TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7667:2007 VỀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT – HƯỚNG DẪN KIỂM TRA
TCVN 7667 : 2007
KIỂM DỊCH THỰC VẬT – HƯỚNG DẪN KIỂM TRA
Guidelines for Inspection
Lời nói đầu
TCVN 7667:2007 được xây dựng dựa trên ISPM No. 23, FAO, Rome, 2005;
TCVN 7667:2007 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC/F7/SC1 Kiểm dịch thực vật biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
KIỂM DỊCH THỰC VẬT – HƯỚNG DẪN KIỂM TRA
Guidelines for Inspection
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này mô tả quy trình kiểm tra chuyến hàng thực vật, sản phẩm thực vật và những vật thể khác thuộc diện kiểm dịch thực vật (KDTV) xuất khẩu và nhập khẩu. Tiêu chuẩn tập trung xác định sự tuân thủ các yêu cầu KDTV dựa trên phương pháp kiểm tra bằng cảm quan, kiểm tra giấy tờ và kiểm tra tính đồng nhất và độ nguyên vẹn của lô hàng.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm ban hành thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.
TCVN 3937:2007, Kiểm dịch thực vật – Thuật ngữ và định nghĩa.
TCVN 6907:2001, Biện pháp Kiểm dịch thực vật – Các nguyên tắc Kiểm dịch thực vật liên quan đến thương mại quốc tế.
TCVN 7517:2005, xác định tình trạng dịch hại trong một vùng.
TCVN 7666: 2007, Hướng dẫn về hệ thống quy định Kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
TCVN 7668:2007, phân tích nguy cơ dịch hại đối với dịch hại Kiểm dịch thực vật bao gồm phân tích nguy cơ về môi trường và sinh vật sống biến đổi gen.
ISPM No.7, FAO, Rome, 1997, Export certification system (Hệ thống chứng nhận xuất khẩu).
ISPM No.12, FAO, Rome, 2001, Guidelines on phytosanitary certificates (Hướng dẫn đối với giấy chứng nhận KDTV).
ISPM No.13, FAO, Rome, 2001, Guidelines for the notification of non-compliance and emergency action (Hướng dẫn thông báo trường hợp không tuân thủ và hành động khẩn cấp).
ISPM No.21, FAO, Rome, 2004, Pest risk analysis for regulated non-quarantine pests (Phân tích nguy cơ dịch hại đối với dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV).
International Plant Protection Convention [Công ước Quốc tế về Bảo vệ thực vật (IPPC)], FAO, Rome, 1997.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 3937:2007.
4. Khái quát yêu cầu
Tổ chức Bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) có trách nhiệm “Kiểm tra các chuyến hàng thực vật, sản phẩm thực vật trong quá trình vận chuyển quốc tế; kiểm tra các vật thể thuộc diện KDTV tại địa điểm thích hợp nhằm ngăn chặn sự du nhập và/hoặc lan rộng của dịch hại” (Điều IV.2c của IPPC, 1997).
Cán bộ KDTV kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu KDTV dựa vào việc kiểm tra bằng cảm quan để phát hiện dịch hại trên vật thể thuộc diện KDTV, kiểm tra các giấy tờ liên quan, kiểm tra tính đồng nhất và độ nguyên vẹn của chuyến hàng. Kết quả kiểm tra cho phép cán bộ KDTV đưa ra các quyết định: chấp nhận, trì hoãn hoặc từ chối nhập khẩu chuyến hàng hoặc có thể yêu cầu các biện pháp giám định bổ sung.
NPPO có thể quyết định chuyến hàng cần được lấy mẫu trong quá trình kiểm tra. Phương pháp lấy mẫu phụ thuộc vào các đối tượng kiểm tra cụ thể.
5. Yêu cầu
5.1. Yêu cầu chung
NPPO có trách nhiệm “kiểm tra các chuyến hàng thực vật, sản phẩm thực vật trong quá trình vận chuyển quốc tế; kiểm tra các vật thể thuộc diện KDTV tại địa điểm thích hợp nhằm ngăn chặn sự du nhập và/hoặc lan rộng của dịch hại” (Điều IV.2c của IPPC, 1997).
Chuyến hàng có thể bao gồm một hoặc nhiều loại hàng hóa hoặc lô hàng. Khi chuyến hàng có nhiều hơn một loại hàng hóa hoặc lô hàng thì việc kiểm tra để xác định sự tuân thủ các yêu cầu KDTV, có thể gồm một số kiểm tra cảm quan riêng biệt. Trong tiêu chuẩn này, thuật ngữ “chuyến hàng” phải được hiểu là để áp dụng cho các chuyến hàng hoặc từng lô hàng riêng rẽ trong chuyến hàng.
5.1.1. Mục đích kiểm tra
Mục đích kiểm tra chuyến hàng là để khẳng định sự tuân thủ các yêu cầu KDTV xuất khẩu hoặc nhập khẩu liên quan đến dịch hại KDTV hoặc dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại KDTV. Việc kiểm tra thường để xác minh tính hiệu quả của các biện pháp KDTV đã được thực hiện trước đó.
Việc kiểm tra KDTV xuất khẩu để đảm bảo chuyến hàng đã đáp ứng được những yêu cầu KDTV cụ thể mà nước nhập khẩu đưa ra tại thời điểm kiểm tra. Việc kiểm tra KDTV chuyến hàng xuất khẩu có thể đảm bảo cho những thông tin ghi trên giấy chứng nhận KDTV trong trường hợp nghi vấn.
Việc kiểm tra KDTV nhập khẩu để xác minh sự tuân thủ các yêu cầu KDTV nhập khẩu. Việc kiểm tra này có thể cũng được tiến hành một cách tổng thể nhằm phát hiện các sinh vật mà nguy cơ của chúng về mặt KDTV chưa được xác định.
Việc thu thập mẫu để giám định trong phòng thí nghiệm hoặc để phân loại dịch hại có thể phối hợp chung với quy trình kiểm tra KDTV nêu trên.
Việc kiểm tra KDTV có thể được áp dụng như một quy trình quản lý nguy cơ.
5.1.2. Công nhận việc áp dụng các biện pháp kiểm tra
Việc kiểm tra toàn bộ các chuyến hàng có thể không thực hiện được, vì thế kết quả kiểm tra KDTV thường dựa trên việc lấy mẫu[1].
Việc kiểm tra KDTV để phát hiện sự có mặt của dịch hại hoặc để xác định hoặc xác minh mức độ nhiễm dịch hại của một chuyến hàng dựa vào:
– kiểm tra bằng cảm quan những dịch hại cần quan tâm hoặc những dấu hiệu hoặc triệu chứng của chúng;
– kiểm tra thực tế;
– khả năng một số loài dịch hại chưa phát hiện được.
Có khả năng một số loại dịch hại chưa phát hiện được trong khi kiểm tra việc kiểm tra thường dựa vào việc lấy mẫu mà không kiểm tra bằng cảm quan được 100 % lô hàng hoặc chuyến hàng và cũng do việc kiểm tra phát hiện dịch hại trên chuyến hàng hoặc mẫu không đạt được hiệu quả 100 %. Khi kiểm tra theo quy trình quản lý nguy cơ thì vẫn có khả năng dịch hại tồn tại trong chuyến hàng hoặc lô hàng mà không thể phát hiện được.
Cỡ mẫu kiểm tra thường được xác định dựa trên cơ sở những dịch hại thuộc diện điều chỉnh liên quan đến hàng hóa cụ thể. Việc xác định cỡ mẫu có thể gặp khó khăn trong trường hợp nơi kiểm tra chuyến hàng là mục tiêu của một vài hoặc tất cả dịch hại thuộc diện điều chỉnh.
5.1.3. Trách nhiệm kiểm tra
NPPO có trách nhiệm kiểm tra. Việc kiểm tra được thực hiện bởi NPPO hoặc dưới sự ủy quyền của cơ quan này (xem thêm 3.1 của ISPM No.7; và 6.1.5.2 của TCVN 7666:2007; Điều IV.2a, IV.2c và V.2a của IPPC, 1997).
5.1.4. Yêu cầu đối với cán bộ KDTV
Cán bộ được ủy quyền hoặc đại diện cho NPPO cần phải:
– căn cứ vào chức năng và quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ;
– có trình độ chuyên môn và năng lực , đặc biệt là trong việc phát hiện dịch hại;
– được trang bị kiến thức hoặc khả năng xác định, phân loại dịch hại, thực vật, sản phẩm thực vật và các loại vật thể khác thuộc diện KDTV;
– biết sử dụng các dụng cụ, máy móc và thiết bị để phục vụ việc kiểm tra KDTV;
– các hướng dẫn bằng văn bản (như: quy định, sổ tay, phiếu ghi dữ liệu về dịch hại);
– có hiểu biết về hoạt động của các cơ quan có liên quan;
– khách quan, vô tư trong quá trình kiểm tra KDTV;
Cán bộ KDTV có thể yêu cầu kiểm tra chuyến hàng để xác minh:
– sự tuân thủ những yêu cầu cụ thể về xuất khẩu hoặc nhập khẩu;
– các loài dịch hại thuộc diện điều chỉnh cụ thể;
– những sinh vật có nguy cơ KDTV nhưng chưa được xác định.
5.1.5. Những xem xét khác đối với việc kiểm tra
Các yếu tố được xem xét có thể bao gồm cả những yêu cầu KDTV của nước nhập khẩu và những dịch hại cần quan tâm. Ngoài ra còn các yếu tố khác cần xem xét có thể gồm:
– các biện pháp giảm thiểu được thực hiện bởi nước xuất khẩu;
– kiểm tra không chỉ là biện pháp duy nhất mà còn phối hợp với các biện pháp khác;
– chủng loại hàng hóa và mục đích sử dụng;
– địa điểm/vùng sản xuất;
– kích thước và sự sắp xếp chuyến hàng;
– thể tích, tần suất và thời gian xếp dỡ hàng hóa;
– thời gian tại nước xuất xứ/vận chuyển;
– phương tiện vận chuyển và bao gói;
– khả năng kỹ thuật và nguồn lực tài chính (bao gồm cả khả năng chẩn đoán dịch hại);
– việc vận chuyển và chế biến trước đó;
– việc lấy mẫu dựa theo các đặc tính cần thiết để đạt được mục tiêu kiểm tra;
– khó khăn trong việc phát hiện dịch hại trên một loại hàng hóa cụ thể;
– kinh nghiệm và kết quả kiểm tra trước đây;
– hàng hóa nhanh hỏng (xem Điều VII.2e, IPPC, 1997);
– hiệu quả của quy trình kiểm tra.
5.1.6. Kiểm tra liên quan đến phân tích nguy cơ dịch hại
Phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) cung cấp các cơ sở chứng minh kỹ thuật đối với các yêu cầu KDTV nhập khẩu. Việc PRA cũng cung cấp cơ sở cho việc xây dựng danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh cần áp dụng các biện pháp KDTV và nhận dạng chúng để kiểm tra thích hợp và/ hoặc xác định hàng hóa là đối tượng kiểm tra. Nếu những dịch hại mới được ghi nhận trong quá trình kiểm tra thì hành động khẩn cấp có thể được áp dụng một cách thích hợp. Khi hành động khẩn cấp được thực hiện, quy trình PRA phải được sử dụng để đánh giá những dịch hại này và đề xuất những hành động phù hợp tiếp theo khi cần thiết.
Khi việc kiểm tra được xem như một lựa chọn của việc quản lý nguy cơ dịch hại và là cơ sở để quyết định các biện pháp KDTV thì điều quan trọng là phải xem xét yếu tố kỹ thuật và điều hành khả thi liên quan đến kiểu và mức độ kiểm tra. Việc kiểm tra đó có thể được yêu cầu để phát hiện những dịch hại thuộc diện điều chỉnh xác định ở mức độ mong muốn và độ tin cậy tùy thuộc vào nguy cơ của chúng (xem thêm TCVN 7668:2007) và ISPM No.21).
5.2. Yêu cầu cụ thể
Những yêu cầu kỹ thuật cho việc kiểm tra liên quan đến ba quy trình rõ ràng, phải đảm bảo tính đúng đắn về mặt kỹ thuật và cũng như các thao tác thực hành. Các quy trình đó bao gồm:
– kiểm tra các giấy tờ liên quan đến chuyến hàng;
– xác minh tính đồng nhất và độ nguyên vẹn của chuyến hàng;
– kiểm tra bằng cảm quan đối với dịch hại và các yêu cầu KDTV khác (ví dụ như không có đất).
Các tiêu chí kiểm tra có thể khác nhau tùy theo mục đích (ví dụ: để xuất khẩu/nhập khẩu/hoặc để xác minh/quản lý dịch hại).
5.2.1. Kiểm tra các giấy tờ liên quan đến chuyến hàng
Những giấy tờ xuất khẩu và nhập khẩu được kiểm tra để đảm bảo:
– tính đầy đủ;
– tính chính xác;
– tính đồng nhất;
– giá trị pháp lý (xem thêm 1.4 của ISPM No.12);
Các ví dụ về giấy tờ có thể liên quan đến việc chứng nhận nhập khẩu và/hoặc xuất khẩu bao gồm:
– giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu/ tái xuất khẩu;
– bản kê khai hàng hóa (bao gồm vận đơn, hóa đơn);
– giấy phép nhập khẩu;
– giấy chứng nhận xử lý, hoặc dấu khử trùng [ví dụ như trong ISPM No.15: Guidelines on regulating wood pakaging material in interntational trade (Hướng dẫn quy định vật liệu bao gói gỗ trong thương mại quốc tế)];
– giấy chứng nhận xuất xứ;
– báo cáo/giấy chứng nhận kiểm tra trên đồng ruộng;
– các hồ sơ về nhà sản xuất/bao gói;
– tài liệu của các chương trình chứng nhận (ví dụ: tài liệu về chương trình chứng nhận khoai tây giống, vùng không nhiễm dịch hại…);
– các báo cáo của việc kiểm tra;
– hóa đơn thương mại;
– báo cáo thử nghiệm.
Đối với những vấn đề gặp phải liên quan đến giấy tờ nhập khẩu hoặc xuất khẩu, việc điều tra bên cấp giấy tờ sẽ được thực hiện trước khi triển khai các hoạt động tiếp theo ở nơi có thể.
5.2.2. Xác minh tính đồng nhất và độ nguyên vẹn của chuyến hàng
Việc kiểm tra tính đồng nhất và độ nguyên vẹn của chuyến hàng để đảm bảo những chuyến hàng này phù hợp với các giấy tờ liên quan. Việc kiểm tra tính đồng nhất để xác minh thực vật, sản phẩm thực vật hoặc là loài thực vật đó có phù hợp với giấy chứng nhận KDTV đã cấp hoặc sẽ được cấp hay không. Việc kiểm tra độ nguyên vẹn của chuyến hàng để xác minh chuyến hàng đó có rõ ràng về khối lượng và tình trạng được ghi trong giấy chứng nhận KDTV hay không. Có thể phải kiểm tra lý học đối với chuyến hàng để khẳng định tính đồng nhất và nguyên vẹn, gồm cả kiểm tra niêm phong, điều kiện an toàn và các tiêu chí kiểm tra khác như việc bốc xếp hàng hóa có thể liên quan đến lĩnh vực KDTV.
5.2.3. Kiểm tra bằng cảm quan
Việc kiểm tra này được áp dụng để phát hiện dịch hại và xác minh sự tuân thủ các yếu cầu về KDTV.
5.2.3.1. Dịch hại
Mẫu được lấy từ chuyến hàng hoặc lô hàng để xác định sự có mặt của dịch hại, hoặc liệu dịch hại có vượt quá một mức cụ thể hay không. Khả năng phát hiện sự có mặt của một loài dịch hại thuộc diện điều chỉnh với độ tin cậy mong muốn đòi hỏi phải xem xét số liệu thống kê và thực tế, ví dụ: khả năng phát hiện dịch hại, cỡ lô hàng, độ tin cậy mong muốn, cỡ mẫu và số lần kiểm tra.
Nếu mục tiêu của việc kiểm tra là phát hiện những dịch hại thuộc diện điều chỉnh cụ thể để đáp ứng với các yêu cầu KDTV nhập khẩu thì khi đó phương pháp lấy mẫu phải dựa trên khả năng phát hiện dịch hại và thỏa mãn các yêu cầu KDTV.
Nếu mục tiêu của việc kiểm tra là để xác minh những điều kiện chung của một lô/chuyến hàng, ví dụ như trong các trường hợp:
– không xác định được dịch hại cụ thể nào thuộc diện điều chỉnh;
– không có mức dịch hại cụ thể nào được xác định đối với dịch hại thuộc diện điều chỉnh;
– mục đích phát hiện dịch hại khi biện pháp KDTV không hiệu quả thì phương pháp lấy mẫu sẽ phản ánh được điều này.
Phương pháp lấy mẫu được chấp nhận cần phải dựa trên sự minh bạch về mặt kỹ thuật, tiêu chuẩn hoạt động và phải được áp dụng thống nhất (xem thêm TCVN 7666:2007).
5.2.3.2. Tuân thủ các yêu cầu KDTV
Việc kiểm tra có thể dùng để xác minh sự tuân thủ một số yêu cầu KDTV như:
– xử lý;
– mức độ chế biến;
– không bị nhiễm bẩn (ví dụ: lá, đất);
– giai đoạn phát triển, giống, màu sắc, tuổi và độ thành thục của thực vật … được yêu cầu.
– không có những thực vật, sản phẩm thực vật hoặc vật thể thuộc diện KDTV khác bị cấm;
– các yêu cầu về bao gói và vận chuyển chuyến hàng;
– nơi xuất xứ của lô/chuyến hàng;
– cửa khẩu.
5.2.4. Các phương pháp kiểm tra
Phương pháp kiểm tra phải được áp dụng để phát hiện những dịch hại thuộc diện điều chỉnh cụ thể ở trên hoặc trong hàng hóa hoặc dùng để kiểm tra các sinh vật có nguy cơ KDTV nhưng chưa xác định được. Cán bộ KDTV kiểm tra bằng cảm quan các đơn vị mẫu hoặc tất cả các đơn vị mẫu cho đến khi phát hiện được dịch hại cần kiểm tra hoặc dịch hại khác thì có thể dừng việc kiểm tra. Tuy nhiên, một số đơn vị mẫu bổ sung có thể được kiểm tra trong trường hợp NPPO cần thu nhập thêm thông tin liên quan đến dịch hại và hàng hóa, ví dụ: nếu dịch hại đó chưa phát hiện được nhưng quan sát thấy dấu hiệu hoặc triệu chứng gây hại của chúng. Trong quá trình kiểm tra, cán bộ KDTV cũng có thể sử dụng các phương pháp kết hợp với quy trình kiểm tra.
Điều quan trọng là:
– việc kiểm tra mẫu được tiến hành ngay sau khi mẫu được lấy ra và mẫu sẽ đại diện cho chuyến hàng hoặc lô hàng;
– các kỹ thuật kiểm tra cần phải được kết hợp giữa kinh nghiệm và những kỹ thuật mới;
– các quy trình được đưa vào để đảm bảo tính độc lập, độ nguyên vẹn, dễ theo dõi và an toàn cho mẫu đối với từng chuyến hàng/lô hàng;
– kết quả kiểm tra được thể hiện bằng tài liệu chứng minh.
Quy trình kiểm tra cần phải phù hợp và đồng bộ với quy trình PRA ở nơi có thể.
5.2.5. Kết quả kiểm tra
Kết quả kiểm tra sẽ quyết định chuyến hàng có đáp ứng các yêu cầu KDTV hay không. Nếu thỏa mãn được các yêu cầu về KDTV thì những chuyến hàng xuất khẩu có thể nhận được chứng nhận phù hợp, ví dụ: Giấy chứng nhận KDTV và những chuyến hàng nhập khẩu sẽ được giải phóng.
Nếu các yêu cầu về KDTV không được đáp ứng thì những hành động tiếp theo có thể được thực hiện. Các hành động này có thể được xác định bởi thực chất kết quả phát hiện, xem xét những dịch hại thuộc diện điều chỉnh hoặc các mục đích kiểm tra khác theo từng trường hợp. Hành động đối với việc không tuân thủ được mô tả chi tiết trong 6.1.6 của TCVN 7666:2007.
Trong nhiều trường hợp, dịch hại hoặc các dấu hiệu của dịch hại bị phát hiện có thể cần được xác định hoặc phân tích cụ thể trong phòng thí nghiệm hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi đưa ra quyết định về tình trạng KDTV của chuyến hàng. Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp có thể là cần thiết đối với dịch hại mới hoặc chưa được ghi nhận. Sử dụng hệ thống sổ sách, lưu mẫu và/hoặc tiêu bản để truy cứu chuyến hàng liên quan và rà soát lại kết quả khi thấy cần thiết.
Trong các trường hợp tái vi phạm quy định KDTV, việc kiểm tra những chuyến hàng này phải được tiến hành thường xuyên và nghiêm ngặt hơn.
Khi một loài dịch hại được phát hiện trong quá trình nhập khẩu, việc báo cáo kiểm tra phải chi tiết đầy đủ để thông báo việc không tuân thủ đó (theo ISPM No.13). Những yêu cầu lưu trữ hồ sơ khác có thể cũng dựa vào sự sẵn có của các báo cáo kiểm tra đã được hoàn tất một cách đầy đủ (ví dụ: đã được mô tả trong điều VII và VIII của IPPC, TCVN 7517:2005 và TCVN 7666:2007.
5.2.6. Soát xét hệ thống kiểm tra
NPPO phải xem xét định kỳ hệ thống kiểm tra nhập khẩu và xuất khẩu để đánh giá sự phù hợp của hệ thống và xác định tiến trình điều chỉnh cần thiết để đảm bảo tính kỹ thuật.
Việc đánh giá phải được tiến hành để xem xét hiệu lực của hệ thống kiểm tra. Việc kiểm tra bổ sung có thể là một công việc cần thiết.
5.2.7. Sự minh bạch
Minh bạch là một phần của quy trình kiểm tra, những thông tin liên quan đến các quá trình kiểm tra phải được chứng minh bằng tài liệu sẵn có theo yêu cầu của các bên liên quan theo nguyên tắc minh bạch hóa (TCVN 6907:2001). Những thông tin này có thể là một phần của các hiệp định song phương, bao gồm những khía cạnh KDTV đối với việc buôn bán trao đổi hàng hóa.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] ISPM No.9, Guidelines for pest eradication programmes (Hướng dẫn chương trình diệt trừ dịch hại) FAO, Rome, 1998.
[2] ISPM No.14, The use of integrated measures in a systems approach for pest risk management (Sử dụng phương pháp hệ thống trong biện pháp tổng hợp để quản lý nguy cơ dịch hại), FAO, Rome, 2002.
[3] ISPM No.16, Regulated non-quarantine pest concept and application (Dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật: khái niệm và áp dụng), FAO, Rome, 2002.
[4] ISPM No.19, Guidelines on list of regulated pests (Hướng dẫn về danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh), .FAO, Rome, 2003.
[1] TCVN 4731, Kiểm dịch thực vật – Phương pháp lấy mẫu.
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 7667:2007 VỀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT – HƯỚNG DẪN KIỂM TRA | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN7667:2007 | Ngày hiệu lực | |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | |
Cơ quan ban hành | Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |