cứu viện ở khu gian hoặc tuân theo quy định trong Giấy phép vạch chéo đỏ do Trực ban chạy tàu ga đầu khu gian cho người mang đến.
Điều 126. Trường hợp cần phải tổ chức tàu cứu viện chạy từ hai ga đầu khu gian đến địa điểm tai nạn, phải có lệnh của Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt (đối với đường sắt chuyên dùng phải có lệnh của Giám đốc doanh nghiệp quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng) hoặc người được uỷ quyền. Các tàu này không được chạy quá địa điểm giới hạn có đặt tín hiệu ngừng tàu quy định trong cảnh báo và chấp hành lệnh của Người chỉ huy chạy tàu cứu viện và các biện pháp chạy tàu cứu viện quy định tại Điều 123, Điều 125 của Quy chuẩn này.
Điều 127. Ngoài trường hợp cứu viện, những tàu, đầu máy, phương tiện tự chạy khác cũng được phép chạy vào khu gian phong toả theo biện pháp chạy tàu cứu viện mà không cần có đơn xin cứu viện nếu có lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu để tổ chức chuyển tải hành khách hoặc hàng hoá.
MỤC 2. GIẢI TOẢ KHU GIAN
Điều 128. Việc giải toả khu gian được tiến hành theo mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu phát cho Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian khi nhận được thông báo (bằng giấy hoặc điện tín) của Người chỉ huy cứu viện.
Nếu cứu viện chỉ khôi phục thiết bị đóng đường và thông tin không ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của cầu đường thì căn cứ báo cáo của Cung trưởng Cung thông tin tín hiệu.
Trường hợp tai nạn không gây trật bánh đầu máy, toa xe và không gây hư hỏng kiến trúc thiết bị nào trên đường, việc giải toả khu gian được tiến hành sau khi tất cả đầu máy, toa xe bị bỏ lại dọc đường đã được kéo ra khỏi khu gian và sau khi nhận được báo cáo của Trưởng tàu (hoặc Lái tàu của đầu máy đơn) liên quan xác nhận khu gian thanh thoát.
Điều 129. Trường hợp điện thoại điều độ không thông, Trực ban chạy tàu ga nhận được thông báo theo quy định tại Điều 128 của Quy chuẩn này, sau khi xác nhận khu gian thanh thoát, phải báo cho Trực ban chạy tàu ga bên biết để làm thủ tục giải toả khu gian.
Thủ tục giải toả khu gian do Trực ban chạy tàu hai ga tiến hành như sau:
1. Khi Trực ban chạy tàu ga ưu tiên nhận được thông báo yêu cầu giải toả khu gian phải gửi điện tín giải toả khu gian cho Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên theo mẫu sau:
“Bãi bỏ điện tín số …., khu gian giữa ga …. và ga …. giải toả từ …. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên sau khi xác nhận khu gian thanh thoát, trả lời theo mẫu:
“Đồng ý bãi bỏ điện tín số …., khu gian giữa ga ….. và ga …. giải toả từ …. giờ ….. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
2. Khi Trực ban chạy tàu ga không ưu tiên nhận được thông báo yêu cầu giải toả khu gian phải gửi điện tín yêu cầu giải toả khu gian cho Trực ban chạy tàu ga ưu tiên theo mẫu:
“Vì …. , yêu cầu giải toả khu gian giữa ga …. và ga …. từ …. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Sau khi nhận được điện tín trên và xác nhận khu gian thanh thoát, Trực ban chạy tàu ga ưu tiên trả lời:
“Đồng ý bãi bỏ điện tín số …., khu gian giữa ga …. và ga …. giải toả từ ….. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Khi thông tin gián đoạn, sau khi nhận được thông báo yêu cầu giải toả và xác nhận chắc chắn khu gian thanh thoát, việc giải toả khu gian phải được Trực ban chạy tàu hai ga thực hiện bằng cách cử người mang điện tín theo mẫu quy định tại Điều này.
MỤC 3. KÉO TỪNG PHẦN CỦA TÀU BỊ DỪNG TRONG KHU GIAN TỚI GA
Điều 130. Khi tàu bị dừng trong khu gian do không thể tiếp tục chạy cả đoàn được, đầu máy của tàu này phải kéo từng phần về ga. Nếu đầu máy của tàu bị hỏng do đầu máy cứu viện đảm nhiệm.
Trước khi cắt phần thứ nhất để kéo về ga, Trưởng tàu phải:
1. Báo cho Lái tàu siết lại hãm gió;
2. Bố trí siết chặt hãm tay và đặt chèn phần đoàn tàu để lại trong khu gian theo các biện pháp quy định. Sau đó cắt tàu ra và mở khoá ngắt gió đầu xe ở toa xe đầu của phần để lại;
3. Thu chứng vật chạy tàu và bảo quản (trừ trường hợp chạy tàu với đóng đường nửa tự động và đóng đường tự động);
4. Chỉ định một nhân viên trên tàu (hoặc nhân viên ban lái tàu) làm nhiệm vụ trưởng tàu của tàu kéo phần đầu về ga (nếu có Phó tàu thì Phó tàu ở lại để Trưởng tàu đi làm nhiệm vụ Trưởng tàu của tàu kéo phần đầu về ga);
5. Cấp cho Lái tàu Giấy phép màu trắng (theo mẫu số 7 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) kèm theo đơn xin cứu viện;
6. Làm tín hiệu cho tàu kéo phần đầu về ga chạy;
7. Sau khi đã kéo toàn bộ đoàn tàu về ga, Trưởng tàu trao lại chứng vật chạy tàu cho Trực ban chạy tàu ga;
8. Trường hợp đầu máy kéo phần đầu bắt buộc phải cắt bớt toa xe ở dọc đường trước khi về đến ga, Trưởng tàu của tàu đó phải làm đúng các thủ tục như trên, Trưởng tàu ở lại phòng vệ phía trước phần mới bị cắt lại, Lái tàu chạy máy đơn kéo không quá 5 xe và Lái tàu kiêm nhiệm Trưởng tàu về ga.
Về đến ga, Lái tàu đưa giấy báo cáo tình hình và đơn xin cứu viện có ý kiến bổ sung của Trưởng tàu cho Trực ban chạy tàu ga để tổ chức cứu viện.
Điều 131. Biện pháp giải quyết chủ yếu khi tàu khách bị dừng trong khu gian là cứu viện. Trưởng tàu phải căn cứ vào tình hình cụ thể về thành phần đoàn tàu, số lượng hành khách và hành lý, khả năng kéo của đầu máy để xin cứu viện hoặc kéo từng phần về ga sao cho bảo đảm an toàn, nhanh chóng và thuận lợi cho hành khách.
Để cứu viện nhanh, cho phép cắt đầu máy ra khỏi đoàn tàu nơi tàu bị dừng và dùng đầu máy chạy đơn đem đơn cứu viện về ga với điều kiện trắc dọc đường khu gian nơi tàu bị dừng đảm bảo an toàn cho đoàn xe còn lại.
Khi đảm bảo an toàn và có thể đưa toàn bộ hành khách trên tàu về ga thì có thể kéo phần đầu về ga. Trong trường hợp này Phó tàu (phụ trách an toàn) của tàu bị dừng phải thực hiện các quy định cho Trưởng tàu nêu tại Điều 130 của Quy chuẩn này để Trưởng tàu đi làm nhiệm vụ kéo phần đầu về ga.
Trường hợp đầu máy kéo phần đầu về ga nhưng vì lý do nào đó không thể kéo nguyên vẹn về ga, tàu kéo phần đầu về ga chỉ có thể chạy khi tất cả hành khách đã được chuyển tải từ những toa bị cắt lại sang các toa kéo về ga.
Điều 132. Ở khu gian đóng đường tự động, Lái tàu của đầu máy đơn từ khu gian về ga phía trước có kéo một phần của tàu hoặc chạy đơn để đem giấy yêu cầu cứu viện phải tuân theo các biểu thị của tín hiệu đóng đường tự động mặc dù đã được cấp Giấy phép màu trắng.
Điều 133. Nhận được đơn xin cứu viện, Trực ban chạy tàu ga phải áp dụng các thủ tục, biện pháp gửi tàu cứu viện quy định tại các Điều 119, 120,121, 122, 123 và 124 của Quy chuẩn này. Nếu đầu máy gửi vào khu gian kéo phần còn lại không phải là đầu máy chính thì phải có nhân viên ga có chức danh Trực ban chạy tàu ga trở lên do Trưởng ga chỉ định áp dẫn.
Điều 134. Khi đầu máy vào khu gian để kéo phần còn lại, Lái tàu phải dừng trước tín hiệu phòng vệ và theo tín hiệu của Nhân viên phòng vệ để thực hiện việc cắt nối.
Sau khi nối đầu máy, Trưởng tàu và Lái tàu tiến hành thử hãm đơn giản, sau đó nhả các hãm tay, rút hết chèn, thu hồi tín hiệu phòng vệ mới được làm tín hiệu cho tàu chạy kéo phần còn lại về ga.
Điều 135. Khi phần còn lại của tàu đã được kéo về ga, Trưởng tàu phải viết vào Sổ nhật ký chạy tàu của ga câu: “Thành phần của tàu số …. đã được kéo toàn bộ về ga. Khu gian thanh thoát”.
Sau khi xác nhận khu gian thanh thoát, Trực ban chạy tàu ga đón tàu báo cho Trực ban chạy tàu ga bên và Nhân viên điều độ chạy tàu để làm thủ tục giải toả khu gian.
Trường hợp tàu bị dừng trong khu gian đóng đường tự động, sau khi kéo phần còn lại của tàu về ga, để xác định khu gian thanh thoát, Trực ban chạy tàu hai ga phải báo bằng điện tín cho Nhân viên điều độ chạy tàu (khi điện thoại điều độ không thông thì báo cho nhau) theo các mẫu:
Ga gửi tàu báo: “Tàu cuối cùng gửi sang ga …. là tàu số …..”
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Ga đón tàu báo: ” Tàu cuối cùng nhận của ga… là tàu số…”
Trực ban chạy tàu ga ký tên
MỤC 4. BIỆN PHÁP CHO TÀU CHẠY LÙI
Điều 136. Nếu sau khi dừng trong khu gian, tàu không thể tiếp tục chạy về phía trước và cần lùi đến địa điểm thuận lợi để lấy đà chạy lại, xin cứu viện hoặc lùi về ga gửi, Lái tàu phải báo cáo cho Trưởng tàu và chỉ được bắt đầu đẩy lùi tàu khi có tín hiệu cho chạy lùi của Trưởng tàu.
Trước khi cho phép Lái tàu đẩy lùi tàu, Trưởng tàu phải xác nhận chắc chắn là việc đẩy lùi tàu không vi phạm các trường hợp cấm đã quy định tại Điều 291 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt.
Điều 137. Trong mọi trường hợp chạy lùi, Trưởng tàu phải:
1. Dùng còi thổi tín hiệu chạy lùi (một tiếng dài) để thông báo cho nhân viên công tác và người trên đường;
2. Tiến hành phòng vệ phía sau tàu như quy định tại Điều 41 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt sau khi tàu chạy lùi đã dừng lại ở địa điểm cần thiết mà chưa chạy lại ngay.
A. Chạy lùi trong khu gian
Điều 138. Khi cần lấy đà để chạy lại, tàu chỉ được phép lùi trong khu gian không quá hai lần. Nếu tàu đã lùi lần thứ hai mà vẫn không tiếp tục chạy được, Trưởng tàu phải tổ chức kéo từng phần về ga hoặc xin cứu viện hoặc xin chạy lùi về ga gửi tàu.
Điều 139. Biện pháp cho tàu chạy lùi trong khu gian được quy định như sau:
1. Đối với tàu số chẵn (chạy tàu với phương pháp đóng đường nửa tự động, thẻ đường, điện tín) và các tàu mang Thông tri mẫu A (phương pháp đóng đường bằng Thông tri) khi chạy lùi không phải phòng vệ.
Sau khi đã hội ý với Lái tàu, Trưởng tàu trở về đuôi tàu đứng trên toa xe đầu tiên theo hướng tàu chạy lùi để làm tín hiệu cho Lái tàu.
Trong khi tàu lùi, Trưởng tàu phải luôn luôn quan sát quãng đường phía trước, chú ý các địa điểm thi công, cầu chung, đường ngang, đường sắt cắt nhau, ghi đường nhánh,… nếu thấy có chướng ngại thì làm ngay tín hiệu ngừng cho Lái tàu, khi cần có thể sử dụng van hãm khẩn cấp để bắt tàu dừng lại.
Nếu đầu máy đơn, Lái tàu phải thay Trưởng tàu làm các công việc trên. Khi có kéo toa xe, Lái tàu phải cử một nhân viên trong ban lái máy đứng ở toa xe đầu tiên theo hướng tàu chạy lùi để kịp thời phát hiện chướng ngại mà bắt tàu dừng lại.
Nếu đã cử người đi phòng vệ phía sau tàu, trước khi lùi nhân viên phòng vệ được thu hồi tín hiệu và lên tàu.
Tốc độ tàu chạy lùi không được quá 15 km/h.
Thời gian chạy lùi không được quá 60 phút kể từ khi tàu bị dừng.
2. Đối với tàu số lẻ (trừ tàu mang thông tri mẫu A khi chạy với phương pháp đóng đường bằng thông tri) khi chạy lùi phải phòng vệ.
Sau khi đã hội ý với Lái tàu, Trưởng tàu cử người đi phòng vệ đuôi tàu vừa đi vừa cầm tín hiệu, ban ngày: cờ đỏ mở; ban đêm: đèn tay ánh đèn màu đỏ hướng về phía trước, ánh đèn màu trắng hướng về phía sau. Nếu không có nhân viên nào khác trên tàu, Trưởng tàu chỉ định một nhân viên trong ban lái tàu đi phòng vệ.
Tàu chỉ được phép lùi khi nhân viên phòng vệ đã đi cách đuôi tàu ít nhất 800m. Đoàn tàu lúc nào cũng phải giữ khoảng cách này với người phòng vệ và khi dừng lại ở điểm thích hợp thì Lái tàu kéo còi cảnh giác (một tiếng dài, một tiếng ngắn) để nhân viên phòng vệ dừng lại và đặt tín hiệu phòng vệ.
Nhân viên phòng vệ vừa đi vừa kiểm tra quãng đường phía trước, nếu thấy có chướng ngại phải lập tức làm tín hiệu cho tàu dừng.
Nếu nghe thấy tiếng tàu khác chạy tới, nhân viên phòng vệ phải lập tức làm tín hiệu ngừng cho tàu mình và tiến về phía trước làm tín hiệu ngừng cho tàu kia.
Trưởng tàu phải luôn luôn chú ý tín hiệu của nhân viên phòng vệ để làm tín hiệu ngừng tàu cho Lái tàu và nếu cần có thể sử dụng van hãm khẩn cấp để hãm tàu.
Tốc độ tàu chạy lùi không quá 5 km/h nhưng thời gian tàu chạy lùi không được quá 60 phút kể từ lúc tàu bị dừng.
Trong mọi trường hợp, nếu xét thấy không bảo đảm có thể tiếp tục chạy đến ga bên hoặc không bảo đảm thời gian chạy lùi quy định ở trên, Trưởng tàu phải lập tức phòng vệ theo quy định để xin cứu viện hoặc tổ chức kéo từng phần về ga.
B. Chạy lùi về ga
Điều 140. Trước khi cho tàu chạy lùi, Trưởng tàu phải dùng điện thoại (nếu có) hoặc cử người mang Giấy xin phép lùi tàu về ga (theo mẫu số 19 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) giao cho Trực ban chạy tàu ga gửi tàu xin cho tàu lùi về ga và phải nhận được Giấy cho phép lùi tàu về ga (theo mẫu số 20 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) hoặc điện tín đồng ý của Trực ban chạy tàu ga này.
Trong khi đợi lệnh của Trực ban chạy tàu ga gửi tàu và xét thấy cần tranh thủ thời gian thì trừ các trường hợp cấm đã nói tại Điều 291 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kỹ thuật khai thác đường sắt, Trưởng tàu được áp dụng những biện pháp chạy lùi trong khu gian nói tại Điều 139 của Quy chuẩn này để cho tàu chạy lùi dần về ga cho đến khi gặp nhân viên mang Giấy cho phép lùi tàu về ga của ga gửi tàu.
Sau khi đã nhận được lệnh cho lùi có quy định tốc độ của Trực ban chạy tàu ga gửi tàu, Trưởng tàu cho tàu lùi theo tốc độ quy định đó. Nếu lệnh không ghi tốc độ, Lái tàu không được chạy quá 15 km/h.
Đến cột tín hiệu vào ga, tàu chạy lùi theo biểu thị của tín hiệu vào ga hoặc tín hiệu dẫn đường của ga.
C. Chạy lùi khẩn cấp
Điều 141. Nếu gặp tình hình khẩn cấp uy hiếp đến an toàn của đoàn tàu, Trưởng tàu được phép làm tín hiệu cho tàu lùi mà không cần thi hành các biện pháp quy định tại Điều 139 của Quy chuẩn này. Lái tàu cho tàu lùi với tốc độ không được quá 20 km/h, đồng thời liên tiếp kéo còi nguy cấp.
Trường hợp đặc biệt nguy cấp đối với tàu mà Lái tàu xét thấy không lùi chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn nặng, Lái tàu không thể báo và đợi tín hiệu cho phép của Trưởng tàu (kể cả chạy trong khu gian đóng đường tự động hoặc tàu có mang Thông tri mẫu B chạy theo phương pháp đóng đường bằng thông tri), Lái tàu liên tục kéo còi nguy cấp, cho tàu lùi để thoát khỏi nguy hiểm, thời gian chạy lùi không được quá 2 phút, sau đó Trưởng tàu làm tín hiệu cho tàu dừng, tiến hành phòng vệ phía sau và hội ý nhận định tình hình với Lái tàu. Nếu xét thấy tàu không thể tiếp tục chạy được mà cần phải lùi về ga gửi tàu, Trưởng tàu phải thi hành các biện pháp quy định tại các Điều 139, 140 của Quy chuẩn này.
Chương 8.
BIỆN PHÁP CHẠY TÀU KHI TIẾN HÀNH CÔNG TÁC SỬA CHỮA THIẾT BỊ VÀ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC
MỤC 1. THI CÔNG PHẢI PHONG TOẢ KHU GIAN
Điều 142. Khi thi công sửa chữa cầu, đường, hầm,… có ảnh hưởng đến Biểu đồ chạy tàu phải phong toả khu gian theo lệnh của Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt (đối với đường sắt chuyên dùng theo lệnh của Giám đốc doanh nghiệp quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng) hoặc người được uỷ quyền. Giấy phép phong toả khu gian phải gửi đến Giám đốc các đơn vị quản lý đường sắt sở tại, Nhân viên điều độ chạy tàu liên quan, Trưởng ga hai đầu khu gian phong toả, Giám đốc đơn vị thi công và Người chỉ huy thi công để thông báo cho nhân viên trực thuộc chấp hành chậm nhất 24 giờ trước khi thi công.
Điều 143. Trước khi phong toả, Nhân viên điều độ chạy tàu phải kiểm tra xác nhận khu gian thanh thoát, sau đó phát lệnh cho Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian và người đại diện của đơn vị thi công theo mẫu quy định tại Điều 261 của Quy chuẩn này.
Điều 144. Chỉ được thi công sửa chữa khi người chỉ huy thi công đã nhận được lệnh phong toả khu gian của Nhân viên điều độ chạy tàu và đã phòng vệ địa điểm thi công đúng quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt.
Sau khi nhận được lệnh phong toả khu gian của Nhân viên điều độ chạy tàu, Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian phong toả phải phòng vệ khu gian theo quy định tại Điều 46 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt và treo biển “KHU GIAN PHONG TOẢ” trên máy đóng đường trong suốt thời gian phong toả.
Điều 145. Trước khi hết thời hạn phong toả ấn định trong lệnh phong toả khu gian của Nhân viên điều độ chạy tàu, đường, công trình, thiết bị … trên đường sắt phải bảo đảm chạy tàu an toàn.
Người chỉ huy thi công phải tự mình kiểm tra toàn bộ đoạn đường thi công bảo đảm an toàn chạy tàu mới được thu hồi tín hiệu phòng vệ và thông báo việc kết thúc thi công. Trường hợp cần thiết phải đặt tín hiệu giảm tốc độ như quy định tại Điều 40 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt và yêu cầu cấp Cảnh báo theo quy định tại Chương XII của Quy chuẩn này.
Điều 146. Chỉ được làm thủ tục giải toả khu gian sau khi nhận qua Trực ban chạy tàu ga đầu khu gian giấy báo hoặc điện tín của Người chỉ huy thi công, Cung trưởng hoặc Đội trưởng trở lên xác nhận việc thi công đã kết thúc và trả đường bảo đảm chạy tàu an toàn.
Sau khi đăng ký vào Sổ nhận điện tín của nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 13 tại phụ bản của Quy chuẩn này) hoặc Sổ biên bản điện tín chạy tàu (theo mẫu số 14 tại phụ bản của Quy chuẩn này) của ga nội dung giấy báo hoặc điện tín nói trên, Nhân viên điều độ chạy tàu hoặc Trực ban chạy tàu ga ưu tiên (khi điện thoại điều độ không thông) ra lệnh giải toả khu gian theo mẫu quy định tại Điều 129, Điều 263 của Quy chuẩn này.
MỤC 2. THI CÔNG KHÔNG PHẢI PHONG TOẢ KHU GIAN
Điều 147. Khi cần tiến hành những công tác sửa chữa thường xuyên cầu, đường, hầm,… trong thời gian giãn cách giữa hai tàu ấn định trong Biểu đồ chạy tàu nếu không phong toả khu gian thì phải được phép của Trực ban chạy tàu ga theo mẫu quy định tại Điều 149 Quy chuẩn này.
Điều 148. Việc sử dụng thiết bị cơ giới nhỏ (máy chèn đường, máy sàng đá) để thi công sửa chữa đường sắt chỉ được thực hiện khi có đủ điều kiện sau đây:
1. Thi công ban ngày trong điều kiện thời tiết tốt, đảm bảo tầm nhìn;
2. Thời gian giãn cách giữa 2 đoàn tàu chạy trong khu gian thi công lớn hơn 60 phút;
3. Điện thoại liên lạc từ địa điểm thi công tới ga đầu khu gian cho phép thi công hoạt động tốt;
4. Đơn vị thi công phải đủ người, trang thiết bị; địa điểm thi công đủ rộng để kịp thời đưa thiết bị cơ giới ra khỏi giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt trong khoảng thời gian không quá 3 phút;
5. Trong khu gian chỉ được bố trí một địa điểm thi công.
Cấm sử dụng thiết bị cơ giới nhỏ để thi công sửa chữa đường sắt trong hầm.
Điều 149. Xin kế hoạch thi công, cấp giấy thi công:
1. Trước 18 giờ, Người chỉ huy thi công phải báo kế hoạch thi công ngày hôm sau cho Trực ban chạy tàu ga của ga đầu khu gian biết;
2. Trực ban chạy tàu ga của ngày xin thi công căn cứ vào thời gian giãn cách giữa hai đoàn tàu trong Biểu đồ chạy tàu nếu có thời gian lớn hơn 60 phút thì làm dự báo kế hoạch thi công theo mẫu:
“Cho phép sử dụng thiết bị cơ giới thi công sửa chữa đường sắt trong khu gian ….. trong ngày …… tháng …. năm …..”.
Đợt 1 từ …. giờ ….. phút đến …. giờ ….. phút.
Đợt 2 từ …. giờ ….. phút đến …. giờ ….. phút.
…………………………………………………
………………………………………………..”;
Trực ban chạy tàu ga ký tên
3. Sáng ngày thi công, Người chỉ huy thi công phải có mặt tại ga để nhận dự báo kế hoạch thi công trong ngày;
4. Trước mỗi đợt thi công, Trực ban chạy tàu ga cấp phép giao cho người của đơn vị thi công một Giấy phép thi công theo mẫu:
“Cho phép thi công sửa chữa đường sắt (kể cả sử dụng thiết bị cơ giới) trong khu gian … tại km …. từ …. giờ ….. phút đến …. giờ …. phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
đồng thời báo cho Trực ban chạy tàu ga bên biết để cùng theo dõi;
5. Người của đội thi công (trực tại ga) khi nhận được lệnh thi công phải báo ngay cho Người chỉ huy thi công qua máy điện thoại nội dung lệnh thi công.
Điều 150. Trước khi hết giờ thi công của mỗi đợt hoặc khi có lệnh đình chỉ thi công của Trực ban chạy tàu ga, Người chỉ huy thi công phải kiểm tra toàn bộ đoạn đường thi công bảo đảm an toàn tàu chạy, phát lệnh thu hồi tín hiệu phòng vệ đồng thời báo cho người trực tại phòng Trực ban chạy tàu ga để trả đường theo mẫu:
“Lúc …. giờ ….. phút địa điểm thi công trong khu gian tại km …. đã thi công xong, đường đã bảo đảm an toàn chạy tàu”.
Người trả đường và Trực ban chạy tàu ga cùng ký tên
Trường hợp không thể cho tàu chạy theo tốc độ bình thường, người chỉ huy thi công phải đặt tín hiệu giảm tốc độ, quy định tại Điều 40 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt và kịp thời yêu cầu cấp Cảnh báo theo quy định tại Chương XII của Quy chuẩn này.
Điều 151. Trực ban chạy tàu ga cấp phép phải thông báo việc đình chỉ thi công để đơn vị thi công đưa thiết bị cơ giới ra khỏi phạm vi giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt trước khi tàu chạy vào khu gian có thiết bị cơ giới đang thi công.
Điều 152.
1. Mỗi đội thi công cơ giới phải có:
a) Một người chỉ huy thi công;
b) Một người trực tại phòng Trực ban chạy tàu ga cấp phép để nhận, truyền đạt lệnh thi công hoặc đình chỉ thi công từ Trực ban chạy tàu ga cho Người chỉ huy thi công và nhận truyền đạt việc trả đường của Người chỉ huy thi công đến Trực ban chạy tàu ga;
c) Hai người phòng vệ ở hai đầu địa điểm thi công;
d) Đủ số lượng người vận hành thiết bị cơ giới và kịp thời đưa thiết bị cơ giới ra
khỏi phạm vi giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt khi cần thiết.
2. Đội thi công được trang bị máy điện thoại để liên lạc trực tiếp từ địa điểm thi công đến ga cấp phép.
Điều 153. Khi cần gửi tàu cứu viện chạy vào khu gian trước giờ quy định kết thúc thi công, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu phải cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho Lái tàu, Trưởng tàu ghi theo mẫu: “Ở km …. khu gian ….. có thi công trên đường từ ….. giờ …. phút đến ….. giờ ….. phút. Phải cảnh giác và chú ý tín hiệu để dừng tàu kịp thời”.
Trực ban chạy tàu ga gửi tàu cứu viện phải báo bằng điện thoại cho người chỉ huy thi công biết việc gửi tàu.
Điều 154. Khi kế hoạch chạy tàu thay đổi:
1. Thời gian thi công đã cấp phép được kéo dài thì Trực ban chạy tàu ga cấp tiếp Giấy phép thi công cho đơn vị thi công;
2. Thời gian thi công đã cấp phép bị rút ngắn thì Trực ban chạy tàu ga ra lệnh đình chỉ thi công, lệnh đình chỉ thi công phải ghi rõ lý do;
3. Máy điện thoại của đơn vị thi công bị hỏng thì người chỉ huy thi công phải nhanh chóng đình chỉ thi công trước thời hạn cho phép kết thúc thi công 10 phút và tìm cách nhanh nhất về ga làm thủ tục trả đường.
MỤC 3. THI CÔNG Ở GA
Điều 155. Khi thi công trong ga có ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu và dồn dịch, Người chỉ huy thi công phải dự báo kế hoạch công tác trước một ngày và phải được sự đồng ý của Trưởng ga.
Nếu phải phong toả đường chính và đường đón gửi tàu, Trưởng ga phải xin phép Nhân viên điều độ chạy tàu và khi được phép mới được thi công.
Điều 156. Sau khi được Trưởng ga đồng ý, Người chỉ huy thi công phải ghi trình tự công tác vào Sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu, đưa cho Trực ban chạy tàu ga ký tên chấp nhận việc phong toả đường.
Chỉ khởi công khi đã đặt tín hiệu phòng vệ theo quy định hoặc khoá ghi ở vị trí ngăn cách đường phong toả.
Điều 157. Sau khi chấp nhận việc thi công trong ga, Trực ban chạy tàu ga phải thông báo cho những nhân viên liên quan (Gác ghi, Trưởng dồn, phụ Trực ban chạy tàu ga…) biết kế hoạch và thời gian bắt đầu thi công cùng những biện pháp đình chỉ sử dụng đường và thiết bị liên quan.
Khi cần thiết, phải yêu cầu Nhân viên điều độ chạy tàu phát mệnh lệnh cho ga liên quan cấp Cảnh báo cho tàu.
Điều 158. Việc kiểm tra, bảo dưỡng đường, ghi, thiết bị tín hiệu có liên quan đến chạy tàu và dồn dịch trong ga, nhân viên phụ trách các công việc trên phải ghi nội dung công tác và thời gian tiến hành vào sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu ga.
Trực ban chạy tàu ga sau khi chấp nhận việc kiểm tra, bảo dưỡng phải thông báo cho các nhân viên liên quan trong ga biết những biện pháp cần thi hành trong thời gian tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng để bảo đảm an toàn chạy tàu.
Sau khi hoàn thành công tác, người phụ trách kiểm tra, bảo dưỡng phải cùng với nhân viên quản lý, sử dụng thiết bị thử lại, xác nhận chất lượng tốt và ghi vào sổ kiểm tra thiết bị chạy tàu để báo cho Trực ban chạy tàu ga việc kết thúc công tác (nếu địa điểm công tác cách xa phòng Trực ban chạy tàu ga, có thể báo bằng điện thoại rồi ghi sổ sau).
Trực ban chạy tàu ga ký tên xác nhận và cho lệnh sử dụng lại thiết bị.
MỤC 4. CHẠY TÀU CÔNG TRÌNH
Điều 159. Trong trường hợp cần thiết, những tàu (tàu, máy làm đường và các phương tiện tự chạy khác) vào làm việc trong khu gian để phục vụ cho công việc thi công cầu, đường, hầm, công trình kiến trúc, thiết bị hay thu nhặt vật liệu (gọi là tàu công trình), được phép chạy vào khu gian phong toả theo những biện pháp, điều kiện quy định tại Mục 4 của Chương này.
Điều 160. Khi cần gửi tàu công trình phải có đủ 2 điều kiện sau:
1. Có mệnh lệnh cho phép của Nhân viên điều độ chạy tàu;
2. Đã phong toả khu gian.
Trong mệnh lệnh phong toả khu gian, Nhân viên điều độ chạy tàu ghi thêm: “cấm tàu chạy, trừ tàu công trình số….”.
Điều 161. Khi khu gian đã phong toả để thi công, nếu cần gửi tàu công trình chạy vào khu gian, Nhân viên điều độ chạy tàu phải ra lệnh bổ sung theo mẫu:
“Cho phép tàu công trình số …. chạy từ ga …. đến km … trong khu gian đã được phong toả theo mệnh lệnh số ….”.
Nhân viên điều độ chạy tàu ký tên
Điều 162. Khi gửi tàu công trình vào khu gian phong toả, Trực ban chạy tàu ga cấp Giấy phép vạch chéo đỏ (theo mẫu số 5 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) và Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ biện pháp chạy tàu, tốc độ, địa điểm dừng tàu và thời hạn về đến ga hoặc sang ga bên.
Điều 163. Sau khi tàu chạy, hai ga đầu khu gian phải phòng vệ khu gian theo quy định tại Điều 46 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt và treo biển: “KHU GIAN PHONG TOẢ” trên máy đóng đường trong suốt thời gian phong toả.
Điều 164. Tàu công trình chạy vào khu gian phong toả được phép dừng lại hoặc chạy lùi, chạy tiến theo yêu cầu công tác mà không phải phòng vệ và sau khi làm việc xong trở về ga hoặc sang ga bên.
Trưởng tàu căn cứ vào cảnh báo của Trực ban chạy tàu ga cấp hoặc theo yêu cầu của Người chỉ huy thi công để thực hiện.
Điều này không áp dụng cho trường hợp có nhiều tàu công trình cùng chạy vào khu gian hay trường hợp đã xin cứu viện.
Điều 165. Thông thường, chỉ cho phép một tàu công trình vào làm việc trong một khu gian.
Trường hợp cần cho phép nhiều tàu công trình chạy cùng chiều hoặc ngược chiều vào làm việc trong khu gian thì Nhân viên điều độ chạy tàu phải chỉ định Người chỉ huy chạy tàu trong khu gian, người này phải có trình độ từ giám sát viên về an toàn chạy tàu trở lên.
Điều 166. Nhiều tàu công trình chạy cùng chiều vào khu gian phải theo các biện pháp sau đây:
1. Tàu trước:
a) Khi dừng để làm việc ở địa điểm quy định trong cảnh báo hoặc bị dừng ở dọc đường, tàu phải được phòng vệ phía sau cách đuôi tàu là 800m như quy định tại khoản 3 Điều 41 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt;
b) Trong khi dừng, nếu tàu sau đến, Trưởng tàu của tàu trước có thể dẫn tàu sau tiến tới gần tàu trước (nếu không có người chỉ huy chạy tàu trong khu gian);
c) Sau khi làm việc xong, tàu có thể chạy về ga hoặc sang ga bên theo sự chỉ huy của người chỉ huy chạy tàu trong khu gian;
d) Cấm tự ý lùi trong khu gian hoặc lùi về ga.
2. Tàu sau:
a) Chỉ được chạy cách tàu trước ít nhất là 20 phút;
b) Trực ban chạy tàu ga cấp cảnh báo cho tàu sau không được vượt quá tốc độ của tàu chạy trước;
c) Trước khi đến địa điểm thi công, nếu gặp tín hiệu phòng vệ của tàu trước, tàu sau có thể tiến lên sát tàu trước theo hướng dẫn của Trưởng tàu của tàu trước (nếu không có người chỉ huy chạy tàu trong khu gian);
d) Cấm tự ý lùi trong khu gian hoặc lùi về ga.
Điều 167. Nhiều tàu công trình chạy từ hai ga vào một khu gian nhưng không được vượt quá địa điểm giới hạn có đặt tín hiệu “ngừng”.
Tàu nào muốn tiến lên phía trước phải có nhân viên dẫn đường làm tín hiệu theo sự điều khiển của Người chỉ huy chạy tàu trong khu gian.
Biện pháp chạy tàu từ ga đến địa điểm giới hạn theo quy định tại các điều từ Điều 160 đến Điều 166 của Quy chuẩn này.
Điều 168. Nhiều tàu công trình vào làm việc trong khu gian, chạy cùng chiều hoặc ngược chiều, khi về ga phải theo sự điều khiển của Người chỉ huy chạy tàu trong khu gian.
Các tàu công trình từ khu gian có thể trở về ga gửi hoặc chạy sang ga bên và phải tuân theo những biện pháp quy định tại Điều 166 của Quy chuẩn này.
Điều 169. Khi tổ chức chạy nhiều tàu công trình phải cử một Người chỉ huy chạy tàu trong khu gian theo quy định tại Điều 165 của Quy chuẩn này. Người này có nhiệm vụ:
1. Thu Giấy phép vạch chéo đỏ khi tàu đến địa điểm quy định;
2. Chỉ huy việc dẫn đường các tàu khi xê dịch theo yêu cầu công việc;
3. Tổ chức việc gửi tàu từ khu gian về ga;
4. Báo bằng điện thoại cho Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian kế hoạch và thời gian cho tàu về ga;
5. Giao trả lại Giấy phép vạch chéo đỏ và bổ sung Cảnh báo (nếu cần) cho các tàu chạy từ khu gian về ga;
6. Đôn đốc, kiểm tra mọi công tác liên quan đến việc chạy tàu để bảo đảm cho các tàu về ga đúng thời hạn quy định trong lệnh phong toả khu gian.
Điều 170. Khi tàu công trình vào khu gian, Trưởng tàu có nhiệm vụ chấp hành các biện pháp chạy tàu công trình quy định tai các điều từ Điều 164 đến Điều 168 của Quy chuẩn này. Nếu ở địa điểm công tác có Người chỉ huy chạy tàu, Trưởng tàu phải tuân theo chỉ huy của người này trong lúc tàu ở địa điểm công tác.
Đối với các loại phương tiện động lực chuyên dùng chạy theo điều kiện tàu công trình, Lái tàu làm nhiệm vụ của Trưởng tàu.
Điều 171
1. Khi thời hạn phong toả khu gian để thi công đã hết, công việc thi công đã xong, người chỉ huy chạy tàu trong khu gian phải gửi báo cáo theo mẫu: “Tôi đã gửi …. tàu công trình từ khu gian về ga …. nhiệm vụ đã hoàn thành, yêu cầu hai ga đầu khu gian kiểm tra và làm thủ tục giải toả khu gian”.
Người chỉ huy chạy tàu ký tên
Sau khi nhận được báo cáo, Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian kiểm tra tàu công trình đã về ga, xác nhận khu gian thanh thoát, làm thủ tục giải toả khu gian.
2. Khi thời hạn phong toả khu gian để thi công đã hết, công việc thi công chưa xong, người chỉ huy chạy tàu trong khu gian cũng phải gửi báo cáo theo mẫu: “Tôi đã gửi …. tàu công trình từ khu gian về ga …. nhiệm vụ thi công chưa xong, yêu cầu hai ga đầu khu gian cho phép kéo dài thời gian thi công đến …. giờ …. phút”.
Người chỉ huy chạy tàu ký tên
3. Trực ban chạy tàu ga nhận được báo cáo của Người chỉ huy chạy tàu trong khu gian, báo cáo Nhân viên điều độ chạy tàu để xin lệnh giải quyết tiếp theo.
Chương 9.
BIỆN PHÁP CHO TÀU DỪNG TRONG KHU GIAN, BIỆN PHÁP CHẠY GOÒNG
MỤC 1. BIỆN PHÁP CHO TÀU DỪNG TRONG KHU GIAN
Điều 172
1. Trong trường hợp chạy tàu bình thường, tàu khách và tàu hỗn hợp không được phép dừng trong khu gian trừ trường hợp có lệnh đặc biệt của Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt (đối với đường sắt chuyên dùng phải có lệnh của Giám đốc doanh nghiệp quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng).
2. Khi có lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu thì tàu hàng được phép dừng trong khu gian đối với các trường hợp sau:
a) Khi cần cho Nhân viên y tế xuống chữa bệnh nặng hoặc đưa nhân viên đường sắt ốm nặng đi bệnh viện mà không có phương tiện vận chuyển khác;
b) Khi cần cho Nhân viên đường sắt xuống chữa đường, cầu, hầm, thiết bị thông tin tín hiệu hoặc công trình kiến trúc khác;
c) Khi có yêu cầu cấp thiết của công tác quốc phòng.
Điều 173. Việc cho tàu hàng dừng trong khu gian để làm việc quy định tại Điều 172 của Quy chuẩn này được thực hiện như sau:
1. Địa điểm cho phép tàu dừng là đường bằng hoặc dốc xuống. Trường hợp bất đắc dĩ, cũng có thể cho tàu dừng ở quãng dốc lên song độ dốc nơi đó không được quá 5‰, nếu quá 5‰ phải có lệnh của Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt (đối với đường sắt chuyên dùng phải có lệnh của Giám đốc doanh nghiệp quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng);
2. Chỉ khi nào được sự đồng ý của Nhân viên điều độ chạy tàu, điện thoại điều độ thông, mới được cho tàu hàng dừng trong khu gian.
Trường hợp điện thoại điều độ không thông, Trực ban chạy tàu ga nhận được yêu cầu dừng tàu thuộc điểm a, b, c khoản 2 Điều 172 của Quy chuẩn này có thể cho tàu dừng trong khu gian không quá 5 phút;
3. Trước khi cho tàu chạy, ngoài việc làm thủ tục đóng đường theo quy định, Trực ban chạy tàu ga gửi phải cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) nói rõ lý do, địa điểm, thời gian dừng và thời hạn trở về đến ga hoặc đến ga bên;
4. Khi tàu chạy theo phương pháp đóng đường tự động, Trưởng tàu của tàu dừng để làm việc ở khu gian phải tổ chức phòng vệ phía sau đuôi tàu, như sau:
a) Khi tàu dừng lại không quá 3 phút thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Tín hiệu đường sắt;
b) Khi tàu dừng lại quá 3 phút thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 42 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Tín hiệu đường sắt.
Ngoài ra, Trực ban chạy tàu ga còn phải cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho tàu chạy liền sau đó theo mẫu: “Chú ý có tàu số …. làm việc tại km…. trong …. giờ … phút”;
5. Cấm cho tàu dừng trong khu gian khi thông tin giữa hai ga đầu khu gian bị gián đoạn.
Điều 174. Muốn xin cho tàu dừng trong khu gian nêu tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 172 của Quy chuẩn này, người yêu cầu phải báo cáo với Trực ban chạy tàu ga để xin ý kiến. Trực ban chạy tàu ga phải báo ngay cho Nhân viên điều độ chạy tàu để xin lệnh.
Nếu xét thấy được, Nhân viên điều độ chạy tàu ra lệnh cho Trực ban chạy tàu ga hai ga đầu khu gian theo mẫu:
“Cho phép tàu số… dừng ở km… trong … giờ… phút để …. và sẽ đến ga … (hoặc trở về đến ga) lúc … giờ… phút”.
Nhân viên điều độ chạy tàu ký tên
MỤC 2. BIỆN PHÁP CHẠY GOÒNG
A. Quy định chung
Điều 175. Goòng là loại xe có bánh sắt được Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt (hoặc người được uỷ quyền) cho phép chạy trên đường sắt để chuyên chở vật liệu phục vụ công tác duy tu bảo dưỡng và các công việc khác của ngành đường sắt (đối với đường sắt chuyên dùng do Giám đốc doanh nghiệp quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng cho phép)
Goòng có hai loại: goòng chạy bằng động cơ và goòng do người đẩy. Goòng do người đẩy phải nhấc ra khỏi đường sắt được.
Điều 176
1. Goòng chạy bằng động cơ gửi vào khu gian theo các quy định như tàu.
2. Goòng do người đẩy vào khu gian phải tổ chức chạy theo biện pháp thừa nhận (được Trực ban chạy tàu ga thừa nhận về thời gian sử dụng).
Điều 177. Khi sử dụng goòng phải có đủ các điều kiện sau:
1. Đối với goòng chạy bằng động cơ:
a) Phải có Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hợp lệ do cơ quan đăng kiểm cấp;
b) Lái goòng phải nắm vững quy trình, quy phạm, luật lệ chạy tàu và phải có Giấy phép lái phương tiện chuyên dùng đường sắt hợp lệ do Cục Đường sắt Việt Nam cấp;
c) Goòng phải có số đăng ký. Tự trọng, tải trọng phải được ghi trên thành goòng.
2. Đối với goòng do người đẩy:
a) Phải có số đăng ký ghi trong sổ đăng ký goòng do phòng kỹ thuật của đơn vị quản lý;
b) Trên goòng phải ghi số đăng ký và tên của đơn vị quản lý.
B. Biện pháp tổ chức chạy goòng do người đẩy
a. Chạy goòng trong ga
Điều 178. Khi sử dụng goòng trong phạm vi ga, người phụ trách goòng phải ghi yêu cầu sử dụng goòng vào Sổ đăng ký chạy goòng và được Trực ban chạy tàu ga cho phép, ký tên xác nhận.
Việc di chuyển goòng từ đường này sang đường khác trong phạm vi ga phải được sự đồng ý, hướng dẫn của Trực ban chạy tàu ga.
b. Chạy goòng trong khu gian
Điều 179. Bằng chứng cho phép goòng chạy vào khu gian theo biện pháp thừa nhận là Phiếu chạy goòng (theo mẫu số 8 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) do Trực ban chạy tàu ga cấp. Phiếu chạy goòng gồm hai bản: bản A giao cho người phụ trách goòng; bản B lưu.
Mỗi bản có 3 phần:
1. Phần A: Phần yêu cầu;
2. Phần B: Phần thừa nhận;
3. Phần C: Phần Cảnh báo.
Phiếu chạy goòng in một mặt, đóng thành quyển.
Điều 180. Sau khi Trực ban chạy tàu ga nhận được yêu cầu chạy goòng của người phụ trách goòng (ghi ở phần A của Phiếu chạy goòng) thì phải liên hệ với Nhân viên điều độ chạy tàu để nắm kế hoạch chạy tàu trong thời gian chạy goòng và trao đổi với Trực ban chạy tàu ga bên về nội dung xin chạy goòng. Nếu xét thấy việc chạy goòng không làm ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, Trực ban chạy tàu ga cấp Phiếu chạy goòng, báo cho Trực ban chạy tàu ga bên bằng điện tín theo mẫu:
“Goòng… (loại goòng) số… (số của phiếu chạy goòng) chạy từ ga… (km…) đến ga …(km) theo điều kiện phòng vệ và sẵn sàng nhấc goòng ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt chậm nhất lúc … giờ… phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên
Mỗi khi goòng chạy vào khu gian, Trực ban chạy tàu ga hai ga đầu khu gian phải ghi vào Sổ nhật ký chạy tàu, treo bảng “CÓ GOÒNG” vào máy đóng đường của khu gian có goòng chiếm dụng.
Điều 181. Khi nhận được Phiếu chạy goòng do Trực ban chạy tàu ga cấp, người phụ trách goòng cho goòng vào khu gian và phải bảo đảm các điều kiện sau:
1. Luôn cảnh giác chú ý quan sát về hai phía trên đường sắt, sẵn sàng dừng và nhấc goòng ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt khi thấy tàu;
2. Phải có đủ dụng cụ, tín hiệu và người thực hiện đi phòng vệ ở hai phía cách goòng ít nhất 800 m cùng chuyển dịch theo goòng (nếu tầm nhìn hạn chế phải tăng thêm người phòng vệ trung gian đi cách xa người phòng vệ chính ít nhất 200 m) có cờ đỏ hoặc biển chữ nhật hai mặt đỏ cắm trên goòng, trong hầm phải dùng tín hiệu ban đêm (đèn hai mặt đỏ cắm trên goòng);
3. Khi hết hạn sử dụng goòng đã được thừa nhận (ghi ở phần B của phiếu chạy goòng) phải nhấc goòng ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt;
4. Khi goòng dừng hoặc bị tai nạn gây trở ngại chạy tàu phải phòng vệ như quy định tại Điều 38 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt;
5. Khi goòng đang làm việc trong khu gian mà gặp sương mù, mưa to, gió lớn cách 800 m không nhìn thấy tín hiệu cắm trên goòng thì phải dừng lại và nhấc goòng ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt.
Điều 182. Tuyệt đối cấm chở vật liệu, dụng cụ,… trên goòng mà thời gian dỡ, nhấc goòng ra khỏi đường sắt quá 3 phút.
Điều 183. Goòng chỉ sử dụng vào ban ngày thời tiết tốt, thông tin liên lạc giữa hai ga không bị gián đoạn. Tốc độ goòng chạy trong khu gian bằng tốc độ đi bộ của người phòng vệ.
Chương 10.
BIỆN PHÁP ĐÓN GỬI TÀU
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 184. Trong công tác đón gửi tàu, mọi việc quan trọng như: Chuẩn bị đường, làm thủ tục đóng đường, báo chắn đường ngang, đóng mở cột tín hiệu, đón gửi tàu, giao chứng vật chạy tàu và làm tín hiệu gửi tàu do Trực ban chạy tàu ga trực tiếp thực hiện.
Trường hợp vì điều kiện thiết bị hoặc khối lượng công việc lớn, một phần công việc trên có thể do phụ Trực ban chạy tàu ga thực hiện dưới sự chỉ huy và kiểm tra của Trực ban chạy tàu ga.
Ở ga trang bị cột tín hiệu có cánh, việc đóng mở tín hiệu do gác ghi thực hiện theo lệnh và sự kiểm tra của Trực ban chạy tàu ga.
Điều 185. Với mọi phương pháp đóng đường chạy tàu, khi gửi đoàn tàu, đầu máy đơn có kéo từ 1 đến 5 xe chạy vào khu gian, đoàn dồn đi dồn ở đường nhánh trong khu gian đều phải tiến hành thử hãm.
Việc thử hãm quy định tại Điều 220, 221 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt; ngoài ra khi đoàn tàu có thay đầu máy chính phải tiến hành thử hãm toàn bộ.
Hội đồng thử hãm gồm:
1. Trực ban chạy tàu ga là Chủ tịch;
2. Phó tàu phụ trách an toàn là uỷ viên;
3. Tổ trưởng tổ khám xe là uỷ viên;
4. Lái tàu là uỷ viên;
5. Nhân viên khám xe theo tàu là uỷ viên.
Điều 186. Khi đường đón gửi tàu không có thiết bị tách rời ghi phòng hộ (đường an toàn, thiết bị trật bánh hay những ghi có tác dụng tách rời: ghi phòng hộ), cấm:
1. Đón gửi 2 tàu cùng một lúc;
2. Đón 2 tàu cùng một lúc;
3. Gửi 2 tàu cùng một lúc.
Điều 187. Ở ga không có ghi điện điều khiển tập trung, Trực ban chạy tàu ga ra lệnh chuẩn bị đường đón gửi tàu cho Gác ghi liên quan. Lệnh phải rõ ràng, chính xác và đúng mẫu quy định.
Ở ga trang bị tín hiệu và ghi điện điều khiển tập trung từ phòng Trực ban chạy tàu thì tất cả các tác nghiệp về chuẩn bị đường đón gửi tàu đều do Trực ban chạy tàu ga trực tiếp thực hiện.
Trực ban chạy tàu ga phải phát lệnh chuẩn bị đường đón gửi tàu kịp thời để tàu đến ga không phải giảm tốc độ hoặc đỗ ngoài tín hiệu vào ga, tàu xuất phát không phải chờ đợi ở ga.
Điều 188. Ở ga trang bị ghi điện điều khiển tập trung từ các trạm điều hành (trạm tập trung ở từng bãi, khu vực) thì Trực ban chạy tàu ga ra lệnh chuẩn bị đường đón gửi tàu cho trực ban trạm điều hành thực hiện và kiểm tra việc chấp hành các tác nghiệp theo lệnh đã phát ra qua biểu thị trên đài điều khiển tập trung.
Nếu không kiểm tra trên đài điều khiển tập trung được, Trực ban chạy tàu ga phải kiểm tra thực tế và thu chìa khoá ghi (nếu có).
Trình tự công tác của Trực ban chạy tàu ga, trực ban trạm điều hành và gác ghi (nếu ga có cả ghi điện điều khiển tập trung và ghi quay tay) khi chuẩn bị đường đón gửi tàu phải được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga và văn bản hướng dẫn sử dụng thiết bị khống chế tập trung.
Điều 189. Ở ga có đài khống chế ghi quay tay, Trực ban chạy tàu ga ngoài việc căn cứ vào đèn kiểm tra để xác nhận chiều hướng ghi liên quan còn phải kiểm tra thực tế đường thanh thoát trước khi đón gửi tàu.
Nếu không kiểm tra trên đài khống chế được, cũng như trường hợp gửi tàu bằng Giấy phép vạch chéo lục và đón tàu bằng phương pháp dẫn đường, Trực ban chạy tàu ga phải kiểm tra và thu chìa khoá ghi (nếu có) trước khi gửi tàu hoặc đón tàu vào đường không có quan hệ liên khoá với tín hiệu vào ga.
Điều 190. Cấm giao ban các ban chạy tàu trong thời gian sau:
1. Từ khi Trực ban chạy tàu ga bên báo giờ tàu chạy cho đến khi đón xong tàu đó;
2. Từ khi xin được đường gửi tàu đến khi gửi xong tàu đó.
Điều 191. Việc đón gửi tàu khách, tàu hỗn hợp trên những đường không quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga phải được Nhân viên điều độ chạy tàu cho phép.
Điều 192. Chỉ được mở tín hiệu vào ga khi đường đón tàu đã thanh thoát và đường này được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Trước khi gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga phải xác nhận khu gian thanh thoát; riêng đối với đóng đường tự động phải xác định đang ở hướng gửi tàu và phân khu tiếp giáp đã thanh thoát.
Điều 193. Đường đón gửi tàu được coi là thanh thoát khi:
1. Các ghi liên quan đã quay đúng chiều hướng đường đón gửi tàu và được khóa khi mở tín hiệu;
2. Không có bất cứ chướng ngại nào từ cột tín hiệu vào ga đến mốc tránh va chạm cuối đường đón tàu đối với trường hợp đón tàu hoặc từ đầu máy (hoặc toa xe đầu tiên) đến cột tín hiệu vào ga phía đối diện đối với trường hợp gửi tàu;
3. Đầu máy, toa xe đỗ trên đường bên cạnh đường đón gửi tàu đã ở trong mốc tránh va chạm và ngừng chuyển động, trừ khi đường bên cạnh có thiết bị tách rời đối với đường đón gửi tàu.
Điều 194. Trừ khi có biệt lệ riêng, công việc dồn trong phạm vi đường đón gửi tàu phải được đình chỉ trước giờ tàu đến và giờ tàu chạy, theo thời hạn sau:
1. 15 phút trước giờ tàu đến;
2. 5 phút trước giờ tàu chạy.
Đối với các ga đầu khu gian đặc biệt (khu gian mà thời gian chạy tàu không lớn hơn 10 phút hoặc khoảng cách giữa 2 tim ga không lớn hơn 4000m) phải đình chỉ công tác dồn trước khi cho đường ga gửi tàu.
Điều 195. Vị trí và tư thế của Trực ban chạy tàu ga (trạm) khi đón gửi tàu quy định như sau:
1. Trực ban chạy tàu ga (trạm) phải đứng bên trái theo hướng tàu chạy.
2. Tại ga do địa hình khó khăn, Trực ban chạy tàu ga (trạm) không thể đứng đúng vị trí quy định trên, được phép thay đổi vị trí đứng đón tàu cho phù hợp với thực tế và vị trí này phải được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
3. Khi đón gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga phải có tác phong nghiêm chỉnh và phải tuyệt đối tập trung tư tưởng và công việc;
4. Khi đón gửi tàu vào khu gian đặc biệt, Trực ban chạy tàu ga (trạm) được phép dời vị trí tiễn tàu sau khi đầu máy qua khỏi chỗ Trực ban chạy tàu ga (trạm) đứng.
MỤC 2. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐƯỜNG ĐÓN GỬI TÀU.
A. Đón tàu
Điều 196. Trước khi mở tín hiệu vào ga, Trực ban chạy tàu ga phải:
1. Bảo đảm đường đón tàu đã thanh thoát như quy định tại Điều 193 của Quy chuẩn này.
2. Đình chỉ công việc dồn có trở ngại đến việc đón tàu theo thời hạn quy định tại Điều 194 của Quy chuẩn này;
3. Kiểm tra sự có mặt của Gác ghi khi đón tàu.
Điều 197. Ở ga không có thiết bị kiểm tra đường thanh thoát, Trực ban chạy tàu ga phải trực tiếp kiểm tra. Nếu ở ga có phụ Trực ban chạy tàu tàu ga, thì nhân viên này đảm nhiệm một phần công việc do Trực ban chạy tàu ga phân công và được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Điều 198. Ở ga sử dụng ghi quay tay, thủ tục và trình tự chuẩn bị đón tàu như sau:
1. Trực ban chạy tàu ga ra lệnh chuẩn bị đường:
15 phút trước giờ tàu đến, Trực ban chạy tàu ga phải phổ biến cho Gác ghi biết kế hoạch đón tàu và những đặc điểm của tàu đến, rồi ra lệnh cho Gác ghi kiểm tra đường, ghi, đình chỉ dồn (nếu có).
Sau khi đã quyết định đường đón tàu, Trực ban chạy tàu ga đứng vào giữa lòng đường hướng về phía gác ghi, làm tín hiệu tay phù hợp với số hiệu đường định khai thông theo quy định tại Điều 82 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt.
Nếu ở chòi ghi có điện thoại, Trực ban chạy tàu ga dùng điện thoại để ra lệnh chuẩn bị đường.
Khi nghe gọi, Gác ghi trả lời: “Tôi (xưng danh), Gác ghi phía…” Trực ban chạy tàu ga ra lệnh: “Chuẩn bị đường số …để đón tàu số …” Gác ghi nghe xong lệnh phải nhắc lại.
Trực ban chạy tàu ga phải chú ý lắng nghe xem nhân viên này có gì chưa hiểu hoặc thiếu sót thì phải giải thích hay bổ cứu ngay.
2. Gác ghi chấp hành mệnh lệnh:
15 phút trước giờ tàu đến, Gác ghi phải có mặt ở ghi để nhận lệnh của Trực ban chạy tàu ga.
Khi nhận được tín hiệu khai thông đường của Trực ban chạy tàu ga, Gác ghi phải nhắc lại tín hiệu, sau đó thực hiện lệnh: đình chỉ dồn (nếu có), quay ghi để khai thông đường đón tàu, kiểm tra đường, ghi bảo đảm chắc chắn an toàn, lấy chìa khoá ghi đưa vào thiết bị khống chế ở chòi ghi (nếu có) và làm tín hiệu báo cáo cho Trực ban chạy tàu ga.
Trực ban chạy tàu ga xác nhận bằng tín hiệu an toàn quy định tại Điều 81 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt.
Nếu ở chòi ghi có điện thoại, Gác ghi dùng điện thoại báo cáo với Trực ban chạy tàu ga như sau: “Tôi (xưng danh), Gác ghi phía… đã chuẩn bị xong đường số… để đón tàu số…. Công việc dồn đã đình chỉ”. Chờ lệnh của Trực ban chạy tàu ga và thực hiện lệnh mở tín hiệu vào ga để đón tàu.
3. Trực ban chạy tàu ga kiểm tra đường:
Trước khi mở tín hiệu vào ga, Trực ban chạy tàu ga phải kiểm tra lại lần cuối đường đón tàu, chiều hướng ghi, trạng thái tín hiệu vào ga, sự có mặt của Gác ghi (quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga). Nếu ga có đài khống chế, Trực ban chạy tàu ga phải khống chế ghi.
Khi đón tàu vào đường không có quan hệ liên khoá với tín hiệu vào ga, Trực ban chạy tàu ga phải thu chìa khoá ghi.
4. Mở tín hiệu vào ga:
Sau khi kiểm tra và xác nhận đường đón tàu đã chuẩn bị xong, Trực ban chạy tàu ga làm thủ tục mở tín hiệu như sau:
a) Tín hiệu vào ga loại có cánh: Trực ban chạy tàu ga làm tín hiệu ra lệnh mở tín hiệu cho Gác ghi theo quy định tại khoản 1 Điều 83 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt hoặc dùng điện thoại (nếu có) ra lệnh như sau: “Mở tín hiệu vào ga phía…”.
Nếu ga có đài khống chế, Trực ban chạy tàu ga đưa tay bẻ khống chế về hướng cho phép mở tín hiệu;
b) Tín hiệu vào ga loại đèn màu: Trực ban chạy tàu ga trực tiếp điều khiển đài khống chế để mở tín hiệu vào ga.
5. Gác ghi đón tàu:
Gác ghi phải đứng ở vị trí quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga và làm tín hiệu đón tàu theo quy định tại Điều 76 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt (trừ trường hợp Gác ghi làm nhiệm vụ dẫn đường).
Khi đoàn tàu chạy qua khu vực ghi, Gác ghi phải chú ý quan sát đoàn tàu. Lúc đuôi tàu qua khỏi khu vực ghi, Gác ghi phải đóng tín hiệu vào ga, kiểm tra lại trạng thái ghi, quay ghi về định vị và xác nhận tàu đã vào nguyên vẹn trong mốc tránh va chạm, sau đó báo cáo Trực ban chạy tàu ga bằng tín hiệu an toàn như quy định tại Điều 81 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt, hoặc báo cáo bằng điện thoại (nếu có) theo mẫu sau: “Tàu số… đã vào nguyên vẹn trong mốc tránh va chạm của đường số …”
Trường hợp tàu đã dừng hẳn tại ga mà đuôi tàu còn nằm ngoài mốc tránh va chạm hoặc nằm ngoài cột tín hiệu vào ga, gác ghi cũng phải đóng tín hiệu vào ga.
Ở ga mà ghi và tín hiệu vào ga loại có cánh được khống chế bằng điện, sau khi Gác ghi báo cáo tàu đã vào nguyên vẹn trong mốc tránh va chạm, Trực ban chạy tàu ga phải trả tay bẻ khống chế tín hiệu về định vị để Gác ghi quay các ghi về định vị.
6. Trường hợp tàu tránh nhau:
Sau khi Gác ghi làm tín hiệu an toàn báo cáo tàu đến ga nguyên vẹn, Trực ban chạy tàu ga làm tín hiệu khai thông đường với Gác ghi để gửi tàu theo quy định tại Điều 82 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt. Gác ghi nhắc lại tín hiệu trên, rồi quay ghi đúng theo lệnh khai thông đường gửi tàu và mang chìa khoá ghi trao cho Trực ban chạy tàu ga hoặc đưa vào thiết bị khống chế ở chòi ghi (nếu có).
Sau khi kiểm tra lại lần cuối tàu đến ga đã nguyên vẹn và dừng hẳn trong mốc tránh va chạm, đường gửi tàu đã thanh thoát, Gác ghi báo cáo với Trực ban chạy tàu ga: “Đã chuẩn bị xong đường số… cho tàu số.. chạy”.
Trước khi gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga phải kiểm tra chắc chắn đoàn tàu đến đã vào nguyên vẹn trong mốc tránh va chạm và phải thu chìa khoá ghi. Ở ga có đài khống chế thì Trực ban chạy tàu ga phải khống chế ghi và kiểm tra chiều hướng của các ghi liên quan đến đường gửi tàu.
Điều 199. Trực ban chạy tàu ga không được thay đổi đường đón tàu khi tín hiệu vào ga đã mở. Trường hợp cần đón tàu vào một đường thanh thoát khác, Trực ban chạy tàu ga phải đóng (hoặc ra lệnh đóng) tín hiệu vào ga, bãi bỏ việc chuẩn bị đường đã thực hiện và sau đó ra lệnh chuẩn bị đường khác theo thủ tục và trình tự quy định tại Điều 198 của Quy chuẩn này.
Điều 200. Ở ga có ghi điện điều khiển tập trung (không bố trí Gác ghi), Trực ban chạy tàu ga phải kiểm tra xác nhận việc tàu đến ga nguyên vẹn qua đèn biểu thị trên đài điều khiển.
Điều 201. Tàu có toa xe chở hàng đặc biệt, hàng nguy hiểm, hàng quá khổ giới hạn trên cấp I phải được đón vào những đường quy định riêng trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga và phải tuân theo những biện pháp an toàn về đón tàu quy định trong lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu căn cứ vào giấy phép vận chuyển các loại hàng này.
Điều 202. Ở ga không được phép đón 2 tàu vào ga cùng một lúc theo quy định tại Điều 264 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt trình tự ưu tiên đón khi có 2 tàu cùng đến ga như sau:
1. Đón tàu cấp bậc thấp vào trước, nếu cả 2 tàu đều quy định thông qua ga;
2. Đón tàu có dừng lại ga vào trước, tàu thông qua vào sau;
3. Đón tàu có chiều dài đoàn tàu ngắn vào trước, tàu dài vào sau.
Các trường hợp khác phải đựơc quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
B. Biện pháp đón tàu vào ga khi tín hiệu vào ga ở trạng thái biểu thị ngừng
Điều 203. Ngoài những trường hợp phải dẫn đường theo quy định tại Điều 262, 263 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt, nếu trong ga có địa điểm cần giảm tốc độ dưới 10 km/h mà tàu phải chạy qua, khi đón tàu vào ga cũng phải làm tín hiệu tay dẫn đường.
Điều 204. Việc đón tàu vào ga khi tín hiệu vào ga ở trạng thái biểu thị ngừng tiến hành theo một trong những biện pháp dẫn đường sau:
1. Theo tín hiệu dẫn đường (ánh đèn màu sữa trên tín hiệu vào ga) hoặc theo tín hiệu tay dẫn đường của Nhân viên dẫn đường đứng ở chân cột tín hiệu vào ga (hoặc ở mốc dẫn đường): tàu được phép vào ga với tốc độ quy định;
2. Theo tín hiệu giảm tốc độ của Nhân viên dẫn đường: Lái tàu phải dừng tàu trước cột tín hiệu vào ga để áp dẫn hoặc chạy tàu với tốc độ ghi trong Giấy cho phép vào ga (theo mẫu số 21 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) do nhân viên này bàn giao cho.
Điều 205. Khi cần áp dụng biện pháp dẫn đường để đón tàu, Trực ban chạy tàu ga phải báo cáo Nhân viên điều độ chạy tàu để ra lệnh cho các ga liên quan cấp cảnh báo.
Trường hợp không liên lạc được với Nhân viên điều độ chạy tàu, Trực ban chạy tàu ga điện cho Trực ban chạy tàu ga gửi tàu theo mẫu: “vì… (lý do phải dẫn đường) tàu số… (hoặc các tàu số…) đến ga sẽ có dẫn đường”.
Nhận được điện tín trên, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu cấp cảnh báo cho Lái tàu, Trưởng tàu với nội dung điện tín đó. Nếu tàu thông qua ga phải bắt tàu dừng lại để cấp cảnh báo.
Nếu thời hạn cảnh báo không hạn định cho một chuyến tàu, Trực ban chạy tàu ga gửi tàu tiếp tục cấp cho các tàu sau đến khi có lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu hoặc có điện bãi bỏ của Trực ban chạy tàu ga yêu cầu.
Điều 206. Việc dẫn đường cho tàu vào ga do Nhân viên dẫn đường thực hiện theo lệnh của Trực ban chạy tàu ga. Nhân viên này phải đeo băng dẫn đường, đồng thời phải có đủ tín hiệu tay và số lượng pháo cần thiết.
Ở ga không có định viên dẫn đường, khi cần thiết Trực ban chạy tàu ga chỉ thị Gác ghi đón tàu kiêm việc dẫn đường. Trong trường hợp này, Gác ghi phải làm xong mọi thủ tục về công việc chuẩn bị đón tàu, sau đó ra địa điểm quy định để dẫn đường cho tàu vào ga.
Điều 207. Khi đón tàu vào ga trên đường không thanh thoát, Trực ban chạy tàu ga phải cử Nhân viên dẫn đường áp dẫn tàu vào ga. Trường hợp áp dẫn tàu, Nhân viên dẫn đường phải luôn luôn chú ý phía trước và kịp thời bắt tàu dừng lại trước chướng ngại.
Trường hợp đường trong khu gian gần tín hiệu vào ga có độ dốc cao, Trực ban chạy tàu ga cử Nhân viên dẫn đường ra đứng sẵn về phía bên trái theo hướng tàu đến ở địa điểm cách tín hiệu vào ga ít nhất 100m hoặc ở mốc dẫn đường (nếu có). Khi thấy tàu đến, nhân viên này làm tín hiệu giảm tốc độ và lúc đầu máy chạy qua mặt, giao cho Lái tàu Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) lý do dẫn đường.
Nhận được cảnh báo, Lái tàu cho tàu tiến vào ga theo nội dung Cảnh báo đó.
Cấm sử dụng tín hiệu dẫn đường màu sữa trên cột tín hiệu vào ga để đón tàu vào ga trên đường không thanh thoát.
Điều 208. Ở ga chưa có cột tín hiệu vào ga hoặc trên cột tín hiệu có bộ biểu thị tín hiệu không có hiệu lực phải thường xuyên đặt ở bên trái theo hướng tàu đến tại địa điểm cách ghi vào ga ngoài cùng ít nhất 50m hoặc tại địa điểm ngang cột tín hiệu vào ga một tín hiệu di động “ngừng” mặt màu đỏ (hoặc ban đêm ánh đèn màu đỏ) hướng về phía khu gian và phải có người gác.
Khi đón tàu, tín hiệu di động “ngừng” vẫn để nguyên và Trực ban chạy tàu ga áp dụng biện pháp dẫn đường.
Điều 209. Khi lý do dẫn đường không còn nữa nhưng chưa kịp bãi bỏ Cảnh báo hoặc chưa có lệnh bãi bỏ Cảnh báo của Nhân viên điều độ chạy tàu thì Trực ban chạy tàu ga vẫn phải áp dụng biện pháp dẫn đường để đón tàu vào ga.
Điều 210. Việc đón tàu vào đường nhánh trong khu gian có trạm bổ trợ (trạm C), Trực ban chạy tàu trạm phải tự mình hoặc cử nhân viên dẫn đường áp dẫn tàu vào trạm theo biện pháp quy định tại Điều 206 của Quy chuẩn này.
C. Gửi tàu
Điều 211. Trước khi cho tàu chạy, Trực ban chạy tàu ga phải xác nhận khu gian hoặc phân khu tiếp giáp (đối với đóng đường tự động) mà tàu sắp chạy vào đã thanh thoát và đã làm đầy đủ thủ tục đóng đường với Trực ban chạy tàu ga bên.
Điều 212. Trước khi cho tàu chạy vào khu gian, Trực ban chạy tàu ga phải:
1. Bảo đảm đường gửi tàu đã thanh thoát như quy định tại Điều 193 của Quy chuẩn này;
2. Đình chỉ công việc dồn có trở ngại đến việc gửi tàu theo thời hạn quy định tại Điều 194 của Quy chuẩn này;
3. Kiểm tra sự có mặt của Gác ghi khi tiễn tàu.
Điều 213. Trước khi giao chứng vật chạy tàu cho Lái tàu hoặc mở tín hiệu ra ga, Trực ban chạy tàu ga phải xác nhận chắc chắn:
1. Đường gửi tàu đã thanh thoát, các gác ghi có trách nhiệm tiễn tàu đã có mặt tại vị trí quy định;
2. Công việc dồn hoặc xếp dỡ hàng có trở ngại đến đường tàu chạy đã được đình chỉ;
3. Mọi điều kiện đảm bảo cho tàu chạy an toàn (móc nối, khám xe, thử hãm, hành khách, hành lý,…) đã được thực hiện xong.
Chứng vật chạy tàu (trừ biểu thị của tín hiệu ra ga) phải do Trực ban chạy tàu ga giao trực tiếp cho Lái tàu. Nếu ga có phụ Trực ban chạy tàu ga thì có thể do nhân viên này đảm nhiệm theo sự chỉ huy của Trực ban chạy tàu ga và được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Đối với chứng vật chạy tàu là thẻ đường và phiếu đường, khi giao cho tàu thông qua ga được phép giao trên cột giao nhận thẻ đường, còn các loại chứng vật chạy tàu là giấy phép phải bắt tàu dừng lại để giao cho Lái tàu.
Nếu ga không có cột giao nhận thẻ đường thì phải bắt tàu dừng lại để giao.
Khi cần giao cho Lái tàu các loại giấy tờ có liên quan đến việc chạy tàu mà phải ký nhận đều phải bắt tàu dừng lại để giao.
Điều 214. Ở ga sử dụng ghi quay tay, thủ tục và trình tự chuẩn bị đường gửi tàu tiến hành như sau:
1. Trực ban chạy tàu ga ra lệnh chuẩn bị đường.
Trước giờ gửi tàu 15 phút, Trực ban chạy tàu ga phải phổ biến cho Gác ghi biết kế hoạch gửi tàu và đặc điểm của tàu sẽ gửi đi, sau đó ra lệnh cho Gác ghi kiểm tra đường, ghi, đình chỉ dồn (nếu có). Sau khi đã quyết định đường gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga đứng vào giữa lòng đường, hướng về phía Gác ghi, làm tín hiệu tay phù hợp với số hiệu đường định khai thông.
Nếu ở chòi ghi có điện thoại Trực ban chạy tàu ga sử dụng điện thoại để ra lệnh chuẩn bị đường gửi tàu. Khi nghe gọi, Gác ghi trả lời: “Tôi ( xưng danh), Gác ghi phía…”.
Trực ban chạy tàu ga ra lệnh: “Chuẩn bị đường số … để tàu số … chạy”, Gác ghi nghe xong lệnh phải nhắc lại, Trực ban chạy tàu ga phải chú ý lắng nghe xem nhân viên này có gì chưa hiểu rõ hoặc còn thiếu sót thì phải giải thích hay bổ cứu ngay.
2. Gác ghi chấp hành mệnh lệnh.
Trước giờ gửi tàu 15 phút, Gác ghi phải có mặt ở khu vực ghi liên quan để nhận lệnh của Trực ban chạy tàu ga.
Khi nhận được tín hiệu khai thông đường của Trực ban chạy tàu ga, Gác ghi phải nhắc lại tín hiệu. Sau đó thực hiện lệnh đình chỉ dồn (nếu có), quay ghi để khai thông đường gửi tàu, kiểm tra đường, ghi bảo đảm chắc chắn an toàn, lấy chìa khoá trao cho Trực ban chạy tàu ga hoặc đưa vào thiết bị khống chế ở chòi ghi (nếu có) và làm tín hiệu báo cáo cho Trực ban chạy tàu ga.
Trực ban chạy tàu ga xác nhận lại bằng tín hiệu an toàn theo quy định tại Điều 81 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt.
Nếu ở chòi ghi có điện thoại, Gác ghi dùng điện thoại để báo cáo với Trực ban chạy tàu ga : “Tôi (xưng danh), Gác ghi phía … đã chuẩn bị xong đường số … để tàu số… chạy, công việc dồn đã đình chỉ”.
3. Trực ban chạy tàu ga kiểm tra đường.
Sau khi nhận được báo cáo của Gác ghi là đường gửi tàu đã chuẩn bị xong,
Trực ban chạy tàu ga phải kiểm tra lại lần cuối phía tàu ra ga về đường, ghi, sự có mặt của Gác ghi ở vị trí tiễn tàu, xác nhận và thu chìa khoá ghi; sau đó trở về vị trí của mình để làm thủ tục gửi tàu.
Nếu ở ga có đặt đài khống chế, Trực ban chạy tàu ga phải khống chế ghi.
4. Gác ghi tiễn tàu.
Gác ghi phải đứng ở vị trí theo quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga và làm tín hiệu tiễn tàu theo quy định tại Điều 76 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt.
Khi đoàn tàu chạy qua khu vực ghi, Gác ghi phải chú ý quan sát đoàn tàu. Khi tàu đã ra khỏi ghi cuối cùng, Gác ghi kiểm tra lại trạng thái ghi và xác nhận tàu đã ra ga nguyên vẹn, báo cáo Trực ban chạy tàu ga bằng tín hiệu an toàn theo quy định tại Điều 81 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt; sau đó nhận lại chìa khoá ghi ở Trực ban chạy tàu ga và quay ghi về định vị. Ở ga mà ghi được khống chế, sau khi nhận được báo cáo của Gác ghi về việc tàu đã ra khỏi ga, Trực ban chạy tàu ga trả tay bẻ khống chế tín hiệu về định vị và Gác ghi quay ghi về định vị.
Điều 215. Ở ga sử dụng ghi quay tay, khi cho tàu thông qua ga, Trực ban chạy tàu ga và Gác ghi phải chấp hành đầy đủ các trình tự và tác nghiệp quy định tại Điều 198 và Điều 214 của Quy chuẩn này. Trình tự về chuẩn bị đường, kiểm tra đường và ghi phải được tiến hành đối với phía tàu ra ga trước, phía tàu vào ga sau.
Điều 216. Khi sử dụng phương pháp đóng đường tự động, nếu cần liên tiếp cho một số tàu cùng chiều, cùng hướng thông qua ga, cấm Trực ban chạy tàu ga giải toả khống chế ghi.
Trước khi mỗi tàu thông qua, Trực ban chạy tàu ga phải xác nhận các ghi có liên quan vẫn ở vị trí cần thiết, đường tàu chạy vẫn thanh thoát, Gác ghi phải đứng đón và tiễn tàu theo quy định.
Chương 11.
CÔNG TÁC DỒN
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 217. Kế hoạch dồn phải được truyền đạt cho tất cả các nhân viên liên quan chính xác, kịp thời. Nếu mỗi đợt dồn có từ 5 cú dồn trở lên thì phải lập phiếu dồn và giao tận tay cho các nhân viên liên quan trước khi tiến hành dồn. Ở ga không có Trực ban đường, việc lập phiếu dồn do Nhân viên điều độ ga (nếu có) hoặc Trực ban chạy tàu ga đảm nhiệm.
Điều 218. Việc quay ghi trong lúc dồn do Gác ghi thực hiện theo phiếu dồn và chỉ thị của Trưởng dồn. Đối với ga sử dụng ghi điện điều khiển tập trung, việc quay ghi trong lúc dồn phải được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Khi dồn qua các ghi quay tay mà không có Gác ghi phụ trách, cho phép nhân viên tổ dồn được quay ghi theo chỉ thị của Trưởng dồn. Những ghi này và việc phân công điều khiển phải được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Khi quay ghi trên đường đón gửi tàu để tiến hành dồn phải được Trực ban chạy tàu ga cho phép.
Điều 219. Đoàn tàu, đầu máy, toa xe khi dồn trên đường trong ga cũng như trên đường nhánh, đường chuyên dùng phải dừng trong mốc tránh va chạm, trừ trường hợp dưới đây được tạm thời dừng phía ngoài mốc tránh va chạm:
1. Ở bãi dồn, toa xe dồn phóng từ dốc gù xuống chưa lọt vào mốc tránh va chạm không ảnh hưởng đến việc dồn vào đường khác nhưng sau đợt dồn nhất thiết phải điều chỉnh lại;
2. Ở bãi xếp dỡ, vì thiếu đường chứa xe hoặc khó khăn về địa điểm xếp dỡ mà toa xe phải tạm dừng ngoài mốc tránh va chạm nhưng không được làm trở ngại đến việc đón gửi tàu, dồn dịch bình thường. Trường hợp này phải phòng vệ phía đầu máy, toa xe có thể chạy vào.
Điều 220. Trước mỗi đợt dồn, Trưởng dồn phải thông báo kế hoạch dồn cho Gác ghi phía đối diện biết để theo dõi và áp dụng những biện pháp cần thiết như chèn, hãm, quay ghi nhằm ngăn ngừa toa xe trôi ra ngoài mốc tránh va chạm gây chẻ ghi, đâm sườn.
Các ghi ở cuối đường phải để ở vị trí không cho đầu máy, toa xe trôi ra ngoài khu gian, trôi vào bãi đón gửi hoặc vào đường có đầu máy, toa xe đang chiếm dụng, vào đường đang có toa xe sửa chữa hay đang xếp dỡ hàng.
Điều 221. Trước khi sử dụng chèn phải kiểm tra chèn ở trạng thái sử dụng tốt. Sau khi sử dụng, chèn phải được để vào nơi quy định ghi trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga. Chèn phải được sơn màu trắng để ban đêm dễ nhìn thấy.
Chèn có một trong những khuyết tật sau đây thì không được sử dụng:
1. Bàn đế chèn bị vênh, cong, nứt, rạn, mòn còn từ 4 mm trở xuống;
2. Lưỡi chèn bị sứt, mẻ, vênh, cong hay nứt;
3. Bàn chắn hình cong bị rạn nứt, độ dầy của bàn chắn bị mòn còn 5mm hoặc các mối hàn bị nứt;
4. Hai má chèn bị vênh cong và nứt hoặc rộng hơn mặt ray quá 10mm.
Điều 222. Cấm đặt chèn ở các địa điểm sau:
1. Trên mối nối ray và trước mối nối ray trong phạm vi 2m (trừ trường hợp mối nối đã được hàn);
2. Trên đường cong và trên phạm vi ghi;
3. Trường hợp không thể tránh đường cong quy định tại khoản 2 Điều này, trong lúc cần thiết thì được phép đặt chèn trên đường cong nhưng không được đặt trên ray phía lưng của đường cong.
Điều 223. Khi dồn không được vượt quá tốc độ quy định sau:
1. 25km/h khi kéo toa xe trên đường thanh thoát;
2. 15km/h khi đẩy toa xe trên đường thanh thoát hoặc không kể kéo hay đẩy toa xe khi chạy qua ghi vào đường rẽ;
3. 10km/h khi dồn toa xe có người ngồi (trừ người áp tải), toa xe xếp hàng quá khổ giới hạn, toa xe xếp hàng nguy hiểm;
4. 5km/h khi dồn đẩy tay;
5. 3km/h khi nối xe hoặc khi toa xe đang dồn đến gần toa xe khác, đến gần bục chắn hoặc khi đi qua cầu cân.
Điều 224. Khi dồn các toa xe có người ngồi, toa xe xếp hàng nguy hiểm, hàng quá khổ giới hạn hoặc máy móc tinh vi, hàng dễ vỡ, động vật sống, phải tiến hành hết sức thận trọng, không để xảy ra xung động mạnh. Riêng đối với toa xe chở chất nổ, chất dễ cháy, chất độc, toa xi téc chở khí hoá lỏng, toa có mui xếp hàng nguy hiểm, toa xi téc rỗng đã lấy thể khí hoá lỏng nhưng chưa rửa sạch, khi dồn còn phải dùng toa đệm như quy định tại Điều 207 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt.
Điều 225. Khi nối toa, tổ dồn và Lái tàu phải chấp hành tín hiệu báo khoảng cách nối toa quy định tại khoản 3 Điều 79 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt. Khi làm tín hiệu báo khoảng cách nối toa, nếu không thấy Lái tàu báo tín hiệu chấp hành hoặc có nhưng không giảm tốc độ theo quy định thì Trưởng dồn phải làm tín hiệu đó và trong trường hợp cần thiết có thể bắt đoàn dồn dừng lại để yêu cầu Lái tàu dồn đúng quy định.
Ngoài ra, trước khi nối toa, Nhân viên ghép nối đầu máy – toa xe phải nhấc cần mở lưỡi móc ở mối nối.
Điều 226. Trường hợp cần lắp hàm nối ống mềm và cúp – lơ dây điện trong khi dồn, Nhân viên ghép nối đầu máy – toa xe phải kiểm tra chốt lưỡi móc tự động, làm tín hiệu cho đoàn dồn nhích lên để xác định chốt lưỡi móc đã sập an toàn mới được lắp hàm nối ống mềm và cúp – lơ dây điện, sau đó mở khoá ngắt gió đầu xe phía đoàn xe trước, phía đầu máy sau.
Điều 227. Trình tự công tác của Nhân viên ghép nối đầu máy – toa xe khi cắt toa xe:
1. Đóng khoá ngắt gió đầu xe (đóng phía đầu máy trước);
2. Tháo hàm nối ống mềm và treo vào chỗ quy định;
3. Tháo cúp – lơ dây điện nối liền các toa (nếu có) và treo vào chỗ quy định;
4. Kéo cần nhấc chốt lưỡi móc tự động lên.
Sau đó làm tín hiệu an toàn để Trưởng dồn tiếp tục chỉ huy công tác dồn.
Điều 228. Cấm tiến hành dồn các toa xe trong đoàn dồn khi chưa treo hàm nối ống mềm vào chỗ quy định.
Điều 229. Trước khi nhận ban, tổ dồn phải kiểm tra, nắm vững tình hình đầu máy, toa xe hiện có trong khu vực mình phụ trách, tình hình thiết bị, tình hình chiếm dụng đường và số lượng chèn phân bổ trong khu vực.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn lao động và an toàn chạy tàu, trưởng dồn còn phải kiểm tra việc chuẩn bị dụng cụ làm việc, dụng cụ phòng hộ lao động của các nhân viên tổ dồn.
Điều 230. Trước khi tiến hành dồn, Trưởng dồn phải thực hiện các công việc sau đây :
1. Phổ biến cho tất cả các nhân viên tham gia công tác dồn (kể cả ban lái tàu) kế hoạch dồn và trình tự tiến hành. Trường hợp có phiếu dồn phải giao phiếu dồn cho các nhân viên liên quan;
2. Xác nhận tất cả các nhân viên tham gia tổ dồn (kể cả ban lái tàu) đã đầy đủ, ở đúng vị trí quy định và đã nắm được kế hoạch dồn.
Điều 231. Khi tiến hành dồn, Trưởng dồn phải thực hiện các quy định sau:
1. Đứng ở vị trí đảm bảo tầm nhìn tốt nhất đối với đoàn dồn, Lái tàu và nhân viên trong tổ dồn;
2. Khi dồn đoàn xe dài trên đường cong hoặc khi tầm nhìn hạn chế (sương mù, địa hình che khuất…) phải bố trí nhân viên làm tín hiệu truyền;
3. Không cho đầu máy chuyển dịch khi chưa làm tín hiệu xin đường với Gác ghi và chưa nhận được tín hiệu an toàn của Gác ghi cũng như chưa xác nhận chắc chắn là việc cắt hoặc nối toa xe đã hoàn thành, các ghi liên quan đã đúng chiều, đường đoàn dồn cần chuyển dịch đã thanh thoát;
4. Làm tín hiệu kịp thời cho Lái tàu, các nhân viên trong tổ dồn, Gác ghi;
5. Khi dồn vào bãi xếp dỡ, phải xác nhận không có hàng hoá hoặc thiết bị khác vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt, đã đình chỉ xếp dỡ, trên toa xe không còn công nhân xếp dỡ và hàng hoá đã cân bằng, ổn định, không còn tín hiệu phòng vệ;
6. Phải khẩn trương chấp hành khi có lệnh đình chỉ dồn.
Điều 232. Nhân viên ghép nối đầu máy – toa xe trong tổ dồn có nhiệm vụ nghiêm chỉnh chấp hành kế hoạch dồn và mệnh lệnh của Trưởng dồn. Ngoài ra khi dồn còn phải thực hiện những quy định sau:
1. Khi cắt, nối toa xe phải tuyệt đối chấp hành trình tự quy định tại các Điều 225 và Điều 227 của Quy chuẩn này;
2. Khi đầu máy dồn đẩy đoàn xe, phải đứng ở toa xe đầu tiên theo hướng đoàn dồn dịch chuyển để xác nhận các ghi liên quan đã đúng chiều, làm tín hiệu truyền cho Trưởng dồn, đồng thời phát hiện chướng ngại để kịp thời bắt đoàn dồn dừng lại.
Điều 233. Nhiệm vụ của Lái tàu trong khi dồn:
1. Chấp hành chính xác, khẩn trương các tín hiệu, chỉ thị nhận được;
2. Chú ý theo dõi chiều hướng ghi, các chướng ngại trên đường dồn;
3. Bảo đảm an toàn công tác dồn và an toàn lao động;
4. Không được chuyển dịch đầu máy khi chưa có tín hiệu của Trưởng dồn. Nếu tín hiệu không rõ ràng, phải yêu cầu báo lại (trường hợp đang dồn, cần thiết có thể dừng đoàn dồn lại);
5. Đối với ghi điện điều khiển tập trung hoặc ở bãi dồn có đặt tín hiệu dồn tàu đèn màu, phải chú ý trạng thái biểu thị của tín hiệu này;
6. Khi đẩy đoàn xe, phải thường xuyên kéo còi cảnh giác và chú ý tín hiệu của trưởng dồn để điều chỉnh tốc độ thích hợp và kịp thời dừng khi cần thiết.
Điều 234. Thông thường mỗi bãi dồn chỉ bố trí một máy dồn hoạt động. Nếu ở ga có khối lượng dồn lớn, cần phải cho nhiều máy dồn hoạt động, trong một bãi dồn phải cử người chỉ huy chung và phải được quy định trong trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Điều 235. Trong trường hợp cần thiết mà không tìm được người có chức danh Trực ban chạy tàu ga, Trưởng tàu để đi tàu thì cho phép cử Trưởng dồn thay làm Trưởng tàu nhưng phạm vi không được quá một khu gian.
Điều 236. Khi cắt toa xe trên đường cụt phải để toa xe cách bục chắn ít nhất là 12m; cấm dồn phóng và thả trôi toa xe vào các đường này.
Điều 237. Trưởng ga, Trưởng trạm phải căn cứ vào tình hình thực tế và khối lượng công tác để quy định trình tự, biện pháp công tác dồn trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
MỤC 2. DỒN TRONG PHẠM VI GA
Điều 238. Khi cần dồn ở ga nằm trên độ dốc quá 2,50/00 cũng như ở ga mà đường từ ghi ra khu gian có độ dốc quá 2,50/00 khi không có đường rút dồn phải:
1. Tiến hành dồn đẩy với đầu máy nối phía dưới dốc;
2. Nếu không thể làm như vậy, thì bắt buộc phải nối tất cả hãm tự động của đoàn dồn và phải thử hãm trước khi dồn.
Điều 239. Việc dồn trên đường chính hoặc trên đường đón gửi tàu, việc cho đầu máy dồn hoặc đoàn dồn từ bãi này sang bãi khác phải được Trực ban chạy tàu ga cho phép. Việc chuyển dịch nói trên cũng như việc đầu máy ra vào kho, thủ tục liên hệ và biện pháp bảo đảm an toàn chạy tàu phải được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Điều 240. Việc dồn trên các đường chuyên dùng không do ga quản lý (các đường của xí nghiệp đầu máy, xí nghiệp toa xe, của các công ty, nhà máy…) chỉ được tiến hành khi đã được đơn vị quản lý cho phép.
Trường hợp đường chuyên dùng có máy dồn riêng, công việc dồn tại đó do đơn vị quản lý đảm nhiệm. Việc giao nhận toa xe cũng như việc đưa lấy toa xe trong trường hợp này được tiến hành ở địa điểm phân giới; địa điểm này được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga và trong hợp đồng khai thác đường chuyên dùng.
Điều 241. Việc giao nhận đầu máy giữa ga và trạm đầu máy phải tiến hành ở địa điểm phân giới giữa ga và trạm được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga. Giờ đầu máy ra vào kho phải được nhân viên dẫn máy của ga, của trạm đầu máy và Trưởng dồn (đối với máy dồn) ghi vào sổ giao nhận và yêu cầu bên nhận máy ký tên xác nhận.
Điều 242. Khi ga có thi công sửa chữa đường hoặc thiết bị khác, việc chuyển dịch các tàu công trình, máy làm đường và các phương tiện tự chạy khác trong phạm vi địa điểm thi công do người chỉ huy thi công điều khiển. Khi di chuyển các tàu hoặc các phương tiện nói trên ra ngoài địa điểm thi công phải được sự đồng ý và hướng dẫn của Trực ban chạy tàu ga.
Điều 243. Trước khi kéo toa xe ở các đường trong bãi dồn ra đường rút dồn hoặc vào bãi gửi tàu, tổ dồn có nhiệm vụ xác định đã lấy hết chèn, các chốt lưỡi móc đã sập. Khi chuyển dịch các toa xe có xếp hàng đặc biệt, nguy hiểm, quá khổ, Trưởng dồn phải kiểm tra xác định bảo đảm an toàn, không trở ngại trong quá trình di chuyển.
MỤC 3. DỒN RA NGOÀI GIỚI HẠN GA VÀ TRÊN ĐƯỜNG NHÁNH TRONG KHU GIAN
Điều 244. Khi cần dồn ra ngoài giới hạn ga (trừ ga có bố trí tín hiệu dồn ra ngoài giới hạn ga) và khi dồn tại đường nhánh trong khu gian phải được lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu cho phép và được sự đồng ý của Trực ban chạy tàu ga bên. Khi tổ chức dồn phải giao cho Lái tàu bằng chứng cho phép chiếm dụng khu gian.
Trường hợp điện thoại điều độ không thông, Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian làm thủ tục dồn và ghi sự việc vào sổ nhật ký chạy tàu ga. Sau khi khôi phục điện thoại với điều độ, Trực ban chạy tàu ga dồn tàu báo cáo lại cho Nhân viên điều độ chạy tàu.
A. Dồn ra ngoài giới hạn ga
Điều 245. Thủ tục, điều kiện tiến hành và bằng chứng cho phép dồn ra ngoài giới hạn ga (trừ trường hợp dồn theo đuôi tàu chạy trước) trong từng phương pháp đóng đường quy định như sau:
1. Đóng đường tự động.
Chỉ được tiến hành dồn khi ga đang ở hướng gửi tàu và phân khu tiếp giáp đã thanh thoát. Ngoài việc mở tín hiệu ra ga, Trực ban chạy tàu ga còn phải giao cho Lái tàu thẻ hình chìa khoá và Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ nội dung dồn ra ngoài giới hạn ga.
Nếu không có thẻ hình chìa khoá hoặc dồn từ đường không có cột tín hiệu ra ga, phải đình chỉ sử dụng đóng đường tự động, chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín; thủ tục và điều kiện dồn tiến hành theo quy định tại khoản 4 của Điều này.
Khi sử dụng đóng đường tự động, cấm kết hợp dồn ra ngoài giới hạn ga với việc gửi tàu sang ga bên.
2. Đóng đường nửa tự động.
3. Chỉ được tiến hành khi khu gian thanh thoát, sau khi làm thủ tục đóng đường gửi tàu và đã được ga bên đồng ý. Ngoài việc mở tín hiệu ra ga, Trực ban chạy tàu ga còn phải giao cho Lái tàu thẻ hình chìa khoá và Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ nội dung dồn ra ngoài giới hạn ga.
Nếu không có thẻ hình chìa khoá hoặc dồn từ đường không có cột tín hiệu ra ga, phải đình chỉ sử dụng đóng đường nửa tự động, chuyển sang dùng phương pháp đóng đường bằng điện tín; thủ tục và điều kiện dồn tiến hành theo quy định tại khoản 4 của Điều này.
Khi sử dụng đóng đường nửa tự động, cấm kết hợp dồn ra ngoài giới hạn ga với việc gửi tàu sang ga bên.
3. Đóng đường bằng máy thẻ đường.
Chỉ được tiến hành khi khu gian thanh thoát. Thủ tục xin đường dồn quy định như sau:
Trực ban chạy tàu ga cần tiến hành dồn, xin đường theo mẫu: “Xin đường dồn ra ngoài cột tín hiệu vào ga phía …từ…giờ… phút đến… giờ….phút. Nhân viên điều độ chạy tàu đã cho phép dồn theo mệnh lệnh số…” (bỏ câu cuối cùng trong trường hợp điện thoại điều độ không thông).
Nếu không có tàu sắp chạy vào khu gian, Trực ban chạy tàu ga bên trả lời:
“Đồng ý cho ga … dồn ra ngoài cột tín hiệu vào ga phía…từ…giờ… phút đến… giờ….phút”; sau đó phát điện cho Trực ban chạy tàu ga xin đường dồn lấy thẻ đường để dồn.
Ngoài việc giao thẻ đường, Trực ban chạy tàu ga còn phải cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho Lái tàu ghi rõ nội dung dồn ra ngoài giới hạn ga.
Trường hợp dồn một đoàn tàu ra ngoài giới hạn ga mà sau khi dồn đoàn tàu sẽ chạy sang ga bên, cho phép Trực ban chạy tàu ga xin đường dồn kết hợp với xin đường gửi tàu theo mẫu sau: “Xin đường dồn ra ngoài cột tín hiệu vào ga phía… từ… giờ… phút đến …giờ … phút. Dồn xong tàu này sẽ tiếp tục chạy đến ga…. Nhân viên điều độ chạy tàu đã cho phép tại mệnh lệnh số…” (bỏ câu cuối cùng trong trường hợp điện thoại điều độ không thông).
Nếu không có tàu sắp chạy vào khu gian, Trực ban chạy tàu ga bên trả lời “Đồng ý cho ga … dồn ra ngoài cột tín hiệu vào ga phía … từ… giờ… phút đến …giờ … phút”; sau đó phát điện cho Trực ban chạy tàu ga xin đường dồn lấy thẻ đường.
Ngoài việc giao thẻ đường, Trực ban chạy tàu ga còn phải cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho Lái tàu ghi rõ nội dung dồn ra ngoài giới hạn ga.
Việc xin đường dồn kết hợp với xin đường gửi tàu chỉ được phép tiến hành khi thời gian dồn ra ngoài giới hạn ga không quá 30 phút. Nếu thời gian này quá 30 phút thì phải chia làm 2 giai đoạn riêng biệt với thủ tục sau :
a) Giai đoạn dồn ra ngoài giới hạn ga và áp dụng các thủ tục về dồn;
b) Giai đoạn gửi tàu sang ga bên và áp dụng thủ tục xin đường gửi tàu.
4. Đóng đường bằng điện tín.
Chỉ được tiến hành khi khu gian thanh thoát. Thủ tục xin đường dồn quy định như sau:
Trực ban chạy tàu ga xin đường dồn theo mẫu: “Xin đường dồn ra ngoài cột tín hiệu vào ga phía …từ…giờ… phút đến… giờ….phút. Nhân viên điều độ chạy tàu đã cho phép dồn theo mệnh lệnh số…” (bỏ câu cuối cùng trong trường hợp điện thoại điều độ không thông).
Trực ban chạy tàu ga ký tên.
Nếu không có tàu sắp chạy vào khu gian, Trực ban chạy tàu ga bên trả lời:
“Đồng ý cho ga … dồn ra ngoài cột tín hiệu vào ga phía …từ…giờ… phút đến… giờ….phút”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên.
Căn cứ vào điện tín cho đường của ga bên, Trực ban chạy tàu ga xin đường dồn ghi vào phiếu đường, giao cho Lái tàu kèm với Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ nội dung dồn ra ngoài giới hạn ga.
Trường hợp kết hợp việc xin đường dồn với xin đường gửi tàu, Trực ban chạy tàu ga xin đường theo mẫu sau: “Xin đường dồn ra ngoài cột tín hiệu vào ga phía … từ … giờ… phút đến … giờ…. phút. Dồn xong tàu này sẽ tiếp tục chạy đến ga … Nhân viên điều độ chạy tàu đã cho phép theo mệnh lệnh số…” (bỏ câu cuối cùng trong trường hợp điện thoại điều độ không thông).
Trực ban chạy tàu ga ký tên.
Nếu không có tàu sắp chạy vào khu gian, Trực ban chạy tàu ga bên trả lời:
“Đồng ý đón tàu số… tàu này có dồn ra ngoài cột tín hiệu vào ga phía… từ… giờ… phút đến… giờ phút…”.
Trực ban chạy tàu ga ký tên.
Căn cứ vào điện tín cho đường của ga bên, Trực ban chạy tàu ga xin đường dồn ghi vào phiếu đường, giao cho Lái tàu kèm với Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) ghi rõ nội dung dồn ra ngoài giới hạn ga.
Việc xin đường dồn kết hợp với xin đường gửi tàu chỉ được phép tiến hành khi thời gian dồn ra ngoài giới hạn ga không quá 30 phút. Nếu thời gian này quá 30 phút thì phải chia làm 2 giai đoạn riêng biệt như quy định tại khoản 3 của Điều này.
5. Đóng đường bằng thông tri.
Cấm dồn ra ngoài giới hạn ga khi sử dụng phương pháp đóng đường bằng thông tri.
Điều 246. Khi cần dồn ra ngoài cột tín hiệu vào ga theo đuôi một tàu chạy trước (trừ trường hợp đóng đường tự động), Trực ban chạy tàu ga phải báo cáo với Nhân viên điều độ chạy tàu. Khi thấy không có trở ngại, Nhân viên điều độ chạy tàu phát mệnh lệnh theo mẫu.
“Mệnh lệnh số… lúc… giờ.. phút, ngày… tháng… năm…, cho phép tàu số… (hoặc đoàn dồn) dồn ra ngoài giới hạn ga… phía… theo đuôi tàu số… ga… cấp cảnh báo cho Lái tàu của tàu số… chạy trước biết: cấm lùi vào phạm vi cột tín hiệu báo trước của cột tín hiệu vào ga vì có tàu dồn theo đuôi”.
Nếu tàu chạy trước bị dừng trong phạm vi từ cột tín hiệu vào ga đến cột tín hiệu báo trước của cột tín hiệu vào ga đó, Trưởng tàu của tàu chạy trước phải tiến hành phòng vệ ngay.
Sau khi nhận được lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu, Trực ban chạy tàu ga cấp cảnh báo cho tàu chạy trước theo mẫu trên, cấp bản sao mệnh lệnh điều độ cho lái tàu, trưởng tàu (nếu có) của tàu dồn, đồng thời báo cho Trực ban chạy tàu ga bên bằng điện tín: “Sau tàu số… có tàu số… (hoặc đoàn dồn) dồn theo đuôi”.
Việc dồn theo đuôi chỉ được tiến hành sau khi tàu chạy trước đã chạy được 5 phút. Cự ly di chuyển của tàu dồn (hoặc đoàn dồn) vào khu gian không được vượt quá 800 m kể từ cột tín hiệu vào ga.
Ngoài việc giao bản sao lệnh điều độ, Trực ban chạy tàu ga còn phải giao cảnh báo cho Lái tàu theo mẫu: “Dồn ra ngoài giới hạn ga, theo đuôi tàu số… rồi trở về ga trước … giờ… phút”.
Thời gian tàu dồn hoặc đoàn dồn quay về ga chậm nhất là cùng thời điểm với giờ quy định đến ga bên của tàu chạy trước.
Sau khi tàu dồn hoặc đoàn dồn đã trở về ga, Trực ban chạy tàu ga phải báo cho Nhân viên điều độ chạy tàu và Trực ban chạy tàu ga bên bằng điện tín sau: “Tàu dồn số… (hoặc đoàn dồn) đã trở về ga lúc … giờ… phút”.
Điều 247. Cấm dồn theo đuôi tàu chạy trước trong các trường hợp sau:
1. Khi áp dụng phương pháp đóng đường tự động;
2. Khi tàu chạy trước có máy đẩy vào khu gian rồi quay về ga;
3. Khi đã đồng ý cho Trực ban chạy tàu ga bên dùng thẻ đường phản hồi;
4. Ở các khu gian đặc biệt;
5. Ở ga mà trong phạm vi 800 m tính từ cột tín hiệu vào ga ra khu gian có độ dốc trên 60/00 (kể cả dốc lên, dốc xuống) và phải được quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
B. Dồn ở đường nhánh trong khu gian
Điều 248. Khi tàu đi dồn ở đường nhánh, trước khi làm thủ tục đóng đường, Trực ban chạy tàu ga phải báo cáo và được phép của Nhân viên điều độ chạy tàu. Trường hợp dồn ở đường nhánh không có trạm bổ trợ, Nhân viên điều độ chạy tàu phải căn cứ vào tình hình chạy tàu thực tế, quy định thời gian dồn và thời gian quay về ga hoặc chạy đến ga bên để Trực ban chạy tàu ga cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho Lái tàu, Trưởng tàu.
Điều 249. Khi tàu đi dồn ở đường nhánh hoặc khi từ đường nhánh trở về ga hay chạy sang ga bên, nếu tổ chức chạy lùi, Trưởng tàu phải đứng ở toa đầu tiên theo hướng tàu chạy lùi làm tín hiệu chạy lùi cho Lái tàu. Trong khi lùi, Trưởng tàu phải quan sát quãng đường phía trước, chú ý các địa điểm thi công, cầu chung, đường ngang, đường giao cắt… và làm ngay tín hiệu ngừng cho Lái tàu khi thấy trở ngại. Trường hợp cần thiết có thể sử dụng van khẩn cấp (nếu có) để bắt tàu dừng.
Tốc độ chạy lùi không được vượt quá 15 km/h.
Đối với các đường nhánh không có trạm bổ trợ, trước khi cho tàu rời khỏi đường nhánh, Trưởng tàu phải kiểm tra, xác nhận việc chèn hãm toa xe đã đúng quy định, ghi đã quay về định vị và lưỡi ghi đã áp sát ray cơ bản.
Tốc độ dồn trong đường nhánh phải chấp hành đúng tốc độ quy định trong Biệt lệ (nếu có) đối với đường nhánh này.
Điều 250. Trước khi cho đầu máy, toa xe từ đường nhánh có trạm bổ trợ ra đường chính trong khu gian để dồn, Trực ban chạy tàu trạm phải báo cho Trực ban chạy tàu ga A yêu cầu phong toả khu gian.
Hình 3
Sơ đồ đường nhánh trong khu gian có đặt trạm bổ trợ có người quản lý
Nhận được yêu cầu trên, Trực ban chạy tàu ga A phải báo cáo với Nhân viên điều độ chạy tàu để làm thủ tục phong toả khu gian như quy định tại Điều 119 của Quy chuẩn này, sau khi đã kiểm tra xác nhận khu gian thanh thoát. Nếu điện thoại điều độ không thông, Trực ban chạy tàu ga A phải báo cho Trực ban chạy tàu ga B, cùng nhau xác nhận khu gian thanh thoát và làm thủ tục phong toả khu gian như quy định tại Điều 120 của Quy chuẩn này.
Điện tín phong toả khu gian phải đồng điện cho Trực ban chạy tàu trạm đường nhánh.
Sau khi nhận được điện tín phong toả khu gian, Trực ban chạy tàu trạm cấp cho Lái tàu Giấy phép vạch chéo đỏ (theo mẫu số 5 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) và Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) trong đó ghi rõ phạm vi đoàn dồn được phép chuyển dịch và những điều cần thiết khác. Đoàn dồn chỉ được chuyển dịch trong phạm vi khoảng cách giữa 2 biển báo trạm.
Việc chuyển dịch đầu máy, toa xe giữa đường nhánh và đường chính phải tiến hành theo biện pháp và tín hiệu dồn quy định. Sau khi dồn xong, đường chính đã thanh thoát, ghi đã khoá theo định vị, Trực ban chạy tàu trạm điện báo cho Trực ban chạy tàu ga A để giải toả khu gian, theo mẫu: “Công việc dồn đã xong lúc… giờ…. phút, khu gian thanh thoát, yêu cầu giải toả khu gian”.
Nhận được điện tín trên, Trực ban chạy tàu ga A báo cáo Nhân viên điều độ chạy tàu để làm thủ tục giải toả khu gian như quy định tại Điều 128 của Quy chuẩn này. Nếu điện thoại điều độ không thông, Trực ban chạy tàu ga A báo cho Trực ban chạy tàu ga B biết và cùng nhau làm thủ tục giải toả khu gian như quy định tại Điều 129 của Quy chuẩn này.
MỤC 4. DỒN ĐẨY TAY
Điều 251. Khi cần dồn đẩy tay, phải chấp hành những biện pháp cần thiết như sau:
1. Chỉ huy việc dồn đẩy tay:
a) Ở ga, có thể do Trực ban chạy tàu ga trực tiếp điều khiển hoặc do phụ Trực ban chạy tàu ga, Trưởng dồn điều khiển theo lệnh của Trực ban chạy tàu ga;
b) Ở đường nhánh hoặc các đường chuyên dùng do nhân viên phụ trách tại địa điểm đó điều khiển.
2. Các toa xe dồn đẩy tay phải có hãm tay tốt. Trước khi dồn đẩy, phải thử hãm tay và bố trí nhân viên phụ trách các hãm đó;
3. Tốc độ di chuyển của các toa xe không được quá 5km/h;
4. Mỗi lần dồn không quá một toa nặng hoặc hai toa rỗng, các toa xe khi dồn đẩy tay phải nối liền nhau;
5. Khi dồn đẩy, những nhân viên tham gia đẩy toa phải đi theo dọc hai bên của toa xe; không được đi trên đường ray hoặc đi vào chỗ hai toa nối nhau và phải tăng cường chú ý để kịp thời tránh những chướng ngại vật như đường có ke cao, các cửa kho, cần ghi, biển ghi, toa xe đỗ song song với đường dồn.
Điều 252. Cấm dồn đẩy tay trong trường hợp sau:
1. Trên đường có độ dốc quá 2,5‰;
2. Khi thời tiết không tốt cũng như khi thiếu dụng cụ chèn, hãm;
3. Khi hãm tay của toa xe hỏng;
4. Dùng toa xe này đấm vào toa xe khác để khởi động hoặc lấy đà;
5. Ban đêm mà địa điểm dồn đẩy tay không có đầy đủ ánh sáng.
Điều 253. Ở ga có trang bị tời chuyên dùng hoặc các dụng cụ cơ giới chuyên dùng cho việc dồn thì trình tự và biện pháp dồn bằng các phương tiện này quy định trong Quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
Chương 12.
CÔNG TÁC ĐIỀU ĐỘ CHẠY TÀU
Điều 254. Việc chạy tàu trên một khu đoạn chỉ do một Nhân viên điều độ chạy tàu chỉ huy.
Những mệnh lệnh của cấp trên hoặc của người lãnh đạo trực tiếp của Nhân viên điều độ chạy tàu phải được thực hiện thông qua Nhân viên điều độ chạy tàu chạy tàu.
Tất cả nhân viên đường sắt công tác trên khu đoạn phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu.
Điều 255. Nhân viên điều độ chạy tàu có trách nhiệm thực hiện tốt Biểu đồ chạy tàu trong khu đoạn mình phụ trách, cụ thể là:
1. Kiểm tra các ga về việc thi hành Biểu đồ chạy tàu và kế hoạch lập tàu;
2. Kịp thời ra mệnh lệnh cần thiết cho các Trực ban chạy tàu ga, Lái tàu, Trưởng tàu,… (trực tiếp hoặc thông qua Trực ban chạy tàu ga);
3. Áp dụng mọi biện pháp để ngăn ngừa những thiếu sót, vi phạm để khôi phục BĐCT;
4. Thường xuyên chỉ huy, kiểm tra tàu đi, đến ở các ga, tránh, vượt nhau và tàu chạy trong khu đoạn, đồng thời tìm mọi cách bảo đảm an toàn chạy tàu.
Điều 256. Khi bắt đầu lên ban, Nhân viên điều độ chạy tàu phải gọi tất cả các ga trong khu đoạn để kiểm tra việc lên ban của Trực ban chạy tàu ga và đối chiếu giờ đồng hồ ở các ga, nắm tình hình từng ga, kiểm tra lại các Cảnh báo còn hiệu lực và những chỉ thị cần thiết khác.
Điều 257. Nhân viên điều độ chạy tàu phải nhận báo cáo của các ga về tàu đến, đi, thông qua của từng tàu, kẻ hành trình tàu chạy thực tế vào Biểu đồ chạy tàu với số liệu cần thiết và nguyên nhân vi phạm.
Trên Biểu đồ chạy tàu thực tế, Nhân viên điều độ chạy tàu phải ghi:
1. Số hiệu tàu, đầu máy, thành phần, tổng trọng đoàn tàu, tên lái tàu và trưởng tàu;
2. Những số liệu về vận dụng đầu máy;
3. Tình hình toa xe tác nghiệp hàng hoá, xe rỗng, xe đang sửa chữa, xe chờ sửa chữa, xe hỏng, xe chờ vận dụng ở các ga theo định kỳ báo cáo;
4. Tình hình toa xe, đầu máy chiếm dụng đường đón gửi ở các ga;
5. Tàu hỗn hợp, tàu có xếp hàng đặc biệt, hàng nguy hiểm, hàng quá khổ giới hạn (ghi mực đỏ cấp quá khổ), tàu quá dài, quá tải và tàu cần có điều kiện chạy đặc biệt khác;
6. Việc phong toả khu gian cũng như những sự việc trở ngại khác…, tai nạn liên quan đến chạy tàu.
Điều 258. Tất cả những mệnh lệnh phải do Nhân viên điều độ chạy tàu ra lệnh trực tiếp cho Trực ban chạy tàu ga. Trực ban chạy tàu ga truyền đạt cho các nhân viên khác có liên quan. Những mệnh lệnh phải đăng ký vào Sổ đăng ký lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 10 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) được quy định tại Điều 259 của Quy chuẩn này và Trực ban chạy tàu ga phải đăng ký vào Sổ đăng ký lệnh nhận của Nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 11 tại Phụ bản của Quy chuẩn này).
Điều 259. Những mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu về các việc dưới đây phải được đăng ký vào Sổ đăng ký lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 10 tại Phụ bản của Quy chuẩn này):
1. Phong toả và giải toả khu gian;
2. Chuyển từ phương pháp đóng đường này sang phương pháp đóng đường khác;
3. Tàu quá dài, bội tải, tàu hỗn hợp, tàu có toa xe xếp hàng đặc biệt, hàng nguy hiểm hoặc hàng quá khổ giới hạn;
4. Đón, gửi tàu khách, tàu hỗn hợp trên đường không quy định đón gửi tàu;
5. Lập thêm tàu và bãi bỏ tàu so với Biểu đồ chạy tàu;
6. Cho tàu dồn theo đuôi một tàu khác, tàu dừng để làm việc trong khu gian;
7. Tàu cứu viện, đầu máy cứu viện, tàu công trình… vào khu gian phong toả;
8. Giảm tốc độ chạy tàu khi đoàn tàu đó cần phải giảm tốc độ; mệnh lệnh bổ sung cảnh báo;
9. Mở hoặc bỏ trạm tạm thời trong khu gian, thay đổi địa điểm cấp nước đầu máy, toa xe, cắt đầu máy ghép nếu trước khi qua cầu không được phép nối đầu máy liền nhau;
10. Chỉ định Người chỉ huy chạy tàu trong khu gian có nhiều tàu cứu viện, nhiều tàu công trình theo quy định Điều 165 của Quy chuẩn này và những mệnh lệnh mà Nhân viên điều độ chạy tàu cần lưu trữ.
Điều 260. Khi nhận mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu, Trực ban chạy tàu ga phải ghi vào Sổ đăng ký lệnh nhận của Nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 11 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) và nhắc lại từng chữ cho Nhân viên điều độ chạy tàu nghe, đồng thời báo họ tên và giờ nhận.
Sau khi nghe mệnh lệnh đã được nhận đúng, Nhân viên điều độ chạy tàu xác nhận, ghi tên người nhận và giờ phát.
Mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu phải do chính Trực ban chạy tàu ga trực tiếp nhận.
Khi đọc mệnh lệnh cho một số ga cùng một lúc, Nhân viên điều độ chạy tàu chỉ định một trong các Trực ban chạy tàu ga nhắc lại, các Trực ban chạy tàu ga khác chú ý đối chiếu cho đúng.
Điều 261. Trong các trường hợp dưới đây, Nhân viên điều độ chạy tàu phải ra mệnh lệnh phong toả khu gian:
1. Căn cứ Giấy phép cho phép phong toả khu gian của Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt hoặc người được uỷ quyền theo kế hoạch cho trước. Đối với đường sắt chuyên dùng là giấy phép cho phép phong tỏa khu gian của Giám đốc doanh nghiệp quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng;
2. Khi có yêu cầu cứu viện hoặc khi được báo trong khu gian có chướng ngại, hư hỏng đường, cầu, hầm, công trình, thiết bị, đe doạ an toàn chạy tàu (Nhân viên điều độ chạy tàu nhận thông tin này phải đăng ký, lưu trữ trong Sổ nhận điện tín của Nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 13 tại Phụ bản của Quy chuẩn này).
Mệnh lệnh phong toả khu gian theo mẫu ” Mệnh lệnh số….vì………(lý do phong toả) khu gian giữa ga… và ga… phong toả từ…. giờ…..phút đến ……giờ… phút. Cấm tàu chạy, trừ tàu cứu viện, tàu công trình được gửi vào khu gian để …”.
Nhân viên điều độ chạy tàu ký tên
Điều 262. Trong mọi trường hợp, mệnh lệnh phong toả khu gian phải do Trực ban chạy tàu ga trực tiếp nhận. Nếu một ga đầu khu gian thuộc sự chỉ huy của Nhân viên điều độ chạy tàu khác thì hai Nhân viên điều độ chạy tàu này phải thoả thuận và chuyển nội dung mệnh lệnh phong toả cho nhau.
Điều 263. Sau khi nhận được báo cáo và xác nhận khu gian thanh thoát như quy định tại các Điều 128, 129, 146 của Quy chuẩn này, Nhân viên điều độ chạy tàu ra lệnh giải toả khu gian theo mẫu:
“Mệnh lệnh số….bãi bỏ mệnh lệnh số……ngày……..tháng ……năm…., khu gian giữa ga……….và ga…… giải toả để chạy tàu kể từ …. giờ….phút”. Nhân viên điều độ chạy tàu ký tên.
Nhân viên điều độ chạy tàu phải ghi, lưu trữ việc giải toả khu gian trong Sổ đăng ký lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 10 tại Phụ bản của Quy chuẩn này).
Điều 264. Khi cần thiết cho tàu dừng trong khu gian, tàu đến làm việc ở đường nhánh, Nhân viên điều độ chạy tàu phải ra lệnh cho Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian cho phép gửi tàu, trong đó phải quy định địa điểm dừng, thời gian làm việc và thời hạn về đến ga (trừ tàu công trình gửi vào khu gian phong toả để tiến hành thi công thì theo mệnh lệnh phong toả khu gian và sự hướng dẫn của người chỉ huy thi công).
Điều 265. Khi nhận được yêu cầu cứu viện, Nhân viên điều độ chạy tàu phải ra lệnh cho đội cứu viện và cho ga được chỉ định lập tàu cứu viện (mệnh lệnh được đồng gửi cho các đơn vị khác có liên quan).
Sau khi tàu cứu viện chuẩn bị xong, Nhân viên điều độ chạy tàu ra lệnh cứu viện như quy định tại Chương VI của Quy chuẩn này.
Điều 266. Sau khi nhận được báo cáo của Trực ban chạy tàu ga về việc mất tác dụng của thiết bị đóng đường chạy tàu cũng như khi nhận được báo cáo về sự phục hồi tác dụng của thiết bị đóng đường chạy tàu, Nhân viên điều độ chạy tàu phải ghi sự việc này vào Sổ nhân điện tín của Nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 13 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) và thông qua Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian để xác định khu gian thanh thoát, sau đó ra lệnh theo mẫu.
“Mệnh lệnh số….vì….cho phép ga…và ga …chuyển sang phương pháp đóng đường chạy tàu bằng …(hoặc phục hồi phương pháp đóng đường chạy tàu bằng …) kể từ …..giờ……phút ”
Nhân viên điều độ chạy tàu ký tên
Điều 267. Khi chuyển sang phương pháp đóng đường bằng điện tín mà điện thoại đóng đường giữa hai ga không thông, Nhân viên điều độ chạy tàu cho phép hai ga dùng điện thoại điều độ như sau: khi ra lệnh đổi sang phương pháp đóng đường bằng điện tín thì dùng mẫu quy định tại Điều 266 của Quy chuẩn này và bổ sung câu: “và dùng điện thoại điều độ”.
Sau khi nhận được mệnh lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu, Trực ban chạy tàu hai ga dùng điện thoại điều độ làm thủ tục chạy tàu, qua sự kiểm tra của Nhân viên điều độ chạy tàu.
Nhân viên điều độ chạy tàu phải ghi giờ, tình hình xin đường và cho đường của hai ga vào Sổ đăng ký lệnh của Nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 13 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) để theo dõi.
Chương 13.
CẤP CẢNH BÁO
Điều 268. Việc cấp Cảnh báo được thực hiện theo quy định tại Điều 316 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kỹ thuật khai thác đường sắt và những trường hợp liên quan đến Điều 270 của Quy chuẩn này.
Điều 269. Cảnh báo do Trực ban chạy tàu ga cấp cho Lái tàu, Trưởng tàu theo biện pháp và thủ tục quy định của Quy chuẩn này này.
Trường hợp cứu viện thì người chỉ huy chạy tàu cứu viện được phép viết bổ sung vào Cảnh báo cho Lái tàu, Trưởng tàu của đoàn tàu cứu viện.
Điều 270. Những nhân viên Đường sắt được yêu cầu Cảnh báo:
1. Đối với công việc thi công đã có kế hoạch trước:
a) Cung trưởng cung cầu, đường, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt hoặc Người chỉ huy thi công có cấp bậc tương đương nhưng thời hạn cảnh báo không quá 24 giờ;
b) Giám đốc các công ty quản lý đường sắt, công ty thông tin tín hiệu đường sắt hoặc Người chỉ huy thi công có cấp bậc tương đương nhưng thời hạn cảnh báo không quá 120 giờ;
c) Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt hoặc Người được uỷ quyền quy định bằng công lệnh nếu thời hạn cảnh báo quá 120 giờ.
d) Đối với đường sắt chuyên dùng nếu thời hạn cảnh báo không quá 120 giờ thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; Trường hợp thời hạn cảnh báo quá 120 giờ do Giám đốc doanh nghiệp quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng quy định.
2. Đối với những hư hỏng hoặc chướng ngại đột xuất uy hiếp đến an toàn chạy tàu, do Người phát hiện sự việc yêu cầu;
3. Đối với việc sử dụng goòng trong điều kiện tầm nhìn hạn chế do Người phụ trách goòng yêu cầu;
4. Khi thay đổi địa điểm thiết bị do Người quản lý thiết bị yêu cầu;
5. Các trường hợp khác do Trực ban chạy tàu ga báo cáo Nhân viên điều độ chạy tàu để chỉ định ga cấp Cảnh báo.
Điều 271. Yêu cầu Cảnh báo phải được chuyển bằng điện tín, bằng giấy hay trực tiếp đến Trực ban chạy tàu ga, Trưởng phòng điều độ. Người nhận được thông tin phải ghi vào Sổ đăng ký cảnh báo (theo mẫu số 9 hoặc số 15 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) và làm thủ tục cấp Cảnh báo.
1. Nội dung yêu cầu cấp Cảnh báo như sau:
a) Địa điểm cần Cảnh báo;
b) Lý do cảnh báo;
c) Thời gian cảnh báo có hiệu lực (thời gian bắt đầu, kết thúc);
d) Những điểm cần chú ý khi tàu chạy (tốc độ, dẫn đường).
2. Việc đưa yêu cầu cấp Cảnh báo quy định như sau:
a) Khi Cung trưởng cung cầu, đường, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt yêu cầu: phải gửi đến ga đầu khu gian cần cảnh báo hoặc trực tiếp đến ga ghi vào Sổ đăng ký cảnh báo của ga (theo mẫu số 9 tại Phụ bản của Quy chuẩn này).
b) Khi Giám đốc công ty quản lý đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt hoặc người chỉ huy thi công có cấp bậc tương đương yêu cầu: phải dùng điện tín chuyển cho một trong Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian và Nhân viên điều độ chạy tàu;
c) Khi yêu cầu Cảnh báo quy định bằng Công lệnh: phải gửi các đơn vị liên quan.
3. Khi nhận được yêu cầu cấp Cảnh báo, Trực ban chạy tàu ga phải báo cáo bằng điện tín cho Nhân viên điều độ chạy tàu và Trực ban chạy tàu ga bên.
Điều 272. Thời hạn đưa yêu cầu Cảnh báo quy định như sau:
1. Đối với thi công có kế hoạch trước: phải đưa cùng lúc với kế hoạch thi công. Nếu vì nguyên nhân nào đó mà không thể đưa cùng một lúc với kế hoạch thi công thì phải đưa chậm nhất 3 giờ trước giờ Cảnh báo có hiệu lực;
2. Đối với goòng: phải gửi chậm nhất một giờ trước giờ goòng vào làm việc trong khu gian;
3. Công lệnh Cảnh báo phải gửi đến các đơn vị liên quan chậm nhất 24 giờ trước giờ Cảnh báo có hiệu lực.
Điều 273. Khi có lũ lụt, mưa to, gió bão, trong điều kiện được phép gửi tàu, mặc dù chưa có yêu cầu Cấp cảnh báo, Trực ban chạy tàu hai ga đầu khu gian có đoạn đường xung yếu phải cấp Cảnh báo cho các tàu gửi vào khu gian chú ý cảnh giác và giảm tốc độ khi chạy vào địa điểm xung yếu.
Trực ban chạy tàu ga phải báo cho Nhân viên điều độ chạy tàu và đơn vị quản lý đường sắt có liên quan để xác định việc tiếp tục hoặc bãi bỏ cấp Cảnh báo cho tàu.
Điều 274. Nhân viên điều độ chạy tàu phải chỉ định những ga dưới đây cấp Cảnh báo:
1. Ga khởi hành của các tàu;
2. Ga gần địa điểm cảnh báo nhất mà ở đó các tàu dừng theo quy định để tác nghiệp kỹ thuật;
Ga được chỉ định cấp cảnh báo phải ghi nội dung Cảnh báo vào Sổ đăng ký cảnh báo (theo mẫu số 9 tại Phụ bản của Quy chuẩn này).
Điều 275. Từ ngày 01 đến ngày 05 tháng 01 hàng năm, Thủ trưởng Tổ chức được giao quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc người được uỷ quyền phải ban hành Công lệnh tốc độ, Công lệnh cảnh báo, quy định các địa điểm xung yếu.
Công lệnh tốc độ là văn bản quy định tốc độ chạy tàu thường xuyên trong năm.
Công lệnh cảnh báo là văn bản quy định tốc độ chạy tàu khác với tốc độ quy định trong công lệnh tốc độ. Công lệnh cảnh báo quy định tốc độ trong một thời gian nhất định do phải tiến hành thi công, sửa chữa cầu, đường hoặc do các nguyên nhân khác mà phải thay đổi tốc độ.
Nhận được yêu cầu Cảnh báo, Thủ trưởng các đơn vị phải truyền đạt nội dung công lệnh Cảnh báo cho Lái tàu, Trưởng tàu và các nhân viên có liên quan biết để chấp hành.
Từ ngày 01 đến ngày 05 hàng tháng, Trưởng phòng điều độ phải kiểm tra chắc chắn và xác nhận việc truyền đạt Công lệnh cảnh báo đến các đơn vị có liên quan.
Nhân viên điều độ chạy tàu theo yêu cầu Cảnh báo quy định tại Điều 270 của Quy chuẩn này để ra lệnh cấp Cảnh báo bổ sung cho các tàu.
Điều 276. Sau khi nhận được yêu cầu cấp Cảnh báo hoặc Công lệnh cảnh báo và đã chỉ định ga Cấp cảnh báo, Nhân viên điều độ chạy tàu phải ghi nội dung Cảnh báo vào Sổ đăng ký cảnh báo của Nhân viên điều độ chạy tàu (theo mẫu số 15 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) trong khu đoạn mình phụ trách.
Việc đăng ký vào sổ tiến hành theo từng tuyến đường và đánh số theo từng tháng bắt đầu từ số 1 kể từ 0 giờ ngày đầu tháng.
Ngày đầu mỗi tháng, Trưởng phòng điều độ và Trưởng ga có nhiệm vụ chuyển sang tháng sau những Cảnh báo còn hiệu lực và ký tên xác nhận để thực hiện.
Điều 277. Vào ngày cuối của mỗi tháng, Giám đốc các công ty quản lý đường sắt thống kê những Cảnh báo còn hiệu lực trong phạm vi quản lý của công ty để báo cáo với các cơ quan cấp trên có liên quan và chuyển bằng văn bản cho Trưởng phòng điều độ .
Điều 278. Ở phòng làm việc của Trực ban chạy tàu ga, phòng làm việc của Nhân viên điều độ chạy tàu những Cảnh báo đã đăng ký vào sổ phải được viết lên bảng để theo dõi.
Những Cảnh báo hết hiệu lực phải xoá đi.
Điều 279. Bằng chứng đã nhận được yêu cầu cấp Cảnh báo là :
1. Nội dung và chữ ký của người yêu cầu ghi trong Sổ đăng ký cảnh báo của ga đầu khu gian cần Cảnh báo;
2. Đối với yêu cầu Cảnh báo trong trường hợp nguy cấp đến an toàn chạy tàu mà người yêu cầu không thể đăng ký vào sổ được thì người nhận thông tin phải ghi vào Sổ đăng ký điện tín và ký xác nhận.
Điều 280. Khi cấp Cảnh báo (theo mẫu số 6 tại Phụ bản của Quy chuẩn này) cho tàu, Trực ban chạy tàu ga phải viết rõ ràng nội dung Cảnh báo theo mẫu quy định; Lái tàu và Trưởng tàu phải ký nhận vào tồn căn (ghi rõ họ tên) khi đã hiểu rõ nội dung Cảnh báo.
Khi tàu chạy có đầu máy ghép thì giao Cảnh báo cho Lái tàu của đầu máy chính và bản sao cho các Lái tàu của đầu máy sau.
Khi có đầu máy đẩy vào khu gian và trở về thì giao bản sao cho Lái tàu của đầu máy đẩy.
Điều 281. Trường hợp không thể khôi phục việc chạy tàu bình thường đúng thời hạn ghi trong yêu cầu cảnh báo, người chỉ huy thi công phải đặt hoặc giữ lại tín hiệu giảm tốc độ và gửi kịp thời cho Trực ban chạy tàu ga đầu khu gian yêu cầu kéo dài hiệu lực cảnh báo với nguyên nhân và thời hạn kéo dài.
Nhận được yêu cầu kéo dài thời hạn Cảnh báo, Trực ban chạy tàu ga và Nhân viên điều độ chạy tàu đăng ký vào sổ và thông báo cho ga liên quan tiếp tục Cảnh báo cho tàu trong thời hạn kéo dài như thủ tục đã quy định.
Điều 282. Trường hợp cần bãi bỏ Cảnh báo trước thời han, người yêu cầu cảnh báo phải báo cho Nhân viên điều độ chạy tàu hoặc ga đầu khu gian cấp cảnh báo bằng giấy, bằng điện tín hoặc ghi vào Sổ đăng ký cảnh báo (theo mẫu số 9 hoặc số 15 tại Phụ bản của Quy chuẩn này).
Nhận được yêu cầu bãi bỏ Cảnh báo, Nhân viên điều độ chạy tàu ra lệnh cho các ga liên quan để bãi bỏ việc cấp Cảnh báo.
Chương 14.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 283. Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt, Giám đốc doanh nghiệp quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng căn cứ vào Quy chuẩn này xây dựng mẫu và nội dung các sổ sách ấn chỉ chạy tàu cần thiết khác chưa được quy định trong các mẫu tại phụ bản của Quy chuẩn này và quy định việc ghi chép, sử dụng đối với các đơn vị liên quan trong phạm vi quản lý.
Thủ trưởng đơn vị liên quan tổ chức cho nhân viên trong đơn vị học tập Quy chuẩn này để thực hiện.
Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt, Giám đốc doanh nghiệp quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng tập hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải để giải quyết.
Điều 284. Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này.
CÁC PHỤ BẢN
Mẫu số 1
GIẤY PHÉP VẠCH CHÉO LỤC
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga…………………………(dấu ga)
GIẤY PHÉP số…………. (Vạch chéo lục)
Ngày………..tháng………….năm………….. Cấp cho Lái tàu số:……………………… ở đường số……………………………………… Giấy phép ghi theo mục……………………. ……………………………………………………… (I hoặc II) TBCT ga Ký tên |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga…………………………(dấu ga)
GIẤY PHÉP số…………. (Vạch chéo lục) Ngày………..tháng………….năm………….. I. Cho phép tàu số………ở đường số………. chạy (ra ga, ra bãi) trong khi tín hiệu (ra ga, ra bãi) ở trạng thái đóng, với tốc độ không quá 15km/h và sẵn sàng dừng nếu gặp chướng ngại, cho đến tín hiệu thông qua đầu tiên, sau đó tiếp tục chạy theo biểu thị của tín hiệu này. II. Cho phép tàu số….. ở đường số……. chạy ra (ra ga, ra bãi) trong khi tín hiệu (ra ga, ra bãi) ở trạng thái đóng hoặc che khuất. Sau khi đến tín hiệu thông qua đầu tiên, thì tiếp tục chạy theo biểu thị của tín hiệu này. TBCT ga Ký tên |
Ghi chú:
1. Giấy phép vạch chéo lục khi sử dụng phương pháp đóng đường tự động và nửa tự động. Giấy phép này gồm hai phần: một phần giao cho Lái tàu, một phần làm tồn căn.
2. Khi dùng gạch bỏ mục không cần thiết và những chữ trong mục không thích hợp.
3. Điền bằng bút mực, không tẩy xoá.
4. Gạch chéo màu lục, giấy màu trắng.
MẪU: GIẤY PHÉP VẠCH CHÉO LỤC
Mẫu số: 2A PHIẾU ĐƯỜNG (Dùng cho tàu số lẻ)
Ghi chú: 1. Phiếu đường gồm hai phần; một phần giao cho Lái tàu, một phần làm tồn căn. 2. Khi viết phải dùng bút mực, không tẩy xoá. 3. Giấy nền màu trắng |
Mẫu số: 2B PHIẾU ĐƯỜNG (Dùng cho tàu số chẵn)
Ghi chú: 1. Phiếu đường gồm hai phần; một phần giao cho Lái tàu, một phần làm tồn căn. 2. Khi viết phải dùng bút mực, không tẩy xoá. 3. Giấy nền màu xanh. |
Mẫu số: 3
GIẤY PHÉP MÀU ĐỎ
KÈM THEO THÔNG TRI MẪU A HOẶC B
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga…….(dấu ga) GIẤY PHÉP số…… (Màu đỏ) Ngày…… tháng……năm……. Vì thông tin gián đoạn, cho phép tàu số…………chạy từ ga …………..đến ga…………… CHÚ Ý Trước tàu số……đã có tàu số…. chạy lúc…….giờ……phút. Tôi chưa (hoặc đã) nhận được báo cáo tàu này đến ga…………….. TBCT ga ký tên THÔNG TRI Kính gửi: TBCT ga………………. Mẫu A; Sau khi tàu số……….đến ga…..tôi đồng ý đón tàu từ ga……. đến. Mẫu B; Sau khi tàu số………….. chạy, tôi sẽ gửi tiếp tàu số……… đến ga…………………… TBCT ga Ký tên |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga…….(dấu ga) GIẤY PHÉP số…… (Màu đỏ) Ngày…… tháng……năm……. Vì thông tin gián đoạn, cho phép tàu số…………chạy từ ga …………..đến ga…………… CHÚ Ý Trước tàu số……đã có tàu số…. chạy lúc…….giờ……phút. Tôi chưa (hoặc đã) nhận được báo cáo tàu này đến ga…………….. TBCT ga ký tên THÔNG TRI Kính gửi: TBCT ga………………. Mẫu A; Sau khi tàu số……….đến ga…..tôi đồng ý đón tàu từ ga……. đến. Mẫu B; Sau khi tàu số………….. chạy, tôi sẽ gửi tiếp tàu số……… đến ga…………………… TBCT ga Ký tên |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga…….(dấu ga) GIẤY PHÉP số…… (Màu đỏ) Ngày…… tháng……năm……. Vì thông tin gián đoạn, cho phép tàu số…………chạy từ ga …………..đến ga…………… CHÚ Ý Trước tàu số……đã có tàu số…. chạy lúc…….giờ……phút. Tôi chưa (hoặc đã) nhận được báo cáo tàu này đến ga…………….. TBCT ga ký tên THÔNG TRI Kính gửi: TBCT ga………………. Mẫu A; Sau khi tàu số……….đến ga…..tôi đồng ý đón tàu từ ga……. đến. Mẫu B; Sau khi tàu số………….. chạy, tôi sẽ gửi tiếp tàu số……… đến ga…………………… TBCT ga Ký tên |
Ghi chú:
1. Giấy phép màu đỏ gồm ba phần: tồn căn, phần giao cho Lái tàu, phần giao cho Trưởng tàu;
2. Khi dùng: gạch bỏ những chữ và mục không cần thiết;
3. Điền bằng bút mực, không được xoá, tẩy sửa;
4. Giấy nền màu đỏ.
Mẫu số: 4
THÔNG TRI C HOẶC D
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga………………………… (dấu ga) THÔNG TRI số………… Ngày …… tháng …… năm ……….. Kính gửi: TBCT ga ……………… …………………………………………………………… D. Xin đường gửi tàu số ………………………… đến ga …………………………………………… TBCT ga ký tên |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga………………………… (dấu ga) THÔNG TRI số………… Ngày …… tháng …… năm ……….. Kính gửi: TBCT ga ……………… …………………………………………………………… D. Xin đường gửi tàu số ………………………… đến ga …………………………………………… TBCT ga ký tên |
Ghi chú:
1. Thông tri gồm hai phần: tồn căn và phần gửi ga bên;
2. Khi dùng: gạch bỏ phần C hoặc D không thích hợp;
3. Điền bằng bút mực, không được tẩy xoá.
Mẫu số: 5
GIẤY PHÉP VẠCH CHÉO ĐỎ
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga………………………. (dấu ga) GIẤY PHÉP số………….. (Vạch chéo đỏ) Ngày …….. tháng …….. năm …………….. Cho phép tàu (1) số ………………… chạy: a) Từ ga ………… đến km …………………. để …………………………….. rồi trở về. b) Từ ga ………… đến km ………………… để …………………….để dừng tại đó chờ lệnh khác. c) Từ ga ………… đến km …………………. để …………………………. rồi tiếp tục chạy đến ga ……………………………….. d) Từ km …………… đến ga ………………. Lái tàu có giấy phép này được cho tàu vượt qua tín hiệu di động ngừng đặt ở ghi ra ga ……………………………. TBCT ga ký tên
|
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga………………………. (dấu ga) GIẤY PHÉP số………….. (Vạch chéo đỏ) Ngày …….. tháng …….. năm …………….. Cho phép tàu (1) số ………………… chạy: a) Từ ga ………… đến km …………………. để …………………………….. rồi trở về. b) Từ ga ………… đến km ………………… để …………………….để dừng tại đó chờ lệnh khác. c) Từ ga ………… đến km …………………. để …………………………. rồi tiếp tục chạy đến ga ……………………………….. d) Từ km …………… đến ga ………………. Lái tàu có giấy phép này được cho tàu vượt qua tín hiệu di động ngừng đặt ở ghi ra ga ……………………………. TBCT ga ký tên
|
Ghi chú
1. Điền vào chỗ trống ở đoạn thích hợp và gạch bỏ các đoạn còn lại không thích hợp;
2. Khi ghi phải dùng bút mực, viết rõ ràng, không tẩy xoá;
3. Giấy phép vạch chéo đỏ gồm hai phần: một phần giao Lái tàu, một phần làm tồn căn;
4. Giấy nền màu trắng,gạch chéo màu đỏ.
Mẫu số: 6
GIẤY CẢNH BÁO
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga …………………… (dấu ga)
Tồn căn CẢNH BÁO số……. Ngày ……… tháng ……… năm ………………. Cảnh báo cho tàu số ……………………………. biết …………………………………………………… …………………………………………………………. ………………………………………………………….
TBCT ga ký tên Lái tàu ký xác nhận: Trưởng tàu ký xác nhận: |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga …………………… (dấu ga) CẢNH BÁO số……. Ngày ……… tháng ……… năm ………………. Cảnh báo cho tàu số …………………………… biết …………………………………………………… …………………………………………………………. ………………………………………………………….
TBCT ga ký tên |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga …………………… (dấu ga) CẢNH BÁO số……. Ngày ……… tháng ……… năm ………………. Cảnh báo cho tàu số …………………………… biết …………………………………………………… …………………………………………………………. ………………………………………………………….
TBCT ga ký tên |
Ghi chú:
1. Cảnh báo (giấy trắng có vạch chéo vàng) gồm ba tờ, tờ nọ để lên trên tờ kia: một tờ giao cho Lái tàu, một tờ bản sao giao cho Trưởng tàu, một tờ làm tồn căn;
2. Dùng bút bi hoặc chì tím và giấy than để điền nội dung cảnh báo vào các chỗ quy định;
3. Khi giao phải yêu cầu Lái tàu, Trưởng tàu ký nhận;
4. Giấy nền màu trắng, gạch chéo màu vàng.
Mẫu số: 7
GIẤY PHÉP MÀU TRẮNG KÈM ĐƠN XIN CỨU VIỆN
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
Tồn căn GIẤY PHÉP số … Trưởng tàu ……. gửi TBCT ga …………………… Tàu số …. ngày … tháng …. năm …., đầu máy số ….. kéo …. toa xe, tổng trọng … tấn, bị dừng ở Km …. lúc … giờ …. phút, vì ……………………….. …………………………………….. …………………………………….. …………………………………….. …………………………………….. …………………………………….. Yêu cầu: 1. Gửi tàu cứu viện với cần trục, dụng cụ, vật liệu, đội cứu viện, thuốc, y tá ……….. 2. Cho đầu máy số ……. trở lại km …… để …………………. ……………………………………… Tôi đã thu bằng chứng chạy tàu (thẻ đường số …, phiếu đường số …, giấy phép số …..). Đã nhận giấy phép màu trắng số ………………………….
Nhân viên làm nhiệm vụ Trưởng tàu ký tên |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
GIẤY PHÉP số … (Màu trắng) Ngày ……. tháng ….. năm ….. Cho phép Lái tàu số ….. bị dừng ở km …. cho đầu máy chạy đến ga ……… có kéo theo …… toa xe ….. tấn. Tôi đã thu bằng chứng chạy tàu số …. và cử ông ….. làm nhiệm vụ Trưởng tàu. (mục này không ghi khi tàu chạy theo phương pháp đóng đường tự động và nửa tự động). Trưởng tàu Ký tên
|
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
ĐƠN XIN CỨU VIỆN Trưởng tàu ….. gửi Trực ban chạy tàu ga …………………… Tàu số …. ngày … tháng …. năm …., đầu máy số ….. kéo …. toa xe, tổng trọng … tấn, bị dừng ở km …. lúc … giờ …. phút, vì …………………….. …………………………………….. …………………………………….. …………………………………….. …………………………………….. …………………………………….. Yêu cầu: 1. Gửi tàu cứu viện với cần trục, dụng cụ, vật liệu, đội cứu viện, thuốc, y tá ……….. 2. Cho đầu máy số ……. trở lại km …… để …………………. ……………………………………… Tôi đã thu bằng chứng chạy tàu (thẻ đường số …, phiếu đường số …, giấy phép số …..). Đã nhận giấy phép màu trắng số ………………………….
|
Ghi chú:
1. Ấn chỉ này gồm: 01 Giấy phép màu trắng giao cho Lái tàu, 01 Đơn xin cứu viện, 01 tồn căn;
2. Dùng bút mực điền vào các chỗ trống và gạch bỏ những chữ, những câu không cần thiết.
Mẫu số: 8
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga……….. (dấu ga) |
PHIẾU CHẠY GOÒNG SỐ :……………. |
A. Phần yêu cầu:
Tôi ……………. (họ tên) chức danh……………. thuộc đơn vị…………………………. Yêu cầu sử dụng goòng ………….. (tên goòng) chạy vào khu gian từ …………………. (ga, km) đến ……………………… (ga, km) trong thời gian từ ….. giờ ….. phút đến ……. giờ phút theo biện pháp thừa nhận có người đi phòng vệ.
Tôi bảo đảm sẽ nhấc goòng ra khỏi Đường sắt không quá 3 phút.
…………. ngày …. tháng …. năm ………. |
B. Phần thừa nhận:
Tôi ………………….. (họ tên) Trực ban chạy tàu ga …………………………….. Sau khi đã kiểm tra các điều kiện sử dụng goòng; được sự thoả thuận của ông ………………………. thừa nhận cho goòng trên đây được chạy vào khu gian từ ……….. (ga, km) đến ………… (ga, km) trong thời gian từ …… giờ ….. phút đến …….. giờ …… phút theo điều kiện có người đi phòng vệ.
Tình hình tàu chạy vào khu gian trong thời gian sử dụng goòng:
Hướng lẻ: tàu số ….. chạy ở ga ……. lúc …… giờ ….. phút.
Hướng chẵn: tàu số ….. chạy ở ga ……. lúc …… giờ ….. phút.
Phải nhấc goòng ra khỏi Đường sắt chậm nhất lúc ….. giờ …. phút.
C. Phần cảnh báo:
…………………………………………………………………………………………………….
|
…………. ngày …. tháng …. năm ………. |
Ghi chú: Phiếu chạy goòng gồm 2 bản cùng một số: Bản A giao cho người phụ trách goòng, bản B giữ ở ga.
Mẫu số: 9
Ngoài bìa
SỔ ĐĂNG KÝ CẢNH BÁO CỦA GA
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
Ga…………….(dấu ga)
SỔ ĐĂNG KÝ CẢNH BÁO
…………………………………………………………………………………………………………
Bên trong |
ĐĂNG KÝ CẢNH BÁO |
Số:……… |
Số TT |
Ngày, giờ nhận được yêu cầu cảnh báo |
Số hiệu giấy điện tín hoặc chữ ký của nhân viên yêu cầu cảnh báo |
Nội dung cảnh báo |
Thời hạn cảnh báo có hiệu lực |
Số hiệu giấy điện tín hoặc chữ ký của nhân viên yêu cầu huỷ bỏ cảnh báo |
Ghi chú |
|
Ngày giờ bắt đầu có hiệu lực |
Ngày, giờ cảnh báo hết hiệu lực (hoặc nhận được yêu cầu huỷ bỏ) |
||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Giấy trắng in hai mặt.
Mẫu số: 10
SỔ ĐĂNG KÝ LỆNH CỦA NVĐĐCT
Bên ngoài |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Khu đoạn điều độ chạy tàu…….. SỔ ĐĂNG KÝ LỆNH CỦA NVĐĐCT (Dùng cho NVĐĐCT) |
Bên trong |
ĐĂNG KÝ LỆNH CỦA NVĐĐCT |
Số:………. |
Ngày tháng năm |
Giờ phát lệnh |
Số lệnh |
Nơi nhận lệnh |
Nội dung lệnh |
Giờ TBCT ga đọc lại nội dung lệnh |
Giờ NVĐĐCT xác nhận đúng |
Họ, tên TBCT ga nhận lệnh |
Họ, tên NVĐĐCT phát lệnh |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Giấy trắng in hai mặt;
2. Khi ghi lệnh phải dùng bút mực, không tẩy, xoá.
Mẫu số: 11
Ngoài bìa |
SỔ ĐĂNG KÝ LỆNH NHẬN CỦA ĐIỀU ĐỘ ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Khu đoạn điều độ chạy tàu…………………………. SỔ ĐĂNG KÝ LỆNH NHẬN CỦA ĐIỀU ĐỘ (Dùng cho TBCT ga) |
Bên trong |
ĐĂNG KÝ LỆNH NHẬN CỦA ĐIỀU ĐỘ |
Số:……… |
Ngày tháng năm |
Giờ phát lệnh |
Số lệnh |
Họ, tên NVĐĐCT pháp lệnh |
Nội dung lệnh |
Giờ TBCT ga đọc lại nội dung lệnh |
Giờ NVĐĐCT xác nhận đúng |
Chữ ký của người nhận lệnh |
Chữ ký của TBCT ga |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Giấy trắng in hai mặt
2. Khi ghi lệnh phải dùng bút mực, không tẩy, xoá.
Mẫu số: 12
BẢN SAO LỆNH CỦA ĐIỀU ĐỘ
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga……………. (dấu ga) BẢN SAO LỆNH CỦA ĐIỀU ĐỘ Nơi phát lệnh:………………………………………………………………………………………………… Nội dung lệnh: ……………………………………………………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………………………….. Tên NVĐĐCT:……………………………………………………………………..
|
Ghi chú:
1. Giấy trắng, in một mặt (có răng cưa) dùng để sao các lệnh của NVĐĐCT đã được đăng ký vào Sổ đăng ký nhận lệnh của NVĐĐCT và chuyển giao cho người nhận;
2. Khi sao lệnh phải dùng bút mực, ghi rõ ràng.
Mẫu số: 13
Ngoài bìa |
SỔ NHẬN ĐIỆN TÍN CỦA NVĐĐCT ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Khu đoạn điều độ chạy tàu…………………………. SỔ NHẬN ĐIỆN TÍN (Dùng cho NVĐĐCT) |
Bên trong |
SỔ NHẬN ĐIỆN TÍN |
Số:…….… |
Ngày, tháng, năm |
Giờ nhận |
Tên người gửi |
Nội dung điện tín |
NVĐĐCT nhận điện tín ký tên |
Ghi chú:
1. Giấy trắng in hai mặt;
2. Khi ghi lệnh phải dùng bút mực, không tẩy, xoá.
Mẫu số: 14
Ngoài bìa |
Số BIÊN BẢN ĐIỆN TÍN CHẠY TÀU ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga………………(dấu ga) SỔ BIÊN BẢN ĐIỆN TÍN CHẠY TÀU (Dùng cho TBCT ga, trạm) |
|
Khu gian : …………………………………………
Bắt đầu ngày ……. tháng……… năm………..
Kết thúc ngày …… tháng……… năm………..
……………………………………………………………………………………………………………
Bên trong |
SỔ BIÊN BẢN ĐIỆN T ÍN CHẠY TÀU |
Số:.……… |
Ngày, tháng, năm |
Số điện tín gửi |
Số điện tín nhận |
Giờ bắt đầu chuyển |
Giờ chuyển xong |
Nội dung điện tín |
Tên của TBCTga, trạm nhận điện tín |
Tên của TBCTga, trạm chuyển điện tín |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Giấy trắng in hai mặt;
2. Khi ghi lệnh phải dùng bút mực, không tẩy, xoá.
Mẫu số: 15
SỔ ĐĂNG KÝ CẢNH BÁO CỦA NVĐĐCT
Ngoài bìa |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Khu đoạn điều độ chạy tàu…………………………. SỔ ĐĂNG KÝ CẢNH BÁO CỦA NVĐĐCT (Dùng cho NVĐĐCT) |
……………………………………………………………………………………………………………….
Bên trong |
ĐĂNG KÝ CẢNH BÁO |
Số:……… |
STT |
YÊU CẦU CẢNH BÁO |
CHẤP HÀNH CỦA NVĐĐCT |
||||||
Đơn vị yêu cầu |
Ngày giờ nhận được |
Nội dung yêu cầu cảnh báo |
Khu gian cần cảnh báo |
Thời gian cảnh báo có hiệu lực |
Tên các ga được lệnh cấp cảnh báo |
Ghi chú |
||
Ngày, giờ bắt đầu có hiệu lực |
ngày, giờ hết hiệu lực (hoặc bãi bỏ) |
|||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Giấy trắng in hai mặt.
Mẫu số: 16
SỔ NHẬN CẢNH BÁO CỦA NVĐĐCT
Ngoài bìa |
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Khu đoạn điều độ chạy tàu…………………………. SỔ NHẬN CẢNH BÁO CỦA NVĐĐCT (Dùng cho TBCT ga) |
…………………………………………………………………………………………………………….
Bên trong |
ĐĂNG KÝ CẢNH BÁO |
Số:……… |
STT |
YÊU CẦU CẢNH BÁO |
Họ tên NVĐĐCT yêu cầu cảnh báo |
Họ tên TBCT ga nhận cảnh báo |
|||
Nội dung yêu cầu cảnh báo |
Khu gian cần cảnh báo |
Thời gian cảnh báo có hiệu lực |
||||
Ngày, giờ bắt đầu có hiệu lực |
ngày, giờ hết hiệu lực (hoặc bãi bỏ) |
|||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Giấy trắng in hai mặt.
Thử hãm ………………………………. Số ……………………………… Hội đồng kiểm tra hãm đoàn tàu số: ……………… …………………………. lúc ………….giờ……..phút …………… Ngày ……………… tháng …………. năm ………………….
Kết luận: Sau khi kiểm tra và tính toán Hội đồng xác nhận đoàn tàu có hãm tốt và có đủ lực hãm theo quy định và bảo đảm chạy tàu an toàn.
|
Thử hãm ………………………………. Số ……………………………… Hội đồng kiểm tra hãm đoàn tàu số: ……………… …………………………. lúc ………….giờ……..phút …………… Ngày ……………… tháng …………. năm ………………….
Kết luận: Sau khi kiểm tra và tính toán Hội đồng xác nhận đoàn tàu có hãm tốt và có đủ lực hãm theo quy định và bảo đảm chạy tàu an toàn.
|
Mẫu số 18
(Phần tồn căn lưu ở ga) (Dùng cho thiết bị cơ giới thi công sửa chữa đường)
|
Mẫu số 18
(Phần giao) (Dùng cho thiết bị cơ giới thi công sửa chữa đường)
|
Mẫu số 19
Kính gửi: TBCT ga: …………………………… Ví (Nêu lý do phải lùi tàu) ………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. TBCT ga (tên ga) ……………………… cho phép tàu số …………… được lùi về ga (tên ga) …………………………………………
|
Mẫu số 19
Kính gửi: TBCT ga: …………………………… Ví (Nêu lý do phải lùi tàu) ………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………. TBCT ga (tên ga) ……………………… cho phép tàu số …………… được lùi về ga (tên ga) …………………………………………
|
Mẫu số 20
TBCT ga (tên ga) ……… cấp cho Trưởng tàu, Lái tàu của tàu số ……………………………………… Cho phép tàu số ……….. được lùi về ga (tên ga) ……. Theo các biện pháp sau: (nêu rõ các biện pháp chạy tàu khi lùi tàu vào trong ga) …………………………………………………………. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ……….., ngày … tháng … năm …. TBCT ga (Ký và ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 20
TBCT ga (tên ga) ……… cấp cho Trưởng tàu, Lái tàu của tàu số ……………………………………… Cho phép tàu số ……….. được lùi về ga (tên ga) ……. Theo các biện pháp sau: (nêu rõ các biện pháp chạy tàu khi lùi tàu vào trong ga) …………………………………………………………. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ……….., ngày … tháng … năm …. TBCT ga (Ký và ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 20
TBCT ga (tên ga) ……… cấp cho Trưởng tàu, Lái tàu của tàu số ……………………………………… Cho phép tàu số ……….. được lùi về ga (tên ga) ……. Theo các biện pháp sau: (nêu rõ các biện pháp chạy tàu khi lùi tàu vào trong ga) …………………………………………………………. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ………………………………………………………….. ……….., ngày … tháng … năm …. TBCT ga (Ký và ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 21 ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga …………………… (dấu ga) GIẤY CHO PHÉP VÀO GA số ……………………..
Cho phép tàu số: ………….. ngày ……….. tháng ……… năm …….. chạy vào ga theo dẫn đường vì: ……………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ………………………………………………………………………………..
|
Mẫu số 21 ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM Ga …………………… (dấu ga) GIẤY CHO PHÉP VÀO GA số ……………………..
Cho phép tàu số: ………….. ngày ……….. tháng ……… năm …….. chạy vào ga theo dẫn đường vì: ……………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………….. ………………………………………………………………………………..
|
MỤC LỤC
Lời nói đầu …………………………………………………………
Chương I Quy định chung…………………………………………..
Chương II Chạy tàu với phương pháp đóng đường tự động …..
Mục 1 Quy định chung ………………………………………
Mục 2 Đóng đường chạy tàu ……………………………..
Mục 3 Chạy tàu khi thiết bị đóng đường tự động bị hỏng …….
Chương III Chạy tàu với phương pháp đóng đường nửa tự động …
Mục 1 Quy định chung ………………………………………
Mục 2 Đóng đường chạy tàu ……………………………..
Mục 3 Chạy tàu giữa ga với đường nhánh khu gian
Mục 4 Chạy tàu khi thiết bị nửa tự động bị hỏng …..
Chương IV Chạy tàu với phương pháp đóng đường bằng máy thẻ đường ……..
Mục 1 Quy định chung ………………………………………
Mục 2 Đóng đường chạy tàu giữa hai ga …………….
Mục 3 Đóng đường chạy tàu giữa ga với đường nhánh trong khu gian ……….
a. Đường nhánh không có trạm bổ trợ ……………..
b. Đường nhánh có trạm bổ trợ……………………….
Mục 4 Chạy tàu khi thiết bị đóng đường bằng máy thẻ đường bị hỏng ………..
Chương V Chạy tàu với phương pháp đóng đường bằng điện tín…
Mục 1 Quy định chung ………………………………………
Mục 2 Đăng ký điện tín chạy tàu…………………………
Mục 3 Đóng đường chạy tàu giữa hai ga …………….
Mục 4 Đóng đường chạy tàu giữa ga với đường nhánh trong khu gian ……….
a. Đường nhánh không có trạm bổ trợ ……………..
b. Đường nhánh có trạm bổ trợ ……………………….
Chương VI Chạy tàu với phương phápđóng đường bằng thông tri .
Mục 1 Quy định chung ………………………………………
Mục 2 Biện pháp chạy tàu ………………………………….
Mục 3 Phương pháp đóng đườngbằng thông tri đối với khu gian có trạm bổ trợ………………………
Mục 4 Phục hồi phương pháp đóng đường chạy tàu
Chương VII Biện pháp chạy tàu cứu viện và biện pháp giải quyết khi tàu bị dừng
trong khu gian……………………………………………………..
Mục 1 Phong tỏa khu gian để chạy tàu cứu viện …..
Mục 2 Giải toả khu gian …………………………………….
Mục 3 Kéo từng phần của tàu bị dừng trong khu gian tới ga..
Mục 4 Biện pháp cho tàu chạy lùi ……………………….
a. Chạy lùi trong khu gian……………………………….
b. Chạy lùi về ga……………………………………………
c. Chạy lùi khẩn cấp ………………………………………
Chương VIII Biện pháp chạy tàu khi tiến hành công tác sửa chữa thiết bị và công trình kiến trúc………………………………………………………
Mục 1 Thi công phải phong toả khu gian ……………..
Mục 2 Thi công không phải phong toả khu gian ……
Mục 3 Thi công ở ga …………………………………………
Mục 4 Chạy tàu công trình…………………………………
Chương IX Biện pháp cho tàu dừng trong khu gian, biện pháp chạy goòng…….
Mục 1 Biện pháp cho tàu dừng trong khu gian ……..
Mục 2 Biện pháp chạy goòng ……………………………..
Chương X Biện pháp đón gửi tàu ………………………….
Mục 1 Quy định chung ………………………………………
Mục 2 Công tác chuẩn bị đường đón gửi tàu. ………
a. Đón tàu…………………………………………………….
b. Biện pháp đón tàu vào ga khi tín hiệu vào ga ở trạng thái biểu thị ngừng
c. Gửi tàu …………………………………………………….
Chương XI Công tác dồn ……………………………………..
Mục 1 Quy định chung ………………………………………
Mục 2 Dồn trong phạm vi ga………………………………
Mục 3 Dồn ra ngoài giới hạn ga và trên đường nhánh trong khu gian………….
a. Dồn ra ngoài giới hạn ga …………………………….
b. Dồn ở đường nhánh trong khu gian ……………..
Mục 4 Dồn đẩy tay ……………………………………………
Chương XII Công tác điều độ chạy tàu …………………..
Chương XIII Cấp cảnh báo …………………………………..
Chương XIV Tổ chức thực hiện …………………………….
Các phụ bản .………………………………………………………………………………
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 07:2011/BGTVT VỀ CHẠY TÀU VÀ CÔNG TÁC DỒN ĐƯỜNG SẮT DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | QCVN07:2011/BGTVT | Ngày hiệu lực | 28/12/2011 |
Loại văn bản | Quy chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Giao thông - vận tải |
Ngày ban hành | 28/12/2011 |
Cơ quan ban hành |
Bộ giao thông vận tải |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |