TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8302:2009 VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI – QUY ĐỊNH CHỦ YẾU VỀ THIẾT KẾ
TCVN 8302:2009
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI
QUY ĐỊNH CHỦ YẾU VỀ THIẾT KẾ
Water resources development planning
Principle design provisions
1. Phạm vi áp dụng
1.1 Tiêu chuẩn này áp dụng cho việc lập mới hoặc rà soát, bổ sung tổng quan quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy lợi lưu vực sông hoặc quy hoạch chi tiết thủy lợi lưu vực sông hay vùng lãnh thổ.
1.2 Trường hợp cơ quan chủ quản quy hoạch (gọi tắt là chủ đầu tư) chỉ yêu cầu lập một quy hoạch chuyên ngành nào đó như quy hoạch cấp nước, quy hoạch tiêu nước, quy hoạch phòng chống lũ… thì cũng áp dụng các quy định về thành phần và nội dung quy định tại các Điều 5, 6, 7 của Tiêu chuẩn này nhưng chỉ cần đưa ra những sản phẩm và thực hiện các hạng mục thuộc quy hoạch chuyên ngành đó.
1.3 Ngoài việc tuân thủ những quy định nêu trong Tiêu chuẩn này, khi lập quy hoạch thủy lợi còn phải tuân theo các quy định, các tiêu chuẩn khác về những vấn đề kinh tế và kỹ thuật có liên quan. Khi lập quy hoạch các lưu vực sông đa quốc gia còn phải lưu ý tới các điều ước hoặc các thoả thuận quốc tế
2. Thuật ngữ và giải thích
2.1 Quy hoạch phát triển thủy lợi (gọi tắt là quy hoạch thủy lợi) – Water resources development planning (water resources planning)
Quy hoạch tổng hợp, đưa ra các giải pháp thích hợp để bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nước cũng như phòng chống thiên tai do nước gây ra nhằm phục vụ các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và đưa ra phương thức triển khai các nguồn lực dự kiến để đạt được các mục tiêu đề ra.
2.2 Tổng quan quy hoạch phát triển thủy lợi (gọi tắt là tổng quan quy hoạch) – Comprehensive study on water resources planning and development (Comprehensive planning)
Nghiên cứu tổng hợp có tính tổng quát cho một lưu vực sông, liên lưu vực sông hoặc liên lãnh thổ. Mục tiêu của tổng quan quy hoạch là đưa ra các giải pháp khung cơ bản, thích hợp để bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước cũng như phòng chống thiên tai do nước gây ra đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng quy hoạch.
Tổng quan quy hoạch là bước đầu tiên của quá trình nghiên cứu quy hoạch thủy lợi. Tổng quan quy hoạch được lập cho những vùng có yêu cầu phải nhanh chóng đưa ra được khung cơ bản về phát triển thủy lợi hoặc công trình trọng điểm để làm cơ sở lên kế hoạch lập quy hoạch thủy lợi hoặc lập quy hoạch chi tiết thủy lợi.
2.3 Quy hoạch phát triển thủy lợi lưu vực sông (gọi tắt là quy hoạch thủy lợi lưu vực) – River basin planning for the development of water resources (river catchment planning)
Nghiên cứu tổng hợp nhằm đưa ra các giải pháp cơ bản, thích hợp để bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước cũng như phòng chống thiên tai do nước gây ra đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường cho lưu vực quy hoạch. Trong một lưu vực sông, các chế độ khí tượng, thủy văn nguồn nước có quan hệ mật thiết với nhau. Các giải pháp kỹ thuật tác động đến nguồn nước trong lưu vực đều có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác trên toàn lưu vực. Vì vậy, quy hoạch lưu vực sông là quy hoạch cơ bản nhất và đóng vai trò chủ đạo. Các quy hoạch vùng hoặc quy hoạch chuyên ngành phải dựa vào quy hoạch lưu vực và phải phù hợp với quy hoạch lưu vực.
2.4 Quy hoạch chi tiết phát triển thủy lợi (gọi tắt là quy hoạch chi tiết) – Detailed planning for water resources (detailed planning)
Nghiên cứu tổng hợp nhằm đưa ra đầy đủ và chi tiết các giải pháp thích hợp để bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước cũng như phòng chống thiên tai do nguồn nước gây ra đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của một tiểu lưu vực sông hoặc một vùng nhỏ.
Quy hoạch chi tiết thường lập sau khi có quy hoạch thủy lợi lưu vực, quy hoạch thủy lợi vùng hoặc tổng quan quy hoạch. Đối với những vùng có chủ trương đầu tư tập trung để phát triển nhanh nền kinh tế – xã hội thì vẫn có thể lập quy hoạch chi tiết phát triển thủy lợi trước khi có quy hoạch lưu vực hoặc tổng quan quy hoạch.
2.5 Vùng quy hoạch thủy lợi (Region of Water resources planning)
vùng được nghiên cứu đề xuất các giải pháp thích hợp để bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nước, các giải pháp phòng chống thiên tai do nguồn nước gây ra… đáp ứng các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Vùng quy hoạch thủy lợi có thể bao gồm một hay nhiều lưu vực sông, không phân biệt địa giới hành chính.
2.6 Phát triển bền vững tài nguyên nước (Sustainability in water resources)
Các giải pháp sử dụng và khai thác tài nguyên nước vừa thỏa mãn được các nhu cầu nước hiện tại vừa không làm ảnh hưởng đến khả năng thỏa mãn nhu cầu nước của các thế hệ tương lai.
2.7 Tính tổng hợp trong quy hoạch thủy lợi (Synthetic features in water resources planning)
Sự liên kết, thống nhất các yếu tố, các tác động tự nhiên, các biện pháp kỹ thuật thủy lợi cũng như các mối liên hệ giữa chúng để đưa ra các giải pháp, các phương án quy hoạch hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường cho lưu vực quy hoạch.
2.8 Công trình lợi dụng tổng hợp (Multipurpose hydraulic structures)
Những công trình thủy lợi phục vụ được nhiều mục tiêu.
2.9 Kịch bản trong quy hoạch thủy lợi (Scenarios in water resources planning)
Kịch bản là mô tả dự kiến một tương lai có thể xảy ra. Cũng có thể coi kịch bản như là một bản đồ quy chuẩn cho một tương lai mong muốn, là bối cảnh cho nhiệm vụ lập quy hoạch. Trong quá trình nghiên cứu thiết kế quy hoạch có thể đề xuất một số kịch bản mô tả một khoảng biến thiên của tương lai.
Kịch bản nước là khung phát triển nguồn nước trong tương lai.
Khi lập quy hoạch cần phân tích các tài liệu về kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Trung ương và các địa phương, các thông tin kỹ thuật, tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội…giai đoạn hiện tại và dự báo cho tương lai ở trong, ngoàilưu vực hoặc vùng quy hoạch ở tầm quốc gia và quốc tế để đưa ra các kịch bản phát triển. Các kịch bản đó là cơ sở để xác định mục tiêu và nhiệm vụ của quy hoạch.
2.10 Nguồn lực tự nhiên (Natural sources)
Điều kiện tự nhiên và các tài nguyên thiên nhiên như vị trí địa lý, khí hậu, địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, rừng, nguồn nước, khoáng sản… có thể khai thác, sử dụng cho phát triển dân sinh và kinh tế – xã hội.
2.11 Nguồn lực xã hội (Social sources)
Hệ thống tổ chức quản lý hành chính, quản lý các hoạt động kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng, nguồn dân cư, dân tộc, lao động, trình độ và năng lực lao động.
2.12 Quản lý quy hoạch thủy lợi (Management for water resource planning)
Toàn bộ hoạt động liên quan đến lập quy hoạch thủy lợi bao gồm: lựa chọn dự án; tuyển chọn tư vấn; thẩm định, phê duyệt đề cương – dự toán; kiểm tra, giám sát quá trình lập dự án; thẩm định, phê duyệt dự án; tổ chức triển khai và giám sát thực hiện quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch thủy lợi.
2.13 Cơ hội (Opportunity)
Những yếu tố thuận lợi do khách quan đem lại trong tương lai, có tác động tích cực cho sự phát triển của vùng quy hoạch.
2.14 Thách thức (Challenging)
Những yếu tố bất lợi trong tương lai khó có thể tránh được. Những yếu tố này có tác động tiêu cực tới quá trình phát triển của vùng quy hoạch.
2.15 Đánh giá môi trường chiến lược (Assessment on strategized environment)
Phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án quy hoạch phát triển thủy lợi nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
2.16 Chuyển nước lưu vực (Water transferring in catchment)
Biện pháp công trình để đưa nước từ lưu vực này sang lưu vực khác nhằm nâng cao hiệu ích của một hoặc nhiều mục đích sử dụng nước như nâng cao đầu nước phát điện, giảm lũ cho hạ du hoặc bổ sung nguồn nước cho lưu vực lân cận khan hiếm nguồn nước. Chuyển nước lưu vực cũng sẽ gây ra những tác động bất lợi cần xem xét giải quyết để đảm bảo hiệu ích sử dụng tổng hợp cao nhất, như giảm nguồn nước về hạ du của lưu vực hoặc tăng dòng chảy mùa lũ của lưu vực lân cận được chuyển nước về.
3. Phân loại
3.1 Theo mức độ chi tiết của quy hoạch, quy hoạch thủy lợi chia thành ba loại sau:
a) Tổng quan quy hoạch thủy lợi;
b) Quy hoạch thủy lợi;
c) Quy hoạch chi tiết thủy lợi.
3.2 Theo lĩnh vực quy hoạch, quy hoạch thủy lợi được chia thành các loại sau:
a) Quy hoạch tổng hợp;
b) Quy hoạch cấp nước;
c) Quy hoạch tiêu nước;
d) Quy hoạch cấp nước và tiêu nước;
e) Quy hoạch phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai;
f) Quy hoạch phòng chống cạn kiệt nguồn nước và bảo vệ môi trường.
4. Yêu cầu chung
4.1 Cơ sở để lập quy hoạch thủy lợi
– Các quy định hiện hành;
– Các tài liệu cơ bản về điều kiện tự nhiên, dân sinh, kinh tế, môi trường, xã hội được điều tra, khảo sát, thu thập. Các tài liệu này phải được cơ quan có tư cách pháp nhân lập hoặc xác nhận theo đúng quy trình, quy phạm và các hướng dẫn chuyên ngành;
– Các đồ án thiết kế, tài liệu về hiện trạng quản lý khai thác vùng quy hoạch do cơ quan có tư cách pháp nhân cung cấp hoặc cơ quan tư vấn thiết kế điều tra thu thập xác lập.
4.2 Nguyên tắc lập thiết kế quy hoạch
Khi nghiên cứu lập quy hoạch thủy lợi phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
a) Nghiên cứu toàn diện về điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế – xã hội;
b) Khai thác và sử dụng tổng hợp đi đôi với bảo vệ nguồn nước, gắn tài nguyên nước với tài nguyên rừng, tài nguyên đất, khoáng sản, khí hậu;
c) Tiết kiệm, đảm bảo sự cân bằng, phát triển bền vững tài nguyên nước và môi trường;
d) Bảo đảm tính kế thừa, phát triển các điều kiện hạ tầng cơ sở thủy lợi đã có;
e) Phát triển thủy lợi phải gắn với phát triển kinh tế – xã hội, phát triển nông nghiệp – nông thôn, an ninh chính trị xã hội, an ninh quốc phòng và các ngành khác có liên quan như giao thông, du lịch ….;
f) Bảo đảm tính thống nhất của các quy hoạch.
4.3 Đồ án quy hoạch
4.3.1 Yêu cầu chung về nội dung đồ án thiết kế quy hoạch thủy lợi:
– Phát triển tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng được nhu cầu nước để thực hiện được các mục tiêu phát triển của các ngành kinh tế – xã hội; phù hợp với định hướng, chiến lược hoặc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng và các ngành có liên quan trong vùng nghiên cứu;
– Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước và môi trường sinh thái;
– Các giải pháp đề xuất phù hợp yêu cầu hạn chế tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu;
– Có hiệu quả đầu tư cao.
4.3.2 Nội dung chính của đồ án thiết kế quy hoạch thủy lợi:
– Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển;
– Đánh giá quá trình phát triển;
– Quan điểm và mục tiêu phát triển;
– Quy hoạch phát triển thủy lợi;
– Các giải pháp thực hiện.
4.4 Thời gian có hiệu lực của quy hoạch
Thời gian định hướng của quy hoạch phát triển thủy lợi là 10 năm và có tầm nhìn ít nhất từ 5 năm đến 10 năm tiếp sau đó.
4.5 Trình tự tiến hành lập quy hoạch thủy lợi
4.5.1 Nghiên cứu tổng hợp ban đầu
Mục đích của bước này là xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ quy hoạch, lập kế hoạch thực hiện, gồm các nội dung công việc sau:
– Nghiên cứu các văn bản giao nhiệm vụ lập quy hoạch;
– Điều tra nguồn tài liệu cơ bản hiện có và khả năng thu thập;
– Nghiên cứu ngoại nghiệp, khảo sát tổng hợp về hiện trạng các vùng, các công trình và yêu cầu phát triển thuỷ lợi;
– Hoàn chỉnh đề cương kỹ thuật. Thống nhất lại với chủ đầu tư nếu cần có điều chỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ hoặc nội dung quy hoạch;
– Lập báo cáo khởi đầu (tham khảo Phụ lục B).
4.5.2 Khảo sát kỹ thuật, phân tích đánh giá tiềm năng
Bao gồm các công việc sau:
– Thu thập tài liệu cơ bản;
– Điều tra, khảo sát bổ sung các tài liệu cơ bản về địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, thuỷ văn nguồn nước, chất lượng nước v.v…;
– Đánh giá tiềm năng phát triển, gồm tiềm năng đất đai, khí hậu, nguồn nước, thảm phủ thực vật, khoáng sản…;
– Phân tích đánh giá hiện trạng và kế hoạch hoặc phương hướng phát triển các ngành;
– Xây dựng kịch bản;
– Nghiên cứu thực địa, khảo sát các vị trí dự kiến bố trí công trình theo các kịch bản;
– Hội thảo đánh giá tiềm năng, phân tích ngành và kịch bản phát triển;
– Tìm hiểu ý kiến cộng đồng về những dự án ưu tiên dự kiến;
– Lập các báo cáo chuyên đề về điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội.
4.5.3 Nghiên cứu, tính toán, thiết kế quy hoạch chuyên ngành
Nội dung chính của bước này như sau:
– Nghiên cứu tính toán xác định các chỉ tiêu quy hoạch cơ bản như hệ số cấp nước (hệ số tưới cho nông nghiệp, yêu cầu cấp nước cho các đối tượng sử dụng và tiêu thụ nước khác), hệ số tiêu (tiêu cho nông nghiệp và cho các đối tượng khác trong vùng quy hoạch), nhu cầu nước để duy trì dòng chảy môi trường).v.v…;
– Phân vùng quy hoạch;
– Cân bằng nước, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu nước theo các kịch bản;
– Nghiên cứu, xây dựng các phương án quy hoạch;
– Nghiên cứu, tính toán chuyên đề, thiết kế quy hoạch chuyên ngành, xác định quy mô, nhiệm vụ các hệ thống công trình, ước tính khối lượng và vốn đầu tư cho các giải pháp;
– Tổng hợp, lập các báo cáo chuyên đề.
4.5.4 Tổng hợp quy hoạch
Nội dung công việc chính của bước này bao gồm:
– Tổng hợp các quy hoạch chuyên ngành, các công trình lợi dụng tổng hợp;
– Điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành khi cần thiết;
– Đánh giá môi trường chiến lược;
– Phân tích, lựa chọn trình tự thực hiện quy hoạch, các dự án ưu tiên;
– Tổng hợp vốn đầu tư, hiệu ích quy hoạch và phân bổ vốn đầu tư;
– Tổ chức hội thảo lấy ý kiến của địa phương góp ý cho một số nội dung chính của đồ án thiết kế quy hoạch;
– Lập báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt và hồ sơ đồ án thiết kế quy hoạch;
4.5.5 Trình duyệt quy hoạch
– Nộp hồ sơ đồ án thiết kế quy hoạch cho cơ quan chủ quản để tổ chức thẩm định;
– Báo cáo và bảo vệ đồ án thiết kế quy hoạch;
– Sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế quy hoạch để cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4.6 Áp dụng công nghệ mới trong nghiên cứu tính toán thiết kế quy hoạch
Khi nghiên cứu thiết kế quy hoạch, ngoài các phương pháp và mô hình tính toán thông dụng, cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tính toán, thiết kế, nâng cao độ tin cậy của các kết quả quy hoạch. Tùy điều kiện cụ thể của từng vùng quy hoạch, điều kiện lập quy hoạch và yêu cầu của từng chuyên đề mà chọn mô hình toán hoặc phần mềm thích hợp.
4.7 Sử dụng bản đồ kỹ thuật số trong xây dựng bản đồ quy hoạch.
Tùy từng trường hợp cụ thể của loại quy hoạch mà chọn tỷ lệ bản đồ thích hợp (tham khảo Phụ lục C).
4.8 Khối lượng và vốn đầu tư
Khối lượng và vốn đầu tư của các công trình đợt đầu cần xác định sơ bộ theo thiết kế định hình, của các công trình còn lại được phép áp dụng theo chỉ tiêu mở rộng.
4.9 Yêu cầu về tài liệu cơ bản để lập quy hoạch
Công tác chuẩn bị tài liệu cơ bản được tiến hành theo nguyên tắc thu thập – chỉnh lý – đánh giá. Phải tận dụng triệt để các tài liệu sẵn có của các cơ quan chức năng, các tài liệu chuyên dùng và các tài liệu nghiên cứu của các cơ quan trong và ngoài ngành đã có liên quan đến nội dung và yêu cầu của quy hoạch.
Công tác điều tra khảo sát bổ sung chỉ tiến hành khi tài liệu sẵn có không đủ hoặc không đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn thiết kế quy hoạch. Các tài liệu cơ bản cần có để lập quy hoạch gồm tài liệu địa hình, địa chất, đất đai thổ nhưỡng, khí tượng – thủy văn, nguồn nước, dân sinh kinh tế – xã hội được quy định ở Điều 8.
4.10 Thẩm định và phê duyệt
Quy hoạch sau khi lập xong phải được thẩm định và trình cấp có thẩp quyền phê duyệt. Công tác thẩm định và phê duyệt phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
4.11 Rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch
Các điều kiện tự nhiên, nguồn nước luôn có sự biến đổi theo thời gian. Mục tiêu và chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội có thể có điều chỉnh. Công nghệ được áp dụng để lập quy hoạch cũng được phát triển, hoàn thiện dần theo thời gian. Vì vậy các quy hoạch thuỷ lợi đã được duyệt cũng định kỳ khoảng 5 năm sau phải rà soát, điều chỉnh bổ sung. Trong trường hợp cần thiết có thể phải lập lại quy hoạch để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
4.12 Thực hiện quy hoạch
Đồ án thiết kế quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để lập kế hoạch đầu tư, tổ chức thực hiện quy hoạch thủy lợi, quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước cũng như các hoạt động kinh tế khác có liên quan. Đầu tư xây dựng công trình ở các giai đoạn tiếp sau cũng phải theo đúng quy hoạch đã được duyệt. Trong quá trình nghiên cứu lập báo cáo đầu tư, dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật, nếu có đề suất khác với quy hoạch đã duyệt thì phải bàn bạc và thống nhất ý kiến với cơ quan lập quy hoạch và cơ quan chủ quản quy hoạch. Khi được nhất trí bằng văn bản của các cơ quan này thì mới được thực hiện tiếp.
5. Thành phần và nội dung của Tổng quan quy hoạch thủy lợi
5.1 Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển
5.1.1 Nghiên cứu, đánh giá nguồn lực tự nhiên
5.1.1.1 Đánh giá yếu tố vị trí địa lý, địa giới hành chính, giới hạn, diện tích tự nhiên vùng nghiên cứu quy hoạch.
5.1.1.2 Đánh giá đặc điểm địa hình chung toàn vùng và của từng khu vực bao gồm độ cao, độ dốc, hướng dốc và diện tích phân bố từng dạng địa hình
5.1.1.3 Đánh giá quỹ đất và tiềm năng khai thác sử dụng đất, bao gồm:
– Quỹ đất toàn vùng và quỹ đất phân bố theo các đơn vị hành chính;
– Tiềm năng khai thác sử dụng đất cho các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội;
– Đặc điểm thổ nhưỡng các loại đất chính, khả năng thích nghi, sử dụng của từng loại đất.
5.1.1.4 Nghiên cứu, đánh giá các đặc điểm về khí hậu, bao gồm các nội dung sau:
– Điều tra mạng lưới các trạm khí tượng – khí hậu có trong vùng quy hoạch, tình hình quan trắc và chất lượng tài liệu quan trắc;
– Phân vùng và các đặc trưng khí hậu ở từng vùng gồm gía trị trung bình, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất năm, tháng của gió, độ ẩm, bốc hơi và mưa. Đối với tính toán thiết kế quy hoạch tưới cho nông nghiệp cần có bản đồ đẳng trị mưa năm ứng với tần suất tính toán thiết kế tưới.
5.1.1.5 Nghiên cứu xác định các đặc trưng hình thái mạng lưới sông: mật độ, nguồn, cửa sông, chiều dài, diện tích lưu vực của dòng chính và các nhánh chính
5.1.1.6 Điều tra mạng lưới trạm và tình hình quan trắc thuỷ văn dòng chảy, các đặc trưng và liệt năm quan trắc, chất lượng tài liệu quan trắc….
5.1.1.7 Tính toán xác định các đặc trưng thuỷ văn – dòng chảy mặt . Nội dung tính toán gồm:
– Các thông số dòng chảy năm bình quân và theo tần suất tại các tuyến đặc trưng, sự biến đổi trong thời kỳ đo đạc, hệ số biến đổi Cv, hệ số thiên lệch Cs, sự biến đổi dòng chảy, cân bằng dòng chảy (cân bằng thuỷ văn). Khi tính toán thiết kế cấp nước cần có bản đồ đẳng trị mô số dòng chảy ứng với tần suất tính toán thiết kế cấp nước;
– Phân phối dòng chảy năm điển hình theo mùa và tháng trong năm;
– Đặc trưng dòng chảy mùa lũ: lưu lượng, mực nước lũ lớn nhất, nhỏ nhất hàng năm và năm lũ lịch sử theo tài liệu thực đo và theo tính toán tần suất;
– Đặc trưng dòng chảy mùa kiệt: lưu lượng, mực nước cao nhất, thấp nhất thực đo và theo tần suất tính toán;
– Đặc trưng dòng chảy bùn cát;
– Đặc trưng chế độ thủy văn vùng triều: chế độ triều, biên độ triều, độ sâu ảnh hưởng triều vào cửa sông…;
– Các đặc trưng về mặn: độ mặn và mức độ xâm nhập mặn…;
– Đặc trưng chất lượng nước: một số chỉ tiêu về chất lượng nước tại một số vị trí điển hình, các chất ô nhiễm, các vùng và mức độ ô nhiễm….
5.1.1.8 Đánh giá các đặc trưng về địa chất thuỷ văn, bao gồm: xác định sơ bộ theo tài liệu hiện có và điều tra thực địa về đặc điểm địa chất thuỷ văn, trữ lượng nước dưới đất, khả năng khai thác.
5.1.1.9 Tổng hợp nguồn nước, phân bố nguồn nước theo thời gian (từng tháng) và theo không gian (vùng, tiểu vùng) ứng với các tần suất tính toán.
5.1.2 Điều tra, tổng hợp, đánh giá nguồn lực xã hội
5.1.2.1 Tổ chức quản lý hành chính
Điều tra thu thập tài liệu phân chia các đơn vị hành chính, tổ chức quản lý, những thuận lợi và khó khăn trong quản lý hành chính…
5.1.2.2 Dân cư và lao động
Điều tra thu thập tài liệu về tổng số dân và lao động, phân loại theo nông thôn, thành thị; tốc độ tăng hàng năm … phân bố theo đơn vị hành chính và theo vùng thuỷ lợi.
5.2 Điều tra, nghiên cứu đánh giá quá trình phát triển
5.2.1 Điều tra, đánh giá chung về quá trình phát triển kinh tế – xã hội
Điều tra, phân tích quá trình phát triển nền kinh tế chung trong vòng từ 5 năm đến 10 năm gần nhất gồm cơ cấu phát triển sản xuất trên lưu vực, giá trị tổng sản phẩm GDP của vùng, tỉ trọng GDP của các ngành kinh tế chính, GDP bình quân đầu người, các định hướng quy hoạch phát triển chung về kinh tế – xã hội, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết.
5.2.2 Điều tra, đánh giá quá trình phát triển của các ngành kinh tế chính có liên quan mật thiết tới nguồn nước
5.2.2.1 Nông nghiệp
Nội dung điều tra, đánh giá gồm:
– Quỹ đất đang được khai thác cho nông nghiệp và cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp;
– Hiện trạng sản xuất nông nghiệp: các loại cây trồng chính, thời vụ, năng suất, sản lượng, bình quân lương thực đầu người;
– Hiện trạng chăn nuôi: hình thức chăn nuôi, số loại và tổng đàn gia súc, các cơ sở thức ăn, đồng cỏ…;
– Những thuận lợi, khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp và định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp.
5.2.2.2 Lâm nghiệp
Nội dung điều tra, đánh giá gồm:
– Quỹ đất lâm nghiệp, diện tích các loại rừng, độ che phủ;
– Diễn biến rừng, tình hình khai thác, khôi phục và phát triển rừng;
– Những vấn đề tồn tại cần giải quyết để bảo vệ phát triển rừng và định hướng quy hoạch phát triển lâm nghiệp.
5.2.2.3 Thủy sản
Nội dung điều tra, đánh giá gồm:
– Hiện trạng và kết quả phát triển thủy sản bao gồm cả nuôi trồng, đánh bắt và chế biến;
– Tình hình nuôi trồng thủy sản: các cơ sở, các loại thủy sản, phương thức nuôi thả, quy trình dùng nước, năng suất, sản lượng;
– Những thuận lợi, khó khăn trong nuôi trồng thủy sản và định hướng quy hoạch phát triển thủy sản.
5.2.2.4 Công nghiệp
Nội dung điều tra, đánh giá gồm:
– Giới thiệu khái quát vị trí, quy mô, công suất, sản lượng của các ngành công nghiệp, đặc biệt những ngành có nhu cầu dùng nước lớn như khai khoáng, luyện kim v.v.. có mặt trong vùng quy hoạch;
– Định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp.
5.2.2.5 Năng lượng
Nội dung điều tra, đánh giá gồm:
– Các hệ thống điện năng: các nguồn điện, mức độ điện khí hoá;
– Hiện trạng khai thác thủy năng: số trạm thủy điện, các thông số kỹ thuật của trạm thủy điện, sản lượng điện và tỷ trọng của thủy điện trong toàn hệ thống điện năng;
– Những tồn tại cần giải quyết cho phát triển thủy điện và định hướng quy hoạch phát triển năng lượng.
5.2.2.6 Giao thông
Nội dung điều tra, đánh giá gồm:
– Các mạng lưới giao thông, khả năng vận tải của các tuyến giao thông nói chung và giao thông thủy nói riêng;
– Những mâu thuẫn giữa phát triển giao thông và phát triển thủy lợi cần giải quyết;
– Định hướng quy hoạch phát triển giao thông.
5.2.2.7 Xây dựng và đô thị
Tập trung chủ yếu vào đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển các khu dân cư đô thị, khu công nghiệp, bao gồm quy mô diện tích, dân số.
5.2.3 Điều tra, khảo sát đánh giá quá trình phát triển thủy lợi
Nội dung điều tra bao gồm:
a) Các chương trình, các dự án phát triển thủy lợi đã được nghiên cứu, công nghệ ứng dụng, nhận xét về các chương trình, dự án đó;
b) Quá trình và kết quả đầu tư phát triển thủy lợi, bao gồm:
– Vốn đầu tư từng năm hoặc thời kỳ;
– Các giải pháp thủy lợi hiện có (công trình và không công trình), năng lực thiết kế và năng lực thực tế của công trình;
c) Hiệu quả phục vụ sản xuất và dân sinh – xã hội như số dân được cấp nước sinh hoạt, sản lượng lương thực, thủy sản, công nghiệp… tăng do có công trình thủy lợi cấp thoát nước, phòng chống lũ;
d) Hiện trạng công trình, nhiệm vụ thiết kế và khả năng thực tế có thể đáp ứng được của các công trình và hệ thống công trình thủy lợi. Phân tích nguyên nhân làm giảm năng lực thiết kế của các công trình;
e) Phân tích, đánh giá những mặt được, chưa được, các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng và phát triển thủy lợi. Xác định trọng tâm và định hướng giải quyết.
5.2.4 Điều tra hiện trạng thiên tai
Cần điều tra các loại thiên tai đã xảy ra trong vùng quy hoạch như hạn, úng, lũ lụt… Đánh giá về phạm vi và mức độ ảnh hưởng cũng như mức độ tổn thất do các thiên tai đó gây ra đối với sản xuất và đời sống của nhân dân
5.2.5 Điều tra về tổ chức quản lý nước và công trình thủy lợi
Nội dung điều tra bao gồm:
– Bộ máy tổ chức, năng lực quản lý;
– Cơ chế chính sách trong phát triển và quản lý thủy lợi.
5.3 Phân tích, dự báo xu thế phát triển, cơ hội và thách thức trong tương lai
5.3.1 Phân tích xu thế phát triển
5.3.1.1 Các nguồn lực bên ngoài
Phân tích đánh giá tác động phát triển các nguồn lực ở các lưu vực hay các vùng lân cận cũng như tác động của chuyển đổi vĩ mô ở tầm quốc gia, quốc tế có ảnh hưởng tới sự phát triển của vùng nghiên cứu.
5.3.1.2 Các nguồn lực nội tại
Phát hiện và phân tích các nguồn lực nội tại, xu thế phát triển, mức độ, chỉ tiêu phát triển, bao gồm:
– Phát triển nguồn nhân lực: Phân tích, tổng hợp, đưa ra các mục tiêu cơ bản và định hướng phát triển trung hạn, dài hạn của các mặt như quy định tại Điều 5.1.2;
– Phát triển kinh tế: Phân tích, tổng hợp, đưa ra các mục tiêu chung, định hướng phát triển trung hạn và dài hạn của các ngành kinh tế – xã hội như đã quy định tại Điều 5.2.
5.3.2 Phân tích, dự báo cơ hội và thách thức
Cần nghiên cứu, phân tích những cơ hội có tác động tích cực đến sự phát triển của lưu vực cần nắm bắt và chỉ ra những nguy cơ có thể tác động xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội trên lưu vực trong đó có nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng để có giải pháp hạn chế.
5.4 Xây dựng phương án khung phát triển thủy lợi
5.4.1 Xác định mục tiêu và nhiệm vụ phát triển thủy lợi
Để xác định mục tiêu và nhiệm vụ phát triển thủy lợi cần thực hiện các nội dung sau:
a) Xác định mục tiêu phát triển thủy lợi trong các giai đoạn trung hạn và dài hạn;
b) Xác định khung phát triển thủy lợi chuyên ngành;
c) Xác định tiêu chuẩn thiết kế tổng quan, bao gồm:
– Tiêu chuẩn thiết kế cấp nước;
– Tiêu chuẩn thiết kế tiêu thoát nước;
– Tiêu chuẩn thiết kế phòng chống lũ.
5.4.2 Xây dựng khung phát triển thủy lợi cấp nước
5.4.2.1 Phân vùng thủy lợi
Căn cứ vào đặc điểm địa hình (cao độ và hướng dốc của địa hình, mức độ phức tạp và chia cắt bởi sông ngòi và công trình xây dựng…), sông ngòi và đặc điểm thủy văn, loại công trình thủy lợi cấp nước hoặc tiêu nước, đặc điểm sản xuất nông nghiệp và các loại đối tượng sử dụng nước… có mặt trong vùng nghiên cứu quy hoạch và yêu cầu của quy hoạch để thực hiện phân vùng.
5.4.2.2 Xác định nhu cầu cấp nước
5.4.2.2.1 Ngành và lĩnh vực sau đây cần xác định nhu cầu cấp nước, quy mô phát triển:
a) Dân sinh: số dân đô thị, nông thôn cần được cấp nước sinh hoạt;
b) Công nghiệp: số cơ sở, quy mô các cơ sở công nghiệp cần cấp nước;
c) Dịch vụ du lịch: loại hình, số lượng khách, phòng khách các loại;
d) Nông nghiệp: diện tích canh tác cần tưới; số đàn gia súc, gia cầm;
e) Thủy sản: diện tích nuôi thả thủy sản cần cấp nước, hình thức nuôi thả (nuôi theo phương thức quảng canh, thâm canh, thâm canh cải tiến hay công nghiệp);
g) Giao thông thủy, dòng chảy duy trì môi trường, sinh thái ở hạ du.
5.4.2.2.2 Chọn chỉ tiêu sau đây để tính toán thiết kế cấp nước:
a) Các chỉ tiêu thiết kế cấp nước tưới cho nông nghiệp, bao gồm mức bảo đảm, mô hình mưa tưới, hệ số tưới, mức tưới cho từng loại cây trồng ở từng vùng;
b) Chỉ tiêu cấp nước đơn vị, mức bảo đảm, yêu cầu nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, thủy sản và các đối tượng sử dụng nước khác có trong vùng quy hoạch.
5.4.2.2.3 Tính toán xác định nhu cầu cấp nước tại thời điểm hiện tại và tương lai, bao gồm:
a) Nhu cầu nước cho sinh hoạt của dân cư và cho từng ngành kinh tế theo vùng, tiểu vùng, và theo năm, tháng;
b) Yêu cầu dòng chảy duy trì môi trường cũng như các hoạt động bình thường của dân sinh và các ngành kinh tế ở phía hạ lưu.
5.4.2.3 Tính toán cân bằng nước
Khi tính toán cân bằng nước cần xác định những vị trí đặc trưng và điển hình là những tuyến dự kiến xây dựng công trình điều tiết, các ranh giới hành chính, ranh giới lưu vực sông cho toàn vùng quy hoạch và từng vùng thủy lợi. Nội dung chủ yếu trong tính toán cân bằng nước bao gồm:
a) Tính toán cân bằng nước sơ bộ cho giai đoạn hiện tại theo nguồn nước tự nhiên, xác định mức thừa, thiếu của các nguồn nước tự nhiên;
b) Tính toán cân bằng nước cho giai đoạn:
– Phát triển tương lai theo nguồn nước hiện có (với các công trình điều tiết hiện có và đang xây dựng) để xác định yêu cầu phát triển nguồn nước đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển các ngành trong tương lai;
– Phát triển tương lai có tính đến các biện pháp công trình điều tiết, bổ sung dự kiến để đánh giá khả năng phát triển nguồn nước đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển các ngành trong tương lai;
Nếu đã đưa hết các công trình điều tiết dự kiến có thể xây dựng vào tính toán cân bằng mà vẫn thiếu nước, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh nhu cầu nước của các hộ dùng nước (đối với nông nghiệp, thủy sản có thể khuyến cáo thay đổi cơ cấu thời vụ gieo trồng, cơ cầu cây trồng, loại thủy sản nuôi thả…) hoặc yêu cầu có giải pháp bổ sung nguồn nước từ các lưu vực lân cận, hoặc kiến nghị không bố trí hộ dùng nước nào đó trong lưu vực.
5.4.2.4 Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khung cơ bản cấp nước
5.4.2.4.1 Đề xuất giải pháp kỹ thuật cấp nước ở từng vùng. Các đề xuất phải nêu rõ nguồn nước, phạm vi, nhiệm vụ, quy mô từng hệ thống công trình chính, gồm cả nâng cấp, cải tạo các hệ thống hiện có và các hệ thống làm mới.
5.4.2.4.2 Đề xuất hướng giải quyết khi thiếu nguồn nước hoặc không thể xây dựng được công trình cấp nước. Các đề xuất có thể là:
– Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hoặc bố trí dân cư, công nghiệp, thủy sản… cho thích hợp;
– Chuyển nước từ lưu vực lân cận bổ sung cho những vùng thiếu.
5.4.2.4.3 Xác định một số chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật chủ yếu của các công trình hoặc hệ thống công trình có quy mô lớn và vừa được ưu tiên đầu tư.
5.4.2.5 Đánh giá hiệu quả cấp nước và ước tinh vốn đầu tư
Các nội dung chủ yếu sau đây được nghiên cứu, đánh giá:
a) Dự tính kết quả cấp nước ở toàn lưu vực và từng vùng, bao gồm diện tích nông nghiệp, thủy sản được cấp nước và mức bảo đảm cấp nước; số dân được cấp nước, mức cấp nước; các khu công nghiệp và lượng nước được cấp; tác dụng cải thiện giao thông thủy, tạo điều kiện phát triển an dưỡng, du lịch….;
b) Có thể sử dụng các chỉ tiêu suy rộng để ước toán vốn đầu tư thực hiện quy hoạch.
5.4.3 Xây dựng khung phát triển thuỷ điện
Các công việc sau đây cần được nghiên cứu, khảo sát và tính toán, đánh giá:
– Trữ năng thuỷ điện các dòng chính và dòng nhánh lớn có trong vùng nghiên cứu;
– Tình hình phát triển thủy điện trong vùng quy hoạch và vai trò của nó trong hệ thống năng lượng;
– Định hướng khai thác tiềm năng thủy điện: sơ đồ bố trí các công trình, quy mô và sơ bộ một vài thông số kỹ thuật cơ bản của các công trình;
– Ước tính vốn đầu tư thủy điện;
– Dự tính kết quả phát triển thuỷ điện trong tương lai: tổng công suất lắp máy, số giờ sử dụng công suất lắp máy và ước tính tổng điện lượng hàng năm.
5.4.4 Xây dựng khung quy hoạch tiêu thoát nước
5.4.4.1 Đánh giá tình trạng mưa úng xảy ra hàng năm, bao gồm phạm vi và mức độ ảnh hưởng, tổn thất do úng ngập gây ra. Nguyên nhân úng và yêu cầu tiêu úng cho vùng quy hoạch.
5.4.4.2 Phân vùng tiêu thoát nước. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội ở từng vùng.
5.4.4.3 Điều tra đánh giá hiện trạng các công trình tiêu và hệ thống công trình tiêu thoát hiện có, bao gồm biện pháp tiêu (tự chảy, động lực), diện tích lưu vực tiêu, mức bảo đảm, hệ số tiêu, năng lực tiêu thoát thiết kế và thực tế của từng công trình.
5.4.4.4 Phân tích lựa chọn tiêu chuẩn chống úng và mức chống úng cho từng vùng
5.4.4.5 Nghiên cứu, tính toán và đề xuất các giải pháp khung về tiêu thoát nước, bao gồm:
a) Biện pháp tiêu: Biện pháp tiêu đề xuất có thể là tiêu tự chảy hoặc tiêu động lực nhưng phải làm rõ mức đảm bảo tiêu, mô hình mưa tiêu thiết kế, hệ số tiêu thoát, mực nước tiêu thiết kế;
b) Đề xuất các công trình tiêu và hệ thống công trình tiêu. Các công trình đề xuất phải chỉ rõ phạm vi lưu vực tiêu, nhiệm vụ, quy mô công trình đầu mối tiêu, tổng lưu lượng tiêu, đường tiêu và hướng tiêu…. Đối với công trình và hệ thống công trình tiêu bằng động lực cần xác định thêm nhu cầu điện năng cần cung cấp.
5.4.4.6 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp tiêu
5.4.4.7 Dự tính hiệu quả đạt được của các giải pháp tiêu đề xuất: giảm mức úng ngập về diện tích cho các đối tượng có nhu cầu tiêu nước trong vùng quy hoạch, giảm độ sâu ngập và thời gian ngập….
5.4.5 . Xây dựng khung quy hoạch phòng chống lũ
5.4.5.1 Phân tích, đánh giá tình trạng mưa bão, lũ lụt xảy ra hàng năm bao gồm phạm vi và mức độ ảnh hưởng, tổn thất về tài sản và tính mạng do lũ lụt gây ra. Yêu cầu phòng chống lũ lụt.
5.4.5.2 Phân vùng bảo vệ. Phân tích các điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội ở từng vùng
5.4.5.3 Đánh giá hiện trạng các công trình và hệ thống công trình phòng chống lũ hiện có như tiêu chuẩn, mức đảm bảo chống lũ thiết kế, khả năng chống lũ thực tế, những tồn tại cần giải quyết
5.4.5.4 Phân tích lựa chọn tiêu chuẩn chống lũ chung của lưu vực. Yêu cầu về mức đảm bảo chống lũ cho từng vùng và toàn lưu vực. Chọn mô hình lũ thiết kế
5.4.5.5 Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khung phòng chống lũ. Các giải pháp đề xuất có thể là:
a) Giải pháp công trình:
Cần xác định tiêu chuẩn chống lũ thiết kế, nhiệm vụ và quy mô của các công trình. Tính toán sơ bộ đưa ra các giải pháp khung cơ bản. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của vùng quy hoạch có thể áp dụng một hay một vài trong số các giải pháp đề xuất sau:
– Hồ chứa: Các loại dung tích hồ chứa, dung tích phòng chống lũ hạ du, tác dụng cắt lũ cho hạ du, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cơ bản khác của công trình;
– Vùng chậm lũ: Giới hạn vùng chậm lũ, dung tích vùng chậm lũ, tác dụng cắt lũ;
– Đường phân lũ: Bố trí đường phân lũ và các công trình trên đường phân lũ. Lưu lượng phân lũ, tác dụng giảm lũ cho dòng chính;
– Đê điều: Bố trí tuyến đê, mặt cắt thiết kế đê và các chỉ tiêu chống lũ của đê;
– Chỉnh trị sông: Các đoạn sông cần nạo vét, nắn dòng, gia cố, tác dụng thoát lũ và bảo vệ lòng, bờ của các công trình chỉnh trị;
b) Giải pháp phi công trình:
– Đề xuất định hướng bố trí sản xuất thích nghi với điều kiện mưa lũ khi các giải pháp công trình không có tính khả thi hoặc không đủ đáp ứng;
– Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn: các vùng đầu nguồn cần bảo vệ và phát triển rừng, loại rừng và mức độ che phủ cần đảm bảo;
– Công tác chỉ đạo phòng chống lụt, bão: bộ máy điều hành, mạng lưới trạm quan trắc, trang thiết bị cần thiết cho bộ máy điều hành và công tác dự báo, mô hình dự báo lũ…
5.4.5.6 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp phòng chống lũ.
5.4.5.7 Đánh giá sơ bộ tác dụng của tổ hợp các giải pháp phòng chống lũ, bao gồm:
– Khả năng cắt giảm mực nước, lưu lượng lũ cho hạ du tại những vị trí đặc trưng đối với mô hình lũ thiết kế;
– Số dân cư, các cơ sở hạ tầng và sản xuất được bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái…
5.4.6 Tổng hợp các công trình sử dụng tổng hợp dòng chính
5.4.6.1 Tổng hợp nhu cầu bổ sung nước cho các ngành ở các khu vực và toàn vùng quy hoạch kể cả nhu cầu nước duy trì môi trường sinh thái hạ du. Trong trường hợp cần thiết có xét đến nhu cầu bổ sung nước cho những vùng lân cận.
5.4.6.2 Tổng hợp trữ lượng nước, trữ năng thủy điện, khả năng khai thác và sử dụng nước ở các dòng chính và các phụ lưu chính.
5.4.6.3 Bố trí các công trình thủy lợi sử dụng tổng hợp, xác định số ngành tham gia, mức độ khai thác, chế độ điều tiết, phân phối nước cho các ngành và duy trì dòng chảy môi trường ở hạ du.
5.4.6.4 Sơ bộ xác định quy mô của các công trình sử dụng tổng hợp.
5.4.6.5 Ước tính vốn đầu tư và phân bổ vốn đầu tư xây dựng cho các ngành hưởng lợi.
5.4.6.6 Đánh giá sơ bộ hiệu ích lợi dụng tổng hợp.
5.4.7 Đánh giá môi trường chiến lược
5.4.7.1 Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, môi trường. Tập trung đánh giá tình trạng môi trường các nguồn nước mặt và nước ngầm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm và mức độ ô nhiễm.
5.4.7.2 Dự báo tác động xấu đối với môi trường có thể xảy ra khi thực hiện khung quy hoạch phát triển thủy lợi.
5.4.7.3 Sơ bộ đề xuất phương hướng, giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề chính về môi trường trong quá trình thực hiện tổng quan quy hoạch để giảm thiểu các tác động xấu do xây dựng các công trình phát triển thủy lợi gây ra.
5.5 Đề xuất các giải pháp chính thực hiện mục tiêu
5.5.1 Nghiên cứu đề xuất cơ chế tổ chức quản lý nguồn nước và các hệ thống thủy lợi.
5.5.2 Đề xuất hướng đầu tư thực hiện tổng quan quy hoạch. Các đề xuất bao gồm:
a) Những lưu vực, vùng cần ưu tiên khảo sát lập quy hoạch hoặc quy hoạch chi tiết;
b) Những chuyên ngành cần được ưu tiên đầu tư khảo sát lập quy hoạch;
c) Những dự án có thể ưu tiên đầu tư thực hiện sau tổng quan quy hoạch.
5.6 Kết luận và các kiến nghị
5.6.1 Các kết luận về khả năng phát triển thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước cho các ngành và các giải pháp khung cơ bản phát triển thủy lợi.
5.6.2 Các kiến nghị về hướng đầu tư thực hiện bao gồm các tiểu lưu vực, tiểu vùng hoặc các chuyên ngành cần ưu tiên triển khai lập quy hoạch hoặc quy hoạch chi tiết, các dự án có thể đầu tư nghiên cưú ngay không qua quy hoạch; những vấn đề cần được nghiên cứu, giải quyết tiếp.
5.7 Sản phẩm Tổng quan quy hoạch
5.7.1 Yêu cầu chung
5.7.1.1 Các kết quả nghiên cứu, tính toán được tổng hợp thành hồ sơ đồ án Tổng quan quy hoạch. Hồ sơ gồm có các báo cáo, bản đồ và đĩa CD được quy định ở các điều dưới đây. Trong trường hợp yêu cầu lập định hướng quy hoạch chỉ có một số chuyên ngành thì có thể giảm một số báo cáo chuyên đề tương ứng với chuyên ngành không có yêu cầu quy hoạch.
5.7.1.2 Giao chủ đầu tư 01 đĩa CD lưu trữ toàn bộ nội dung các báo cáo và bản đồ.
5.7.2 Các báo cáo
Bao gồm các báo cáo sau:
a) Báo cáo tóm tắt;
b) Báo cáo tổng hợp;
c) Các báo cáo tính toán chuyên đề:
– Báo cáo hiện trạng phát triển thủy lợi;
– Báo cáo Khí tượng – Thủy văn;
– Báo cáo tính toán thủy lực (nếu có phần tính toán thủy lực);
– Báo cáo tính toán khung quy hoạch cấp nước, tiêu – thoát nước, phòng chống lũ;
– Trong trường hợp từng quy hoạch chuyên ngành có nhiều tính toán phức tạp thì có thể tách thành 2 hoặc 3 báo cáo chuyên đề.
Đề cương viết các báo cáo Tổng quan quy hoạch có thể tham khảo ở phần Phụ lục A. Số bộ báo cáo giao nộp do chủ đầu tư quy định.
5.7.3 Bản đồ quy hoạch
5.7.3.1 Các bản đồ trong hồ sơ Tổng quan quy hoạch gồm có:
– Bản đồ Hiện trạng và phương hướng phát triển kinh tế – xã hội;
– Bản đồ Hiện trạng phát triển thủy lợi;
– Bản đồ Tổng quan quy hoạch phát triển thủy lợi.
5.7.3.2 Các bản đồ quy định tại Điều 5.7.3.1 cần lập ở 2 dạng:
a) Trên bản đồ kỹ thuật số hoặc bản đồ nền: tùy thuộc khả năng nguồn bản đồ có thể có và diện tích lưu vực của vùng quy hoạch mà lựa chọn tỷ lệ bản đồ 1:50 000, 1:100 000 hay 1:250 000. Số lượng bản đồ giao nộp cho chủ đầu tư: 01 bộ;
b) Bản đồ Atlat được xây dựng trên bản đồ số, đóng kèm Báo cáo hoặc đóng thành tập Phụ lục bản đồ, khổ A4 hoặc A3. Số lượng giao nộp theo quy định của chủ đầu tư.
6. Thành phần, nội dung của Quy hoạch phát triển thủy lợi lưu vực sông
6.1 Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển
6.1.1 Nghiên cứu, đánh giá nguồn lực tự nhiên
6.1.1.1 Các yếu tố địa lý tự nhiên chính sau đây cần điều tra, nghiên cứu, đánh giá :
a) Vị trí địa lý, phạm vi hành chính, giới hạn, diện tích tự nhiên của lưu vực;
b) Đặc điểm địa hình chung toàn lưu vực và của từng vùng về độ cao, độ dốc, hướng dốc và diện tích phân bố từng dạng địa hình;
c) Đặc điểm địa hình địa mạo, cấu tạo địa chất chung và phân vùng địa chất lưu vực. Điều kiện địa chất công trình và vật liệu xây dựng ở vùng tuyến công trình dự kiến xây dựng ;
d) Quỹ đất và tiềm năng khai thác sử dụng đất, bao gồm quỹ đất của từng khu vực và toàn lưu vực quy hoạch; tiềm năng khai thác sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội;
e) Đặc điểm chung về đất đai thổ nhưỡng trên lưu vực, các loại đất và phân bố các loại đất chính có trong lưu vực. Đặc điểm các loại đất chính, khả năng thích nghi, sử dụng của từng loại đất;
g) Tài nguyên khoáng sản. Căn cứ vào các tài liệu đã công bố, giới thiệu khái quát các loại khoáng sản có tiềm năng lớn về trữ lượng, giá trị kinh tế và vị trí phân bố.
6.1.1.2 Các yếu tố chính sau đây liên quan đến nguồn nước trên lưu vực cần điều tra, khảo sát:
a) Khí hậu:
– Mạng lưới trạm khí tượng, thời gian quan trắc và chất lượng tài liệu quan trắc;
– Phân vùng và các đặc trưng khí hậu ở từng vùng, gồm gíá trị trung bình, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất năm, tháng của gió, độ ẩm, bốc hơi và mưa, bản đồ đẳng trị lượng mưa ứng với tần suất tính toán thiết kế tưới. Cần xác định mô hình mưa tưới, mưa tiêu, vận tốc gió, lượng bốc hơi tại các vùng công trình theo tần suất thiết kế.
b) Đặc trưng hình thái mạng lưới sông:
– Mật độ, nguồn, cửa sông, chiều dài, độ rộng, độ dốc, độ uốn khúc, diện tích lưu vực của dòng chính và các nhánh chính;
– Mạng lưới trạm quan trắc và tình hình tài liệu quan trắc thủy văn dòng chảy, các đặc trưng và liệt năm quan trắc, chất lượng tài liệu quan trắc…;
c) Các đặc trưng về thủy văn – dòng chảy mặt. Các đặc trưng này được xác định theo tài liệu hiện có. Khi cần thiết có thể đo đạc bổ sung tài liệu về lưu lượng và mực nước kiệt, độ mặn và phạm vi nhiễm mặn, lưu lượng và mực nước một số con lũ, chất lượng nước:
– Các thông số dòng chảy năm bình quân và theo tần suất tại các tuyến đặc trưng, sự biến đổi trong thời kỳ đo đạc, hệ số biến đổi Cv, hệ số thiên lệch Cs, sự biến đổi dòng chảy, cân bằng dòng chảy. Lập bản đồ đẳng trị một số dòng chảy ứng với tần suất tính toán thiết kế cấp nước;
– Phân phối dòng chảy năm điển hình theo mùa và tháng trong năm;
– Đặc trưng dòng chảy mùa lũ như lưu lượng, mực nước lũ lớn nhất, nhỏ nhất hàng năm và năm lũ lịch sử theo tài liệu thực đo và theo tính toán tần suất; đường quá trình lũ tính toán tại các tuyến đặc trưng;
– Đặc trưng dòng chảy mùa kiệt gồm lưu lượng, mực nước cao nhất, thấp nhất thực đo và theo tần suất tính toán;
– Đặc trưng dòng chảy bùn cát;
– Đặc trưng chế độ thuỷ văn vùng triều gồm chế độ triều, biên độ triều, độ sâu ảnh hưởng triều vào trong nội đồng;
– Các đặc trưng về mặn: độ mặn, mức độ xâm nhập mặn….Sự liên quan giữa độ mặn, chiều sâu xâm nhập mặn với lưu lượng ở thượng nguồn;
– Đặc trưng chất lượng nước, các nguồn gây ô nhiễm, các vùng và mức độ ô nhiễm…;
– Các đặc trưng thủy văn công trình gồm mực nước, lưu lượng thiết kế và kiểm tra tại các tuyến công trình, các biên và nút tính toán thủy lực;
d) Các đặc trưng về địa chất thủy văn. Tài liệu này được xác định sơ bộ theo tài liệu hiện có và điều tra thực địa, bao gồm các đặc trưng chính về địa chất thuỷ văn, chất lượng, trữ lượng nước dưới đất, khả năng khai thác, sử dụng…;
e) Tổng hợp nguồn nước, phân bố nguồn nước theo thời gian (theo tháng) và theo không gian ứng với các tần suất tính toán thiết kế.
6.1.2 Điều tra, đánh giá nguồn lực xã hội
6.1.2.1 Điều tra, đánh giá về tổ chức quản lý hành chính bao gồm phân chia các đơn vị hành chính, tổ chức quản lý, những thuận lợi và khó khăn trong quản lý hành chính; một số khái quát về tình hình chính trị – xã hội, an ninh, quốc phòng trên lưu vực.
6.1.2.2 Điều tra đánh giá về dân cư và lao động bao gồm :
a) Tổng số dân cư và lao động, dân tộc, giới, lao động, nông thôn, thành thị; tốc độ tăng dân số hàng năm…. Phân bố dân cư theo đơn vị hành chính và theo vùng thủy lợi;
b) Trình độ dân trí, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp;
c) Các đặc điểm văn hoá xã hội. Chất lượng đời sống văn hóa xã hội của nhân dân.
6.2 Điều tra, nghiên cứu, đánh giá quá trình phát triển
6.2.1 Quá trình phát triển kinh tế – xã hội
6.2.1.1 Điều tra, phân tích quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong vòng từ 5 năm đến 10 năm gần đây của nền kinh tế chung và của các ngành kinh tế chính có liên quan tới nguồn nước như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, năng lượng, xây dựng – đô thị, giao thông, du lịch – dịch vụ…;
6.2.1.2 Điều tra, nghiên cứu, đánh giá nền kinh tế chung theo các nội dung sau:
– Cơ cấu phát triển sản xuất trên lưu vực;
– Kết quả sản xuất: giá trị tổng sản phẩm GDP của cả vùng quy hoạch, tỉ trọng GDP của các ngành kinh tế chính trong lưu vực, GDP bình quân đầu người;
– Định hướng chung về phát triển kinh tế – xã hội trên lưu vực.
6.2.1.3 Điều tra đánh giá quá trình phát triển các ngành kinh tế chính theo các nội dung sau:
a) Nông nghiệp:
– Quỹ đất đang được khai thác cho nông nghiệp, phân bổ các loại đất nông nghiệp, đất canh tác;
– Tình hình canh tác nông nghiệp: loại cây trồng, cơ cấu diện tích cây trồng, thời vụ, năng suất, sản lượng, bình quân lương thực đầu người;
– Tình hình chăn nuôi: hình thức chăn nuôi, số loại đàn gia súc, các cơ sở thức ăn, đồng cỏ chăn thả…;
– Cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp;
– Những thuận lợi, khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp;
– Định hướng phát triển nông nghiệp;
b) Lâm nghiệp:
– Quỹ đất lâm nghiệp, phân loại loại rừng, diện tích các loại rừng, chất lượng rừng, độ che phủ, trữ lượng lâm sản;
– Diễn biến về diện tích và chủng loại rừng, tình hình khai thác, khôi phục và phát triển rừng;
– Tình hình khai thác, chế biến lâm sản;
– Những vấn đề tồn tại cần giải quyết để bảo vệ, phát triển rừng và các định hướng phát triển rừng;
c) Thuỷ sản:
– Hiện trạng và kết quả phát triển ngành thuỷ sản, bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt;
– Tình hình nuôi trồng thủy sản, bao gồm các cơ sở, các loại thuỷ sản, phương thức nuôi thả, quy trình dùng nước, năng suất, sản lượng;
– Những thuận lợi, khó khăn trong việc nuôi trồng thuỷ sản ;
– Một số định hướng quy hoạch phát triển thủy sản;
d) Công nghiệp:
– Các ngành công nghiệp có trong vùng quy hoạch, đặc biệt quan tâm tới những ngành có nhu cầu dùng nước lớn như khai khoáng, luyện kim…;
– Các cơ sở công nghiệp chính cần giới thiệu khái quát vị trí, quy mô, công suất, sản lượng. Nếu có tài liệu có thể nêu rõ hơn về quy trình công nghệ sản xuất và quy trình sử dụng nước, thải nước, chất lượng nước thải, số dân cư công nghiệp, cao trình mặt bằng khu công nghiệp v.v…;
– Tình hình sản xuất công nghiệp, cấp thải nước, những thuận lợi và khó khăn, vấn đề ô nhiễm do chất thải công nghiệp;
– Khái quát quy hoạch phát triển công nghiệp trên lưu vực;
e) Năng lượng:
– Các hệ thống điện năng: các nguồn, mạng lưới điện, mức độ điện khí hoá, bình quân lượng điện tiêu thụ trên đầu người;
– Hiện trạng khai thác thủy năng: số công trình thủy điện, một số thông số kỹ thuật chính của công trình thủy điện, điện năng, tỷ trọng của tỉuy điện trong toàn hệ thống điện năng. Hiện trạng khai thác, vận hành của các nhà máy thủy điện, khả năng phát huy công suất;
– Những tồn tại cần giải quyết cho phát triển thuỷ điện và định hướng quy hoạch phát triển thủy điện;
g) Giao thông:
– Các mạng lưới giao thông, hiện trạng và khả năng vận tải của các tuyến giao thông nói chung và giao thông thủy nói riêng;
– Những mâu thuẫn giữa phát triển giao thông và phát triển thủy lợi cần giải quyết;
– Khái quát một số định hướng quy hoạch phát triển giao thông trong lưu vực;
h) Khai khoáng :
Nếu có tài liệu thì giới thiệu khái quát về loại, vị trí, trữ lượng các mỏ, tình hình khai thác, quy trình khai thác, quy trình sử dụng nước và thải nước ở các mỏ, nguồn tiếp nhận chất thải và nước thải;
i) Xây dựng và đô thị:
– Hiện trạng phát triển các khu dân cư đô thị, khu công nghiệp, bao gồm quy mô diện tích, dân số;
– Diến biến và phát triển các khu dân cư công nghiệp, thành thị;
– Tình hình cấp, thải nước ở các khu tập trung dân cư đô thị, công nghiệp, chất lượng nước thải;
– Khái quát quy hoạch phát triển đô thị trên lưu vực;
6.2.1.4 Đánh giá chung về hiện trạng phát triển của các ngành kinh tế – xã hội. Nêu bật được những thuận lợi và khó khăn, những kết quả nổi bật và những tồn tại.
6.2.2 Điều tra đánh giá quá trình phát triển thủy lợi
6.2.2.1 Điều tra, đánh giá quá trình đầu tư xây dựng công trình thủy lợi và hiệu quả đầu tư, bao gồm:
– Các chương trình, các dự án phát triển thủy lợi đã được nghiên cứu, công nghệ ứng dụng, nhận xét về các chương trình, dự án đó;
– Quá trình đầu tư và kết quả đầu tư bao gồm vốn đầu tư từng năm hoặc từng thời kỳ; các giải pháp thủy lợi hiện có (công trình và không công trình), năng lực thiết kế và năng lực thực tế của công trình;
– Hiệu quả phục vụ dân sinh và xã hội như số dân được cấp nước sinh hoạt, sản lượng lương thực, thủy sản, công nghiệp… tăng do có công trình thủy lợi cấp thoát nước, phòng chống lũ;
– Hiện trạng các công trình và hệ thống công trình thủy lợi cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; công trình tiêu thoát nước, phát điện, phòng chống lũ…. Phân tích nguyên nhân làm giảm năng lực thiết kế của các công trình và hệ thống công trình thủy lợi.
6.2.2.2 Điều tra các loại thiên tai như hạn, úng, lũ lụt, chua, mặn…đã xảy ra. Đánh giá về phạm vi và mức độ ảnh hưởng cũng như mức độ tổn thất do các thiên tai đó gây ra đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.
6.2.2.3 Điều tra hiện trạng tổ chức quản lý nước và công trình thủy lợi .Nội dung điều tra đánh giá bao gồm đánh giá về bộ máy tổ chức, năng lực quản lý; cơ chế chính sách trong xây dựng và quản lý công trình thủy lợi.
6.2.2.4 Phân tích, đánh giá những thành công và hạn chế, các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng thủy lợi, những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý khai thác thủy lợi để đưa ra những giải pháp thích hợp phát triển thủy lợi.
6.3 Phân tích, dự báo xu thế phát triển, cơ hội và thách thức trong tương lai
6.3.1 Phân tích xu thế phát triển
6.3.1.1 Phân tích đánh giá các nguồn lực bên ngoài, bao gồm tác động phát triển nguồn lực ở các lưu vực và vùng lân cận, của chuyển đổi vĩ mô ở tầm quốc gia, quốc tế có ảnh hưởng tới sự phát triển của vùng nghiên cứu quy hoạch
6.3.1.2 Phân tích các nguồn lực nội tại, xu thế phát triển, mức độ, chỉ tiêu phát triển, bao gồm các nội dung sau:
a) Phát triển nguồn nhân lực: Phân tích, tổng hợp, đưa ra các mục tiêu cơ bản và chỉ tiêu phát triển trong 10 năm hoặc 20 năm tiếp theo của các lĩnh vực như quy định tại Điều 6.1.2.
b) Phát triển kinh tế: Phân tích, tổng hợp, đưa ra các mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của các ngành kinh tế. Nội dung phân tích, đánh giá quy định tại Điều 6.2.1.
6.3.2 Phân tích, dự báo cơ hội và thách thức
6.3.2.1 Nghiên cứu, phân tích những cơ hội có tác động tích cực đến sự phát triển của lưu vực cần nắm bắt các chủ trương đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội; môi trường phát triển của các vùng lân cận; sự hợp tác phát triển của các ngành, địa phương lân cận với các ngành, địa phương trong lưu vực…; cơ hội hợp tác và đầu tư của các nước và tổ chức quốc tế vào các địa phương trong lưu vực…
6.3.2.2 Cần chỉ ra những nguy cơ có thể tác động xấu đến sự phát triển của lưu vực để có giải pháp hạn chế như tác động của sự biến đổi của khí hậu toàn cầu và nước biển dâng; hạn chế về năng lực quản lý tài nguyên môi trường nước; sức ép của sự gia tăng dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống; tranh chấp quyền lợi về nước giữa các địa phương; tình trạng khai thác sử dụng nước bất hợp lý của các nước ở thượng du đối với sông quốc tế…
6.4 Xây dựng kịch bản phát triển
6.4.1 Cần phân tích, tổng hợp, đưa ra ít nhất 3 kịch bản cơ sở sau đây để nghiên cứu:
a) Kịch bản diễn biến bình thường như thời gian đã qua;
b) Kịch bản khủng hoảng nước;
c) Kịch bản sử dụng nước bền vững.
6.4.2 Những yếu tố chi phối chính của các kịch bản cần lượng hóa được để làm cơ sở xác định nhu cầu cấp thoát nước và quy hoạch phát triển thủy lợi và được tổ hợp theo các nhóm yếu tố sau:
a) Các yếu tố kinh tế và dân số;
b) Các thông số về khí hậu và thủy văn trong đó có yếu tố biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng;
c) Các yếu tố công nghệ, quản lý và cơ sở hạ tầng;
d) Các yếu tố về cơ chế, chính sách.
6.5 Thiết kế quy hoạch phát triển thủy lợi
6.5.1 Xác định mục tiêu – nhiệm vụ phát triển thủy lợi
6.5.1.1 Xác định mục tiêu phát triển thủy lợi. Cần xác định rõ mục tiêu phát triển ít nhất cho 10 năm tới và phương hướng phát triển cho các 5 năm tiếp theo sau .
6.5.1.2 Xác định nhiệm vụ quy hoạch. Phải xác định rõ những quy hoạch chuyên ngành phát triển thủy lợi cần lập cũng như các chỉ tiêu cần đạt được như số dân sẽ được cấp nước sạch, diện tích cần đảm bảo cấp nước và thoát nước, phòng chống lũ…
6.5.1.3 Xác định tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch. Các tiêu chuẩn thiết kế cần xác định gồm:
– Tiêu chuẩn thiết kế cấp nước;
– Tiêu chuẩn thiết kế tiêu thoát nước;
– Tiêu chuẩn thiết kế phòng chống lũ.
6.5.2 Xây dựng phương án quy hoạch cấp nước
6.5.2.1 Phân vùng thủy lợi
Thực hiện theo quy định tại điều 5.4.2.1
6.5.2.2 Tính toán xác định nhu cầu nước hiện tại và tương lai theo các kịch bản
6.5.2.2.1 Tính toán nhu cầu nước sinh hoạt, du lịch và công nghiệp, gồm các nội dung sau:
– Tổng hợp số liệu định hướng và chỉ tiêu phát triển, mở rộng các khu đô thị, các khu dân cư, các khu du lịch tập trung và các khu công nghiệp;
– Xác định chỉ tiêu cấp nước đơn vị cho từng loại đối tượng sử dụng nước;
– Tính toán nhu cầu cấp nước toàn lưu vực và từng vùng.
6.5.2.2.2 Tính toán nhu cầu nước tưới, gồm các nội dung sau:
– Tổng hợp số liệu về chỉ tiêu phát triển các loại cây trồng, vật nuôi như cơ cấu thời vụ, diện tích và năng suất các loại cây trồng, số loại và số lượng đàn gia súc ở từng khu vực và toàn lưu vực tại các thời điểm hiện tại và tương lai;
– Xác định các chỉ tiêu tưới thiết kế như mô hình mưa tưới, hệ số tưới, mức tưới và thời gian tưới;
– Tính nhu cầu nước tưới cho từng loại cây trồng ở từng khu vực và toàn lưu vực.
6.5.2.2.3 Tính toán nhu cầu nước cho chăn nuôi, gồm các nội dung sau:
– Phân tích, tổng hợp các chỉ tiêu phát triển chăn nuôi;
– Chọn chỉ tiêu cấp nước cho các loại gia súc, gia cầm;
– Xác định nhu cầu nước chăn nuôi ở từng vùng, tiểu vùng theo các kịch bản.
6.5.2.2.4 Tính toán nhu cầu nước cấp cho nuôi trồng thuỷ sản, gồm các nội dung sau:
– Tổng hợp các chỉ tiêu phát triển về quy mô các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung;
– Xác định quy trình cấp nước ngọt và nhu cầu cấp nước ngọt.
6.5.2.2.5 Xác định yêu cầu dòng chảy cho giao thông thủy, duy trì môi trường và các hoạt động bình thường của dân sinh và các ngành kinh tế ở hạ lưu
6.5.2.2.6 Tổng hợp nhu cầu nước cho dân sinh và các ngành kinh tế theo từng tiểu vùng và cả lưu vực theo thời gian.
6.5.2.3. Tính toán cân bằng nước
Tính toán cân bằng nước cần thực hiện cho toàn vùng quy hoạch và từng tiểu vùng theo các kịch bản để xác định mức bảo đảm nhu cầu nước trong chuỗi năm tính toán. Các bước thực hiện như sau:
a) Cân bằng sơ bộ theo tổng lượng và theo từng tháng trong năm cho giai đoạn hiện tại với nguồn nước hiện có, xác định mức thừa, thiếu của các nguồn nước tự nhiên;
b) Tính toán cân bằng nước, xác định mức bảo đảm nhu cầu nước trong năm tính toán cho các trường hợp:
– Phát triển tương lai theo nguồn nước hiện có (với các công trình điều tiết hiện có và đang xây dựng);
– Phát triển tương lai có tính đến các biện pháp công trình điều tiết, bổ sung dự kiến.
Nếu đã đưa hết các công trình dự kiến có thể xây dựng trong tương lai vào tính toán cân bằng mà vẫn thiếu nước, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh nhu cầu nước của các hộ dùng nước (đối với nông nghiệp và thủy sản có thể khuyến cáo thay đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu cây trồng, loại thủy sản nuôi thả…) hoặc đề xuất giải pháp bổ sung nguồn nước từ các lưu vực lân cận, hoặc kiến nghị không bố trí hộ dùng nước nào đó trong lưu vực.
6.5.2.4 Nghiên cứu đề xuất các phương án giải pháp cấp nước
6.5.2.4.1 Yêu cầu chung
Trên cơ sở điều tra, tổng hợp nhu cầu nước của các ngành ở từng tiểu vùng và trên toàn lưu vực, nghiên cứu đề xuất các phương án, các giải pháp công trình, quy mô công trình cấp nước chuyên ngành hoặc đa mục tiêu. Dùng mô hình toán thủy lực dòng chảy kiệt theo các phương án cấp nước khác nhau để chọn quy mô của công trình và hệ thống công trình phù hợp. Các giải pháp đề xuất đều phải có ước tính vốn đầu tư thực hiện và đánh giá sơ bộ hiệu ích kinh tế và xã hội do các giải pháp này nếu được thực hiện sẽ mang lại.
6.5.2.4.2 Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và công nghiệp
Cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp cấp nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt và cấp nước cho sản xuất công nghiệp theo các kịch bản khác nhau. Cần làm rõ hơn về khả năng nguồn nước và quy mô của các hệ thống công trình cấp nước.
6.5.2.4.3 Quy hoạch cấp nước cho nông nghiệp
Cần làm rõ và giải quyết các vấn đề sau:
– Diện tích canh tác hiện tại và tương lai trên toàn lưu vực và từng khu vực cần cấp nước tưới;
– Năng lực thiết kế và khả năng tưới thực tế của các công trình và hệ thống tưới hiện có, phạm vi và mức độ đảm bảo tưới;
– Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật cấp nước tưới cho ở từng khu vực và cả lưu vực theo các kịch bản. Các giải pháp đề xuất có thể là cải tạo, nâng cấp các công trình và hệ thống tưới hiện có hoặc xây dựng mới. Nội dung mỗi giải pháp đề xuất phải làm rõ được nguồn nước, vị trí công trình đầu mối và vùng hưởng lợi, quy mô và nhiệm vụ của từng công trình và hệ thống công trình tưới;
– Trường hợp không đủ nguồn nước hoặc không thể xây dựng thêm công trình cấp nước, có thể nghiên cứu vận dụng đề xuất giải pháp sau :
+ Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hoặc bố trí dân cư, công nghiệp, thủy sản… cho thích hợp;
+ Xây dựng công trình chuyển nước từ lưu vực lân cận để bổ sung cho những vùng thiếu nước;
– Tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các công trình và hệ thống công trình tưới, quy mô của công trình đầu mối và vùng hưởng lợi, nhu cầu điện năng.
6.5.2.4.4 Kết hợp cấp nước cho các ngành khác
Khi lập quy hoạch lưu vực cần chú ý đến nhu cầu nước cho các ngành khác như thủy sản, giao thông thủy, an dưỡng-du lịch-giải trí, duy trì môi trường sinh thái hạ du. Có thể nghiên cứu giải quyết cấp nước cho thủy sản, giao thông thủy, duy trì môi trường sinh thái ở hạ du đồng thời trong quy hoạch tưới cho nông nghiệp còn giải quyết cấp nước cho an dưỡng – du lịch – giải trí đồng thời trong quy hoạch cấp nước sinh hoạt.
6.5.2.4.5 Quy hoạch cấp nước nuôi trồng thuỷ sản:
– Xác định các chỉ tiêu phát triển thủy sản: quy mô các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, loại thuỷ sản, phương thức nuôi trồng, quy trình và yêu cầu cấp nước ngọt;
– Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cấp nước cho phát triển thủy sản: cải tạo lòng hồ, xử lý nguồn nước, công trình cho cá đi, nhu cầu nước cấp cho các vùng nuôi thả thuỷ sản nước lợ tập trung;
– Các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các công trình phục vụ cấp nước riêng cho nuôi thả thủy sản.
6.5.2.4.6 Cải thiện giao thông thủy
Chủ yếu xem xét đánh giá khả năng kết hợp cải thiện giao thông thủy khi phát triển thủy lợi theo quy hoạch, trong đó tập trung đánh giá những vấn đề sau:
– Hiện trạng luồng lạch và giao thông thủy trong lưu vực, vai trò giao thông thủy trong mạng lưới giao thông của vùng quy hoạch và quốc gia;
– Khả năng cải thiện giao thông thủy khi có các công trình thủy lợi như tuyến, chiều dài tuyến, loại phương tiện có thể giao thông ở từng tuyến…;
– Các biện pháp công trình cần đầu tư thêm để bảo đảm giao thông thủy ở các tuyến nghiên cứu, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các công trình.
6.5.2.4.7 Phát triển thủy lợi kết hợp nhu cầu an dưỡng – du lịch – giải trí
Xem xét đánh giá khả năng cải thiện điều kiện an dưỡng, du lịch giải trí, gồm:
– Xác định những công trình thủy lợi có thể kết hợp phát triển an dưỡng – du lịch;
– Đánh giá và dự báo điều kiện tự nhiên ở những vùng dự án phát triển thủy lợi có thuận lợi cho việc bố trí các khu an dưỡng, du lịch hoặc giải trí như: địa hình, khí hậu thuỷ văn, trạng thái vệ sinh nguồn nước, thảm phủ thực vật, cảnh quan sinh thái…;
– Đề xuất các loại hình an dưỡng-du lịch-giải trí thích hợp.
6.5.2.4.8 Cấp nước duy trì môi trường sinh thái hạ du và bảo vệ nguồn nước
– Nghiên cứu hiện trạng và dự báo nguy cơ cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm;
– Nghiên cứu đề xuất biện pháp bảo vệ nguồn nước. Có thể áp dụng các biện pháp sau:
a) Chống cạn kiệt:
Dự tính yêu cầu dòng chảy tối thiểu duy trì môi trường sinh thái và sản xuất ở hạ du; đề xuất biện pháp công trình hoặc phi công trình ở thượng lưu điều tiết bổ sung nguồn nước cho lưu vực khỏi bị cạn kiệt;
b) Phòng chống ô nhiễm nguồn nước:
Xác định các vị trí trên lưu vực sông cần bố trí hệ thống kiểm soát chất lượng nước. Nội dung kiểm soát, các chỉ tiêu khống chế chất lượng nước thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường ;
c) Sơ bộ xác định các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các giải pháp phòng chống cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
6.5.3 Xây dựng phương án quy hoạch thủy điện
6.5.3.1 Xác định trữ năng thủy điện của các dòng chính và dòng nhánh chính trong lưu vực
6.5.3.2 Đánh giá hiện trạng phát triển thủy điện và vai trò của thủy điện trong vùng quy hoạch đối với hệ thống năng lượng quốc gia, nhu cầu điện năng của các ngành kinh tế, các khu dân cư trên lưu vực
6.5.3.3 Nghiên cứu đề xuất phương án khai thác thủy năng: sơ đồ bố trí công trình, xác định sơ bộ quy mô và các thông số kỹ thuật chính của các công trình thủy điện
6.5.3.4 Ước tính vốn đầu tư phát triển thủy điện theo các kịch bản
6.5.3.5 Sơ bộ đánh giá hiệu quả phát triển thủy điện theo các kịch bản, tổng công suất lắp máy và điện lượng hàng năm, tỷ trọng của thủy năng trên lưu vực quy hoạch trong toàn bộ hệ thống năng lượng.
6.5.4 Xây dựng phương án quy hoạch tiêu thoát nước
6.5.4.1 Quy hoạch tiêu thoát nước có thể nghiên cứu giải quyết đồng thời với quy hoạch phòng chống lũ. Khi đó các quy định dưới đây được lồng ghép với nội dung của quy hoạch phòng chống lũ quy định ở Điều 6.5.5.
6.5.4.2 Khi lập quy hoạch tiêu thoát nước cần nghiên cứu, giải quyết những nội dung cơ bản sau:
a) Phân tích đặc điểm mưa gây úng và dòng chảy lũ trên các trục tiêu;
b) Phân tích đánh giá hiện trạng úng ngập, hiện trạng và năng lực hoạt động của các hệ thống tiêu thoát nước hiện có;
c) Phân vùng tiêu;
d) Các chỉ tiêu phát triển dân sinh và sản xuất ở các khu vực và toàn vùng trong mùa mưa úng;
e) Tính toán xác định các chỉ tiêu kỹ thuật tiêu nước: mô hình mưa tiêu thiết kế, phạm vi cần tiêu, hệ số tiêu, lưu lượng tiêu và tổng lượng nước yêu cầu tiêu ở từng vùng và toàn lưu vực;
f) Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tiêu thoát nước: đường tiêu, hệ thống công trình tiêu, mức đảm bảo tiêu theo mô hình mưa tiêu thiết kế, mực nước tiêu thiết kế;
g) Dùng mô hình thủy lực mạng lưới sông tính toán tiêu theo các phương án để chọn quy mô các hệ thống và công trình tiêu thoát;
h) Tổng hợp chỉ tiêu kỹ thuật của các công trình và hệ thống công trình tiêu bao gồm phạm vi lưu vực tiêu, đường tiêu và hướng tiêu, nhiệm vụ công trình, quy mô công trình đầu mối tiêu:
– Với trạm bơm tiêu thì xác định tổng lưu lượng tiêu, số máy bơm, loại máy bơm, cột nước bơm…;
– Với công trình tiêu là cống thì xác định tổng lưu lượng tiêu, số cửa cống, kích thước cống, diện tích thoát nước của cống…;
– Đối với công trình và hệ thống công trình tiêu bằng động lực cần xác định thêm nhu cầu điện năng cần cung cấp.
6.5.4.3 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp tiêu thoát nước
Cho phép sử dụng các chỉ tiêu suy rộng để ước tính vốn đầu tư xây dựng công trình theo kết quả tính toán các phương án và các kịch bản giải quyết vấn đề tiêu thoát nước cho vùng quy hoạch.
6.5.4.4 Sơ bộ đánh giá hiệu quả đạt được của các giải pháp tiêu thoát nước theo các kịch bản. Kết quả đạt được của các giải pháp tiêu thể hiện ở mức độ giảm úng ngập về diện tích cho các đối tượng có nhu cầu tiêu nước trong vùng quy hoạch, giảm độ sâu ngập và thời gian ngập, tăng diện tích canh tác và sản lượng nông nghiệp, cải thiện môi trường nước…
6.5.5 Xây dựng phương án quy hoạch phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai
6.5.5.1 Đánh giá tình trạng mưa bão, lũ lụt và thiên tai xảy ra hàng năm. Cần có số liệu điều tra, thống kê, đánh giá tình trạng mưa lũ bão hàng năm, phạm vi và mức độ ảnh hưởng, tổn thất về tài sản và tính mạng do từng loại thiên tai gây ra. Phân tích nguyên nhân. Các yêu cầu về phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai.
6.5.5.2 Phân vùng bảo vệ. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội ở các vùng cần bảo vệ.
6.5.5.3 Điều tra, khảo sát đánh giá tiêu chuẩn phòng chống lũ và bão, mức đảm bảo chống lũ bão thiết kế, chất lượng công trình và khả năng chống lũ bão thực tế của các hệ thống công trình phòng chống lũ bão hiện có, xác định những tồn tại cần giải quyết.
6.5.5.4 Phân tích, lựa chọn tiêu chuẩn phòng chống lũ bão chung của lưu vực, yêu cầu mức chống lũ cho từng vùng. Xác định mô hình lũ thiết kế.
6.5.5.5 Phân tích, đề xuất phương án và các giải pháp phòng chống lũ, dùng mô hình tính thủy lực lũ mạng lưới sông theo các phương án để chọn phương án và quy mô các giải pháp phòng chống lũ thích hợp.
Tùy điều kiện cụ thể của từng lưu vực quy hoạch và đặc điểm loại hình lũ, có thể áp dụng một hoặc một số giải pháp trong số các giải pháp dưới đây về phòng chống lũ, bão và giảm nhẹ thiên tai do lũ bão gây ra. Mỗi giải pháp hay một loại công trình đề xuất cần nghiên cứu, tính toán sơ bộ để có thể đưa ra được các giải pháp, mức bảo đảm phòng chống lũ, bão theo tần suất thiết kế, nhiệm vụ và quy mô hợp lý:
a) Giải pháp công trình:
– Hồ chứa: Các loại mực nước và dung tích hồ chứa, dung tích phòng chống lũ hạ du, chế độ cắt lũ, tác dụng cắt lũ cho hạ du, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cơ bản khác của công trình;
– Vùng chậm lũ: Giới hạn vùng chậm lũ, dung tích vùng chậm lũ, chế độ chậm lũ, tác dụng cắt lũ, một số chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật chính của vùng chậm lũ và công trình trong vùng chậm lũ;
– Đường phân lũ: Bố trí đường phân lũ và các công trình trên đường phân lũ. Lưu lượng phân lũ, chế độ phân lũ, tác dụng giảm lũ cho dòng chính, một số chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật chính của công trình trên đường phân lũ;
– Đê điều: Bố trí tuyến đê (đối với khu vực chưa có đê), hành lang thoát lũ. Chọn chỉ tiêu thiết kế phòng chống lũ bão gồm tần suất, mực nước thiết kế đê sông, mực nước biển và cấp gió bão đối với tuyến đê biển. Mặt cắt thiết kế đê, bố trí các công trình dưới đê và công trình bảo vệ đê. Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chính của hệ thống đê điều;
– Chỉnh trị sông: Các đoạn sông, bờ cần nạo vét, nắn dòng, gia cố, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các công trình chỉnh trị, tác dụng thoát lũ và bảo vệ lòng, bờ của các công trình chỉnh trị;
– Tường kè: Bố trí ở những vùng dễ bị sạt lở để bảo vệ các khu dân cư, hạ tầng cơ sở ở vùng dễ xảy ra lũ quét;
b) Giải pháp phi công trình:
– Đề xuất định hướng nghiên cứu bố trí sản xuất thích nghi với điều kiện mưa lũ khi các giải pháp công trình không có tính khả thi hoặc không đủ đáp ứng;
– Nghiên cứu đề xuất bố trí lại các khu dân cư, cơ sở hạ tầng ở những nơi có nguy cơ xảy ra ngập lụt hoặc xảy ra lũ quét và sạt lở đất;
– Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn: các vùng đầu nguồn cần bảo vệ và phát triển rừng, loại rừng và mức độ che phủ cần đảm bảo;
– Công tác chỉ đạo phòng chống lụt, bão: bộ máy điều hành, mạng lưới trạm quan trắc, trang thiết bị cần thiết cho bộ máy điều hành và công tác dự báo, mô hình dự báo lũ…
6.5.5.6 Dự kiến phương án đưa các công trình phòng chống lũ vào vận hành (thứ tự, thời điểm tham gia chống lũ) chống lũ hàng năm, chống lũ lớn tương đương lũ thiết kế và các biện pháp dự phòng khi lũ lớn hơn thiết kế xảy ra.
6.5.5.7 Ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp phòng chống lũ, bão và giảm nhẹ thiên tai.
Cho phép sử dụng các chỉ tiêu suy rộng để ước tính vốn đầu tư thực hiện các giải pháp phòng chống lũ bão và giảm nhẹ thiên tai do lũ bão ở trong vùng quy hoạch.
6.5.5.8 Nghiên cứu dự tính tác dụng của tổ hợp các giải pháp phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai do lũ bão theo các kịch bản, gồm:
– Tác dụng cắt giảm mực nước và lưu lượng đỉnh lũ của các hồ chứa, công trình phân lũ, chậm lũ… tại những vị trí đặc trưng đối với mô hình lũ thiết kế;
– Số dân cư, các cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất và kinh tế – xã hội khác được bảo vệ, mức độ cải tạo môi trường sinh thái…
6.5.6 Tổng hợp các công trình lợi dụng tổng hợp trên dòng chính
6.5.6.1 Tổng hợp nhu cầu bổ sung nước cho các ngành ở các khu vực còn thiếu nước. Trong trường hợp cần thiết có thể xét đến những công trình nằm trong các vùng thuộc lưu vực lân cận nhưng có khả năng cấp bổ sung nguồn nước
6.5.6.2 Tổng hợp trữ lượng nguồn nước, trữ năng thủy điện, khả năng khai thác và sử dụng nước ở các dòng chính.
6.5.6.3 Bố trí các công trình sử dụng tổng hợp, xác định số ngành tham gia, mức độ khai thác, chế độ điều tiết, phân phối cho các ngành và duy trì dòng chảy hạ du.
6.5.6.4 Xác định quy mô hợp lý của các công trình đầu mối sử dụng tổng hợp, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật chính của các công trình.
6.5.6.5 Sơ bộ dự kiến quy trình vận hành của các công trình đảm bảo lợi ích tổng hợp.
6.5.6.6 Ước tính vốn đầu tư và phân bổ vốn đầu tư xây dựng cho các ngành hưởng lợi.
6.5.6.7 Sơ bộ đánh giá hiệu ích các công trình lợi dụng tổng hợp theo các kịch bản.
6.5.7 Đánh giá môi trường chiến lược
6.5.7.1 Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và môi trường sinh thái, gồm các nội dung sau:
a) Điều kiện về đất đai:
– Đặc điểm địa hình, những thuận lợi hoặc khó khăn cho phát triển dân cư và sản xuất;
– Đặc điểm thổ nhưỡng, phân bố và khả năng thích nghi;
– Hiện trạng khai thác sử dụng đất, những thuận lợi và khó khăn;
b) Điều kiện khí hậu, những yếu tố thích hợp, thuận lợi hoặc khó khăn cho sản xuất và sinh sống của con người và sinh vật;
c) Nguồn nước mặt và nước ngầm, bao gồm cả về số lượng và chất lượng nước; tình trạng bồi, xói lòng dẫn; thuận lợi và khó khăn trong khai thác, sử dụng cũng như phòng tránh tác hại của nó;
d) Điều kiện về môi trường sinh học:
– Hệ động, thực vật trên cạn có trên lưu vực, thể hiện ở số lượng, chất lượng và xu thế biến đổi;
– Hệ thủy sinh ở các nguồn nước, thể hiện ở số lượng, chất lượng và xu thế biến đổi;
e) Điều kiện về môi trường kinh tế – xã hội:
– Dân cư và điều kiện sống của dân cư trên toàn lưu vực và từng khu vực: mức sống, điều kiện sinh hoạt, giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh…;
– Tình hình phát triển các ngành kinh tế. Điều kiện sản xuất của từng ngành, những thuận lợi và khó khăn.
6.5.7.2 Dự báo tác động xấu đối với môi trường có thể xảy ra khi thực hiện các giải pháp đề xuất trong quy hoạch phát triển thủy lợi:
– Tác động có thể định lượng là những tổn thất về đất canh tác nông – lâm nghiệp- thủy sản, đất thổ cư, các công trình hạ tầng cơ sở bị ngập lụt hoặc được sử dụng để xây dựng hạ tầng thủy lợi, dân phải di chuyển, tái định cư…;
– Tác động định tính là tác động có thể làm biến đổi lòng dẫn, giảm chất lượng nước, biến đổi về nguồn thức ăn cho thủy sản, môi trường sinh học, nguy cơ địa chấn…
6.5.7.3 Nghiên cứu đề xuất phương hướng, giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề chính về môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch để giảm thiểu các tác động xấu do xây dựng các công trình phát triển thủy lợi gây ra. Các giải pháp đề xuất đều phải ước tính kinh phí đầu tư để thực hiện.
6.5.8 Phân tích tổng hợp hiệu ích đầu tư thực hiện quy hoạch
6.5.8.1 Hiệu ích định lượng
– Tổng hợp vốn đầu tư ước toán thực hiện các giải pháp và chi phí sản xuất tăng thêm để đảm bảo năng suất, sản lượng thiết kế của các ngành kinh tế và chi phí quản lý hàng năm, chi phi sửa chữa, khôi phục công trình và thiết bị;
– Tổng hợp các chỉ tiêu sản phẩm và giá trị sản phẩm của các ngành kinh tế hiện tại và có thể đạt được khi thực hiện xong quy họach. Xác định phần tăng thêm về năng suất, sản lượng, tổng giá trị thu nhập do đầu tư thực hiện các giải pháp thủy lợi.
6.5.8.2 Hiệu ích định tính
– Cải thiện môi trường sinh thái;
– Cải thiện điều kiện sống, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân, cải thiện điều kiện sản xuất, giao thông và một số ngành kinh tế khác;
– Góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội.
6.6 Đề xuất các giải pháp thực hiện
6.6.1 Tổ chức quản lý lưu vực
6.6.1.1 Nghiên cứu đề xuất cơ chế tổ chức bộ máy quản lý nguồn nước và các hệ thống công trình thủy lợi trên lưu vực theo quy hoạch.
6.6.1.2 Nghiên cứu đề xuất hướng bố trí nguồn nhân lực, bao gồm:
– Đề xuất hướng giải quyết di dân tái định cư và đền bù do ngập lụt lòng hồ và xây dựng công trình thủy lợi;
– Đề xuất hướng bố trí nguồn nhân lực thích hợp để khai thác nguồn lực tự nhiên được phát triển nhờ phát triển tài nguyên nước, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
6.6.2 Đề xuất trình tự thực hiện quy hoạch và các công trình ưu tiên
6.6.2.1 Đề xuất trình tự thực hiện quy hoạch. Nội dung phân giai đoạn thực hịên quy hoạch gồm danh mục công trình, quy mô công trình, vốn đầu tư và hiệu ích tương ứng với từng giai đoạn thực hiện.
6.6.2.2 Các công trình ưu tiên. Cần luận chứng đề xuất các công trình ưu tiên xây dựng trước, thời kỳ xây dựng, vốn đầu tư, các chỉ tiêu kinh tế của công trình: hệ số nội hoàn (IRR), giá trị thu nhập ròng (NPV), tỷ lệ lợi nhuận/chi phí (B/C) tương ứng với tỷ lệ chiết khấu (i %) được chọn.
6.6.2.3 Dự kiến phân vốn đầu tư cho các ngành hưởng lợi và nguồn huy động vốn
6.7 Kết luận và kiến nghị
6.7.1 Kết luận
Kết luận về khả năng phát triển thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước cho các ngành, các giải pháp cơ bản phát triển thủy lợi, các công trình cần ưu tiên đầu tư xây dựng và nhu cầu vốn đầu tư, khả năng bổ sung nước từ các lưu vực lân cận đến hoặc phải điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong trường hợp thiếu nước.
6.7.2 Kiến nghị
Cần đưa ra các kiến nghị về xét duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, những vấn đề cần được nghiên cứu, điều tra khảo sát, giải quyết tiếp.
6.8 Sản phẩm quy hoạch
6.8.1 Yêu cầu chung
6.8.1.1 Các kết quả nghiên cứu, tính toán được tổng hợp thành hồ sơ đồ án quy hoạch. Hồ sơ gồm có các báo cáo, bản đồ và đĩa CD được quy định ở các điều dưới đây. Trong trường hợp yêu cầu lập quy hoạch chỉ có một số chuyên ngành thì có thể giảm một số báo cáo chuyên đề tương ứng với chuyên ngành không có yêu cầu quy hoạch.
6.8.1.2 Giao chủ đầu tư 01 đĩa CD lưu trữ toàn bộ nội dung các báo cáo và bản đồ quy hoạch.
6.8.2 Các loại báo cáo cần có
a) Báo cáo tóm tắt;
b) Báo cáo tổng hợp;
c) Các báo cáo tính toán chuyên đề, gồm:
– Báo cáo hiện trạng phát triển thủy lợi;
– Báo cáo khí tượng – thủy văn ;
– Báo cáo tính toán quy hoạch cấp nước;
– Báo cáo tính toán quy hoạch tiêu –thoát nước ;
– Báo cáo tính toán quy hoạch phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai. Trong trường hợp ảnh hưởng của úng ngập, lũ và thiên tai đối với vùng quy hoạch không nghiêm trọng thì có thể ghép chung với cáo tính toán quy hoạch tiêu –thoát nước thành báo cáo chuyên đề tiêu thoát nước và phòng chống lũ;
– Báo cáo tính toán thủy lực ;
– Báo cáo địa chất công trình ;
– Báo cáo thủy công và kinh tế;
– Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Đề cương trình bày các báo cáo quy định tại Phụ lục A. Số lượng báo cáo giao nộp do chủ đầu tư quy định.
6.8.3 Bản đồ quy hoạch
6.8.3.1 Các bản đồ trong hồ sơ quy hoạch gồm có:
– Bản đồ thích nghi: bản đồ được lập trong trường hợp phải điều chỉnh định hướng sản xuất nông nghiệp và một số đối tượng dùng nước khác khi nguồn nước khó khăn;
– Bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
– Bản đồ phương hướng sử dụng đất;
– Bản đồ hiện trạng và phương hướng phát triển kinh tế – xã hội;
– Bản đồ hiện trạng hạn và công trình cấp nước;
– Bản đồ hiện trạng úng, lụt và công trình tiêu, chống lũ;
– Bản đồ quy hoạch cấp nước;
– Bản đồ quy hoạch tiêu – thoát nước ;
– Bản đồ quy hoạch phòng chống lũ. Trường hợp úng và lũ không nghiêm trọng, việc giải quyết tiêu thoát nước và chống lũ đồng thời thì có thể trình bày chung trên một bản đồ quy hoạch tiêu thoát nước và phòng chống lũ.
6.8.3.2 Các bản đồ quy định tại Điều 6.8.3.1 cần lập ở 2 dạng:
a) Trên bản đồ kỹ thuật số hoặc bản đồ nền: tùy thuộc khả năng nguồn bản đồ có thể có và diện tích lưu vực của vùng quy hoạch mà lựa chọn tỷ lệ bản đồ 1:50 000, 1:100 000 hay 1:250 000. Số lượng bản đồ giao nộp cho chủ đầu tư: 01 bộ;
b) Bản đồ Atlat được xây dựng trên bản đồ số, đóng kèm Báo cáo hoặc đóng thành tập Phụ lục bản đồ, khổ A4 hoặc A3. Số lượng bản đồ Atlat giao nộp theo quy định của chủ đầu tư.
7. Thành phần, nội dung của quy hoạch chi tiết phát triển thủy lợi
7.1 Phân tích các yếu tố và nguồn lực phát triển
7.1.1 Nghiên cứu, đánh giá nguồn lực tự nhiên
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.1.1
7.1.2 Điều tra, phân tích, tổng hợp đánh giá nguồn lực xã hội
7.1.2.1 Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.1.2
7.1.2.2 Điều tra đánh giá hệ thống quản lý nước và công trình thủy lợi, bao gồm đánh giá về bộ máy tổ chức quản lý các hệ thống thủy lợi, năng lực chuyên môn, công cụ phục vụ quản lý, những vấn đề bất cập cần giải quyết…
7.2 Điều tra, khảo sát, đánh giá quá trình phát triển
7.2.1 Quá trình phát triển kinh tế – xã hội
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.2.1 và thêm các quy định sau:
a) Điều tra, nghiên cứu, đánh giá những cơ hội đã và đang được khai thác, tận dụng;
b) Những giải pháp cơ bản đã được áp dụng để phát triển kinh tế – xã hội;
c) Những thách thức (có liên quan đến nguồn nước) đối với sản xuất cần vượt qua;
d) Đánh giá chung về hiện trạng phát triển của các ngành kinh tế – xã hội trong đó nêu bật được những thuận lợi và khó khăn, những kết quả nổi bật và những tồn tại, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết
7.2.2 Điều tra đánh giá quá trình phát triển thủy lợi
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.2.2.
7.3 Phân tích, dự báo xu thế phát triển, cơ hội và thách thức trong tương lai
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.3.
7.4 Xây dựng kịch bản
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.4.
7.5 Thiết kế quy hoạch phát triển thủy lợi
7.5.1 Xác định mục tiêu và nhiệm vụ phát triển thủy lợi
7.5.1.1 Quy định chung
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.1.1 và 6.5.1.2.
7.5.1.2 Xác định tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch
Các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch cần xác định gồm:
a) Tiêu chuẩn thiết kế cấp nước:
– Cấp nước cho nông nghiệp;
– Cấp nước cho dân sinh;
– Cấp nước cho công nghiệp và các đối tượng có nhu cầu cấp nước khác;
b) Tiêu chuẩn thiết kế tiêu thoát nước :
– Tiêu nước cho nông nghiệp;
– Tiêu nước cho các khu vực dân cư, đô thị, khu công nghiệp và các đối tượng khác có yêu cầu tiêu thoát nước;
c) Tiêu chuẩn thiết kế phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai do bão lũ:
– Vùng nông thôn;
– Đô thị;
– Vùng ven biển.
7.5.2 Xây dựng phương án quy hoạch cấp nước
7.5.2.1 Phân vùng thủy lợi
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.2.1.
7.5.2.2 Tính toán xác định nhu cầu nước hiện tại và tương lai theo các kịch bản
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.2.2.
7.5.2.3 Tính toán cân bằng nước
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.2.3.
7.5.2.4 Quy hoạch cấp nước
7.5.2.4.1 Yêu cầu chung:
Thực hiện theo quy định tại Điều 6.5.2.4.1.
7.5.2.4.2 Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và công nghiệp
Thực hiện theo quy định tại Điều 6.5.2.4.2.
7.5.2.4.3 Quy hoạch cấp nước nông nghiệp
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.2.4.3 và nghiên cứu giải quyết thêm những nội dung sau đây:
– Với những công trình lợi dụng tổng hợp phải tính đủ các yêu cầu về nước cho các ngành mà công trình có nhiệm vụ phải cấp;
– Phải tiến hành kiểm tra xác định nguồn nước và công trình cấp nước đã được xác định trong quy hoạch lưu vực hoặc quy hoạch vùng để làm căn cứ cho quy hoạch chi tiết, theo yêu cầu của quy hoạch chi tiết mà tiến hành tính toán cân bằng nước;
– Tiến hành điều tra, đánh giá các công trình cấp nước đã đề xuất trong quy hoạch lưu vực hoặc quy hoạch vùng để tính toán cân bằng nước theo quy hoạch chi tiết, xác định quy mô công trình cấp nước;
– Tính toán thiết kế lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cơ bản của các công trình và hệ thống công trình tưới, quy mô của công trình đầu mối và vùng hưởng lợi, nhu cầu điện năng tiêu thụ:
a) Hệ thống kênh trục dẫn nước: cần phải tính thủy lực ứng với các năm thiết kế và kiểm tra với một số năm thiếu nước thực tế đã xẩy ra để xác định các thông số cơ bản của hệ thống kênh trục về diện tích tưới, lượng nước cấp cho các ngành khác như dân sinh, công nghiệp, thuỷ sản du lịch…, lưu lượng thiết kế, chiều rộng kênh, cao trình đỉnh, mái dốc kênh, chiều dài đoạn kênh, quá trình mực nước ở một số vị trí cần thiết;
b) Trạm bơm: cần xác định diện tích tưới, lượng nước cấp cho các ngành khác, lưu lượng thiết kế, số máy bơm và loại máy bơm, cột nước thiết kế, chiều dài kênh chính, công suất và điện năng tiêu thụ;
c) Hồ chứa: cần xác định sơ bộ một số thông số kỹ thuật chính của công trình đầu mối và hồ chứa như các loại mực nước và dung tích hồ tương ứng với các mực nước, chiều cao đập, diện tích tưới, lượng nước cấp cho các ngành khác, lưu lượng thiết kế cống lấy nước, lưu lượng xả lũ, kích thước mặt cắt và chiều dài kênh chính, diện tích ngập ứng với các mực nước hồ, số gia đình và các cơ sở hạ tầng phải đền bù và di chuyển…;
d) Đập dâng: cần xác định sơ bộ một số thông số kỹ thuật chính như cao trình tràn, chiều dài đập, mực nước cao nhất, diện tích tưới, lượng nước cấp cho các ngành khác, lưu lượng cần lấy, diện tích ngập ứng với mực nước cao nhất, số gia đình và các cơ sở hạ tầng phải đền bù và di chuyển…;
e) Công trình thủy điện hoặc kết hợp phát điện: cần xác định sơ bộ một số thông số cơ bản của công trình đầu mối và hồ chứa nước như các mực nước và dung tích hồ tương ứng, cao trình và chiều cao đập, công suất lắp máy, công suất đảm bảo, hình thức nhà máy thủy điện, số tổ máy, lưu lượng thủy điện, lưu lượng xả tràn, diện tích ngập lụt ứng với các mực nước, số gia đình và các cơ sở hạ tầng phải đền bù và di chuyển;
f) Các công trình thủy lợi nhỏ khác: cần xác định diện tích tưới và một vài thông số cơ bản về quy mô công trình;
– Trường hợp không đủ nguồn nước hoặc không thể xây dựng thêm công trình cấp nước, có thể nghiên cứu vận dụng đề xuất giải pháp sau:
1) Đối với những công trình hiện có: tuỳ theo từng điều kiện cụ thể có thể nghiên cứu giải pháp cải tạo nâng cao thêm chiều cao đập để tăng dung tích chứa nước, giảm lượng nước tổn thất trên hệ thống cấp nước bằng biện pháp kiên cố hoá hệ thống kênh mương, hay điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng, trồng cây trồng cạn sử dụng ít nước nhưng có hiệu quả kinh tế cao. Đối với những khu công nghiệp khuyến khích sử dụng những công nghệ tiết kiệm nước.
2) Nghiên cứu đề xuất hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác theo hướng giảm bớt nhu cầu tiêu thụ nước của toàn khu vực tại những thời điểm nguồn nước cạn kiệt hoặc bố trí dân cư, công nghiệp, thủy sản… cho thích hợp;
3) Nghiên cứu khả năng xây dựng công trình chuyển nước từ lưu vực lân cận để bổ sung cho những vùng thiếu nước;
– Tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các công trình và hệ thống công trình tưới, quy mô của công trình đầu mối và vùng hưởng lợi, nhu cầu điện năng tiêu thụ.
7.5.2.4.4 Kết hợp cấp nước cho các ngành khác
Thực hiện theo quy định tại Điều 6.5.2.4.4.
7.5.2.4.5 Quy hoạch cấp nước nuôi trồng thuỷ sản
Cần thực hiện các nội dung chính sau:
– Xác định các chỉ tiêu phát triển thủy sản: quy mô các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, loại thủy sản sẽ được nuôi trồng;
– Xác định mùa vụ nuôi, phương thức nuôi trồng, yêu cầu độ mặn của loại thủy sản nuôi trồng theo thời gian, độ mặn nước biển tương ứng với thời gian đó, quy trình và yêu cầu cấp nước ngọt;
– Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cấp nước cho phát triển thủy sản. Đối với các hồ chứa nước cho phép nuôi thủy sản phải có biện pháp cải tạo lòng hồ, xử lý nguồn nước, công trình cho cá đi qua đầu mối công trình và nguồn nước;
– Các phương án cấp nước cấp cho các vùng nuôi thả thủy sản nước lợ tập trung.
– Các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các công trình phục vụ cấp nước riêng cho nuôi thả thủy sản.
7.5.2.4.6 Cải thiện giao thông thủy
Thực hiện theo quy định tại Điều 6.5.2.4.6 và bổ sung thêm những yêu cầu sau:
– Đánh giá nhu cầu mở rộng và phát triển giao thông vận tải nói chung và giao thông thủy trong vùng quy hoạch nói riêng;
– Khả năng cải thiện giao thông thủy khi có các công trình thuỷ lợi như tuyến, chiều dài tuyến, loại phương tiện có thể giao thông ở từng tuyến;
– Những công trình cần phải đầu tư xây dựng tại nơi giao nhau giữa công trình thủy lợi và công trình giao thông thủy bộ;
– Yêu cầu chiều rộng và chiều sâu thông tầu của các phương tiện giao thông trong vùng;
– Các biện pháp công trình cần đầu tư thêm để bảo đảm giao thông thủy ở các tuyến nghiên cứu, chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các công trình như nạo vét sông trục; kết hợp công trình hồ chứa lợi dụng tổng hợp ở thượng nguồn điều tiết để tăng chiều sâu nước trên sông;
7.5.2.4.7 Quy hoạch phát triển thủy lợi kết hợp nhu cầu an dưỡng – du lịch – giải trí
Thực hiện theo quy định tại Điều 6.5.2.4.7.
7.5.2.4.8 Cấp nước duy trì môi trường sinh thái hạ du và bảo vệ nguồn nước
Thực hiện theo quy định tại Điều 6.5.2.4.8.
7.5.3 Xây dựng phương án quy hoạch thủy điện
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.3 và bổ sung thêm các yêu cầu sau:
a) Đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển mạng lưới điện cao thế 6,0 kV, 10 kV, 35 kV, 110 kV và 220 kV;
b) Nghiên cứu đề xuất phương án khai thác thủy năng bao gồm sơ đồ bố trí các công trình, xác định sơ bộ quy mô và thông số kỹ thuật chính của các công trình thủy điện như loại công trình thủy điện (hồ chứa hay đập dâng), các thông số về công suất lắp máy, công suất đảm bảo, cột nước thiết kế, điện lượng trung bình năm, lưu lượng qua tuốc bin lớn nhất và mức đảm bảo, các loại mực nước thiết kế và dung tích của hồ chứa.
7.5.4 Xây dựng phương án quy hoạch tiêu – thoát nước
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.4 và bổ sung thêm các yêu cầu sau:
a) Do lượng mưa trong một trận mưa trên lưu vực tiêu không đồng đều nên khi tính lượng mưa thiết kế tiêu thoát trên lưu vực thường tính lượng mưa tiêu trung bình trên lưu vực. Để tiêu thoát nước thải cần phải xác định lượng nước thải theo tiêu chuẩn nước thải là lượng nước tính trung bình trong ngày cho mỗi hộ sử dụng nước trong hệ thống thoát nước hay lượng nước thải tính cho một đơn vị sản phẩm. Tiêu chuẩn thoát nước cho khu dân cư thường được lấy bằng tiêu chuẩn cấp nước. Những đô thị lớn có thể lấy tiêu chuẩn thoát nước lớn hơn đô thị nhỏ;
b) Nghiên cứu, tính toán thiết kế, lựa chọn giải pháp tiêu: tiêu tự chảy hay động lực, đường tiêu, hệ thống công trình tiêu, mức đảm bảo tiêu theo mô hình mưa tiêu thiết kế. Tùy điều kiện tự nhiên của từng vùng, có thể lựa chọn, áp dụng những giải pháp kỹ thuật phù hợp sau:
1) Hạ thấp mực nước ở cửa tiêu bằng cách nạo vét mở rộng sông hoặc kênh ngoài cửa tiêu. Xây dựng các công trình điều tiết (hồ chứa hoặc cống) trên hệ thống sông trục bên ngoài để giảm bớt lưu lượng trên sông tại cửa tiêu;
2) Giảm bớt diện tích tiêu vào vùng quy hoạch bằng cách xây dựng kênh cách ly hoặc xây dựng công trình tiêu (trạm bơm hoặc cống) đưa một phần diện tích ra ngoài vùng quy hoạch;
3) Nạo vét mở rộng mạng lưới công trình tiêu nước trong vùng quy hoạch;
4) Mở rộng công trình tiêu (mở rộng cống tiêu hoặc bổ sung thêm công suất trạm bơm tiêu);
5) Xây dựng hồ điều hoà làm nhiệm vụ trữ nước khi mưa lớn và xả nước khi mưa nhỏ.
7.5.5 Xây dựng phương án quy hoạch phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai do mưa bão, lũ lớn
7.5.5.1 Thực hiện theo các quy định tại điều 6.5.5 và bổ sung thêm các yêu cầu quy định tại các Điều từ 7.5.5.2 đến 7.5.5.5.
7.5.5.2 Quy hoạch phòng lũ và giảm nhẹ thiên tai do lụt, bão cho các đô thị và khu dân cư ven biển cần phải đặc biệt chú ý phòng chống triều dâng do gió bão, sóng biển v.v… Đối với các khu dân cư ở vùng có khả năng động đất, quy hoạch xây dựng công trình phòng lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai cần phải đánh giá đầy đủ ảnh hưởng của động đất đối với những công trình này
7.5.5.3 Tính toán, thiết kế chọn các giải pháp công trình phòng chống lũ. Mỗi giải pháp hay một loại công trình đề xuất như giới thiệu sau đây cần nghiên cứu, tính toán sơ bộ để có thể đưa ra được các giải pháp, mức bảo đảm phòng chống lũ, bão theo tần suất thiết kế, nhiệm vụ và quy mô hợp lý:
– Hồ chứa: cần phải nghiên cứu lợi dụng tổng hợp, phát huy hiệu ích nhiều mặt của hồ chứa. Cần tính toán xác định sơ bộ diện tích lưu vực, các loại mực nước và dung tích hồ chứa, diện tích ngập, số gia đình và cơ sở hạ tầng phải đền bù hoặc phải di chuyển, lưu lượng xả, chế độ cắt lũ, tác dụng cắt lũ cho hạ du, vốn đầu tư và các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật khác của công trình;
– Vùng chậm lũ: yêu cầu lựa chọn các vùng đất thấp trũng ở thượng lưu nơi cần bảo vệ (thành phố hoặc khu công nghiệp..) sao cho tổn thất do ngập là ít, số lượng dân cư phải di chuyển ít, dung tích chậm lũ lớn, đường đê bao ngắn. Đối với từng vùng chậm lũ cần tính toán xác định giới hạn vùng chậm lũ, diện tích, mực nước và dung tích vùng chậm lũ, công trình tạo vùng chậm lũ (đê, cống, tràn…) chế độ chậm lũ, tác dụng cắt lũ, số dân, diện tích đất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội có trong vùng chậm lũ, vốn đầu tư và một số chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật khác;
– Công trình phân lũ: có thể là kênh hở, kênh ngầm qua núi hay kênh cách ly lũ v.v… Khi chọn tuyến kênh thoát lũ cần kết hợp với yêu cầu quy hoạch tổng thể dân cư và đô thị, cố gắng chọn nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, địa thế thấp, điều kiện địa chất ổn định, tuyến kênh thẳng, giảm nhiều đoạn cong tránh giao cắt với đường bộ và đường sắt. Khi tính toán bố trí đường phân lũ và các công trình trên đường phân lũ cần xác định sơ bộ lưu lượng phân lũ, chế độ phân lũ, tác dụng giảm lũ cho dòng chính và một số chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cơ bản của công trình. Sau đây là một số loại công trình phân lũ có thể áp dụng trong giai đoạn quy hoạch:
a) Kênh cách ly nước lũ từ nơi khác chảy vào vùng chống lũ: xác định sơ bộ chiều dài kênh, diện tích lưu vực hứng nước từ bên ngoài, lưu lượng lớn nhất, chiều rộng và cao trình đáy kênh, độ dốc mái một số đoạn đại diện của kênh, vốn đầu tư;
b) Kênh thoát lũ: xác định sơ bộ chiều dài kênh, lưu lượng thiết kế, mặt cắt thiết kế cho một số đoạn đại diện của kênh, vốn đầu tư;
c) Cống thoát lũ: xác định sơ bộ lưu lượng thiết kế, mực nước thượng và hạ lưu cống, khẩu diện và cao trình đáy cống, vốn đầu tư;
– Đê điều: Bố trí tuyến đê (đối với khu vực chưa có đê), hành lang thoát lũ. Chọn chỉ tiêu chống lũ bão gồm tần suất, mực nước thiết kế đối với đê sông, mực nước biển và cấp gió bão đối với đê biển. Mặt cắt thiết kế mặt cắt đê, các công trình dưới đê và công trình bảo vệ đê. Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chính của hệ thống đê điều và vốn đầu tư;
– Chỉnh trị sông: Cần nghiên cứu toàn diện quan hệ độ dốc thượng hạ lưu, tránh tác động gây nhiễu dòng chảy thượng và hạ lưu sông, xác định các đoạn sông, bờ cần nạo vét, nắn dòng, gia cố; tính toán các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các công trình chỉnh trị, tác dụng thoát lũ và bảo vệ lòng, bờ của các công trình chỉnh trị;
– Tôn cao nền: Những nơi mặt đất chênh với mực nước lũ không lớn, phạm vi đắp thêm nhỏ, đủ vật liệu có thể nghiên cứu tôn nền của vùng bảo vệ hay đắp nền nhà cho khu dân cư ở những vùng ngập sâu đảm bảo cao hơn mực nước lũ thiết kế. Cần nghiên cứu xác định các chỉ tiêu về diện tích san nền, mực nước thiết kế san nền, cao độ nền thiết kế, chiều cao tôn nền, số hộ và số dân được sử dụng đất nền được tôn cao.v.v…;
– Tường kè: Bố trí ở những vùng dễ bị sạt lở để bảo vệ các khu dân cư, hạ tầng cơ sở ở vùng dễ xảy ra lũ quét;
– Công trình bảo trì đất nước: nhằm tăng lượng thẩm thấu nước mưa, tăng cường tính ổn định đất mặt trong lưu vực, giảm sự rửa trôi đất, tiêu giảm đỉnh lũ và tốc độ tập trung dòng chảy. Đề xuất nghiên cứu cải tiến phương pháp nông nghiệp canh tác trên đất dốc và trên lưu vực, trồng cây cỏ, xây kè, hồ chứa…để hạn chế dòng chảy, tăng thấm, tránh tích đọng.
7.5.5.4 Tính toán, thiết kế chọn các giải pháp phi công trình phòng chống lũ. Các giải pháp phi công trình là quy hoạch và quản lý vùng ngập lụt, sử dụng hợp lý đất đai nơi ngập lụt, sản xuất thích nghi, xây dựng hệ thống cảnh báo, kế hoạch phòng chống lụt, tổ chức sơ tán dân cư trước khi bị ngập lụt, chống lụt cứu người, đồng thời thông qua bảo hiểm, cứu tế để giảm bớt thiệt hại, ổn định cuộc sông dân cư vùng ngập lụt. Có thể nghiên cứu vận dụng các giải pháp sau:
– Nghiên cứu bố trí sản xuất thích nghi với điều kiện mưa lũ khi các giải pháp công trình không khả thi. Các lưu vực sông ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long có lũ chính vụ lớn, chỉ nên gieo trồng hai vụ đông – xuân và hè – thu, không làm vụ mùa, nhưng phải nghiên cứu đề xuất giải pháp phù hợp bảo vệ dân sinh và các hệ thống hạ tầng cơ sở như xây nhà hai tầng hay nhà trên cọc, xây dựng đường cứu nạn v.v…;
– Đề xuất yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn: các vùng đầu nguồn cần bảo vệ và phát triển rừng, độ che phủ cần đảm bảo;
– Tổ chức chỉ đạo phòng chống lũ bão như củng cố và tăng cường năng lực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, phương tiện cần thiết; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ gồm: mạng lưới trạm quan trắc, trang thiết bị, mô hình dự báo lũ.
7.5.5.5 Phân tích kinh tế quy hoạch phòng lũ, cần tiến hành các công việc sau:
– Tổng hợp vốn đầu tư cho công trình chống lũ bao gồm chi phí đầu tư cho công trình chính và phụ; san đắp, chiếm đất và di dân; xử lý những bất lợi đối với công trình, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; chi phí ban đầu cho công tác quy hoạch, thiết kế và nghiên cứu khoa học;
– Phân tích, tính toán giá trị giảm tổn thất đối với nền kinh tế quốc dân khi xây dựng công trình gồm những tổn thất về nhà cửa, công trình, vật tư, tài sản đối với nhà nước, tập thể và cá nhân; chi phí cấp cứu, cứu hộ; tổn thất do ngừng sản xuất công nghiệp, thương nghiệp và gián đoạn giao thông; chi phí khôi phục công trình do lũ phá hoại, khôi phục giao thông và sản xuất công nông nghiệp. Những tổn thất này tính cho năm xẩy ra lũ, còn những tổn thất phải gánh chịu cho nhữmg năm tiếp hoặc lâu hơn thì phải căn cứ vào tình hình thiên tai của các năm để suy xét thêm.
7.5.6 Tổng hợp các công trình lợi dụng tổng hợp trên dòng chính
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.6.
7.5.7 Đánh giá môi trường chiến lược
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.7.
7.5.8 Phân tích tổng hợp hiệu ích đầu tư thực hiện quy hoạch
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.5.8.
7.6 Đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu
7.6.1 Nghiên cứu, đề xuất tổ chức quản lý nguồn nước, quản lý hệ thống thủy lợi
7.6.1.1 Nghiên cứu đề xuất tổ chức bộ máy tổ chức quản lý và trang thiết bị, công nghệ cần thiết cho quản lý nguồn nước và phát triển thủy lợi trong vùng theo quy hoạch.
7.6.1.2 Nghiên cứu đề xuất hướng bố trí nguồn nhân lực, bao gồm:
– Đề xuất hướng di dân tái định cư và đền bù do ngập lụt lòng hồ và xây dựng công trình thủy lợi. Cần xác định mức độ tổn thất do ngập lụt lòng hồ và xây dựng công trình, gồm đất đai, hoa màu các công trình hạ tầng, công trình văn hóa, phúc lợi công cộng … cần đền bù hoặc di dời và và số dân cư cần phải di dời;
– Đề xuất hướng giải quyết di dân tái định cư và đền bù do ngập lụt lòng hồ và xây dựng công trình thủy lợi;
– Đề xuất hướng bố trí nguồn nhân lực thích hợp để khai thác nguồn lực tự nhiên được phát triển nhờ phát triển tài nguyên nước, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
7.6.2 Đề xuất trình tự thực hiện quy hoạch và các công trình ưu tiên
Thực hiện theo quy định tại Điều 6.6.2.
7.7 Kết luận và kiến nghị
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.7.
7.8 Sản phẩm quy hoạch chi tiết
Thực hiện theo các quy định tại Điều 6.8.
8. Yêu cầu tài liệu cơ bản để lập quy hoạch thủy lợi
8.1 Yêu cầu tài liệu cơ bản để lập quy hoạch phát triển thủy lợi vùng và lưu vực
8.1.1 Tài liệu địa hình
8.1.1.1 Mức độ yêu cầu tài liệu về bản đồ địa hình, bình đồ và các mặt cắt địa hình tuỳ thuộc vào mục đích, đối tượng nghiên cứu và loại quy hoạch được nêu dưới đây và ở Phụ lục C. Tất cả tài liệu địa hình đều phải được kiểm tra xử lý theo một hệ cao độ, toạ độ quốc gia;
Để lập bản đồ quy hoạch cần có bản đồ nền và bản đồ kỹ thuật số. Tùy thuộc khả năng nguồn bản đồ có thể có và diện tích lưu vực, tỷ lệ bản đồ nền cho phép là 1/50 000 hoặc 1/100 000 hoặc 1/250 000. Tỷ lệ của bản đồ số quy định là 1/50 000, nếu chủ đầu tư yêu cầu có thể lập bản đồ số có tỷ lệ lớn hơn.
8.1.1.2 Để nghiên cứu ngập lụt vùng hồ phải có bình đồ tỷ lệ 1/25 000 khoảng cách đều giữa các đường đồng mức là 5 m đối với vùng hồ chứa lớn, tỷ lệ 1/10 000 khoảng cách đều giữa các đường đồng mức là 2 m đối với các hồ chứa nhỏ, tỷ lệ 1/10 000 đến 1/25 000 đối với vùng hưởng lợi. Trường hợp cần tính toán xác định các vùng ngập lụt lớn và phức tạp cần có bình đồ lòng dẫn tỷ lệ không nhỏ hơn 1/10 000.
8.1.1.3 Tài liệu địa hình để nghiên cứu bố trí công trình đầu mối phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Để nghiên cứu bố trí và thiết kế công trình đầu mối cần đo 3 mặt cắt ngang sông tỷ lệ 1/2 000 đối với thung lũng sông rộng hơn 1 000 m và tỷ lệ 1/500 đối với thung lũng sông hẹp dưới 1 000 m;
b) Đối với vùng đầu mối công trình đợt đầu và những công trình quan trọng cần nghiên cứu kỹ hơn nên phải đo bình đồ tỷ lệ từ 1/10 000 đến 1/5 000 với diện tích khảo sát khoảng 2 km2 đối với công trình loại lớn và từ 0,5 km2 đến 2,0 km2 đối với công trình loại vừa;
c) Vùng hưởng lợi của các công trình đợt đầu và công trình quan trọng phải bố trí các hệ thống kênh mương chính. Nếu không có bình đồ của cả vùng quy hoạch thì phải đo bình đồ trên phạm vi dọc tuyến kênh chính tỷ lệ từ 1/25 000 đến 1/10 000. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể cho phép chỉ đo mặt cắt dọc và mặt cắt ngang tuyến kênh chính tỷ lệ từ 1/5 000 đến 1/10 000.
8.1.1.4 Để tính toán thủy lực, thủy năng, chỉnh trị sông cần đo các mặt cắt dọc ngang sông. Tỷ lệ và khoảng cách đo vẽ các mặt cắt sông quy định như sau:
a) Sông lớn: tỷ lệ vẽ mặt cắt dọc từ 1/100 000 đến 1/50 000, mặt cắt ngang từ 1/1 000 đến 1/500;
b) Sông, suối nhỏ: tỷ lệ vẽ mặt cắt dọc từ 1/50 000 đến 1/10 000, mặt cắt ngang từ 1/500 đến 1/200;
c) Vị trí và khoảng cách các mặt cắt tuỳ thuộc vào đặc điểm dòng chảy và yêu cầu tính toán thủy lực có thể lấy trung bình từ 1 km đến 5 km đo một mặt cắt. Sông dài đo thưa hơn sông ngắn;
Khi nghiên cứu chỉnh trị sông cần có bình đồ lòng dẫn tỷ lệ 1/5 000 và ảnh viễn thám.
8.1.2 Tài liệu địa chất
8.1.2.1 Cho phép sử dụng các loại bản đồ địa chất đã xuất bản hoặc đang lập để nghiên cứu tổng hợp, nghiên cứu các đặc điểm địa chất của thung lũng sông và xác định các đoạn sông có khả năng bố trí công trình đầu mối sau đó tiếp tục nghiên cứu, khảo sát kỹ hơn điều kiện địa chất công trình và vật liệu xây dựng vùng đầu mối công trình.
8.1.2.2 Đối với vùng hồ chứa khi cần nghiên cứu dự báo khả năng thấm mất nước của công trình và khả năng sạt lở bờ hồ khi tích nước, có thể dựa vào tài liệu địa chất chung đã có hoặc tiến hành trắc hội địa chất theo bản đồ tỷ lệ từ 1/200 000 đến 1/100 000.
8.1.2.3 Đối với vùng công trình đầu mối chủ yếu như hồ chứa nước, đập dâng, cống, trạm bơm… và tuyến kênh chính, khi cần nghiên cứu đánh giá sơ bộ khả năng đảm bảo ổn định, chống thấm của nền và vai công trình, đánh giá khả năng khai thác và sử dụng vật liệu tự nhiên để xây dựng công trình có thể dựa vào tài liệu địa chất đã có, trắc hội địa chất kết hợp thăm dò địa vật lý và đào hố thăm dò để lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200 000 đến 1/100 000 và mặt cắt địa chất các tuyến công trình. Công tác khoan địa chất chỉ tiến hành ở những công trình chủ yếu quan trọng.
8.1.3 Tài liệu đất đai – thổ nhưỡng
Khi nghiên cứu đề xuất biện pháp thủy lợi cải tạo đất hoặc điều chỉnh phương hướng sản xuất nông nghiệp trong trường hợp nguồn nước khó khăn cần có bản đồ đất tỷ lệ từ 1/25 000 đến 1/50 000 và thu thập các số liệu về sự phân bố đất đai – thổ nhưỡng, thảm thực vật rừng. Các tài liệu cần có gồm:
– Bản đồ thích nghi đất đai;
– Bản đồ và tài liệu về hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất nông – lâm nghiệp và thủy sản, các số liệu về diện tích và tính chất của một số loại đất chính .
8.1.4 Tài liệu khí tượng – thuỷ văn
8.1.4.1 Các tài liệu về khí tượng – thủy văn sử dụng trong tính toán phải được chỉnh lý thống nhất cao độ với tài liệu địa hình, được cập nhật số liệu quan trắc từ khi thành lập đến năm gần nhất của các trạm trong vùng và những trạm cần thiết ở vùng phụ cận.
8.1.4.2 Tài liệu về khí tượng cần có bao gồm:
– Mạng lưới trạm khí tượng, khí hậu;
– Tài liệu thực đo các yếu tố mưa, nhiệt độ, độ ẩm, bốc hơi, gió, số giờ nắng,…;
– Tài liệu nghiên cứu phân vùng khí hậu và các đặc trưng của nó.
8.1.4.3 Tài liệu thủy văn nước mặt cần có bao gồm:
– Mạng lưới trạm đo thủy văn có trong hoặc gần vùng nghiên cứu;
– Tài liệu thực đo về mực nước, lưu lượng, hàm lượng phù sa, độ mặn, chua, phèn, thủy triều, chất luợng nước… của các dòng chảy mặt và ngầm;
– Các kết quả nghiên cứu về các đặc trưng dòng chảy mặt và ngầm.
Trong trường hợp thiếu, không đủ tài liệu thủy văn cho tính toán chuyên ngành, cần điều tra lũ, đo đạc bổ sung mực nước và lưu lượng kiệt, lũ, triều, mặn, phù sa, nước mặt, nước ngầm. Thời gian đo đạc bổ sung cho mỗi vị trí cần thiết như sau:
– Đo lưu lượng dòng chảy kiệt phục vụ đánh giá tài nguyên nước: từ 5 ngày đến 7 ngày;
– Đo lưu lượng, mực nước, độ mặn phục vụ tính toán thủy lực mùa kiệt, mùa lũ: từ 10 ngày đến 15 ngày .
8.1.4.4 Cần điều tra, thu thập tài liệu khảo sát đánh giá tài nguyên nước dưới đất bao gồm phân bố, tổng lượng và chất lượng, khả năng khai thác nước ngầm ở trong vùng quy hoạch. Khi nghiên cứu lập quy hoạch cấp nước mà thiếu hoặc không có tài liệu nói trên về nước dưới đất cần tiến hành điều tra khảo sát bổ sung về nước ngầm. Khối lượng điều tra khảo sát bổ sung do tư vấn lập và được chủ đầu tư chấp thuận.
8.1.5 Tài liệu về dân sinh – kinh tế – xã hội
8.1.5.1 Tài liệu về hiện trạng dân sinh – kinh tế – xã hội được thống kê ít nhất trong 5 năm liên tục tính đến năm lập quy hoạch, các chỉ tiêu phát triển trong kế hoạch 5 năm trước mắt và phương hướng kế hoạch phát triển dài hạn cho 15 năm đến 20 năm sau.
Tài liệu về hiện trạng dân sinh – kinh tế lấy theo số liệu công bố. Đối với các lưu vực sông lớn hoặc vùng lớn tương đương với đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì đơn vị được thống kê là huyện. Đối với các lưu vực sông không lớn hoặc các vùng nhỏ tương đương với đơn vị hành chính cấp huyện hoặc liên huyên thì đơn vị được thống kê là xã. Trường hợp không có số liệu của cơ quan Thống kê, cho phép sử dụng số liệu của các cơ quan khác. Các tài liệu về kế hoạch phát triển dân sinh và các ngành kinh tế do cơ quan chức năng cung cấp trên cơ sở tổng hợp.
Nếu ngành nào chưa lập xong kế hoạch phát triển thì Chủ nhiệm quy hoạch phải bàn bạc với ngành đó để đưa ra các chỉ tiêu phát triển cần thiết và thống nhất với cơ quan kế hoạch. Trong mọi trường hợp, các tài liệu dân sinh – kinh tế đều phải được các cơ quan chức năng cung cấp xác nhận.
8.1.5.2 Tài liệu về dân số, phân loại dân số theo các đơn vị hành chính, đặc điểm phân bố phát triển dân cư, trình độ dân trí, tỷ lệ tăng trưởng dân số, phân bố dân cư và dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, thu nhập, các đặc điểm văn hóa, giáo dục, vệ sinh, y tế cộng đồng, các bệnh sinh ra do nguồn nước…của từng tiểu vùng và tòan vùng quy hoạch. Cần xem xét mối liên quan về dân sinh – xã hội của tiểu vùng với tiểu vùng và cả vùng cũng như quan hệ với từng quốc gia và liên quốc gia;
8.1.5.3 Tài liệu về tình trạng đô thị hoá, tình hình quản lý và các dịch vụ đô thị, nông thôn miền núi, các chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình kế hoạch hoá gia đình, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tình hình du lịch trong vùng.
8.1.5.4 Tài liệu về kinh tế bao gồm các số liệu về hiện trạng và chỉ tiêu phát triển của tất cả các ngành kinh tế có liên quan đến nguồn nước như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, khai thác mỏ…
8.1.6 Tài liệu hiện trạng phát triển thủy lợi
Yêu cầu phải có các tài liệu sau:
– Các công trình thủy lợi – thủy điện hiện có gồm số lượng công trình, quy mô và nhiệm vụ, năng lực thiết kế, năng lực thực tế, tình trạng công trình, hiệu quả phục vụ;
– Tình hình thiên tai đã xảy ra trong các năm gần với thời điểm nghiên cứu quy hoạch như hạn, úng, lũ lụt, lũ quét, động đất… cũng như ảnh hưởng của thiên tai đến dân sinh và các ngành kinh tế;
– Tài liệu về hiện trạng môi trường sinh thái và chất lượng nước;
– Các nghiên cứu có liên quan đến phát triển thủy lợi đã được các cơ quan và các nhà khoa học nghiên cứu trước thời điểm lập quy hoạch.
8.1.7 Các tài liệu khác
Các tài liệu khác có liên quan có thể là:
– Các chủ trương, chính sách và các luật có liên quan đến sử dụng và khai thác tài nguyên đất, nước, môi trường;
– Các tài liệu, văn bản, chính sách, các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý khai thác;
– Các tài liệu liên quan đến, giá cả của các hàng hóa có liên quan đến tính toán kinh phí đầu tư và hiệu ích kinh tế, tỷ lệ lạm phát …;
– Các số liệu và thông tin về công cụ nghiên cứu liên quan đến mô hình toán.
8.2 Yêu cầu tài liệu cơ bản để lập Tổng quan quy hoạch phát triển thủy lợi và lập Quy hoạch chi tiết phát triển thủy lợi
Thực hiện theo các quy định ở Bảng C.1 của Phụ lục C.
PHỤ LỤC A
(tham khảo)
ĐỀ CƯƠNG CÁC BÁO CÁO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI
A.1 Phạm vi áp dụng
Đề cương các báo cáo nêu trong Phụ lục A trình bày dưới đây chỉ có tính tham khảo để áp dụng cho quy hoạch phát triển thủy lợi lưu vực sông. Các báo cáo tổng quan quy hoạch, quy hoạch chi tiết và quy hoạch chuyên ngành về cơ bản cũng có thể trình bày theo đề cương này nhưng điều chỉnh cho phù hợp.
A.2 Đề cương Báo cáo tổng hợp
MỞ ĐẦU Phần Mở đầu cần nêu được những nội dung chính sau đây: – Khái quát lưu vực, thực trạng phát triển và sự cấp thiết lập quy hoạch; – Căn cứ lập quy hoạch; – Những vấn đề cơ bản được giải quyết trong quy hoạch; – Đơn vị thực hiện và thời gian thực hiện lập quy hoạch. PHẦN I ĐIỀU KIỆN VÀ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN Chương 1 ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN 1.1. Phạm vi lưu vực 1.2. Đặc điểm địa hình 1.3. Tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng 1.4. Đặc điểm địa chất Chương 2 NGUỒN NƯỚC 2.1. Khí hậu 2.2. Mạng lưới sông ngòi 2.3. Nguồn nước mặt 2.3.1. Mạng lưới trạm thủy văn 2.3.2. Các đặc trưng thủy văn dòng chảy 2.3.3. Nguồn nước ở các vùng thủy lợi 2.3.4. Chất lượng nước 2.4. Triều, mặn 2.4.1. Thủy triều 2.4.2. Xâm nhập mặn 2.5. Nguồn nước ngầm. 2.5.1. Đặc trưng địa chất thủy văn 2.5.2. Trữ lượng, chất lượng nước ngầm 2.6. Nhận xét về điều kiện tự nhiên Chương 3 NGUỒN LỰC XÃ HỘI 3.1. Tổ chức hành chính 3.2. Dân cư và lao động 3.3. Tổ chức quản lý lưu vực 3.4. Nhận xét về nguồn lực xã hội PHẦN II ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN Chương 4 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ 4.1. Nền kinh tế chung 4.1.1. Cơ cấu phát triển kinh tế 4.1.2. Kết quả phát triển kinh tế 4.2. Nông nghiệp 4.2.1. Sử dụng đất nông nghiệp. 4.2.2. Trồng trọt 4.2.3. Chăn nuôi 4.3. Lâm nghiệp 4.3.1. Đất lâm nghiệp và phân loại rừng 4.3.2. Kinh tế lâm nghiệp 4.4. Thủy sản 4.1.1. Các ngành kinh tế thủy sản 4.1.2. Phát triển nuôi trồng thủy sản 4.5. Công nghiệp 4.5.1. Các ngành và cơ sở công nghiệp 4.5.2. Kết quả phát triển công nghiệp 4.6. Năng lượng 4.6.1.Các hệ thống điện năng 4.6.2. Khai thác thủy năng 4.7. Giao thông 4.7.1. Mạng lưới giao thông 4.7.2. Giao thông thủy 4.8. Xây dựng – đô thị 4.9. Các ngành khác (có liên quan đến nguồn nước) 4.10. Nhận xét về hiện trạng phát triển kinh tế Chương 5 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI 5.1. Quá trình nghiên cứu, phát triển thủy lợi 5.2. Hiện trạng thủy lợi 5.3. Tình trạng thiên tai5.4. Công tác quản lý nước và công trình thủy lợi 5.5. Thành công và hạn chế, trọng tâm cần giải quyết PHẦN III XU THẾ PHÁT TRIỂN VÀ XÂY DỰNG KỊCH BẢN Chương 6 XU THẾ PHÁT TRIỂN 6.1. Nguồn lực bên ngoài 6.2. Nguồn lực nội tại 6.2.1. Phát triển nguồn nhân lực 6.2.2. Phát triển kinh tế 6.2.2.1. Mục tiêu phát triển kinh tế 6.2.2.2. Cơ cấu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế 6.2.2.3. Phương hướng phát triển các ngành kinh tế chính Chương 7 XÂY DỰNG KỊCH BẢN 7.1. Cơ hội 7.2. Thách thức 7.3. Xây dựng kịch bản PHẦN IV QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI Chương 8 MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIÊN THỦY LỢI 8.1. Mục tiêu 8.2. Nhiệm vụ 8.3. Tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch thủy lợi Chương 9 QUY HOẠCH CẤP NƯỚC 9.1. Phân vùng thủy lợi cấp nước 9.2. Cân bằng nước 9.2.1. Nhu cầu nước 9.2.2. Kết quả tính toán cân bằng nước 9.3. Kết quả tính thủy lực cấp nước 9.3.1. Các phương án, các giải pháp cấp nước 9.3.2. Kết quả tính toán thủy lực cấp nước 9.4. Quy hoạch cấp nước nông nghiệp và thủy sản 9.4.1. Năng lực cấp nước của các hệ thống hiện có và yêu cầu phát triển 9.4.2. Phương án, giải pháp cấp nước 9.4.3. Vồn đầu tư thực hiện 9.4.4. Dự tính khả năng cấp nước theo quy hoạch 9.5. Quy hoạch cấp nước sinh hoạt – công nghiệp và dịch vụ du lịch 9.5.1. Năng lực cấp nước của các hệ thống hiện có và yêu cầu phát triển 9.5.2. Phương án, giải pháp cấp nước 9.5.3. Vồn đầu tư thực hiện 9.5.4. Dự tính khả năng và hiệu quả cấp nước theo quy hoạch 9.6. Giải pháp duy trì dòng chảy môi trường sinh thái hạ du 9.6.1. Thực trạng và yêu cầu dòng chảy môi trường sinh thái hạ du 9.6.2. Giải pháp duy trì dòng chảy duy trì môi trường sinh thái hạ du Chương 10 QUY HOẠCH KHAI THÁC THỦY NĂNG 10.1. Nguồn thủy năng 10.2. Sơ đồ khai thác thuỷ năng 10.3. Vốn đầu tư cho khai thác thủy năng 10.4. Dự tính khả năng và hiệu quả khai thác thủy năng Chương 11 QUY HOẠCH TIÊU THOÁT NƯỚC 11.1. Đặc điểm mưa úng 11.2. Tình trạng úng ngập và hiện trạng tiêu thoát nước 11.3. Phân vùng tiêu nước 11.4. Yêu cầu, tiêu chuẩn tính toán tiêu nước 11.5. Giải pháp tiêu 11.5.1. Nghiên cứu đề xuất các phương án tiêu và kết quả tính toán 11.5.2. Các giải pháp tiêu thoát nước 11.6. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch tiêu 11.7. Dự tính khả năng và hiệu quả tiêu thoát theo quy hoạch Chương 12 QUY HOẠCH PHÒNG CHỐNG LŨ 12.1. Tình trạng mưa lũ 12.2. Phân vùng bảo vệ 12.3. Hiện trạng ngập lụt và công trình phòng chống lũ hiện có 12.4. Yêu cầu, tiêu chuẩn phòng chống lũ 12.5. Giải pháp phòng chống lũ 12.5.1. Phương án phòng chống lũ 12.5.2. Kết quả tính toán thủy lực lũ 12.5.3. Các giải pháp phòng chống lũ 12.6. Vốn đầu tư và tác dụng phòng chống lũ Chương 13 CÔNG TRÌNH LỢI DỤNG TỔNG HỢP TRÊN DÒNG CHÍNH 13.1. Các công trình lợi dụng tổng hợp 13.2. Dự tính hiệu ích lợi dụng tổng hợp 13.3. Dự kiến phân bổ vốn đầu tư Chương 14 ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC 14.1. Hiện trạng môi trường sinh thái 14.2. Dự báo tác động xấu đối với môi trường khi thực hiện quy hoạch 14.3. Giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề về môi trường trong quả trình thực hiện quy hoạch Chương 15 HIỆU ÍCH ĐẦU TƯ 15.1. Hiệu ích định lượng 15.2. Hiệu ích định tính PHẦN V GIẢI PHÁP THỰC HIỆN Chương 16 TỔ CHỨC QUẢN LÝ 16.1. Tổ chức quản lý nguồn nước và quản lý hệ thống thuỷ lợi 16.2. Bố trí nguồn nhân lực 16.2.1. Di dân tái định cư vùng công trình 16.2.2. Bố trí dân cư khai thác nguồn lực tự nhiên Chương 17 TRÌNH TỰ THỰC HIỆN QUY HOẠCH 17.1. Trình tự thực hiện quy hoạch 17.2. Công trình ưu tiên 17.3. Tổng vốn đầu tư, dự kiến phân bổ và huy động vốn PHẦN VI KẾT LUẬN VÀ CÁC KIẾN NGHỊ KẾT LUẬN 1. Khả năng phát triển thủy lợi đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội 2. Các giải pháp kỹ thuật cơ bản phát triển thủy lợi. 3. Các công trình cần ưu tiên đầu tư xây dựng và nhu cầu vốn đầu tư. KIẾN NGHỊ – Xét duyệt quy hoạch. – Những vấn đề cần được đầu tư nghiên cứu, giải quyết tiếp. PHỤ LỤC PL-1 Danh mục công trình tu sứa, nâng cấp PL-2 Danh mục công trình xây dựng mới (cần có tên, quy mô, vốn đầu tư, thời kỳ thực hiện dự án) PL-3 Các bản đồ (atlat), ảnh thực địa. PL-4 Quyết định giao nhiệm vụ hoặc hợp đồng lập quy hoạch |
A.3 Đề cương Báo cáo tóm tắt
A.3.1 Yêu cầu chung
Phần thuyết minh trình bày tóm tắt các kết quả chính của quy hoạch trong khoảng 30 trang hoặc không quá 30 % số trang thuyết minh của Báo cáo tổng hợp. A.3.2 Đề cương trình bày nội dung Báo cáo tóm tắt: 1. KHÁI QUÁT LƯU VỰC 1.1. Phạm vi lưu vực Giới thiệu tóm tắt phạm vi lưu vực và phân vùng thủy lợi 1.2. Quỹ đất (tại thời điểm hiện tại và hướng sử dụng trong khoảng 10 năm, 20 năm hoặc xa hơn) 1.3. Nguồn nước 1.3.1. Mưa 1.3.2. Nước mặt 1.3.3. Nước ngầm 1.4. Hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế – xã hội 1.5. Hiện trạng thủy lợi và những vấn đề cần giải quyết 1.5.1. Hiện trạng cấp nước và tình hình hạn 1.5.2. Hiện trạng úng và tiêu thoát nước 1.5.3. Hiện trạng mưa bão, lũ lụt và phòng chống lũ bão 1.5.4. Hiện trạng khai thác thủy năng 1.5.5. Hiện trạng môi trường nước 2. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN THUỶ LỢI 2.1. Mục tiêu 2.2. Nhiệm vụ quy hoạch phát triển thuỷ lợi 3. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI 3.1. Quy hoạch cấp nước 3.1.1. Phân vùng thủy lợi 3.1.2. Nhu cầu cấp nước và cân bằng nước 3.1.3. Quy hoạch cấp nước nông nghiệp và thủy sản 3.1.4. Quy hoạch cấp nước sinh hoạt – công nghiệp 3.1.5. Dòng chảy duy trì môi trường sinh thái hạ du 3.1.6. Vốn đầu tư và khả năng cấp nước theo quy hoạch 3.2. Quy hoạch phát triển thủy điện 3.2.1. Tiềm năng thủy điện 3.2.2. Phương án khai thác 3.2.3. Vốn đầu tư và hiệu ích 3.3. Quy hoạch tiêu thoát nước 3.3.1. Phân vùng tiêu nước 3.3.2. Yêu cầu tiêu thoát nước và cân bằng tiêu nước 3.3.3. Quy hoạch tiêu thoát nước 3.3.4. Vốn đầu tư và khả năng tiêu thoát nước theo quy hoạch 3.4. Quy hoạch phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai do lũ lụt 3.4.1. Phân vùng bảo vệ và yêu cầu chống lũ 3.4.2. Các giải pháp phòng chống lũ ở từng vùng 3.4.2.1. Giải pháp công trình 3.4.2.2. Các giải pháp phi công trình 3.4.3. Vốn đầu tư và tác dụng chống lũ 3.5. Tổng hợp công trình lợi dụng tổng hợp dòng chính 3.6. Tổng hợp vốn đầu tư 3.6.1. Tổng vốn đầu tư 3.6.2. Dự kiến phân bổ vốn đầu tư cho các ngành hưởng lợi 4. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN 4.1. Tổ chức quản lý nguồn nước và hệ thống thủy lợi 4.2. Trình tự thực hiện quy hoạch, các công trình ưu tiên Yêu cầu nêu được danh mục, thông số cơ bản của các công trình ưu tiên 5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 5.1. Kết luận 5.2. Kiến nghị PHỤ LỤC PL-1 Danh mục công trình tu sứa, nâng cấp PL-2 Danh mục công trình xây dựng mới (cần có tên, quy mô, vốn đầu tư, thời kỳ thực hiện dự án) PL-3 Các bản đồ (atlat), ảnh thực địa PL-4 Quyết định giao nhiệm vụ hoặc hợp đồng lập quy hoạch |
A.4 Đề cương báo cáo chuyên đề Hiện trạng phát triển thủy lợi
MỞ ĐẦU Phần mở đầu cần nêu được những nội dung chính gồm khái quát về lưu vực; mục tiêu, yêu cầu phân tích, đánh giá quá trình phát triển thủy lợi; đơn vị thực hiện và thời gian thực hiện. Chương 1 QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI 1.1. Quá trình nghiên cứu, quy hoạch phát triển thủy lợi Nêu tóm tắt những dự án quy hoạch, công trình nghiên, những vấn đề đã được giải quyết và những tồn tại của các nghiên cứu quy hoạch trước 1.2. Kết quả đầu tư phát triển thủy lợi 1.2.1. Vốn đầu tư phát triển thủy lợi 1.2.2. Kết quả đầu tư phát triển thủy lợi Chương 2 HIỆN TRẠNG CÁC HỆ THỐNG THỦY LỢI 2.1. Hiện trạng thủy lợi cấp nước 2.2. Hiện trạng các hệ thống tiêu thoát nước 2.3. Hiện trạng các hệ thống công trình phòng chống lũ lụt 2.4. Hiện trạng các công trình thủy điện 2.4. Tình trạng thiên tai – Khái quát diễn biến tình hình hạn, úng, lũ lụt, xâm nhập mặn và các loại thiên tai khác đã xảy ra trong thời gian gần thời điểm lập quy hoạch. Minh chứng bằng các số liệu cụ thể về phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại…. – Phân tích nguyên nhân gây nên các loại thiên tai đó. Chương 3 CÔNG TÁC QUẢN LÝ 3.1. Quản lý nguồn nước 3.2. Quản lý các hệ thống thủy lợi 3.3. Những thành công và hạn chế 3.4. Trọng tâm cần đầu tư giải quyết KẾT LUẬN 1. Kết luận về thành công và hạn chế trong phát triển thủy lợi 2. Những trọng tâm cần đầu tư giải quyết PHỤ LỤC – Các phụ lục là bản đồ hiện trạng đều phải làm trên bản đồ nền và atlat, bao gồm bản đồ hiện trạng hạn và công trình cấp nước, bản đồ hiện trạng úng ngập và công trình tiêu nước, chống lũ; – Ảnh thực địa các vùng và các công trình thủy lợi; – Các tài liệu cơ bản đã được phân tích, tổng hợp. |
A.5 Đề cương báo cáo chuyên đề Khí tượng – Thủy văn
MỞ ĐẦU Giới thiệu khái quát về lưu vực và nhiệm vụ quy hoạch, mục tiêu, yêu cầu tính toán thủy văn, đơn vị thực hiện và thời gian thực hiện. Phần I ĐỊA LÝ THỦY VĂN Chương 1 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN LƯU VỰC 1.1. Phạm vi, vị trí địa lý 1.2. Đặc điểm địa hình 1.3. Đặc điểm thảm phủ thực vật 1.4. Mạng lưới sông ngòi 1.3.1. Sự hình thành mạng lưới sông ngòi 1.3.2. Đặc trưng hình thái lưu vực sông 1.3.3.Quá trình phát triển, các nhân tố ảnh hưởng quá trình phát triển mạng lưới sông Chương 2 ĐẶC ĐIỂM KHÍ TƯỢNG – KHÍ HẬU 2.1. Mạng lưới trạm khí tượng 2.2. Tình hình quan trắc khí tượng, chất lượng tài liệu quan trắc 2.3. Đặc điểm khí hậu lưu vực 2.3.1. Chế độ khí hậu 2.3.2. Phân vùng khí hậu 2.3.3. Hình thế thời tiết gây mưa lũ 2.4. Các đặc trưng khí hậu 2.4.1. Đặc điểm mưa 2.4.2. Bốc hơi 2.4.3. Độ ẩm không khí 2.4.4. Chế độ nhiệt 2.4.5. Số giờ nắng 2.4.6. Các đặc trưng khác 2.5. Xu hướng biến đổi khí hậu Nghiên cứu, đánh giá sự biến đổi của các yếu tố như mưa, nhiệt độ, độ ẩm, bốc hơi, gió, số giờ nắng , bão và các nhiễu động v.v… theo thời gian và không gian vùng quy hoạch dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng của sự biến đổi đó đến sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng quy hoạch. Chương 3 ĐẶC ĐIỂM THUỶ VĂN NGUỒN NƯỚC MẶT 3.1. Mạng lưới trạm thủy văn 3.2. Tình hình quan trắc thủy văn, chất lượng tài liệu quan trắc 3.3. Dòng chảy năm 3.3.1. Dòng chảy năm và phân phối dòng chảy năm 3.3.2. Quan hệ mưa – dòng chảy 3.4. Dòng chảy lũ 3.4.1. Nguyên nhân hình thành dòng chảy lũ 3.4.2. Biến đổi dòng chảy lũ 3.4.3. Thành phần lũ 3.4.4. Quan hệ mưa lũ, dòng chảy lũ và thủy triều 3.4.5. Tổ hợp lũ 3.5. Dòng chảy kiệt 3.5.1. Biến đổi dòng chảy kiệt 3.5.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới dòng chảy kiệt 3.6. Dòng chảy bùn cát. 3.6.1. Hàm lượng, lưu lượng, tổng lượng bùn cát ở các sông 3.6.2. Hệ số xâm thực, xói mòn lưu vực 3.6.3. Tình trạng bồi xói lòng sông và cửa sông 3.7. Thủy triều và sự xâm nhập mặn 3.7.1. Chế độ triều, mực nước triều 3.7.2. Diễn biến thủy triều mùa kiệt, mùa lũ 3.7.3. Quan hệ dòng chảy lũ, dòng chảy mùa kiệt với thủy triều 3.7.4. Ảnh hưởng thủy triều đến việc cấp nước và tiêu thoát lũ 3.7.5. Nước biển dâng do bão 3.8. Xâm nhập mặn. 3.9. Chất lượng nước mặt. 3.10. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến chế độ thủy văn – thủy lực và nguồn nước 3.11. Đánh giá nguồn nước mặt, khả năng khai thác, sử dụng Chương 4 NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT 4.1. Tài liệu về nước ngầm 4.2. Đặc điểm địa chất thủy văn 4.3. Trữ lượng nước ngầm, phân bố nước ngầm trên lưu vực 4.4. Chất lượng nước ngầm 4.5. Khả năng khai thác sử dụng và những hạn chế Phần II THỦY VĂN CÔNG TRÌNH Chương 5 CÁC ĐẶC TRƯNG KHÍ TƯỢNG VÀ THUỶ VĂN CÔNG TRÌNH 5.1. Yêu cầu tính toán 5.1.1. Các vùng, tiểu vùng và tuyến tính toán 5.1.2. Các yếu tố và tiêu chuẩn cần tính toán 5.2. Các đặc trưng khí tượng thiết kế Trình bày các đặc trưng tính toán về khí tượng như gió, nhiệt độ, độ ẩm, số giờ nắng, bốc hơi, mưa năm, mô hình mưa thiết kế (mưa tưới, mưa tiêu), tổ hợp mưa lũ nội đồng và mực nước ngoài sông, thủy triều… 5.3. Các đặc trưng thủy văn công trình. 5.3.1. Dòng chảy năm, phân phối dòng chảy năm thiết kế tại các tuyến và các vùng nghiên cứu. 5.3.2. Dòng chảy lũ 5.3.2.1. Lưu lượng, tổng lượng lũ, quá trình lũ thiết kế tại các tuyến (tần suất lũ theo cấp công trình dự kiến) 5.3.2.2. Quá trình mực nước, lưu lượng lũ tại biên nhập lưu cho các trường hợp hiện trạng và phương án chống lũ 5.3.2.3. Tổ hợp nước lũ (giữa dòng nhánh và dòng chính, giữa thượng, trung và hạ lưu, giữa lũ và thủy triều để chọn dạng lũ cho tính toán) 5.3.3. Dòng chảy kiệt thiết kế 5.3.3.1. Dòng chảy kiệt ngày, kiệt 30 ngày nhỏ nhất, kiệt tháng, năm thiết kế 5.3.3.2.. Dòng chảy, mực nước kiệt tại biên cho các trường hợp hiện trạng và phương án cấp nước 5.3.4 Triều thiết kế và độ mặn của cửa sông 5.3.4.1. Mô hình triều thiết kế ở vùng cửa sông về mùa kiệt, mùa lũ và vụ 5.3.4.2. Biên thuỷ triều mùa kiệt, mùa lũ, theo vụ, theo năm cho các trường hợp hiện trạng và phương án quy hoạch 5.3.4.3. Quá trình xâm nhập mặn vùng cửa sông 5.3.5. Dòng chảy bùn cát Dòng chảy bùn cát, bồi lắng hồ chứa và bồi xói vùng cửa sông. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ – Kết luận về chất lượng tài liệu, vềề nguồn nước lưu vực. – Những khuyến cáo cho thiết kế quy hoạch và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết PHỤ LỤC Các phụ lục bao gồm: – Các biểu bảng tính toán.; – Các bản đồ atlat về mạng lưới sông, trạm quan trắc, đường đẳng trị mưa năm , đẳng trị mô số dòng chảy năm… Khi cần thiết có thể thêm bản đồ đẳng trị mưa 1, 3, 5 ngày max ứng với các tần suất thiết kế, bản đồ đẳng trị mô số dòng chảy tháng kiệt nhất. |
A.6 Đề cương báo cáo chuyên đề Tính toán quy hoạch cấp nước
MỞ ĐẦU Phần mở đầu cần nêu được khái quát về lưu vực, mục tiêu và yêu cầu tính toán cấp nước, đơn vị thực hiện và thời gian thực hiện Chương 1 NHU CẦU NƯỚC 1.1. Phân vùng cấp nước 1.2. Chỉ tiêu phát triển của các ngành cần cấp nước 1.2.1. Dân sinh 1.2.2. Công nghiệp 1.2.3. Nông nghiệp 1.2.4. Thủy sản 1.2.5. Dịch vụ và du lịch 1.2.6. Các đối tượng sử dụng nước khác 1.3. Mức bảo đảm và chỉ tiêu cấp nước cho từng đối tượng sử dụng nước 1.4. Nhu cầu nước cho giai đoạn hiện tại và tương lai theo từng kịch bản phát triển 1.4.1. Nhu cầu nước sinh hoạt, công nghiệp 1.4.2. Nhu cầu nước nông nghiệp 1.4.3. Nhu cầu nước thủy sản 1.4.4. Nhu cầu nước dịch vụ và du lịch 1.4.5. Nhu cầu nước giao thông 1.4.6. Nhu cầu nước cho các đối tượng sử dụng nước khác 1.4.7. Nước để duy trì môi trường hạ lưu… 1.4.8. Tổng nhu cầu nước. Chương 2 CÂN BẰNG NƯỚC 2.1. Phương pháp tính toán. 2.2. Cân bằng nước giai đoạn hiện tại 2.3. Cân bằng nước giai đoạn tương lai theo nguồn cấp nước hiện có 2.3. Cân bằng nước giai đoạn tương lai theo từng kịch bản phát triển thủy lợi 2.4. Đánh giá khả năng cấp nước theo từng kịch bản phát triển. Chương 3 TÍNH TOÁN QUY HOẠCH CẤP NƯỚC 3.1. Phương án cấp nước 3.1.1. Nguồn nước 3.1.2. Tính thủy lực mạng lưới sông 3.1.3. Quy mô các giải pháp cấp nước 3.2. Vốn đầu tư thực hiện các giải pháp cấp nước 3.3. Hiệu quả cấp nước KẾT LUẬN PHỤ LỤC – Các bản đồ atlat về hiện trạng hạn, hiện trạng công trình cấp nước và phương án quy hoạch cấp nước; – Các bản vẽ sơ đồ tính toán cân bằng nước. |
A.7 Đề cương báo cáo chuyên đề Tính toán quy hoạch tiêu – thoát nước
MỞ ĐẦU Giới thiệu khái quát về lưu vực và nhiệm vụ quy hoạch, mục tiêu và yêu cầu tính toán quy hoạch tiêu thoát nước, đơn vị thực hiện và thời gian thực hiện. Chương 1 YÊU CẦU TIÊU – THOÁT NƯỚC 1.1. Tình trạng mưa úng 1.2. Hiện trạng tiêu thoát nước 1.3. Chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội ở các vùng 1.4. Yêu cầu tiêu – thoát nước Chương 2 PHƯƠNG ÁN TIÊU – THOÁT NƯỚC 2.1. Phân vùng tiêu – thoát nước 2.2. Chỉ tiêu tính toán thiết kế tiêu – thoát nước 2.3. Giải pháp tiêu thoát nước cho từng tiêu vùng và toàn bộ hệ thống tiêu 2.5.1. Đề xuất giải pháp tiêu – thoát 2.5.2. Kết quả tính toán thủy lực tiêu và tính toán cân bằng nước 2.5.3. Lựa chọn giải pháp tiêu thoát 2.5.4. Quy mô và các thông số kỹ thuật cơ bản của công trình tiêu và hệ thống tiêu thoát Chương 3 VỐN ĐẦU TƯ VÀ HIỆU QUẢ TIÊU THOÁT 3.1. Vốn đầu tư thực hiện các giải pháp tiêu – thoát nước 3.2.. Hiệu quả của phương án quy hoạch tiêu – thoát KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết luận về các kết quả tính toán và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu chính xác thêm PHỤ LỤC Các phụ lục bao gồm – Các bảng biểu tính toán; – Các bản đồ atlat về hiện trạng úng ngập và hiện trạng công trình tiêu thoát nước, bản đồ quy hoạch tiêu thoát nước. |
A.8 Đề cương báo cáo chuyên đề Quy hoạch phòng chống lũ
MỞ ĐẦU Giới thiệu khái quát về lưu vực , mục tiêu và yêu cầu tính toán, đơn vị thực hiện và thời gian thực hiện. Chương 1 LŨ LỤT VÀ YÊU CẦU PHÒNG CHỐNG LŨ 1.1. Tình trạng mưa bão và lũ lụt 1.2. Hiện trạng công tác phòng chống lũ 1.3. Phát triển đân sinh – kinh tế và yêu cầu bảo vệ Chương 2 TÍNH TOÁN QUY HOẠCH PHÒNG CHỐNG LŨ 2.1. Phân vùng bảo vệ 2.2. Mục tiêu, tiêu chuẩn phòng chống lũ 2.3.Tính toán thiết kế các giải pháp phòng chống lũ 2.2.1. Giải pháp phòng chống lũ 2.2.2. Kết quả tính toán thủy lực lũ 2.2.3. Quy mô các giải pháp Chương 3 VỐN ĐẦU TƯ VÀ ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ HIỆU QUẢ PHÒNG CHỐNG LŨ 3.1. Vốn đầu tư thực hiện các giải pháp phòng chống lũ 3.2. Đánh giá sơ bộ hiệu quả phòng chống lũ KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết luận về các kết quả tính toán và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu chính xác thêm PHỤ LỤC Các phụ lục bao gồm – Các bảng biểu, sơ đồ tính toán; – Các bản đồ atlat về hiện trạng lũ lụt, hiện trạng công trình chống lũ; quy hoạch phòng chống lũ. Trong trường hợp ảnh hưởng của úng ngập, lũ lụt đối với vùng quy hoạch không nghiêm trọng thì có thể ghép chung với cáo chuyên đề tính toán quy hoạch tiêu thoát nước thành báo cáo tính toán chuyên đề tiêu thoát nước và phòng chống lũ. |
A.9 Đề cương báo cáo chuyên đề Tính toán thuỷ lực
MỞ ĐẦU Giới thiệu khái quát về lưu vực , phương án quy hoạch phát triển tài nguyên nước, mục đích và yêu cầu tính toán thủy lực, đơn vị thực hiện và thời gian thực hiện. Chương 1 MÔ HÌNH THỦY LỰC HỆ THỐNG SÔNG 1.1. Giới thiệu mô hình và phạm vi nghiên cứu của mô hình thủy lực 1.2. Phương pháp toán 1.3. Tài liệu cơ bản sử dụng tính toán thủy lực Chương 2 TÍNH TOÁN THỦY LỰC HỆ THỐNG SÔNG 2.1. Các phương án tính tóan quy hoạch 2.2. Mô phỏng năm thực tế 2.3. Kết quả tính toán các phương án quy hoạch 2.4. Nhận xét kết quả tính toán các phương án KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết luận về các kết quả tính toán và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu chính xác thêm PHỤ LỤC Các phụ lục bao gồm – Các bảng biểu; – Các bản vẽ, bao gồm: a) Mô hình/sơ đồ tính toán; b) Bản đồ Atlat mạng lưới sông, các biên và điểm tính toán CHÚ THÍCH: Đề cương nêu trên áp dụng cho Dự án quy hoạch có yêu cầu tính đầy đủ về cân bằng dòng chảy mùa lũ, mùa kiệt, cho quy hoạch tưới, quy hoạch tiêu, quy hoạch phòng chống lũ…Trong trường hợp Dự án chỉ có yêu cầu tính thủy lực cho một quy hoạch chuyên ngành nào đó thì có thể lược bỏ những mục không liên quan. |
A. 10 Đề cương báo cáo chuyên đề Địa chất
MỞ ĐẦU Giới thiệu khái quát về lưu vực , yêu cầu khảo sát và nghiên cứu địa chất, đơn vị thực hiện, thời gian và khối lượng thực hiện. Chương 1 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT CHUNG 1.1. Tài liệu cơ bản 1.2. Phương pháp nghiên cứu 1.3. Khái quát về đặc điểm địa hình, địa mạo 1.4. Đặc điểm địa chất 1.5. Đặc điểm địa chất thuỷ văn 1.6. Vật liệu xây dựng địa phương Chương 2 ĐIỀU KIỆN ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH 2.1. Các công trình dự kiến xây dựng đợt đầu 2.1. Điều kiện địa chất công trình (của từng công trình cụ thể) 2.1.1. Vị trí, quy mô và thành phần công trình 2.1.2. Tài liệu khảo sát địa chất 2.1.3. Điều kiện địa chất vùng đầu mối công trình 2.1.4. Địa chất vùng hồ 2.1.5. Địa chất vùng tuyến công trình dẫn nước chính 2.1.6. Vật liệu xây dựng 2.1.7. Kết luận và kiến nghị (cho từng công trình cụ thể): a) Kết luận về điều kiện ổn định nền móng b) Khuyến cáo giải pháp đảm bảo ổn định công trình c) Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ CHUNG – Kết luận về điều kiện địa chất chung và điều kiện địa chất công trình – Kiến nghị về những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm PHỤ LỤC – Bản đồ địa chất chung của lưu vực; – Bản đồ khảo sát địa chất (thể hiện các vị trí khảo sát); – Bản đồ địa chất vùng công trình, vật liệu xây dựng; – Báo cáo khảo sát địa chất, có bản vẽ và kết qủa thí nghiệm kèm theo. |
A.11 Đề cương báo cáo chuyên đề Thủy công và Kinh tế
MỞ ĐẦU Giới thiệu khái quát về lưu vực, phương án quy hoạch phát triển thủy lợi; các công trình đợt đầu, yêu cầu về thiết kế thủy công và tính tóan kinh tế, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện. Chương 1 THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH ĐỢT ĐẦU 1.1. Công trình A 1.1.1. Vị trí công trình đầu mối và vùng hưởng lợi 1.1.2. Nhiệm vụ công trình 1.1.3. Cấp công trình 1.1.4. Điều kiện thiết kế và thi công xây dựng 1.1.4.1. Điều kiện địa hình 1.1.4.2. Điều kiện địa chất công trình và vật liệu xây dựng 1.1.4.3. Điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng 1.1.4.4. Điều kiện về dân sinh, kinh tế – xã hội 1.1.4.5. Điều kiện về cơ sở hạ tầng 1.1.4.6. Điều kiện thi công 1.1.5. Tính toán xác định các chỉ tiêu thiết kế chính Tùy từng loại công trình mà xác định sơ bộ một vài trong số các chỉ tiêu thiết kế chính sau đây: – Hệ số cấp nước (hệ số tưới cho nông nghiệp, yêu cầu cấp nước cho các đối tượng sử dụng và tiêu thụ nước khác) và đường quá trình nhu cầu nước cần cấp; – Hệ số tiêu (tiêu cho nông nghiệp và cho các đối tượng khác) và quá trình nhu cầu tiêu thoát nước; – Nhu cầu nước để duy trì dòng chảy môi trường; – Các đường quá trình nước đến theo tần suất thiết kế; – Các đường quá trình lũ thiết kế; – Các loại mực nước thiết kế ; – Một số chỉ tiêu thiết kế khác. 1.1.6. Bố trí tổng thể công trình 1.1.6.1. Bố trí tổng thể công trình đầu mối 1.1.6.2. Bố trí hệ thống công trình chuyển nước từ công trình đầu mối đến nơi nhận nước và tiêu thụ nước 1.1.7. Tính toán thiết kế sơ bộ công trình 1.1.8. Tính toán sơ bộ khối lượng xây dựng công trình 1.1.9. Ước tính khối lượng và kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng 1.1.9.1. Diện tích bị mất đất do ngập lụt lòng hồ và xây dựng công trình 1.1.9.2. Số dân phải di chuyển hoặc bị ảnh hưởng 1.1.9.3. Số công trình hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội bị mất hoặ phải di chuyển 1.1.9.4. Ước tính kinh phí đền bù 1.1.10. Chỉ tiêu kinh tế của công trình 1.10.1. Chi phí 1.10.2. Lợi ích do dự án mang lại 1.10.3. Tính toán xác định các chỉ tiêu kinh tế của công trình 1.1.11. Nhận xét về tính khả thi của công trình 1.2. Công trình B 1.3. Công trình C… (tiếp tục cho đến hết các công trình dự kiến đầu tư đợt đầu) Chương 2 TÍNH TOÁN KINH TẾ 2.1. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch 2.1.1. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch cấp nước 2.1.2. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch tiêu thoát nước 2.1.3. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch phòng chống lũ 2.1.4. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch thủy điện 2.1.5. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch các quy hoạch chuyên ngành khác Chương 2 HIỆU ÍCH QUY HOẠCH 2.2. Tính toán hiệu ích kinh tế khi thực hiện quy hoạch 2.2.1. Hiệu ích định lượng 2.2.1.1. Hiệu ích cấp nước 2.2.1.2. Hiệu ích tiêu thoát nước 2.2.1.3. Hiệu ích phòng chống lũ 2.2.1.4. Hiệu ích phát điện 2.2.1.5. Các hiệu ích có thể định lượng khác 2.2.2. Hiệu ích định tính 2.2.2.1. Môi trường sinh thái 2.2.2.2. Môi trường xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng 2.2.2.3. Tạo điều kiện đẩy nhanh các quá trình phát triển… KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Đánh giá chung về tính khả thi của các công trình đợt đầu, về hiệu ích thực hiện phương án quy hoạch, về những vấn đề cân nghiên cứu tiếp PHỤ LỤC – Bản đồ phương án quy hoạch; – Bản đồ từng vùng công trình đợt đầu; – Một số bản vẽ thủy công; – Ảnh thực địa tuyến công trình |
A.12 Đề cương báo cáo chuyên đề Đánh giá môi trường chiến lược
MỞ ĐẦU Trình bày khái quát lưu vực, phương án quy hoạch phát triển tài nguyên nước, mục đích, yêu cầu đánh giá tác động môi trường, nguồn cung cấp số liệu, tài liệu và phương pháp đánh giá Chương 1 KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN VÙNG QUY HOẠCH 1.1. Điều kiện tự nhiên 1.2. Điều kiện kinh tế – xã hội 1.3. Môi trường – sinh thái 1.3.1. Môi trường vật lý 1.3.2. Môi trường sinh học 1.3.3. Môi trường kinh tế – xã hội 1.3.4. Nhận xét chung về hiện trạng môi trường sinh thái Chương 2 DỰ BÁO TÁC ĐỘNG XẤU ĐẾN MÔI TRƯỜNG DO THỰC HIỆN QUY HOẠCH 2.1.Tác động định lượng 2.2.Tác động định tính Chương 3 GIẢI PHÁP TỔNG THỂ GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU ĐẾN MÔI TRƯỜNG 3.1. Giải pháp công trình 3.2. Giải pháp phi công trình 3.2.1.Công tác quản lý 3.2.2. Mạng lưới giám sát KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết kuận về: – Hiện trạng môi trường; – Các tác động tốt đến môi trường sinh thái khi thực hiện quy hoạch – Các tác động xấu đến môi trường sinh thái cần giảm thiểu Kiến nghị về giải pháp tổng thể giảm thiểu tác động xấu đến môi trường sinh thái PHỤ LỤC – Bản đồ atlat thể hiện vùng quy hoạch, các điểm có tài liệu về môi trường, điểm khảo sát chất lượng nước, phạm vi môi trường bị ô nhiễm; – Báo cáo khảo sát chất lượng nước, trong đó có thuyết minh, số liệu thu thập, số liệu và kết quả thí nghiệm, bản đồ khảo sát. |
PHỤ LỤC B
(tham khảo)
ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO KHỞI ĐẦU
B.1 Phạm vi áp dụng
Báo cáo khởi đầu không thuộc hạng mục sản phẩm cuối cùng phải giao nộp cho chủ đầu tư nhưng cần lập nhằm xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch, phương hướng quy hoạch; khả năng thực hiện dự án; đề xuất những điều chỉnh cần thiết đối với đề cương – dự toán; phục vụ cho việc chỉ đạo, tổ chức, vạch kế hoạch triển khai thực hiện dự án.
B.2 Đề cương báo cáo khởi đầu
1. CĂN CỨ LẬP QUY HOẠCH
1.1. Căn cứ pháp lý
1.2. Nhiệm vụ lập quy hoạch
1.3. Kế hoạch và các hạng mục công việc chính
2. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
2.1. Tổ chức thực hiện
2.2. Các nghiên cứu sơ bộ trước khi khảo sát tổng hợp
2.2.1. Các tài liệu đã có
2.2.2. Các công trình nghiên cứu liên quan
2.3. Khảo sát tổng hợp
2.3.1. Mục đích, nội dung khảo sát tổng hợp
2.3.2. Tình hình và khả năng thu thập tài liệu cơ bản
2.3.3. Khảo sát kỹ thuật
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU BAN ĐẦU VỀ VÙNG QUY HOẠCH
3.1. Khái quát về vùng quy hoạch
3.1.1. Vị trí địa lý và phạm vi vùng quy hoạch
3.1.2. Điều kiện địa hình
3.1.3. Tiềm năng đất đai
3.1.4. Tiềm năng nguồn nước
3.2. Hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế xã hội
3.2.1. Hiện trạng
3.2.2. Định hướng.
3.3. Hiện trạng thủy lợi
3.3.1. Hiện trạng công trình thuỷ lợi trong vùng quy hoạch
3.3.2. Tình hình thiên tai, hạn, úng, lũ lụt …
3.3.3. Những trọng tâm cần giải quyết
3.4. Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thuỷ lợi
3.5. Phương hướng quy hoạch dự kiến
3.5.1. Quy hoạch cấp nước
3.5.2. Quy hoạch tiêu nước và phòng chống lũ
3.5.3. Quy hoạch khác
4. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TIẾP
4.1. Thu thập tài liệu
4.2. Khảo sát kỹ thuật
4.3. Nghiên cứu nội nghiệp
4.4. Hội thảo
4.5. Các kế hoạch khác.
5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
5.1. Kết luận
Nêu những vấn đề hợp lý và những vấn đề còn bất cập của đề cương, dự toán ban đầu đã duyệt, khả năng thực hiện và hoàn thành
5.2. Kiến nghị
Kiến nghị về những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung đề cương và dự toán hoặc những yêu cầu hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực… để hoàn thành dự án….
PHỤ LỤC C
(tham khảo)
YÊU CẦU TÀI LIỆU CƠ BẢN ĐỂ LẬP TỪNG LOẠI QUY HOẠCH
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 8302:2009 VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI – QUY ĐỊNH CHỦ YẾU VỀ THIẾT KẾ | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN8302:2009 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |