TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8184-8:2009 (ISO 6107–8:1993, AMD 1 : 2001) VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 8
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8184–8:2009
ISO 6107–8:1993
WITH AMENDMENT 1 : 2001
CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 8
Water quality – Vocabulary – Part 8
Lời nói đầu
TCVN 8184-8:2009 thay thế TCVN 6488:1999
TCVN 8184-8:2009 hoàn toàn tương đương với ISO 6107-8:1993 và Sửa đổi 1:2001.
TCVN 8184-8:2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 147 Chất lượng nước biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 8184, Chất lượng nước – Thuật ngữ gồm các tiêu chuẩn sau:
– TCVN 8184-1:2009 (ISO 6107-1:2004), Phần 1;
– TCVN 8184-2:2009 (ISO 6107-2:2006), Phần 2;
– TCVN 5982:1995 (ISO 6107-3:1993), Phần 3;
– TCVN 5983:1995 (ISO 6107-4:1993), Phần 4;
– TCVN 8184-5:2009 (ISO 6107-5:2004), Phần 5;
– TCVN 8184-6:2009 (ISO 6107-6:2004), Phần 6;
– TCVN 8184-7:2009 (ISO 6107-7:2004), Phần 7;
– TCVN 8184-8:2009 (ISO 6107-8:1993/Amd 1:2001), Phần 8.
Bộ tiêu chuẩn ISO 6107 “Water quality – Vocabulary” còn tiêu chuẩn sau:
– ISO 6107-9:1997, Part 9: Alphabetical list and subject index.
Lời giới thiệu
Những định nghĩa trong các phần của tiêu chuẩn TCVN 8184 (ISO 6107) không nhất thiết phải hoàn toàn tương đương với định nghĩa trong các tiêu chuẩn có liên quan hoặc trong văn từ của sách khoa học hoặc từ điển. Những định nghĩa này được hình thành vì mục đích kỹ thuật cũng như để thông hiểu và mang lại lợi ích cho người sử dụng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực chất lượng nước. Mặc dù đã rất cố gắng để đảm bảo các định nghĩa đúng đắn về mặt kỹ thuật, nhưng trong tiêu chuẩn này cũng không thể nêu ra đầy đủ mọi chi tiết. Vì thế, các định nghĩa và thuật ngữ của tiêu chuẩn này không nhằm cho mục đích tiến hành pháp lý và qui định trong hợp đồng. TCVN 8184 (ISO 6107) được hạn chế ở những định nghĩa cho các thuật ngữ đã lựa chọn xuất hiện trong tiêu chuẩn của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 147 Chất lượng nước.
CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 8
Water quality – Vocabulary – Part 8
Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này là một trong tám tiêu chuẩn về các thuật ngữ dùng trong một số lĩnh vực của đặc tính chất lượng nước.
Thuật ngữ và định nghĩa
1
Độ đúng
Mức phù hợp của kết quả thử với giá trị đối chứng được chấp nhận.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ độ đúng, khi áp dụng vào tập hợp kết quả thử, mô tả sự kết hợp của các thành phần ngẫu nhiên và sai số hệ thống chung của thành phần lệch.
2
Nước mưa axit
Nước mưa có giá trị pH nhỏ hơn 5.
3
Giới hạn can thiệp
Giới hạn kiểm soát
Giới hạn thống kê đang xét nằm cao hơn (giới hạn trên) hoặc thấp hơn (giới hạn dưới) hoặc nằm ngoài giới hạn đó khi phải thực hiện hành động can thiệp.
CHÚ THÍCH: Theo ISO 3534-2 và TCVN 6663-14 (ISO 5667-14).
4
Sinh vật hiếu khí
Sinh vật nói chung yêu cầu sự có mặt của oxy dạng khí hoặc oxy hòa tan để sống và phát triển.
5
Làm sạch khí
Quá trình thổi khí dưới áp suất từ dưới lên trên đi qua cái lọc trọng lượng để khuấy môi trường lọc nhằm loại chất rắn bị giữ trước khi rửa ngược dòng.
6
Nitơ ammoni
Nitơ có mặt dưới dạng amoni tự do hay ion amoni.
7
Amoni hóa
(đôi khi gọi là cloramin hóa)
Thêm amoni vào nước để tạo cloramin, tiếp theo là clo hóa như một quá trình xử lý.
8
Sinh vật kỵ khí
Sinh vật cần sự vắng mặt của oxy dạng khí hay hòa tan để sống và phát triển.
9
Tầng ngậm nước (giới hạn)
Tầng nước bị giới hạn giữa hai lớp không thấm.
10
Tầng ngậm nước (không giới hạn)
Một tầng nước mà lớp nước trên tạo thành giới hạn trên.
11
Mẫu tổng hợp theo vùng
Mẫu nước tổ hợp thu được sau khi phối hợp trộn một loạt mẫu lấy được tại các điểm khác nhau từ một vùng nước và ở một độ sâu cụ thể.
CHÚ THÍCH: Theo TCVN 6663 (ISO 5667)
12
Mẫu sơ lược theo vùng
Những loạt mẫu nước riêng lẻ được lấy tại các điểm khác nhau từ một vùng nước và ở một độ sâu cụ thể.
CHÚ THÍCH: Theo TCVN 6663 (ISO 5667)
13
Độ chệch
Sự khác nhau giữa kỳ vọng của kết quả thử nghiệm và giá trị đối chứng được chấp nhận, nghĩa là sai số toàn bộ mang tính hệ thống ngược lại với sai số ngẫu nhiên.
CHÚ THÍCH: Theo ISO 3534-1 và TCVN 6663-14 (ISO 5667-14).
14
Phép thử sinh học
Thử sinh học
Kỹ thuật dùng để đánh giá ảnh hưởng sinh học, đặc tính hoặc định lượng, của các chất khác nhau trong nước bằng cách quan sát những thay đổi trong hoạt động sinh học xác định.
[TCVN 8184-2 (ISO 6107-2), 11)]
15
Mẫu trắng
Giá trị quan sát thu được khi thực hiện phép đo trên một mẫu giống hệt mẫu cần nghiên cứu, nhưng không chứa thành phần cần xác định.
CHÚ THÍCH: Theo ISO 3534-2 và TCVN 6663-14.
16
Suối không thường xuyên
Suối chỉ chảy gián đoạn hoặc theo mùa.
17
Nước mặn
Nước tự nhiên hay nhân tạo có nồng độ muối cao hơn nước biển, đặc biệt là natri clorua.
18
Đường trung tâm
Đường thẳng trong một biểu đồ kiểm soát thể hiện giá trị trung bình theo thời gian dài hoặc giá trị đã qui định trước của phép đo thống kê đang được lập thành biểu đồ.
CHÚ THÍCH: Theo ISO 3534-2 và TCVN 6663-14
19
Phép thử cộng tác
Phép thử vòng
Phép thử luân chuyển
Sự nghiên cứu liên phòng thí nghiệm, trong đó mỗi phòng thí nghiệm sử dụng cùng phương pháp phân tích đã được xác định, hoặc tự xác định cho mình để phân tích một vật liệu thử nghiệm phục vụ cho các mục đích như đánh giá phương pháp, đánh giá sự thành thạo trong thử nghiệm và chứng nhận vật liệu chuẩn.
20
Độ tương hợp
Mức độ thỏa thuận giữa dữ liệu thu được từ các nguồn khác nhau đối với kiểm soát sai số ngẫu nhiên và sai số hệ thống.
CHÚ THÍCH: Theo ISO 3534-2 và TCVN 6663-14 (ISO 5667-14).
21
Biểu đồ kiểm soát
Biểu đồ có giới hạn kiểm soát trên và/hoặc giới hạn kiểm soát dưới, trong đó các giá trị của một vài phép đo thống kê của một loạt mẫu hoặc nhóm mẫu phụ được lập thành biểu đồ, thường là tương ứng với thời gian hoặc thứ tự số mẫu.
CHÚ THÍCH 1: Biểu đồ kiểm soát thường có một đường trung tâm để giúp cho việc phát hiện ra xu hướng của các giá trị điểm tạo nên giới hạn kiểm soát
CHÚ THÍCH 2: Theo ISO 3534-2 và TCVN 6663-14.
22
Khuẩn lam, tảo lam
Một nhóm lớn của procaryot quang hợp. Trong một số trường hợp một vài loại sinh ra chất độc có hại cho người và động vật.
23
Giếng sâu
Giếng mà nước được lấy từ dưới một hoặc nhiều lớp không thấm.
24
Mẫu hợp nhất theo chiều sâu
Mẫu nước tổ hợp bao gồm các mẫu liên tục, mẫu rời rạc lấy được tại một địa điểm cụ thể từ một vùng nước, giữa tầng nước mặt và lớp trầm tích đáy hoặc giữa các độ sâu xác định khác theo một đường thẳng đứng và sau đó phối trộn lại.
CHÚ THÍCH: Theo TCVN 6663.
25
Mẫu sơ lược theo chiều sâu
Những loại mẫu nước được lấy tại các độ sâu khác nhau ở một điểm cụ thể của một vùng nước
CHÚ THÍCH 1: Để thu được đặc tính chất lượng nước suốt toàn bộ vùng nước, cần thiết phải lấy mẫu sơ lược theo chiều sâu ở các địa điểm khác nhau.
CHÚ THÍCH 2: Theo TCVN 6663.
26
Tự làm sạch
Quá trình các loài thủy sinh tự loại bỏ các chất bẩn.
27
Lắng khô
Lắng trên mặt đất dưới nhiều dạng khác nhau những chất không phải là nước.
28
Giếng khô
Buồng dưới đất, được giữ khô, đặt máy bơm và các thiết bị bơm.
29
Hô hấp nội sinh
Sự trao đổi chất sinh năng lượng mà không lấy chất nào từ bên ngoài.
30
Eucaryot (tế bào nhân thực)
Sinh vật có cấu trúc tế bào, trong đó nhân được bao quanh bởi màng nhân.
31
Sự thoát hơi nước
Sự bay hơi của một thảm thực vật. Nó gồm nước hấp thụ bởi cây cỏ rồi tiếp theo là sự bốc hơi, sự bốc hơi từ mặt khô của lá cây và sự bốc hơi từ đất.
32
Hô hấp ngoại sinh
Sự trao đổi chất sinh năng lượng có lấy chất từ bên ngoài.
33
Sinh vật hiếu khí tùy ý
Sinh vật nói chung kỵ khí, nhưng có thể biến đổi hoặc dùng oxy ở nồng độ thấp.
34
Sinh vật kỵ khí tùy ý
Sinh vật nói chung hiếu khí, nhưng có thể sống và phát triển với một ít hoặc không có oxy.
35
Vi khuẩn gram âm
Vi khuẩn mà màng tế bào không giữ màu xanh khi thử gram.
36
Vi khuẩn gram dương
Vi khuẩn mà màng tế bào giữ màu xanh khi thử gram.
37
Chất rắn thô
Những vật hoặc hạt lớn trong nước thải thô, có thể gây khó khăn cho xử lý.
38
Nước nặng
Nước chứa một tỷ lệ đồng vị nặng hidrô liên kết với oxy cao hơn thông thường.
39
Lực ion
Được định nghĩa là , trong đó l là lực ion (mol/l), ci là nồng độ của ion (mol/l) và zi là số diện tích của ion i. Lực ion cần thiết để tính hoạt độ của ion trong nước có chứa hỗn hợp ion.
40
Nitơ Ken-đan (Kjeldahl)
Nồng độ của nitơ hữu cơ và nitơ amoni trong mẫu, xác định dưới những điều kiện riêng dựa trên sự phân hủy bằng axit sunfuric.
41
Hồ nước mặn (ven biển)
Một khối nước nông như hồ, ao, gần biển và thông với biển qua một lối hẹp và nông.
42
Hồ (nước thải), ao ổn định
Hồ dùng để chứa nước thải trước khi đổ đi, trong đó xảy ra sự oxy hóa các hợp chất hữu cơ do oxy từ không khí tan vào nước, hoặc do tự nhiên hoặc tăng tốc nhân tạo.
43
Hồ (bùn); ao kỵ khí
Ao trong đó xảy ra quá trình phân hủy kỵ khí của bùn.
44
Loài Legionella
Một nhóm vi khuẩn gram âm gây bệnh, không tạo bào tử, chịu nhiệt, tồn tại phổ biến trong nước đặc biệt là bùn. Chúng phát triển tốt nhất ở 30 oC đến 45 oC. Loài legionella pneumophila gây bệnh legionellosis và các bệnh khác. Vi sinh vật có thể phát triển chậm ở nhiệt độ dưới 20 oC và có thể chịu được nhiệt độ khoảng 55 oC.
45
Loài Leptospira
Vi khuẩn do chuột, chuột nhà, chuột nhắt, chó và một vài động vật hoang dã và nuôi trong nhà bài tiết ra. Leptospira icterohaemorrhagiae, do chuột bài tiết ra có thể gây truyền nhiễm cho người (qua các vết thương ở da) tiếp xúc với nước và đất bị ô nhiễm bởi chất thải như vậy, gây bệnh sốt vàng da chảy máu.
46
Nước mesosaprobic (α, β)
Nước bị ô nhiễm bởi một quần thể sinh vật đặc trưng và có nồng độ oxy trung bình. Đôi khi người ta phân biệt hai dạng (α và β), dạng α thể hiện trạng thái ô nhiễm hơn.
47
Nước khoáng
Nước chứa nhiều chất vô cơ hơn nước sinh hoạt thông thường.
48
Trầm tích di động
Vật liệu thể rắn tuân theo sự di chuyển trong lòng một vùng (khối) nước.
CHÚ THÍCH 1: Sự tuân theo này liên quan đến khối lượng của trầm tích và tốc độ dòng chảy của nước.
CHÚ THÍCH 2: Theo TCVN 6663
49
Sinh vật hiếu khí bắt buộc
Các sinh vật hiếu khí, chỉ có thể sống khi có oxy.
50
Sinh vật kỵ khí bắt buộc
Các sinh vật kỵ khí, chỉ có thể sống khi không có oxy.
51
Nitơ hữu cơ
Hiệu giữa hàm lượng nitơ Ken-đan và hàm lượng nitơ amoni của một mẫu.
52
Sinh vật biển khơi
Sinh vật sống ở vùng nước biển tự do bên ngoài thềm lục địa.
53
Chỉ số permanganat (của nước)
Nồng độ khối lượng của oxy tương đương với lượng ion permanganat bị tiêu thụ khi mẫu nước được xử lý với chất oxy hóa này trong những điều kiện nhất định.
54
Mức nước ngầm piezomet
Mức nước dâng lên một cách tự nhiên trong giếng.
55
Vệt nước dạng lông chim
Sự phân bố nước từ một nguồn điểm xả vào trong một vùng nước có tính chất vật lý hoặc hóa học khác trước khi hòa trộn xảy ra.
56
Độ chính xác
Mức phù hợp giữa các kết quả thử độc lập trong những điều kiện qui định.
CHÚ THÍCH 1: Độ chính xác chỉ phụ thuộc vào phân bố sai số ngẫu nhiên mà không liên quan đến giá trị thực hoặc giá trị qui định.
CHÚ THÍCH 2: Độ chính xác được tính là độ lệch chuẩn của kết quả thử. Khi độ chính xác thấp thì độ lệch chuẩn cao.
57
Procaryot (sinh vật nhân giả)
Tất cả vi sinh vật không có màng nhân bao gồm cả actinomyset và tảo lam.
58
Protist/protisla (sinh vật nguyên sơ)
Bao gồm vi khuẩn procaryot và tảo eukaryotic, nấm và bào tử kích thước micro.
59
Vi khuẩn pseudomonas
Nhóm vi khuẩn hiếu khí, Gram âm, oxidaza dương, catalaza dương, không tạo bào tử, rất phổ biến trong môi trường nước và chúng có thể sử dụng những chất vô cơ và hữu cơ đơn giản để phát triển. Phần lớn chúng sinh ra men tan, huỳnh quang hoặc có sắc tố.
60
Vi khuẩn ưa lạnh
Vi sinh vật có thể phát triển ở nhiệt độ dưới 20 oC.
61
Sai số ngẫu nhiên
Một thành phần của sai số, trong số các kết quả thử đối với cùng đặc tính, biến thiên không dự đoán được.
CHÚ THÍCH: Không thể hiệu chỉnh được sai số ngẫu nhiên.
62
Độ phát hiện
Một lượng nào đó đã biết của một chất cần xác định, được thêm vào trong một mẫu mà một hệ thống phân tích có thể đo được.
CHÚ THÍCH 1: Độ phát hiện được tính từ sự khác nhau giữa các kết quả thu được của mẫu được thêm và mẫu không thêm chất cần xác định, và thường được tính theo phần trăm.
CHÚ THÍCH 2: Theo TCVN 6663-14.
63
Tính đại diện
Chừng mực mà thành phần của các mẫu nước phản ảnh các điều kiện trong vùng nước được nghiên cứu.
CHÚ THÍCH: Theo TCVN 6663-14.
64
Nước lợ
Nước có chứa hàm lượng muối, đặc biệt là natri clorua, lớn hơn nước ngọt, nhưng nhỏ hơn nước biển.
65
Trầm tích
Vật liệu được nước tải đi từ nơi xuất xứ đến nơi lắng đọng lại.
CHÚ THÍCH 1: Trong các dòng nước, trầm tích là vật liệu phù sa lơ lửng theo nước hoặc là thành lớp.
CHÚ THÍCH 2: Theo TCVN 6663-14.
66
Hệ thống thoát nước riêng biệt
Một hệ thống mà nước thải và nước mặt được vận chuyển tách rời trong các hệ thống đường ống riêng rẽ.
67
Cống
Đường ống hay các kiến trúc khác ngầm dưới lòng đất được thiết kế để vận chuyển nước thải và/hoặc nước mưa từ nhiều nơi tới trạm xử lý hay hồ chứa.
68
Hệ thống thoát nước
Một hệ thống cống và thiết bị hỗ trợ dùng để dẫn nước thải và/hoặc nước mưa tới trạm xử lý hay vùng nước nhận.
69
Biểu đồ kiểm soát Shewhart
Biểu đồ kiểm soát để cho biết một quá trình có được kiểm soát về mặt thống kê hay không, nghĩa là một biểu đồ sử dụng các thuộc tính (ví dụ sự chia tỷ lệ không phù hợp) hoặc các biến số (ví dụ: trung bình và dãy) để đánh giá một quá trình.
CHÚ THÍCH 1: Xem thêm ISO 3534-2.
CHÚ THÍCH 2: Theo TCVN 6663-14.
70
Lớp phủ bùn
Huyền phù của kết tủa hidroxit qua nước trong bể gạn, ở dưới ranh giới bùn nước.
71
Bánh bùn
Bùn đã bị loại nước trở thành như chất rắn.
72
Sân phơi bùn
Hồ nông hay bể dùng để loại nước cho bùn bằng cách gạn thải đi hoặc bay hơi.
73
Lượng thêm chuẩn
Khối lượng đã biết của thành phần cần xác định được bổ sung vào một mẫu, thường là dùng cho mục đích tính sai số hệ thống của một hệ thống phân tích trong thực hành về độ tìm thấy.
CHÚ THÍCH: Theo TCVN 6663-14.
74
Giếng tràn
Một công trình nằm trong hệ thống cống, đảm bảo tiêu nước liên tục với mức đã định.
75
Trầm tích lơ lửng
Trầm tích vẫn còn lơ lửng trong dòng nước chảy với một quãng thời gian đáng kể mà không tiếp xúc với, hoặc lắng xuống đáy của dòng chảy.
CHÚ THÍCH: Theo TCVN 6663.
76
Bể chứa nước thải do mưa; Bể nước mưa
Bể chứa nước thải do mưa to, lưu lượng chảy vào trạm xử lý đã đạt mức tối đa. Tác dụng của nó một mặt là đảm bảo lưu giữ một lượng lớn nước thải trước khi tốc độ chảy trở lại bình thường, mặt khác là loại chất rắn có thể gạn được trước khi đổ vào vùng nước nhận.
77
Sai số hệ thống
Một thành phần của sai số, trong số các kết quả thử đối với cùng đặc tính, luôn không đổi hoặc biến thiên dự đoán được.
78
Nhu cầu oxy lý thuyết (của nước)
Lượng oxy phải tiêu thụ trong sự oxy hóa tổng lượng chất hữu cơ để chuyển thành các sản phẩm cuối là chất vô cơ.
79
Vi sinh vật ưa nhiệt
Vi sinh vật phát triển được ở nhiệt độ trên 45 oC.
80
Tổng amoni
Tổng của ion amoni và amoni tự do, tính cùng đơn vị.
81
Sự thoát nước
Sự mất nước, như bay hơi qua lá cây, như nước được chuyển từ đất qua rễ cây.
82
Độ xác thực
Mức phù hợp giữa giá trị trung bình của một loạt giá trị thử và giá trị đối chứng được chấp nhận.
CHÚ THÍCH: Độ xác thực thường được biểu diễn bằng độ lệch.
83
Axit béo dễ bay hơi
Axit hữu cơ no mạch ngắn, chủ yếu sinh ra trong khi phân hủy kỵ khí.
84
Giới hạn cảnh báo
Giới hạn thống kê với xác suất cao đang xét nằm cao hơn (giới hạn trên) hoặc thấp hơn (giới hạn dưới) hoặc nằm giữa giới hạn đó khi quá trình đang được kiểm soát.
CHÚ THÍCH 1: Ví dụ, một giới hạn cảnh báo được đặt ở mức tin cậy 95% với giới hạn hành động ở mức tin cậy 99%.
CHÚ THÍCH 2: Theo ISO 3534-2 và TCVN 6663-14 (ISO 5667-14).
85
Sự lắng ướt
Nước từ khí quyển rơi xuống dưới dạng lỏng (mưa) hay rắn (tuyết).
86
Giếng ướt
Hầm nằm dưới đất trong một trạm bơm, dùng chứa nước để bơm.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 8184-8:2009 (ISO 6107–8:1993, AMD 1 : 2001) VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC – THUẬT NGỮ – PHẦN 8 | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN8184-8:2009 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Tài nguyên - môi trường |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |