QUYẾT ĐỊNH 1622/QĐ-UBND NGÀY 07/11/2022 PHÊ DUYỆT KIẾN TRÚC ICT PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH CAO BẰNG, PHIÊN BẢN 1.0

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 07/11/2022

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 1622/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 07 tháng 11 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KIẾN TRÚC ICT PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH CAO BẰNG, PHIÊN BẢN 1.0

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ về việc ng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về việc quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0);

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng, phiên bản 1.0 (Có kiến trúc chi tiết kèm theo) với các nội dung chính như sau:

1. Mục đích

Kiến trúc ICT phát triển Đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng là kiến trúc công nghệ phục vụ phát triển đô thị thông minh tại tỉnh Cao Bằng. Xây dựng kiến trúc ICT phát triển Đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng nhằm mục đích:

– Vạch ra các nguyên tắc, các hướng dẫn để tạo lập, giải thích, phân tích và trình bày kiến trúc, giải pháp ICT cho Đô thị thông minh;

– Đảm bảo tính kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin đã và sẽ được xây dựng trong tỉnh, tránh trùng lặp lãng phí;

– Đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu, dễ sử dụng, hướng tới mục tiêu xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng bền vững.

2. Định hướng phát triển Đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng

a) Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao: ứng dụng các công nghệ ICT để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm (giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm…), nâng cao sự hài lòng của người dân.

b) Quản lý đô thị tinh gọn: Các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ chủ yếu của đô thị được số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân nhằm nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.

c) Bảo vệ môi trường hiệu quả: Xây dựng các hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, đất, chất thải…); các hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu môi trường phục vụ nâng cao năng lực dự báo, phòng chống, ứng phó khẩn cấp và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

d) Nâng cao năng lực cạnh tranh: Xây dựng hạ tầng thông tin số an toàn, khuyến khích cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số.

đ) Dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện: Đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp.

e) Tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.

3. Nguyên tắc xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng

a) Nguyên tắc xây dựng Kiến trúc

– Phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cao Bằng (phiên bản 2.0) và các văn bản hướng dẫn liên quan;

– Phù hợp với định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh của tỉnh;

– Phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh;

– Các ứng dụng, hệ thống thông minh cần được xây dựng hướng đến dùng chung, có tính sử dụng cao, chung một nền tảng tích hợp;

– Phù hợp với quy trình nghiệp vụ, thúc đẩy tái cấu trúc nghiệp vụ, hướng đến đơn giản hóa, hiệu quả, thống nhất và tường minh quy trình nghiệp vụ;

– Xem xét, áp dụng hiệu quả các công nghệ mới để triển khai các thành phần kiến trúc;

– Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông của quốc gia.

b) Nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông

– Phân tầng: Kiến trúc phải được thiết kế phân tầng, nghĩa là cần nhóm các chức năng liên quan đến nhau trong từng tầng. Các chức năng ở một tầng khi làm nhiệm vụ của mình có thể sử dụng các chức năng mà tầng dưới nó cung cấp.

– Hướng dịch vụ: Kiến trúc phải dựa trên mô hình hướng dịch vụ, nghĩa là được phát triển và tích hợp các thành phần chức năng xoay quanh các quy trình nghiệp vụ.

– Liên thông: Giao diện của mỗi thành phn trong kiến trúc phải được mô tả tường minh để sẵn sàng tương tác với các thành phần khác trong kiến trúc vào thời điểm hiện tại cũng như tương lai.

– Dựa trên tiêu chuẩn mở: Đơn giản trong việc tích hợp với nền tảng khác, đồng thời phát triển ứng dụng có khả năng tái sử dụng, chạy độc lập với nền tảng khác.

– Khả năng mở rộng: Kiến trúc có thể mở rộng hoặc thu hẹp tùy theo quy mô đô thị, nhu cầu đối với dịch vụ và sự thay đổi của các nghiệp vụ trong mỗi đô thị.

– Linh hoạt: Dễ dàng thích ứng với các công nghệ mới để có thể cung cấp nhanh chóng, linh hoạt các dịch vụ của đô thị thông minh.

– Tính ổn định: Khả năng tiếp tục vận hành khi đối mặt với sự cố.

– Đo lường được: Kiến trúc phải được thiết kế thành phần hiển thị thông tin cho phép các bên liên quan quan sát và theo dõi được hoạt động của các thành phần cũng như toàn bộ kiến trúc.

– Chia sẻ: Các thành phần dữ liệu trong kiến trúc được mô tả tường minh để sẵn sàng cho việc chia sẻ và khai thác chung.

– An toàn: Kiến trúc có phương án đảm bảo an toàn thông tin cho từng thành phần, tầng, cũng như toàn bộ kiến trúc.

– Trung lập: Có tính trung lập đối với nhà cung cấp các sản phẩm, công nghệ IT, không thiên vị cũng không hạn chế bất kỳ một công nghệ, sản phẩm nào.

– Dễ sử dụng và bảo trì: Cung cấp công cụ cài đặt, thao tác, quản lý và bảo trì nền tảng.

4. Mô hình Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng, phiên bản 1.0

5. Lộ trình thực hiện: Theo Phụ lục kèm theo Quyết định.

6. Nguồn vốn thực hiện: Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

7. Các nội dung khác: Thực hiện theo Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng, phiên bản 1.0 do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông

– Chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, thông tin, dữ liệu, yêu cầu kỹ thuật trong Kiến trúc ICT đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng, phiên bản 1.0, đảm bảo tuân thủ Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng bộ với các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đô thị thông minh, không trùng lặp với các nội dung do các Bộ, ngành Trung ương triển khai trên toàn quốc;

– Là đơn vị đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng. Căn cứ vào tính cấp thiết của từng nhiệm vụ để đề xuất triển khai các thành phần của Kiến trúc nhằm đạt được mục tiêu đề ra;

– Chủ trì, xây dựng kế hoạch để triển khai các nội dung của Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng;

– Chủ trì, tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn, các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ thực hiện Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng;

– Thẩm định sự phù hợp của các kế hoạch, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cao Bằng và Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng;

– Duy trì Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng, trình UBND tỉnh điều chỉnh, cập nhật Kiến trúc;

– Chủ trì lập Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến 2030.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện đầu tư các nhiệm vụ thuộc Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh theo quy định của Luật đầu tư công và các văn bản có liên quan.

Thực hiện các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thẩm định dự toán kinh phí triển khai Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng theo Quyết định của cấp có thẩm quyền giao, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai phù hợp với khả năng ngân sách theo đúng quy định hiện hành.

4. Các Sở, Ban ngành

– Định hướng quy hoạch và phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, phụ trách theo xu hướng, mô hình Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh và đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ tiêu đánh giá đô thị thông minh của tỉnh, của quốc gia theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để đảm bảo sự kết nối và chia sẻ, tích hợp cơ sở dữ liệu.

– Nghiên cứu triển khai thực hiện các dự án đô thị thông minh thuộc ngành, lĩnh vực, phù hợp với Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác triển khai, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các dự án để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.

– Các ngành tham gia triển khai thí điểm đô thị thông minh chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, lập dự toán kinh phí hằng năm thuộc lĩnh vực ngành phụ trách, gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

– Huy động, tranh thủ các nguồn lực từ các Bộ, ngành Trung ương, kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức; cung cấp dịch vụ theo ngành, lĩnh vực cho phát triển đô thị thông minh của tỉnh nói chung và của ngành, lĩnh vực nói riêng bằng các hình thức như đầu tư, hợp tác đầu tư,…

– Định kỳ báo cáo việc triển khai về Sở Thông tin và Truyền thông để cập nhật Kiến trúc của tỉnh

5. UBND các huyện, thành phố

– Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin địa phương theo xu hướng, mô hình Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh và đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ tiêu đánh giá đô thị thông minh của tỉnh, của quốc gia và theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để đảm bảo sự kết nối và chia sẻ, tích hợp cơ sở dữ liệu, thông tin số.

– Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành liên quan triển khai các chương trình, dự án đô thị thông minh trên địa bàn, đảm bảo tính thống nhất, phù hợp, hiệu quả.

6. Các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn

Tích cực tuyên truyền, vận động, tham gia, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng.

7. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông

Xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh của tỉnh, phù hợp với Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh của đơn vị, vừa góp phần thiết thực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển công nghệ thông tin – truyền thông nói riêng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Lê Hải Hòa

PHỤ LỤC

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN KIẾN TRÚC ICT PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

STT

Các nhiệm vụ

Mục tiêu chính

Quy mô đầu tư, phạm vi thực hiện

Nội dung dự kiến

Lộ trình triển khai

Đơn vị đề xuất

I.

GIAI ĐOẠN 2022-2025

1

Xây dựng cơ sở hạ tầng, phần mềm nền tảng Đô thị thông minh tỉnh Cao Bằng (SCP) đạt tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Bộ thông tin và Truyền thông (tại Công văn số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019) Nền tảng đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Cao Bằng được xây dựng để tích hợp với các hệ thống thông tin đang vận hành hoặc sẽ xây dựng trong tương lai của tỉnh Cao Bằng nhằm hỗ trợ thực hiện các công việc sau:

– Điều phối, vận hành, kiểm soát chất lượng các dịch vụ ĐTTM của tỉnh.

– Theo dõi trạng thái sử dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ ĐTTM của tỉnh.

– Theo dõi các sự kiện, giám sát các hoạt động của đô thị.

– Hỗ trợ đưa ra quyết định dựa trên việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu.

– Phân phối dữ liệu và thông tin đến người dân.

– Kết nối thông tin với các hệ thống thông tin khác của đô thị.

– Cung cấp các điểm tham chiếu để kết nối nền tảng ĐTTM với các dịch vụ của bên thứ ba.

– Quản lý hạ tầng hệ thống thông tin của đô thị. Hỗ trợ tái sử dụng các ứng dụng, thiết bị và cơ sở hạ tầng mạng.

– Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

– Phát triển, mở rộng, kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng ĐTTM của các đô thị khác.

Trên địa bàn tỉnh

– Trang bị thiết bị công nghệ thông tin phần cứng.

– Hệ thống phần mềm nền tảng ĐTTM.

– Đào tạo chuyển giao công nghệ.

2022-2025

Sở Thông tin và Truyền thông

2

Hoàn thiện, duy trì hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) – Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp lãnh đạo các cấp giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ đô thị một cách tổng thể, cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định và xây dựng quy chế, chính sách.

– Trung tâm điều hành ĐTTM (IOC) sẽ kết nối đến nền tảng ĐTTM (SCP) qua khối hỗ trợ, điều khiển, hiển thị để lấy dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định và được vận hành liên tục không gián đoạn 24/7.

Trên địa bàn tỉnh

– Trang bị phần cứng của Trung tâm giám sát, điều hành, xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm (IOC);

– Trang bị phần mềm cho Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm;

– Chức năng của Trung tâm điều hành, giám sát;

– Đào tạo chuyển giao công nghệ.

2022-2024

Sở Thông tin và Truyền thông

3

Nâng cấp, triển khai Trung tâm tích hợp dữ liệu – Nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh tạo nền tảng triển khai một số ứng dụng nhỏ, phát triển công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền số, ĐTTM.

– Tập trung sử dụng dịch vụ điện toán đám mây phục vụ vận hành các hệ thống quan trọng của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ thông tin và Truyền thông

Trên địa bàn tỉnh

– Trang bị, thay thế phần cứng cho Trung tâm tích hợp dữ liệu (máy chủ, máy trạm, thiết bị lưu trữ…).

– Trang bị phần mềm cho Trung tâm dữ liệu.

– Thuê dịch vụ điện toán đám mây cho các hệ thống thông tin, CSDL quan trọng.

– Đào tạo chuyển giao công nghệ

2022 – 2025

Sở Thông tin và Truyền thông

4

Nâng cấp Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) – Trung tâm được kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia, có chức năng thu thập, xử lý, giám sát an ninh an toàn thông tin nhằm phát hiện và cảnh báo kịp thời hoạt động tấn công mạng; xây dựng hệ thống phòng, chống các cuộc tấn công từ bên ngoài cũng như từ bên trong nhắm vào các hệ thống thông tin quan trọng mà chính quyền điện tử và ĐTTM tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai; tổ chức đội ngũ, xây dựng quy trình ứng cứu sự cố để ứng cứu, khôi phục nhanh hoạt động của hệ thống, giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra tại tỉnh.

Tại trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh

– Trang bị bổ sung các thiết bị, phần mềm, hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin.

– Trang bị bổ sung các thành phần thiết bị mạng, thiết bị an ninh.

– Trang bị hệ thống Trung tâm điều hành an ninh mạng tập trung.

– Trang bị thiết bị hỗ trợ đảm bảo an toàn thông tin mạng, xử lý sự cố khi có yêu cầu tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

– Trang bị một số dịch vụ cung cấp các thông tin cập nhật về nguy cơ tấn công mạng và các dịch vụ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ.

– Đào tạo, chuyển giao công nghệ.

2022-2025

Sở Thông tin và Truyền thông

5

Hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu dùng chung Nâng cấp, hoàn thiện các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành hình thành từ các HTTT đã đầu tư trong các giai đoạn trước

Tại các Sở, Ban ngành

Xây dựng và nâng cấp:

– CSDL của ngành Công an

– CSDL Y tế

– CSDL ngành tư pháp

– CSDL ngành Giáo dục và Đào tạo

– CSDL ngành Lao động – Thương binh và Xã hội

– CSDL ngành Tài nguyên và Môi trường

– CSDL ngành Tài chính.

– CSDL ngành Kế hoạch và Đầu tư

– CSDL ngành Thanh tra

– CSDL ngành Nội vụ

– CSDL ngành Xây dựng

– CSDL ngành Nông nghiệp, nông thôn

– CSDL ngành Giao thông vận tải

– CSDL ngành Thông tin và Truyền thông

– CSDL ngành Khoa học và Công nghệ

– CSDL ngành Công Thương

– CSDL ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2022 – 2025

Các Sở, Ban ngành liên quan

6

Trang bị nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng phục vụ giáo dục thông minh – Ứng dụng CNTT và cách mạng 4.0 để nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý và điều hành hệ thống giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh;

– Xây dựng CSDL ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh theo mô hình dữ liệu tập trung, cập nhật thời gian thực và có khả năng chia sẻ;

– Tạo lập môi trường tương tác tích cực giữa nhà trường, giáo viên, gia đình và học sinh để nâng cao chất lượng học tập.

Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan

Triển khai các dịch vụ quản lý giáo dục thông minh như:

– Quản lý các cơ sở giáo dục;

– Quản lý, đánh giá chất lượng giáo viên, chất lượng giảng dạy;

– Quản lý chương trình giáo dục; ứng dụng học tập trực tuyến;

– Giải pháp quản lý trường học, quản lý chất lượng và quá trình học tập của học sinh;…

– Nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa;

– Nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập.

– Số hóa tài liệu, giáo trình.

2022- 2025

Sở Giáo dục và Đào tạo

7

Trang bị nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng phục vụ Y tế thông minh – Ứng dụng CNTT tạo ra công cụ quản lý điều hành dễ tiếp cận giúp cho việc lãnh đạo; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại các cấp trong lĩnh vực y tế.

– Xây dựng CSDL ngành Y tế của tỉnh theo mô hình dữ liệu tập trung, cập nhật thời gian thực và có khả năng chia sẻ;

– Giúp người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế mà không cần đến trực tiếp các cơ sở y tế.

Sở Y tế và các đơn vị liên quan

– Nghiên cứu, triển khai ứng dụng nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa từ cấp tỉnh, huyện;

– Phát triển các tiện ích thông minh như: Bệnh án điện tử; Hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa…

– Phát triển app mobile ngành y tế;

– Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên công nghệ số.

– Hệ thống thông tin, tuyên truyền ngành y tế;

– Đào tạo chuyển giao công nghệ.

2022- 2025

Sở Y tế

8

Nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng phục vụ Giao thông thông minh và đảm bảo an ninh trật tự Tăng cường năng lực quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh.

– Tăng cường trật tự và an toàn giao thông đường bộ.

– Cải thiện hiệu quả mạng lưới giao thông đường bộ.

– Kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực giao thông.

Trên địa bàn tỉnh

– Xây dựng bản đồ số giao thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

– Xây dựng Hệ thống giám sát hành trình phương tiện giao thông công cộng; lắp đặt hệ thống camera giao thông…

– Xây dựng các Hệ thống quản lý giao thông, đèn tín hiệu; quản lý giám sát bãi đỗ xe; Hệ thống điều khiển giao thông thông minh…

– Hệ thống thông tin tuyên truyền.

– Đào tạo chuyển giao công nghệ.

2022-2025

Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh

9

Xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng phục vụ nông nghiệp thông minh – Đưa công nghệ vào phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, giảm nhân công lao động, giảm chi phí… trong quá trình chăm sóc cây trồng

– Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

– Đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, …) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp

Trên địa bàn tỉnh

– Triển khai ứng dụng thông minh (AI) trong nông nghiệp đối với trang trại nông nghiệp.

– Xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

– Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý

2022-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

10

Xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng phục vụ du lịch thông minh – Ứng dụng CNTT và cách mạng 4.0 để nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý và điều hành trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

– Tạo lập môi trường cung cấp dịch vụ, thông tin quảng bá du lịch Cao Bằng trên môi trường mạng, có tương tác tích cực để đẩy mạnh quảng bá du lịch qua mạng thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan

– Phát triển hệ thống thông tin quản lý du lịch;

– Tạo lập cơ sở dữ liệu;

– Xây dựng hệ thống hướng dẫn viên ảo;

– Xây dựng Trung tâm tiếp nhận thông tin, hỗ trợ du khách;

– Phát triển Cổng thông tin điện tử du lịch là một thành phần trong cổng thông tin chung của tỉnh;

– Phát triển app mobile du lịch;

– Đào tạo và chuyển giao công nghệ.

2022-2025

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

11

Xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng phục vụ Tài nguyên môi trường thông minh – Tạo ra công cụ kiểm soát, xử lý kịp thời các sự cố về môi trường.

– Xây dựng, hoàn thiện hệ thống CSDL liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Sở Tài nguyên Môi trường

– Xây dựng cơ sở hạ tầng: trạm quan trắc, cảm biến môi trường, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai…

– Xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ thu thập và sử dụng dữ liệu: hệ thống cảnh báo thiên tai; hệ thống phân loại sử dụng đất; Quy hoạch đất đai thông minh…

– Xây dựng CSDL liên quan như đất đai, các cơ sở dữ liệu về quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biến đổi khí hậu; khí tượng – thủy văn.

2022-2025

Sở Tài nguyên và Môi trường

12

Triển khai cơ sở hạ tầng, xây dựng ứng dụng thuộc các lĩnh vực khác Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, ứng dụng thông minh giúp phục vụ nhu cầu của người dân tại các lĩnh vực khác tùy theo nhu cầu thực tế của từng đơn vị.

Các Sở, Ban ngành

Triển khai các nhiệm vụ bám sát vào các nhiệm vụ được giao trong quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Ví dụ:

– Số hóa dữ liệu ngành xây dựng.

– Phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh…

2022 – 2025

Các Sở, Ban ngành liên quan

13

Triển khai ĐTTM tại thành phố Cao Bằng Xây dựng một hệ thống thông tin quản lý đô thị hợp nhất các đô thị trên địa bàn thành phố Cao Bằng gồm cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ, chi tiết, chính xác cao, đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu phục vụ quản lý đô thị thành phố Cao Bằng nhằm đảm bảo tất cả các ứng dụng phục vụ quản lý đô thị và cung cấp thông tin đều sử dụng chung một hệ thống CSDL, hệ thống bản đồ chung và thống nhất.

Thành phố Cao Bằng

– Phần mềm GIS nền;

– Phần mềm quản lý tài sản hạ tầng kỹ thuật;

– Phần mềm nội bộ gồm các phân hệ;

– Xây dựng bản đồ nền đô thị;

– Xây dựng CSDL bản đồ cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng;

– Xây dựng CSDL hồ sơ quy hoạch xây dựng số;

– Xây dựng CSDL bản đồ hạ tầng kỹ thuật đô thị;

– Xây dựng bản đồ 3D đô thị;

– Xây dựng CSDL giấy phép xây dựng, nhà công vụ, trụ sở, chung cư…

2022 – 2025

UBND Thành phố Cao Bằng

II.

ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

14

– Tiếp tục hoàn thiện, mở rộng các nhiệm vụ đã triển khai trong giai đoạn 2022-2025 theo nhu cầu thực tế.

– Thực hiện xây dựng, bổ sung các lĩnh vực thông minh mới chưa được triển khai ở giai đoạn trước nhằm mục tiêu tiến tới phát triển ĐTTM bền vững.

QUYẾT ĐỊNH 1622/QĐ-UBND NGÀY 07/11/2022 PHÊ DUYỆT KIẾN TRÚC ICT PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH CAO BẰNG, PHIÊN BẢN 1.0
Số, ký hiệu văn bản 1622/QĐ-UBND Ngày hiệu lực 07/11/2022
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực xây dựng - đô thi
Ngày ban hành 07/11/2022
Cơ quan ban hành Cao Bằng
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản