TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8266:2009 VỀ SILICON XẢM KHE CHO KẾT CẤU XÂY DỰNG – YÊU CẦU KỸ THUẬT
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8266 : 2009
SILICON XẢM KHE CHO KẾT CẤU XÂY DỰNG – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Structural silicone sealants – Specifications
Lời nói đầu
TCVN 8266:2009 được xây dựng trên cơ sở ASTM C1184.
TCVN 8266:2009 do Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
SILICON XẢM KHE CHO KẾT CẤU XÂY DỰNG – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Structural silicone sealants – Specifications
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng loại một và nhiều thành phần đóng rắn hóa học dùng để dính kết vật liệu kính (hoặc các vật liệu khác như gốm sứ, kim loại, đá và tấm composite) vào các khung kết cấu trong điều kiện thi công ở nhiệt độ thường.
CHÚ THÍCH: Màu sắc của silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng được sản xuất theo yêu cầu hoặc do nhà sản xuất qui định.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm các bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 8267-1:2009, Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng – Phần 1: Xác định độ chảy.
TCVN 8267-2:2009, Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng – Phần 2: Xác định khả năng đùn chảy.
TCVN 8267-3:2009, Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng – Phần 3: Xác định độ cứng Shore A.
TCVN 8267-4:2009, Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng – Phần 4: Xác định ảnh hưởng của lão hóa nhiệt đến sự tổn hao khối lượng, tạo vết nứt và phấn hóa.
TCVN 8267-5:2009, Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng – Phần 5: Xác định thời gian không dính bề mặt.
TCVN 8267-6:2009, Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng – Phần 6: Xác định cường độ bám dính.
3. Thuật ngữ, định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1. Vật liệu xảm (sealant)
Vật liệu có tính kết dính và cố kết nội dùng để xảm kín khe hở.
3.2. Silicon xảm khe (Silicone sealant)
Hợp chất trên cơ sở polyme có cấu trúc mạch polysiloxan sau khi ứng dụng ở dạng lỏng có khả năng đóng rắn hóa học.
3.3. Vật liệu xảm khe kết cấu (structural sealant)
Vật liệu khi đóng rắn có khả năng truyền tải trọng động hoặc tĩnh hoặc cả hai qua các kết cấu liên kết chịu tác động của môi trường làm việc.
3.4. Độ chảy hoặc độ sụt (flow or slump)
Độ biến dạng của một khối vật liệu xảm khe dưới tác dụng của ứng suất.
3.5. Vật liệu xảm khe tự san hoặc tự chảy (self-leveling sealant or flowable sealant)
Vật liệu xảm khe có khả năng tự san hoặc tự chảy dưới tác dụng của trọng lượng bản thân.
3.6. Vật liệu xảm khe không chảy sệ (non-sag sealant)
Vật liệu xảm khe khi sử dụng ở vị trí thẳng đứng hoặc treo ngược thì ít hoặc không bị chảy sệ.
3.7. Vật liệu xảm khe đóng rắn hóa học (chemically curing sealant)
Vật liệu xảm khe đóng rắn chủ yếu bằng phản ứng hóa học.
3.8. Lớp lót (primer)
Lớp phủ phù hợp được thiết kế để cải thiện khả năng bám dính.
3.9. Phả hủy chất kết dính (cohesive failure)
Sự phá hủy trong cấu trúc vật liệu xảm khe, chất kết dính hoặc lớp lót.
3.10. Phá hủy sự dính kết (adhesive failure)
Sự phá hủy mối dính kết giữa silicon xảm khe, chất kết dính hoặc màng phủ kết dính với bề mặt nền.
3.11. Độ cứng (hardness)
Khả năng chống lại sự tạo lõm khi được xác định ở những điều kiện nhất định.
3.12. Đóng rắn (cure)
Quá trình làm cho một hợp chất đạt được các tính chất như dự định bằng cách làm bay hơi, tạo phản ứng hóa học, gia nhiệt, tạo bức xạ, hoặc kết hợp các điều kiện này.
3.13. Thi công (tooling)
Hành động lèn hoặc chèn vật liệu xảm khe vào mối nối.
3.14. Thời hạn sử dụng (shelf life)
Thời gian lưu giữ dài nhất của vật liệu đóng gói theo điều kiện nhà sản xuất yêu cầu mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu khi sử dụng.
4. Phân loại
Tùy theo thành phần và mục đích sử dụng mà silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng được phân thành các loại như sau:
4.1. Phân loại theo thành phần
4.1.1. Loại S – Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng một thành phần.
4.1.2. Loại M – Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng nhiều thành phần.
4.2. Phân loại theo mục đích sử dụng
4.2.1. Loại G – Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng thỏa mãn các yêu cầu của tiêu chuẩn này khi thử trên bề mặt tấm kính nổi trong suốt, không phủ.
4.2.2. Loại O – Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng thỏa mãn các yêu cầu của tiêu chuẩn này khi thử trên bề mặt các vật liệu khác với bề mặt vật liệu theo qui định trên (ví dụ: Loại O – Granit).
5. Yêu cầu kỹ thuật
5.1. Yêu cầu chung
5.1.1. Nền thử chuẩn là tấm kính nổi trong suốt, không phủ.
5.1.2. Điều kiện chuẩn là điều kiện có nhiệt độ (27 ± 2) °C và độ ẩm tương đối (65 ± 5) %.
5.2. Yêu cầu kỹ thuật về tính chất cơ, lý của silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng được nêu trong Bảng 1.
Bảng 1 – Yêu cầu kỹ thuật về tính chất cơ, lý đối với silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng
Tên chỉ tiêu |
Mức |
Phương pháp thử |
Độ chảy, mm:
+ Theo phương thẳng đứng, không lớn hơn + Theo phương nằm ngang |
4,8 Không biến dạng |
TCVN 8267-1 : 2009 |
Khả năng đùn chảy, giây, không lớn hơn |
10 |
TCVN 8267-2 : 2009 |
Độ cứng Shore A |
Từ 20 đến 60 |
TCVN 8267-3 : 2009 |
Ảnh hưởng của lão hóa nhiệt đến:
+ Tổn hao khối lượng, %, không lớn hơn + Tạo vết nứt + Phấn hóa |
10 Không Không |
TCVN 8267-4 : 2009 |
Thời gian không dính bề mặt, giờ, không lớn hơn |
3 |
TCVN 8267-5 : 2009 |
Cường độ bám dính, kPa, không nhỏ hơn:
+ Điều kiện chuẩn: + Ngâm trong nước: + 88 °C a: + -29 °C b: + Chịu thời tiết sau 5 000 giờ c: |
345 345 345 345 345 |
TCVN 8267-6 : 2009 |
a, b, c là các điều kiện áp dụng khi có yêu cầu của khách hàng và/hoặc nhà cung cấp.
Nếu nhà sản xuất yêu cầu phủ lớp lót thì khi tiến hành các phương pháp thử theo tiêu chuẩn này cần phủ lớp lót lên vật liệu (nếu có) theo chỉ dẫn. Nếu nhà sản xuất không yêu cầu phủ lớp lót thì khi tiến hành các phương pháp thử theo tiêu chuẩn này không cần phủ lớp lót lên vật liệu nền. |
6. Bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản
6.1. Bao gói và ghi nhãn
Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng phải được đóng gói trong vật liệu không phản ứng với các thành phần chứa bên trong như hộp nhựa polyetylen hoặc polypropylen. Bề ngoài bao gói phải có nhãn mác của nhà sản xuất, được in trực tiếp hoặc dán nhãn với các thông tin tối thiểu sau:
– tên hoặc biểu tượng của nhà sản xuất, tên thương mại của sản phẩm;
– tên thành phần (nếu có);
– khối lượng và tỉ lệ trộn giữa các thành phần (nếu có);
– số lô sản xuất và hạn sử dụng:
– loại, kiểu và mục đích sử dụng của sản phẩm;
– thời hạn sử dụng: không nhỏ hơn 6 tháng;
– hướng dẫn an toàn khi sử dụng.
6.2. Vận chuyển và bảo quản
Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng được vận chuyển bằng mọi phương tiện thông dụng.
Silicon xảm khe cho kết cấu xây dựng được bảo quản trong kho có mái che, thoáng mát và tránh xa nguồn nhiệt.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8266:2009 VỀ SILICON XẢM KHE CHO KẾT CẤU XÂY DỰNG – YÊU CẦU KỸ THUẬT | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN8266:2009 | Ngày hiệu lực | 31/12/2009 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng |
Ngày ban hành | 31/12/2009 |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |