TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 5471:2007 (ISO 105-G02 : 1993) VỀ VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN G02: ĐỘ BỀN MÀU VỚI KHÓI CỦA KHÍ ĐỐT

Hiệu lực: Còn hiệu lực

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 5471 : 2007

VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN G02: ĐỘ BỀN MÀU VỚI KHÓI CỦA KHÍ ĐỐT

Textiles – Tests for colour fastness – Part G02: Colour fastness to burnt-gas fumes

1 Phạm vi áp dụng

1.1 Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền màu của tất cả các loại vật liệu dệt, trừ xơ rời khi đặt trong môi trường của các nitơ oxit sinh ra từ quá trình đốt cháy khí butan tinh khiết.

1.2 Phương pháp này cũng có thể dùng để đánh giá cấp độ bền màu của thuốc nhuộm bằng cách nhuộm các vật liệu dệt theo một qui trình và ở độ đậm quy định và thử vật liệu dệt đã nhuộm.

2 Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm ban hành thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm ban hành thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

TCVN 4536 : 2002 (ISO 105-A01 : 1994), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu. Phần A01: Quy định chung.

TCVN 5232 : 2002 (ISO 105-D01 : 1993), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu. Phần D01: Độ bền màu với giặt khô.

TCVN 5466 : 2002 (ISO 105-A02 : 1993), Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu. Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu.

ISO 105-C06 : 1987, Textiles – Tests for colour fastness – Part C06: Colour fastness to domestic and commercial laundering (Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần C06: Độ bền màu với giặt là thương mại và gia dụng).

3 Nguyên tắc

Mẫu thử và mẫu vải thử đối chứng được phơi đồng thời dưới tác dụng của các nitơ oxit từ khói của khí đốt cho đến khi mẫu đối chứng có sự thay đổi màu tương ứng với một chuẩn phai màu. Sự thay đổi màu của mẫu thử được đánh giá bằng thang màu xám. Nếu không thấy có sự thay đổi màu của mẫu sau một khoảng thời gian phơi hoặc sau một chu kỳ phơi thì tiếp tục phơi mẫu cho đến khi mẫu thử có sự thay đổi màu rõ rệt hoặc theo số chu kỳ định trước.

4 Thiết bị, dụng cụ và vật liệu

4.1 Buồng phơi (xem phụ lục A).

4.2 Vải thử đối chứng (xem phụ lục B).

4.3 Chuẩn phai màu (xem phụ lục B).

4.4 Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu, phù hợp với TCVN 5466 (ISO 105-A02).

4.5 Khí butan, loại tinh khiết, và một đèn xì phù hợp.

Có thể sử dụng bất kỳ loại đèn xì nào và ngọn lửa màu vàng sáng hoặc màu xanh lam là thích hợp, tuy nhiên màu xanh được ưu tiên lựa chọn để giảm sự hình thành bồ hóng. Một lưới dây thép được đặt ở phía trước ngọn lửa với khoảng cách sao cho lưới bị đốt nóng ở giữa nóng đỏ và nóng trắng để tăng phần trăm nitơ oxit và do đó đẩy nhanh sự phai màu của mẫu đối chứng và mẫu thử. Các lưới bằng đồng thau, sắt, hợp kim đồng – niken và thép không gỉ cho các kết quả như nhau.

4.6 Urê, chứa 10 g urê (NH2CONH2) trong một lít dung dịch, đệm đến pH 7 bằng cách thêm 0,4 g natri đihydro orthophosphat đihydrat (NaH2PO4.2H2O) và 2,5 g đinatri hydro orthophosphat dodecahydrat (Na2HPO4.12H2O) và chứa 0,1 g hoặc ít hơn chất hoạt động bề mặt làm ướt nhanh, ví dụ natri đioctyl sunfosucinat.

4.7 Nếu có yêu cầu, percloetylendung môi Stoddard hoặc tricloetylen (xem 5.4).

CHÚ THÍCH 1    Tất cả các chất ức chế sẵn có hiện nay đều có thể hòa tan trong phạm vi nào đó vào nước và do đó có xu hướng loại bỏ được bằng giặt giũ. Các chất này nói chung không tan trong dung môi giặt khô thông thường, và vải được xử lý bằng các chất ức chế phù hợp có thể chịu được sau nhiều lần giặt khô mà không mất đi độ bền của chúng đối với tác động làm phai màu của khí với công đoạn giặt khô không bao gồm quá trình phun tẩy có nước hoặc không có nước. Các chất ức chế này cũng có xu hướng mất tác dụng nếu vải thường xuyên tiếp xúc với mồ hôi.

4.8 Nếu cần, chất tẩy rửa chuẩn WOB của AATCC (xem 5.5), theo qui định trong ISO 105-C06 : 1987, điều 8.2.

5 Mẫu thử

CHÚ THÍCH 2    Khi dùng bàn là đủ nóng để loại các nếp gấp của vải axetat thì có nguy cơ làm kín khít bề mặt của vải và sẽ làm tăng độ bền phai màu đối với khí. Kỹ thuật này không thích hợp để thu được kết quả thử chính xác và cần tránh không sử dụng cho loại vải này.

5.1 Nếu vật liệu thử là vải, sử dụng mẫu thử có kích thước 40 mm x 100 mm.

5.2 Nếu vật liệu thử là sợi, đan chúng thành vải và sử dụng mẫu thử có kích thước 40 mm x 100 mm.

5.3 Để đánh giá độ bền màu với nitơ oxit của vật liệu khi được lưu kho hoặc sử dụng, dùng một mẫu vải gốc.

5.4 Để đánh giá độ bền màu với nitơ oxit sau khi giặt khô (xem chú thích 1), sử dụng phương pháp quy định trong TCVN 5232 (ISO 105-D01). Nhúng một mẫu thử vào percloetylen lạnh (4.7) trong 10 phút, vắt và để khô mẫu trong không khí. Nếu cần, có thể thay thế percloetylen bằng dung môi Stoddard hoặc tricloetylen. Giữ lại một mẫu thử sau khi giặt khô và trước khi thử để so sánh với mẫu đã thử.

5.5 Để đánh giá độ bền màu với nitơ oxit sau khi giặt (xem chú thích 1), trừ khi có quy định về phép thử giặt, giặt mẫu với dung dịch chất tẩy rửa có chứa 5 g chất tẩy rửa WOB của AATCC trong một lít nước có độ cứng xấp xỉ bằng không, trong 10 phút ở 40oC, giũ mẫu trong nước ấm và để mẫu khô trong không khí. Giữ lại một mẫu sau khi giặt và trước khi thử để so sánh với mẫu đã thử.

6 Cách tiến hành

6.1 Treo tự do từng mẫu và miếng vải thử đối chứng trong buồng phơi mẫu (4.1) sao cho các mẫu được treo tách biệt nhau và không tiếp xúc trực tiếp với bề mặt của kim loại nóng. Nếu số lượng mẫu thử ít hơn so với số lượng yêu cầu để làm đầy buồng phơi thì treo thêm các mẫu vải không nhuộm cùng loại vào cho kín buồng. Bật đèn xì (4.5) và điều chỉnh ngọn lửa và thiết bị tạo gió sao cho nhiệt độ trong buồng phơi không vượt quá 60oC.

CHÚ THÍCH 3    Khi các yếu tố khác đều như nhau, sự phai màu của mẫu thử thay đổi tùy theo nhiệt độ trong buồng phơi, mà nhiệt độ này lại phụ thuộc vào lượng khí tiêu hao trong một khoảng thời gian xác định. Phơi mẫu từ 8 giờ đến 12 giờ ở 60oC có thể gây ra sự phá hủy màu giống như phơi trong 96 giờ ở 21oC đến 27oC. Ngoài ra, nhiệt độ trong thùng có thể thay đổi một chút ở những chỗ khác nhau trong thùng.

Sự phai màu của thuốc nhuộm trên axetat, triaxetat và polyeste do tác động của nitơ oxit có thể xảy ra ở độ ẩm tương đối thấp, có thể đạt được trong buồng phơi thông thường ở nhiệt độ gần 60oC. Đối với các loại sợi khác, như nylon, vitsco hoặc bông cần thiết phải sử dụng độ ẩm cao để thu được những kết quả tương đương với đặc tính của việc bảo quản. Nếu cần thiết, một quy trình được đưa ra để tăng độ ẩm trong buồng phơi là đặt các cốc nước trên mặt sàn của buồng phơi. Nếu độ ẩm được tăng lên theo quy trình này hoặc bất kỳ quy trình nào khác thì phải được nêu trong báo cáo thử nghiệm.

Giữ mẫu thử trong buồng phơi cho đến khi mẫu đối chứng có sự thay đổi màu tương ứng với một chuẩn phai màu (4.3) khi so sánh dưới ánh sáng ban ngày hoặc ánh sáng nhân tạo tương đương (xem TCVN 4536 : 2002 (ISO 105-A01 : 1994), điều 14).

6.2 Lấy mẫu thử ra khỏi buồng phơi và ngay lập tức tiến hành đánh giá sơ bộ sự thay đổi màu bằng cách sử dụng thang màu xám (4.4).

6.3 Những mẫu thử có sự thay đổi màu, một miếng vải gốc và mẫu thử đối chứng được lấy ra và cho vào dung dịch urê đã được đệm (4.6) trong 5 phút. Chúng được vắt ráo, giũ sạch bằng nước và để khô trong không khí ở nhiệt độ không quá 60oC. Khi mẫu đã khô, sử dụng thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu của từng mẫu so với phần mẫu gốc đã được xử lý bằng dung dịch urê đệm. Nếu giữ mẫu lại thì để vào trong bóng tối.

6.4 Sau chu kỳ thứ nhất, đưa trở lại buồng phơi những mẫu chưa có sự thay đổi màu và không được xử lý bằng dung dịch urê đệm, cùng với mẫu vải thử đối chứng mới và tiếp tục phép thử cho đến khi mẫu đối chứng thứ hai có sự thay đổi màu tương ứng với chuẩn phai màu.

6.5 Qui trình có thể được lặp lại theo một số chu kỳ qui định hoặc cho đến khi mẫu thử có mức thay đổi màu qui định.

6.6 Sau mỗi giai đoạn phơi mẫu, lấy mẫu thử ra khỏi buồng phơi và ngay lập tức so sánh với mẫu gốc tương ứng.

6.7 Sự ảnh hưởng đến màu của mẫu thử sau một số chu kỳ yêu cầu có thể được biểu thị và xác định bằng cách sử dụng thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu.

7 Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:

a) viện dẫn tiêu chuẩn này;

b) các chi tiết cần thiết để nhận dạng mẫu thử;

c) cấp độ bền màu của sự thay đổi màu của mỗi mẫu thử và số chu kỳ phơi mẫu;

d) nhiệt độ trung bình sử dụng và phương pháp sử dụng để tăng độ ẩm, nếu có.

 

Phụ lục A

(qui định)

Buồng phơi

A.1 Buồng phơi có thể có cấu tạo khác nhau nhưng phải tạo ra được một môi trường kín mà trong đó mẫu thử được phơi trong một môi trường không khí được dẫn qua đèn đốt khí butan và có chứa các sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy từ đèn xì. Thiết bị phải được trang bị với những phương tiện phù hợp để treo mẫu thử sao cho có sự thông thoáng của không khí xung quanh các mẫu và như vậy chỉ một lượng nhỏ mẫu ở điểm treo của chúng tiếp xúc trực tiếp với bề mặt của kim loại nóng. Có thể sử dụng hoặc là quạt chạy bằng môtơ để vận chuyển không khí xung quanh buồng phơi hoặc giá treo mẫu quay bằng môtơ để đảm bảo tất cả các mẫu được phơi trong cùng một điều kiện về nồng độ khí, nhiệt độ và độ ẩm càng gần nhau càng tốt.

Van hoặc lá điều tiết ở trên đỉnh của thiết bị được sử dụng cùng với sự điều chỉnh độ cao của ngọn lử đèn xì để chỉnh nhiệt độ của buồng phơi, nhưng nhiệt độ và độ ẩm sẽ thay đổi tùy theo phòng nơi buồng phơi được vận hành.

A.2  Một vài kiểu thiết bị phù hợp đã được giới thiệu trong American Dyestuff  Reporter, 22 tháng 7 , 1940, trang 368-9. Bản thiết kế của thiết bị phù hợp có thể được mua từ AATCC, Ρ.O. Box 12215, Research Triangle Park, NC 27709-2215, USA.

A.3 Thiết bị thử phai màu với khí phù hợp cho phạm vi thử rộng thu hồi khói từ đèn xì loại an toàn đặt trong một buồng phơi thấp hơn. Để đảm bảo sự phai màu đều của các mẫu thử, các cánh tay đòn dùng để treo mẫu được chuyển động quay tròn với vận tốc 2 vòng/phút bằng một môtơ, như vậy sẽ đảm bảo tất cả các mẫu thử được phơi dưới các điều kiện được khống chế tương tự. Vì thiết bị thử được thiết kế để điều chỉnh chính xác hơn, do đó nên điều chỉnh nhiệt độ để hoàn thành một phép thử trong khoảng từ 7 giờ đến 16 giờ.

 

Phụ lục B

(qui định)

Vải thử đối chứng và chuẩn phai màu

B.1 Vải thử đối chứng là axetat được nhuộm đều trong máy nhuộm dạng mở khổ với 0,4 % (theo khối lượng vải) Cl Celliton FFRN (thuốc nhuộm xanh phân tán 3 (thuốc nhuộm Disperse Blue 3), chỉ số màu, xuất bản lần ba) trong dung dịch nhuộm chứa 1 g/l tác nhân phân tán trung tính không mang ion ở tỷ lệ dung dịch 10 : 1.

Quá trình nhuộm bắt đầu từ 40oC và nâng nhiệt độ đến 80oC trong 30 phút. Nhuộm tiếp tục trong 60 phút nữa. Vải được giũ trong nước lạnh và làm khô.

Các tọa độ màu của quá trình nhuộm này là x = 0,198 8, y = 0,190 4, Y = 23,20 sử dụng nguồn sáng C.

Dung sai có thể là 2 AN (40) đơn vị đo tối đa.

B.2  Các miếng vải trong lô vải thử đối chứng gốc được treo trong không khí ở ba điểm riêng biệt trong sáu tháng. Không khí ở những địa điểm này có chứa một lượng trung bình khí nitơ oxit. Kết thúc thời gian phơi, thu lại các mẫu thử từ ba địa điểm này và so sánh với vật liệu gốc. Tất cả các mẫu thử đã thay đổi màu gần như nhau, trở nên mờ và đỏ hơn so với mẫu gốc. Sắc thái phai màu được làm cho phù hợp với thuốc nhuộm hoàn nguyên trên vải satanh axetat và vải này trở thành chuẩn phai màu gốc của lô vải thử đối chứng. Qui trình này cho chuẩn phai màu có độ bền hơn so với miếng vải thử đối chứng đã được phơi, mà có thể tiếp tục thay đổi màu ngay cả với lượng rất nhỏ khí nitơ oxit.

B.3 Vì các lô và nguồn khác nhau của cả thuốc nhuộm và vải chưa nhuộm sẽ tạo ra những thay đổi cả ánh màu và cấp phai màu của chúng, do đó cần xây dựng một chuẩn phai màu mới cho mỗi lô vải thử đối chứng đã nhuộm để kết quả thử có thể so sánh được khi sử dụng các lô đối chứng khác nhau và chuẩn phai màu tương ứng của chúng. Trong khi tiến hành thử, chỉ sử dụng chuẩn phai màu phù hợp với lô vải thử đối chứng.

B.4 Chuẩn phai màu là vải có ngoại quan tương tự được nhuộm màu phù hợp với mẫu đã phai màu của vải thử đối chứng.

B.5 Cả vải thử đối chứng và chuẩn phai màu phải được bảo quản trong các bao gói thích hợp hoặc bao kín để tránh không bị phơi ra ngoài và bị thay đổi màu do nitơ oxit và những chất ô nhiễm khác có tồn tại trong môi trường trong quá trình vận chuyển và bảo quản.

B.6 Vải thử đối chứng cũng nhạy với các chất ô nhiễm môi trường khác như ozon. Cấp độ phai màu của chúng thay đổi đáng kể ở nhiệt độ và độ ẩm khác nhau, và việc sử dụng chúng trong những điều kiện tự nhiên hoặc thử công dụng cuối theo phép đo phơi với ozon là không nên. Sự thay đổi màu trên vải thử đối chứng sẽ phản ánh những tác động hỗn hợp của các chất ô nhiễm trong không khí và sự thay đổi nhiệt độ – độ ẩm, không phải những tác động của việc phơi với nitơ oxit.

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 5471:2007 (ISO 105-G02 : 1993) VỀ VẬT LIỆU DỆT – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU – PHẦN G02: ĐỘ BỀN MÀU VỚI KHÓI CỦA KHÍ ĐỐT
Số, ký hiệu văn bản TCVN5471:2007 Ngày hiệu lực
Loại văn bản Tiêu chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Công nghiệp nặng
Ngày ban hành
Cơ quan ban hành Bộ khoa học và công nghê
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản