TIÊU CHUẨN NGÀNH 04TCN 130:2006 VỀ QUY PHẠM KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG GIỔI XANH DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
04TCN 130:2006
QUI PHẠM KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG GIỔI XANH
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Nội dung, mục tiêu
Qui phạm này qui định nội dung và các biện pháp kỹ thuật trồng rừng Giổi xanh (Michelia mediocris Dandy) từ khâu chọn điều kiện gây trồng, , giống và tạo cây con, làm đất, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ và nuôi duỡng rừng nhằm cung cấp gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh từ 30 đến 40 năm .
1.2. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Qui phạm này áp dụng cho trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ, trồng cây phân tán có thể tham khảo qui phạm này.
Qui phạm này áp dụng cho trồng rừng Giổi xanh ở các cơ sở sản xuất lâm nghiệp thuộc các địa phương trong cả nước sử dụng vốn ngân sách, khuyến khích áp dụng với các đơn vị sử dụng các nguồn vốn khác.
Qui phạm này là cơ sở pháp lý để xây dựng qui trình, định mức kinh tế kỹ thuật và quản lý trồng rừng Giổi xanh trong cả nước.
2. ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG .
2.1. Khí hậu:
+ Nhiệt độ không khí trung bình năm từ 20oC – 25oC
+ Lượng mưa trung bình năm từ 1500mm đến 2500mm
2.2. Địa hình:
+ Độ cao so với mực nước biển từ 500 – 700m
+ Đất có độ dốc ≤ 25 o
2.3. Đất đai:
+ Đất Feralit đỏ nâu, đỏ vàng , vàng đỏ , xám vàng, đất còn tính chất đất rừng, sâu, ẩm, thoát nước.
+ Tầng dầy trên 40cm, hàm lượng mùn trên 2%.
+ Giổi xanh trồng ở rừng nghèo kiệt ( IIIa1 ), rừng non phục hồi ( IIa,IIb ) hay đất trống ( Ia, Ib, Ic ), đất nương rẫy mới bỏ hoang.
3. THU HÁI, CHẾ BIẾN, BẢO QUẢN HẠT GIỐNG
3.1. Thu hái hạt.
– Hạt giống được thu hái trên các cây giống từ 20 tuổi trở lên ( cây có D1,3 > 20cm ) có thân thẳng đẹp, tán đều, phân cành cao, cành nhỏ, không sâu bệnh trong rừng tự nhiên, rừng trồng hay trong các khu rừng giống chuyển hoá.
– Thu hạt từ tháng 8 đến tháng 10 ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, từ tháng 9 đến tháng 10 ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
– Chỉ thu quả khi vỏ chuyển từ màu xanh sang màu vàng sẫm, tử y có màu đỏ, hạt cứng có màu đen .
– Hạt giống được thu hái bằng cách trèo lên cây lấy quả nhưng không được bẻ cành làm ảnh hưởng đến tán cây.
3.2. Chế biến hạt.
– Sau khi thu hái quả được chất thành đống cao không quá 30cm trên sàn nhà, ủ quả trong 1-2 ngày sau đó phơi trong nắng nhẹ để tách hạt. Quả được ngâm trong nước 1-2 ngày sau đó chà sát nhẹ, đãi sạch tử y để lấy hạt. Hạt đen được phơi ở nơi thoáng gió khi ráo nước tiến hành bảo quản hoặc gieo ươm.
– Chỉ thu những hạt đen mẩy, đều, phôi cứng, tử y có màu đỏ; không thu những hạt có tử y đã chuyển sang màu vàng.
3.3. Bảo quản hạt.
– Hạt được bảo quản theo các phương pháp sau:
+ Bảo quản ẩm: Hạt được trộn đều với cát có độ ẩm từ 8 đến 10% ( nắm cát trong tay khi bỏ ra cát không bị rơi ) theo tỷ lệ 1 hạt/3 cát theo thể tích, trên phủ một lớp cát ẩm dày 3-5cm . Định kỳ 10 -15 ngày đảo hạt 1 lần, kết hợp tưới nước bổ sung nhằm đảm bảo độ ẩm ban đầu, thời gian bảo quản không quá 3 tháng.
+ Bảo quản lạnh: Hạt được gói kín trong các túi PE để bảo quản ở nhiệt độ từ 5oC đến 15oC trong tủ lạnh với thời gian bảo quản không quá 9 tháng.
4. TIÊU CHUẨN HẠT GIỐNG.
Hạt giống phải đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Hạt đen sạch, tỷ lệ nẩy mầm trên 85%.
+ Một kg có từ 4500 – 5000 hạt.
+ Hạt không bị mốc, thối, sâu, bệnh.
5. TẠO CÂY CON.
5.1. Vườn ươm.
Chọn và lập vườn ươm theo quy định của tiêu chuẩn ngành về vườn ươm cây Lâm nghiệp (04 TCN 52 – 2002).
5.2. Gieo hạt.
– Hạt được gieo trước khi trồng 8-10 tháng, tuy nhiên do hạt nhanh mất sức nẩy mầm nên sau khi thu hái có thể gieo hạt ngay để tăng tỷ lệ nẩy mầm của hạt.
– Hạt được xử lý theo cách sau: ngâm hạt đen trong nước từ 4-6 giờ, sau đó hạt được vớt ra rửa sạch, ủ trong bao vải 7-10 ngày, mỗi ngày rửa chua 1 lần, hoặc gieo hạt trong cát khi hạt nứt nanh thì cấy vào bầu.
– Bầu có kích thước 10 x 18 cm, vỏ bầu bằng PE, xung quanh đục lỗ thoát nước. Ruột bầu có tỷ lệ 89 % đất vườn ươm hoặc đất rừng + 10% phân chuồng hoai + 1% NPK có thành phần 5-10-3 ở các tỉnh phía Bắc hoặc 8-16-8 ở các tỉnh phía Nam .
5.3. Cấy và chăm sóc cây con.
– Trước khi cấy cây mầm phải tưới nước đủ ẩm cho bầu trên luống, dùng que cấy cây mầm vào bầu, sau khi cấy cần che bóng 50-60 % , bốn tháng sau khi cấy giảm một nửa độ tàn che, từ tháng thứ 6 bỏ hoàn toàn tàn che. .
– Hai tháng đầu sau khi cấy cây phải tưới nước 2lần/ngày vào sáng sớm hoặc chiều tối với lượng tưới 2lít /1m2.Từ tháng thứ 3 mỗi ngày tưới 1 lần, giảm dần lượng tưới nước từ tháng thứ 4-5, ngừng tưới nước 3-4 tuần trước khi trồng.
– Sau khi cấy 4-5 tuần phải bón thúc lần đầu bằng cách tưới dung dịch NPK tỷ lệ 5-10-3 nồng độ 0,5%, hoặc phân chuồng hoai đã pha loãng với liều lượng 2 lít /1 m2, tưới vào sáng sớm hoặc chiều tối . Sau đó cứ 3- 4 tuần tưới 1 lần, ngừng tưới phân trước khi trồng 1-2 tháng. Sau mỗi lần tưới phân phải tưới nước để rửa sạch lá. Phải thường xuyên làm cỏ, kết hợp phá váng trên mặt luống trong quá trình gieo ươm cây con.
– Khi cây con cao 10-15cm phải tiến hành phân loại cây con để chăm sóc riêng những cây sinh trưởng kém về đường kính và chiều cao. Sau thời gian 3- 4 tháng tiếp tục phân loại để chăm sóc cây sinh trưởng kém cho đến khi đem trồng.
– Để phòng bệnh lở cổ rễ phải dùng Benlát C tinh khiết nồng độ 0,05 % phun lên luống trước khi cây cây 1 tuần, sau khi cấy cây theo định kỳ 10-15 ngày phun 1 lần, phun cho dung dịch thuốc bám đều trên mặt lá cây.
6. TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG.
+ Tuổi từ 8 tháng trở lên
+ Chiều cao ≥ 40 cm
+ Đường kính gốc ≥ 0,4 cm
+ Sinh trưởng bình thường, lá xanh, thân thẳng, không sâu bệnh.
7. TRỒNG RỪNG.
Giổi xanh được trồng để làm giàu rừng, hoặc trồng rừng toàn diện (trồng rừng tập trung).
7.1. Trồng làm giàu rừng.
7.1.1.Đối tượng : Rừng nghèo kiệt, thiếu cây tái sinh, (dạng IIIa1) hay rừng non phục hồi ( IIa, IIb )
7.1.2. Phương thức: trồng rừng theo băng, rạch hay theo đám.
1. Trồng theo băng hay rạch:
– Thiết kế băng hay rạch. Với địa hình tương đối bằng phẳng băng hay rạch theo hướng Đông-Tây, với địa hình có độ dốc lớn hơn 15o băng hay rạch theo đường đồng mức.
– Kích thước băng hay rạch. Tuỳ theo điều kiện thực bì của từng địa phương có thể vận dụng công thức sau:
L= H/2 hoặc 2H/3 trong đó:
L: chiều rộng của băng hoặc rạch trồng
H: chiều cao trung bình của tầng cây cao
– Đối tượng trồng rừng có chiều cao trung bình của tầng cây cao từ 8 đến 10m, rạch trồng rộng từ 5 đến 6m, băng chừa rộng 8m.
– Đối tượng trồng rừng có chiều cao trung bình của tầng cây cao từ 10 đến 12m, băng trồng rộng từ 7 đến 8m, băng chừa rộng 10m.
– Đối tuợng trồng rừng có chiều cao trung bình của tầng cây cao từ 12 đến15m, băng trồng rộng từ 9 đến 10m, băng chừa rộng 12m.
– Với các đối tượng trồng rừng có chiều cao trung bình của tầng cây cao trên 15m chiều rộng của băng trồng phải được phát rộng hơn qui định nêu trên để tán của tầng cây cao không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây Giổi xanh trong băng trồng.
– Xử lý thực bì: Trên băng trồng thực bì được phát sạch đến gốc sau đó dọn ra hai bên chỉ để lại cây tái sinh và cây gỗ kinh tế, chặt bỏ hay ken chết các cây không phải là cây kinh tế có đường kính trên 10cm.
– Cuốc hố: Trên mỗi rạch cuốc 1 hàng hố, trên mỗi băng cuốc từ 2 hàng trở lên với cự li hố cách hố 3m, trên mỗi hàng hố được bố trí theo hình nanh sấu. Trong trường hợp hố trồng trùng với 1 cây tái sinh được để lại hay cây có D>10cm thì không cuốc hố đó. Hố ngoài cùng phải cách mép của băng chừa tối thiểu 2m. Hố có kích thước 40x40x40 cm, cuốc hố trước khi trồng 1 tháng, lấp hố 10-15 ngày trước khi trồng.
– Mật độ trồng
– Mật độ trồng từ 250 cây đến 400 cây/ ha, cự ly tương ứng là từ 8 x 5 m đến 5 x 5 m
2.Trồng làm giàu rừng theo đám.
– Đối tượng : Đám trống có diện tích nhỏ nhất từ 200m2 trở lên trong rừng nghèo kiệt hay rừng non phục hồi.
– Xử lý thực bì : Trong các đám trống thực bì được phát sát đến gốc, băm nhỏ, dọn ra ngoài, chặt bỏ hoặc ken chết cây không phải là cây kinh tế có đường kính trên 10 cm, chừa lại cây tái sinh. Đám rừng xung quanh lỗ trống phải chặt bỏ dây leo, hoặc xử lý tán cây lớn có ảnh hưởng đến cây trồng trong đám.
– Cuốc hố: Lấy tâm điểm của đám trống để cuốc hố, trong đám trống hố được bố trí cách đều nhau với cự li 3×3 m, hố ngoài cùng phải cách bìa đám trống tối thiểu là 2m. Kích thước, thời gian cuốc và lấp hố qui định như trồng rừng theo băng, rạch nêu trên.
– Mật độ trồng: Tuỳ theo diện tích để xác định số cây trồng rừng trong một đám
7.2. Trồng rừng theo phương thức trồng toàn diện hỗn loài ( trồng tập trung).
– Đối tượng: Đất trống (đất rừng sau khai thác hay các loại đất trống khác theo qui định tại mục 2.3).
– Phương thức trồng: Trồng hỗn loài giữa Giổi xanh với các loài cây khác: Sao, Dầu, Giáng hương, Cà te, Re gừng, Trám, các loài cây bản địa khác hay các loài Keo.
– Phương pháp trồng: Trồng bằng cây con, hỗn loài giữa Giổi xanh với các loài cây khác theo 2 phương pháp sau:
Trồng 1 hàng Giổi xanh xen kẽ với 1 hàng cây khác
Trên mỗi hàng trồng xen 1 cây Giổi xanh với 1 cây khác
– Thiết kế rạch: Nơi tương đối bằng phẳng, rạch trồng theo hướng Đông Tây, nơi có độ dốc trên 15o thiết kế rạch trồng theo đường đồng mức, rạch trồng rộng 4 m, rạch chừa rộng 3m.
– Xử lý thực bì : Trên rạch trồng thực bì được phát sạch, băm vụn, dọn sạch ra khỏi rạch trồng, trên rạch chừa dây leo, bụi rậm được băm vụn sau đó rải đều trên rạch chừa. Với các địa hình dốc cần giữ lại lớp cây bụi ,thảm tươi trên rạch chừa
– Cuốc hố: Kích thước, thời gian cuốc và lấp hố theo qui định như ở các phương pháp trồng theo băng, rạch nêu trên
– Mật độ trồng:
.Trồng 1 hàng Giổi xanh xen 1 hàng cây khác: Mật độ trồng từ 450 đến 500 cây/ha. Cự ly: cây cách cây 3 x 3 m
.Trồng 1 cây Giổi xanh xen 1 cây khác trên 1 hàng: Mật độ trồng 450 – 500 cây/ha. Cự ly: cây cách cây 3 x 3 m
7.3. Kỹ thuật trồng: Trên mỗi rạch trồng 1 hàng cây, mỗi hố trồng 1 cây Giổi hay cây khác vào chính giữa hố, xé vỏ bầu trước khi trồng, không làm vỡ bầu, đặt cây thẳng giữa hố, lấp đất đầy mặt hố, nén chặt xung quanh bầu, vun lớp đất mặt xung quanh cao hơn cổ rễ 3-5cm.
7.4. Thời vụ trồng:
Các tỉnh miền Bắc trồng vào vụ xuân (tháng 2 – 3) muộn nhất đến 15/4 hay vụ thu (tháng 7- 8) miền Trung trồng vào tháng 10-11, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trồng vào tháng 5-7 hàng năm.
7.5. Trồng dặm:
Sau khi trồng 1 tháng kiểm tra hiện trường để trồng dặm các cây chết. Sau 3 tháng tiến hành nghiệm thu tỷ lệ sống trên 85% đạt yêu cầu
8. CHĂM SÓC RỪNG TRỒNG
Rừng trồng được chăm sóc trong 5 năm liền, kể cả những cây tái sinh có giá trị được giữ lại.
+ Năm thứ nhất: Chăm sóc 1- 2 lần
– Nếu trồng vụ xuân chăm sóc 2 lần vào trước mùa mưa và cuối mùa khô.
– Nếu trồng vụ thu chăm sóc 1 lần vào cuối mùa khô.
– Kỹ thuật chăm sóc: Phát quang thực bì, dây leo, cỏ dại xâm lấn cây mới trồng, làm cỏ xới gốc với đường kính 1m xung quanh gốc cây mới trồng. Khi chăm sóc cần chăm sóc, bảo vệ các cây tái sinh là cây gỗ có giá trị kinh tế.
+ Năm thứ hai: Chăm sóc 3 lần:
– Lần 1: Phát giây leo, bụi rậm, cành cây ở rạch chừa xâm lấn cây trồng vào đầu mùa xuân
– Lần 2 : Làm cỏ, vun xới gốc với đường kính 1m xung quanh gốc, kết hợp bón phân NPK với liều lượng 200g/cây hay phân chuồng hoai 2kg/ cây vào đầu mùa mưa.
– Lần 3: Phát quang thực bì dây leo, cây bụi xâm lấn cây trồng vào cuối mùa khô.
+ Năm thứ ba : Chăm sóc 2 lần
– Lần 1: Phát thực bì, dây leo cây bụi xâm lấn cây trồng vào đầu mùa xuân
– Lần 2: Phát thực bì, dây leo , vun xới gốc, kết hợp xử lý tán cây ở rạch chừa có ảnh hưởng đến cây trồng vào đầu mùa mưa.
+ Năm thứ tư và thứ năm: Chăm sóc 1 lần, nội dung chăm sóc như năm thứ 3
+ Điều chỉnh mật độ và tán cây khác:
– Với phương thức trồng rừng theo băng, rạch hay theo đám từ năm thứ 2 trở đi phải xử lý cành nhánh của cây cao ở băng chừa có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
– Với phương thức trồng rừng toàn diện kết hợp với các loài keo sau khi trồng 2-3 năm khi thấy tán keo bắt đầu ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây Giổi xanh cần phải điều chỉnh mật độ và tán keo trên nguyên tắc không để tán keo ảnh hưởng đến sinh trưởng của Giổi xanh trên băng trồng.
9. QUẢN LÝ, BẢO VỆ, NUÔI DƯỠNG RỪNG TRỒNG.
Sau từng công đoạn phải tiến hành nghiệm thu, lập hồ sơ quản lý theo qui định chung.
Mỗi khu rừng cần có biển bảo vệ trong đó qui định các nội dung bảo vệ, phòng chống cháy rừng và sự phá hoại của con người.
Trong quá trình kinh doanh cần chặt nuôi dưỡng rừng giổi:
+ Lần 1 :Vào năm thứ 7-8 khi cây giổi trong băng hay rạch đã khép tán tiến hành loại bỏ cây sinh trưởng kém, cây cong queo, sâu bệnh…phát luỗng dây leo, bụi rậm, chặt bỏ các cây trong băng chừa có tán chèn ép cây giổi trong băng hay rạch trồng, chú ý khi điều chỉnh mật độ không chặt 2 cây liền nhau.
+ Lần 2: Vào năm thứ 15-20. Tiếp tục điều chỉnh mật độ cây Giổi, mở tán rừng trên nguyên tắc không để tán cây giao nhau, tạo đầy đủ không gian cho cây Giổi sinh trưởng, phát triển.
+ Cường độ tỉa thưa mỗi lần cần điều tra để quyết định trên nguyên tắc không để cây giao tán và tạo điều kiện không gian dinh dưỡng tốt nhât cho cây Giổi xanh sinh trưởng, phát triển.
TIÊU CHUẨN NGÀNH 04TCN 130:2006 VỀ QUY PHẠM KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG GIỔI XANH DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 04TCN130:2006 | Ngày hiệu lực | 29/12/2006 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | 29/12/2006 |
Cơ quan ban hành |
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Tình trạng | Không xác định |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |