TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 3824:2008 (ISO 7573:1983) VỀ BẢN VẼ KỸ THUẬT – BẢNG KÊ
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 3824:2008
ISO 7573:1983
BẢN VẼ KỸ THUẬT – BẢNG KÊ
Technical drawings – Item lists
Lời nói đầu
TCVN 3824 : 2008 thay thế TCVN 3824 : 1983;
TCVN 3824 : 2008 hoàn toàn tương đương với ISO 7573 : 1983;
TCVN 3824 : 2008 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC10 Bản vẽ kỹ thuật biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Bảng kê là danh mục đầy đủ các chi tiết cấu thành cụm chi tiết (hoặc cụm nhỏ), hoặc các phần tách chi tiết, được biểu diễn trên bản vẽ kỹ thuật. Không cần biểu diễn tất cả các chi tiết trên bản vẽ sản phẩm cuối. Sự liên hệ giữa chi tiết trên bảng kê và sự biểu diễn chúng trên bản vẽ liên quan (hoặc trên bản vẽ khác) được cho bằng chú dẫn phần tử.
Trên cơ sở của bảng kê, danh mục khác có thể được thiết lập theo yêu cầu cho mục đích khác, ví dụ như, sự chấm công, sự kiểm kê … Danh mục bổ sung này không được đưa vào, và cũng không tạo thành bộ phận của bản vẽ sản phẩm cuối.
BẢN VẼ KỸ THUẬT – BẢNG KÊ
Technical drawings – Item lists
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra các hướng dẫn và khuyến nghị để thiết lập các bảng kê chi tiết dùng trên các bản vẽ kỹ thuật.
Các bảng kê chi tiết được giới hạn chỉ như là một phương tiện để tham chiếu chéo các chú dẫn chi tiết. Các bảng kê chi tiết cung cấp thông tin cần thiết cho chế tạo hoặc mua được chi tiết.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu dưới đây là rất cần thiết đối với việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với tài liệu có ghi năm công bố, áp dụng phiên bản được nêu. Đối với tài liệu không có năm công bố, áp dụng phiên bản mới nhất (bao gồm cả các sửa đổi):
TCVN 8 (ISO 128), Bản vẽ kỹ thuật – Quy tắc chung để biểu diễn;
TCVN 3821:2008 (ISO 7200), Tài liệu kỹ thuật cho sản phẩm – Các ô dữ liệu trong khung tên và các tiêu đề của tài liệu;
TCVN 7285:2003 (ISO 5457:1999), Tài liệu kỹ thuật cho sản phẩm – Khổ giấy và cách trình bày tờ giấy vẽ;
TCVN 7287:2003 (ISO 6433), Bản vẽ kỹ thuật – Chú dẫn phần tử;
ISO 3098-1, Technical drawings – Lettering – Part 1: Currently used characters. (Bản vẽ kỹ thuật – Chữ viết – Phần 1: Các ký tự hiện dùng);
ISO 6428, Technical drawings – Requirements for microcopying. (Bản vẽ kỹ thuật – Các yêu cầu đối với việc microcopy).
3. Yêu cầu chung
3.1. Vị trí
3.1.1. Bảng kê chi tiết có thể đặt ngay trên bản vẽ hoặc là một tài liệu riêng biệt.
3.1.2. Khi bảng kê chi tiết đặt trên bản vẽ, vị trí của nó phải đặt theo hướng dễ đọc bản vẽ. Bảng kê này có thể kết nối với khung tên (xem TCVN 3821). Đường bao của bảng kê có thể vẽ bằng nét liền đậm (kiểu A của TCVN 8).
3.1.3. Khi bảng kê chi tiết là một tài liệu riêng biệt, các chi tiết phải được gán cùng với một số như đã được ghi trên bản vẽ gốc.
Tuy nhiên, để phân biệt giữa chú dẫn chi tiết trong bảng kê chi tiết với chú dẫn chi tiết trên bản vẽ gốc, nên thêm từ “Bảng kê” trước con số chú dẫn chi tiết trong bảng kê chi tiết (hoặc thuật ngữ tương tự).
Khổ giấy dùng cho bảng kê chi tiết khi là một tài liệu riêng biệt phải chọn phù hợp với TCVN 7285
3.2. Bố trí
3.2.1. Bảng kê chi tiết nên bố trí thành các cột, vẽ bằng nét liền đậm hoặc nét liền mảnh (Nét kiểu A hoặc B theo TCVN 8), nhằm cho phép nhập thông tin ở phía dưới các tiêu đề sau đây (thứ tự các tiêu đề này là tùy chọn)
– chi tiết;
– mô tả;
– số lượng;
– tham chiếu;
– vật liệu.
CHÚ THÍCH: Nếu cần thiết, bổ sung thêm các cột cho các yêu cầu riêng (xem 3.2.7).
3.2.2. Cột “chi tiết” chỉ ra số chú dẫn chi tiết như đã được ghi trên bản vẽ tương ứng. (Xem TCVN 7287).
3.2.3. Cột “mô tả” ghi tên gọi của chi tiết. Có thể dùng cách viết tắt nếu như không gây ra nhầm lẫn. Nếu chi tiết là chi tiết tiêu chuẩn (ví dụ: bu lông, đai ốc, đinh tán, v.v…) phải sử dụng tên gọi đã tiêu chuẩn hóa phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.
3.2.4. Cột “số lượng” ghi tổng số của từng chi tiết riêng biệt, cần thiết cho một bản vẽ lắp hoàn chỉnh.
3.2.5. Cột “tham chiếu” dùng để xác định rõ các chi tiết chưa được biểu diễn đầy đủ trong bản vẽ gốc, ví dụ các chi tiết đã được biểu diễn trên các bản vẽ khác, các chi tiết tiêu biểu hoặc các chi tiết đã chế tạo sẵn từ trước. Trong trường hợp này, số hiệu của các bản vẽ khác, các tiêu chuẩn tương ứng, mã số hoặc bất kỳ thông tin tương tự khác, có thể ghi vào cột này.
3.2.6. Cột “vật liệu” ghi loại và chất lượng của vật liệu được sử dụng. Nếu là vật liệu tiêu chuẩn thì phải ghi ký hiệu tiêu chuẩn của nó.
3.2.7. Bảng kê chi tiết có thể bao gồm các thông tin bổ sung khác, cần thiết đối với các sản phẩm cuối cùng, ví dụ:
– số hiệu lưu kho;
– khối lượng riêng;
– tình trạng giao hàng;
– ghi chú;
3.3. Dữ liệu nhập
3.3.1. Dữ liệu nhập phải được ghi theo các hàng ngang trong các cột tương ứng. Để cho rõ ràng, các mục nhập vào phải được tách với nhau bằng nét liền đậm hoặc nét liền mảnh (kiểu A hoặc kiểu B của TCVN 8).
3.3.2. Thứ tự của các dữ liệu nhập phải theo đúng thứ tự của chú dẫn chi tiết. Khi bảng kê chi tiết nằm trên bản vẽ, thứ tự này phải viết từ dưới lên trên, thứ tự tiêu đề của các cột ở phía dưới cùng. Khi bảng kê chi tiết là tài liệu riêng biệt, thứ tự này phải viết từ trên xuống dưới, thứ tự tiêu đề các cột ở trên cùng.
3.3.3. Có thể ghi các dữ liệu nhập bằng cách viết tay, bằng khuôn chữ mẫu, hoặc bất kỳ cách khác thích hợp. Ưu tiên dùng chữ in hoa như đã quy định trong ISO 3098-1. Đối với tất cả các chữ viết, kể cả loại viết bằng cơ khí, xem các đặc tính tương ứng trong ISO 6428.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 3824:2008 (ISO 7573:1983) VỀ BẢN VẼ KỸ THUẬT – BẢNG KÊ | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN3824:2008 | Ngày hiệu lực | 30/12/2008 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng |
Ngày ban hành | 30/12/2008 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |