TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8184-5:2009 (ISO 6107 – 5 : 2004) VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 5
TCVN 8184 – 5 : 2009
ISO 6107 – 5 : 2004
CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 5
Water Quality – Vocabulary – Part 5
Lời nói đầu
TCVN 8184-5:2009 thay thế TCVN 5984 : 1995
TCVN 8184-5:2009 hoàn toàn tương đương với ISO 6107-5 : 2004.
TCVN 8184-5:2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 147 Chất lượng nước biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 8184, Chất lượng nước – Thuật ngữ gồm các tiêu chuẩn sau:
– TCVN 8184-1 : 2009 (ISO 6107-1:2004), Phần 1;
– TCVN 8184-2 : 2009 (ISO 6107-2 : 2006) , Phần 2;
– TCVN 5982 : 1995 (ISO 6107-3 : 1993), Phần 3;
– TCVN 5983 : 1995 (ISO 6107-4 : 1993), Phần 4;
– TCVN 8184-5 : 2009 (ISO 6107-5 : 2004), Phần 5;
– TCVN 8184-6 : 2009 (ISO 6107-6 : 2004), Phần 6;
– TCVN 8184-7 : 2009 (ISO 6107-7 : 2004), Phần 7;
– TCVN 8184-8 : 2009 (ISO 6107-8 : 1993/Amd 1 : 2001), Phần 8.
Bộ tiêu chuẩn ISO 6107 “Water quality – Vocabulary” còn tiêu chuẩn sau:
– ISO 6107-9:1997, Part 9: Alphabetical list and subject index
Lời giới thiệu
Những định nghĩa trong các phần của tiêu chuẩn TCVN 8184 (ISO 6107) không nhất thiết phải hoàn toàn tương đương với định nghĩa trong các tiêu chuẩn có liên quan hoặc trong văn từ của sách khoa học hoặc từ điển. Những định nghĩa này được xây dựng vì mục đích kỹ thuật cũng như để thông hiểu và mang lại ích lợi cho người sử dụng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực chất lượng nước. Mặc dù đã rất cố gắng để đảm bảo các định nghĩa đúng đắn về mặt kỹ thuật, nhưng trong tiêu chuẩn này cũng không thể nêu ra đầy đủ mọi chi tiết. Vì thế, các thuật ngữ định nghĩa tiêu chuẩn này không nhằm cho mục đích tiến hành pháp lý và qui định trong hợp đồng. ISO không chịu trách nhiệm về các hậu quả có thể phát sinh từ việc sử dụng các định nghĩa này cho những mục đích không định trước. TCVN 8184 (ISO 6107) được hạn chế ở những định nghĩa cho các thuật ngữ đã lựa chọn có trong tiêu chuẩn của Ban kỹ thuật TCVN/TC 147 Chất lượng nước.
CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 5
Water Quality – Vocabulary – Part 5
Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này định nghĩa các thuật ngữ sử dụng trong lĩnh vực nhất định về mô tả đặc tính chất lượng nước.
Thuật ngữ và định nghĩa
1 Sự làm cho thích nghi
Quá trình thích nghi của các quần thể sinh vật với những điều kiện môi trường đã qui định được biến đổi cho các mục đích thí nghiệm
Xem thêm sự thích nghi (2)
CHÚ THÍCH: ở một số nước, Sự làm cho thích nghi và Sự thích nghi được dùng đồng nghĩa
2 Sự thích nghi
Quá trình thích nghi của các quần thể sinh vật với những thay đổi của môi trường tự nhiên hoặc với các thay đổi kéo dài do hoạt động của con người (chẳng hạn như gây ra do việc thải liên tục nước thải công nghiệp hay nước thải sinh hoạt hoặc nước cống)
Xem thêm Sự làm cho thích nghi (1)
CHÚ THÍCH: ở một số nước, Sự làm cho thích nghi và Sự thích nghi được dùng đồng nghĩa
3 Lọc kép luân phiên
ADF
Quá trình để xử lí nước thải sinh hoạt/nước cống bằng lọc sinh học theo hai giai đoạn với việc tách trung gian chất mùn bằng cách lắng
CHÚ THÍCH: Ở từng khoảng thời gian, cần đảo thứ tự sử dụng bộ lọc (không phải thứ tự của bình chứa mùn). Điều này cho phép trạm xử lí hoạt động với tải lượng nhu cầu oxy sinh học (BOD) cao hơn so với lọc đơn hoặc kép thông thường, vì không bị cản trở do sự tích tụ một lớp màng trên bề mặt của phin lọc và bể.
4 Khan ôxy
Điều kiện mà trong đó nồng độ oxy hòa tan thấp đến mức một số nhóm vi sinh vật nhất định phải dùng các dạng ôxy hóa của nitơ, lưu huỳnh hoặc cacbon làm chất nhận electron.
5 Vùng nước tối
Phần của vùng nước không có đủ ánh sáng cho sự quang hợp có hiệu quả
6 Lọc bằng bờ
Sự lọc nước sông qua các vỉa sỏi ở ven bờ với ý định cải thiện chất lượng nước
CHÚ THÍCH: Phương thức lọc kiểu này là bằng cách bơm nước khỏi các giếng đào ở các vỉa sỏi để tạo gradien thủy lực.
7 Trữ nước bên cạnh bờ
Trữ nước sông thô trong một hồ chứa nước ở trên bờ sông
8 Chất sinh ung thư
Chất gây ung thư
Chất có khả năng gây ra sự phát triển ác tính (khối u) trong người, động vật hoặc thực vật
9 Bể gạn
Bể chứa kín nước (không thấm nước), chủ yếu là đặt dưới mặt đất, dùng để thu gom nước thải từ các tòa nhà không được kết nối với hệ thống cống thải công cộng và nó khác với bể tự hoại (bể phốt), là không có lối chảy ra.
CHÚ THÍCH: Xem bể tự hoại trong TCVN 8184-1
10 Hệ thống cống thoát nước kết hợp/Hệ thống cống thoát nước chung
Hệ thống trong đó nước thải và nước mưa được dẫn vào cùng kênh thoát nước và cống
11 Chất bảo toàn
Chất bền vững
Chất chịu lửa
Chất mà thành phần hóa học của nó vẫn không bị thay đổi do các quá trình tự nhiên hoặc chỉ bị thay đổi cực chậm.
VÍ DỤ: chất không có khả năng phân hủy sinh học trong quá trình xử lí nước cống/nước thải sinh hoạt.
12 Dung môi của đồng/Nước hòa tan đồng
Loại nước có khả năng làm tan đồng từ ống và các chỗ nối bằng đồng.
13 Họ cá chép
Cá thuộc họ cá chép, đôi khi được dùng làm chỉ thị sinh học của chất lượng nước
VÍ DỤ: Cá dầy, cá chày hoặc cá bánh lái
14 Sự mất phân tầng
Sự trộn lẫn của các lớp nước dưới bề mặt với lớp nước bề mặt trong một hồ hoặc hồ chứa do các lực tự nhiên hoặc bằng phương pháp nhân tạo.
Ngược với Vòng luân chuyển (Turnover) (48)
15 Sự loại kẽm
Hòa tan chọn lọc của kẽm trong đồng thau, hoặc trong các hợp kim chứa kẽm do tiếp xúc với nước có các tính chất hóa học nhất định.
CHÚ THÍCH: Các chỗ nối trong lắp đặt hệ thống ống dẫn nước là một ví dụ về hợp kim chứa kẽm bị hiện tượng loại kẽm.
16 Bùn đã phân hủy
Bùn nước thải đã được ổn định do tác động của các vi sinh vật, trong đó có hoặc không có ôxy
17 Cacbon hữu cơ hòa tan
DOC
Phần cacbon hữu cơ trong nước mà không thể loại ra được bằng quá trình lọc được qui định.
CHÚ THÍCH 1: Ví dụ về một quá trình lọc được qui định là lọc qua một màng với kích thước đường kính lỗ là 0,45 mm.
CHÚ THÍCH 2: Xem Cacbon hữu cơ toàn phần trong TCVN 8184-2.
18 Virus đường ruột
Nhóm virus có thể sinh sôi nảy nở trong đường tiêu hóa của người và động vật
19 Eukaryotic
Từ dùng để chỉ các sinh vật mà tế bào của chúng có một nhân biểu hiện rõ rệt và xác định.
20 Tính có thể lọc được
(Liên quan đến quá trình xử lí bùn) Chỉ thị độ dễ tách chất lỏng ra khỏi chất rắn bằng cách lọc
21 Máy lọc ép
Thiết bị lọc có bộ lọc làm từ các lớp vải được kẹp giữa một dãy các bản thoát nước hoặc bản phẳng và khung, bùn được bám vào đó dưới áp lực. Nước được ép ra từ bùn đi qua màng lọc vào hệ thống thoát nước và bùn ép được chuyển ra ngoài sau mỗi chu kì lọc (Xem bánh bùn)
CHÚ THÍCH 1: Nước được ép ra từ bùn qua vải lọc và qua hệ thống đường ống, bùn đã ép được lấy ra sau từng chu kỳ lọc
CHÚ THÍCH 2: Xem bánh bùn TCVN 8184-8
22 Tầng sôi
Một luồng các hạt nhỏ lơ lửng một cách tự do nhờ một dòng chất lỏng, chất khí đi lên hoặc nhờ kết hợp cả hai.
23 Axit fulvic
Phần của chất mùn hòa tan được trong cả dung dịch axit và dung dịch kiềm.
24 Xử lí nhiệt
Sự điều hòa nhiệt
(xử lí bùn) Làm nóng bùn, thường là dùng áp lực, để tạo điều kiện cho bùn bị loại nước dễ hơn khi dùng quá trình loại nước tĩnh hoặc động.
25 Vi khuẩn dị dưỡng
Loại vi khuẩn đòi hỏi chất hữu cơ như là một nguồn năng lượng
CHÚ THÍCH: Ngược lại là vi khuẩn tự dưỡng, xem trong TCVN 5982
26 Axit humic (axit mùn)
Phần của chất mùn hòa tan trong dung dịch kiềm loãng nhưng bị kết tủa bằng sự axit hóa
27 Chất mùn
Chất polyme hữu cơ, phức tạp và vô định hình, được tạo ra từ sự phân hủy thực vật và động vật trong đất và trầm tính, và tạo ra màu vàng nâu đặc trưng cho nhiều loại nước mặt
28 Sự thấm
(vào cống rãnh) Quá trình nước dưới đất đi vào trong ống thoát nước hoặc cống, rãnh qua các vết nứt hoặc chỗ nối bị khuyết tật.
CHÚ THÍCH: Sự thấm có thể xẩy ra trong đường ống dẫn nước chính trong điều kiện áp suất âm.
29 Sự thấm
(vào đất) Sự dẫn nước (nạp lại) vào đất theo cách tự nhiên hoặc nhân tạo
30 Chất ức chế
Chất làm giảm tốc độ của một quá trình hóa học hoặc sinh học
31 Vi khuẩn sắt
Nhóm vi khuẩn có khả năng nhận được năng lượng bằng cách ôxy hóa sắt (II).
CHÚ THÍCH: Hydroxit sắt (III) thu được sau quá trình oxy hóa sắt (II) có thể kết tủa bên trong hoặc bên ngoài lớp vỏ vi khuẩn.
32 Xử lí bằng đất
Xử lí (và thường là loại bỏ) nước thải bằng cách tưới lên đất.
33 Sự lọc màng
Kỹ thuật loại bỏ hoặc tập trung các hạt, kể cả các vi sinh vật (nhưng không gồm các virut tự do) từ chất lỏng bằng các lọc qua màng lọc có kích thước lỗ đã biết.
CHÚ THÍCH: Kỹ thuật này có các ứng dụng hóa – lý và vi sinh khác nhau, chẳng hạn như “vô trùng” các chất lỏng và chất khí và tách các vi sinh vật khỏi các virut tự do để kiểm tra riêng rẽ chúng và/hoặc để đánh giá định lượng
34 Chất gây ô nhiễm vi lượng
Chất gây ra ô nhiễm ngay cả ở những nồng độ lượng vết
35 Lồng chắn mịn
Một khung hình trụ quay được bao bọc bằng một lưới có lỗ rất nhỏ (rất mịn), thường được làm bằng sợi thép không rỉ.
CHÚ THÍCH: Lồng chắn mịn này quay quanh trục nằm ngang, một phần lớn được nhúng chìm vào trong nước đang được chắn và được cuốn ngược để loại bỏ các chất rắn.
36 Số có xác suất cao nhất
MPN
Đánh giá thống kê số sinh vật trong một thể tích nước qui định, thu được từ việc tổ hợp các kết quả dương và âm trong một dãy thể tích mẫu được kiểm tra bằng các phép thử tiêu chuẩn.
CHÚ THÍCH: Phương pháp nhiều ống nghiệm là một phương pháp của các phép thử tiêu chuẩn này để xác định MPN.
37 Chất gây đột biến
Chất có khả năng gây ra biến đổi di truyền trong các cơ thể sống
38 Tính cảm quan
Khái niệm để chỉ các thuộc tính của nước (ví dụ như màu, mùi, vị, biểu hiện bề ngoài) mà các giác quan của con người cảm nhận được.
39 Sinh vật gây bệnh
Sinh vật có khả năng gây ra hoặc gây bệnh trong thực vật và động vật dễ mắc phải bệnh, kể cả con người.
40 Thực vật nổi (Thực vật phù du)
Các thực vật có trong sinh vật nổi/sinh vật phù du
41 Sinh vật nổi (Sinh vật phù du)
Các sinh vật trôi nổi hoặc lơ lửng trong nước, chủ yếu gồm các thực vật hoặc động vật nhỏ, nhưng cũng có cả các dạng lớn hơn chỉ có khả năng chuyển động yếu.
42 Đếm số lượng khuẩn lạc
Ước lượng số các vi sinh vật có khả năng tồn tại và phát triển độc lập trong một thể tích nước đã cho, thu được từ số các khuẩn lạc được hình thành trong hoặc trên môi trường nuôi cấy đã biết trong những điều kiện qui định
CHÚ THÍCH: Vi sinh vật có khả năng tồn tại và phát triển độc lập gồm có vi khuẩn, nấm men, nấm mốc.
43 Dung môi của chì
Loại nước có khả năng làm tan chì từ đường ống và các chỗ nối bằng chì
44 Sự ô nhiễm từ nguồn điểm
Ô nhiễm xuất phát từ một điểm riêng lẻ được xác định
VÍ DỤ: Nước thải bị ô nhiễm từ một nhà máy
45 Tải lượng ô nhiễm
Khối lượng của một chất ô nhiễm xác định chảy vào một trạm xử lí hoặc xả vào một nguồn nước tiếp nhận trong một quãng thời gian đã biết
46 Hidrocacbon thơm đa nhân
PAH
Chất hữu cơ gồm hai hoặc nhiều vòng benzen trong đó các vòng tiếp giáp nhau có chung hai nguyên tử cacbon; cũng có thể có các nhân không thơm
CHÚ THÍCH: Một số PAH kể cả benz[a]pyren, idenol[1,2,3-cd]-pyren và benzo[b]fluoranthen đã cho thấy là chất gây ung thư cho động vật thí nghiệm và có thể gây ung thư cho người.
47 Động vật nguyên sinh
Động vật eukaryotic ngành đơn bào gồm từ các sinh vật đơn bào đơn giản đến các nhóm tế bào hoặc các cấu tạo có tổ chức cao, tương đối đa dạng về hình dạng và cách dinh dưỡng.
48 Vòng luân chuyển
Sự phá vỡ nhanh sự phân tầng của một vùng nước ngọt (như hồ hoặc hồ chứa nước) do các lực tự nhiên, thường do gió tạo ra.
49 Động vật nổi (Động vật phù du)
Các động vật có trong các sinh vật nổi (Sinh vật phù du).
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 8184-1, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 1;
[2] TCVN 8184-2, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 2;
[3] TCVN 5982, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 3;
[4] TCVN 5983, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 4;
[5] TCVN 8184-6, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 6;
[6] TCVN 8184-7, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 7;
[7] TCVN 8184-8, Chất lượng nước – Thuật ngữ – Phần 8;
[8] TCVN 6107-9, Water quality – Vocabulary – Part 9: Alaphabetical list and subject index.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8184-5:2009 (ISO 6107 – 5 : 2004) VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 5 | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN8184-5:2009 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Tài nguyên - môi trường |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |