TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 6474-7:2007 VỀ QUY PHẠM PHÂN CẤP VÀ GIÁM SÁT KỸ THUẬT KHO CHỨA NỔI – PHẦN 7: LẮP ĐẶT, KẾT NỐI VÀ CHẠY THỬ
TCVN 6474 – 7: 2007
QUY PHẠM PHÂN CẤP VÀ GIÁM SÁT KĨ THUẬT KHO CHỨA NỔI – PHẦN 7: LẮP ĐẶT, KẾT NỐI VÀ CHẠY THỬ
Rules for classification and technical supervision of floating storage units – Part 7 Installation, hook-up and commissioning
Lời nói đầu
TCVN 6474:2007 thay thế cho TCVN 6474:1999.
TCVN 6474:2007 do Cục Đăng kiểm Việt Nam và Ban Kĩ thuật Tiêu chuẩn TCVN/TC8 “Đóng tàu và công trình biển” phối hợp biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
QUY PHẠM PHÂN CẤP VÀ GIÁM SÁT KĨ THUẬT KHO CHỨA NỔI – PHẦN 7: LẮP ĐẶT, KẾT NỐI VÀ CHẠY THỬ
Rules for classification and technical supervision of floating storage units – Part 7 Installation, hook-up and commissioning
Các tài liệu viện dẫn và định nghĩa xem Phần 1, TCVN 6474-1:2007
1. Lắp đặt, kết nối và chạy thử
1.1. Quy định chung
Những yêu cầu trong phần này được áp dụng cho những quy trình được trình duyệt và việc kiểm tra được Đăng kiểm thực hiện với tất cả các công trình kho chứa nổi mang cấp của Đăng kiểm. Tất cả các quy trình lắp đặt phải được Đăng kiểm xem xét trước khi tiến hành công tác lắp đặt.
Các quy trình lắp đặt sau, nếu áp dụng phải được trình Đăng kiểm duyệt:
1.1.1. Mô tả chung
Mô tả chung của toàn bộ hệ thống neo và kho chứa nổi với ống đứng, đường ống biển, PLEMs
1.1.2. Thẩm tra trước lắp đặt
Phải có các quy trình thẩm tra trước lắp đặt cho điều kiện đáy biển tại vị trí lắp đặt và các quy trình dự phòng khi tháo dỡ các chướng ngại vật tại vị trí lắp đặt.
1.1.3. Lắp đặt cọc hoặc neo và dây neo buộc
Những quy trình lắp đặt cọc hoặc neo và dây neo bao gồm những quy trình dưới đây:
– Chuẩn bị chung cho việc lắp đặt
– Bố trí sắp xếp gia cố cọc, búa…
– Bố trí sà lan làm việc trong các giai đoạn khác nhau của quá trình lắp đặt, xem xét đến ảnh hưởng của điều kiện thời tiết chính.
– Dự báo độ kháng của cọc.
– Tiêu chuẩn chấp nhận độ sâu thiết kế cọc và quy trình dự phòng khi đóng quá mức (overdrive) và chối cọc.
– Quy trình xác định hướng cọc so với tâm của hệ thống neo vị trí và tiêu chuẩn độ lệch cho phép của vị trí và hướng.
– Quy trình lắp đặt của dây neo và những chú ý phòng ngừa việc xoắn của xích neo trong quá trình lắp đặt.
– Quy trình lắp đặt neo và quy trình xác định vị trí và hướng của neo khi đã được lắp đặt. Quy trình phải bao gồm tiêu chuẩn độ lệch cho phép của vị trí và hướng.
1.1.4. Kéo căng và thử tải trọng
Quy trình kéo căng và thử tải trọng của cọc neo hay neo và hệ thống xích bao gồm:
– Bố trí lắp đặt thiết bị cho việc thử căng tải của xích neo, neo, hệ thống cọc neo.
– Xà lan thi công thực hiện công việc trên.
– Quy trình căng chi tiết, bao gồm loại thiết bị kéo căng được sử dụng và hoạt động căng
– Quy trình loại bỏ và phục hồi xích trong quá trình căng.
– Quy trình thử tải xích bằng việc dằn nước kho chứa nổi, nếu có thể.
1.1.5. Kết nối hệ thống xích neo
Quy trình kết nối hệ thống xích neo của phương tiện bao gồm :
– Quy trình kéo và chằng buộc để định vị kho chứa nổi cho công việc kết nối hệ thống neo.
– Điều kiện dằn ưu tiên lựa chọn trước khi kết nối.
– Quy trình thứ tự kết nối xích, ổn định vị trí của kho chứa nổi và thứ tự căng các xích neo.
– Phương pháp xác định lực căng chính xác của xích và sai số thiết kế cho phép.
– Quy trình xác định vị trí của hệ thống SPM tương đối so với PLEM hay đầu giếng và sai số thiết kế cho phép cho vị trí của tâm SPM tương đối so với PLEM hay đầu giếng.
– Phương pháp đảm bảo cho bàn xoay xích không di chuyển và những phòng ngừa an toàn tổng thể trong toàn bộ quá trình lắp đặt.
– Quy trình căng xích bằng dằn nước kho chứa nổi, nếu áp dụng.
1.1.6. Lắp đặt hệ thống xuất/nhập
Quy trình lắp đặt hệ thống xuất nhập phải được trình duyệt cùng với việc duyệt thiết kế để xác minh toàn bộ tải trọng lắp đặt đã được tính đến. Các quy trình được sử dụng trong quá trình lắp đặt hệ thống xuất nhập phải được mô tả trong sổ tay. Ngoài ra, sổ tay phải bao gồm cả danh sách của các giới hạn môi trường cho phép trong lắp đặt hệ thống. Các quy trình dỡ bỏ, các quy trình phục hồi và các quy trình sửa chữa phải được cung cấp khi cần thiết.
1. Các ống đứng mềm và cứng
Quy trình lắp đặt các ống đứng xuất nhập tới kho chứa nổi bao gồm các bước sau:
1. Điều khiển và lắp ráp ống đứng cứng và mềm trong lắp đặt.
2. Định vị tàu thi công trong các giai đoạn khác nhau của quá trình lắp đặt.
3. Quy trinh lắp đặt của két nổi, vòm đỡ và trọng lượng khối nếu áp dụng, bao gồm các bước để tránh sự va chạm ống đứng và các đề phòng chống sự hư hại trong quá trình lắp đặt ống đứng.
4. Kĩ thuật lắp ráp nối ghép khi lắp đặt hai đầu mút của các ống đứng.
5. Quy trình thử thuỷ tĩnh của các ống đứng. áp suất thử và thời gian thử phù hợp với API hay tiêu chuẩn khác mà Đăng kiểm công nhận.
2. Hệ thống vận chuyển đến tàu nhận dầu.
Quy trình lắp đặt hệ thống xuất bao gồm các bước sau:
1. Điều khiển, lắp đặt và sắp xếp hệ thống ống xuất và các đề phòng chống hư hại trong quá trình lắp đặt.
2. Lắp đặt tất cả các thiết bị phụ trợ và các thiết bị chức năng tàu.
3. Quy trình thả ống ra dưới biển.
4. Quy trình thử và làm đầy ống. Cung cấp các áp suất thử và thiết kế yêu cầu và thời gian thử.
1.1.7. Quy trình tháo rời
Với những hệ thống neo tháo rời, các quy trình tháo dỡ và kết nối của hệ thống neo kho chứa nổi phải được trình duyệt. Các quy trình đó bao gồm các quy trình dỡ bỏ và phục hồi của hệ thống xuất nhập (xem các yêu cầu của sổ tay vận hành).
1.2. Trình nộp quy trình kết nối
Khi lắp đặt bất cứ bộ phận nào của hệ thống mà việc lắp đặt được chủ định không hoàn thành hết để dễ dàng cho việc lắp đặt kho chứa nổi tại vị trí phải được báo cáo và quy trình kết nối tại vị trí và công tác thử đều phải trình cho Đăng kiểm duyệt.
1.3. Trình nộp quy trình khởi động và chạy thử
Quy trình khởi động và chạy thử cho hệ thống khai thác phải được đệ trình để xem xét trong Phụ lục VII, Phần 9.
1.4. Kiểm tra trong quá trình lắp đặt hệ thống neo buộc
Trong quá trình lắp đặt những yêu cầu trong phần này phải được thẩm định hoặc chứng kiến (nếu áp dụng) bởi Đăng kiểm viên.
1. Trước khi lắp đặt tất cả các bộ phận của hệ thống neo phải được kiểm tra phát hiện hư hỏng do vận chuyển. Khi tìm thấy bất cứ một hư hỏng nào đều phải giải quyết thoả mãn yêu cầu của Đăng kiểm viên hiện trường.
2. Tất cả các bộ phận yêu cầu được chứng nhận tại nhà sản xuất đều phải có chứng chỉ.
3. Vị trí lắp đặt và vùng phụ cận phải được khảo sát bằng thợ lặn hay ROV (phương tiện hoạt động dưới nước điều khiển từ xa) để đảm bảo không có chướng ngại vật hay vật lạ trước khi lắp đặt.
4. Trong quá trình lắp đặt các cọc neo hay neo, các hạng mục sau phải được thẩm tra theo thứ tự:
a. Khoá chính xác tất cả các mắt nối xích từ xích tới cọc hay neo và từ xích tới xích
b. Độ bịt kín của các chốt kenter.
c. Tất cả các bộ phận của xích neo phải đúng kích cỡ và độ dài
d. Tất cả các cọc neo và neo phải được lắp đặt đúng vị trí và phương thiết kế và trong phạm vi sai số thiết kế cho phép.
5. Việc thả xích neo ra sau khi đóng cọc phải được thực hiện theo quy trình đã duyệt.
6. Trừ khi có chấp thuận khác của Đăng kiểm viên hiện trường, cặp xích neo đầu tiên được kéo căng chéo sẽ được lắp đặt.
7. Sức căng chéo phải được thẩm định để đảm bảo tất cả lực căng trước tuân theo thiết kế và không có độ dịch chuyển hay bật ra của cọc neo.
8. Sau khi hoàn thành việc kéo căng trước, việc lắp đặt tiếp theo tất cả các chân neo tới thiết bị chặn xích trong bàn quay phải được thẩm định.
9. Trong quá trình căng xích cho hệ thống neo định vị, vị trí tương đối giữa tâm hệ thống neo và PLEM phải được thẩm định thoả mãn các thông số kĩ thuật và dung sai thiết kế.
10. Sau khi hoàn thành việc lắp đặt, sức căng xích phải được kiểm tra bằng cách đo góc của dây xích phù hợp với sai số và đặc tính kĩ thuật thiết kế. Bất cứ độ dài quá mức của xích phía sau thiết bị chặn xích phải được tháo bỏ trừ khi nó được thiết kế chứa trong giếng xích.
1.5. Kiểm tra trong quá trình lắp đặt hệ thống xuất/nhập
Trong quá trình lắp đặt hệ thống xuất nhập những hạng mục sau phải được Đăng kiểm viên chứng kiến (nếu có thể):
1. Ống đứng phải được kiểm tra hư hỏng sau khi thả, độ căng thích hợp phải được duy trì đảm bảo ống đứng không bị biến dạng hay mất ổn định. Két nổi và vòm đỡ (phao nổi đỡ ống) phải được xác nhận lắp đặt đúng vị trí tương đối so với đầu cuối của ống đứng tại mặt nước.
2. Việc lắp đặt các khoá kẹp ống đứng trên két nổi và vòm đỡ (phao nổi đỡ ống) phải được giám sát đảm bảo ống đứng được kẹp chắc chắn và không bị hư hỏng khi xiết quá chặt các kẹp.
3. Việc lắp đặt các mặt bích cuối của ống đứng phải được giám sát phù hợp với quy trình được duyệt.
4. Sau khi hoàn thành việc lắp đặt, toàn bộ các bộ phận bổ sung dưới nước phải được kiểm tra tổng thể và xác nhận bởi thợ lặn hoặc ROV phù hợp với hình dạng và đặc tính kĩ thuật thiết kế được duyệt. Tại vị trí tầm nhìn bị giới hạn, các biện pháp xác nhận lắp đặt khác phải được trình duyệt và được thực hiện thảo mãn Đăng kiểm.
5. Việc thử thuỷ lực hệ thống xuất nhập được thực hiện theo các quy trình được duyệt. áp suất và thời gian thử phải tuân theo các tiêu chuẩn được công nhận như ANSI/ASME B31.8, API RP 2RD và RP 17B.
6. Cấu trúc ống mềm nổi xuất phải được kiểm tra phù hợp với quy trình được duyệt. Các đệm kín phù hợp cho các mặt bích ống nổi, vị trí của tất cả các thiết bị hàng hải, vị trí chính xác của khớp nối và độ chặt của các bulông mặt bích phải được thẩm định.
7. Sau khi thả ống mềm xác minh bán kính cong của ống mềm không nhỏ hơn giới hạn yêu cầu của nhà sản xuất.
8. Trong khi hoàn thành việc lắp đặt toàn bộ ống mềm xuất phải được thử áp lực theo quy trình và tiêu chuẩn được duyệt.
9. Hệ thống điều khiển dưới biển phải được thử phù hợp nếu được lắp đặt.
10. Tất cả thiết bị chức năng tàu phải được thử chức năng và xác minh làm việc tốt.
1.6. Kiểm tra trong quá trình kết nối
Kiểm tra trong quá trình kết nối được tiến hành theo các quy trình đã được xét duyệt và bao gồm các hạng mục sau:
1. Kết nối hệ thống ống phải được xác nhận phù hợp với các quy trình và bản vẽ đã được duyệt. Các mối hàn phải được kiểm tra bề mặt và kiểm tra không phá hủy (NDT) nếu được yêu cầu. Trong quá trình hoàn thành việc lắp đặt những bộ phận ảnh hưởng phải được thử thuỷ lực 1,5 lần áp suất làm việc thiết kế và thử kín.
2. Kết nối hệ thống điện phải được xác nhận phù hợp với các quy trình và bản vẽ đã được duyệt. Gối đỡ của cáp và đệm kín của đường cáp vào thiết bị phải đựơc kiểm tra. Sau khi hoàn thành việc lắp đặt những bộ phận ảnh hưởng đến thiết bị và cáp phải được thử cách điện và xác minh làm việc tốt. Ngoài ra tất cả các vị trí tiếp đất phải được kiểm tra phù hợp.
3. Kết nối hệ thống điều khiển phải được xác nhận phù hợp với các quy trình và bản vẽ đã được duyệt. Gối đỡ ống khai thác phải được xác nhận. Sau khi hoàn thành việc lắp đặt, toàn bộ hệ thống phải được thử chức năng và xác minh làm việc tốt. Phải tuân thủ các bán kính uốn giới hạn của nhà sản xuất cho bất kỳ bộ phận nào của hệ thống.
4. Kết nối thiết bị cơ khí phải được xác nhận phù hợp với các quy trình và bản vẽ đã được duyệt gồm cả sự tiếp đất của thiết bị. Sau khi hoàn thành việc lắp đặt, toàn bộ hệ thống phải được thử chức năng và xác minh làm việc tốt.
1.7. Chứng minh khả năng của hệ thống neo tháo rời
1. Đối với hệ thống neo có thể tháo rời, khả năng tháo rời của hệ thống khỏi hệ thống neo phải được chứng minh thoả mãn Đăng kiểm viên hiện trường theo các quy trình thử được duyệt.
2. Trong hoạt động tháo rời, thời gian cần thiết để tháo rời kho chứa nổi một cách hiệu quả ra khỏi hệ thống neo phải được đưa vào trong Sổ vận hành.
1.8. Kiểm tra trong quá trình khởi động và chạy thử
Đăng kiểm viên phải có mặt kiểm tra trong quá trình khởi động và chạy thử của hệ thống sản xuất hyđrô cácbon. Phạm vi kiểm tra của quá trình khởi động và chạy thử được xác nhận bởi Đăng kiểm viên bao gồm các hạng mục sau đây:
1. Các hoạt động của quá trình khởi động và chạy thử phải theo các quy trình được duyệt.
2. Kiểm tra xác nhận rõ các cảnh báo an toàn với người trong quá trình chạy thử, bao gồm kiểm tra sự sẵn sàng hoạt động của tất cả các thiết bị cứu sinh, hệ thống phát hiện khí, cháy, thiết bị chống cháy, hệ thống dừng khẩn cấp và các lối thoát không vật cản.
3. Kiểm tra xác nhận việc thiết lập quy trình thông tin trước khi bắt đầu hoạt động thử.
4. Kiểm tra xác nhận có quy trình sự cố để đối phó với sự cố ngẫu nhiên như tràn, cháy hay các sự cố nguy hiểm khác.
5. Kiểm tra xác nhận việc khởi động và thử của tất cả hệ thống phụ trợ đỡ bao gồm nguồn chính và phụ cho hệ thống xử lí trước khi tiến hành thử.
6. Kiểm tra xác nhận chính xác kết nối và thử của toàn bộ hệ thống xử lí trước khi chạy thử, bao gồm kiểm tra độ kín rò rỉ, các chức năng kiểm soát quá trình và hệ thống dừng khẩn cấp.
7. Kiểm tra xác nhận việc làm sạch toàn bộ hệ thống sản xuất bằng khí ôxi đến mức chấp nhận được trước khi đưa khí hyđrô cácbon vào hệ thống sản xuất.
8. Kiểm tra xác nhận sự đưa hyđrô cácbon vào hệ thống xử lí và khả năng của hệ thống trong việc kiểm soát dòng của giếng trong hệ thống ở trạng thái ổn định mà không có rối loạn kiểm soát quá mức.
9. Kiểm tra xác nhận quá trình khởi động của hệ thống đốt, nếu có thể, bao gồm những cảnh báo cần thiết để loại trừ các rủi ro cháy, nổ. Khả năng chức năng của hệ thống đốt phải được làm rõ.
10. Kiểm tra xác nhận rằng hệ thống xử lí sau chạy thử phù hợp với chức năng trong khoảng thời gian ít nhất là 12h. Thiết bị được yêu cầu kiểm tra nhưng không sử dụng trong quá trình khởi động và chạy thử lần đầu phải được xác định rõ ở lần kiểm tra hàng năm tiếp theo.
MỤC LỤC
1. Lắp đặt, kết nối và chạy thử
1.1. Quy định chung
1.1.1. Mô tả chung
1.1.2. Thẩm tra trước lắp đặt
1.1.3. Lắp đặt cọc hoặc neo và dây neo buộc
1.1.4. Kéo căng và thử tải trọng
1.1.5. Kết nối hệ thống xích neo
1.1.6. Lắp đặt hệ thống xuất/nhập
1.1.7. Quy trình tháo rời
1.2. Trình nộp quy trình kết nối
1.3. Trình nộp quy trình khởi động và chạy thử
1.4. Kiểm tra trong quá trình lắp đặt hệ thống neo buộc
1.5. Kiểm tra trong quá trình lắp đặt hệ thống xuất/nhập
1.6. Kiểm tra trong quá trình kết nối
1.7. Chứng minh khả năng của hệ thống neo tháo rời
1.8. Kiểm tra trong quá trình khởi động và chạy thử
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 6474-7:2007 VỀ QUY PHẠM PHÂN CẤP VÀ GIÁM SÁT KỸ THUẬT KHO CHỨA NỔI – PHẦN 7: LẮP ĐẶT, KẾT NỐI VÀ CHẠY THỬ | |||
Số, ký hiệu văn bản | TCVN6474-7:2007 | Ngày hiệu lực | 25/07/2007 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Công nghiệp nhẹ |
Ngày ban hành | 25/07/2007 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |